Định đề 36

 

Ý thức nhờ sự thực tập giới, định, tuệ mà có thể học hỏi và chuyển tải xuống những kinh nghiệm tuệ giác của mình cho tàng thức, và giao cho tàng thức trách nhiệm làm chín muồi và biểu hiện những hạt giống tuệ giác đã có sẵn trong nó.

With the practice of mindfulness, concentration and insight, Mind consciousness can learn and download its insights to Store consciousness and leave Store consciousness to do the work of maturation and then manifest the seeds of wisdom that are already innate in Store consciousness.

Chữ chín muồi ngày xưa gọi là thục. Những hạt giống của tuệ giác đã có sẵn, phải có những điều kiện để những hạt giống đó lớn lên, già dặn ra, chín muồi và trở thành hoa trái của hạnh phúc. Chữ chuyển xuống trong định đề 36 chứng tỏ giữa ý và tàng có sự liên hệ rất mật thiết. Năm thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chuyển trực tiếp vào tàng thức những kinh nghiệm theo lề lối vô thức. Nhưng khi đi ngang qua ý thức, thì nhờ sự thực tập giới, định, tuệ mà những kinh nghiệm đó được chuyển xuống một cách có ý thức, nghĩa là ý thức giao cho tàng thức những công tác thật sự. Ví dụ như khi thầy giao cho ta một công án để quán chiếu thì phải có sự truyền thông giữa thầy và ta. Cũng giống như thế, ví dụ khi ý thức giao cho tàng thức một trách nhiệm như “Sáng mai mình phải dậy sớm để ra phi trường!” thì sáng mai ta có cơ duyên thức dậy sớm. Thường thì tàng thức nghe theo lời của ý thức như người làm vườn đào một cái lỗ trong vườn và gieo vào đó một hạt giống, mấy ngày sau nhờ sự tưới tẩm và sức ấm mà hạt đó nảy mầm. Công án thầy giao cho ta quán chiếu giống như một hạt giống. Mỗi ngày ta đi thiền, ngồi thiền, quán chiếu giống như ta đang tưới tẩm một hạt giống. Nhờ công phu đó hạt giống kia nẩy mầm. Lúc đi, lúc đứng, lúc nằm, lúc ngồi, ta ý thức được hạt giống đang có đó. Có thể ta không dùng tư duy, nhưng tàng thức làm việc giống như đất, nó ấp ủ, nuôi nấng, làm chín hạt giống đó và một ngày nào đó tự nhiên ta thấy được mà không cần phải có tư duy, có tầm từ.

Ý thức phát hiện từ tàng thức

Những cái thấy về vô thường, vô ngã, tương tức, về sự ích lợi của khổ đau được tải xuống tàng thức và giao cho tàng thức trách nhiệm làm chín muồi rồi phát hiện toàn diện những tuệ giác đã có sẵn trong đó. Trong định đề này có một chi tiết ta phải để ý: Ta thấy giống như là ý thức chuyển tuệ giác xuống cho tàng thức, nhưng thật ra ý thức cũng từ tàng thức mà biểu hiện. Tàng thức là căn bản của ý thức, ý thức được sinh ra từ tàng thức. Nhờ sự quán chiếu mà ta đạt được tuệ giác, nhưng những tuệ giác vô thường, vô ngã, tương tức đã là những hạt giống có sẵn trong tàng thức. Nhờ chúng vốn có sẵn nên giới – định – tuệ mới khám phá ra được chúng. Phật tính, giác ngộ, vô sinh bất diệt có sẵn dưới dạng những hạt giống. Ý thức và tàng thức liên minh với nhau để nhận diện ra những hạt giống và làm cho chúng lớn lên, già dặn, chín muồi và phát hiện một cách toàn diện. Khi những hạt giống đó biểu hiện ra thì chúng sanh trở thành Phật. Hạt giống của Phật đã nằm trong chúng sanh. Không những Mạt na mà ý thức cũng biểu hiện từ tàng thức.

Giáo lý đạo Bụt là sự hướng dẫn tu tập để chuyển hóa

Những kiến thức về Duy Biểu học, những cái thấy về Mạt na, ý thức và tàng thức không phải là một môn tâm lý học mà là những chỉ dẫn cần thiết cho sự tu tập của mình. Đạo Phật không có mục đích trình bày một nền tâm lý học, mục đích của đạo Phật là hướng dẫn cho ta tu tập để chuyển hóa khổ đau và trong khi hướng dẫn tu tập thì cái thấy về tâm được biểu hiện ra. Thiền sư Thường Chiếu đời Lý Trần nói: Nếu chúng ta biết được một ít về sự vận hành của tâm thức thì sự tu tập của ta sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy học Duy Biểu rất có ích lợi cho sự tu tập của ta. Không nên học Duy Biểu như học một nền tâm lý học để làm thỏa mãn sự tò mò của ta mà học để giúp cho ta tu tập có được kết quả tốt.

Trong khi hướng dẫn tu tập chuyển hóa, giáo lý của đức Thế Tôn cũng có nói đến thiên nhiên, vũ trụ, nói về sắc, thọ, tưởng và hành. Trong sự tiếp nhận phương pháp tu tập để chuyển hóa thì đồng thời chúng ta cũng tiếp nhận cái thấy của Bụt về thiên nhiên, về thế giới, về vật thể. Nhưng như vậy không có nghĩa đạo Phật là một khoa học về thiên nhiên, đạo Phật trước hết là một sự hướng dẫn tu tập để chuyển hóa và trong khi hướng dẫn thì phải đề cập tới những vấn đề đó. Đạo Phật không phải là khoa tự nhiên học hay khoa tâm lý học, nhưng qua giáo lý chúng ta biết được cái thấy của đạo Bụt về tự nhiên học, về cơ thể học và về tâm lý học.