Định đề 9

 

Ba pháp ấn là vô thường – vô ngã – Niết bàn. Chúng ta có thể nói Bốn pháp ấn hay Năm pháp ấn với điều kiện là trong những pháp ấn ấy phải có Niết bàn.

The Three Dharma Seals are: Impermanence, non-self and Nirvāṇa. We can mention Four Dharma Seals or Five Dharma Seals with one condition: They should include Nirvāṇa.

Ba pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn.Chúng ta có thể nói tới Bốn pháp ấn hay Năm pháp ấn nếu trong đó có pháp ấn Niết bàn. Có khi các học giả gọi Ba pháp ấn là The three signata. Ta gọi pháp ấn là Dharma Seal cũng được, vì nó giống như giấy chứng nhận đó là giáo lý chân thật của đạo Bụt. Nếu không mang dấu ấn đó thì không phải thật là Phật pháp.

Phật giáo Nam tông ghi rằng Ba pháp ấn là khổ, vô thường và vô ngã. Điều này cũng dễ hiểu vì Tứ diệu đế là nền tảng của sự thực tập, nên ý niệm về khổ rất quan trọng. Phải công nhận sự có mặt của khổ đau rồi mới đi tìm nguyên do của nó, vì vậy các thầy nghĩ rằng trong Ba pháp ấn phải có khổ. Lý luận này không phù hợp mấy, nó không đủ sâu sắc. Trong kinh có nhiều đoạn Bụt nói về vô thường. Một ngày nọ có một thầy đã trùng tuyên lại lời Bụt dạy như thế này và từ đó về sau người ta đã bắt chước theo:

  • Này các thầy, các thầy thấy sự vật có vô thường không?
  • Dạ bạch đức Thế Tôn, con thấy sự vật là vô thường.
  • Nếu là vô thường, có sinh-lão-bệnh-tử thì là khổ phải không?
  • Dạ vì vô thường cho nên khổ.

Đó là lý luận thông thường, dễ nghe và dễ hiểu nên ai cũng tin là thật. Nhưng thật ra vô thường không phải là nguyên do của khổ. Nếu có một chế độ độc tài mà thường hoài, không có hy vọng được thay đổi để có dân chủ và tự do thì cái đó có phải khổ không? Thường cũng có thể là khổ. Vạn vật là vô thường, nhưng tại ta cho chúng là thường nên ta khổ. Biết chúng là vô thường thì ta không khổ. Khổ hay không là do cách ta nhìn sự vật chứ không phải do sự vật.

Đứng về phương diện hiện tượng ta thấy vạn vật vô thường và vô ngã. Những vật vô thường, vô ngã đó, nếu không có Niết bàn thì sẽ không có chỗ để trở về. Vì vậy Niết bàn rất quan trọng, nó là một trong ba pháp ấn. Tác phẩm Đại Trí Độ Luận của thầy Long Thọ vào thế kỷ thứ hai, cũng nói Ba pháp ấn là vô thường – vô ngã – Niết bàn mà không phải là vô thường – khổ – vô ngã. Muốn nói khổ là một pháp ấn cũng được nhưng phải thêm vào Niết bàn để thành bốn pháp ấn: khổ – vô thường – vô ngã – Niết bàn. Chúng ta nói bốn pháp ấn hay năm pháp ấn đều được, nhưng với điều kiện là phải có Niết bàn: vô thường – khổ – không – vô ngã – Niết bàn, vì Niết bàn là bản môn, là chỗ quay về của tất cả các pháp. Đó là cái thấy của Làng Mai.

Nhiều nhà triết học và nhiều vị giáo chủ công nhận có khổ, có vô thường và họ cũng có khả năng công nhận vô ngã. Nhưng điểm đặc sắc của đạo Bụt là nói có chỗ trở về cho những cái khổ đau, vô thường, vô ngã. Đó là Niết bàn. Chúng ta nhìn, tiếp xúc với những cái khổ đau, vô thường, vô ngã ấy như thế nào để có thể tiếp xúc với bản môn của chúng tức Niết bàn. Vì vậy nói tới pháp ấn là phải nói tới Niết bàn.

Rất nhiều người nói tới vô thường, nhưng cái đó chưa hẳn là đạo Bụt. Vô thường mà không có Niết bàn thì chưa phải là vô thường của đạo Bụt. Vô ngã mà chưa có Niết bàn thì chưa phải là vô ngã của đạo Bụt. Nói khổ, không mà không nói tới Niết bàn thì khổ, không đó cũng không phải là đạo Bụt. Niết bàn nằm trong khổ, không, vô thường, vô ngã.

Trong A Hàm của Hán tạng có một kinh, trong đó đức Thế Tôn lặp lại bốn lần ba danh từ: vô thường-vô ngã-Niết bàn (chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh). Đó là kinh số 262 của bộ Tạp A Hàm. Kinh này đã cứu vớt được sự suy nghĩ lệch lạc cho rằng Tam pháp ấn chỉ là khổ, vô thường và vô ngã.