Định đề 33
Phật tử qua các thế hệ phải liên tục đối kháng lại với hai khuynh hướng thần hóa và ngã hóa biểu hiện những nhu yếu đại chúng nhất của con người.
Each generation of Buddhist practitioners has to resist the human tendencyand need to make the Buddha divine and to try to find a principle to take the place of a self.
Thần hóa đức Thế Tôn
Người ta có nhu yếu muốn biến đức Thế Tôn thành một thần linh, một Thượng đế sáng tạo ra vũ trụ. Tư tưởng này dễ làm người ta tin tưởng và chấp nhận vì nó đem lại cho họ sự bình an dễ dàng và nhanh chóng hơn. Bụt có quyền phép, Bụt có thể làm bất cứ điều gì, Bụt là chỗ nương tựa, Bụt sáng tạo ra tất cả. Khuynh hướng thần hóa đức Thế Tôn đã có ngay từ hồi Ngài còn tại thế. Người ta muốn lý tưởng hóa, muốn thần thánh hóa thầy của mình. Thầy của mình là một cái Ngã siêu việt.
Lịch sử của đạo Bụt là lịch sử của sự đối kháng lại hai khuynh hướng đó. Người ta không muốn cho đức Thế Tôn làm người mà chỉ muốn Ngài làm một vị thần linh, một vị chúa tể, làm bản thể của vũ trụ. Trong đạo Bụt có nói tới nhục thân, hóa thân của Bụt và cũng có nói tới pháp thân của Ngài (Dharmakāya). Ban đầu pháp thân chỉ có nghĩa là giáo pháp của đức Thế Tôn nhưng sau đó pháp thân trở thành bản thể, nền tảng của tất cả chư Bụt. Đó là Bụt Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), là thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na bất sinh bất diệt, là nền tảng của tất cả. Quan niệm này rất gần với quan niệm Thượng đế là nền tảng của tất cả mọi hiện hữu. Bụt Tỳ Lô Giá Na của Mật giáo rất gần với Thượng đế của Cơ đốc giáo. Chỉ cần lệch qua một chút nữa thôi là chúng ta mất đạo Bụt, chúng ta trở thành đạo Chúa. Ngay trong Duy Biểu học cũng có nói: “Chỉ có thức, chỉ có biểu! Vạn hữu, vũ trụ, muôn loài đều do sự biểu hiện của tâm thức”. Nếu lệch thêm một chút nữa thì tâm thức đó sẽ trở thành Thượng đế, nền tảng của tất cả vạn hữu. Thức A-lại-da rất gần với Thượng đế. Chúng ta phải rất cẩn thận mới giữ được đạo Phật của đức Phật. Chúng ta sống với một đạo Phật mà chúng ta sáng tạo ra cho mình, nhưng đạo Phật đó không phải là đạo Phật của đức Phật. Vì nhu yếu tín ngưỡng, nhu yếu đi tìm sự nương tựa nơi một cái gì vững chãi và toàn năng nên khuynh hướng muốn thần hóa đức Thích Ca, muốn biến Ngài thành một vị thần linh ban quyền phép và làm nền tảng cho vũ trụ rất mạnh. Học lịch sử Phật giáo, chúng ta thấy rõ các Phật tử trong các thời đại đã tranh đấu rất nhiều để đối kháng lại khuynh hướng thần hóa đức Phật.
Khi viết cuốn “Đường xưa mây trắng” tác giả đã cố gắng đóng góp vào việc chống đối lại khuynh hướng thần hóa đức Phật và trình bày cho người đọc thấy rằng đức Thế Tôn trước hết là một con người. Đó là công đức của cuốn “Đường xưa mây trắng”. Đức Thế Tôn đã được trình bày như một con người, có đau khổ, có tu tập, chuyển hóa và đạt tới từ bi, trí tuệ. Trong suốt 2.600 năm, các thế hệ Phật tử đã liên tục phấn đấu để giữ cho đức Phật còn là một con người, là một bậc thầy mà không để Ngài trở thành một vị thần linh, một vị chúa tể của vũ trụ. Từ giáo lý Duy thức, từ giáo lý Pháp thân đi sang quan niệm Thượng đế chỉ là một bước nhỏ. Đó là khuynh hướng đầu. Khuynh hướng thứ hai là ngã hóa.
Ngã hóa
Đối với đám đông, nói không có ngã mà vẫn có luân hồi, có tư duy mà không có người tư duy thì quá khó hiểu. Muốn hiểu được giáo lý đó cần phải có sự quán chiếu mà người ta thì phần lớn chỉ cần sự nương tựa, sự bám víu nhiều hơn. Vì vậy phần tôn giáo trong đạo Phật được phát triển nhiều hơn phần tự giác, vì đại đa số chúng ta thường có nhu yếu nương tựa.
Đã có những trường phái Phật giáo chủ trương có ngã như Độc Tử Bộ. Độc Tử Bộ chủ trương phải có cái ta mới có thể tu tập, học hỏi, đưa ra một Bổ đặc già la (pudgala) và trích dẫn kinh điển để chứng minh chủ trương của mình:
Có một người mà sự xuất hiện của người ấy đem lại bao nhiêu lợi lạc và hạnh phúc cho nhân loại. Người ấy là ai? Người ấy là đức Thế Tôn.
Như vậy kinh điển nói rõ ràng là có ngã. Độc Tử Bộ tiếp tục trích những câu trong kinh như:
Thầy A nan ơi, thầy có thấy thành phố Vaisali đẹp không?
Như vậy là có một đức Bụt và một thầy A nan, có một cái ngã này nói chuyện với một cái ngã khác.
Chúng ta thấy chủ trương đó không chính thống, vì tuệ giác căn bản của đạo Bụt là vô ngã. Chính vì nhu yếu muốn dễ dàng hóa sự học hỏi và thực tập nên người ta đã phải đưa ra giả thuyết có một cái ngã và điều đó đã phản lại ngay giáo lý truyền thống của mình.
Chúng ta đã từng học qua những quan điểm trong Dị Bộ Tông Luân Luận. Độc Tử bộ (Vatsīputrīya) đưa ra chủ trương: Có một cái ngã không phải là năm uẩn mà cũng không nằm ngoài năm uẩn. Trong năm uẩn không tìm thấy ngã vì trong kinh nói rất rõ: Thân này không phải là tôi, cảm thọ này không phải là tôi. Người ta cố gắng tìm ra một cái ngã gọi là “phi tức phi ly uẩn ngã” có nghĩa là có một cái ngã không phải là uẩn (tức uẩn) mà cũng không lìa uẩn mà có (ly uẩn). Một mặt người ta muốn được chấp nhận trong truyền thống đạo Bụt và mặt khác cũng muốn có một cái ngã để cho dễ thực tập. Chúng ta đã được học về khuynh hướng muốn bám víu vào một cái gì đó. Chính ý niệm tuơng tục cũng là một sự bám víu và vì muốn cứu ý niệm này nên chúng ta thêm vào: Có một tương tục trên căn bản của tương tức.
Lịch sử tư tưởng Phật giáo (History of the Buddha’s thought) là một lịch sử của sự giằng co giữa cái thấy vô ngã chính thống đạo Bụt và khuynh hướng muốn thiết lập một cái ngã nào đó để dễ dàng giảng dạy giáo lý. Không có ngã thì ai đi luân hồi? Nếu không có ngã thì ai gây nghiệp nhân và ai chịu nghiệp báo? Vì vậy trong quá khứ các thầy đã cố tìm cách đưa ra một thứ ngã nào đó. Có khi người ta gọi là cùng sinh tử uẩn, tức một loại tập hợp của năm uẩn đi ngang qua suốt quá trình sinh tử. Đó là chủ trương của Hóa Địa Bộ (Mahīśāsaka). Đó là một sự níu kéo để có một cái ngã. Khuynh hướng này rất mạnh và rất dai dẳng.
Học về lịch sử phát triển tư tưởng Phật giáo chúng ta thấy khuynh hướng thần hóa đức Phật và khuynh hướng níu kéo một cái ngã rất lớn. Vì vậy Phật tử của các thế hệ phải liên tục đối kháng lại hai khuynh hướng thần hóa và ngã hóa, vì nó biểu hiện nhu yếu rất đại chúng, rất con người. Chúng ta phải giúp đức Thế Tôn ráng giữ lại đạo Phật thâm sâu, nếu không chúng ta sẽ mất đi nền tuệ giác rất lớn và đạo Phật sẽ trở thành một tôn giáo như các tôn giáo khác. Nếu các thầy, các sư cô, sư chú muốn dễ thương với Bụt thì phải cố gắng thực hiện được việc này.
Tiếp nối tuệ giác của Bụt
Trong đạo Bụt có quan niệm pháp thân, Niết bàn, Tỳ lô giá na, bạch tịnh thức, Như lai tạng, chân như. Tất cả những khái niệm này đều có thể bị lợi dụng để biến đức Thế Tôn, một bậc thầy, trở thành nền tảng của vũ trụ, một vị sáng tạo ra vũ trụ, một vị thần linh. Ngay cả quan niệm Không cũng có thể trở thành một dụng cụ để biến Sakyamuni thành Thượng đế. Không là nền tảng của hiện hữu, cũng như trong Cơ đốc giáo nói Thượng đế là nền tảng của hiện hữu. Nói Không là nền tảng của hiện hữu thì cũng như nói Thượng đế là nền tảng của hiện hữu, chỉ cần bước nửa bước nữa thôi là chúng ta đi tới thần giáo. Đức Thế Tôn trông cậy vào quý vị để bảo tồn nguồn tuệ giác của đạo Phật, đừng biến đạo Phật thành ra một tôn giáo của tín ngưỡng, vì đại đa số quần chúng rất cần một tín ngưỡng, rất cần sự nương tựa.
Sự nương tựa có thể đem lại cho chúng ta một sự an ổn, một sự xoa dịu nào đó. Nhiều người trong chúng ta đang hiến tặng cho người khác những an ủi, xoa dịu. Nhưng như vậy không có nghĩa là ta tiếp nối được đức Thế Tôn. Những an ủi, những xoa dịu đó các truyền thống tôn giáo ngoài Phật giáo cũng có thể làm được và còn có thể làm hay hơn. Cái đặc sắc nhất của Phật giáo là nguồn tuệ giác dựa trên cái thấy về vô ngã giúp chúng ta thoát khỏi cái nhìn lưỡng nguyên nhị thủ. Đó mới thật là chánh kiến. Nếu đi theo trào lưu thần hóa và ngã hóa thì chúng ta sẽ chỉ hoạt động và tu tập trên cơ bản tà kiến mà thôi.
Thỉnh thoảng trong Phật giáo có xuất hiện một vị thầy như tổ Lâm Tế, tổ hét lên một tiếng để giúp chúng ta trở về. Ngài nói: “Quý vị đi tìm cái gì? Quý vị đi tìm Phật, đi tìm pháp thân, mà Phật và pháp thân là gì? Phật và pháp thân chính là quý vị, là những người đang ngồi nghe pháp trước mặt tôi đây!”. Nhưng tiếng hét đó không phải dành cho đa số vì đa số đang đi tìm cầu một chỗ nương tựa, chỗ ẩn náu. Chỉ có một số ít người có thể nghe, có thể hiểu được tiếng hét đó và có thể tiếp nối tuệ giác của đức Thế Tôn.
Sáng nay chúng ta đã được thực tập theo thiền hướng dẫn. Chúng ta có cơ hội thấy được cơ thể mà ta gọi là hình hài của ta cũng chính là hình hài của cha, của mẹ, của thầy tổ. Ta tiếp xúc được hình hài của tổ tiên, cha mẹ trong ta, ta thấy hình hài này không phải là một cái ta độc lập mà là một sự tiếp nối, một sự tương tục. Sự thực tập này một phần nào giúp chúng ta thoát ra khỏi khuynh hướng ngã hóa và thần hóa. Chúng ta thực tập: Hình hài này của con cũng là hình hài của ba mẹ và cũng là hình hài của Bụt vì ta là đệ tử của Bụt, ta tiếp nhận tuệ giác của Bụt. Tuệ giác của Bụt đi vào trong từng tế bào cơ thể ta. Nếu ta nuôi nấng và phát triển những tế bào đó trong ta thì ta có thể tư duy, nói năng và hành động như Bụt, ta có thể đi lui, đi tới và ngồi xuống như Bụt. Hình hài của ta cũng là hình hài của cha mẹ, của tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Ta có cơ hội tiếp xúc với tính vô ngã của hình hài này. Ta thực tập để thấy tự do, hạnh phúc mà ta tìm có thể được tiếp xúc và kinh nghiệm ngay trong giây phút hiện tại.
Người ta nói nếu tu tập thì một ngày kia ta sẽ được giải thoát, hạnh phúc, thảnh thơi. Ngày kia là ngày nào? Là ba hay năm năm nữa, hay là tuần sau? Vấn đề là sự giải thoát, sự thảnh thơi và hạnh phúc đó phải tìm được ngay trong giây phút hiện tại. Ngồi thiền là để chứng được ngay sự giải thoát trong giây phút hiện tại. Ta phải thấy được sự giải thoát mà ta đi tìm đó có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Nếu an lạc, giải thoát không có ngay trong giây phút hiện tại thì nó không thể nào có được trong tương lai. Vì vậy khi thở vào, thở ra thì ta phải có an lạc, giải thoát. Ta buông bỏ tất cả và lúc đó Bụt, tổ và thầy đều cùng có mặt vì tuệ giác đang có mặt.
Ta có một thao thức, một trông chờ, một kỳ vọng nào đó. Ta có một nỗi buồn, một niềm đau nào đó kéo ta đi. Đôi khi ta không biết ta mong chờ cái gì, nhưng vẫn có một sự mong chờ. Đối tượng của sự mong chờ rất mơ hồ, mong chờ một lá thư, một tin tức, mong chờ một sự kiện nào xảy đến để cuộc đời ta bớt buồn chán, bớt tầm thường. Chính sự trông chờ đó không cho phép ta có an lạc và thảnh thơi. Ta có sự buồn khổ, trách móc nào đó; có người hiểu lầm ta; thầy không hiểu ta; sư anh, sư chị, sư em không hiểu ta. Ta mang một nỗi buồn và nỗi buồn đó ngăn cản, không cho mình có hạnh phúc, an lạc trong giờ phút này. Trong lúc thở ra, thở vào ta phải làm sao chọc thủng được và buông thả được những cảm giác đó. Ta biết nếu ta không có an lạc ngay bây giờ thì ta sẽ không có an lạc bất cứ lúc nào trong tương lai, nếu ta không có tự do bây giờ thì ta sẽ không bao giờ có tự do trong tương lai. Ta phải ngồi thở trong cái thấy đó, trong quyết định đó thì giờ ngồi thiền mới là giờ của hạnh phúc của tự do. Quả đi liền theo nhân như bóng theo hình mà không phải chờ đến tương lai. Chính trong giây phút hiện tại ta phải chọc thủng được (break through), nếu không thì sự thực tập thiền thở, thiền ngồi, thiền đi chỉ là việc làm vô ích. Trước khi ăn cơm chúng ta quán niệm: Chúng ta ăn cơm như thế nào để có thảnh thơi, tự do và hạnh phúc ngay trong khi ăn. Ăn cơm là một sự thực tập rất sâu sắc. Trong khi ăn cơm ta có thể nhai những quá khứ, tương lai, nhai những ước vọng, những chờ đợi, buồn khổ. Ăn cơm như vậy không có thảnh thơi, hạnh phúc. Trong mỗi bữa cơm chúng ta đều được nhắc nhở: Chúng ta ăn như thế nào để có niềm vui, có giải thoát, thảnh thơi. Trong khi ăn cơm, chấp tác, lái xe hay tưới rau cũng vậy, những động tác trong khi làm việc phải đi theo với sự thực tập để có giải thoát và an lạc ngay trong giây phút đó. Nếu không thì ta cũng không khác gì với những người đang bôn ba ngoài đời, đi làm để nuôi vợ con hay phấn đấu để có một mảnh bằng, một địa vị, một chức vụ. Chúng ta tới đây không phải để làm những việc của người ngoài đời. Chúng ta tới đây với mục đích là tìm tự do vì ta biết không có tự do thì không có hạnh phúc. Chúng ta mang đến đây những bức xúc, những cái kẹt với mong muốn được tháo gỡ qua sự thực tập. Vì vậy chúng ta phải sử dụng mỗi giây phút của đời sống tu tập để chọc thủng những bức màn đó và có được tự do trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, trong khi chấp tác, trong khi thở. Đó là điều mà đức Thế Tôn trông cậy ở chúng ta. Khi ta đi xuất gia thì gia đình, dòng họ, đất nước, tăng thân, Bụt, chư tổ, thầy đều trông cậy ta làm được chuyện đó.
Mỗi một ngày đi qua cho ta rất nhiều cơ hội. Ta đi thế nào để mỗi bước chân có an lạc, tự do. Nếu thật sự muốn tự do thì ta sẽ có tự do, nếu thật sự muốn an lạc thì ta sẽ có an lạc. Nếu cái muốn đó thật mạnh thì mỗi bước chân, mỗi hơi thở đều có tự do, an lạc. Ta đang được hiến tặng những điều kiện để thực tập mà ta không biết tận dụng thì rất uổng cho ta. Biết bao nhiêu người rất muốn có được điều kiện để thực tập như ta nhưng họ không có thầy, không có tăng thân, không có ai chỉ đường, không có giáo pháp. Ta có đủ các điều kiện mà không chịu thực tập thì ta thật không xứng đáng với sự trông chờ của cha mẹ, tổ tiên, của Bụt, của thầy và của tăng thân.