Định đề 6
Niết bàn không phải là một pháp mà là tự tánh của tất cả các pháp.
Nirvāṇa is not a phenomenon, but it is the true nature of all phenomena.
Liên hệ tánh – tướng
Chúng ta phân biệt ra tướng và tánh. Đứng về phương diện tướng thì ta gọi là các pháp. Tướng và tánh không lẫn lộn với nhau nên ta không thể gọi Niết bàn là một pháp. Tuy chúng ta có một ý niệm về Niết bàn, nhưng nếu cho Niết bàn là một pháp là ta đưa tánh lên ngang hàng với tướng, đưa bản thể lên ngang hàng với hiện tượng.
Chúng ta trở lại ví dụ những đợt sóng trên biển. Chúng ta có thể thiết lập sự liên hệ giữa các đợt sóng với nhau. Sự xuất hiện của một đợt sóng có liên hệ tới sự có mặt của những đợt sóng khác tại vì những đợt sóng xô đẩy nhau, làm ra nhau. Đó là nhân duyên, là sự liên hệ trên mặt hiện tượng. Nhưng có một chiều hướng liên hệ khác, đó là sự liên hệ giữa nước và sóng. Sự liên hệ giữa nước và sóng rất quan trọng, nhưng không giống như sự liên hệ giữa sóng và sóng. Sự liên hệ nước – sóng là sự liên hệ bản thể.
Khi nói đến sự tạo sinh (Thượng đế tạo ra vạn vật và con người) thì ta muốn nói đến sự liên hệ nào, sự liên hệ God – man, liên hệ dọc hay liên hệ ngang, liên hệ bản thể – hiện tượng hay liên hệ hiện tượng – hiện tượng? Một bên là tánh còn một bên là tướng. Liên hệ giữa tướng với tướng và liên hệ giữa tánh với tướng khác nhau.
Tánh – tướng biệt quán
Khi nói “Thượng đế tạo ra muôn vật và con người” thì chúng ta để Thượng đế lên trên bình diện của tướng ngang hàng với muôn vật hay là chúng ta để Thượng đế trên bình diện của tánh?
Nhiều nhà thần học đã đi tới quan niệm: Thượng đế là nền tảng của vạn pháp (the ground of being). Họ đã đi rất gần tới quan hệ tánh – tướng, cho nên có một vấn đề nẩy sinh ra: Thượng đế có phải là một con người hay không? Chúng ta có thể quan niệm Thượng đế như một con người có năm uẩn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) hay không? Nếu Thượng đế là một con người giống như mình, nhưng có quyền lực cao hơn, thì mình cầu nguyện với Thượng đế rất dễ. Nhưng nếu Thượng đế không phải là con người mà chỉ là nền tảng của hiện hữu thì cầu nguyện với một nền tảng rất khó đối với nhiều người. Sự thực tập cơ bản trong Cơ đốc giáo hay trong Hồi giáo là sự cầu nguyện. Cầu nguyện giữa người với người thì dễ hơn, cũng như những đợt sóng nói chuyện với nhau dễ hơn là đợt sóng nói chuyện với nước. Vì vậy vấn đề “Thượng đế là một con người (person) hay không phải là một con người” là một câu hỏi rất lớn trong Cơ đốc giáo. Có những nhà thần học nói: Tuy Thượng đế không phải là một con người nhưng Ngài không phải ít hơn một con người. God is not a person but not less than a person. Nghe có vẻ rắc rối, khó hiểu! Một mặt thì ta muốn Thượng đế là một con người để cầu nguyện cho dễ, một mặt thì ta thấy con người còn nằm trên bình diện hiện tượng, chưa phải là bản thể. Vì vậy đứng về phương diện bản thể học (ontology) thì ta còn có chỗ kẹt.
Riêng tôi, tôi có thể nói chuyện với trăng sao, với đất, với nước, với quá khứ, với tương lai. Tại sao nói không được? Ta cũng có thể nói chuyện với Niết bàn:
“Niết bàn ơi, ta biết ngươi có đó. Ta là ngươi nên ta không sợ hãi!”
Niết bàn không cần phải mang hình thức một con người hay hình thức một ngôi sao. Tôi nghĩ, những người Cơ đốc giáo tu học tới trình độ cao có thể nói chuyện với Thượng đế mà không cần Thượng đế phải là một con người.
Trong truyền thống đạo Bụt, nhất là trong Duy Thức Học (Duy Biểu Học) có một nguyên tắc gọi là tánh tướng biệt quán (noumena and phenomena are to be investigated separately), có nghĩa là khi nghiên cứu ta phải phân biệt tánh và tướng mà đừng lẫn lộn hai cái đó với nhau. Tánh là noumena, là một entité ontologique. Tướng là phenomena, là thế giới của hiện tượng. Chúng ta phải nghiên cứu tướng và tánh riêng, đừng để chúng trên cùng một bình diện. Ta đừng để Thượng đế đứng ngang hàng với con người. Thượng đế là nền tảng ở dưới.
Trong đạo Bụt thì đó không phải là vấn đề vì Bụt Thích Ca là một con người, còn Niết bàn là nền tảng chung của tất cả. Bụt Thích Ca và ta cũng như nhau, cũng đều có tự tánh của Niết bàn và hoàn toàn bình đẳng. Hãy tìm hiểu tánh và tướng riêng nhau, đừng trộn lẫn hai cái làm một, đừng cho hai cái đứng trên cùng một bình diện.
Đạo lý duyên khởi
Trong đạo Bụt có nói tới đạo lý duyên khởi. Duyên khởi là interdependance, dependant origination, có nghĩa là trên bình diện hiện tượng thì cái này nương vào cái kia mà có.
Nhưng đạo lý duyên khởi cũng nói đến liên hệ giữa bản thể và hiện tượng, gọi là chân như duyên khởi, có nghĩa là các pháp từ chân như mà biểu hiện cũng như tất cả các đợt sóng đều từ nước mà biểu hiện. Đây là loại duyên khởi theo chiều dọc, không phải là duyên khởi chiều ngang. Chúng ta còn gọi là A lại da duyên khởi hay pháp giới duyên khởi. Chúng ta cũng có thể nói tới Niết bàn duyên khởi tại vì Niết bàn là vô vi, là cái không sinh không diệt, không có không không, không tới không đi.
Đức Thế Tôn đã từng nói: Nếu cái không sinh không diệt, không tới không đi mà không có đó thì tất cả những cái có sinh có diệt, có tới có đi sẽ không có chỗ để quay về. Cũng như nếu không có nước thì sóng sẽ không có chỗ để quay về. Chân như duyên khởi hay Niết bàn duyên khởi là duyên khởi theo chiều dọc.
Trong kinh Udāna (Vô vấn tự thuyết) nguyên văn tiếng Pali có một đoạn (Ud.2.44) nói về Niết bàn rất hay. Hiện nay chúng ta có một bản dịch bằng Anh ngữ:
There is a not-born, a not-brought-to-being, a not- made, a not-conditioned. If there were no not-born, not- brought-to-being, not-made, not-conditioned; no escape would be discerned from what is born, brought-to-being, made and conditioned.
Có một cái không sinh, không từ không mà trở thành có, không được tạo tác, không bị điều kiện hóa. Nếu cái không sinh, không từ không mà trở thành có, không được tạo tác, không bị điều kiện hóa đó mà không có đó[1] thì sẽ không có đường thoát cho tất cả những cái có sinh, có từ không mà trở thành có, có được tạo tác và có điều kiện hóa.
Đây là câu nói đầy đủ và rõ ràng nhất của Bụt để diễn tả Niết bàn. Niết bàn là nền tảng cho tất cả những cái có sinh có diệt, có có có không, có tạo tác có hình thành. Nhưng câu kinh này cũng là một lọn mía, nếu không biết cách ăn mía thì chúng ta sẽ bị hóc cổ. Câu kinh bắt đầu bằng chữ “there is” tức là “có một cái”, cái đó là Niết bàn. Và chúng ta cho rằng Niết bàn là cái có thật, cũng như người ta cho Thượng đế là cái có, chứ không phải không có. Nhưng bản chất của Niết bàn là không có cũng không không. Nếu có ý niệm về “có” thì đó không phải là Niết bàn, nếu có ý niệm về “không” thì đó cũng không phải là Niết bàn. “Có Niết bàn hay không có Niết bàn?” là một câu hỏi rất là buồn cười tại vì tự thân của Niết bàn là không có cũng không không theo cái quan niệm có và không của ta. Cho rằng Niết bàn là không đã trật rồi mà cho rằng Niết bàn là có còn trật hơn nữa, tại vì Niết bàn là cái tự tánh không có cũng không không, không sinh cũng không diệt.
Chìa khóa là ở chỗ đó! Chính Bụt cũng phải sử dụng ý niệm và danh từ, nhưng nếu là học trò giỏi của Bụt, thì ta sẽ không bị kẹt vào những danh từ và ý niệm ấy. Bụt luôn luôn nhắc chúng ta rằng: “Giáo lý của ta là chiếc bè để chở người qua sông. Đừng để kẹt vào chiếc bè!”.
Niết bàn, theo định nghĩa của nó, là cái tự thể không có cũng không không. Đặt câu hỏi “Có Niết bàn hay không có Niết bàn?” là một việc làm rất ngu xuẩn. Trong thần học Cơ đốc giáo cũng vậy, có người đặt câu hỏi: “Có Thượng đế hay không?”. Nếu cho Thượng đế là không thì sai đã đành, nhưng cho Thượng đế là có thì đó cũng chưa phải là Thượng đế.
Vấn đề này chỉ giải quyết được trên cơ bản tướng và tánh: Đứng về phương diện tướng thì có thể nói là có hay không, nhưng đứng về phương diện tánh thì ý niệm có-không, còn-mất, ta-người, trước-sau đều tan biến. Đó mới gọi là tịch diệt (extinction). Niết bàn có thể được gọi là sự dập tắt của tất cả mọi ý niệm. Sau này các tổ cũng lấy từ trong kinh và nói rất rõ:
Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đi cũng không tới
Đó là giáo lý của Trung Luận, mà giáo lý của Trung Luận đã có sẵn trong giáo lý của Nguyên thỉ, Bắc tông cũng như Nam tông.
Đức Thế Tôn đã dùng chữ vô sinh. Vô sinh cũng có nghĩa là bất diệt. Chữ vô sinh là chữ đại diện, cũng như khi nói tới con mắt là nói tới sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Khi nói tới vô sinh thì cũng đồng thời nói tới bất diệt, vô khứ, vô lai, phi hữu, phi vô, phi nhất, phi dị.
[1] Trong kinh Itivuttaka (Như thị ngữ) nguyên văn tiến Pali cũng có một đoạn (It.8.3) tương tự. Và trong Pháp cú Hán tạng, phẩm thứ 36, Nê Hoàn Phẩm, cũng có câu: Tỳ Khưu, hữu thế sinh, hữu hữu, hữu tác hành, hữu vô sinh vô hữu, vô tác vô sở hành, có nghĩa là: “Này các vị Khất sĩ, trên đời có cái sinh, có cái hữu, có cái tạo tác và cái hình thành. Nhưng cũng có cái vô sinh, vô hữu, vô tác và vô hành.” Câu kinh này tương đương trong nguyên bản tiếng Pali là Atthi bhikkhava, ajàtạm abhutạm akatam asankhatam, may mắn còn giữ lại được.