Định đề 38

 

Thực chất của Tịnh độ và Niết bàn vượt thoát không gian và thời gian. Thực chất của vạn pháp cũng đều như thế.

The reality of the Pure Land or Nirvāṇa transcend both space and time. The reality of everything else is exactly the same.

Chúng ta cảm thấy định đề này quen thuộc vì chúng ta đã học hai định đề tương tự như vậy, đó là định đề thứ nhất và thứ hai: 1 – Không gian không phải là một pháp vô vi. 2 – Đứng về phương diện tích môn các pháp đều là hữu vi, đứng về phương diện bản môn tất cả các pháp đều là vô vi.

Tịnh độ và Niết bàn không phải là những thực tại khách quan

Chúng ta phải cẩn thận khi đọc định đề 38. Có người khi nghe nói đến Tịnh độ hay Niết bàn thì nghĩ ngay rằng đây là những tạo tác của tâm ý của những người theo tôn giáo. Những người theo tôn giáo tạo tác ra Thượng đế hay Thiên quốc, Niết bàn hay Tịnh độ. Đó là những cái không có trong thực tại khách quan bên ngoài. Những người không có đức tin, không có đời sống tâm linh thường có khuynh hướng cảm thấy tội nghiệp những người chạy theo những cái không có thật, những cái do tâm ý tạo tác ra như thiên đường, Tịnh độ, Niết bàn. Họ nghĩ: “Họ tin vào những cái bâng quơ như Tịnh độ, Niết bàn, Thiên quốc, Thượng đế. Đúng thật là duy tâm!”.

Duy tâm theo họ nghĩ có nghĩa là do tâm ý tạo tác ra. Họ tội nghiệp những người có một đức tin về tôn giáo. Nhưng họ không biết rằng trong truyền thống mà chúng ta đang thực tập, chúng ta cũng nghĩ như họ: Tịnh độ hay Niết bàn là do tâm. Nhưng Tịnh độ và Niết bàn không chỉ là những tạo tác của tâm ý. Nếu cho Tịnh độ và Niết bàn là những thực tại khách quan có mặt ở bên ngoài tâm ý thì chúng ta mới bị vướng vào những tạo tác của tâm ý. Nhưng chúng ta không nghĩ như vậy, chúng ta không cho Tịnh độ và Niết bàn là những cái khách quan có thật ở bên ngoài và cái ý thức chủ quan của ta ở bên trong. Trong chúng ta có những người có thể tiếp xúc được với Tịnh độ và Niết bàn, và Tịnh độ hay Niết bàn đó không còn là một ý niệm về một thực tại ở bên ngoài ta mà là cái ta có thể sờ mó, kinh nghiệm được ngay bây giờ trong đời sống. Đối với những người này thì câu nói mỉa mai: “Ôi, các ông chỉ mơ mộng tới những chuyện đâu đâu không có thật” thì không có ảnh hưởng gì đến họ vì Tịnh độ, Niết bàn ấy đã là đối tượng của kinh nghiệm.

Cũng có người nghĩ rằng Tịnh độ, Niết bàn, Thiên quốc là một cái gì có thật ở bên ngoài và sau khi ta chết đi, thân xác ta tan hoại rồi thì ta mới đi đến đó. Như vậy, Tịnh độ, Niết bàn hoặc Thiên quốc đó đang nằm trong một không gian khác và cũng đang nằm trong thời gian ở tương lai.

Tịnh độ và Niết bàn là phi thời và phi xứ

Nhưng những người đã từng có kinh nghiệm về Tịnh độ và Niết bàn biết rằng Tịnh độ và Niết bàn không nằm trong khuôn khổ của thời gian và không gian. Họ thấy được thực chất của Tịnh độ và Niết bàn là phi thời và phi xứ. Phi thời là non-temporal, not the matter of time (akalika). Phi thời có thể được dịch là thời ngoại hoặc kiếp ngoại. Phi xứ được dịch là xứ ngoại hay phương ngoại. Trong bài “Phóng cuồng ca” của Tuệ Trung Thượng Sĩ có câu: Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương. Ngài chống gậy đi chơi ở cõi gọi là phương ngoại phương (trời phương ngoại) tức ở không gian nằm ngoài không gian. Sen nở trời phương ngoại là sen không nở trong thời gian và không gian. Thời gian và không gian là do tâm mình tạo tác.

Khi đi thiền hành quý vị có thể rong chơi trong thời gian: ta có một giờ đồng hồ tức 60 phút để đi thiền hành. Quý vị đi thong thả, nếm từng bước chân an lạc. Ta được đi với thầy, được bước những bước thảnh thơi với thầy, ta rất hạnh phúc. Ta đang rong chơi trong thời gian và không gian vì ngày mai có thể thầy tịch rồi và ta không được đi chơi với thầy nữa. Dù ta đang có hạnh phúc, ta đang được đi với thầy nhưng ta vẫn còn ở trong thời gian và không gian. Ta chưa đi được ở phương ngoại và trong kiếp ngoại. Ngày xưa thầy Trúc Diệp có làm một bài thơ ca ngợi Đản sanh: Hoa lòng nở nở, hoài trong kiếp ngoại. Nở trong kiếp ngoại là nở ngoài thời gian, nở ngoài thời gian thì hoa không thể nào tàn.

Nếu là bậc cao nhân, bậc có căn cơ lớn thì trong khi đi thiền ta có thể lọt ra khỏi thời gian và đi trong kiếp ngoại, ta có thể lọt ra khỏi không gian và đi trong phương ngoại. Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương, Tuệ Trung Thượng Sĩ chống gậy đi chơi và ông đã đi chơi ra khỏi thời gian và không gian. Ông đã nếm được cái bất tử, nếm được Niết bàn. Ta thấy ông đang đi trong không gian và thời gian và ta có thể đi chơi với ông, nhưng thật ra ta đang đi trong cõi khác và ông đang đi trong cõi khác, đó là cõi kiếp ngoại.

Khoa học lượng tử hiện nay dùng danh từ non-local nói rằng thực tại của những lượng tử là non-local. Ta không thể đem một lượng tử nhốt vào khung không gian và thời gian. Một lượng tử có thể có mặt một lần ở đây và ở chỗ khác, đó là thực tại của một lượng tử. Tất cả những nhà khoa học nổi tiếng trong khoa học lượng tử như W. Newman đều nói: The reality of a quantum should be non-local. (Cái thực chất của một lượng tử không mang tính cục bộ địa phương). Một lượng tử mà còn như vậy huống hồ là Tịnh độ hay Niết bàn.

Những người mới tu học thường nghĩ rằng Tịnh độ nằm ở phía Tây, nằm trong không gian và khi chết rồi thì ta mới sang được bên đó. Trong khi đó các vị tổ sư, các vị thầy dạy chúng ta:

Tịnh độ vốn sẵn nơi chân tâm

Di Đà hiện ra từ tự tánh

Đức Di Đà không phải là một thực tại nằm trong không gian và thời gian. Đức Di Đà là một thực tại siêu việt không gian và thời gian. Đó là giáo lý duy tâm Tịnh độ tức Tịnh độ trong tâm. Tịnh độ trong tâm thì không thể nào tìm được trong không gian và thời gian. Trong “Nghi thức cầu siêu” thỉnh thoảng chúng ta thấy những câu rất hay:

Tây phương không xa cách

Tây phương trước mặt người

Ngàn sông về biển lớn

Trăng lặn không lìa trời

Những câu ấy có nghĩa là Tịnh độ không phải ở đâu xa, Tịnh độ ở trước mặt chúng ta. Trăng đêm có lặn nhưng vẫn ở trong trời. Quý vị có thể tìm những câu đó ngay trong “Nhật tụng thiền môn 2000”. Biết được tính chất của Tịnh độ là phi thời (kiếp ngoại) và phi xứ (phương ngoại) thì ta có thể tiếp xúc với Tịnh độ ngay trong giây phút hiện tại. Có điều rất lạ là trong khi nghiên cứu về lượng tử thì các nhà khoa học cũng tìm ra được sự thật: Bản chất của các lượng tử là phi thời gian và phi không gian (siêu việt thời gian và không gian). Thực chất của Tịnh độ và Niết bàn cũng vậy, là non-local và non- temporal.

Nắm tay Bụt rong chơi trời phương ngoại

Trong kinh Pháp Hoa có một phẩm nói về thọ mạng của các vị Bụt. Ta nghĩ Bụt sinh ra, ở lại đời chừng 80 năm để giáo hóa rồi Ngài ra đi, không còn nữa. Kinh Pháp Hoa mở cho chúng ta thấy thọ mạng của chư Bụt là vô lượng. Không những thọ mạng của đức Di Đà là vô lượng mà thọ mạng của đức Thích Ca cũng vô lượng. Cái thấy của chúng ta về Bụt không đúng, ta nghĩ Bụt được sinh ra, lớn lên, lập gia đình, đi xuất gia, thành đạo, đi giáo hóa rồi nhập Niết bàn, tất cả chỉ trong vòng 80 năm. Đó chưa phải là thọ mạng của Bụt, thấy như vậy thì ta chưa thấy được Bụt thật. Đọc phẩm Thọ mạng của Bụt trong kinh Pháp Hoa chúng ta khám phá ra rằng: Đức Thích Ca chưa bao giờ lìa chúng ta. Nếu chân chúng ta biết bước vào trời phương ngoại, thì chúng ta có thể gặp được Ngài và cùng nắm tay Ngài đi chơi. Đó không phải chuyện nói chơi vì trong chúng ta có những người đã làm được như vậy, đã bước vào được trời phương ngoại và cầm tay ba mẹ, ông bà, các tổ sư và Bụt đi chơi. Đó là nhờ công phu tu tập. Những người đó chỉ mỉm cười khi nghe nói Tịnh độ và Niết bàn là những tạo tác của tâm ý vì Tịnh độ và Niết bàn là những cái họ đang sống và đang tiếp xúc được.

Ta có thể đi qua núi Thứu và leo lên núi với đức Thế Tôn. Ta nghĩ ta đang sống trong không gian và thời gian của Bụt, Bụt với ta đang ở chung. Bụt đang leo núi Thứu với ta, nhưng có thể Bụt đang ở trong phương ngoại còn ta đang ở trong phương nội. Ta đi thiền hành với thầy, ta tưởng ta đang đi với thầy nhưng đôi khi thầy đang đi ở phương ngoại còn ta lại đang đi trong phương nội. Nếu đi được trong phương ngoại với thầy thì sau này khi thầy tịch ta sẽ không khóc vì ta không thấy thầy đã mất. Vì vậy khi đi với thầy ta cũng tập bước được vào khung trời phương ngoại.

Bốn ý niệm cần phải lấy đi

Trong kinh Kim Cương chúng ta thấy có bốn ý niệm ta cần phải ấy ra khỏi đầu mình:

  1. Khái niệm về ngã, về ta
  2. Khái niệm về nhân, về con người
  3. Khái niệm về chúng sinh
  4. Khái niệm về thọ mạng

Khái niệm về ngã

Những người đọc kinh Kim Cương không hiểu, tưởng ngã là ta, còn nhân là người khác. Chữ nhân ở đây có nghĩa là con người, con người đối lại với những loài khác như loài cầm thú, cỏ cây, đất đá. Cái ngã ở đây đối lập với cái phi ngã. Nhìn cha, ta thấy cha là một người khác và ta là một người khác, ta có ý niệm con là một thực tại đối lập với cha, hai thực tại không dính gì với nhau. Đó là ý niệm cố chấp về ngã cần phải lấy đi. Ta phải thấy được con là sự nối tiếp của cha đứng về phương diện tương lai và cha là sự nối tiếp của con đứng về phương diện quá khứ. Ngã đối với phi ngã, khi thấy ngã và phi ngã không thể tách rời nhau thì ta lấy ra được ý niệm về ngã.

Khái niệm về nhân

Con người (nhân) đối với những gì không phải con người (phi nhân) tức các loài động vật, thực vật, khoáng vật. Con người không khác với những gì không phải con người vì nếu không có những loài khác thì sẽ không có con người. Con người do các loài khác sanh ra trên con đường tiến hóa, vì vậy nhìn vào con người ta thấy các loài khác. Chữ nhân không có nghĩa là người khác, mà có nghĩa là con người và ngược lại với con người là những loài khác như cầm thú, cỏ cây, đất đá. Chúng ta phải lấy đi các ý niệm con người và không phải con người vì con người không thể tồn tại nếu không có những loài khác, con người không phải là một thực tại biệt lập.

Người Á Đông ngày xưa có quan niệm tam tài, tức thiên (trời), địa (đất), nhân (người), con người đứng giữa trời và đất. Quan niệm “thiên, địa, nhân” được biểu hiện trong triết học cũng như trong nghệ thuật. Nghệ thuật cắm hoa Ikebana quan niệm bình hoa phải có ít nhất là ba cành tượng trưng cho thiên, địa và nhân. Cắm hoa trong truyền thống Á Đông phải có ba yếu tố thiên, địa, nhân. Nếu không có trời đất thì làm gì có người, cho nên ta phải lấy đi quan niệm có con người độc lập với những loài khác.

Khái niệm về chúng sinh

Chúng sinh (living beings) tức là các loài hữu tình, tiếng Anh là sentient beings, loài hữu tình đối lập với loài vô tình.

Quan niệm loài hữu tình có thể tồn tại độc lập ngoài loài vô tình là một quan niệm sai lầm. Các loài hữu tình cũng từ các loài vô tình mà ra, ta không thể lấy cái vô tình ra khỏi cái hữu tình. Hữu tình và vô tình tương tức, cái hữu tình chứa cái vô tình và cái vô tình chứa cái hữu tình, vì vậy chúng ta cần lấy đi cái quan niệm về chúng sinh.

Khái niệm về thọ mạng

Quan niệm về thọ mạng cho rằng Bụt chỉ sống 80 năm và ta cũng sống khoảng 70, 80 hay 90 năm. Nhưng thọ mạng của Bụt là vô lượng. Ban đầu chúng ta nói thọ mạng của Bụt là vô lượng nhưng sau ta nói thọ mạng của ta cũng là vô lượng. Ý niệm về thọ mạng (life span) căn cứ trên ý niệm về thời gian. Trong vòng thời gian có một điểm ta sinh ra (điểm sinh), có một điểm ta chết đi (điểm tử) và thọ mạng của ta được đo từ điểm sinh tới điểm tử, trước đó không có ta và sau đó ta không có, từ vô ta đi tới hữu, rồi sau đó lại đi tới vô.

Thọ mạng của Bụt không như vậy, thọ mạng của Bụt là vô lượng. Và sau đó ta thấy: Không những thọ mạng của Bụt là vô lượng mà thọ mạng của ta đây cũng là vô lượng và thọ mạng của đám mây cũng là vô lượng. Đám mây vô sinh vô diệt, vì vậy tự tính của đám mây kia cũng là tự tính Niết bàn. Đám mây không cần bay về Niết bàn vì nó đang an trú trong Niết bàn. Ta không cần phải đi tìm Niết bàn, ta đang an trú trong Niết bàn, cũng như đợt sóng không cần đi tìm nước, nó đang là nước. Đợt sóng không cần đi tìm nước, ta không cần đi tìm Tịnh độ hay Niết bàn. Ta đang ở trong Tịnh độ, trong Niết bàn mà ta không biết. Ta đi tìm. Mà hễ có đi tìm thì có sự phân biệt giữa người đi tìm (chủ thể) và vật đi tìm (đối tượng).

Thực chất của Tịnh độ và Niết bàn vượt thoát không gian và thời gian, thực chất của tất cả sự vật đều như vậy. Bụt có thọ mạng vô lượng, con người hay đám mây hay một lượng tử cũng có thọ mạng vô lượng. Giả dụ chúng ta có vé máy bay, ta bay sang Tịnh độ của đức Di Đà. Đức Di Đà với các vị Bồ tát ra đón và ta lập tức tham dự vào buổi thiền hành. Đức Di Đà đang nắm tay đức Quan Âm và đức Thế Chí đi thiền hành, ta sung sướng đi theo. Ta nghĩ ta đang đi trong khung trời của Bụt, nhưng có ngờ đâu lúc đó Bụt đang đi trong trời phương ngoại còn ta lại đang đi trong trời phương nội.

Tiếp xúc với bản môn

Thầy trò, huynh đệ được sống với nhau rất hạnh phúc, nhưng nếu ta không tiếp xúc sâu thì hạnh phúc đó cũng vô thường, ngày mai nó sẽ không còn nữa. Nếu ta biết sống cho sâu thì trong tích môn ta tìm được bản môn, trong đợt sóng ta tìm được nước. Tìm được nước rồi thì vấn đề “có hay không có sóng” không còn quan trọng. Vì vậy trong khi thầy trò ngồi thiền hay đi thiền với nhau ta phải tiếp xúc được bản môn để cái giây phút đó trở thành thiên thu. Và tích môn không phải là cái gì tồn tại độc lập với bản môn. Tiếp xúc cho sâu sắc thì tích môn trở thành bản môn, tiếp xúc với sóng cho sâu sắc là tiếp xúc được với nước. Tiếp xúc được với nước rồi thì sóng lớn hay sóng nhỏ, sóng này hay sóng kia không còn quan trọng nữa.

Các nhà khoa học sử dụng những dụng cụ đo lường và diễn tả bằng ngôn từ toán học của họ. Chúng ta là những người tu, chúng ta thực chứng bằng pháp môn, bằng tâm của mình. Ngồi xuống là ta vận dụng hơi thở để tiếp xúc với thân và tâm, đi sâu vào thực chất của bản thân và hoàn cảnh để thấy rõ được rằng: Ban đầu ta có mặt ở trong thời gian và không gian, nhưng sau đó ta phá vỡ được cái khung không gian và thời gian, đi được vào trong phương ngoại và kiếp ngoại. Đó là phần thưởng quý giá nhất của sự tu tập để không uổng một đời tu. Có được một người tu tập thành công như vậy thì thế giới sẽ giàu có và sẽ đẹp hơn rất nhiều.