Việt Nam Phật giáo sử luận

Chương 36 : Thế đứng của Phật giáo Việt Nam

THÁI ĐỘ BẤT HỢP TÁC CỦA PHẬT GIÁO VÀ ĐẠO DỤ SỐ 10

Từ sau khi các mặt trận chống Pháp tại các thành phố bị tan vỡ, đất nước được đặt dưới hai vùng kiểm soát: Vùng giải phóng được kiểm soát bởi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vùng tạm chiếm được kiểm soát bởi quân đội Pháp và chính quyền “bù nhìn” do Pháp dựng lên. Chính quyền đầu tiên của vùng Pháp kiểm soát là chính quyền Nguyễn Văn Xuân thành lập vào tháng Năm năm 1948 tại Sài Gòn. Chính quyền này liên lạc với cựu hoàng Bảo Đại tại Hương Cảng. Cựu hoàng về nước ngày 2.7.1949 với danh hiệu Quốc trưởng Việt Nam. Trước đó ông đã ký kết với Tổng thống Pháp Vincent Auriol ngày 8.3.1949 một thỏa hiệp về “nguyên tắc độc lập thống nhất”, đặt Việt Nam vào trong khối Liên hiệp Pháp. Các chính phủ Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bửu Lộc và Ngô Đình Diệm tiếp nối nhau cai trị vùng “quốc gia” dưới quyền của Quốc trưởng Bảo Đại, cho đến khi Hiệp định Genève năm 1954 chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam Bắc.

Tại vùng giải phóng tức là ở các chiến khu, mọi hoạt động đều được hướng về mục tiêu kháng chiến và sản xuất để nuôi dưỡng kháng chiến cho nên sinh hoạt tôn giáo đã được hạn chế tới mức tối thiểu. Tuy bất bình với chính sách hạn chế tôn giáo của chính quyền cách mạng, giới Phật tử vẫn hết lòng phục vụ kháng chiến, nghĩ rằng một ngày mai khi đã đánh đuổi hết giặc Pháp về nước, mình sẽ tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng của mình cũng chưa muộn.

Tại các vùng tạm chiếm mà sau này được gọi là vùng quốc gia, giới Phật tử có nhiều tâm lực hơn để hoạt động Phật sự. Mọi người có ý thức rất rõ về cuộc kháng chiến chống Pháp đang tiếp diễn trên mọi nẻo đường đất nước và tâm hồn họ nồng nhiệt hướng về cuộc kháng chiến đó. Bằng mọi phương thế, họ tìm cách liên lạc, gia nhập và ủng hộ phong trào kháng chiến. Sau khi hồi cư, nhiều thanh niên lại bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, tìm lên chiến khu, tìm về miền giải phóng. Những người khác ở lại vùng Pháp kiểm soát và âm thầm hoạt động cho kháng chiến. Trong một chương trước ta đã thấy rằng trong giới tăng sĩ cũng có nhiều người bí mật hoạt động cho kháng chiến và nhiều vị đã chết dưới mũi súng của người Pháp hoặc những kẻ làm tay sai cho Pháp.

Những tang thương do chiến tranh gây nên và nhất là những thủ đoạn tàn ác của quân đội viễn chinh Pháp đã làm cho người Phật tử quyết tâm đứng hẳn về phía kháng chiến […].

Tuy nhiên, tại vùng thực dân tạm chiếm, số người làm tay sai cho Pháp trong việc dò xét và tố cáo đồng bào không phải là ít. Có những kẻ chuyên môn đưa Mật thám Pháp tới các xóm làng hoặc khu phố để nhận diện những người hoạt động cho kháng chiến. Họ được Mật thám Pháp trùm lên đầu một chiếc bao bố có chừa hai lỗ thủng để nhìn. Những người dân nào bị bao bố gật đầu đều bị mang về bót. Tất cả những hành động liên lạc, ủng hộ hoặc hoạt động bí mật cho kháng chiến một khi bị khám phá đều đưa người ta đến tù đày, tra tấn hoặc thủ tiêu. Nhưng tất cả những hình phạt đó đã không ngăn được lòng yêu nước. Chính con cháu của những người làm mật thám cho Pháp cũng hoạt động cho kháng chiến. Những thanh niên này, một khi bị bắt, thường được cha mẹ can thiệp với Pháp để thả ra. Để con cháu mình đừng hoạt động cho kháng chiến nữa, những người này thường vận động để cho chúng được đi ra nước ngoài du học.

Như ta đã thấy ở một chương trước, sau khi hồi cư, đồng bào đi chùa rất đông. Tại chùa, họ tìm được niềm an ủi sau bao nhiêu biến động đổ vỡ, sau bao nhiêu điêu linh, tàn phá, tang tóc và chia ly. Sinh hoạt tôn giáo là một nhu cầu lớn của quần chúng. Chùa là nơi thích hợp và an toàn nhất để người ta gặp nhau, khóc kể với nhau, an ủi lẫn nhau và cùng nhau cầu nguyện. Các hội Phật giáo bắt đầu sinh hoạt trở lại. Thực dân Pháp nghĩ rằng thà rằng để cho người ta bỏ thì giờ vào việc tôn giáo tín ngưỡng còn hơn là để họ có thì giờ liên lạc và hoạt động kháng chiến. Về phía những người Phật tử, không khí sinh hoạt Phật tử là không khí gần gũi nhất với tình tự dân tộc và trở về chùa cũng như là trở về với lập trường dân tộc. Đứng về phương diện tổ chức, cố nhiên các chùa và các hội không có liên hệ gì với kháng chiến, nhưng đứng về phương diện tình cảm và xu hướng, ai cũng biết rằng chùa không dính líu mảy may nào với thực dân và với những lực lượng tay sai của thực dân, trái lại, còn có những liên hệ tình cảm nồng hậu đối với cuộc kháng chiến của dân tộc. Bằng cớ là sự tham dự với tư cách cá nhân của những thành phần tăng sĩ và cư sĩ, già cũng như trẻ, trai cũng như gái, vào cuộc kháng chiến.

Thực dân Pháp biết rõ điều đó và những người tay sai của họ cũng biết rõ điều đó, cho nên chính quyền vùng Pháp kiểm soát luôn luôn gài mật thám vào các tổ chức Phật giáo để dò xét. Không có tỉnh hội Phật học nào mà không có ít ra là một nhân viên mật thám xen vào trong ban trị sự. Các tổ chức Phật giáo, tuy vậy, vẫn từ từ xây dựng được cơ sở của mình, vì trên mặt hình thức, lập trường “không chính trị” được họ tôn trọng một cách tuyệt đối và không bao giờ trong một phiên họp của ban trị sự tỉnh hoặc của tổng trị sự miền mà một vấn đề chính trị được đem ra thảo luận.

Lập trường “không chính trị” của các hội Phật giáo lại còn giúp cho người Phật tử Việt Nam thoát được áp lực của chính quyền luôn luôn muốn họ đứng về phía chống lại kháng chiến và tuyên bố chống lại kháng chiến. Thực dân Pháp cũng biết rõ điều này. Không kiểm soát được lực lượng Phật tử về mặt tình cảm và xu hướng, họ tìm cách kiểm soát Phật tử về mặt tổ chức. Đạo dụ số 10 do thực dân ép Bảo Đại ký năm 1950 là một trong biện pháp họ đặt ra để kiểm soát các hội Phật giáo trong nước.

Đạo dụ số 10 đặt các tổ chức tôn giáo vào thể chế các hiệp hội thông thường. Điều thứ 7 của Đạo dụ này nói rằng chính quyền “có quyền bác khước đi, không cho lập hội mà không phải nói lý do” và giấp phép lập hội dù đã được cấp, cũng có thể bãi đi, nếu chính quyền xét rằng vì “lẽ trị an” cần phải làm như vậy. Điều thứ 12 cho phép bất cứ nhân viên nào của hành pháp và tư pháp cũng có quyền xét hỏi và kiểm soát cơ sở, hồ sơ và nội tình của các tôn giáo. Cấp lãnh đạo của tôn giáo, theo đạo luật này, cũng phải được do đại hội đồng bầu cử. Tuy nhiên, các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô không bị đặt vào trong thể chế các hiệp hội. Điều thứ 44 của đạo dụ nói rằng một “chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô” sẽ được quy định và ban hành.

Đạo dụ nói trên đã kiến tạo nên rất nhiều bất mãn trong giới Phật giáo, Cao Đài và Hòa Hảo đối với chính quyền Bảo Đại. Người ta thấy rõ dụng ý của thực dân Pháp và chính quyền thân Pháp: Chỉ có thể tin tưởng vào sự trung thành của giáo dân Cơ Đốc giáo đối với việc chống Việt Minh mà không thể tin tưởng vào những tổ chức tôn giáo khác, nhất là Phật giáo, dù rằng trong số đồng bào Công giáo vẫn có phần tử hết lòng tham gia kháng chiến. Sự đối xử kỳ thị của chính quyền thân Pháp đã đào sâu thêm hố chia rẽ vốn đã có sẵn giữa người Phật giáo và người Công giáo: Người Phật tử, từ ngày đất nước bị đặt dưới quyền đô hộ của người Pháp, đã thấy rằng Giáo hội Công giáo được người thực dân đặc biệt nâng đỡ và đã chiếm được địa vị ưu thắng trong xã hội.

Trong suốt thời gian kháng chiến, nhiều thanh niên bị cảnh sát Pháp bắt giữ vì tội tham dự kháng chiến đã được thả về khi có một vị linh mục Pháp đứng ra bảo lãnh. Có nhiều bà mẹ vì vậy đã chịu theo đạo Công giáo để có thể đến nhờ vị linh mục bảo lãnh cho con mình được tự do.

Không lợi dụng được các đoàn thể Phật giáo để chống lại kháng chiến, thực dân Pháp và chính quyền Bảo Đại đã âm mưu thành lập những tổ chức Phật giáo thân chính quyền như tổ chức Phật giáo Thuyền Lữ ở miền Trung và tổ chức Phật giáo Cổ Sơn Môn ở miền Nam. Những tổ chức này tuy được chính quyền nâng đỡ vẫn không phát triển được vì không có quần chúng và cũng vì không có người có thực tài lãnh đạo.

PHẬT TỬ BỊ CHÈN ÉP VÀ KỲ THỊ

Trong thời gian 1945 – 1954, ta có thể nói rằng đại đa số Phật tử Việt Nam đứng về hàng ngũ kháng chiến chống Pháp. Nói như vậy không có nghĩa là trong thời gian đó người Phật tử Việt Nam nào cũng chấp nhận ý thức hệ Mác-xít và không thấy được hành động chèn ép của không ít người vô thần cực đoan đối với Phật giáo. Sự thực khác hẳn. Từ những năm 1945 và 1946, người Phật tử đã bắt đầu đụng chạm với thái độ và hành động chèn ép Phật giáo của những người vô thần cực đoan và trong suốt thời gian kháng chiến, nhiều Phật tử, tăng sĩ cũng như cư sĩ, đã trở thành nạn nhân của những chèn ép. Nhiều lãnh đạo Phật giáo trong các vùng kháng chiến bị chính quyền phong tỏa và cô lập hóa: Cư sĩ Thiều Chửu ở chiến khu Phú Thọ, tăng sĩ Thích Mật Thể và Thích Tuệ Chiếu ở chiến khu Thanh Nghệ Tĩnh, tăng sĩ Thích Huyền Quang tại chiến khu Bình Phú, v.v… là những trường hợp điển hình nhất. Tuy nhiên, trong tình trạng quốc gia lâm nguy, đa phần Phật tử đã nén lòng chịu đựng để tiếp tục công cuộc chống Pháp. Họ chấp nhận sự chèn ép đó chỉ vì sự có mặt của quân đội viễn chinh Pháp trên đất nước họ. Tăng sĩ trẻ tuổi trong các chiến khu chấp nhận mặc áo thế gian để phục vụ kháng chiến. Thanh niên Phật tử đem hết tâm não và sức lực mình để xây dựng cơ sở kháng chiến. Hầu hết các đoàn viên của đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục đều có mặt tại vùng giải phóng.

ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM CHẤP CHÍNH

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng Năm năm 1954 là kết quả của nỗ lực phi thường của toàn dân Việt Nam, kể cả những người sống trong vùng Pháp kiểm soát. Chiến thắng này đã đưa tới thỏa hiệp Genève và sự rút khỏi Việt Nam sau này của quân đội viễn chinh Pháp. Nhưng Hiệp định Genève, ký ngày 20.7.1954, đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến.

Tại hội nghị Genève, phái đoàn Pháp do ông Mendès France đứng đầu đã tranh luận với phái đoàn Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng điều khiển. Quyền quyết định, tuy vậy không thuộc hai nước Pháp và Việt mà thuộc về bốn cường quốc có mặt tại hội nghị: Hoa Kỳ, Anh Cát Lợi, Liên Xô và Trung Hoa. Lúc này, thế giới đã chia làm hai khối: Khối Cộng sản và khối Tư bản, hoặc nói một cách khác: Khối “Xã hội chủ nghĩa” và khối “Dân chủ tự do”. Giải pháp dùng cho Việt Nam trước đó đã được dùng cho Đức quốc và Triều Tiên. Hiệp định Genève quy định thời gian rút quân của hai bên về phần đất dành cho mình, thời gian tập kết và di cư của những người muốn chọn lựa miền cư trú, việc phóng thích tù binh và thường dân bị giam giữ và việc tổ chức Ủy ban Quốc tế Giám sát Đình chiến.

Trước ngày ký kết Hiệp định Genève, dưới áp lực của người Hoa Kỳ, chính phủ Pháp và quốc trưởng Bảo Đại đã để cho ông Ngô Đình Diệm thay thế ông Bửu Lộc ở chức vị thủ tướng chính phủ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm chấp chính vào ngày 8.7.1954.

Sau ngày ký kết Hiệp định Genève, với sự yểm trợ của Hoa Kỳ, cùng những phương tiện vận chuyển của quân đội Pháp, ông đã tổ chức đưa một triệu dân di cư từ miền Bắc vào miền Nam. Số người Công giáo di cư lên tới hơn 700.000 người. Số còn lại là những người theo Phật giáo và các tôn giáo khác.

Thủ tướng Ngô Đình Diệm muốn liên hệ trực tiếp với Hoa Kỳ để xây dựng và bảo vệ miền Nam, cho nên đã không ngần ngại tổ chức truất phế quốc trưởng Bảo Đại và thoát ly sự kềm kẹp của thực dân Pháp. Ông đã thẳng tay đàn áp các lực lượng Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hảo khi các lực lượng này liên hiệp với nhau đòi hỏi ông cải tổ chính phủ để thực hiện “một chính quyền lành mạnh không có tính cách gia đình trị”. Ngày 26.10.1955, sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại, với tư cách Quốc trưởng, ông đứng lên tuyên bố thành lập nước Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam và đồng thời ban hành một bản Hiến Ước tạm thời. Điều thứ 2 của bản Hiến Ước định rằng “quốc trưởng đồng thời cũng là thủ tướng chính phủ, lấy danh hiệu là tổng thống Việt Nam Cộng hòa”. Rồi ông tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến và “đề nghị” với Quốc hội soạn thảo một bản hiến pháp căn cứ trên “căn bản Duy Linh” và “đường lối Nhân Vị[1].

Từ tháng Bảy năm 1954, Hoa Kỳ đã bắt đầu trực tiếp viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa, mà không còn qua trung gian người Pháp. Dựa vào sự quyết tâm ủng hộ miền Nam của Hoa Kỳ và trước sự thất thế của Pháp, ông Diệm có điều kiện để tỏ ra chống thực dân Pháp. Sự chống đối này không khó khăn gì và không gặp trở lực nào, nhưng đã đem lại cho chính quyền ông nhiều cảm tình, vì quần chúng từ lâu đã thù ghét quân đội viễn chinh Pháp. Từ tháng Chín năm 1954, các cơ sở như Tòa án Hỗn hợp Pháp – Việt, Công an Liên bang, Viện Phát hành Đông Dương và Viện Hối đoái Đông Dương đều được bãi bỏ. Hiệp định 29.12.1954 công nhận Việt Nam có quyền ấn định chính sách ngoại thương. Việt Nam nắm lấy quyền Quản lý Đại học. Hiệp định ngày 30.3.1956 quy định việc rút hết quân đội viễn chinh Pháp ra khỏi miền Nam. Đơn vị cuối cùng của đạo quân viễn chinh này rời khỏi đất nước người Việt vào những ngày cuối tháng Tư năm 1956.

CON ĐƯỜNG ĐỘC LẬP ĐỐI VỚI CÁC THẾ LỰC CHÍNH TRỊ TRANH CHẤP

Ta biết rằng Đại hội Phật giáo Toàn quốc kỳ II được triệu tập tại Sài Gòn ngày 1 tháng 4 năm 1956 và sau đó là trụ sở của Tổng hội được dời từ chùa Từ Đàm về chùa Ấn Quang. Đại hội này đánh dấu giai đoạn mà Phật giáo Việt Nam xác định một con đường độc lập và một lập trường độc lập với các thế lực chính trị tranh chấp.

Con đường ấy cũng như lập trường ấy không phải một sớm một chiều mà người Phật tử Việt Nam đã tìm thấy. Trái lại, đó là kết quả của bao nhiều kinh nghiệm và nhận định đúc kết lại trong hơn mười năm sống trong hoàn cảnh chiến tranh và tranh chấp. Như ta đã thấy trong chương trước, tập san Phật Giáo Việt Nam, cơ quan chính thức của Tổng hội đã phản chiếu được khá rõ ràng con đường đó, dù tờ báo nằm trong khuôn khổ của chế độ kiểm duyệt.

Lập trường của Phật Giáo Việt Nam lúc ấy có thể được trình bày qua nhận định của người Phật tử thời đại về tương lai của đạo Phật, của Dân tộc và của Hòa bình.

Tương Lai Của Đạo Phật. Thiết tha với nền độc lập quốc gia và khao khát xây dựng hòa bình, người Phật tử Việt Nam cũng đồng thời rất bận tâm về vấn đề tương lai của tôn giáo mình. Đứng trước sự đe dọa và sự tàn ác của quân đội viễn chinh Pháp, người Phật tử Việt Nam đã không ngần ngại đứng về phía các lực lượng kháng chiến. Những ai không tham dự trực tiếp hoặc gián tiếp vào kháng chiến thì ít ra cũng đứng về phía trung lập, nhất định không làm tay sai cho lực lượng chống kháng chiến. Lập trường dân tộc của họ rất rõ ràng […]. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Phật tử sống ở hai miền kiểm soát được gặp gỡ nhau […]. Cùng với sự rút lui của quân đội viễn chinh Pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Pháp được kết liễu, cuộc vận động thống nhất đất nước bắt đầu. Chính từ lúc này người Phật tử Việt Nam bắt đầu thấy rằng mình có thể có một con đường độc lập để phụng sự cho hòa bình và cho dân tộc. Phật tử miền Bắc ao ước rằng, sau khi tiếp thu trọn lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở đi, sẽ có một đường lối chính trị cởi mở đối với Phật giáo, sẽ xây dựng miền Bắc cho phồn thịnh để hiệp thương với miền Nam về vấn đề thống nhất lãnh thổ. Vì niềm hy vọng này mà các cây trụ chống lớn nhất của Phật giáo miền Bắc như các thiền sư Tuệ Tạng, Tố Liên, Trí Hải và Thái Hòa đều cương quyết ở lại miền Bắc cùng quần chúng Phật tử mà lâu nay họ đã lãnh đạo. So với số người đồng bào Công giáo của mình, số Phật tử di cư vào Nam chỉ bằng một phần sáu, trong đó có chừng bốn mươi tăng sĩ. […]

Phật tử miền Nam, trong lúc đó, cũng ao ước có thể duy trì các cơ sở Phật giáo đã xây dựng được trong quá khứ, đóng góp vào sự xây dựng một miền Nam trù phú, có no ấm và tự do để thực hiện thống nhất với miền Bắc trong một thế đứng mạnh, có thể bảo đảm được quyền tự do tôn giáo […].

Sự thực xảy ra là không những tại miền Bắc đạo Phật bị chèn ép mà cả trong Nam cũng vậy, dù phương thức chèn ép Phật giáo ở hai miền không giống nhau. Tại miền Nam, mà từ đây được gọi là Việt Nam Cộng hòa, tổng thống Ngô Đình Diệm dựa trên lực lượng của người Công giáo để chống Cộng và để xây dựng miền Nam, đặt miền Nam vào thế tiền đồn chống Cộng theo ước muốn của khối Tư bản chống Cộng. Thế đứng của Việt Nam Cộng hòa cũng như thế đứng của Nam Hàn hoặc Tây Đức và sự dựa lưng vào khối Tư bản là chuyện đương nhiên. Cả đến việc chủ nghĩa nhân vị duy linh rút cảm hứng từ giáo lý Kytô giáo và việc củng cố các lực lượng Công giáo trong mục tiêu chống Cộng cũng là chuyện đương nhiên, khi người ta biết tổng thống Ngô Đình Diệm và những người thân tín nhất của ông như tổng giám mục Ngô Đình Thục và ông cố vấn Ngô Đình Nhu là những người theo Công giáo. Nhưng chế độ miền Nam còn muốn đi xa hơn thế: Chính quyền miền Nam đã đè nén Phật giáo để đưa Giáo hội Công giáo lên địa vị độc tôn, đến nỗi những ai muốn có chân đứng trong chính quyền hoặc trong số những thành phần ưu đãi của xã hội đều phải theo Công giáo. Điều này ta sẽ thấy rõ trong chương tới. Sự chèn ép này đã được người Phật tử nhận thấy từ những năm đầu của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thiền sư Trí Quang, trong tạp chí Phật Giáo Việt Nam, đã than thở rằng chỉ ở những nước trung lập không liên kết thì Phật giáo mới được dễ thở, còn ở những nước như Việt Nam thì Phật giáo “không khỏi có vẻ lúng túng và chật vật”.[2] Ý của ông là ở miền Bắc thì đạo Phật bị người vô thần chèn ép, còn ở miền Nam thì lại bị người Công giáo đè nén.

Trong bài Hướng Đi Của Người Phật Tử Việt Nam, Dã Thảo xác định con đường của Phật tử là con đường trung đạo, chú trọng tới sự giác ngộ tự tánh hơn là sự giác ngộ quyền lợi, đặt niềm tin nơi con người chứ không đặt niềm tin ở những thế lực ngoài con người[3]. Nói như thế, ông khước từ một lượt chủ nghĩa duy vật ở miền Bắc và chủ nghĩa duy thần (hoặc duy linh) ở miền Nam.

Ý thức về tình trạng và vị thế của mình, Phật tử ở cả hai miền Nam Bắc đều nỗ lực để bảo vệ chỗ đứng của mình giữa các gọng kềm ý thức hệ.

Ước Vọng Về Hòa Bình. Mười năm chiến tranh đã đem lại bao nhiêu đổ vỡ tang tóc trên đầu người dân Việt. Nhận thức đó, cũng như bản chất từ bi sẵn có của đạo Phật đã đưa người Phật tử Việt Nam tới thái độ cương quyết từ khước chiến tranh và bạo động, dù là để đi tới thống nhất đất nước. Nhận định rằng trong thế tranh chấp của hai khối quốc tế, hai miền Nam Bắc Việt Nam có thể trở thành tuyến đầu của một cuộc chiến tranh thử sức của các cường quốc, Phật tử Việt Nam từ lúc đầu đã đặt hòa bình làm mục tiêu lớn nhất của mình.

Hòa bình, theo họ, không phải chỉ là kết quả của một thế quân bình lực lượng. Hòa bình chân thực, theo họ, phải: 1/ Phát xuất từ tâm niệm thực sự tôn trọng sự sống, 2/ Lấy tình thương làm động lực hành động; 3/ Vượt thắng tham vọng hận thù trong tự tâm; và 4/ Không cố chấp cuồng tín ở một ý thức hệ[4]. Hòa bình, theo họ “phải có tính cách thiêng liêng như là một tôn giáo thứ hai của mình”[5].

Ước vọng thầm kín của người Phật tử miền Nam là gì? Ước vọng ấy là phát triển cơ sở Phật giáo, đoàn kết thành một lực lượng dân tộc lớn để có thể đóng góp vào việc xây dựng một miền Nam phồn thịnh, giàu mạnh, có thể đứng vững vàng, để hiệp thương với miền Bắc mà đi đến sự thực hiện một nước Việt Nam Thống nhất, trung lập, thoát ra ngoài hai khối tranh chấp lớn và gia nhập vào khối các quốc gia trung lập không liên kết, trong đó có Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, tóm lại những nước mà trong đó Phật giáo được tự do phát triển. Ước vọng này hoàn toàn phù hợp với ước vọng của giới Phật tử ở các nước trong đó Phật giáo đã từng là viên đá nền tảng cho sự lập quốc. Bác sĩ Malalasekera, chủ tịch hội Thế giới Phật giáo Liên hữu (World Fellowship of Buddhists) trong đại hội đồng của hội năm 1950 tại Tích Lan, đã tuyên bố như sau: “Các nước Đông phương chúng ta đã tranh đấu để thoát khỏi ách nô lệ chính trị ngoại bang. Chúng ta phải ngăn chặn làn sóng duy vật bằng cách phục hưng nền tôn giáo cổ truyền của chúng ta. Hai ý thức hệ đang tranh chấp nhau trên thế giới ngày nay, đều được xây dựng trên hận thù. Các nước Phật giáo có nhiệm vụ phải tranh đấu để đem lại hòa bình và an lạc tại những địa phương mà các thế lực khác đã chứng tỏ sự thất bại. Chúng ta phải lấy hòa bình làm mục tiêu, và đưa nhân loại về với tinh thần bao dung của đức Phật”[6]. Ta có thể cho rằng ước vọng của Phật tử Việt Nam hơi xa vời, nhưng sự thực, đó là ước vọng chân thực nhất của họ.

Để thực hiện ước vọng này, công việc đầu tiên của họ là xây đắp đạo Phật cho bền vững. Bài ca dao “Tay bưng đĩa muối chấm gừng” của Tâm Kiên đã nói tỏ chủ định kia. Theo Tâm Kiên, hai miền Nam Bắc phải thương yêu lẫn nhau, tìm giải pháp hòa bình mà thống nhất, bởi vì “gà cùng một mẹ” không thể cùng đá đáp lẫn nhau[7].

Lập Trường Dân Tộc. Hai miền Nam Bắc đều tự cho mình có lập trường dân tộc. Đối với người Phật tử, lập trường dân tộc không thể tách rời khỏi văn hóa dân tộc. Một chủ nghĩa ngoại lai chủ trương lật ngược hết mọi truyền thống văn hóa dân tộc không thể là chân dung đích thực cho một lập trường dân tộc. Khắp nơi, người Phật tử nói tới sự liên hệ giữa đạo pháp và dân tộc, nhu yếu thu góp lại vốn cũ của văn hóa dân tộc để làm nền tảng cho sự tiếp thu những giá trị mới, để cho tinh thần Việt Nam không bao giờ mất gốc. Tạp chí Phật Giáo Việt Nam thường nhắc đến vai trò xây dựng văn hóa dân tộc từ các thời đại Đinh, Lê, Lý và Trần. Tạp chí này cũng nhấn mạnh đến thái độ cởi mở cần có của các đoàn thể tôn giáo và văn hóa trong nước để có thể dung hợp nhau mà xây dựng đất nước.

Tại miền Bắc, Phật tử Việt Nam đã làm hết sức mình, nhưng cũng không đạt được những thành tích nào đáng kể. Trái lại, cơ sở của Phật giáo càng ngày càng bị tiêu mòn. Tại miền Nam, tuy có sự chèn ép của chính quyền, Phật tử Việt Nam đã thực hiện được nhiều sự nghiệp đáng kể. Đó cũng là vì miền Nam thuộc khối Tư bản tự do, biên giới cởi mở, sự đè nén và đàn áp không thể thực hiện công khai trước mắt những quan sát viên quốc tế.

Ta sẽ lật tới một trang sử có thể gọi là kỳ diệu nhất của Phật giáo Việt Nam: Cuộc Vận Động Bất Bạo Động để lật đổ chính quyền độc tài của ông Ngô Đình Diệm.

 

[1] Thông điệp của tổng thống Ngô Đình Diệm gửi Quốc hội ngày 17.4.1956.

[2] “Phật giáo chưa có thời đại nào sống trong hoàn cảnh phức tạp như ngày nay. Cho dầu Phật giáo không tự động mà cũng không ai có thể dùng Phật giáo vào lực lượng chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng, nhưng do bản chất hòa bình thực sự mà trong thế giới ngày nay, ở các quốc gia thuộc khối trung lập thì Phật giáo có vẻ đắc địa, nhưng ở những xứ như nước chúng ta thì không khỏi có vẻ lúng túng và chật vật.” (Trí Quang, Tư Tưởng Hệ Phật Giáo Việt Nam số 1, Bính Thân, 1956)

[3] Phật Giáo Việt Nam số 1, Bính Thân, 1956.

[4] Đạo Phật và nền hòa bình thế giới, Phật Giáo Việt Nam số 28, tháng 4, Kỷ Hợi, 1959.

[5] Bài báo vừa dẫn.

[6] Hélène Tournaise: Livre Jaune Du Việt Nam, Perrin, 1965, trang 283.

[7] Phật Giáo Việt Nam số 2, Bính Thân, năm 1956. Đã được trích dẫn trong chương trước.