Định đề 34

 

Tàng thức có công năng học hỏi, huân tập, lưu trữ, sắp đặt kế hoạch đối phó, bảo hộ, nuôi dưỡng, trị liệu và tiếp nối. Tàng thức có công năng thiết lập một kho tư liệu, những lề lối hành xử vô thức đã được sắp đặt sẵn để chiếc thuyền có thể tự lèo lái mà không cần có mặt của một vị thuyền trưởng.

Store consciousness has the capacity of learning, storing, protecting, responding, nourishing, healing and continuing. Its funtion is to establish a data base, unconscious habits of responding to situations, which is comparable to a boat being on auto-pilot.

Tàng thức có công năng học hỏi, huân tập

Tàng thức là Ālaya-vijñāna, chúng ta thường dịch ra tiếng Anh là store consciousness. Tàng có nghĩa là cất giữ. Các nhà tâm lý học Tây phương, các nhà tâm lý trị liệu, các nhà khoa học thần kinh não bộ cũng có cái thấy về tàng thức. Tàng thức có khi được gọi là thức bối cảnh (back-ground-consciousness). Thức bối cảnh nằm phía sau, còn nằm phía trước là ý thức. Tàng thức là background consciousness, ý thức là foreground consciousness.

Hữu Bộ (Sarvāstivāda) gọi đó là căn bản thức (root consciousness), mūla-vijñana, mūla là gốc rễ. Trong Duy Biểu học có những danh từ rất xưa và cũng rất lý thú khi so sánh những danh từ xưa đó với những danh từ dùng trong khoa thần kinh não bộ hiện nay. Tàng thức có công năng học hỏi, huân tập. Chữ huân tập (vāsanā) là một danh từ xưa trong Duy Biểu học, bây giờ chúng ta thường dùng chữ học hỏi.

Trong truyền thống đạo Bụt, thức phát hiện dựa vào những điều kiện, những duyên (pratyaya), vì vậy sự có mặt của cơ thể, của hệ thần kinh não bộ rất cần thiết cho sự biểu hiện của tàng thức. Thần kinh não bộ và cơ thể là tăng thượng duyên, chứ chưa phải là nhân duyên. Sự học hỏi đã bắt đầu rất sớm, huân tập có nghĩa là học hỏi và tập thành thói quen, lúc đầu ta chưa biết nhưng tập từ từ thì thành ra biết.

Huân tập là tiếp nhận từ từ để trở thành thói quen

Từ nhỏ tôi đã tập chải răng bằng tay phải. Nhưng một hôm tôi nghĩ nếu có vấn đề gì xảy ra cho tay phải thì tay trái phải làm thay, nên tay trái cũng nên bắt đầu học hỏi. Ngày đầu tiên tôi giao cho tay trái chải răng tôi quán sát và thấy tay trái làm rất vụng về và tay phải ngứa ngáy muốn giành lấy bàn chải của tay trái để làm cho mau. Tay phải có khuynh hướng muốn giật lại công việc, không phải do tay phải kỳ thị, coi thường tay trái mà do sự thúc đẩy của những kinh nghiệm đã được học hỏi từ lâu đời được tích lũy trong tàng thức, đó là thói quen muốn làm cách nào cho nhanh nhất, hay nhất và ít tốn năng lượng nhất. Nhận ra điều đó, tôi cười và nói: “Tay phải hãy để cho tay trái làm!”. Tay trái đang trên đường học hỏi nên nó làm không được tự nhiên và ý thức phải đi theo tay trái nhiều hơn trong khi tay phải một mình làm rất hay mà không cần đến sự tham dự của ý thức. Tay trái cần có ý thức phải cầm bàn chải như thế nào để làm cho hay. Vì vậy chải răng bằng tay trái dễ có chánh niệm hơn là chải răng bằng tay phải. Khi tay trái làm giỏi rồi thì nó không cần chánh niệm, không cần ý thức nữa, nó có thể làm như cái máy. Tôi cũng có giao cho tay trái tập viết, lúc đầu nó viết xấu như chú bé bốn, năm tuổi viết. Nhưng ngay trong trang đầu tay trái đã có sự học hỏi và thực tập, nó đã có sự tiến bộ. Không biết bằng cách nào mà những nét chữ viết đẹp của tay phải được truyền sang tay trái, thỉnh thoảng có những chữ “g” tay trái viết y hệt như tay phải. Hình như có sự âm thầm trao truyền tuệ giác giữa tay phải và tay trái ở dưới mặt vô thức. Bây giờ tay trái của tôi chải răng khá giỏi và tay phải ít có khuynh hướng muốn giành. Huân tập là học hỏi, sắp đặt và xử lý những tin tức được tiếp nhận vào. Chúng ta học hỏi những tin tức thu vào từ sáu giác quan. Sự học hỏi đã xảy ra từ lúc chúng ta tượng hình trong bụng mẹ và tiếp diễn không ngừng, danh từ xưa gọi là huân tập. Huân là ướp vào, thấm vào từ từ cũng như chúng ta hái hoa lài cho vào hộp trà, qua một đêm thì hương của hoa lài thấm từ từ vào trong lá trà. Khi chúng ta pha trà, dù không còn hoa lài, nhưng trong trà đã có mùi hương của hoa lài. Huân là thấm vào từ từ và thấm hồi nào mình không hay. Chúng ta không thấy được sự thấm vào cũng như không thấy được sự học hỏi. Nó được diễn ra một cách vô thức, trở thành một thói quen và tự động vận hành mà không cần được sai khiến, đó gọi là tập. Huân tập là học hỏi để thành một thói quen. Phương pháp giáo dục của Làng Mai đi theo đường lối huân tập.

Ngày xưa tôi không hề được theo học những khóa xướng tán, không hề có một thầy đem tang, mõ ra dạy cho mình xướng tán từng câu. Tôi chỉ nghe Sư ông và các thầy lớn xướng tán rồi từ từ huân vào và một ngày nào đó tự nhiên tôi làm được. Đó là huân tập. Quý vị nghĩ mình chưa biết chúc tán tổ sư, quý vị chỉ nghe tôi chúc tán, nhưng có lúc nào đó quý vị làm thử xem, có thể là mình đã làm được rồi. Tuy mình không có ý học hỏi nhưng lắng nghe thầy, lắng nghe sư anh, sư chị một thời gian thì tự nhiên mình làm được. Huân tập là tiếp nhận để thấm vào và cuối cùng trở thành một thói quen. Thói quen là một năng lượng, gọi là tập khí (habit energy).

Chọn môi trường tốt để có huân tập tốt

Có thứ huân tập tốt và thứ huân tập không tốt. Ở gần người xấu một thời gian thì những thói quen tật xấu của người đó sẽ huân vào mình thành tập khí dù mình không muốn học. Vì vậy mình phải chọn bạn mà chơi, tìm một môi trường tốt để sống. Nhất là đối với các em bé, nếu mình không cẩn thận cứ để em bé trong một môi trường xấu thì nó sẽ học hỏi, huân tập những tập khí xấu rất nhanh.

Ngày xưa ở Việt Nam có những vị cao tăng bắt đầu tu từ hồi sáu, bảy tuổi. Lúc còn nhỏ các vị lên chùa rồi tự nhiên thích đi tu, ý thích này có lẽ do hạt giống từ nhiều đời nhiều kiếp mà có. Ý hướng muốn tu học đã có trong tổ tiên của mình cho nên khi đến chùa với không khí thanh tịnh của chùa, với uy nghi và chánh niệm của thầy thì tự nhiên mình thấy thích liền lập tức. Vì vậy sự huân tập không bắt đầu từ đời mình mà từ những đời trước, tự nhiên mình thích tu, thích đi, đứng, cười như thầy. Ở trong chùa từ hồi còn nhỏ, được nuôi dưỡng trong không khí thanh tịnh của chùa nên mình được huân tập những cái tốt. Chùa là một môi trường thanh tịnh, không có hình ảnh của những thèm khát, hận thù, rất tốt để chúng ta huân tập những cái hay, cái đẹp, cái tích cực.

Hiện nay các chùa ở Việt Nam và Mỹ có khuynh hướng gửi các điệu đi học các trường tiểu học hay trung học ở ngoài. Khi học ở trường ngoài các điệu tiếp xúc với một môi trường khác với môi trường trong chùa vì vậy họ bị huân tập những cái mà ngày xưa các tổ không bị huân tập. Môi trường của học đường bây giờ xấu hơn môi trường học đường ngày xưa rất nhiều, vì vậy gửi các điệu đi học trường bên ngoài là một hành động không khôn ngoan cho lắm. Nhưng phụ huynh của các điệu cũng muốn con mình được đi học cho nên cũng trình bày ý muốn đó với thầy trụ trì. Kết quả là các điệu thời đại này rơi rớt nhiều hơn ngày xưa. Từ một khung cảnh rất an ninh, thanh bình, có sự bảo hộ của giới luật và uy nghi họ đi ra một khung cảnh có ma túy, nghiện ngập, tình dục. Các điệu bị huân tập những cái tiêu cực cho nên số lượng các điệu đậu lại để tu tập suốt đời ít hơn ngày xưa rất nhiều.

Tôi cũng muốn chia sẻ với các vị tôn túc, các thầy, các sư cô ở Việt Nam về vấn đề này. Các điệu còn nhỏ thì phải học nhưng mình phải tổ chức thế nào để các điệu được học ngay trong chùa mà không phải đi ra các trường bên ngoài. Ai cũng thấy rõ rằng trong các trường bên ngoài hiện nay có rất nhiều bạo động, khổ đau, và những tệ nạn khác như ma túy, cờ bạc, tình dục… Nếu chúng ta không thay đổi được lề thói giáo dục như hiện nay thì số lượng các điệu rơi rụng sẽ rất cao.

Phương pháp giáo dục của Làng Mai

Tại Làng Mai, các sư bé được học ngay tại Làng, không được gửi ra trường trung học ở ngoài. Học ngay tại Làng Mai họ có thể đi rất nhanh vì họ chỉ học những điều thiết yếu. Tôi hy vọng ở Việt Nam sẽ làm được như vậy: Các điệu cần phải học, nhưng hãy cho họ học ngay trong chùa mà không bị gửi ra các trường bên ngoài. Trong các chùa bên Mỹ các thầy cũng có nuôi nhiều người trẻ và rất thương họ, nhưng người trẻ rơi rớt rất nhiều có khi lên đến 80%-90%. Rất uổng công nuôi dưỡng và đào tạo!

Ban đầu chúng ta thấy cách dạy của Làng Mai không được hợp lý. Tại sao những thầy đã học 12 hay 15 năm rồi mà cũng cùng ngồi nghe pháp thoại chung với các chú, các cô mới tu hai ba tháng? Đáng lý chúng ta phải chia ra thành từng lớp theo từng trình độ khác nhau. Nhiều khi chúng ta có những bài pháp thoại trình độ rất cao, nhưng các cô, các chú mới xuất gia cũng được tham dự. Đứng về phương diện hình thức chúng ta thấy hình như làm như vậy không được hợp lý. Nhưng cách học ở Làng Mai không giống như cách học ở ngoài, ta không chỉ sử dụng ý thức mà còn sử dụng tàng thức rất nhiều nữa. Sự giáo dục ở Làng Mai đi theo phương pháp huân tập. Nghe một bài giảng của thầy, ta nghe và có thể hiểu được 10% hoặc ít hơn, nhưng lời giảng đi vào một cách tự nhiên và ta không cần phải cố gắng. Sau này những lời giảng đó được lặp lại trong những bài pháp thoại khác, bằng cách giảng dạy khác và sự huân tập vẫn được tiếp tục. Một ngày nào đó, dù không có cố gắng nhưng tự nhiên ta hiểu. Ta thật sự không được học xướng tán, nhưng ở trong khung cảnh có xướng tán nên tự nhiên âm điệu đi vào trong ta như hương của hoa lài đi vào trong trà. Danh từ ngày xưa chúng ta dùng là huân tập, huân là ướp và tập là thành thói quen. Phương pháp giáo dục của Làng Mai đi theo chiều hướng huân tập. Hiểu được như vậy chúng ta sẽ không thấy phương pháp giáo dục của Làng Mai là không hợp lý. Phương pháp đó rất hợp lý, chúng ta không cố gắng thúc ép mà để các thông tin và kiến thức kia đi vào một cách tự nhiên. Sự học hỏi, sự xử lý, sự lưu trữ và sự truy cập đều xảy ra một cách rất tự nhiên.

Tàng thức xử lý và lưu trữ, sắp đặt kế hoạch đối phó để bảo vệ, nuôi dưỡng, trị liệu và tiếp nối

Xử lý là processing, lưu trữ là storing. Danh từ ngày xưa là tàng, tàng là cất giữ, danh từ ngày nay là lưu trữ. Tàng thức xử lý và cất giữ, âm thầm hoạt động, sắp đặt kế hoạch đối phó. Kế hoạch này đã được học hỏi trước để đối phó với những biệt cảnh, những hiểm nguy, để bảo hộ (protecting) và nuôi dưỡng (nourishing). Cơ thể chúng ta cũng có những công năng đó. Có khi chúng ta ăn vào những thức ăn độc hại nhưng cơ thể có công năng chọn lọc, loại trừ, bảo vệ. Có một sự tranh đấu trong cơ thể để chỉ tiếp nhận những thức ăn tốt và loại trừ những thức ăn xấu. Ngay bộ phận tiêu hóa của chúng ta cũng có cách xử lý như tàng thức. Chúng ta không cần ra lệnh, nó đã có lề thói, có kế hoạch đối phó, trục xuất những chất có hại cho cơ thể để bảo vệ, nuôi dưỡng, trị liệu và tiếp nối.

Tàng thức cũng có cách riêng để trị liệu. Có những khổ đau, khó khăn, bệnh tật dù chúng ta không dùng ý thức để nhận diện và quyết định tìm cách trị liệu thì cũng có những lề lối, những thói quen để làm công việc nuôi dưỡng và trị liệu.

Tiếp nối là tìm đủ mọi cách để có thể được tiếp nối, để được đi về tương lai, để có con có cháu. Cũng như cây bưởi, cây chanh, cây cam có khuynh hướng làm hoa, làm trái, làm hạt để có sự tiếp nối cho cây. Năng lượng của tình dục, của thương yêu cũng nằm trong khuynh hướng tự nhiên của tàng thức để tiếp nối. Một bông hoa nở ra có màu hồng, màu vàng không phải không có lý do. Bông hoa có đủ màu cũng do khuynh hướng của tàng thức, muốn thu hút hấp dẫn, quyến rũ các loài ong bướm đến để giúp nó trong công việc tiếp nối, giúp nó kết trái và đi về tương lai. Tàng thức có khuynh hướng tiếp nối rất rõ.

Tàng thức có công năng thiết lập một kho tư liệu. Những gì chúng ta học hỏi, thu thập được sắp đặt một cách khéo léo và được lưu trữ, bảo tồn. Tàng thức là một data base nói theo danh từ của máy tính, trong đó những lề thói hành xử vô thức được sắp đặt sẵn để khi có một sự tình xảy ra thì nó phản ứng lại ngay mà không cần chúng ta phải suy nghĩ. Một data base của cách hành xử được sắp đặt trước. Một chương trình tự động, tự dẫn để chiếc thuyền có thể tự lèo lái được mà không cần sự có mặt của một vị thuyền trưởng, đó là tàng thức. Tự động là auto piloting, máy bay có thể tự lái lấy vì trong máy đã có sẵn chương trình.

Phần lớn trong chúng ta sống như vậy, chúng ta để chương trình tự dẫn đưa mình đi. Chúng ta sống không có ý thức, ta để cho tàng thức đưa đường chỉ lối. Ta sống như cây cỏ, chim thú, ta giao phó hết cho tàng mà không mời ý thức tới để nhận diện. Tự dẫn là tự một mình đi (auto navigating). Khi đói thì hai chân tự động đi về hướng tủ lạnh mà không cần sự tham dự của ý thức: “À hình như mình đang đói, mình phải tìm cái gì ăn“.

Những người tu là những người không mãn ý với cách sống đó. Ta muốn sống cuộc đời của chính ta nên ta thắp sáng ý thức để khi ăn ta biết được ta đang ăn, ăn đồ độc hại thì biết ta đang ăn đồ độc hại, ăn đồ bổ dưỡng lành mạnh thì biết ta đang ăn đồ bổ dưỡng lành mạnh. Nhờ có ý thức nên sự thực tập niệm, định, tuệ được thành công.