Thiên đường tuổi thơ

 

Lang đã về Làng Mai hai hôm rồi. Làng Mai mùa này tươi đẹp quá! Cây xanh, lá xanh và hoa thắm. Hoa cúc dại (daisy) nở khắp cả núi đồi. Mình mới đi xa có ba năm, mà Xóm Thượng có thật nhiều thay đổi. Nó đẹp hơn xưa. Xóm thượng có thêm một hồ sen lớn, thiền đường Nước Tĩnh vừa tu sửa lại lớn hơn, ấm cúng hơn. Xóm Thượng lại có thêm nhiều vườn hoa hồng và những con đường mòn uốn lượn quanh co. Phong cảnh thật là dễ thương! Lang cảm thấy hạnh phúc được trở về quê củ. Nơi đây là thiên đường tuổi thơ của Lang.

Sư Ông và đại chúng đang ở Đức. Mọi người muốn Lang bay thẳng qua Đức để thăm Sư Ông và tăng thân, nhưng Lang ưa về Làng Mai, vì nó có nhiều kỷ niệm đẹp đối với Lang. Từ từ, Lang sẽ gặp Sư Ông và mọi người sau.

Hiện giờ, Làng Mai có rất ít người, cho nên Lang cảm thấy thích cái không khí yên tĩnh, vắng người. Cây Linh Đan đang nở hoa thơm ngát. Chiều qua là ngày đầu tiên, Lang trở lại Làng sau nhiều năm đi xa. Việc đầu tiên là Lang đến ngồi trên chiếc đu treo ở dưới cây Linh Đan để đong đưa như hai mươi năm trước sư chú Thạch Lang đã từng đong đưa trong gió giữa ánh nắng ban mai trên chiếc đu ấy. Hoa Ty Dơn thơm ngào ngạt quyến rủ rất nhiều con ong, con bướm đủ các màu sắc bay về vui chơi, reo cười, đùa giởn tạo thành một khúc ca hòa tấu hùng vĩ.

–         Chào các bạn ong và các bạn bướm. Các bạn tấu khúc sao mà hào hùng thế! Cám ơn các bạn!

Lang đã tìm thấy thiên đường tuổi thơ. Ở đây, cái gì cũng mang đầy kỷ niệm đẹp của thời làm Sa Di. Đi tới đâu, Lang cũng cảm thấy yêu thương nơi ấy nghê! Lang thương từng ngọn lá, từng cành cây, từng tảng đá…

Bạn trẻ thân mến! Thế nào trong đời bạn cũng có một thiên đường như thế. Nó có thể là quê hương của bạn, con sông, bãi cát, đồi dương… Cõi bình minh hồn nhiên và thiên đường vô tư ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn của bạn. Nó vẫn sáng ngời nơi trái tim mỗi người. Nó là thiên đường, là cánh đồng tâm linh có hoa lá xanh tươi, chim ca thông hát, có mây trắng trời xanh, vùng kỷ niệm tuổi thơ, và nó vắng bóng của suy tư, lo lắng, mơ tưởng hảo huyền. Nó vắng các chất liệu đam mê, vướng mắc và ham muốn. Bạn có muốn trở về cõi thiên đường ấy không? Nếu muốn, bạn thử thở vài hơi thở cho tâm hồn an ổn, mở rộng tấm lòng ra, không suy tư, không tính toán, không mong cầu gì cả. Bạn chỉ có mặt trong hiện tại. Hãy để tâm hồn các bạn cảm nhận sự sống, tiếp xúc với sự sống thì thế nào thiên đường sẽ hiển lộ.

Hôm nay rảnh rổi, Lang muốn chia sẻ một vài thực tập với bạn. Mình chia sẻ kinh nghiệm của chính mình, mà đồng thời, nó cũng là kinh nghiệm của bao nhiêu bạn trẻ khác, bởi thế mình dùng chữ “chúng mình” để nói lên một tâm sự chung.

Bạn có biết hay không? Chúng mình là những đứa con thất lạc (the lost children) của mẹ đất. Hằng ngày, chúng mình đi mà tâm hồn cứ bay bỗng vào hư không. Chúng mình dễ đánh mất trong lo âu, suy nghĩ, tính toán hoặc vướng mắc vào khổ đau, buồn tủi. Chúng mình thường đi bằng cái đầu, mà không đi bằng đôi chân. Do thế, chúng mình bị thất lạc (We are lost). Tâm hồn cứ trôi dạt lênh đênh trong nhiều đối tượng. Từ đó, chúng mình luôn có cảm giác bơ vơ, cô đơn, thiếu thốn và lạc loài. Bởi vì thất lạc, chúng mình không trở về được với chính mình và không cảm nhận, cảm giác được năng lượng bình an của đất mẹ, không nghe được tiếng gọi thiết tha của đất mẹ: “Về đi con, về với mẹ, về với con, về với sự sống.”  Đi mà lưu lạc, lưu vong như thế thì ngồi, ăn, uống, nói, cười và sống cũng thất lạc, lưu vong mà thôi, tức là tâm hồn bị thất lạc (lost), tâm hồn bị phóng thể (alienate). Chúng mình trở thành con ngợm ngợm (a zombie), thành người hành tinh (alien) trên trái đất thân yêu này. Sự sống của chúng mình không có trọn vẹn thật sự mà cứ mờ mờ, ảo ảo. Thân thể ở đây mà tâm hồn đã lưu lạc ở nơi khác, cho nên chúng mình ăn không biết ngon, uống không biết ngọt, đi trong căng thẳng, sống trong lo âu, ngồi trong bất an, ngủ trong ác mộng. ..

Những bài thơ dưới đây có thể nói lên một phần nào tâm trạng của chúng mình.

 

Quê nhà xa lắc xa lơ đó,

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.

Tâm giao mấy độ kẻ thì phương Bắc,

Ly tán vì cơn gió bụi này.

Ngươi ơi buồn lắm mà không khóc,…

…Ngày mai ra sao rồi sẽ hay.

Ngày mai- có nghĩa gì đâu nhỉ?..

…Ta đi nhưng biết về đâu chứ?

Đã dấy phong yên khắp bốn trời.

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,

Uống say mà gọi thế nhân ơi!.. (Nguyễn Bính)

 

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng

Mắt theo hình sắc, mũi theo hương

Lang thang làm kiếp phong trần mãi

Ngày hết quê xa vạn dặm trường. (Trần Thái Tông)

 

…Về đi lữ khách đường xa lắm

Cát bụi sầu thương đã vướng nhiều. (Vô Danh)

 

 

Bạn trẻ thân mến! Đôi khi, chúng mình không bị thất lạc, nhưng chúng mình lại đi vòng quanh, tức là tâm hồn cứ luẩn quẩn, loanh quanh trong cuộc sống. Chúng mình hết buồn chán đến cô đơn, hết nhớ nhung tới thương tiếc, hết vui tươi lại tủi hờn, hết thương rồi tới ghét. Chúng mình mở nhạc, xem phim, lên mạng, lên xe chạy, đi thẩn thờ, ngồi mơ mộng, mong cầu, mơ ước, tính toán, vui vui, buồn buồn…

 

Mời các bạn đọc bài thơ “đi vòng quanh” nhé.

 

“Này người đang đi vòng quanh

Hãy dừng lại

Anh đi như thế để làm gì?

Tôi không thể không đi

Và vì tôi không biết đi đâu

Nên tôi đi vòng quanh.

Này người đang đi vòng quanh

Anh hãy chấm dứt việc đi quanh.

Nhưng nếu tôi chấm dứt việc đi

Thì tôi cũng chấm dứt tôi.

Này người đang đi vòng quanh

Anh không phải là sự  đi quanh

Anh có thể đi

Nhưng không cần đi quanh.

Tôi có thể đi đâu?

Anh hãy đi tìm anh

Anh hãy đi tìm người thương.’’

 

Cái gì thúc đẩy chúng mình đi vòng quanh. Đó là tập khí lăng xăng, thói quen lật đật. Tập khí như con ngựa hoang; nó đưa chúng mình đi, và chúng mình không có chủ quyền một tí nào cả. Chúng mình ngoan ngoãn chạy theo con ngựa ấy. Nhớ lại câu chuyện rất vui về con ngựa mà Sư Ông thường hay kể. “Có một người cỡi ngựa thật nhanh. Con ngựa phi như bay. Và có một người khác đang đứng bên đường. Khi con ngựa phi ngang, người đứng bên đường hỏi: “Anh chạy đi đâu mà nhanh thế?” Nguời ngồi trên ngựa trả lời: “Tôi không biết! Anh hãy hỏi con ngựa.””

Đi vòng quanh là những suy nghĩ lung tung. Tâm suy tư không ngừng nghỉ này, Bụt gọi là con khỉ. Nó cứ chuyền cành suy tư này đến suy tư nọ. Nó băn từ cánh rừng này qua cánh rừng nọ.

Đi vòng quanh là những mảnh vụn của những cuộc tình vu vơ. Đó là một mối tình tan vỡ, một cơn bệnh tương tư để lại nhiều nỗi đau da diết trong trái tim.

Đi vòng quanh là những ước mơ không thật tế. Đó là những tâm hồn cô độc, không biết đi về đâu. Trịnh Công Sơn có câu hát hay:

 

“…Ngày xưa lận đận

Không biết về đâu

Về đâu cuối ngõ?

Về đâu cuối trời?…”

“Hãy cứ vui chơi cuộc đời,

Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau…”

 

Chúng mình cứ lên đường đi tìm hạnh phúc. Chúng mình cứ phóng xe chạy như điên, vì không biết đi đâu. Chúng mình muốn đi trốn khổ đau, sợ trống vắng, sợ yên tĩnh. Chúng mình gọi điện thoại liên tục, nói chuyện huyên thuyên, không dừng lại được, bởi vì chúng mình cảm thấy cô đơn. Có khi không biết làm gì, chúng mình đi tìm những trò giải trí (entertainment) như âm nhạc, lên mạng, xem phim… Càng đi tìm hạnh phúc ở cuối ngõ, cuối trời, chúng mình càng cảm thấy mệt nhoài, chán nản, nhất là khí hậu nóng nảy, đường xá buị bặm, xe cộ đông ngịt ở các thành phố.

Bạn trẻ thân mến! Chúng mình nên dừng lại sự đi vòng quanh. Hãy đi tìm chính mình, hãy trở về tiếp xúc với đất mẹ. Chúng mình phải đi con đường thực tế, mà đừng mơ tưởng tới việc giải thoát, giác ngộ xa vời đâu đâu. Trong khi đó, tâm tư cứ bay bỗng trong hư không của mơ ước, tư duy, lo lắng. Không ai đem lại hạnh phúc cho mình. Không ai cho mình nụ cười. Không ai có thể thương yêu mình. Không ai cho mình bình yên. Chúng mình phải trở về để sống hạnh phúc, nở được nụ cười mà thương yêu chính mình ngay bây giờ và ở đây. Giây phút này là hạnh phúc. Ngay đây là quê hương. Mẹ đất là nơi trở về của đứa con lưu lạc.

Con đường trở về ấy là mỗi bước chân. Bước chân, à sao quen quá, thế nhưng chúng mình vẫn cứ bỏ quên nó để tâm ý trôi bềnh bồng như mây trôi bèo dạt. Chúng mình để ý tới từng bước chân như lần đầu tiên được mẹ tập cho chúng mình đi. Bước chân ấy sao mà đầy cẩn trọng, nhiều chú tâm đến thế.  Hãy đi bằng hai bàn chân, chú ý tới sự xúc chạm giữa lòng bàn chân và mặt đất. Hồi ở chùa Đình Quán, Lang đã đi chân không cùng với các bạn Thảo, Thoa, Hoàng, Linh…. để trở về tiếp xúc với đất mẹ. Nhờ đi chân không nên cái cảm giác mát mẻ, yêu thương, tươi tỉnh của đất mẹ hiện về rất rõ trong hai bàn chân. Nắng mai hãy thử đi bằng hai bàn chân không để xem như thế nào.

Con đường trở về ấy là hơi thở. Hơi thở, ôi biết rồi, thế nhưng chúng mình vẫn thường quên để ý tới nó để cho tập khí lôi đi như con trâu kéo cái cầy. Chúng mình là cái cầy. Tập khí là con trâu. Chúng mình không muốn đi, muốn nghỉ ngơi, muốn ở yên, thế mà con trâu cứ lôi chúng mình đi. Nó bảo mở nhạc thì chúng mình phải bấm nút “play”. Nó bảo lên mạng thì chúng mình ngoan ngoãn nghe theo nó… Thật là tội nghiệp. Vì thế, đi đâu chúng mình cũng nhớ tới hơi thở. Hơi thở là dụng cụ trở về với sự sống dễ dàng nhất. Bởi vì, khi chú ý tới hơi thở, chúng mình làm ngưng lại những hoạt động khác của thân thể và tâm ý. Bao nhiêu suy nghĩ đều dừng lại, bao nhiêu lo âu đều tan biến… Bí quyết là chú ý ở bụng nơi huyệt đan điền. Nơi ấy xa lìa trung khu thần kinh, cho nên chúng mình thoát khỏi sự căng thẳng, sự kích thích của suy tính, lo âu, cảm xúc.

Con đường trở về ấy là cái cảm giác từ con tim, từ tâm hồn trong sáng. Chúng mình hãy dùng cái tâm hồn nhiên để sống. Tiếp xúc với sự sống bằng sự nhạy cảm, cái sắc bén với chút kinh ngạc, ngỡ ngàng giống như lần đầu tiên mới biết yêu thương. Cái nhìn sao trong sáng, mới mẻ mà ngây thơ. Ồ! Bông hoa đẹp lạ quá! Cảnh hoàng hôn này sao mà rực rỡ…

Con đường trở về ấy là thái độ (attitude) sống đối với chính mình và cuộc đời. Thái độ tiêu cực sẽ làm cho chúng mình đau khổ, chán nản. Thái độ tích cực làm cho chúng mình hạnh phúc, yêu đời. Thái độ cởi mở, tha thứ, hòa nhã, nhẹ nhàng, thương yêu sẽ làm cho chúng mình hạnh phúc. Ồ! Chị ấy dễ thương quá! Sao em vô tư trong sáng ghê! Sự sống đẹp quá. Cuộc đời yêu thương kỳ lạ… Ngược lại, thái độ cố chấp, hẹp hòi, bất hòa, nặng nề, thù ghét sẽ làm cho chúng mình đau khổ. Đời chán quá! Không có gì vui cả…

Con đường trở về ấy là bản tâm tự nhiên (natural mind). Cái tâm này là tâm không phán xét, không phân biệt, không chê trách, không suy tính. Nhìn cái gì, nhìn người nào, nó cũng vô tư dễ đưa tới sự thông cảm, nhẹ nhàng. Nghe lời nói mà nó không có chút xíu gì lên án hay trách móc. Cái tâm này bao la rộng lớn như không gian vô tận. Nó độ lượng như đất mẹ thân yêu có thể chấp nhận mọi thứ rác rến mà con người đổ vào.

Chúng mình hãy đi tìm chính mình, mà đừng mong chờ một hình bóng nào khác, dù người ấy là Bụt, là Thầy… Tình thương có sẵn trong trái tim của mỗi người. Hãy nghe lời anh Sơn: “Trái tim cho ta nơi về nương náu”, bởi vì trong trái tim ấy có tình thương. Hãy thức dậy đi (wake up), thì thế nào chúng mình cũng nắm trọn sự sống, tiếp xúc được với sự sống, mà sự sống có đầy ắp thương yêu và hạnh phúc. Bông hoa đang thương chúng mình bằng sự tươi đẹp của nó, không khí đang thương chúng mình từ nơi những hạt dưỡng khí trong lành, dòng sông đang thương chúng mình trong từng ly nước ngọt ngào, mặt trời đang thương chúng mình trong hương thơm, vị ngọt của thức ăn…. Chúng mình đâu có thiếu tình thương mà đi tìm. Càng đi tìm, càng dễ thất vọng, bởi vì lo đi tìm ngược xuôi cho nên chúng mình đánh mất sự sống, mà tình thương là sự sống.

Sống dậy trong từng giây phút, chúng mình chắc chắn sẽ nếm được vị ngọt ngào của yêu thương. Vì thế, hai câu cuối của bài thơ là: “Anh hãy đi tìm anh, anh hãy đi tìm người thương”. Nắng mai cũng là người thương, gió mát cũng là người thương, bông hoa cũng là người thương…  Người thương có mặt cùng khắp. Có tình thương trong lòng, chúng mình hết lưu vong.

Chúc bạn thành công trong cuộc trở về tìm lại chính mình.