Chương 23: Thiền phái Tào Động tới Việt Nam
CHỦ TRƯƠNG TÀO ÐỘNG
Thiền phái Tào Ðộng được truyền vào Ðại Việt từ thế kỷ thứ mười bảy, cả ở Ðàng Ngoài lẫn Ðàng Trong.
Thiền phái này do hai thiền sư Ðộng Sơn Lương Giới (807 – 869) và Tào Sơn Bản Tịch (840 – 901) sáng lập, vị thứ hai là đệ tử của vị thứ nhất. Ðạo tràng của Bản Tịch là ở Sùng Thọ Viện núi Tào Sơn, Giang Tây. Sau đó một đạo tràng khác được mở tại Ngọc Hà Sơn. Hai nơi ấy là cứ điểm của phái Tào Ðộng.
Nói đến phái Tào Ðộng là nói đến nguyên tắc năm địa vị (ngũ vị) giữa thẳng (chính) và nghiêng (thiên). Ý niệm về địa vị giữa thẳng và nghiêng vốn là của Ðộng Sơn. Tào Sơn đã xếp đặt và trình bày lại ý niệm ấy, và truyền lại cho những thế hệ kế tiếp. Thẳng ở đây tượng trưng cho tuyệt đối còn nghiêng tượng trưng cho tương đối. Tống Nho sau này có ý niệm về Lý và Khí rất tương tự với ý niệm về thẳng và nghiêng này.
Ðộng Sơn nói: “Có một vật trên thì chống trời, dưới thì đỡ đất. Nó đen như sơn, luôn luôn chuyển dịch và hoạt động”. Ðó là cái thẳng. Cái thẳng còn có nghĩa là Tuyệt Ðối, là nền tảng của trời đất và muôn loài. Cái tuyệt đối ấy vốn không thể nắm bắt được bằng khái niệm, không thể diễn tả được bằng ngôn từ.
Còn cái nghiêng? Cái nghiêng là khi cái thẳng đi vào thế giới hiện tượng, thế giới của sự vật tương đối.
Tuy nhiên, thẳng và nghiêng không phải là hai vật khác nhau: tương đối là đối với tuyệt đối mà có, tuyệt đối là đối với tương đối mà thành. Cũng như sóng là nước, nước là sóng. Sóng tuy nhiều nhưng là một, nước tuy một mà là nhiều. Thẳng là chân không, nghiêng là diệu hữu.
Sự liên hệ giữa Thẳng và Nghiêng làm thành Năm Địa Vị như sau:
1) Cái thẳng đi vào cái nghiêng (Chánh trung thiên): Vì cái tuyệt đối nằm trọn trong cái tương đối nên ta có thể hiểu được cái tuyệt đối qua cái tương đối. Ðộng Sơn có nói: “Trong cái tuyệt đối đã có cái tương đối rồi, nếu không thì hóa ra cái tuyệt đối có trước cái tương đối sao?”.
2) Cái nghiêng đi vào cái thẳng (Thiên trung chánh). Vì cái tương đối chỉ có thể có do nhờ cái tuyệt đối, cho nên trong cái tương đối phải xáp mặt cho được cái tuyệt đối. Ðộng Sơn lại nói: “Cái tương đối đã có trong cái tuyệt đối rồi, nếu không thì hóa ra cái tương đối có trước cái tuyệt đối sao?”.
3) Cái thẳng trong tự thân của nó (Chánh trung lai). Ðây là cái tuyệt đối trong tư thế tuyệt đối của nó, không được nhận thức qua liên hệ bản thể – hiện tượng. Ðây là pháp thân, là chân như.
4) Cái nghiêng trong tự thân của nó (Thiên trung chí). Ðây là cái tương đối trong tư thế tương đối của nó, không được nhận thức qua liên hệ bản thể – hiện tượng. Ðộng Sơn ví trường hợp này như là trường hợp hai người đang đấu kiếm với nhau, không bên nào áp đảo được bên nào. Hoặc là một bông sen nở trong lò lửa, không hề bị lửa cháy sém. Người đạt đến vị trí này là người đã thâm nhập thế giới pháp thân và trở ra tung hoành nơi thế giới hiện tượng.
5) Cái thẳng và cái nghiêng trong cùng một tự tính (Kiêm trung đáo). Tới vị trí này thì mọi phân biệt giữa tuyệt đối và tương đối, bản thể và hiện tượng, không còn nữa.
Năm vị trí giữa thẳng và nghiêng cũng được giải thích bằng năm sự liên hệ giữa vua và tôi (ngũ vị quân thần). Có vua là vì có bầy tôi, có bầy tôi là vì có vua:
1- Vua trông thấy bầy tôi.
2- Bầy tôi hướng về vua.
3- Vua (một mình).
4- Bầy tôi (một mình).
5- Vua và bầy tôi (bên nhau).
Sau này trong phái Tào Ðộng, những chủ trương sau đây dần dần lại được hình thành:
1) Chỉ cần ngồi thiền mà không cần chủ đề thiền tọa (chỉ quán đả tọa).
2) Ngồi thiền và đạt đạo là một việc chứ không phải là hai (tu chứng nhất như).
3) Không trông chờ sự chứng đắc (vô sở đắc).
4) Không có đối tượng giác ngộ (vô sở ngộ).
5) Tâm và thân nhất như (thân tâm nhất như).
Những nguyên tắc trên dần dần được áp dụng trong các thiền phái khác. Thiền sư Phân Dương (947 – 1024) của phái Lâm Tế chẳng hạn cũng đã sử dụng khái niệm về năm vị trí giữa cái thẳng và cái nghiêng. Khái niệm “vô đắc” cũng rất được phổ thông trong thiền phái Lâm Tế. Ngược lại, lối dùng thoại đầu cũng được áp dụng trong thiền phái Tào Ðộng.
Vào thế kỷ thứ mười bảy, khi phái Tào Ðộng truyền sang Ðại Việt thì những khác biệt giữa hai tông phái hình như không còn bao lăm nữa.
TÀO ÐỘNG Ở ÐÀNG NGOÀI
Ở Ðàng Ngoài, như ta đã biết, thiền phái Tào Ðộng do thiền sư Thủy Nguyệt đi du học Trung Hoa mang về. Thiền sư Thủy Nguyệt hiệu là Thông Giác, sinh năm 1636. Ông tên là Ðăng Giáp, quê làng Thanh Triều, ở Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Ông tu ở một ngôi chùa trên núi Hùng Lĩnh. Cùng với hai người đệ tử, ông đi qua Hồ Châu, tham học với thiền sư Nhất Cú Tri Giáo tại núi Phụng Hoàng. Ông rời Ðại Việt năm 1664, lúc ông còn hai mươi tám tuổi. Ông tu học tại Hồ Châu trong ba năm. Ðến năm 1667, ông và hai người đệ tử về, cư trú tại chùa Vọng Lão ở núi An Sơn, huyện Ðông Triều, tỉnh Hải Dương. Ở Hải Dương, ông gặp và làm quen với một cao tăng tên là Tuệ Nhãn. Tuệ Nhãn tu ở Ðông Sơn, tên tục là Mai Tư Phụng, quê ở làng Dưỡng Mông ở Kim Thành, Hải Dương. Vì tu ở chùa làng Dưỡng Mông nên ông lại được gọi là Tổ Muống. Ở Ðông Sơn, ông dạy rất đông đệ tử. Ông từng được vua Lê sắc phong là “Ðại Thánh Ðông Sơn Tuệ Nhãn Từ Giác Quốc Sư”. Chưa biết vua nào đã sắc phong, và từ năm nào[1].
Thiền sư Thủy Nguyệt cũng từng tới hành đạo ở chùa Tư Phúc, núi Côn Sơn, và chùa núi Nhẫm Dương ở Hạ Long. Ông mất năm 1704, thọ sáu mươi tám tuổi.
Hồi còn học với thiền sư Tri Giáo ở Hồ Châu, có lần ông được Tri Giáo hỏi:
– Chỗ an thân lập mạng của ông là chỗ nào?
Thủy Nguyệt đáp:
– Trong gió lửa nổi dậy
Trên sóng nước an nhiên.
Tri Giáo liền hỏi tiếp:
– Ðêm ngày ông giữ gìn nó ra sao?
Thủy Nguyệt đáp:
– Ðúng ngọ trăng sao hiện
Nữa đêm mặt trời hồng.
Tri Giáo:
– Chuyện an thân lập mạng như thế được rồi, còn chuyện mặt mũi xưa nay của ông như thế nào?
Thủy Nguyệt:
– Quơ sào trên bóng cỏ
Tên nhọn sẽ bay ra[2].
Tri Giáo khen: “Con rắn hai đầu ấy, đừng để nó chạy thoát! Hãy xỏ mũi nó! Cẩn thận! Người là con cháu xứng đáng của tông Tào Ðộng. Ta cho người pháp hiệu là Thông Giác”.
Ông có để lại bài kệ sau đây:
Núi sông dệt gấm vẽ tranh
Từ nơi suối ngọc chảy thành sữa thơm
Trên bờ oanh hót hoa vàng
Dưới sông cá lội từng đàn thẩn thơ
Ông chài ngủ dưới trăng mờ
Nong tằm phơi nắng hè trưa nực nồng.
(Sơn chức cẩm thủy họa đồ
Ngọc tuyền dũng xuất bạch đà tô
Ngạn thượng hoàng hoa oanh lộng ngữ
Ba trung bích thủy điệp quần hồ
Nguyệt bạch đường đường ngư phủ túy
Nhật hồng cảnh cảnh kiển bà phô.)
Vị đệ tử được Thủy Nguyệt truyền pháp tên là Tông Diễn, hiệu là Chân Dung. Thiền sư Tông Diễn khi tới với Thủy Nguyệt đã là một vị tăng có trải qua nhiều năm tu học rồi. Ông vốn là người Ðông Sơn; nghe Thủy Nguyệt hành đạo ở gần, ông tới tham vấn, thì gặp lúc Thủy Nguyệt đang nghỉ ngơi. Thủy Nguyệt nói: “Tôi đang nghỉ ngơi, chẳng biết lúc nào mới có tin tức”. Tông Diễn trả lời ngay: “Giờ dần mặt trời mọc, giữa ngọ trời đứng bóng”. Thủy Nguyệt ngạc nhiên vì câu trả lời giản dị đó. Ông hỏi: “Vậy thì giữ gìn ra sao?” Tông Diễn đọc bài kệ:
Ðã có gì cũng có
Khi không gì cũng không
Khi có không nhào xuống
Mặt trời mọc đỏ hồng.
(Ứng hữu vạn duyên hữu
Tùy vô nhất thiết vô
Hữu vô câu bất lập
Nhật cảnh bổn đương bô.)
Thủy Nguyệt nghe bài kệ, liền bước xuống vỗ vai Tông Diễn nói: “Dòng Tào Ðộng chủ trương Ngũ Vị Quân Thần, nhà ngươi đúng là người phải thừa kế môn phái này”. Nói xong trao cho Tông Diễn bài kệ sau đây:
Không có pháp nào sinh
Không có pháp nào diệt
Sen nở trên lưỡi người
Chuyện tương truyền tự biết.
(Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Phật Phật tổ tổ truyền
Uẩn không liên đầu thiệt.)
Về Ðông Sơn, Tông Diễn ra sức hoằng hóa tông Tào Ðộng. Học giả bốn phương nghe tiếng tìm tới tham học rất đông. Năm 1709, ông mất; ông có để lại bài kệ sau đây:
Hoa nở xuân mới đến
Lá rụng liền biết thu
Ðầu cành sương đọng ngọc
Trên lá tuyết thành châu
Buổi sáng trời quang vẩy rồng hiện
Xế trưa mây tạnh có voi chầu
Vằn cọp ngoằn ngoèo một thứ
Phượng bầy thể tính như nhau
Pháp của Ðạt Ma có gì lạ?
Lênh đênh mặt biển cánh hoa lau[3].
(Hoa khai xuân phương đáo
Diệp lạc tiện tri thu
Chi đầu sương oánh ngọc
Ngạc thượng tuyết liên châu
Thanh thần vân tán sản long giáp
Bạch nhật hà quan lõa tượng khu
Báo văn tuy kiến nhất
Phụng chúng thể toàn câu
Ðạt Ma Tây lai truyền hà pháp?
Lô hoa thiệt hải thủy phù phù.)
Phái Tào Ðộng do Thủy Nguyệt và Tông Diễn truyền bá ở Ðàng Ngoài, rất được thịnh hành vào cuối thế kỷ thứ mười bảy và trong thế kỷ thứ mười tám. Tiếc là chưa khảo cứu thêm được về sự truyền thừa. Hiện nay các chùa như Hàm Long, Hòa Giai và Trấn Quốc ở Hà Nội đều thuộc tông phái Tào Ðộng.
THẠCH LIÊM VÀ TÀO ÐỘNG Ở ÐÀNG TRONG
Ở Đàng Trong Ðại Việt, người đầu tiên truyền bá thiền Tào Ðộng có lẽ là thiền sư Hưng Liên. Ông lập đạo tràng ở chùa Tam Thai Quảng Nam và được tôn làm quốc sư. Chương trước đã nói về ông. Tiếc rằng hiện nay chưa khảo cứu thêm được về công trình hoằng pháp và sự truyền thừa của ông. Chùa Tam Thai bị đổ vỡ hủy hoại trong cuộc chiến tranh vào cuối thế kỷ thứ mười tám, tài liệu thất lạc hết. Chùa này được trùng tu năm 1825 đời vua Minh Mạng.
Thiền sư Thạch Liêm hiệu Ðại Sán Hán Ông, người Giang Tây, sinh năm 1633, xuất gia hồi thiếu niên ở chùa Thượng Lam, theo hầu thiền sư Giác Lãng[4]. Năm mười sáu tuổi Giác Lãng qua đời, không biết ông đã được tiếp tục và thọ giới với vị nào. Sau ông nhậpchúng làm giảng sư chùa Trường Thọ ở Quảng Ðông do thiền sư Thực Hành trú trì. Sau khi Thực Hành mất, ông được kế thừa trú trì chùa Trường Thọ. Nhờ tài hội họa và kiến trúc sẵn có, Thạch Liêm đã biến chùa Trường Thọ thành một nơi danh thắng ở Quảng Ðông.
Theo lời đề nghị của quốc sư Hưng Liên, chúa Nguyễn Phúc Trăn đã hai lần mời ông sang Ðại Việt, nhưng ông chưa đi được. Mãi đến năm 1694, khi chúa Nguyễn Phúc Chu cho người sang mời, ông mới quyết định ra đi. Cùng đi với ông có độ một trăm người, trong đó hơn phân nửa là tăng chúng. Ðoàn người đi trên hai chiếc thuyền buôn mang theo rất nhiều pháp khí kinh tượng để tổ chức giới đàn. Thuyền của ông tới đảo Tiêm Bút La vào ngày 27 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695). Chúa Nguyễn Phúc Chu cho thuyền đi đón, rước về định cư ở chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa[5]. Khoảng một ngàn người thợ làm việc trong ba ngày ba đêm, cất mười gian phương trượng và lưu xá cho đoàn tăng khách tạm trú.
Trong những công tác mà Thạch Liêm đã thực hiện được trong thời gian lưu trú tại Ðàng Trong, có thể nói rằng công tác quan trọng nhất là tổ chức giới đàn Thiền Lâm. Giới đàn này được tổ chức từ mồng một đến ngày mười hai tháng Tư năm Ất Hợi (1695). Giới đàn có đến trên ba ngàn giới tử trong đó số giới tử xuất gia lên tới 1.400 vị vừa tỳ khưu vừa sa di. Chương trình của giới đàn như sau:
– Ngày 24 tháng Ba các giới tử xuất gia nhập giới đàn.
– Ngày mồng một truyền giới sa di. Thạch Liêm thượng đàn thuyết pháp, có chúa và các quan đến nghe.
– Ngày mồng sáu truyền giới tỳ khưu. Quốc mẫu và vương huynh thiết lễ trai tăng cúng dường các vị tăng sĩ mới thọ giới, và ghi chép các lời pháp ngữ của Thạch Liêm.
– Ngày mồng tám tháng Tư, Phật đản, làm lễ trao Bồ tát giới cho chúa Nguyễn Phúc Chu, quốc mẫu, công chúa và những người quyến thuộc trong nội cung. Lễ truyền giới được tổ chức ở chùa Giác Vương Nội Viện trong phủ Chúa. Thạch Liêm viết cho chúa một cuốn sách ngắn, chỉ bày cách tu tập, gọi là Hộ Pháp Kim Thang Thư. Buổi chiều, lễ truyền giới Bồ tát cho các vương huynh là Lệ Truyền Hầu và Thiều Dương Hầu cùng một số các quan được tổ chức tại chùa Thiền Lâm.
– Ngày mồng chín tháng Tư, lễ truyền giới Bồ tát cho chư tăng được cử hành tại chùa Thiền Lâm. Các vương huynh công chúa cúng dường trai tăng và thỉnh Thạch Liêm thuyết pháp, rồi ghi chép pháp ngữ.
– Ngày mười hai tháng Tư, Thạch Liêm và quốc sư Hưng Liên thống suất hai dãy tân giới tử, tất cả một ngàn năm trăm vị tăng đều mang bình bát, chống tích trượng làm lễ “cổ Phật khất thực” trong thành phố, và đến phủ chúa tạ ơn chúa Nguyễn đã thành tựu công đức cho đại giới đàn. Lễ cúng dường cơm chay được thiết lập tại phủ chúa. Giới đàn bế mạc chiều hôm ấy.
Trong giới đàn này, giới điệp cấp phát cho giới tử đều có đóng kèm ấn của phủ chúa.
Một giới đàn khác sau đó đã được tổ chức tại chùa Di Ðà ở Hội An ngày mồng bảy tháng Bảy âm lịch năm ấy. Khoảng trên ba trăm người đã xin thọ giới. Giới đàn ở đây đã được tổ chức rất đơn giản, nhưng giới điệp cũng được đóng kèm ấn chúa.
Giới đàn Thiền Lâm có một tầm quan trọng lớn. Đó là một giới đàn tổ chức cho cả nước; các tỉnh đều có giới tử về thọ giới. Ta nhớ là thiền sư Liễu Quán cũng đã từ Phú Yên ra để thọ giới sa di ở giới đàn này. Phái Tào Ðộng trước kia chỉ có ảnh hưởng ở Quảng Nam, nay đã lan ra khắp xứ.
Ðáng lý thiền sư Thạch Liêm đã ra về từ tháng Bảy âm lịch năm đó, nhưng vì gió bão cản trở nên ông lưu lại Ðại Việt để dưỡng bệnh. Từ Hội An, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cho người vào đón ra chùa Thiên Mụ. Ông ở Thiên Mụ cho đến ngày 24 tháng Sáu năm tới mới xuống thuyền về Quảng Ðông. Thạch Liêm qua Ðại Việt năm 62 tuổi, mất năm 71 tuổi (1704).
CON NGƯỜI CỦA THẠCH LIÊM
Thiền sư Thạch Liêm là một nghệ sĩ. Ông sở trường về nhiều môn: thi văn, hội họa, viết chữ, thủ công. Mao Tế Khả đề tựa tập thơ Ly Lục Ðường của Thạch Liêm đã viết:
“Trượng nhân là bậc bác nhã khôi kỳ, càng sở trường về thi ca; cho đến các môn như tinh tượng, lịch luật, diễn xạ, lý số, triện lệ, đơn thanh, môn nào cũng siêu việt”.
Chùa Trường Thọ ít ra cũng có đến một trăm tăng sĩ. Những vị theo Thạch Liêm qua Ðại Việt đã hơn năm mươi người rồi. Vì giỏi tiểu công nghệ nên Thạch Liêm tổ chức kinh tế tự túc trong chùa. Với gỗ lê, gỗ đàn, đồng thau, đá hoa, chùa đã chế ra rất nhiều đồ dùng có giá trị nghệ thuật như bàn, ghế, bình phong, cẩm đôn, hộc tộ, bát, đĩa, v.v… Chùa cũng tổ chức dệt vải lụa. Thạch Liêm là một họa sư, những bức họa của ông rất được khen ngợi. Trong tập Họa Gia Thi Sử Đời Thanh tác giả Lý Tuấn Chi viết về Thạch Liêm như sau: “Ðại Sán tự Hán Ông, người Lĩnh Nam, tu ở chùa Kim Lăng, có tài vẽ chân dung rất khéo. Năm Mậu Ngọ, đời Khang Hy (1678), ông có vẽ cho Trần Gia Lăng một bức hình, có đề lời, mặt đẹp râu dài, tinh thần hoạt bát, thời ấy hầu như khắp danh nhân trong nước đều có đề vịnh. Có biên soạn Ly Lục Ðường Tập”.
Nhờ có cơ sở kinh tế tự túc, không những chùa Trường Thọ được Thạch Liêm kiến thiết mau chóng, mà rất nhiều văn nghệ sĩ nghèo trong nước cũng được ông giúp đỡ. Sự giao du của ông với văn nghệ sĩ trong xứ rất rộng. Tập thơ Ly Dục Ðường của Thạch Liêm có phụ đính 34 bức tranh do tác giả vẽ; trên những bức vẽ này có văn của các danh sĩ như Khuất Ông Sơn, Thanh Lê, Dược Ðình, Vương Thế Trinh, Từ Phàm, Ngô Ý, Ngô Thọ Tiềm và Cao Tằng Vân đề ở lạc khoản. Tập thơ lại có tới mười mấy danh sĩ đề tựa. Nói tóm lại là ông giao thiệp thân mật với hầu hết các văn nhân nổi tiếng của thời đại ông.
Cũng vì tiếng tăm của ông lừng lẫy như thế nên có nhiều kẻ ghen ghét và chống đối ông kịch liệt, cho ông là “ngạo mạn, dối trá, buôn lậu”, v.v… Thực ra tính ông cương trực và ưa nói thẳng nên bị nhiều người ghen ghét. Vì bị gièm pha cho nên năm 1702 ông bị quan án sát Quảng Ðông là Hứa Tự Hưng bắt giam tra hỏi, rồi đuổi về Cống Châu, Giang Tây. Ở Cống Châu, ông lại mở đạo tràng ở chùa Sơn Tự; tăng tín đồ quy tụ rất đông và đạo tràng lại bành trướng lớn lao như cũ. Quan sở tại là quan tuần vũ Giang Tây lại cho bắt ông áp giải về nguyên quán. Ông chết trên đường đi. Ðó là vào năm 1704.
Quan án sát Quảng Ðông Hứa Tự Hưng là người như thế nào? Năm 1695, khi còn làm chức đồng tri ở Mân Châu, ông đã bị cách chức vì tội làm nhục thuộc viên và hạch sách đòi ăn hối lộ, tiền bạc, ngựa… Qua năm 1699 nhờ tiền bạc được phục chức, và sau đó được bổ đi án sát Quảng Ðông. Một người như thế cố nhiên không thể chịu nổi thái độ ngang ngạnh của một ông thầy tu nghệ sĩ như Thạch Liêm. Mà một người như Thạch Liêm cố nhiên cũng không chịu cúi đầu khuất phục một vị quan quyền như thế. Tâm sự của ông về việc bị ganh ghét được ông tỏ bày chút ít trong sách Hải Ngoại Kỷ Sự[6]. Ông viết: “Lại còn một bọn ngu dốt làm ma làm quái, bới lông tìm vết, bày đặt bao chuyện thị phi. Nhưng chuyện thị phi ấy đâu có rõ ràng; chúng chỉ vì lòng ghen ghét cho nên tự trong bóng tối khuấy cho sóng động mòi xao, bày chuyện đặt điều làm cho người ta không chịu nổi để khoái chí mình. Nhưng ta đâu có nao núng, bởi vì mọi việc đều vô ảnh vô tông, tất cả đều trôi theo dòng nước. Những thử thách kia chỉ làm cho ý chí thêm tinh, hạnh nguyện thêm vững, càng mài càng không mòn, càng nhuộm càng không đen. Rốt cuộc bọn họ lại giúp ta như thầy nghiêm bạn tốt vậy”.
Sách Hải Ngoại Kỷ Sự cũng phản ánh tánh cương trực của Thạch Liêm. Cái gì ở xứ khách mà ông muốn khen thì ông khen, còn cái gì ông muốn chê là ông chê, sự khen chê có khi không chính xác, vì sự thấy nghe của ông về văn hóa và phong tục Ðại Việt có khi không được rộng rãi và minh xác; cũng có thể vì ông lấy văn hóa Trung Quốc làm tiêu chuẩn để xét đoán văn hóa Ðại Việt khiến ta có thể không bằng lòng khi đọc Hải Ngoại Kỷ Sự. Tính nói thẳng là một tính rất tốt, nhưng sự nhận xét không được thấu đáo là một khuyết điểm. Dù sao, ông đã phải trả một giá quá đắt về tính nói thẳng của ông.
Một điều đáng tiếc trong cuộc du hành Ðại Việt của ông là, ngoài quốc sư Hưng Liên là đệ tử của ông, ông không được gặp những cao tăng khác lúc bấy giờ đang hành đạo tại Ðại Việt. Trong số những vị này, có những vị từ Quảng Ðông tới như ông. Hải Ngoại Kỷ Sự không hề nhắc đến những vị như Tử Dung, Tế Viên, Pháp Hóa, Từ Lâm, Minh Hải, v.v… nghĩa là những vị đang chủ trương các đạo tràng lớn lúc bấy giờ như Ấn Tôn, Quốc Ân, Chúc Thánh, Từ Lâm, Thiên Thọ… Ông đã không có sự cộng tác của các vị cao tăng có mặt lúc bấy giờ ở Ðại Việt, ngay trong giới đàn chùa Thiền Lâm. Sự kiện này có nhiều lý do. Lý do đầu tiên là ông thuộc phái Tào Ðộng. Lý do thứ hai: ông là khách đặc biệt của quốc vương. Lý do thứ ba là bài bố cáo mà ông viết và cho dán ở các chùa trong xứ nhiều tháng trước ngày khai mạc giới đàn Thiền Lâm đã đánh giá sự hành đạo tại Ðại Việt quá thấp.
Ðã đành vì chiến tranh giữa Ðàng Trong và Ðàng Ngoài đã khiến cho nhiều trai tráng cạo đầu đi tu để trốn lính, và do đó số tăng sĩ thất học trở thành đông đảo, nhưng sự giáo hóa trong gần nửa thế kỷ của một số các vị cao tăng (như Nguyên Thiều chẳng hạn) có mặt đã tạo được một số trung tâm tu học chân chính đáng kể. Ðiều này không hề được nói đến trong bài bố cáo của Thạch Liêm. Bài bố cáo để ra nhiều trang công kích những vị tăng không chân chính. Ví dụ ông viết: “Có kẻ giày cỏ chưa mang qua một đôi, cửa chùa chưa bước qua hai bậc, một ngày kia khi ra làm ông thầy, sợ người ta biết rõ chân tướng, mới làm bộ lim dim con mắt, sửa giọng thanh cao, làm trò giải thoát. Những hạng người đó lạm dự vào hàng sa môn chẳng biết hổ thẹn, mượn danh hiệu Phật làm chuyện bán buôn, điều lo lớn cho đạo là chỗ ấy”. Rồi ông kết luận: “Trong buổi Phật pháp suy vong, há nên lấy ngoa truyền ngoa khiến tăng sĩ khắp nước chẳng biết đạo xuất thế là cái gì, ù ù cạc cạc trong cơn túy mộng. Lão tăng chẳng nỡ làm thinh ngồi đó, nên chẳng tránh khẩu nghiệp, nói thẳng vài lời”.
Ðúng là thiền sư đã không tránh khẩu nghiệp, đã nói thẳng, nhưng giá ông được Hưng Liên cho biết rõ hơn về tình trạng Phật giáo Ðại Việt thời đó thì khẩu nghiệp ông đã nhẹ hơn và ông đã ít bị cô lập hơn.
Tuy nhiên trong bức thư gửi cho hữu thừa tướng Tống Công (có lẽ là Tống Phúc Tài), Thạch Liêm có công nhận rằng “vì tới Ðại Việt chưa bao nhiêu ngày, nên chưa thấu rõ hết những chỗ ẩn vi của tình trạng”, và ông ta can chính quyền đừng bắt bớ trừng phạt những tăng đồ thất học. Số là trong khi nói chuyện với Thạch Liêm, vị thừa tướng này tỏ ý lo cho sự kiện có nhiều phần tử bất hảo trong giới tăng già, và nói rằng “phải cuốc hết cỏ dại, lúa tốt mới có thể mọc lên”, nghĩa là phải trừng trị những tăng đồ thiếu học. Thạch Liêm nói: “Những phần tử tăng già đó từ trước đến nay chưa được giáo hóa Phật pháp, không biết rõ thế nào là bổn phận người xuất gia, nay nếu ta bỗng nhiên lấy pháp luật mà trừng phạt họ một cách nặng nề thì đó gọi là “không dạy mà giết”, một chánh sách “bạo ngược”, không phải là chính sách của kẻ nhân từ vì lòng trắc ẩn mà muốn giáo hóa họ”. Ông lại đề nghị nên để tăng sĩ giáo hóa tăng sĩ, chính quyền không nên dự vào: “Từ ngày cắt tóc đi tu, người xuất gia từ bỏ gia đình, niệm Phật, tụng kinh, nghĩ rằng mình đã là người đứng ra ngoài cuộc, thoát khỏi lưới đời, bao nhiêu quyền che chở từ bi đều nằm cả trong tay vị sư trưởng… Chính quyền địa phương thường nên chọn những bậc tôn sư minh chánh để chủ trì pháp tịch, thập phương vân thủy đều lấy đó làm nơi nương dựa tinh thần. Người trên nghiêm tu giới luật, lượng sức mà giáo hóa, khiến cho mọi người biết được bổn phận mình mà gắng sức tu trì, dần dần chuyển phàm thành thánh. Căn khí chính đại thì tự nhiên nắm thẳng lấy con đường hướng thượng mà tinh tấn tu hành. Nhưng ở chốn thiền lâm, thánh phàm ở chung, thế nào cũng có kẻ ngu ngoan cuồng vọng làm trái giới pháp. Ðối với những người này thì phải thiết lập thanh quy: Tội nhẹ thì sám hối quỳ hương, tội nặng thì trục xuất cởi áo…” Thạch Liêm lại nói rằng không nên trông đợi tất cả mọi phần tử tăng già đều trở thành những đại thiền sư. “Vả lại quốc gia thiết lập chùa chiền, chẳng phải chỉ để tạo nên một số tăng sĩ biết “giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm thành Phật”, mà cũng là để có những vị tăng sớm hôm đốt hương cầu nguyện cho các bậc thánh minh để ngồi giữ nước, cho trong triều có nhiều bậc hiền lương chính trực biết lấy trung hiếu tiết nghĩa mà giáo hóa, khiến thiên hạ vui lòng làm việc thiện, bốn phương hòa bình, nhà tù bỏ trống…” Lá thư này Thạch Liêm viết gần một năm sau ngày nói chuyện với Tống Phúc Tài. Có lẽ bức thư này đã ảnh hưởng nhiều đến chính sách tôn giáo của chúa Nguyễn Phúc Chu. Thay vì thanh lọc tăng già bằng những cuộc bắt bớ hay thi cử, triều đình chú trọng đến việc nâng cao uy tín các bậc chân tu địa phương bằng cách ban biển ngạch sắc tứ và câu đối cho những chùa nơi họ hành đạo.[7]
TƯ TƯỞNG THIỀN CỦA THẠCH LIÊM
Tư tưởng thiền học của Thạch Liêm có thể diễn tả bằng ba công thức: Thiền tịnh song tu; Nho Phật nhất trí và Lâm Tào tổng hợp.
Thiền Tịnh Song Tu: Thiền tông và Tịnh độ tông được phối hợp làm một, và Tịnh độ tông trở thành một phương pháp hành thiền giản dị mà đại chúng có thể tu tập được. Phật A Di Ðà trở thành tự tánh của mọi người, thấy được Phật A Di Ðà tức là thấy được tự tánh của chính mình. Hồi Thạch Liêm dự định về nước, mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu là Tống Thị[8] dọn cơm chay cúng dường, tỏ ý buồn rầu vì sự thầy trò xa cách. Thạch Liêm khuyên bà niệm Phật: “Sự hội họp chia lìa của con người không phải ở nơi hình hài. Nếu quốc mẫu thường xuyên làm việc lành và nhất tâm niệm Phật không chút gián đoạn thì đó là thầy trò được gần gũi nhau mãi mãi. Còn nếu tâm niệm thường theo đuổi việc trần thì dù lão tăng có ở đây hàng ngày đối diện cũng là xa cách ngàn dặm, rốt cuộc không có ích gì”. Quốc mẫu nghe mấy câu trên lấy làm mừng rỡ, cầu xin ông chép lại ý ấy bằng giấy mực mà ngày đêm tuân hành. Sau bữa trai tăng, ông về chùa Thiền Lâm viết một bài ngắn cho bà, tựa đề là: “Nói về Phật A Di Ðà của tự tính” (Tự Tính Di Ðà Thuyết). Bài này có lẽ đã được quốc mẫu giữ gìn thận trọng lắm, nhưng sau khi bà chết không biết thất lạc về đâu. May nhờ có sách Hải Ngoại Kỷ Sự mà ta còn đọc được trọn bài. Giáo lý Tịnh độ ở đây được diễn tả bằng ngôn ngữ Thiền học: “Vì tôi muốn trở về chùa cũ nên quốc mẫu xin một vài lời lưu lại để trọn đời thọ trì, nguyện đời đời kiếp kiếp thường được thân cận. Cho nên tôi viết những lời sau đây: “Trong các con đường tắt để tu hành, không con đường nào bằng niệm Phật. Niệm Phật cốt ở chỗ dứt bỏ duyên lự, chỉ nhớ tới sáu chữ, tâm không tán loạn, niệm phải tinh thành, sáng niệm chiều niệm, niệm cho đến chỗ bất niệm, niệm cho đến chỗ vô niệm, niệm niệm không ngừng, niệm thành một khối đạo hợp thể đồng, cùng cao với trời, cùng dày với đất, cùng sáng với nhật nguyệt tinh tú; với núi sông, cây cỏ, nhân, vật, quỷ thần, cùng chung kiếp vận họa phúc sang hèn, nam nữ, xa gần, qua lại, đói ăn mệt ngủ, hỷ nộ ái lạc… Khi đã cùng vạn vật nhất thể thì nguồn suối Di Ðà không còn là của riêng của ai nữa mà sẽ được tự tâm ý bất loạn của tự mình chảy ra. Ai nói Di Ðà ở Tây phương, lão tăng ở Quảng Ðông và quốc mẫu ở Ðại Việt? Khi nhất niệm đã bất sinh thì chân thể toàn nhiên hiển hiện vậy. Nếu tán loạn một chút thì xa cách Di Ðà mười vạn tám ngàn dặm, cách xa lão tăng bốn mươi lăm ngày đường. Ðiều đó nếu xảy ra là do quốc mẫu ở bên kia đại dương, trên bờ Khước Nguyệt, để cho mây lục căn lay động che mất bản tâm vậy. Căn cứ vào đây mà bàn chuyện hợp tan thì thấy rằng cái thấy cái nghe của ta chỉ là giả hợp vậy. Ví như trước mặt ta đây có vườn rừng, trúc biếc hoa vàng, ta cho nó là trúc biếc hoa vàng, đó là vì con mắt chạm sắc trần mà có nhận thức vậy. Như gió lay nước chảy dưới hồ sen kia ta cho là có gió lay nước chảy, đó là vì lỗ tai chạm thanh trần mà có nhỉ thức vậy. Bốn thức khác là tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng vậy. Ðiều cốt yếu là thấy sắc không nhiễm, nghe thanh không đắm, hai tướng động và tĩnh bặt dứt không sinh[9]. Khắp cõi hư không đều là Tịnh độ duy tâm, tận cùng pháp giới đều là Di Ðà tự tính. Di Ðà đã là tự tính chung thì lão tăng có bao giờ xa (quốc mẫu) đâu? Cho nên biết rằng: Khi nhất niệm đã bao trùm thì trong vô lượng kiếp, không có sự tới, đi, cũng không có sự ở lại. Lúc ấy (quốc mẫu) chỉ cần nhớ đến lão tăng thì mười phương hư không tự nhiên đều đáp ứng, đâu cần phải đợi có lão tăng (ngồi trước mắt) để nói dông dài. Thế giới nhiều như vi trần lúc đó không còn cách nhau mảy may nào nữa. Chỉ sợ ta thiếu đức tin thôi. Vì quốc mẫu đã có đức tin này và như kinh Hoa Nghiêm nói “Đức tin là nguồn của đạo, là mẹ của các công đức, nuôi dưỡng tất cả các pháp lành” cho nên lão tăng tặng cho quốc mẫu pháp danh Hưng Tín và viết cho quốc mẫu một bài kệ để chứng thực cho niềm tin ấy.
Trên có mây bay, dưới có đất
Trong nước Ðại Việt có quốc mẫu
Một tiếng gọi lên một tiếng ứng
Tây thiên Ðông độ còn tổ nào?
Chẳng thấy Tần quốc phu nhân Bàng Ðạo Bà
Vỗ tay không dùng đến tay múa?
Chẳng thấy trên lầu Hoàng Hạc tên nghìn Phật.
Thôi Hạo đề thơ, Trương Chuyết bổ?
Nếu chẳng như vậy, tam muội người, ta biết đâu?
Hai chữ Trịnh Từ cũng không rõ.
Di Ðà với ta chẳng đồng thời.
Vậy mà ngồi nằm không xa nhau
Nếu bảo xa nhau mất nhau mãi
Cây cung vua Sở ai tìm lại?
Câu hỏi nằm nơi câu trả lời
Câu trả lời nằm nơi câu hỏi
Tam thân cùng chung, khách chủ hai
Ði Nam về Bắc cũng là đây
Nếu biết ngày nay là ngày nào
Thì rõ năm sau là năm trước.
Nho Phật nhất trí: Ngay trước giới đàn thiết lập tại chùa Thiền Lâm năm 1695, Thạch Liêm viết hai câu đối sau đây:
“Thích thị trì luật, nho giả lý trung, tổng yếu tu thân thành ý, tự nhiên kính trực hồ nội, nghĩa phương hồ ngoại;
“Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đồng quy kiến tính minh tâm, đoan do giới thận bất đổ, khủng cụ bất văn.”
Dịch:
“Phật gia trì giới, nho giả lý trung, cốt ở thành ý tu thân, tự nhiên ngoài có nghĩa phương, trong có chính trực;
“Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đều về minh tâm kiến tánh, cũng vì răn nơi chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe”.
Thạch Liêm là người học rộng nghe nhiều; ông có kiến thức vững vàng về Nho học. Ý tưởng Nho Phật nhất trí của ông được thấy rõ ràng trong phần đầu của lá thư “Hộ Pháp Kim Thang” mà ông viết tặng chúa Nguyễn Phúc Chu ngày chúa thọ giới Bồ tát:
“Con đường thế gian và xuất thế gian không có hai nẻo. Bên Nho giáo, Ðường Ngu thì nói trung, Khổng Tử thì nói nhất, sách Trung Dung thì nói thành. Danh từ bất đồng mà cội nguồn là một. Nhất là gì? Là tâm mà thôi vậy. Ðược cái nhất ấy mà tâm được chánh, rồi lấy đó mà tu thân thì thân được tu, lấy đó mà tề gia thì gia được tề, lấy đó mà trị quốc thì quốc được trị. Không những thế mà bất cứ trong công việc nào, từ việc dùng người cho đến việc hành chánh, quân sự, hình luật, lễ nhạc… từ việc nhỏ đến việc lớn, không có việc gì mà không hiểu biết một cách minh bạch và không được xử sự một cách thỏa đáng. Trời nhờ nhất mà trong, đất được nhất mà yên, vua được nhất mà thiên hạ thái bình, đó là con đường kia vậy.
Ðức Thế Tôn Ðại Hùng của chúng ta vì một đại sự mà con người chưa có thể giải quyết được cho nên mới thiết lập giáo pháp đặc biệt của Ngài: đó là phương pháp bỏ hết căn trần, không lập văn tự, chỉ thẳng lòng người, thấy tính thành Phật, lấy tâm in tâm. Cho nên ở Tây Thiên và Ðông Ðộ có chia ra làm năm tông phái, các thế hệ đã kế tiếp nhau mà ấn chứng, không ngoài mục đích giải quyết đại sự đó.
Biết rằng tính quy nguyên chỉ là một, nhưng cửa phương tiện có nhiều cách: Ðạo của Nho gia kiến lập pháp hữu vi, duy trì mà không cần biện luận; đạo của Phật gia giảng bày lý vô thường, bàn luận mà không cần thành lập. Bởi vậy cho nên trong bốn mươi chín năm hành đạo, Ðức Thế Tôn chưa nói một chữ nào”.
Trong bản điều trần Thạch Liêm đưa lên chúa Nguyễn, ông đề nghị bốn điều. Ðiều thứ tư là mở trường học để đào tạo nhân tài. Ông đề nghị “dựng nhà quốc học, tôn thờ Khổng Thánh, tàng trữ sách Nho và mời các nhà lý học danh Nho ra làm thầy để giảng minh đạo Thánh”[10].
Lâm Tào tổng hợp: Những đặc tính của thiền phái Tào Ðộng như nguyên tắc Ngũ Vị Quân Thần, Chỉ Quán Ðả Tọa, v.v… không thấy nhắc đến trong thiền ngữ và thi văn của Thạch Liêm. Trái lại trong lúc chỉ dẫn cách tu cho đệ tử, Thạch Liêm lại hay nêu ra thoại đầu và công án rất thịnh hành trong phái Lâm Tế. Ví dụ trong “Hộ Pháp Kim Thang Thư” viết cho chúa Nguyễn Phúc Chu, ông đề nghị chúa tham khảo thoại đầu Ai là chủ nhân của ta (như hà thị ngã chủ nhân công) như sau:
“Lão tăng không có phương pháp gì xảo diệu, chỉ mời quốc vương tham khảo thoại đầu Ai là chủ nhân của ta? Tham khảo mà đừng mộng tưởng, đừng lấy ý thức mà trắc độ, đừng đem nghĩa lý mà thuyên giải. Cứ đưa thoại đầu không mùi không vị không công phu ấy lên đặt trong tâm mình, ngày ba lần, đêm ba lần, miệng lẩm nhẩm, quyết tìm cho ra ý chỉ. Bất luận khi chủ tọa triều chính hay lúc đốt trầm lạy Phật, cho đến những lúc uống trà, ăn cơm, khi mừng, khi giận, khi cùng quân thần tiếp kiến, lúc hầu hạ mẫu thân, khi gặp mặt vợ con, lúc đi đứng ngồi nằm, khi gặp cảnh ưa ghét, lúc ngồi nhà một mình… không khoảnh khắc nào được buông lơi thoại đầu. Chớ nói rằng thoại đầu không có ý vị. Chính trong thoại đầu không có ý vị ấy mà có thể tìm ra ý vị tuyệt hảo. Chớ cho thoại đầu ấy là không có công phu: chính nơi chỗ không có công phu kia mà có công phu tuyệt hảo. Tham khảo đi, tham khảo lại, lâu ngày chầy tháng, một buổi kia bỗng rơi ầm xuống đất một tiếng, sờ lại thấy lỗ mũi do cha mẹ sinh ra, mới biết từ xưa đến nay nó vẫn trên mặt mình”.
Ngoài Ly Lục Ðường Tập và Hải Ngoại Kỷ Sự, Thạch Liêm còn sáng tác Kim Cương Trực Sớ. Tư tưởng thiền học của Thạch Liêm không có gì đặc biệt và sâu sắc lắm. So với các thiền sư như Hương Hải, Chân Nguyên, ta thấy kinh nghiệm tu chứng của Thạch Liêm không được vững chãi bằng.
Thạch Liêm, trên hết là một nghệ sĩ. Ông là một nhà thơ và cũng là một nhà họa lớn. Chúa Nguyễn một lần muốn mời ông xem vũ nhạc dân tộc nhưng còn ngần ngại, không biết là có hợp pháp không, bèn hỏi ông, ông nói: “Âm nhạc cũng là một trong những thức cúng dường”. Rồi ông vui vẻ tham dự. Ta không ngạc nhiên gì trước thái độ phá chấp đó của một ông thầy tu nghệ sĩ. Suốt trong thời gian lưu lại Ðại Việt ông làm rất nhiều thơ. Hải Ngoại Kỷ Sự ghi lại trên một trăm bài. Ðể chấm dứt về ông, có lẽ ta nên đọc một bài thơ của ông. Sau đây là một bài ông viết hồi còn ở chùa Di Ðà Hội An, vì mưa bão, chưa trở về Quảng Ðông được, nhìn mây nhìn biển nhớ chùa:
Xuân mới vừa qua đã đến thu
Gió tây vi vút biển vương sầu
Non muốn dứt tình mây chẳng dứt
Cát còn lưu luyến nước không lưu
Nằm bệnh đâu cần hoa trước mặt
Nhớ ai há thiết nguyệt trên đầu
Dưới sương tiếng hót nào lên vút
Cành xa chim đậu giữa trời sâu.
(Ký đắc xuân lai hựu tảo thu
Tây phong xuy động hải triều sầu
Thanh sơn dục đoạn vân vô đoạn
Bích thủy thường lưu sa bất lưu
Bệnh khách hà kham hoa chiếu nhãn
Hoài nhân huống phục nguyệt đương đầu
Phân phân lộ hạ chiêm thanh khởi
Viễn thọ liên thiên độc điểu đầu.)
HƯNG LONG NGUYỄN PHÚC CHU
Chúa Nguyễn Phúc Chu pháp danh Hưng Long, sinh năm 1675. Lúc còn trẻ, ông là người rất chăm học, viết chữ rất tốt, có khiếu về văn chương lẫn võ bị. Ông lên ngôi chúa năm mười bảy tuổi, pháp danh Hưng Long là do thiền sư Thạch Liêm đặt cho năm 1695 hồi ông hai mươi mốt tuổi. Ông thọ Bồ tát giới cũng vào năm ấy. Thạch Liêm còn đặt cho ông đạo hiệu Thiên Túng Ðạo Nhân.
Ông rất mộ đạo Phật. Mới lên ngôi một năm ông đã cho sửa chùa Mỹ Am ở núi Mỹ Am (nay là núi Thúy Vân). Năm 1695, sau khi thiền sư Nguyên Thiều tịch, ông mời thiền sư Thạch Liêm từ Quảng Ðông qua để dạy đạo cho quan và dân và cũng để ông quy y thọ giáo. Tín tâm của ông nơi Phật pháp rất sâu. Ông rất khâm phục đạo đức và kiến thức của Thạch Liêm và vì vậy Thạch Liêm đã ảnh hưởng tới ông rất nhiều về quan niệm tu hành. Một bữa nọ thấy Thạch Liêm trì chú mà trời đang mưa nhiều ngày bỗng tạnh, ông liền năn nỉ học cho được những bài chú. Thạch Liêm nói rằng quan trọng không phải là ở bài chú mà là ở người trì chú; người trì chú có thanh tịnh và đức độ thì trì chú mới linh nghiệm. Rồi thay vì truyền cho ông bài chú, Thạch Liêm đưa cho ông một bản điều trần mười tám điểm về việc trị nước theo tinh thần Phật giáo, ý nói rằng làm đúng được những điều kia thì phong điều vũ thuận, cũng linh nghiệm bằng sự trì chú. Một lần khác ông thỉnh Thạch Liêm và chư tăng chùa Thiền Lâm khai đàn tụng thần chú Ðại Bi, và muốn tự mình trai giới thanh tịnh để được tham dự. “Trai giới” đây có nghĩa là không ăn thịt và không gần gũi nữ nhân. Hỏi ý Thạch Liêm nên làm như thế nào thì thiền sư nói rằng sự trai giới của một ông vua không thể giống như sự trai giới của người thường dân. Thiền sư nói: “Trai giới không phải chỉ để cho sạch miệng sạch mình và sạch tư tưởng mà thôi đâu. Trai giới là làm cho quốc gia từ trên tới dưới được thanh lý chỉnh tề, không một người nào không ngồi đúng chỗ, không một việc nào chẳng giải quyết thỏa đáng: Làm được như thế mới là sự trai giới viên mãn của một ông vua”. Rồi Thạch Liêm đề nghị ông trai giới bằng cách: Trả tự do cho những người bị giam cầm oan ức, phóng thích bớt những tù nhân trong ngục thất, chẩn cấp cho kẻ nghèo đói, tháo gỡ cho những người bị đè nén ép uổng, bãi bỏ bớt những luật lệ quá nghiêm khắc, dễ dãi cho người buôn thúng bán bưng và cho thợ thuyền. Có lẽ đây là công trình giáo hóa to lớn nhất của vị trú trì chùa Trường Thọ, bởi vì chúa Nguyễn Phúc Chu đã nghe lời ông. Có một lần Thạch Liêm nghe nói đến một lối hình phạt được sử dụng tại Ðàng Trong gọi là tượng hình: Bắt tù trọng phạm giao cho voi quật. Voi nhồi phạm nhân lên cao mấy trượng, rồi lấy ngà xốc đỡ, ngà xoi thủng gan ruột, phạm nhân chết liền. Ông bèn khuyên chúa Nguyễn bỏ hình phạt ấy. Chúa Nguyễn nghe lời.
Nguyễn Phúc Chu cũng nghe lời Thạch Liêm viết biểu cầu phong và nhờ một vị giám sinh là Hoàng Thần và một vị tăng là Hưng Triệt đem dâng vua Khang Hy. Hai người này đều là người Quảng Ðông, Hưng Triệt là đệ tử của Thạch Liêm[11]. Việc này xẩy ra năm 1702, vua Khang Hy từ khước.
Theo lời khuyên của Thạch Liêm, chúa Nguyễn Phúc Chu để ý nâng đỡ cao tăng ở các tỉnh và ban biển ngạch sắc tứ cùng câu đối cho rất nhiều chùa. Những biển ngạch này thường được ký “Thiên Túng Ðạo Nhân”.
Năm 1710, ông cho đúc chuông chùa Linh Mụ. Chuông nặng 3.285 cân. Trên chuông có khắc những dòng sau đây:
“Quốc chúa Ðại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào Ðộng Chánh Tông đời thứ ba mươi, pháp danh Hưng Long, đúc hồng chung này nặng 3.285 cân, an trí ở chùa Thiên Mụ Thiền Tự để vĩnh viễn cung phụng Tam Bảo. Cầu nguyện gió hòa mưa thuận quốc thái dân an, chúng sinh trong pháp giới đều hoàn thành đại viên chủng trí. Năm Vĩnh Thịnh thứ sáu, ngày Phật đản tháng Tư Canh Dần.”
Năm 1714, ông trùng tu chùa Thiên Mụ. Chưởng cơ Tống Ðức Ðại được ủy thác việc trùng tu lớn lao này. Công việc xong xuôi, chúa mở đại hội, ở lại chùa một tháng ăn chay, phát chẩn tiền và gạo cho người nghèo. Phiên Vương Chiêm Thành là Kế Bà Tử cùng hoàng gia và triều thần cũng có qua dự hội. Một bộ Ðại Tạng Kinh được thỉnh về từ Trung Hoa và cất giữ ở Tàng Kinh Lâu. Một bia đá được dựng lên. Bia đề năm Ất Mùi (1715), có nói về sự tích Thạch Liêm và có khắc bài minh sau đây của Nguyễn Phúc Chu:
Ðất Việt phương Nam chừ, có nước có non
Bảo sát tráng lệ chừ, mặt trời chiếu rạng
Tự tính thanh tịnh chừ, suối tuôn một ngọn
Quốc gia an ổn chừ, Nho Thích cùng ban
Ghi cảnh đẹp này chừ, nhân quả tuần hoàn
Dựng bia lưu dấu chừ, chánh giữ tà tan.
(Việt chi Nam hề trú thủy trú sơn
Bát sát chi tráng hề nhật chiếu thiền quan,
Tánh chi thanh tịnh hề khê hưởng sằn sằn
Quốc chi điện an hề tứ cảnh u nhàn.
Vô vi chi hóa hề Nho Thích đồng ban
Ký tư thắng khái hề nhân quả bồi hoàn,
Kiến tiêu lập đích hề thành tồn tà nhàn.)
Ông mất năm 1725, thọ năm mươi mốt tuổi, ngồi ngôi chúa được 34 năm.
THIỀU DƯƠNG HẦU
Ông là anh thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Chu, chưa biết tên và pháp danh là gì. Theo Thạch Liêm thì ông là một người “cao hành độc hướng”, không uốn mình theo lưu tục, vì tính nết khảng khái hay nói thẳng cho nên ông đã nhiều phen phong ba. Nhờ chúa Nguyễn hiểu biết tha thứ cho nên mới khỏi tội bất kính. Tuy vậy ông vẫn không bỏ tiết tháo của mình. Nhà cửa nghèo nàn, chỉ có mấy gian lều cỏ dựa mé bờ sông. Cả ngày chỉ trồng cây tỉa cảnh, quét đất nấu trà, không có vẻ vương hầu quý phái gì cả. Tuy vậy ông đối với người rất chân thật, giao tiếp rất khiêm hòa mà trong bụng biết rõ người trong kẻ đục. Ông thọ Bồ tát giới tại giới đàn Thiền Lâm chiều mồng tám tháng Tư năm 1695. Từ đó thường lui tới hỏi đạo Thạch Liêm. Thạch Liêm rất mến ông, có cho ông một đoản văn và một bài kệ để hướng dẫn tu học. Đại khái của đoản văn là nói người tu đạo phải dũng mãnh tinh tấn tìm về phía trước, đừng nghĩ tới chuyện đi lui về những con đường quen thuộc, cũng như Hàn Tín đánh Triệu, xây lưng về bờ sông mà dàn trận, chỉ một thắng một chết chứ không có nẻo thối lui. Bài kệ như sau:
Nhật Nam tháng Năm mùa nóng nực
Ao nhà đạo hữu nở sen xanh
Thân tuy ngọc diệp dòng thanh quý
Tâm đã thiền môn nếp sống lành
Tám mặt uy phong dàn tướng ý
Một khe nước biết đãi nhân tình
Nhàn không hát khúc Thương Lang ấy
Trân trọng muôn đời cách điệu thanh.
(Ngũ nguyệt Nhật Nam chân hỏa lý
Thanh liên hướng nhĩ xuất Chu Minh
Phổ liên ngọc diệp triều trung quý
Tâm hướng vân lâm giáo ngoại thanh
Bát diện uy phong danh tướng ý
Nhất khê bích thủy đạo nhân tình
Ðẳng nhàn bất xướng Thương Lang khúc
Trân trọng yên ba biệt điệu thanh.)
[1] Theo tài liệu của Ðắc Nhất, chùa Trường Tín Hà Nội, viết trong Ðuốc Tuệ số 20 ra ngày 20.3.1938.
[2] Cây sào và dây cỏ là dụng cụ ngư phủ dùng để mang cá về một nơi, tức là sự sống thường nhật. Hai câu của Thủy Nguyệt có ý nói là từ trong sự sống hàng ngày mà sự giác ngộ hiển hiện.
[3] Tục truyền Ðạt Ma cưỡi trên một bông lau trắng, vượt biển mà về Ấn Ðộ.
[4] Thiền sư Giác Lãng Ðạo Thạnh hiệu Trượng Nhân, người Kiến Ninh, họ Trương, xuất gia hồi mười chín tuổi với thiền sư Thụy Nham ở núi Mộng Bút. Sau đến tham học với thiền sư Nguyên Lai ở chùa Năng Nhân, núi Bắc Sơn. Sau nữa lại tham khảo với Ðông Uyển Cảnh và đắc pháp với vị này.
[5] Ðại Nam Nhất Thống Chí chép: “Chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu, tương truyền do hòa thượng Thạch Liêm kiến tạo, cảnh trí rất u tịch. Ngụy Tây Sơn thái sư Bùi Ðắc Tuyên chiếm ở. Sau Ðắc Tuyên thất bại. Người trong làng nhân theo nền cũ sửa chữa lại. Bản triều khoảng đời Gia Long, Thừa Thiên Cao hoàng hậu bỏ tiền ra kiến trúc lại. Nay dần dần hư nát, chỉ còn ngôi chính điện. Phía tả chùa có một quả chuông đồng lớn cao hơn bốn thước, vòng lưng sáu thước, dày bảy tấc, có khắc chữ “Lê Vĩnh Thịnh thập nhị niên, chú””.
[6] Sách này do Thạch Liêm viết trong thời gian lưu trú tại Ðại Việt. Sách chia làm sáu cuốn, ghi chép cuộc hành trình của tác giả và những bài văn thơ tác giả đã làm trong thời gian ấy. Sách lại có bốn bài tựa; một trong bốn bài được ký tên “Ðại Việt Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu, đệ tử thọ Bồ tát giới, pháp danh Hưng Long, viết ở phương trượng Tịnh Danh trong Giác Vương Nội Viện.” Bài tựa này viết vào tháng Sáu năm Giáp Tý (1696), trước ngày hồi hương của Thạch Liêm. Sách được khắc bản vào khoảng năm 1699. Bản của chúng tôi sử dụng là bản được tàng trữ trong Ðông Dương Văn khố tại Ðông Kinh, Nhật Bản. Một bản dịch quốc ngữ của Viện Ðại học Huế được thực hiện năm 1963, chỉ tiếc các dịch giả không am tường mấy về danh từ Phật học nên có nhiều chỗ làm oan cho tư tưởng Thạch Liêm.
[7] Ở các tỉnh ta thấy những ngôi chùa mang biển ngạch sắc tứ ký tên Thiên Túng Ðạo Nhân (đạo hiệu của chúa Nguyễn Phúc Chu) hoặc Từ Tế Ðạo Nhân (đạo hiệu của chúa Nguyễn Phúc Khoát).
[8] Con gái quan thiếu phó Tống Phúc Vinh. Bà mất năm 1696 trước khi Thạch Liêm về nước mấy tháng, thọ bốn mươi bốn tuổi, được truy tôn làm Quốc Thái phu nhân.
[9] “Ðộng tịnh nhị tướng liễu nhiên bất sinh” chữ trong kinh Lăng Nghiêm, được Bồ tát Quan Thế Âm dùng để diễn tả quá trình quan sát âm thanh để chứng ngộ của ông.
[10] Bản điều trần này sau được ông soạn thảo lại thành một bản khác gồm có 18 điều. Số là chúa Nguyễn Phúc Chu một hôm muốn học phép trì chú cầu mưa và cầu tạnh; thay vì dạy những bài chú này, Thạch Liêm “Ðem những việc chánh trị bàn luận mấy ngày hôm trước, chép lại từng điều, làm thành một bản “Lập Quốc Chính Ước” gồm có 18 điểm, đều là những việc thương lính, yêu dân, lợi nước, kỷ cương, pháp độ, chép từng điểm rõ ràng.” Chúa đọc xong rất mừng, đem 18 điều này khắc bản yết lên cửa phủ để hiểu dụ văn võ quan dân.
[11] Hồi Thạch Liêm về nước, ông có để lại hai người đệ tử: Khánh Ngu và Thiên Vũ. Hưng Triệt chắc là pháp danh của một trong hai người này. Khánh Ngu làm hậu đường chùa Trường Thọ, còn Thiên Vũ làm tri khách.