Định đề 8

 

Các định không, vô tướng, vô tác giúp ta tiếp xúc với Niết bàn.

The concentrations on emptiness, signlessness and aimlessness help us to touch Nirvāṇa and the Unconditioned.

Chữ quan trọng trong câu là chữ định. Định là một trạng thái của tâm ý, một tâm hành (mental formation) có khả năng được duy trì trong thời gian. Nếu không được duy trì thì nó không được gọi là định. Định tiếng Phạn là samādhi. Chữ samādhi dịch ra tiếng Hán là đẳng trì, tức là giữ cho đều đều không để xuống thấp, kéo dài đừng cho đứt đoạn.

Đẳng trì là một trong năm tâm hành biệt cảnh (particular) không phải là biến hành (universal). Không, vô tướng, vô tác là ba giáo lý phải được nhận thức như đối tượng của định, mà không phải là những đối tượng của sự học hỏi. Đó là những dụng cụ. Sử dụng những định không, vô tướng, vô tác chúng ta có thể chọc thủng được cái vỏ hiện tượng, cái vỏ tích môn để đi vào trong bản môn, đi vào trong thể tính. Nếu ta duy trì được những định không, vô tướng và vô tác thì khi nhìn, khi nghe, khi tiếp xúc ta có thể đi sâu vào thế giới của tích môn và tiếp xúc được với thế giới bản môn tức Niết bàn. Đó là việc có thể làm được với điều kiện đó phải đích thực là định chứ không phải là những ý tưởng.

Chúng ta đã học không, vô tướng, vô tác như những ý tưởng; chúng ta phải biến chúng thành định thì mới có thể sử dụng được. Ba định này có công năng cởi trói, giải phóng mình ra khỏi những cái kẹt, những lo lắng, sợ hãi và buồn đau. Cho nên ba định này cũng được gọi là Ba cánh cửa giải thoát (Tam giải thoát môn). Người nào có nỗi khổ niềm đau chưa thể thoát ra thì có thể sử dụng ba định này để thoát ra, không những thoát ra khỏi nỗi khổ niềm đau mà còn tiếp xúc được với bất sinh bất diệt, với vô vi, với Niết bàn tại vì Niết bàn là sự chấm dứt của vô minh, của khổ đau và phiền não.

Ba cánh cửa giải thoát nằm trong trái tim của Phật giáo, nằm trong trái tim của sự thực tập. Không những giáo lý không – vô tướng – vô tác (The three doors of liberation) được khai triển trong truyền thống Đại thừa mà đã có mặt sẵn trong Phật giáo Nguyên thỉ.

Chánh định và tà định

Nếu khoa học hiện đại biết đi theo chiều hướng của ba định: không, vô tướng, vô tác, thì sẽ khám phá được rất nhiều. Muốn khám phá trong khi nghiên cứu khoa học thì ta phải có định. Định có hai loại: chánh định và tà định. Có khi chúng ta chuyên chú, nhưng sự chuyên chú đó không phải là để chọc thủng màng vô minh mà là để thực hiện việc ta muốn làm. Ví dụ như khi đi ăn trộm, ta phải rất chuyên chú trong thời gian mở khóa. Nếu tâm bị phân tán thì ta sẽ không có khả năng bẻ khóa tìm lối đi vào. Nhưng cái định của người ăn trộm không phải là chánh định, đó là tà định. Chánh định (sammā-samādhi) là cái định giúp ta phá được phiền não, chọc thủng được vô minh. Sammā là chánh, samādhi là định. Niệm cũng có tà niệm và chánh niệm. Nhớ nghĩ tới những cái làm ta đau buồn, thương tiếc, ganh tị, đó là tà niệm. Còn nhớ nghĩ tới Bụt, Pháp, Tăng, thực tập “Bốn phép tùy niệm” là chánh niệm (sammā-sati).

Định thứ nhất: Không

  • Không là duyên sinh

Không là śūnyatā. Chữ không ở đây không có nghĩa là vô thể (non-being), là không có. Không có nghĩ là trống rỗng, tiếng Anh là empty. Phải dùng chữ rỗng thì đúng hơn là dùng chữ không tại vì chữ không có thể làm người ta hiểu là trái với có.

Đám bong bóng kia rỗng, nhưng không phải là không có, có bong bóng nhưng bong bóng rỗng ở phía trong. Ta nói chùm bọt nước kia không có là không đúng, phải nói các bong bóng ấy rỗng trong ruột thì đúng hơn. Chữ rỗng (emptiness) đúng hơn là chữ không. Chữ không, tiếng Hán có nghĩa là trống rỗng, nhưng cũng có nghĩa là không có. Sau này trong tiếng Việt các thầy nên dùng chữ trống rỗng thì hay hơn là dùng chữ không.

Nhìn vào một bông hoa, ta thấy bông hoa được cấu tạo nên bởi những yếu tố không phải là bông hoa như mặt trời, ánh sáng, hạt giống, đất đai, người trồng hoa v.v… Bông hoa đó không có tự tánh riêng biệt, nghĩa là không thể tự có mặt một mình. Lấy các yếu tố kia ra thì bông hoa không còn là bông hoa nữa. Đó gọi là không. Bông hoa có nhưng kỳ thực nó không có sự có mặt riêng biệt của nó. Đó là định nghĩa dễ nhất và gần nhất của chữ không. Không là không có tự tánh, không có sự có mặt riêng biệt mà phải dựa vào những cái khác mà có. Không có nghĩa là duyên sinh. Trong luận Đại Trí Độ của thầy Long Thọ có một bài kệ:

Nhân duyên sở sinh pháp

Ngã thuyết tức thị không

Tất cả những gì do nhân duyên tập họp lại mà biểu hiện ra thì được tôi gọi là không. (All the things that manifest from dependant origination, I call them empty).

Khoa học hiện đại có thể đi đôi với cái thấy đó. Khi đi vào khoa học lượng tử (quantum physics) chúng ta có thể thấy được cái không. Ví dụ như cái bàn, với nhận thức thông thường thì ta cho cái bàn là một khối vật chất đặc cứng. Nhưng dưới con mắt của một nhà khoa học lượng tử thì cái thấy đó không sâu lắm. Nhìn với mắt của nhà khoa học lượng tử thì cái bàn là một tập hợp của những nguyên tử. Và nhìn sâu vào trong lòng của những nguyên tử thì chúng ta thấy nguyên tử không là những cái gì cứng ngắc mà gồm có những hạt như trung hòa tử, điện tử v.v… Những điện tử này di động với vận tốc kinh khiếp là 300.000 cây số/giây. Chúng ta thấy tri giác cho cái bàn là một khối vật chất là quá sai lầm. Nếu nghiên cứu sâu hơn, nhìn vào một nguyên tử ta thấy trong nó không có gì chắc thật, hình như chỉ có không gian và năng lượng, mà không gian và năng lượng cũng không phải là hai cái tách rời nhau. Mới nhìn thì giống như có, nhưng nhìn kỹ lại thì là không.

  • Không không phải là một chủ trương triết học mà là một cái định

Trong truyền thống đạo Bụt có nói tới định không, ta nuôi lớn cái định đó để tập nhìn sự vật như vậy, nếu không ta sẽ bị cột vào trong cái thấy dung thường. Ta phải thấy được tự tánh không của vạn vật. Trong Phật giáo Đại thừa có một kho tàng văn học rất đồ sộ về giáo lý không, đó là nền văn học Bát Nhã. Tâm Kinh Bát Nhã chúng ta tụng mỗi buổi sáng là văn bản ngắn nhất, gọn nhất thuộc về nền văn học Bát Nhã. Kinh Kim Cương cũng là một văn bản nổi tiếng trong nền văn học Bát Nhã có chủ đích diễn bày tự tánh không. Nếu không khéo chúng ta sẽ làm cho không trở thành một nền triết học. Nếu không là một triết học thì ta không đi xa được, ta không có khả năng chọc thủng được màn vô minh và đạt tới Niết bàn. Chúng ta phải sử dụng không như một cái định. Định không là một năng lượng, vì chỉ có năng lượng đó mới chọc thủng được màn vô minh.

Theo nguyên tắc, ai có học vật lý đều biết rằng mặt trời không lặn, nhưng vì trái đất quay nên ta thấy mặt trời lặn. Ta biết rõ như vậy, nhưng trong đời sống hàng ngày ta vẫn thấy mặt trời lặn. Kiến thức của ta không phải là định, tại vì ta không duy trì được cái thấy: Mặt trời không bao giờ lặn, chỉ có trái đất quay và làm cho ta có cảm tưởng là mặt trời đang lặn hay đang mọc. Vấn đề ở đây là cái thấy không biến thành cái định.

Nhiều người trong chúng ta đều biết là vạn vật vô thường. Ta nghe lời Bụt, ta tin và công nhận một trăm phần trăm như vậy. Nhưng trong đời sống hàng ngày ta vẫn sống như không biết là vạn vật vô thường. Vô thường ở đây không phải là định mà là kiến thức, là cái ta chấp nhận bằng trí năng của ta. Vì vậy vô thường không đóng được vai trò của nó tại vì nó chưa phải là định.

Không phải là một cái định. Định được dịch là concentration, tức tập trung tâm ý. Nhưng tập trung tâm ý luôn luôn phải là tập trung tâm ý vào đối tượng nào? Mục đích của sự tập trung tâm ý là gì? Ta phải nuôi không định (concentration on emptiness). Nhìn người anh, người em, người chị, nhìn bản thân, nhìn cái bàn, nhìn đám mây ta đều thấy tính chất không của chúng. Lúc đó ta đang ở trong định và chỉ khi nào ta duy trì được cái định đó thì ta mới có khả năng chọc thủng được màn vô minh. Định đó gọi là không, không không phải là một ý niệm đối lập với ý niệm . Không ở đây rất sâu sắc, không này rất thậm thâm vi diệu.

Các nhà khoa học cũng đã bắt đầu sờ mó tới tính không, nhưng họ chỉ sử dụng trí năng mà chưa sử dụng được định. Họ không có ý hướng sử dụng định để diệt trừ phiền não. Mục đích của Phật học là diệt trừ phiền não. Đó là sự khác nhau giữa khoa học và Phật học. Trong các phiền não có vô minh, có tham đắm, giận hờn, ganh tị… làm cho con người khổ. Mục tiêu của đạo Phật không phải nêu ra một triết lý để giải thích vũ trụ vì chúng ta không có thì giờ để làm chuyện triết học.

Bụt khuyên tất cả những người bạn, những đệ tử của Ngài nên để thì giờ lo việc quan trọng nhất là đối phó với những khổ đau. Mục tiêu của đạo Bụt là diệt khổ, chuyển hóa phiền não. Người ta cũng có thể áp dụng khoa học để làm cho đời sống bớt khổ hơn, nhưng mục tiêu của khoa học là tìm hiểu và giải thích chứ không phải để diệt khổ.

  • Vượt thoát không gian và thời gian

Các nhà khoa học khi nghiên cứu một điện tử thấy nó có thể có mặt ở hai hay ba nơi một lần. Khi nghiên cứu vật thể, họ để ý đến tốc độ (speed), khối lượng (masse) và năng lượng (energy) và thấy rằng điện tử giống như một con ma, nó có ở mặt ở chỗ này nhưng đồng thời nó cũng có thể có mặt ở chỗ kia. Trong bài tụng “Hướng về kính lạy” có câu: Nguyện có mặt một lần trong ba cõi. Nếu ở dục giới thì ta chỉ có mặt ở dục giới, làm sao đồng thời có mặt ở sắc giới? Nếu ở sắc giới thì ta chỉ có mặt ở sắc giới, làm sao đồng thời có mặt ở vô sắc giới? Nhưng trong kinh Hoa Nghiêm có câu chuyện trình bày ý này rất rõ:

Có một lúc chư thiên ở cõi trời Dạ Ma thấy đức Thế Tôn lên thăm, họ nghĩ đức Thế Tôn đang ở tại Dạ Ma thiên và họ chắc mẩm như vậy. Có những người khách ở cõi Ta bà lên thăm nói rằng đức Thế Tôn hiện đang ở cõi Ta bà. Và không những Ngài đang ở cõi Ta bà mà Ngài còn đang ở cõi trời Đao Lợi. Ngài có mặt một lần ở khắp nơi.

Khi nhìn bằng mắt thường ta tưởng rằng: Cái đó ở đó trong thời điểm đó. Nhưng nhìn bằng mắt của “không” hay của nhà nghiên cứu khoa học lượng tử thì ta có thể thấy cái đó có thể có mặt một lần trong ba cõi. Ta là cái này nhưng đồng thời ta cũng là cái khác, ta là người này nhưng đồng thời ta cũng là người khác. Ta là con nhưng đồng thời ta cũng là mẹ, ta là cháu nhưng đồng thời ta cũng là ông. Ta cũng không cần phải dùng tới máy móc tinh xảo để thấy, ta chỉ cần quán nhân duyên là có thể thấy được rằng trong ta có ông bà, cha mẹ. Ta là sự tiếp nối của ông bà, cha mẹ và con cháu đã có mặt từ lâu rồi trong ta.

Khi nghe một tiếng chuông, tất cả đại chúng đều ngưng suy nghĩ và bắt đầu phát khởi chánh niệm để nghe chuông. Chánh niệm của từng người giao thoa với chánh niệm của tất cả những người khác tạo ra một lượng từ trường và trong lúc đó có một năng lượng được tạo ra gọi là năng lượng tập thể. Năng lượng chánh niệm tập thể được tạo ra và đi vào trong mỗi người. Quý vị ai cũng đã từng có kinh nghiệm đó rồi. Khi chúng ta đi thiền hành chung thì năng lượng khác với năng lượng khi chúng ta đi thiền hành riêng. Khi chúng ta ngồi nghe chuông và thở chung thì năng lượng đó khác với khi ta ngồi một mình nghe chuông. Khoa học thần kinh đã bắt đầu thấy được điều đó. Khi có một sự kích thích tới từ quá khứ, từ tương lai hay từ cảm giác thì các tế bào thần kinh bắt đầu hoạt động. Các năng lượng giao thoa với nhau để tạo ra một cảm giác, một tư tưởng, một quyết định. Quyết định đó, cảm giác đó, tư tưởng đó không phải do một mà do tất cả tế bào thần kinh tạo ra. Cái này trở thành cái kia.

Trong khi nghe chuông, chúng ta phát khởi được chánh niệm và chánh niệm của mình giao thoa với chánh niệm của tất cả những người khác. Tự nhiên ta thoát ra khỏi thời gian và không gian, và trở thành người sư em, người sư chị, người sư anh của ta; ta không còn ngã, không còn sự có mặt riêng biệt nữa. Ta có mặt trong sư anh và sư anh có mặt trong ta, ta vượt thoát ra thời gian và không gian. Đó là một môi trường lượng tử (quantum field), trong lúc đó chúng ta thoát ra khỏi được thân phận của một cá nhân, của một cái ngã riêng biệt. Ta trở thành tất cả, một trở thành tất cả và tất cả có thể nằm trong một. Chỉ cần nghe chuông thôi là ta đã có thể thoát ra khỏi ngục tù của ngã chấp, vượt được thời gian và không gian. “Không” có nghĩa là không có một cái ta riêng biệt, không có một sự có mặt riêng biệt. Cái này là do cái kia và cái kia là do cái này, cái này nằm trong cái kia và cái kia nằm trong cái này. Đó là phạm vi của “không”.

Nếu có sự cộng tác giữa những nhà thiền tập và những nhà khoa học thì ta có thể hướng khoa học đi về một phía khám phá rất mầu nhiệm.

Định thứ hai: Vô tướng

  • Nhìn bằng con mắt vô tướng

Vô tướng là animitta (signlessness). Nimitta là tướng, animitta là vô tướng. Ta có một tri giác (tưởng) và tri giác đó phát sinh từ tướng. Mưa có tướng của mưa, đám mây có tướng của đám mây, tuyết có tướng của tuyết. Nhờ tướng đó mà ta có một tri giác về mưa, về mây, về tuyết. Chúng ta phân biệt nhờ cái tướng bên ngoài, nhưng khi kẹt vào tướng thì ta lại bị nó đánh lừa. Kinh Kim Cương nói: Chỗ nào có tướng là chỗ đó có sự lừa gạt (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Kẹt vào tướng là bị đánh lừa, hãy sử dụng định vô tướng để đừng bị đánh lừa nữa. Đám mây có tướng của đám mây và khi nó không còn trên trời thì ta nói đám mây không có. Nhưng đám mây vẫn tiếp tục có mặt dưới một tướng khác là mưa, nó đã trở thành mưa. Nó có tướng mới là mưa hay là tuyết. Ta bị đánh lừa bởi ý niệm có và không, rồi ta đau khổ, khóc lóc, tuyệt vọng. Nhìn bằng con mắt vô tướng thì ta có an ninh hơn. Ta có thể thấy được đám mây của mình trong cơn mưa hay trong bông tuyết.

Đây không phải là suy tư triết học, đây là một cái định. Người hành giả phải nuôi cái định đó và luôn giữ cho nó có mặt trong tâm mình. Khi nhìn sự vật và bản thân, ta phải nhìn bằng con mắt vô tướng. Nhìn bằng con mắt vô tướng thì ta nhẹ nhàng, thanh thoát, và tiếp xúc được với bản môn. Nhìn bằng con mắt của không ta cũng tiếp xúc được với bản môn mà nhìn bằng con mắt vô tướng ta cũng tiếp xúc được với bản môn.

Chúng ta thấy có không gian, vật thể và năng lượng và ta nghĩ không gian, vật thể và năng lượng là ba cái khác nhau. Đó là do chúng ta nhìn bằng con mắt tướng. Nhìn bằng con mắt của vô tướng ta sẽ thấy rằng vật thể, năng lượng và không gian tương tức với nhau.

  • Tên gọi là những giả danh

Khi có tướng thì chúng ta bắt buộc phải dùng danh để gọi. Cái đó có tướng mây thì gọi nó là mây. Nó có tướng tuyết thì ta gọi đó là tuyết, nhưng mây và tuyết không phải là hai cái chống đối nhau hoặc loại trừ nhau. Trong tích môn mây và tuyết có thể là hai vì chúng ta nhìn chúng như vậy, nhưng trong bản môn mây và tuyết là một. Trong một bài kệ của Trung Quán Luận, thầy Long Thọ có nói:

Nhân duyên sở sinh pháp

Ngã thuyết tức thị không

Diệc danh vi giả danh

Diệc danh trung đạo nghĩa

Những pháp phát sinh ra từ nhân duyên, tôi gọi chúng không, là giả danh, là trung đạo. Không là emptiness, nếu nó có một tên thì tên đó cũng là giả tạm (giả danh). Giả danh là một phương tiện quyền xảo. Ví dụ như danh từ “con” và “cha” là những phương tiện quyền xảo tại vì con là sự tiếp nối của cha, con cũng là cha. Tuy cha là cha nhưng cha cũng có thể là ông nội. Những danh từ như “ông nội”, “cha”, “con” đều là những giả danh, tiếng Anh là conventional designations. Nhìn đám mây chúng ta nói: “Mây ơi! Ta gọi em là mây là gọi tạm vậy thôi. Mai mốt em thành tuyết thì ta phải gọi em là tuyết. Ta biết vậy nên ta không kẹt vào giả danh”. Tiếng Phạn có chữ prajñapti hay samketa, là những chữ được dịch là giả danh.

  • Trung đạo là vượt thoát có và không

Một điện tử (electron), một trung hòa tử (neutron) hay một giới tử (meson) là một đơn vị vật chất rất nhỏ, đi rất nhanh và đi xuyên qua những bức thành, ta có thể gọi những pháp đó là không, là giả danh hay là trung đạo (madhyamaka). Trung đạo là không phải có cũng không phải không, là vượt ra khỏi ý niệm có và không, là không bị kẹt vào hai thái cực có-không, sinh-diệt, một-khác. Cha với con có khác nhau hay không? Trả lời là khác hoặc trả lời không khác đều là hai thái cực. Nhìn kỹ ta thấy cha cũng là con và con cũng là cha. Cái thấy đó vượt khỏi hai thái cực: “khác” (otherness) hay “không khác” (sameness). Sự vật do nhân duyên làm phát khởi, tự tánh của nó không phải một cũng không phải khác, không phải sinh cũng không phải diệt, không phải có cũng không phải không. Sự vật thoát ra khỏi những cặp đối nghịch, chúng là vô thường. Khi nhìn sự vật với con mắt vô thường thì ta tiếp xúc được với bản môn, với Niết bàn.

Trung đạo không có nghĩa là nằm giữa có và không, giữa một và khác hay giữa tới và đi. Trung đạo có nghĩa là vượt thoát cả hai cái (neither).

Trong đời sống hàng ngày chúng ta có cơ hội thấy cây xanh, thấy tảng đá, thấy sư em, sư anh, thấy thầy của mình v.v… Đó là những cơ hội để ta khám phá ra tính không và tính vô tướng của những gì ta thấy.

Định thứ ba rất ngộ nghĩnh, rất đặc biệt, đó là vô tác.

Định thứ ba: Vô tác

  • Ta đã là cái mà ta muốn trở thành

Vô tác là apraṇihita (aimlessness), là không có mục đích. Nếu hiểu chưa sâu thì ta nghĩ aimlessness là không có ước muốn (desirelessness). Khi nói: Vũ trụ có mục đích và con người sinh ra để có một mục đích thì chúng ta đang đứng trong cái khung của không gian và thời gian. Muốn đi tới và thành tựu được một cái gì đó thì phải có không gian và thời gian. Nhưng nếu đi sâu vào cái thấy của “không” và “vô tướng” thì ta vượt thoát được luôn ý niệm về không gian và thời gian.

Khi tu tập chúng ta hỏi: Tu tập để làm gì? Ta tu tập để thành Bụt, để giải thoát. Ta thấy rõ tu tập có một mục đích và khi có mục đích rồi thì ta dùng hết năng lượng để tiến tới mục đích đó. Ta nhận ra một mục đích và thấy ta chưa có ở đó, ta còn đang ở đây. Nhận ra rằng ta đang ở đây và ta có một mục đích để tới thì ta bị cái đó thu hút để đi tới và trong lúc ta bương bả đi tới cái đó thì ta mất cái này. Ta không biết rằng cái mà ta muốn tìm cầu đang nằm ở đây. Trong bản môn ta đã là Bụt, ta đã là Niết bàn rồi.

Một đợt sóng đi tìm nước. Nó đặt cho nó một mục đích. Lý tưởng của đời nó là phải đi tìm cho được nước, cũng giống như chúng ta đặt cho ta lý tưởng là phải đạt tới Niết bàn, phải tiếp xúc được với bản môn. Khi đặt cho ta một mục tiêu rồi thì ta bương chải, ta cố gắng, và vì bương chải và cố gắng nên ta từ khước cái bây giờ, cái ở đây, ta từ khước cái Niết bàn mà ta đang có để đi tìm một cái Niết bàn mà ta chưa có. Ta đã có một cái đầu rồi mà ta tưởng ta chưa có nên ta đi tìm một cái đầu khác. Đó là câu chuyện của anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa. Nếu sự kiện sóng đi tìm nước là một chuyện buồn cười thì việc chúng ta đi tìm Niết bàn hay đi tìm Thượng đế cũng rất buồn cười. Các pháp đang an trú ngay trong Niết bàn. Chúng không sinh không diệt, không tới không đi, không một không khác. Nhưng vì chưa chọc thủng được màn vô minh nên ta thấy các pháp có sinh có diệt, có tới có đi, có một có khác. Khi sử dụng được hai định đầu thì định thứ ba sẽ thành. Tổ Lâm Tế hỏi: “Này các vị, các vị đang cố gắng thành Bụt, thành Tổ mà các vị có biết Bụt, Tổ là ai không? Bụt và Tổ chính là quý vị đang ngồi nghe Pháp trước mặt tôi.”

Đã bao nhiêu kiếp, đã bao nhiêu năm tháng chúng ta chạy đi tìm, tìm những cái mà ta tưởng nằm trong không gian và thời gian. Nó chưa có mặt bây giờ và ở đây, phải tới đó mới có nó. Đó là một sự dại dột giống như sự dại dột của Diễn Nhã Đạt Đa có đầu rồi mà tưởng mình mất đầu, bương chải chạy đi tìm cái đầu khác. Đợt sóng đã là nước rồi, nó không cần phải đi tìm nước nữa. Ta đã là Bụt rồi, ta đừng đi tìm Bụt ở đâu xa. Chỉ cần nhìn cho kỹ là ta thấy ta đã là mầu nhiệm, ta đã là cái mà ta đang đi tìm. Nhờ có định này ta dừng lại được sự tìm cầu bên ngoài và thấy được sự mầu nhiệm của từng phút giây, ta thấy được rằng ta có thể làm Bụt, làm Tổ ngay trong giây phút hiện tại.

  • Vô đắc

Trên cái thấy đó chúng ta có nguyên tắc vô đắc. Trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu: Không đắc vì không có sở đắc (There is no obtainment because there is nothing to obtain). Trong cuộc sống chúng ta hay đặt cho mình một mục đích, một bằng cấp, một danh vọng, một hạnh phúc nào đó rồi chúng ta hướng về đó, dùng tất cả năng lượng của mình để bương chải đi về hướng đó. Cũng vì lý do đó mà chúng ta không có khả năng sống với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại. You are already what you want to become. Chúng ta hãy tưởng tượng: Có một chàng sinh viên ghi tên vào đại học. Anh ta nghĩ rằng chỉ khi nào có được mảnh bằng thì mới đáng sống, nên trong bốn hoặc tám năm tại trường đại học anh chàng không sống cho mình mà chỉ nghĩ tới mảnh bằng. Đời sống đó không có niềm vui! Nếu anh chàng sinh viên đi học mà có niềm vui trong mỗi giờ phút của những năm tại trường đại học thì anh ấy khôn ngoan hơn nhiều. Đi vào lớp học anh cũng vui, đi chơi anh cũng vui, học bài anh cũng vui, học toán thì thích toán, học sử thì thích sử, anh cảm thấy niềm vui trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Đó mới đúng là một chàng sinh viên có hạnh phúc. Tu là như vậy! Ta nghĩ tới chuyện Tổ Bụt, ta bương chải đi tìm mà quên đi là ngày hôm nay ta đang có sư anh, sư chị, sư em, có thầy, có trời xanh, mây trắng. Ta không sống hết lòng với những cái ta có và ta gây ra những đổ vỡ, những lo lắng, phiền muộn. Đó là ta đã bỏ sự thực tập chính đáng của mình. Chính lúc sống, lúc xây dựng tình huynh đệ và có hạnh phúc được nuôi dưỡng là lúc ta đang sống với Bụt, với Tổ. Ta là Bụt, là Tổ trong những giây phút đó.

Thiền tông nói tới vô đắc, các tông phái khác cũng có nói tới vô đắc và vô đắc phát sinh từ vô tác. Ở Làng Mai chúng ta có bài hát:

Happiness is here and now

Nothing to do

Nowhere to go

Ta hạnh phúc liền giây phút này. Bài hát biểu lộ được tinh thần vô tác. Ta có thể đang đi đâu đó và đang làm gì đó:

Something to do

Somewhere to go

Nhưng ta không bị cái đó quấy rối, làm ta mất ăn mất ngủ. Ta đi hoặc ta làm với tâm niệm tự tại, nhẹ nhàng, vô đắc. Đây là một phương thuốc rất mầu nhiệm để chữa trị bệnh của thời đại là bương chải đi tìm một hạnh phúc tương lai mà bỏ quên đi sự sống mầu nhiệm, rồi bị sự căng thẳng tàn phá thân tâm mình. Vô tác là một phương thuốc rất mầu nhiệm cho nền văn minh hiện tại.

Ta có thể đi thiền với tinh thần vô tác. Ta đi mà không cần tới. Mỗi bước chân đều đem lại hạnh phúc.

Ta cứ nghĩ: “Tôi đi như vậy để có hạnh phúc!”. Ta làm như “đi” là một phương tiện và “hạnh phúc” là một cứu cánh, nhưng sự thật thì đi là hạnh phúc, phương tiện và cứu cánh trở thành một. Đạt tới bản môn không phải là chuyện ngày mai ta mới làm được. Ngày hôm nay ta cũng có thể làm được. Đi một bước là ta đã về, ta về thật, ta cảm thấy không bị lôi kéo bởi tương lai. Ta “feel at home”, ta cảm thấy chỗ này là chỗ của ta, giờ phút này là giờ phút quan trọng nhất của đời ta. Cái ta tìm kiếm lâu nay là gì? Là bước chân đó (this is it), cái ta tìm lâu nay là cái đó. Ta tiếp xúc được với cái mầu nhiệm của sự sống, ta tiếp xúc được với bản môn bằng bước chân. Đó là vô tác.

Mục đích của sự tu học của ta là gì? Ta đang chạy theo cái gì? Đó là bước chân, ta thành công hay không là do ở bước chân đó. This is Nirvāṇa. Bằng mỗi bước chân ta tiếp xúc được với Niết bàn. Chỗ nào ta chạm chân tới thì chỗ đó là Niết bàn. Hạnh phúc của đức Thế Tôn rất lớn vì chỗ nào Ngài đặt chân tới cũng đều là Niết bàn, vượt ra khỏi thời gian, không gian, ta và người. Ta thực hiện được vô tác trong mỗi bước chân. Lúc đó ta thật sự có hòa bình, có sự dừng lại. Nếu không có vô tác thì ta chưa có sự dừng lại thật sự, ta chưa dừng lại được sự tìm cầu.

Hầu hết, nếu không nói là tất cả, những mục tiêu ta đặt ra cho ta là những ý niệm. Nhưng thực tại đã có mặt đầy đủ, nếu đánh đổi thực tại để lấy ý niệm thì ta dại dột vô cùng, cho dù ý niệm đó là ý niệm Niết bàn. Ví dụ như ý niệm của ta là phải học cho giỏi để trở thành một người có khả năng cứu độ chúng sanh. Đó là ý niệm, là tâm bồ đề. Nhưng khi sư em ta đang bị kẹt vào một tâm trạng khó khăn mà ta không giúp được cho sư em, khi ta có nỗi khổ niềm đau mà ta không tháo gỡ được cho ta, có tiếng chim hót mầu nhiệm mà ta không có khả năng lắng nghe và thưởng thức, thì thử hỏi làm sao ta có thể thực hiện được lý tưởng của mình? Ngay trong giây phút hiện tại ta đã có thể làm được việc của Bụt, của Tổ, của một vị Bồ tát.

Sư em, sư chị, sư anh và thiền sinh tới đây đều có những khó khăn và khúc mắc của họ. Ta có thể giúp cho họ ngay trong phút giây hiện tại với những gì ta đã học và thực tập. Ta có thể làm Bụt, làm Bồ tát, làm thiện tri thức, ngay trong giây phút hiện tại. Tại sao ta lại nghĩ rằng phải ngày mai ta mới làm được? Ta không cần phải đi Phi châu hay Iraq mới giúp người được. Ngay ở đây là ta có thể giúp được người rồi.

Ta cũng biết rằng, tuy là đang ở đây nhưng đồng thời ta cũng đang ở đó. Ở đây, ta làm công việc ở đây và công việc ở đây sẽ ảnh hưởng tới đó.

Vô tác là apraṇihita, tức là không đặt một đối tượng trước mặt để chạy theo.