Định đề 32
Không có ngã nhưng vẫn có luân hồi, có cái gọi là tương tục, nhưng cái tương tục nào cũng đều có tính cách tương tức.
There is no self but still there is the cycle of birth and death, there is inter-continuation and the nature of all inter-continuation is interbeing.
Cái gì sinh, cái gì diệt?
Chúng ta đã có cơ hội học về sự sinh diệt của các hành và cũng có cơ hội nhìn sâu vào bản chất của cái gọi là vô thường, sinh diệt.
Chư hành vô thường
Thị sinh diệt pháp
Sinh và diệt là hai cửa ngõ phải đi qua. Sinh thì cái gì sinh và diệt thì cái gì diệt? Phải có một cái gì đó để từ đó mới có sinh, rồi đi ngang qua sinh diệt, và chúng ta tưởng tượng ra hai cửa ngõ: một cửa là sinh và một cửa là diệt.
Chúng ta thấy ở đây có sự vô lý của ngôn ngữ. Nếu có một cửa sinh và một cửa diệt thì phải có một cái đi ngang qua cửa sinh để rồi đi ngang qua cửa diệt. Như vậy, trước khi sinh nó đã có đó và sau khi diệt rồi thì nó vẫn còn đó. Khi nghe hai câu kệ trên Tuệ Trung Thượng Sĩ hỏi: “Cái gì sinh, cái gì diệt?”. Thùy sinh diệt? chỉ có ba chữ thôi nhưng câu hỏi này đặt lại tất cả vấn đề: Anh nói sinh diệt, nhưng cái gì sinh, cái gì diệt? Phải có cái để sinh, để diệt! Có một cái đi ngang qua sinh, có nghĩa là trước khi sinh nó đã có, mà đã có thì cần gì phải sinh. Có một cái đi ngang qua diệt, có nghĩa là khi diệt rồi nó vẫn còn có đó, mà nếu còn có đó thì không thể cho là diệt. Câu hỏi “Cái gì sinh? Cái gì diệt?” vô lý hóa tất cả ý niệm và ngôn từ mà chúng ta đã sử dụng.
Chư hành vô thường
Thị sinh diệt pháp
Sinh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc
Nhà triết học Wittgenstein có nói: Chúng ta không nên nói những gì mà chúng ta không biết. Chúng ta thường không có khái niệm rõ ràng, hoặc không hiểu vô thường và sinh diệt mà cứ nói về vô thường và sinh diệt. Hai câu đầu của bài kệ nói về phương diện tích môn hay phương diện hiện tượng và hai câu sau đưa chúng ta vào phương diện bản môn hay phương diện bản thể. Khi đi vào bản môn thì những ý niệm như sinh diệt tan biến và sinh diệt tan biến rồi thì không cần có “một cái” để đi ngang qua sinh diệt.
Khi giảng về giáo lý về vô thường, sinh diệt, luân hồi, chúng ta phải giả định ra một cái ngã để có được một cái gọi là vô thường và đi qua sinh diệt. Tâm tư của người bình thường ngoài đời khó đạt được cái thấy: Tuy không có ngã nhưng vẫn có thể có sinh diệt.
Không có ngã nhưng vẫn có luân hồi
Nếu không có ngã thì cái gì đi luân hồi? Không có ngã nhưng vẫn có luân hồi. Khi quán sát chúng ta thấy điều này đúng, ví dụ như đám mây không có ngã nhưng đám mây vẫn đi luân hồi. Đám mây thành mưa, thành tuyết, thành dòng sông, thành sương mù và thành đám mây trở lại. Triết gia Descartes nói: “Je pense donc je suis!” (Tôi tư duy nên tôi tồn tại), giống như tư duy là một động từ và phải có cái tôi mới có thể tư duy. Sự thật chúng ta không cần tôi mới có thể tư duy. Chúng ta thấy có một tư duy (thought, pensée), trong đạo Phật gọi là tầm, từ. Tầm là mới bắt đầu tư duy, chưa sâu, cũng như con bướm chỉ mới đậu xuống cành hoa và từ là tư duy sâu hơn, như con bướm đi thám hiểm bông hoa.
Từ những hạt giống nào đó dưới tàng thức biểu hiện ra một tâm sở gọi là tư duy (tầm). Nếu cố tìm chúng ta thấy trong tư duy đó có chủ thể và đối tượng, vì tư duy bao giờ cũng là tư duy về cái gì. Chủ thể và đối tượng tư duy cùng biểu hiện một lần, nó nương nhau mà biểu hiện, không phải một cái có trước rồi cái kia có sau. Chúng ta vẽ một tam giác ABC và kéo xuống một đường thẳng AH thì tự nhiên sinh ra hai tam giác nhỏ ABH và ACH. Hai tam giác nhỏ cùng phát sinh ra một lần, không có tam giác nhỏ này thì không có tam giác nhỏ kia. Chủ thể và đối tượng của tâm sở tầm cũng vậy, khi biểu hiện thì chủ thể và đối tượng cùng biểu hiện ra một lần. Khi Descartes tuyên bố câu “tôi tư duy nên tôi tồn tại” thì ông thấy chủ thể có trước rồi đi tìm đối tượng, tức cái ngã có trước rồi đi tìm cái pháp. Đó gọi là nhị thủ (double grasping). Phần lớn chúng ta vì không tu học, không quán chiếu nên trở thành nạn nhân của nhị thủ. Chúng ta tưởng tượng có một cái ngã thường tại và cái ngã đó nhận diện, giác tri các pháp.
Có tư duy mà không cần phải có ngã. Tư duy là một tâm hành, trong tàng thức của chúng ta có những hạt giống, khi những hạt giống đó bị kích thích, tưới tẩm thì tư duy (tâm hành) biểu hiện ra. Cái mà chúng ta thấy là một tư duy mà không cần phải có một người tư duy vì tư duy đó bao gồm cả chủ thể, và đối tượng tư duy; chủ thể và đối tượng tư duy cùng biểu hiện ra đồng thời.
Cái thấy này rất khó hiểu đối với đại chúng bình dân, họ không nắm được giáo lý sinh về Tịnh độ hay giáo lý quả báo luân hồi. Họ chỉ hiểu được giáo lý này qua nhận thức về ngã: Có ngã thì mới có luân hồi quả báo, mới có Tịnh độ. Chúng ta có một đạo Bụt bình dân của đại đa số những người có nhu yếu tín ngưỡng, và chúng ta có một đạo Bụt thâm sâu gọi là le Bouddhisme profond. Hai loại đạo Bụt này có liên hệ với nhau nhưng cũng có chỗ khác nhau. Đa số chỉ có thể theo được đạo Bụt của đại chúng, mà không theo được đạo Bụt thâm sâu. Đạo Bụt thâm sâu dựa trên cái thấy vô ngã và vô pháp, dựa trên chánh kiến vượt thoát nhị thủ. Tư duy không dựa trên chánh kiến là tà tư duy mà không phải là chánh tư duy. Ngôn ngữ không dựa trên chánh kiến là tà ngữ mà không phải là chánh ngữ. Hành động không dựa trên chánh kiến là tà nghiệp mà không phải là chánh nghiệp.
Câu “không có ngã nhưng vẫn có luân hồi” cũng quan trọng như câu “không có tôi nhưng vẫn có tư duy”. Câu tuyên bố của triết gia Descartes giống như một công thức toán học, buộc người ta phải theo logic: Tôi đang tư duy, tại vì tôi đang tư duy nên thế nào cũng phải có người tư duy. Tôi tư duy nghĩa là có tôi đây! Tất cả giáo lý đạo Phật đều để công kích cái gọi là “je suis”, “I am”. Đó là chấp ngã, mà hễ có chấp ngã thì luôn luôn có chấp pháp đi theo. Tất cả những hệ thống tư tuởng và phương pháp hành trì của đạo Bụt đều nhắm vào việc xô ngã ý niệm về sự có mặt của một cái ngã.
Để trả lời Descartes, chúng ta nói: Thưa giáo sư, tôi chỉ thấy có cái tư duy mà không thấy có ngã. Không có cái tôi mà vẫn có thể có tư duy, cũng như đám mây không cần phải có một cái tên mà nó vẫn có thể đi luân hồi.
Luân hồi là sự tiếp nối liên tục
Chúng ta nghĩ là phải có một người nào đó thì mới có tái sinh và luân hồi. Nhưng luân hồi ở đây có nghĩa là một sự nối tiếp, một sự liên tục, như đám mây được nối tiếp bởi cơn mưa. Không cần có một cái ngã thường tại bất biến mà vẫn có sự nối tiếp. Cơn mưa sẽ trở thành bát canh, bát canh sẽ trở thành một tư tưởng hay một bài pháp thoại. Có một sự đi vòng, một sự liên tục gọi là tái sinh (rebirth) hay luân hồi (samsara). Sự tiếp nối là có thật. Có cái gọi là tương tục (continuum), một dòng tương tục trong đó sát na thực tại này được nối tiếp bằng sát na thực tại khác. Có những sát na gọi là point instant. Lúc năm tuổi chúng ta có point instant của năm tuổi và khi đến 30 tuổi chúng ta có một point instant khác. Nếu so sánh sát na thực tại này với sát na thực tại kia thì chúng ta thấy nó rất khác nhau. Năm uẩn của ta lúc năm tuổi khác rất nhiều với năm uẩn của ta lúc 30 tuổi. Giữa hai point instant đó có hàng ngàn muôn ức những point instant khác nối tiếp nhau. Chúng ta thấy có sự liên tục mà không cần phải có cái ngã. Không có gì bất biến trong năm uẩn từ hình hài qua cảm thọ, tới tri giác, tâm hành và nhận thức. Tất cả đều chuyển biến, một sát na thực tại này được nối theo một sát na thực tại khác theo nguyên tắc nhân quả: Cái sau thừa hưởng cái trước, cái trước đưa tới cái sau.
Tương tục trên căn bản tương tức
Có một sự tương tục gọi là samtati, nhưng cái tương tục đó cũng đồng thời là một tương tức. Khi nói đến tương tục, các Tổ có nói đến tự tương tục (this continuum) và tha tương tục (the other continuum). Ví dụ thầy Pháp Hữu là một dòng tương tục và thầy Pháp Niệm là một dòng tương tục khác, nhưng có sự liên hệ giữa hai dòng tương tục đó. Thầy Pháp Hữu và thầy Pháp Niệm đồng thời tương tức.
Trong ta có đất, nước, lửa, gió. Đất, nước, lửa, gió trong ta có liên hệ với đất, nước, lửa, gió ngoài ta. Tương tục không thể nào có mặt nếu không có tương tức. Những tương tục luôn luôn thu vào những nhập kiện (inputs) và đưa ra những xuất kiện (outputs). Trong mỗi giây của những tương tục đều có những nhập kiện và xuất kiện.
Khi thở ra chúng ta hiến tặng CO2 của ta, khi thở vào ta tiếp nhận O2 của cây cỏ. Ta với cây cỏ tương tức. Dù có sự tương tục nhưng sự tương tục xảy ra trên căn bản tương tức, vì vậy cái tương tục đó không phải là một cái ngã tách rời ra khỏi những tương tục khác. Cái tương tục là cái có thật, nhưng chúng ta không thật sự tiếp xúc được với cái tương tục đó nếu chúng ta không thấy được tính tương tức của nó. Bất cứ một tương tục nào cũng đồng thời là tương tức, nếu đánh mất đi cái thấy về tương tức thì cái thấy về tương tục là một cái thấy sai lầm, cái tương tục sẽ trở thành một cái ngã. Cái tương tục đó không phải là một cái ngã vì đồng thời nó cũng là tương tức.