Chương 27: Thiền Sư Khánh Hòa và công cuộc vận động ở Nam kỳ
HỘI NAM KỲ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC
Công đầu của phong trào chấn hưng thuộc về thiền sư Khánh Hòa. Ông sinh năm 1877 tại làng Phú Lễ tỉnh Bến Tre, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Khải Tường. Sau đó ông được đưa về chùa Kim Cang ở Tân An và làm lễ thế độ với thiền sư Chánh Tâm. Năm năm sau, ông được đưa về chùa Long Triều và học Phật với thiền sư Đạt Thụy. Y chỉ sư đầu tiên của ông là thiền sư Chơn Tánh, trú trì chùa Tiên Linh ở Bến Tre. Sau khi đắc pháp ông được thiền sư Chơn Tánh ủy nhiệm công việc trú trì chùa Khải Tường. Khi thiền sư Chơn Tánh tịch, ông về làm trú trì chùa Long Phước. Năm 1907 ông về trú trì chùa Tiên Linh. Ông đắc pháp với thiền sư Đạt Thụy và có pháp hiệu là Như Trí. Ông rất có chí cầu học, hễ nghe ở đâu có bực cao tăng là tìm tới để thọ giáo. Năm hai mươi tám tuổi, trong kỳ kết hạ tại chùa Long Hoa ở quận Gò Vấp, Gia Định, ông được mời giảng kinh Kim Cang Chư Gia cho đại chúng. Đây là lần đầu ông làm giảng sư Phật học. Ông được các bậc tôn túc khen ngợi và từ đó tiếng tăm của ông được đồn xa.
Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ông phát sinh vào khoảng năm ông bốn mươi tuổi. Ông du hành khắp các tổ đình ở Nam Kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc. Ông liên kết được một số các vị cao tăng đồng chí, trong số đó có Huệ Quang, Pháp Hải và Khánh Anh, những người đã cộng tác chặt chẽ với ông trong suốt thời kỳ hoạt động của ông sau này. Năm 1923, trong một buổi họp của đại diện các tổ đình tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn của ông, một tổ chức tăng sĩ được thiết lập gọi là hội Lục hòa Liên hiệp với mục đích là vận động thành lập một hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo. Trong số những người cộng sự của ông, có một tăng sĩ trẻ đầy nhiệt huyết tên là Thiện Chiếu. Thiện Chiếu khác hẳn với hầu hết các tăng sĩ đương thời, vì ông là người tân học xuất gia. Năm 1927, Thiện Chiếu được ông gửi ra Bắc để vận động. Tại đây, Thiện Chiếu đã tiếp xúc với các tổ đình Linh Quang, Hồng Phúc, Tiên Lữ, v.v…, nhưng gặp nhiều trở ngại, cuộc vận động bất thành.
Sau mùa an cư tại Quy Nhơn, Khánh Hòa, ông trở về Nam đề nghị khởi xướng phong trào ở Nam Kỳ trước. Năm 1928 ông cùng ba vị tăng sĩ đồng chí là Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm lo tổ chức việc xây dựng Thích học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn đường Douaumont Saigon. Năm 1929, Khánh Hòa và Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ hữu tâm ở Trà Vinh gửi mua cho thư xã một bộ Tục Tạng Kinh gồm 750 tập và an trí tại chùa Linh Sơn. Năm 1929, Khánh Hòa cho ấn hành một tập san Phật học bằng quốc ngữ lấy tên là Pháp Âm. Pháp Âm đặt cơ sở tại chùa Xoài Hột Mỹ Tho, dựa trên sự ủng hộ kinh tế của bổn đạo chùa này. Đó là tờ báo Phật đầu tiên bằng quốc ngữ tại Việt Nam. Số đầu ra đời ngày 13.8.1929. Nhưng Thiện Chiếu cho tờ báo ấy là “xưa” quá, cho nên ông tự ý vận động xuất bản một văn tập lấy tên là Phật hóa Tân Thanh Niên, nhắm tới giới thanh niên trí thức. Tờ này đặt căn cứ tại chùa Chúc Thọ ở Xóm Gà (Gia Định). Trong khi công việc vận động xây dựng Thích học đường đang được xúc tiến thì Khánh Hòa cùng các bạn đồng chí quyết định thành lập một hội Phật học để làm bàn đạp cho sự tiến tới thành lập Phật giáo Tổng hội. Ông triệu tập các đồng chí và với sự cộng tác của một số cư sĩ tại Sài Gòn như các ông Phạm Ngọc Vinh, Huỳnh Văn Quyền, Trần Nguyên Chấn, Trần Văn Khuê, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Phổ và Nguyễn Văn Cần… thành lập hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Hồi đó Khánh Hòa đã được năm mươi lăm tuổi. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập năm 1931, điều lệ của hội được phê y ngày 26 tháng Tám năm ấy. Thiền sư Từ Phong chùa Giác Hải ở Chợ Lớn được bầu làm chánh hội trưởng. Khánh Hòa giữ trách vụ phó nhất hội trưởng và chủ nhiệm tạp chí Từ Bi Âm. Tạp chí này chào đời ngày 1.3.1932. Hai vị cố vấn là thiền sư Huệ Định (71 tuổi) và thiền sư Trí Thiền (50 tuổi). Ông Trần Nguyên Chấn làm phó nhì hội trưởng. Chùa Linh Sơn ở số 149 đường Douaumont được lấy làm trụ sở, ngay cạnh khu đất riêng của ông Trần Nguyên Chấn.
Ngay sau khi hội được thành lập, sáu căn nhà ngói được khởi công xây dựng gần chùa Linh Sơn, trên khu đất của ông Trần Nguyên Chấn với sự đồng ý của ông này. Khuôn viên chùa chật hẹp nên thư viện cũng được xây cất trên đất ông Chấn. Thư viện này có tên là Pháp Bảo Phương. Tục Tạng Kinh được đem an trí tại đây. Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ ở Chợ Lớn gởi mua thêm cho Pháp Bảo Phương một Đại Tạng Kinh vừa mới được ấn hành tại Trung Hoa.[1]
Bàn ghế tủ giường đã được trang bị cho học tăng nội trú của Thích học đường nhưng mãi đến 1934 mà trường này vẫn chưa khai giảng. Nguyên do là sự bất đồng ý kiến giữa chư tăng và một số cư sĩ không chịu làm theo đường lối và ý hướng của các vị này. Ông Trần Nguyên Chấn nhất định không cho khai giảng Thích học đường.
Chương trình của Khánh Hòa thất bại vì các thiền sư đã không nắm được thực quyền trong hội. Hội đã bị một số cá nhân dùng địa vị trong xã hội của họ để khuynh loát và hướng dẫn về một nẻo khác. Ngay từ khi mới thành lập hội, ông Trần Nguyên Chấn đã vận động mời ông Khrautheimer (thống đốc Nam Kỳ) làm hội trưởng danh dự và ông Rivoal (đốc lý thành phố Sài Gòn) làm phó hội trưởng danh dự. Sự thỏa hợp với chánh quyền là để nhằm vào sự an toàn và quyền lợi của hội. Tuy vậy, những quyền lợi đó không có gì đáng kể: Sự trả lại ruộng đất các chùa bị chiếm hữu tại các xã và sự miễn thuế thân cho tu sĩ Phật giáo.
CÁC THIỀN SƯ BÍCH LIÊN VÀ LIÊN TÔN
Thất vọng về hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, đầu năm 1933 Khánh Hòa từ bỏ chức vị phó hội trưởng và chủ nhiệm Từ Bi Âm. Lúc đó Từ Bi Âm đã ra tới số 45. Ông rút về Trà Vinh để cùng các thiền sư Huệ Quang và Khánh Anh mưu toan tìm con đường mới. Một vị thiền sư ở chùa Thiên Phước quận Trà Ôn tên là Chánh Tâm được mời giữ chức chủ nhiệm Từ Bi Âm. Tuy vậy nhờ sự hợp tác của các thiền sư Bích Liên và Liên Tôn mà Từ Bi Âm còn đóng được một vai trò hoằng pháp đáng kể. Từ Bi Âm không đóng góp được gì trong việc xây dựng ý thức văn hóa dân tộc, nhưng trong mười năm trời cũng đã làm được công việc phổ thông hóa Phật học bằng quốc ngữ.
Bích Liên và Liên Tôn phát xuất tại Bình Định. Chính Khánh Hòa đã khám phá được hai người này khi ông ra thuyết pháp tại giới đàn Long Khánh ở Quy Nhơn vào năm 1928. Nhận thấy thực tài của hai người, ông bèn kết làm thân hữu và mời hai người vào Nam hoạt động. Bích Liên đã làm chủ bút Từ Bi Âm trong khi Liên Tôn làm phó chủ bút. Trần Nguyên Chấn làm quản lý của tạp chí này và đã không bao giờ để cho Từ Bi Âm chết vì lý do tiền bạc.
Thiền sư Bích Liên tên là Nguyễn Trọng Khải, sinh năm 1876. Khi nhận làm chủ bút Từ Bi Âm ông đã năm mươi bảy tuổi. Năm ba mươi mốt tuổi ông đậu tú tài Nho học và năm ba mươi bốn tuổi ông lại đậu tú tài Nho học một lần nữa. Ông xuất gia năm 1919 tại chùa Thạch Sơn ở Quảng Ngãi, pháp danh là Chơn Giám, tự là Đạo Quang, hiệu là Trí Hải. Bích Liên chỉ là tên ngôi chùa mà ông khai sáng và trú trì sau khi ông xuất gia. Năm 45 tuổi, ông đắc pháp với hòa thượng Hoằng Thạc chùa Thạch Sơn. Chuyên về Tịnh độ tông, ông đã sáng tác các sách sau đây bằng chữ Hán: Liên Tông Thập Niệm Yếu Lãm, Tịnh Độ Huyền Cảnh, Tây Song Ký, Tích Lạc Văn. Ông cũng sáng tác nhiều bằng chữ Nôm. Quy Sơn Cảnh Sách và Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi là hai tác phẩm dịch Nôm nổi tiếng hơn cả trong số này. Văn Nôm ông rất chỉnh đốn. Ta hãy đọc một đoạn trong Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi:
Lại thỉnh kẻ tao ông mặc khách
Lối cửa hoàng nhà bạch vào ra,
Rừng văn nhẹ bước thám hoa
Ngang cung bút chiến, chơi tòa các vi
Tan lửa đóm, tiếc dày công học
Mòn đĩa nghiên uổng nhọc chí bền
Lụa hồng bảy thước đề tên,
Đất vàng một cụm lấp nền văn chương…
Lại thỉnh kẻ xuất trần phi tích
Thượng sĩ kia với khách cao tăng
Trai tinh ngũ giới đạo hằng
Gái tỳ khưu lại đủ ngằn nết tu
Làng hoa trúc vào câu mật đế
Nhà hỗ nô vắng kệ khổ không
Kinh song trăng thảm lạnh lùng
Nhà thiền leo lét đèn chong canh dài…
…
Lại thỉnh kẻ giang hồ cơ lữ
Đường Bắc Nam trải thứ hành thương
Lợi quyền muôn dặm toan đương
Ngàn vàng trữ lại trong hàng hóa buôn
Thân sương gió thịt chôn bụng cá
Bước đá mây xương rã đường dê
Vía theo mây Bắc sè sè
Hồn theo ngọn nước xuôi về biển Đông
…
Lại thỉnh kẻ lướt xông chiến trận
Sức phương cường mình bận áo binh
Cờ điều phất bóng tương tranh
Trung chùm mũ bạc đem mình chống đương
Gan ruột nát theo trường kim cổ
Da thịt rơi đầy chỗ can qua
Cát vàng văng vẳng tiếng ma
Mờ mờ xương trắng ai mà thu cho?…[2]
Trong các tập san Từ Bi Âm và Tam Bảo, Bích Liên còn viết nhiều bài Phật pháp bằng thơ lục bát. Năm 1938, ông được mời về làm giáo sư tại Phật học đường Long Khánh ở Quy Nhơn. Ông mất tại chùa Bích Liên năm 1950, thọ bảy mươi bốn tuổi. Sau đây là bài kệ truyền thừa của ông:
Chân ngọc hồng sơn chiếu
Trừng châu bích hải viên
Lý minh tri tánh diệu
Trí mật ngộ tâm huyền
Tịch duyên hoài túy liễu
Lạc quốc ngự kim liên
Thánh cảnh quy lai nhật
Tông phong chấn cổ truyền.
Thiền sư Liên Tôn sinh năm 1882 ở Bình Định. Ông tên là Võ Trấp, ba mươi tuổi đậu tú tài Nho học. Năm ba mươi bảy tuổi ông xuất gia tại chùa Tịnh Lâm, học với thiền sư Từ Mẫn, được pháp danh là Như Phước, tự là Giải Tiềm, hiệu là Huyền Ý. Liên Tôn chỉ là tên chùa nơi ông trú trì, ở làng Hưng Trị, quận Phù Cát, do ông lập nên năm ông bốn mươi mốt tuổi.
Ông có sáng tác Đáo Liên Thành Lộ bằng chữ Hán, hiện chưa tìm lại được. Sáng tác chữ Nôm của ông có: Sa Di Luật Diễn Nghĩa, A Di Đà Kinh Diễn Nghĩa, Kim Cang Bát Nhã Diễn Nghĩa. Tác phẩm thơ Chứng Đạo Diễn Ca của ông hiện cũng chưa tìm lại được.
Ông vào Nam năm 1931 do thơ mời của hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Theo đề nghị của Bích Liên, năm 1931 hội cũng có viết thư mời một vị tăng sĩ có tân học là Trí Độ vào hợp tác với Từ Bi Âm. Ngoài ba cây bút gốc Bình Định, Từ Bi Âm còn có ba cây bút khác cũng thuộc giới tăng sĩ: Đó là Thiện Dung (từ Mỹ Tho), Giác Nhựt (từ Cần Thơ) và Nhựt Chánh (từ Sài Gòn). Để ủng hộ cho tờ báo, chủ nhiệm Từ Bi Âm là Chánh Tâm đã cúng ruộng chùa Thiên Phước do ông trú trì vào hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Tạp chí Từ Bi Âm có thể nói là đóng góp đáng kể gần như duy nhất của hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Tuy nhiên, Bích Liên và Trí Độ không làm việc được mãi với hội này. Cuối năm 1936, Bích Liên trở về Bình Định, nhận chức giáo thọ cho Phật học đường chùa Long Khánh, Quy Nhơn; Trí Độ cũng về Bình Định và sau đó ra Huế dạy trường An Nam Phật học ở Báo Quốc.
HỘI LƯỠNG XUYÊN PHẬT HỌC
Nóng lòng về chuyện đào tạo tăng tài, Khánh Hòa rút về chùa Long Hòa, tổ chức Phật học đường lưu động lấy tên là Liên đoàn Phật học xã. Khoảng năm mươi vị học tăng được thu nhận vào liên đoàn và lớp học đầu được khai giảng tại chùa Long Hòa, do các vị Huệ Quang, Khánh Anh và Pháp Hải giảng dạy. Khánh Hòa kêu gọi tín đồ ủng hộ tài chính cho chùa Long Hòa để chùa có thể cung phụng cho lớp học đủ mọi vật dụng. Chủ bút Từ Bi Âm lúc bấy giờ là thiền sư Chánh Tâm, một pháp hữu của Khánh Hòa, cũng kêu gọi đóng góp vào công trình này.
Sau hai khóa nữa ở chùa Thiên Phước (Trà Ôn) và chùa Viên Giác (Bến Tre), lớp Phật học này bị tan rã vì lý do thiếu tài chính. Lúc ấy Khánh Hòa thấy rằng cần phải thành lập một hội Phật học có đông đảo hội viên đóng góp tài chính thường trực mới có thể duy trì được một Phật học đường. Ông bèn cùng các pháp hữu thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh. Cộng tác với họ có một số các vị cư sĩ mà họ chọn lựa trong giới có nhiều đạo tâm nhất: Nguyễn Văn Khỏe, Trần Văn Giác, Phạm Văn Liêu, Huỳnh Thái Cửu, Ngô Trung Tín và Phạm Văn Luông. Ban đầu, một bản điều lệ của ban “Cai quản tạm thời” được công bố ngày 1.3.1934; ông Huỳnh Thái Cửu đứng ra làm trưởng ban. Sau khi giấy phép được ký ngày 13.8.1934 thì thiền sư An Lạc chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho được bầu làm hội trưởng.
Hội Lưỡng Xuyên Phật học (Lưỡng Xuyên có ý nghĩa là “hai con sông”, đó là các sông Tiền Giang và Hậu Giang) được thành lập chính thức ngày 13.8.1934, đặt trụ sở tại chùa Long Phước ở Trà Vinh[3].
Công việc đầu tiên của hội là tổ chức Phật học đường. Công việc tổ chức cơ sở và tuyển chọn học tăng được thực hiện rất mau chóng. Phật học đường Lưỡng Xuyên được khai giảng ngay vào cuối năm 1934. Các thiền sư Huệ Quang và Khánh Anh được mời đến giảng dạy. Khánh Hòa đảm nhiệm trách vụ Đốc giáo. Hai vị cư sĩ hữu tâm là Ngô Trung Tín và Huỳnh Thái Cửu họp nhau mua tặng cho Phật học đường một bộ Đại Tạng Kinh khác để làm tài liệu học tập.
Phật học đường Lưỡng Xuyên có thu nhận cả tăng sinh lẫn ni sinh, nhưng ni sinh được tổ chức thành lớp riêng do thiền sư Minh Tịnh điều khiển.
Năm 1935, hội xuất bản sách Phật Học Giáo Khoa bằng hai thứ tiếng Việt và Hán. Tạp chí Duy Tâm của hội được ra mắt vào tháng Mười năm 1935. Huệ Quang đứng làm chủ nhiệm và quản lý là bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe. Tòa soạn được đặt tại chùa Long Phước. Tạp chí khởi dịch các kinh Ưu Bà Tắc Giới và Quán Vô Lượng Thọ Phật. Hồi ấy phong trào Phật học đã lan rộng cho nên báo Lục Tỉnh Tân Văn tại Sài Gòn cũng mở “Trang Phật Học”.
Duy Tâm thường lên tiếng kêu gọi thành lập một Phật giáo Tổng hội để thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam. Từ cuối năm 1937 trở đi, trong số nào Duy Tâm cũng có bài bàn về vấn đề thành lập Phật giáo Tổng hội. Hội Lưỡng Xuyên Phật học có nhiều liên lạc thân hữu với hội An Nam Phật học và với Sơn môn Thừa Thiên. Năm 1936, hội gửi bốn học tăng xuất sắc ra học trường Sơn môn Phật học[4]. Năm 1939 lại gởi ra thêm sáu vị nữa[5]. Trường của hội bị đóng cửa trong mấy tháng vì thiếu tài chính, sau nhờ có một nữ cư sĩ ở Đa Kao là bà Thái Văn Hiệp pháp danh là Chân Nhật nhận trợ cấp bảy mươi lăm đồng mỗi tháng cho nên mới mở cửa lại được. Lúc bấy giờ học tăng Hiển Thụy ra Huế học đã tốt nghiệp. Ông trở vào trường Lưỡng Xuyên phụ tá với thiền sư Khánh Anh trong việc giảng dạy. Phật học đường Lưỡng Xuyên cũng mời thêm các thiền sư Mật Thể và Như Ý từ Thừa Thiên vào để phụ lực giảng dạy Phật pháp. Nhưng đến cuối năm 1941, trường lại bị đóng cửa vì thiếu tài chính. Và hội Lưỡng Xuyên Phật học chỉ còn đủ sức duy trì những lớp tiểu học tại các chi hội địa phương như Sa Đéc, Phú Nhuận và Kế Sách.
Những liên hệ giữa hội Lưỡng Xuyên Phật học và Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học không được tốt đẹp. Trần Nguyên Chấn vì không ưa sự hiện diện của hội Lưỡng Xuyên, nên đã có lần kích bác hội và tạp chí Duy Tâm trên báo Từ Bi Âm. Tạp chí Tiếng Chuông Sớm xuất bản tại Hà Nội trong số 16 ra ngày 24.1.1936 có đăng một bức thư ngỏ gửi ông Trần Nguyên Chấn về việc Từ Bi Âm bài bác hội Lưỡng Xuyên Phật học, khuyên ông Chấn chấm dứt những hành động này. Bức thư do vị trú trì một ngôi chùa tên là Bảo Long tại Takeo Nam Kỳ ký tên[6].
Năm 1943, thiền sư Khánh Hòa lui về chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre. Tuy đã già yếu, ông vẫn tổ chức được một Phật học đường cho ni chúng. Đây là trường học đầu tiên riêng cho ni giới tại Nam Kỳ. Năm 1947, ông về chùa Tuyên Linh cũng ở Bến Tre và viên tịch ở đây vào ngày mười chín tháng Sáu âm lịch. Ông thọ bảy mươi tuổi. Năm 1955, thiền sư Huệ Quang, người đồng chí thân cận của ông, lúc bấy giờ đang làm pháp chủ của Giáo hội Tăng già Nam Việt, hướng dẫn một phái đoàn đến chùa Tiên Linh và họp cùng môn đồ của chùa, làm lễ trà tỳ linh cốt của ông. Đó là vào ngày 11 tháng Ba âm lịch. Tro và xá lợi của ông được tôn trí tại chùa Tuyên Linh.
Trong suốt hai mươi lăm năm trời, Khánh Hòa luôn luôn hăng hái trong công nghiệp phục hưng Phật giáo. Đường lối của ông là một đường lối ôn hòa. Ông thường tránh những cuộc bút chiến và tranh luận. Ông sống rất giản dị. Lúc gần tịch diệt, ông căn dặn chỉ nên tẫn liệm ông với bộ y hậu vải thường, không được dùng vải lụa, không được làm long vị sơn son thếp vàng. Các đồng chí của ông như Huệ Quang, Khánh Anh và Pháp Hải đều rất quý mến ông.
THIỀN SƯ PHÁP HẢI VÀ THIỀN SƯ CHÍ THÀNH
Về các thiền sư Huệ Quang và Khánh Anh, ta sẽ có dịp nói tới trong một chương sau. Ở đây ta phải nhắc tới thiền sư Pháp Hải, một người đã từng triệt để tùy hỷ và ủng hộ công trình của Khánh Hòa. Pháp Hải sinh năm 1895 tại làng Thong Dong ở Sa Đéc, tên đời là Nguyễn Văn An, xuất gia năm mười bảy tuổi tại chùa Tây Hưng Sa Đéc. Năm hai mươi mốt tuổi, hòa thượng chùa Tây Hưng tịch, ông đến cầu học với hòa thượng chùa Long Phước tỉnh Vĩnh Long. Năm hai mươi tám tuổi, ông trú trì chùa Phước Sơn ở quận Trà Cú tỉnh Trà Vinh. Năm 1933 và 1934, ông đảm trách việc giảng dạy cho Liên đoàn Học xã do Khánh Hòa tổ chức tại các chùa Long Hòa, Thiên Phước và Viên Giác. Khi hội Lưỡng Xuyên Phật học thành lập, ông nhận chức vụ trú trì chùa Long Phước, trụ sở của hội; đồng thời ông cũng làm giáo sư cho Phật học đường Lưỡng Xuyên. Sáu năm sau, ông nhận lời về trú trì chùa Hiệp Châu ở Sóc Trăng để hướng dẫn Phật sự cho chi hội Kế Sách của hội Lưỡng Xuyên Phật học. Bốn năm sau, ông trở lại chùa Long Phước. Sau khi Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập tại chùa Ấn Quang Sài Gòn (1951), ông được mời ra làm trị sự trưởng cho Giáo hội tại Vĩnh Long. Ông mất năm 1961 vào ngày mồng Sáu tháng Tám âm lịch, hưởng thọ sáu mươi sáu tuổi.
Cộng tác với Khánh Hòa còn có nhiều vị cư sĩ hữu tâm, phần lớn đều xuất phát tại Trà Vinh, trong đó phải kể các ông Phạm Văn Liễu, Nguyễn Văn Khỏe và Phạm Văn Luông. Ngoài ra còn có các ông Nguyễn Văn Thọ (mà sau này xuất gia có pháp hiệu là Trường Lạc, từng phiên dịch và sáng tác nhiều tài liệu Phật học), Huỳnh Thái Cửu, Ngô Trung Tín, Trần Văn Giác, Thái Phước, Thái Khánh, Lữ Long Giao, Trần Thến và Nguyễn Văn Nhơn. Chủ bút Duy Tâm Trần Huỳnh là một cư sĩ có kiến thức Phật học khá sâu sắc, đã soạn được nhiều tài liệu giáo khoa Phật học như bộ Phật Học Giáo Khoa Thư (hai cuốn), và phiên dịch nhiều kinh điển Hán tự ra quốc văn, đóng góp rất đáng kể cho công trình phổ thông hóa Phật học tại Nam Kỳ.
Tới đây tưởng nên nhắc tới một vị cao tăng đồng thời với thiền sư Khánh Hòa, thiền sư Chí Thành, người mà thiền sư Khánh Anh cho là thuộc vào hạng “chân tu bậc nhất”. Thiền sư Chí Thành sinh năm 1861 tại Quảng Nam. Ông là cháu nội của Hộ quốc công Nguyễn Công Thành dưới triều Tự Đức. Sau khi phong trào Văn Thân khởi nghĩa thất bại ở miền Trung, ông vào xuất gia tại chùa Giác Viên ở Chợ Lớn. Đó là vào năm 1880, ba năm tròn chuyên làm công quả như gánh nước, bửa củi, giã gạo. Sau đó ông nhập thất và tịnh khẩu, nghĩa là không nói, trong vòng ba năm nữa.
Năm 1892, ông tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Gò Công. Trận Nhâm Thìn này đã tiêu diệt tới 16.000 người. Một mình ông đi thu thập được năm mươi thi hài nạn nhân, đem khâm liệm, mai táng và tụng kinh siêu độ. Đến năm 1895, ở Châu Đốc lại bị thủy tai. Ông đốc suất ghe xuồng ra cứu vớt được hơn 500 người và cho về chùa, nuôi cho đến khi nước rút. Trong mười hai năm, ông tịch cốc, chỉ ăn rau trái.
Sau đó bị mật thám Pháp nghi ngờ làm quốc sự, ông bị bắt giam và bị cầm giữ mười tháng.
Năm 1927 ông chứng minh lễ khai giảng lớp tăng học chùa Giác Hoa ở Sóc Trăng và năm 1929, chứng minh giới đàn chùa Trùng Khánh, Phan Rang.
Phần lớn hành tung của thiền sư Chí Thành còn nằm trong vòng bí mật. Trong thời gian hành đạo tại chùa Giác Viên, không ai biết ông xuất thân nhà quyền quý và là người có học. Tại Châu Đốc, suốt mấy chục năm trời, người chung quanh không ai biết ông là người có học thức. Thiền sư Phổ Huệ ở chùa Tịnh Lâm Bình Định có vào thăm và ở lại chùa Phi Lai một tháng. Khám phá được con người thật của Chí Thành, ông làm bài thơ sau đây để tán dương:
Đương thế Phi Lai chấn đạo tôn
Chí Thành khí sắc cổ phong tồn
Phong lưu bất tẩy tâm thường tịnh
Diệu nghĩa năng tham tự tính dung
Vân khứ vân lai vô trú trước
Hoa khai hoa tạ tổng thành không
Phong quang hảo cực tư thời tặng
Sạ nhược linh san lạc bất ung.
Ngư Khê Tống Tịnh Trai ở Vĩnh Long cũng làm bài thơ tặng thiền sư như sau:
Phi kinh trượng cước xả phàm thân
Y bát tương truyền bản tính chân
Đại đức quảng khai thanh tịnh lộ
Chí Thành phổ hóa hải sơn nhân
Kim thân tố hội liên hoa tọa
Ngọc điện huy hoàng động vũ tân
Công đức khả gia xưng bồ tát
Thanh sơn bất lão biến từ vân.
HỘI PHẬT HỌC KIÊM TẾ VÀ TẠP CHÍ TIẾN HÓA
Bất mãn với hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học và bất mãn luôn với đường lối hoạt động của thiền sư Khánh Hòa mà ông cho là ôn hòa đến mức thụ động và cổ hủ, Thiện Chiếu đi tìm con đường khác. Nhưng ở đâu ông cũng gặp những phần tử bảo thủ. Lúc đó ông đã về chùa Hưng Long ở Ngã Sáu Chợ Lớn. Sau những va chạm liên tiếp, ông phẫn chí bỏ luôn chùa Hưng Long, cởi áo tu, về ở nhà một người bạn ở Gò Vấp tên là cư sĩ Thuần Viện. Đến năm 1936, ông tìm về Rạch Giá với thiền sư Trí Thiền, ngày trước đã từng cộng tác với Khánh Hòa và hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học và đề nghị Trí Thiền thành lập một tổ chức Phật giáo thật sự tiến bộ. Cuối cùng hội Phật học Kiêm tế được thành lập tại Rạch Giá, lấy chùa Tam Bảo ở làng Vĩnh Thanh Vân làm trụ sở. Điều lệ của hội Phật học Kiêm tế được phê chuẩn vào ngày 23.3.1937. Thiền sư Trí Thiền tức Nguyễn Văn Đồng làm chánh tổng lý của hội. Hai chức vụ phó tổng lý được hai vị Nguyễn Văn Ngọ (trú trì chùa Thập Phương) và Ngô Thành Nghĩa (trú trì chùa Phước Thanh) đảm nhiệm. Tạp chí Tiến Hóa cho ra số đầu vào ngày đầu năm năm 1938; Phan Thanh Hà đứng tên chủ bút. Thiện Chiếu không giữ chức vụ nào trên mặt giấy tờ cả; ông chỉ làm việc phía sau. Những bài trên Tiến Hóa do ông viết đều được ký tên bằng bút hiệu. Chủ nhiệm của Tiến Hóa là ông Đỗ Kiết Triệu.
Danh từ Phật học Kiêm tế nói lên ý hướng của những người chủ trương: Đây không phải là một cái hội để chỉ học Phật mà còn là một cái hội để thực hành kinh bang tế thế nữa. Danh từ Tiến Hóa cũng nhằm nói lên lập trường tiến bộ của hội. Ngay sau khi hội thành lập, một Viện Mồ Côi được tổ chức tại chùa Tam Bảo.
Tạp chí Tiến Hóa số ra mắt đã đăng hình cô nhi viện này, một cô nhi viện có thể gọi là cô nhi viện Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tổ chức theo kiểu Tây phương. Tiến Hóa số 1 cũng đăng hình hội Phật học Kiêm tế cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá và cho biết rằng hội đã nuôi ăn từ 200 đến 300 nạn nhân bão lụt tại trụ sở của hội trong thời gian hai tháng. Hình chụp ngày 26.9.1937. Ngoài chủ ý muốn chứng minh rằng hội Phật học Kiêm tế không phải là hội “chịu nói suông”, Tiến Hóa lại tuyên bố rằng tờ báo không những sẽ “tuyên truyền” cho Phật học mà còn “tuyên truyền” cho “bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm chúng sanh khỏi khổ được vui”. Theo Tiến Hóa, những học thuyết nào có tính cách từ bi bác ái thì đều được Tiến Hóa công nhận là “Phật pháp” cả[7].
Ký giả Trầm Quân của Tiến Hóa giữ mục triết học thường thức. Bắt đầu từ số 1 ông viết về đề tài “Triết học là gì?”. Trong số 4, ông đã trình bày “Duy vật biện chứng pháp”. Từ các số 6 trở đi, ông phê bình những hình thức khác nhau của Duy tâm luận.
Đứng về phương diện lý thuyết. Tiến Hóa chủ trương những điểm sau đây:
1– Người Phật tử mới phải có sự giác ngộ mới. Những sự giác ngộ mới này do các khoa học khám phá. Người Phật tử phải học khoa học để biết rằng không có cõi Cực Lạc ở phương Tây và cũng không hề có Thiên Đường cùng Địa Ngục. Phải học kinh tế học để biết rằng quan niệm giàu nghèo tại mạng là sai, rằng những đau khổ của con người là do những chế độ chính trị đè nén và những cuộc khủng hoảng kinh tế, chứ không phải do một vị thần linh ban phúc giáng họa[8].
2– Phật Thích Ca chỉ là bậc “sáng suốt hoàn toàn” trong thời đại của Ngài mà thôi. Bây giờ cái biết của nhân loại đã trở thành rộng lớn; phải nắm hết tất cả những cái biết về các khoa học ngày nay thì mới được gọi là Phật. Về địa lý chẳng hạn, ngày xưa Phật chỉ biết được địa dư trong nước Ấn Độ, ngày nay ta có thể học để biết được địa dư cả thế giới. Chữ “Phật” bây giờ phải được hiểu là tổng thể những hiểu biết của các ngành khoa học chứ không thể hiểu theo nghĩa một cá nhân giác ngộ. Phật đã từng nói: “Chúng sinh chưa thành Phật thì ta không thể thành Phật”. Câu nói này theo Tiến Hóa, “chứng tỏ rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói thật với chúng ta rằng dầu cá nhân có sáng suốt đến bực nào cũng chưa phải là hoàn toàn sáng suốt” và “tri thức của Phật hồi thời đại ấy không bằng tri thức của toàn thể nhân loại sau này”[9].
3– Đường lối cải tạo cái tâm trước không có hiệu quả. Phải cải tạo cảnh. Phải tổ chức trường học, phải cung cấp cơ hội học hỏi cho người dốt nát nghèo khổ. Phải ngăn cấm không cho một thiểu số nắm giữ và lũng đoạn guồng máy kinh tế. Phải thủ tiêu chế độ tư hữu. “Đừng chia riêng của người này với của người khác, nước nọ với nước kia thì đâu có cái hiện tượng tranh giành cướp giật và bắn giết lẫn nhau?” Ấy là cái nghĩa “nhất thiết chúng sanh thành Phật”.[10]
Những chủ trương trên kia cho thấy lập trường rất mới mẻ và táo bạo của hội Phật học Kiêm tế nhưng đồng thời cũng chứng tỏ rằng gốc rễ Phật học của các lý thuyết gia Tiến Hóa chưa sâu vững.
Đã đành rằng cái khổ của sự nghèo đói một phần là do sự thiếu học và sự bóc lột kinh tế, nhưng hai nguyên do đó không phải là những nguyên nhân duy nhất. Đành rằng “Phật” có nghĩa là hiểu biết nhưng cái hiểu biết ở đây không phải là những tri thức chất chứa do sự học hỏi, mà là cái biết của thật trí bát nhã giải phóng được tâm hồn người. Đã đành rằng muốn cải tạo xã hội thì phải cải tạo “cảnh”, nhưng theo đạo Phật “cảnh” là một phần của tâm, bởi vì “tâm cảnh bất nhị”. Cái ý thức mà Tiến Hóa cho là tâm ấy chỉ là một trong những tác dụng phân biệt của tâm mà thôi. Với lại làm sao cải tạo “cảnh” nếu không có được nhận thức chín chắn về ý hướng và đường lối cải tạo?
Ưu điểm của lập trường Tiến Hóa là sự chú trọng tới hành động. Tiếc thay, Tiến Hóa đã không tạo được một con đường thực hiện có căn cứ vững chãi trên nguồn tuệ giác đạo Phật. Thay vì sáng tạo một con đường tranh đấu bất bạo động lấy lực lượng đông đảo của Phật giáo làm hậu thuẫn, thì Tiến Hóa mượn con đường tranh đấu bạo động của chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Phù hợp với lập trường này, ký giả Giác Tha liên tiếp kêu gọi “thủ tiêu hình thức và tinh thần tôn giáo của Phật giáo”,[11] hủy bỏ tất cả những kinh sách và những tập quán có khuynh hướng hữu thần và yếm thế. Trong số các kinh sách này có kinh Địa Tạng Bổn Nguyện. Ngay từ số 2 (tháng Hai 1938) Tiến Hóa đã kích bác các báo Pháp Âm và Duy Tâm vì đã dịch đăng kinh Địa Tạng. Theo Tiến Hóa, kinh này có một nội dung hoang đường, trái hẳn với căn bản nghĩa của đạo Phật.”
Về vấn đề tăng sĩ, Tiến Hóa chủ trương hủy bỏ truyền thống tăng sĩ “đầu trọc áo vuông”, theo gương phái tân tăng ở Nhật Bản mặc âu phục, cưới vợ và ăn thịt[12]. Được gặp tân tăng Nhật Bản Tomomatsu (Hữu Tùng Viên Đế) tại Sài Gòn, thấy ông sư trẻ tuổi này nói được nhiều ngoại ngữ, tính tình bặt thiệp, có tân học, biết tuyên bố tư tưởng mới với báo chí… ký giả Tự Giác rất lấy làm khâm phục. Ông khuyên “từ rày về sau, người tu Phật nên bỏ hẳn cái lối đầu trọc áo vuông, theo gương các sư Nhật”. Ông thêm: “Nhưng ai có muốn ăn chay hay độc thân thì tùy ý”[13].
Những bài báo nói trên của Tự Giác và Giác Tha đã khiến cho Từ Bi Âm lên tiếng[14] rằng Tiến Hóa là một tạp chí Cộng sản và thân Nhật. Tiến Hóa phủ nhận điều này. Giác Tha nói đến tình trạng Phật giáo trong hai nước Hoa – Nhật, đến cảnh tự viện bị tàn phá bởi bom đạn, đến tăng sĩ hai nước bị động viên vào quân ngũ và kêu gọi gấp rút triệt để cải cách Phật giáo để tránh cho Phật giáo “cái họa diệt vong”. Ông ca ngợi tám mươi nhân vật Phật giáo Nhật vì hành động chống chiến tranh mà bị chính phủ Nhật bắt giam. Ông đọc được tin này ở Tân Hoa Nhật Báo ra ngày 2.6.1938. Báo Đông Pháp ra ngày 13.11.1937 lại đăng tin một vị tăng sĩ Trung Hoa là Liễu Như cùng một số tăng sĩ gia nhập phong trào kháng chiến giải phóng dân tộc nhằm đánh đuổi quân Nhật về nước. Giác Tha nói đến các vụ này trong bài Tinh Thần Vô Úy Của Phật Giáo và mong rằng Phật tử Việt Nam phải hăng hái nhập thế trong tinh thần ấy.
THIỀN SƯ TRÍ THIỀN
Việc thiền sư Liễu Như lãnh đạo một số tăng sĩ gia nhập chiến khu chống Nhật đã có ảnh hưởng lớn trên đường lối hoạt động của hội Phật học Kiêm tế. Vào khoảng cuối năm 1939, chùa Tam Bảo bị đóng cửa, thiền sư Trí Thiền bị bắt và đày đi Côn Đảo. Các vị cộng sự của ông đều bị bắt. Thiện Chiếu nhờ may mắn trốn được về Sài Gòn.
Vai trò của Thiện Chiếu trong hội Phật học Kiêm tế đã rõ ràng, nhưng Thiện Chiếu đã chuyên về lý thuyết nhiều hơn hành động. Chính Trí Thiền và các người đồng chí của ông đã chấp trì phần thực hành.
Thiền sư Trí Thiền, tên tục là Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1882 tại Rạch Giá. Ông xuất gia tại chùa Tam Bảo ở Rạch Giá. Chưa biết bổn sư ông là ai và ông đã được học Phật tại chùa nào. Ông thuyết pháp rất dễ hiểu và rất trôi chảy. Ngoài việc trùng tu chùa Tam Bảo, ông còn tạo lập được chùa Tam Bảo Từ Tôn tại Sóc Xoài cách Rạch Giá chừng mười lăm cây số và một ngôi chùa khác chưa rõ tên ở Hòn Quéo, một hòn đảo sát ven biển Vịnh Xiêm La, không xa Sóc Xoài là mấy. Ông đã bắc một cây cầu dài đúng một trăm nhịp từ bán đảo Hòn Me ra tới Hòn Quéo.
Năm 1932, lúc làm cố vấn cho hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ông đã năm mươi tuổi. Ông rất tán đồng lập trường tiến bộ của Thiện Chiếu và vui lòng xem Thiện Chiếu là một người đồng chí. Trong thời gian vận động xin phép thành lập hội Phật học Kiêm tế, ông được tiếp xúc với đồng chí của ông Vũ Ngọc Hoành từ Sa Đéc tới (Ông Vũ Ngọc Hoành là nho sĩ trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, có cử nhân Hán học, bị thực dân Pháp giam lỏng tại Sa Đéc). Đây là một trong những lý do khiến cho chùa Tam Bảo trở thành một căn cứ kháng chiến bí mật. Chính Thiện Chiếu và những người đồng chí của ông đã đem đường lối xã hội chủ nghĩa tới cho căn cứ này. Để tỏ hết lòng ủng hộ đường lối của hội Phật học Kiêm tế, Trí Thiền đã làm giấy cúng hết chùa chiền và tài sản của chùa cho hội.
Những người cộng sự của Trí Thiền và Thiện Chiếu là ai, ngoài một vị tăng sĩ tên là Thiện Ân bị bắt trong năm 1939, ta hiện chưa sưu khảo được. Tiến Hóa số 1 có đăng một danh sách của ban Trị sự hội Phật học Kiêm tế, trong đó những vị sau đây phụ trách về giảng dạy tại chùa Tam Bảo, có thể cũng đã bị bắt một lần với Trí Thiền: Phan Thanh Hà, Lê Văn Các, Nguyễn Văn Phò, Lê Văn Điệu, Nguyễn Minh Được, Giang Minh Xinh.
Khi chùa Tam Bảo bị đóng cửa, ít ai dám nói “chuyền tai” về vụ này và ở Rạch Giá bây giờ ít người biết nhiều chi tiết về vụ chùa Tam Bảo. Năm 1945 có người từ Côn Đảo về cho biết thiền sư Trí Thiền đã chết vì bệnh tại Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng Tám, chùa Tam Bảo mới được mở cửa trở lại và một lễ cầu siêu lớn đã được tổ chức tại chùa để cầu nguyện cho Trí Thiền và các đồng chí của ông.
THIỀN SƯ THIỆN CHIẾU
Trốn được về Sài Gòn, Thiện Chiếu bỏ hẳn việc theo đuổi phụng sự Phật giáo mà chỉ tiếp tục hoạt động cho cách mạng chống Pháp. Năm 1940 ông tham dự vào phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Hóc Môn, Bà Điểm. Năm 1942, ông bị mật thám Pháp bắt được, đày đi Côn Đảo. Ông bị tra tấn đến bại xuội. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông được trở về đất liền. Trong thời kháng Pháp ông làm Tỉnh ủy tỉnh Gò Công. Năm 1954, ông đi tập kết ra Bắc. Năm 1956, ông qua Trung Hoa, làm trưởng tổ ban phiên dịch của nhà xuất bản Ngoại Văn ở Bắc Kinh. Năm 1961 trở về Hà Nội, ông làm ở Ủy ban Xã hội Viện Triết Học. Năm 1965 ông về hưu trí. Ông mất ở Hà Nội ngày 6 tháng Bảy âm lịch (năm 1974), thọ 76 tuổi.
Thiện Chiếu là một người đầy nhiệt huyết, vừa yêu mến đạo Phật vừa có lý tưởng cách mạng. Tiếc là ông đã không tìm được một con đường khác để có thể sử dụng được tiềm lực của đạo Phật và đi xa hơn. Ta hãy đọc những dòng sau đây mà ông viết hồi ông còn bắt đầu thất vọng về hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học.
“Đau đớn thay! Lạ lùng thay! Muốn bênh vực rằng Phật giáo không phải là một đạo mê tín hoang đường, thì sờ sờ ra đó biết bao nhiêu là việc huyền hoặc dị đoan! Muốn bào chữa cho Phật giáo không phải là một đạo hữu thần, thì nhan nhản ra đó cũng cầu xin cũng chuộc tội, có khác nào những kẻ ỷ lại thần quyền! Muốn khoe Phật giáo là một đạo cứu đời thì hàng Phật tử, (nếu) không phải chán đời mà lên non ẩn dạng ắt cũng ích kỷ chỉ lo quanh quẩn trong gia đình, chớ không biết gì đến công ích của xã hội cả! Muốn nói Phật giáo là đạo thoát khổ, thì người có theo đạo có làm đạo cũng buồn rầu khiếp sợ, cũng theo hoàn cảnh mà đổi dời, cũng cực khổ lầm than, chỉ cứ trông đợi kiếp sau chớ không biết ra tay mà cải tạo! Như vậy bảo sao Phật giáo không tiêu diệt theo các tôn giáo trước khi thế giới đại đồng cho được? Thế thì người có nhiệt tâm với Phật giáo – hay nói cho đúng, là người có nhiệt tâm với nhân loại quần sanh – phải lo tìm phương bổ cứu, duy trì, hay chỉ khoanh tay ngồi ngó và than vắn thở dài mà thôi?
“Nếu thiệt có lòng muốn bổ cứu, duy trì Phật giáo là một chiếc thuyền tế độ ở giữa biển khổ sông mê, không nỡ để cho tiêu diệt theo các tôn giáo khác, thì chẳng những giáo hội (hay hạng người xuất gia), phải nghiên cứu Phật học, phát dương những ý hay nghĩa lạ ra cho thích hợp với chỗ nhu yếu của nhơn sanh, dẹp bỏ hết các việc mơ hồ trái lẽ, chớ quá chấp nê theo hủ tục, mà tín đồ (hay hạng người tại gia) cũng phải làm cho tròn cái bổn phận của một người tín ngưỡng Phật giáo, một cách chơn chánh, cũng phải kiểu chánh lại những chỗ sai lầm của giáo hội (vì giáo hội hiện thời là một giáo hội hư hèn, không có trật tự), chớ nên vì ý riêng, vì tình cảm mà chia phe lập đảng, tin bướng theo càn. Được như vậy thì cái yến sáng Phật giáo mới mong chói lọi ở Đại Đồng thế giới sau này.”[15]
Những dòng trên ông viết vào ngày 1.4.1932, nghĩa là chỉ đúng một tháng sau ngày ra đời của tạp chí Từ Bi Âm. Lúc ấy ông cư trú tại chùa Hưng Long ở quận IV thành phố Chợ Lớn. Ông không đồng ý với cách thức và tinh thần làm việc của những người như Trần Nguyên Chấn đã đành, ông lại bất mãn cả với thiền sư Khánh Hòa và những vị khác lúc ấy đang cộng tác với Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học như Bích Liên và Liên Tông nữa. Trong số các vị tôn túc có mặt, ông chỉ mến chuộng một người là thiền sư Trí Thiền, lúc ấy làm cố vấn cho hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, mà ông cho là tri kỷ. Ông cho rằng cái cách “nghiên cứu” của hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học không phải là thứ “nghiên cứu” đúng đắn. Ông viết: “Nói rằng nghiên cứu là phải lấy phương pháp thiệt nghiệm của khoa học làm căn bản, lấy sự thiệt trên lịch sử làm chứng cứ, thì mới có thể phát huy được nghĩa mẫu trong sách Phật và mới tránh khỏi những sự hoang đường vô lý của người sau thêm vào, chớ không phải cứ theo sách mà dịch càn rồi cũng xưng là Nghiên cứu Phật học! Và phải làm thế nào cho tín đồ có sự hiểu biết thông thường về Phật giáo thì người ta mới biết cái bổn phận của người tại gia, mới biết chỗ sai lầm của giáo hội”.[16]
Chữ giáo hội mà Thiện Chiếu vừa dùng có nghĩa là giới tăng sĩ. Quan niệm về nghiên cứu của ông là một quan niệm đúng đắn, nhưng đứng trong hoàn cảnh ấy ông rất đơn thương độc mã, vì vậy không ai nghe lời ông và ông không hề đóng góp một bài nào cho tạp chí Từ Bi Âm. Nhất quyết bất hợp tác với hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, ông trở về biên soạn những cuốn sách về Phật học mà ông tự xuất bản lấy với sự ủng hộ của một số người bạn, trong đó có các ông Phạm Đình Vinh, Nguyễn Văn Thiện và cố nhiên là Thích Trí Thiền. Ông viết và in trên mười cuốn sách. Trong số các sách ấy, có sách bán mà cũng có sách tặng. Những người nào mua sách thì gửi tiền về chùa Hưng Long, những người nào hảo tâm muốn ấn tống kinh sách thì gửi tiền về cho Nguyễn Văn Đồng tức là thiền sư Trí Thiền ở chùa Tam Bảo Rạch Giá. Sách ông rất được giới công, tư chức có tân học hoan nghênh. Tuy vậy, theo các tạp chí Viên Âm và Duy Tâm thì các sách này chưa chín chắn và đúng mức. Sự thực cũng có như vậy, bởi vì ông đã căn cứ trên sách vở Tây phương hơn là điển tích Đông phương để sáng tác và dịch thuật. Ông đã căn cứ hơi nhiều trên những sáng tác và những bản dịch ngoại ngữ.
Tìm kiếm mãi mà không gặp được người đồng chí, và va chạm mãi với những phần tử bảo thủ và lạc hậu trong giới tăng sĩ, ông trở thành bất đắc chí, liền cởi bỏ áo tăng sĩ của mình. Năm 1936 ông về Rạch Giá, ở lại chùa Tam Bảo, và cùng Trí Thiền vận động thành lập hội Phật học Kiêm tế. Lúc này ông đã hoàn toàn bất mãn với tất cả các hội Phật giáo. Ông muốn làm một cái gì thật khác biệt, thật tiến bộ. Hội Phật học Kiêm tế đã tổ chức rất khôn khéo. Tuy tư tưởng và hành động của hội có tính chất tả khuynh, hình thức của hội đã được hóa trang rất kỹ. Ta thấy trong những chức vụ quan trọng của hội những nhân vật có tính cách bảo thủ như Tôn Quang Huy, đốc phủ sứ hồi hưu; Đỗ Khôn Mậu, đại thương gia; Nguyễn Đức Huệ, nghiệp chủ; Đỗ Kiết Triệu, đốc phủ sứ hồi hưu; Huỳnh Văn Yến, đốc học; Nguyễn Văn Phụng, thương gia, v.v… Nhiều người trong số này đã bật ngửa khi hành tung cách mạng của hội bị Nhà nước Lang Sa phát giác. Nếu hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đại diện cho phái cực hữu của phong trào chấn hưng Phật giáo thì hội Phật học Kiêm tế có thể được nhận định là đại diện cho phái cực tả của phong trào.
Thiện Chiếu tên đời là Nguyễn Văn Sáng (có lúc thì tên Nguyễn Văn Tài). Ông có bí danh là Xích Liên, “bông sen đỏ”. Ông sinh năm 1898 tại Gò Công. Hồi tám tuổi ông đã được theo hầu ông nội, hồi đó là thiền sư Huệ Tịnh trú trì chùa Linh Tuyền ở xã Long Hựu tỉnh Gò Công. Thiền sư Huệ Tịnh rất tinh thâm Nho học. Thiện Chiếu học chữ Nho rất mau chóng và lúc mười hai tuổi đã có thể “trùng tuyên” Sa Di Luật Giải một cách thông thạo. Từ năm mười sáu tuổi ông đã đọc được văn quan thoại và tuy chỉ tự học, ông cũng đọc được sách Pháp dù ông nói tiếng Pháp không trôi chảy. Năm hai mốt tuổi ông lên Sài Gòn để tìm học thêm và đến năm 1926 về làm trú trì chùa Linh Sơn ở số 149 đường Douaumont Sài Gòn. Tại Sài Gòn ông được đọc nhiều tân thư của Trung Hoa và biết nhiều về những biến chuyển chính trị và tôn giáo tại Trung Quốc. Ông được đọc Duy Vật Biện Chứng Pháp trong tân thư bạch thoại. Ông được làm quen với thiền sư Khánh Hòa vào khoảng năm 1926. Ông qua đời năm 1974 tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.
Những chi tiết trên về cuộc đời Thiện Chiếu do thiền sư Hiển Chơn, một cao đệ của thiền sư Khánh Hòa cung cấp. Theo thiền sư Hiển Chơn, Thiện Chiếu có ba người con. Người con lớn là Nguyễn Văn Đức đã cùng cha đi tập kết ra Bắc năm 1954. Hai người còn lại ở với mẹ, một người làm y sĩ trong quân đội miền Nam và một người làm giáo sư Anh văn. Bà sương phụ vẫn còn sống tại Phú Nhuận, Gia Định. Cũng theo thiền sư Hiển Chơn, trong thời gian ở Bắc, Thiện Chiếu đã tỏ ra bất mãn với chế độ miền Bắc. Ông thất vọng khi thấy những người Mác-xít không thực sự muốn cho Phật giáo phát triển trong chế độ Xã hội Chủ nghĩa.
Ngoài Phật Học Vấn Đáp và Phật Hóa Tân Thanh Niên, Thiện Chiếu còn viết các tập Cái Thang Học Phật, Phật Học Tổng Yếu, Phật Pháp Là Phật Pháp, Tranh Biện, Tôn Giáo, và Tại Sao Tôi Cám Ơn Đạo Phật? Ông lại còn dịch Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Cú, Phật Giáo Vô Thần Luận của thiền sư Thái Hư ở Trung Quốc. Tất cả các sách này đều đã được xuất bản tại Sài Gòn.
TẠP CHÍ PHÁP ÂM VÀ HỘI TỊNH ĐỘ CƯ SĨ
Không phải chỉ có hội Phật học Kiêm tế và tạp chí Tiến Hóa là tổ chức có màu sắc thiên tả duy nhất. Ở Nam Kỳ hồi ấy còn có hội Tịnh độ Cư sĩ và tạp chí Pháp Âm do hội xuất bản cũng là một tổ chức đã từng bày tỏ lập trường thiên tả. Trong hội này có những cư sĩ cùng thế hệ với Thiện Chiếu, trong số đó có những người là bạn của ông như các ông Phan Hiền Đạo và Phạm Đình Vinh. Hội Tịnh độ Cư sĩ được thành lập sớm hơn hội Phật học Kiêm tế và tạp chí Pháp Âm ra đời sớm hơn Tiến Hóa đúng một năm. Thiện Chiếu không viết bài cho báo này, có lẽ là vì trong những số đầu Pháp Âm không có lập trường mạnh dạn và dứt khoát như ông mong muốn. Nhưng từ số 7, Pháp Âm lấy lập trường ủng hộ đường lối của Thiện Chiếu và bắt đầu công kích đường lối phục hưng của các tổ chức Phật giáo lúc bấy giờ. Ký giả Đông Giao (tháng Bảy 1937) lên án các hội là chỉ chú trọng tinh thần mà bỏ quên thực tế, chỉ biết nghĩ về vị lai mà bỏ quên hiện tại, chỉ nói suông mà không biết thực hành[17]. Các cây bút Ngộ Không và Quốc Tri cũng lên tiếng chủ trương rằng chấn hưng Phật giáo phải nhằm vào mục đích “gây thành một thế lực mà ứng phó với thời cơ”[18], rằng sở dĩ các hội Phật giáo không được quần chúng ủng hộ mạnh mẽ là tại vì “đi trái với nhu cầu của nhân loại”[19]. Từ số 13 trở đi, Pháp Âm lên tiếng ủng hộ lập trường của Tiến Hóa. Hội Tịnh độ Cư sĩ vốn là hội của những người cư sĩ tu theo Tịnh độ giáo; đối với hội, sự có mặt của tu sĩ không cần thiết mấy, vì vậy Pháp Âm đã “hết sức ủng hộ việc bỏ cái lối đầu trọc áo vuông” do Tiến Hóa đề nghị. Pháp Âm viết: “Hòa thượng Huệ Đăng chùa Thiên Thai Bà Rịa, hòa thượng Từ Phong chùa Giác Hải Chợ Lớn, sư cụ Đỗ Văn Hỷ chùa Bà Đá, v.v… đối với Phật giáo thế giới có ảnh hưởng bằng các vị “thế gian” như Âu Dương Kiến Vô, Dương Nhân Sơn, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Sylvain Lévi, Rhys David không?”[20]. Pháp Âm lại hô hào “thủ tiêu chế độ của riêng” trong nhà chùa, kêu gọi chư tăng “theo gương hòa thượng Nguyễn Văn Đồng trú trì chùa Tam Bảo cúng hết chùa và tài sản cho hội Phật học Kiêm tế.”
Hội Tịnh độ Cư sĩ đặt cơ sở ở chùa Tân Hưng Long, xã Phú Định, Chợ Lớn, dựa bên đường Rạch Cát. Tuy không có hội viên tăng sĩ nhưng hội đã tôn một tăng sĩ tên là Minh Trí làm tông sư chứng minh. Chủ nhiệm Pháp Âm là ông Lê Văn Hậu, chủ bút là Trần Quỳnh, người đã từng cộng tác với tạp chí Duy Tâm của hội Lưỡng Xuyên Phật học[21].
Phạm Đình Vinh, một cộng tác viên của Pháp Âm, cũng như Thiện Chiếu, đã chấp nhận đường lối phục hưng Phật giáo theo tinh thần xã hội chủ nghĩa. Ngày 15.8.1937, diễn thuyết tại trụ sở hội An Nam Phật học ở Huế, về đề tài “Luân lý của đạo Phật” ông đã tuyên bố: “Luân lý cũng như nghệ thuật, triết học, pháp luật, tư tưởng, văn tự, ngôn ngữ… đều là “ý thức hình thái” (ideologie) của xã hội mà ta thường gọi là tinh thần văn hóa, được kiến thiết ở trên nền tảng kinh tế. Nếu kinh tế thay đổi thì ý thức hình thái của xã hội, tức là nghệ thuật, triết học, pháp luật, tư tưởng, văn tự, ngôn ngữ… hay tinh thần văn hóa cũng phải thay đổi hết. Theo ý tôi thì chỉ có hai cách. Một là nếu muốn cho xã hội tín ngưỡng và thực hành luân lý đạo Phật thì phải làm cho công bình, đừng cho ai lợi dụng. Hai là phải vận động khắp thế giới thủ tiêu cái chế độ tài sản tư hữu… mới thực hiện được tinh thần vô ngã của đạo Phật”. Và ông nói rằng cách thứ hai hữu hiệu hơn[22].
Tạp chí Viên Âm không hề tường thuật nội dung bài diễn thuyết có màu sắc biện chứng hay duy vật này.
Sau khi ra được mười sáu số, tạp chí Pháp Âm đình bản. Tuy vậy, hội Tịnh độ Cư sĩ vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay. Tại miền Nam, tỉnh nào cũng có chùa của hội, nhất là tại các tỉnh Cần Thơ, Ba Xuyên, An Xuyên và Gia Định. Phần lớn những chùa này đều có tăng sĩ trú trì và hướng dẫn nghi lễ tụng niệm. Một trong những công trình hành đạo đáng kể của các chùa Tịnh độ Cư sĩ là cung cấp thuốc Nam cho bệnh nhân nghèo. Theo sự chỉ dẫn của những lương y biết điều trị bằng thuốc Nam, mỗi chùa mở một phòng thuốc Nam và vào rừng hái thuốc. Thuốc hái được đem phơi tại sân chùa và mỗi thứ được cất giữ trong một hộc lớn. Phòng thuốc nào cũng biết phối hợp các thứ lá cây này để làm thành những thang thuốc chữa các bệnh phổ thông như cảm, cúm, rét rừng, ho, đi tiêu, v.v… Hầu hết các chùa Tịnh độ Cư sĩ ở miền quê đều có mở một phòng thuốc như vậy.
Ngoài các tổ chức đã kể, tại Nam Kỳ hồi đó còn có những hội Phật giáo sau đây được thành lập:
– Hội Thiên thai Thiền giáo Tông Liên hữu, do thiền sư Huệ Đăng sáng lập năm 1934, trụ sở đặt tại chùa Thiên Thai, Bà Rịa.
– Hội Phật giáo Liên hữu do vị trú trì chùa Bình An ở tỉnh Long Xuyên sáng lập năm 1932.
– Hội Phật giáo Tương tế do vị trú trì chùa Thiên Phước tên là Lê Phước Chí ở Sóc Trăng sáng lập vào khoảng 1934.
Những hội này không có chi hội tại các tỉnh, không có xuất bản tạp chí và không có ảnh hưởng gì đáng kể.
PHẬT HỌC TÙNG THƯ
Vào khoảng 1932, tại Sài Gòn, cư sĩ Đoàn Trung Cò thành lập một nhà xuất bản ấn hành thư tịch Phật học bằng quốc ngữ. Nhà xuất bản này lấy tên là Phật Học Tùng Thư. Phần lớn những tác phẩm của Phật Học Tùng Thư đều do từ tay ông trước dịch. Từ năm 1931, ông đã cho ra các sách Chuyện Phật Đời Xưa, Văn Minh Nhà Phật Qua Tàu và Triết Lý Nhà Phật. Những sách này lần đầu được nhà Agence Saigonnaise de Publicité ấn hành. Tiếp theo, ông cho xuất bản các sách Truyện Phật Thích Ca (1932), Tăng Đồ Nhà Phật (1934) và Các Tông Phái Đạo Phật Ở Viễn Đông (1935). Đoàn Trung Còn là một người cư sĩ có tân học và những sách của ông được biên soạn hoặc phiên dịch thường căn cứ trên những thư tịch Phật giáo Tây phương. Sách của Đoàn Trung Còn được lưu hành rộng rãi: Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ cũng có nhiều người gửi mua sách của Phật Học Tùng Thư. Để phổ biến rộng rãi các tác phẩm của mình, Phật Học Tùng Thư kêu gọi độc giả “phát tâm ấn tống”, nghĩa là mua sách của Phật Học Tùng Thư với giá đặc biệt để tặng không cho người muốn học Phật. Chủ nhiệm của Phật Học Tùng Thư viết:
“… Trong các việc bố thí, chỉ có bố thí pháp, ấn tống kinh điển là cao quý hơn hết. Người thí pháp chẳng những được yên ổn phước lạc nơi nhà cửa họ hàng hiện tại mà cho đến cửu huyền thất tổ cũng được hưởng phước đức mà siêu thăng”.[23]
Phật Học Tùng Thư đã xuất bản được 39 tác phẩm, tính đến 1965 và có cuốn đã được tái bản nhiều lần. Ngoài những bản dịch các kinh như Diệu Pháp Liên Hoa, Na Tiên Tỳ Kheo, Pháp Bảo Đàn, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Địa Tạng, Di Lặc, Bồ Tát Giới, Kim Cang, v.v…, Phật Học Tùng Thư còn xuất bản những sách như Truyện Phật Thích Ca, Du Lịch Xứ Phật, Đạo Lý Nhà Phật, Chuyện Phật Đời Xưa, Văn Minh Nhà Phật, Triết Lý Nhà Phật, Pháp Giáo Nhà Phật, Tăng Đồ Nhà Phật, v.v… Đáng kể nhất là những tập đầu của bộ Phật Học Từ Điển (do Đoàn Trung Còn và Huyền Mặc Đạo Nhân biên soạn) đã được bắt đầu xuất bản. Năm 1965, Phật Học Tùng Thư đã cho ấn hành Yến Sáng Á Châu, bản dịch bằng thơ lục bát của tác phẩm The Light Of Asia, nguyên tác của Sir Edwin Arnold, biên soạn về cuộc đời Đức Phật[24]. Rất tiếc là văn lục bát của Đoàn Trung Còn không đủ sức chuyên chở chất liệu thi vị của nguyên tác.
Phật Học Tùng Thư đã đóng góp đáng kể vào công trình phổ thông Phật học. Cư sĩ Đoàn Trung Còn sau này còn sáng lập một tổ chức lấy tên là Tịnh Độ Tông Việt Nam có cơ sở rải rác ở miền Nam. Hội này được thành lập năm 1955 và đặt trụ sở tại chùa Giác Hải ở Phú Lâm, Chợ Lớn. Sau đó, hội được dời về chùa Liên Tông, 145 đường Đề Thám, Sài Gòn. Cộng tác với ông Đoàn Trung Còn, có các ông Nguyễn Văn Vật, Ngô Trung Hiếu, Nguyễn Văn Thiện.
[1] Tục Tạng Kinh nói đây là của Thương Vụ Ấn Thư Quán in lại năm 1923 theo lối “ảnh ấn” của Tục Tạng Kinh Nhật Bản. Còn Đại Tạng Kinh nói đây là bản in năm 1931 do các học giả Châu Khánh Lan, Diệp Quang Xước, Thích Phạm Thành, v.v… vừa mới thực hiện xong. Bản này in lại Tạng Kinh đời Tống phối hợp với các kinh bản đã từng khắc in ở Kim Lăng, Dương Châu, Thường Châu, Bắc Bình và Thiên Tân trước đó.
[2] Hiện nhà Lá Bối còn giữ được nguyên vẹn Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi của Bích Liên. Mong rằng Lá Bối sẽ ấn hành tác phẩm này để bảo tồn lại cho đời sau. Quy Sơn Cảnh Sách cùng những tác phẩm Hán văn khác của Bích Liên hiện không biết có còn được bảo tồn không. Mong các giới cao tăng ở Bình Định nếu sưu tầm được thì tìm cách ấn hành ngay, dù là chỉ in một vài trăm bản để bảo tồn những tác phẩm quý giá này.
[3] Chùa này do nữ cư sĩ Dương Thị Liễu tạo lập. Năm 1934, bà dâng chùa này cho hội để làm Phật học đường.
[4] Bốn vị là Thiện Hòa, Hiển Thụy, Hiển Không và Chánh Quang. Một vị cư sĩ cũng được gởi ra tham học, đó là ông Nguyễn Tấn Tài.
[5] Sáu vị là Thiện Hoa, Hành Trụ, Chí Thiện, Từ Thọ, Bửu Ngọc và Chí Quang.
[6] Theo lá thư này, ông Trần Nguyên Chấn đã từng “làm đơn kêu nài với chính phủ” về sự có mặt của hội Lưỡng Xuyên Phật học.
[7] Kính Cáo Độc Giả, Tiến Hóa số 1, tháng Giêng 1938.
[8] Tiến Hóa số 1 (tháng Giêng 1938), bài Tu là gì? của Tự Giác.
[9] Tự Giác viết trong Tiến Hóa số 3 (1.3.1938).
[10] Tự Giác viết trong Tiến Hóa số 2 (1.2.1938).
[11] Giác Tha viết trong Tiến Hóa số 8 (tháng Tám 1938) và số 9 (tháng Chín 1938).
[12] Tiến Hóa số 3 (tháng 3.1938).
[13] Tomomatsu là tân tăng phái Tịnh độ Chân tông. Theo Tiến Hóa số 9 (tháng Chín 1938) thì trong Chiến tranh Hoa – Nhật ông đã viết một bài tuyên bố rằng “không có cõi Tây phương Cực lạc”.
[14] Số 151 (tháng Bảy 1938).
[15] Thiện Chiếu, Phật Giáo Vấn Đáp, chùa Hưng Long Chợ Lớn xuất bản, 1932.
[16] Sách đã dẫn.
[17] Pháp Âm số 7 (tháng Bảy 1937).
[18] Pháp Âm số 10 (tháng Mười 1937).
[19] Pháp Âm số 12 (tháng Chạp 1937).
[20] Pháp Âm số 13 (tháng Hai 1938).
[21] Hội Tịnh độ Cư sĩ là hậu thân của một hội khác tên là hội Lễ Bái Lục Phương thành lập trên căn bản kinh Thi Ca La Việt. Hội có một trụ sở nhánh tại chùa Hưng An ở Cà Mau, khánh thành vào ngày 24.2.1937. Những nhân vật chính của hội là các ông: Lương Văn Đường, Nguyễn Văn So, Lê Văn Chim, Lại Văn Giáo, Phạm Đình Vinh, Trương Văn Thủ, Trần Văn Nhân, Đặng Văn Thìn, Ngô Quang Minh, Ngô Văn Thắng và Nguyễn Văn Thiên.
Thiền sư Minh Trí tên đời là Nguyễn Văn Bồng, sinh năm 1885 tại Sa Đéc. Ông xuất gia năm 33 tuổi và thường hay vân du tìm hái những cây lá có dược tính để cứu bệnh cho người. Hội Tịnh độ Cư sĩ được thành lập năm ông 48 tuổi. Chùa Tân Hưng Long làm lễ khánh thành vào năm 1936. Chính vào năm đó ông được tín đồ xưng là Tông Sư Minh Trí.
[22] Tiến Hóa số 2 (1938).
[23] Lời kêu gọi này thường được in vào cuối sách.
[24] Tác phẩm này cũng đã được Võ Đình Cường sử dụng để viết cuốn Ánh Đạo Vàng.