Định đề 30
Pháp không phải là một sự vật, một cái, một thực thể mà là một quá trình, một sự kiện đang xảy ra, và trước hết là một đối tượng của tâm thức.
A dharma is not a thing, an entity but a process, an event and first of all an object of mind.
Mười tám lĩnh vực của hiện hữu
Chữ pháp trong định đề 30 không có nghĩa là giáo pháp của đức Thế Tôn. Pháp là một trong sáu đối tượng của sự nhận thức: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc là đối tượng của mắt, thanh là đối tượng của tai, hương là đối tượng của mũi, vị là đối tượng của lưỡi, xúc là đối tượng của thân và pháp là đối tượng của ý. Pháp trước hết là một đối tượng của tâm thức, tức ý (manas). Ý là thức thứ bảy, tức mạt na thức. Mạt na và pháp tiếp xúc với nhau sinh ra ý thức, cũng như mắt và sắc tiếp xúc nhau sinh ra nhãn thức.
Trong pháp số có 18 giới, tức 18 lĩnh vực của sự hiện hữu. Đó là sáu căn, sáu trần và sáu thức. Sáu căn là sáu cơ quan cảm giác: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu trần là sáu đối tượng của sáu căn: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn và sáu trần tiếp xúc với nhau sinh ra sáu thức. Tất cả cộng lại thành 18 giới, gọi là Thập bát giới. Đó là 18 lĩnh vực của hiện hữu (realm of existence) và không có gì đi ra khỏi 18 lĩnh vực đó.
Pháp là một trong sáu trần, là đối tượng của tâm thức (ý). Thông thường chúng ta thấy các pháp (như mặt trời, cây sồi, đám mây) độc lập, có mặt riêng rẽ và ý thức của ta cũng độc lập, có mặt riêng rẽ. Chúng ta có khuynh hướng cho rằng các pháp tồn tại độc lập ngoài ý thức của ta. Nhưng theo đạo Bụt, pháp trước hết là đối tượng của tâm thức. Khi ta quán sát các căn như mắt, tai, mũi thì căn cũng là pháp, vì nó cũng là đối tượng của tâm thức. Năm căn hay năm trần đều là đối tượng của thức.
Pháp là đối tượng của tâm thức
Kinh Tứ Niệm Xứ có nói đến bốn lĩnh vực của sự quán niệm: lĩnh vực đầu là thân, lĩnh vực thứ hai là thọ, lĩnh vực thứ ba là tâm và lĩnh vực thứ tư là pháp. Chánh niệm về bốn đối tượng: thân, thọ, tâm, pháp. Chữ pháp được dịch là object of mind, tức đối tượng của tâm thức. Tất cả những cái gọi là pháp đều là đối tượng của tâm thức. Trong đời sống hằng ngày chúng ta thường cho pháp là cái gì biệt lập ngoài tâm thức, nhưng thực ra pháp không phải là một cái gì biệt lập ngoài tâm thức.
Trong bài tụng thứ 17 của “Ba mươi bài tụng Duy biểu” có nói: Thức của chúng ta biểu hiện ra làm hai phần: phân biệt và bị phân biệt.
Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt sở phân biệt
Do thử bỉ giai vô
Cố nhất thiết duy thức
Các thức (A lại da, mạt na và ý thức) chuyển biến ra thành phân biệt và sở phân biệt. Vì phân biệt và sở phân biệt đều không có thật (do thử bỉ giai vô) nên tất cả đều là biểu hiện của thức (cố nhất thiết duy biểu). Người chưa tu, chưa quán chiếu thường hay bị kẹt vào cái chấp nhị thủ (double grasping), tức cái chấp “phân biệt và bị phân biệt”. Chúng ta thường bị kẹt vào ý niệm: Cái phân biệt tồn tại độc lập ngoài đối tượng phân biệt. Chúng ta bị vướng một lần vào hai cái kẹt. Chúng ta nghĩ rằng những pháp ta thấy, tự nó có mặt độc lập ngoài nhận thức của ta.
Trong khi đó thì ngay cả giáo lý 18 giới cũng nói pháp là đối tượng của ý thức mà không phải là một hiện tượng độc lập ngoài tâm thức. Khi ta kẹt vào chủ thể phân biệt thì chủ thể đó sẽ trở thành cái ngã tồn tại độc lập. Khi thấy có một cái ta tồn tại độc lập thì ta cũng kẹt luôn vào sự vật mà cái ta đó phân biệt, nắm bắt và sự vật đó cũng trở thành một sự vật (pháp) tồn tại độc lập. Ta bị kẹt đồng thời vào hai cái: ngã và pháp. Kẹt vào ngã là kẹt vào pháp, kẹt vào pháp là kẹt vào ngã. Đó gọi là nhị thủ.
Ngã và pháp không phải là hai thực thể riêng biệt
Để quý vị dễ hiểu hơn, tôi xin trích bài tụng đầu của “Ba mươi bài tụng Duy biểu”:
Do giả thuyết ngã pháp
Hữu chủng chủng tướng chuyển
Bỉ y thức sở biến
Thử năng biến duy tâm
Do những giả thuyết về ngã và pháp nên có nhiều tướng trạng biểu hiện ra. Bản dịch của thầy Huyền Trang không sát lắm với nguyên văn tiếng Phạn do thầy đã dùng thể gọi là causality (nhân quả): Vì lý do có những giả thuyết về ngã và pháp cho nên có những tướng trạng về ngã và pháp khác nhau hiện ra. Trong nguyên văn tiếng Phạn là: Những giả thuyết về ngã pháp được biểu hiện ra thành nhiều tướng trạng vì ngã và pháp không phải là những thực tại mà chỉ là những khái niệm, những tạo tác của tâm ý (mental constructions), những cái gọi là giả danh.
Chủ thể nhận thức biểu hiện ra dưới tướng trạng tôi, anh, chúng ta, chúng nó, cha, con, bà, cháu, người Pháp, người Úc, v.v… Đó là những tướng trạng biểu hiện ra từ ngã. Tôi không phải là anh, chúng tôi không phải là chúng nó, cha không phải là con, bà không phải là cháu. Tất cả những tướng trạng đó như một lưỡi gươm chặt thực tại ra từng mảnh nhỏ. Đó là tâm phân biệt (discriminative mind), là sự biểu hiện của ngã ra thành nhiều tướng trạng khác nhau.
Ý niệm về pháp cũng biểu hiện ra thành nhiều tướng trạng như đám mây, cơn mưa, nước đá, sương v.v… Chúng ta chặt các pháp ra thành từng cái tách rời nhau: Mây không phải là mưa, mưa không phải là nước đá, nước đá không phải là sương, mà ta không thấy được tính tương tức của tất cả: Mây cũng là mưa, mưa cũng là nước đá, nước đá cũng là sương.
Tôi có một bài thơ, trong đó có câu:
Ôi những mảnh rời nhau, khổ đau
tách ra ngoài đại thể.
(Tôi sẽ xin rằng: “Tất cả” – thơ Nhất Hạnh)
Ý niệm về ngã, tức chủ thể phân biệt, biểu hiện ra thành những pháp khác nhau như tôi, anh, cha, con, bà, cháu, người Pháp, người Úc, v.v… Những ý niệm về sở phân biệt (đối tượng nhận thức) được biểu hiện ra như mây, mưa, nước đá, sương, v.v… Vì chúng ta có ý niệm “ngã là chủ thể và pháp là đối tượng” nên sinh ra chuyện phân biệt giữa người này người kia, đứng về phương diện chủ thể và giữa cái này cái kia, đứng về phương diện đối tượng. Theo cách dịch mới là: Những ý niệm về ngã và pháp được biểu hiện ra thành nhiều chủng loại khác nhau là do tâm thức và có ba loại thức biểu hiện.
Ngã và pháp là những giả danh
Bài tụng thứ nhất và bài tụng thứ 17 của “Ba mươi bài tụng Duy biểu” có cùng một ý. Chúng ta bị kẹt vào ý niệm nhị thủ, cho rằng chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức là hai cái tồn tại riêng biệt, nghĩa là có cái ngã nhận thức và có cái thế giới bị nhận thức.
Câu do thử bỉ giai vô nói rất rõ: do hai cái đó không thật có. Hai cái đó là gì? Hai cái đó là ngã và pháp. Ngã và pháp là những giả thuyết, những giả danh. Trong bài tụng thứ nhất, thầy Thế Thân dùng chữ upacāra, nhưng có khi trong kinh luận dùng chữ prajñapti. Prajñapti là giả danh, chúng ta dịch là conventional designation. Chúng ta đồng ý với nhau gọi một hiện tượng bằng cái tên đó, cũng như các nhà làm rượu đồng ý với nhau gọi loại rượu đó là Beaujolais, cũng như cả nhà đồng ý với nhau gọi tên nó là thằng cu Tý. Tên đó là giả danh. Thật ra thằng cu Tý với ba nó không phải là hai thực thể riêng biệt, thằng cu Tý với mẹ nó cũng không phải là hai thực thể riêng biệt. Nhưng để tiện sử dụng chúng ta đã đặt cho nó một cái tên và làm cho nó một thẻ căn cước riêng. Nó giống như một thực thể biệt lập nhưng thật ra không có gì có thể chia chẻ được. Con là sự tiếp nối của cha, cha là sự tiếp nối của con, trong cha có con, trong con có cha.
Có khi người ta cũng dùng chữ saṃketa. Upacāra, prajñapti hay saṃketa đều có nghĩa là giả danh. Để tiện dụng trong đời sống nên chúng ta dùng những giả danh, nhưng nếu khéo léo thì ta không để giả danh trói buộc ta. Ta gọi người kia là cha nhưng ta biết ta là sự tiếp nối của cha ta. Thấy được như vậy thì những tên gọi, những giả danh không còn trói buộc được ta.
Bài tụng thứ nhất và bài tụng thứ 17 của “Duy thức tam thập tụng” cùng nói đến một ý nhưng nói bằng những cách khác nhau: Những giả thuyết về ngã và pháp được biểu hiện ra dưới nhiều hình tướng khác nhau và tất cả những biểu hiện đó đều do tâm thức biến hiện. Khi biểu hiện thì nó luôn luôn biểu hiện thành chủ thể và đối tượng. Chủ thể và đối tượng không thể tồn tại độc lập, cũng như một đồng bạc luôn luôn có mặt trái và mặt phải.
Ngã và pháp là sự biểu hiện đồng thời của tâm thức
Pháp không phải là một thực thể mà là một quá trình, một sự kiện đang xảy ra. Pháp không phải là một sự vật cố định và bất hoại. Nghiên cứu về tâm thức ta thấy tâm thức là một dòng hiện tượng chuyển biến một cách mau lẹ vô cùng. Đứng về phương diện chủ thể nhận thức, chúng ta thấy rất rõ sự chuyển biến của tâm thức trong từng sát na, ta không nắm bắt được tâm thức. Ở Tây phương từ thế kỷ 19 có người đã nói: Tâm thức có tính cách điện ảnh (nature cinématographique). Nó là những hình ảnh được chiếu liên tục lên màn ảnh, luôn luôn chuyển biến và ta không nắm bắt được.
Khi đi qua lĩnh vực của đối tượng nhận thức như sông, núi, cây cỏ, đám mây, mặt trời, v.v… ta có cảm tưởng là chúng trường cửu hơn, vững bền hơn và còn đó muôn đời. Nhưng sự thật không phải như vậy, ngay trong kinh Kim Cương Bụt có dạy chúng ta nhìn các pháp là vô thường vì nó chuyển biến rất nhanh.
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán
Ưng tác như thị quán có nghĩa là phải tập nhìn những hiện tượng chung quanh ta như là một giấc mộng. Giấc mộng thì không có thật, không thể nắm bắt được. Như mộng, huyễn, bào, ảnh: Huyễn là sự sáng tạo của nhà ảo thuật, nó không có thật. Bào là những giọt nước, ảnh là hình bóng.
Như lộ diệc như điện: Như lộ là như sương, rất mong manh, như điện là như tia chớp.
Bụt dùng những hình ảnh để giúp chúng ta dễ dàng quán chiếu và nhìn sự vật vô thường như: mộng, huyễn, bào, ảnh, lộ, điện. Thi sĩ Pháp Victor Hugo, sau khi con gái ông bị chết đuối, cũng đã thấy được rằng tất cả đều vô thường. Ông nói: Tất cả những gì con người thấy đều ngắn ngủi, vô ích, phù du, không đáng để theo đuổi, nắm bắt. (Tout ce que l’homme voit est court, inutile et fuyant.) Là người có tu tập, có quán chiếu, ta phải thấy được như vậy và còn phải thấy sâu hơn.
Hiện nay các nhà khoa học vật lý lượng tử cũng thấy được như vậy. Ta thấy cái bàn giống như một hình thể rắn chắc, cố định bất động, nhưng dưới mắt của các nhà khoa học vật lý thì không có gì là rắn chắc trong cái bàn, phần lớn cái bàn được làm bằng không gian. Nếu có phương pháp đem các nguyên tử của cái bàn xếp lại gần nhau thì cái bàn sẽ chỉ còn bằng một hạt mè. Mỗi nguyên tử có một hạt nhân và có những điện tử xoay chung quanh hạt nhân với một tốc độ rất nhanh, gần 300.000 km/giây. Đó là cái thấy của các nhà khoa học.
Ngày xưa Bụt nói các pháp như “mộng, huyễn, bào, ảnh, lộ, điện”. Chúng như một giấc mơ, một sáng tạo phẩm của nhà huyễn thuật, như bọt nước, như hình bóng, như hạt sương, như tia chớp. Vì vậy chúng ta đừng coi pháp như những sự vật chắc thật. Nó không phải là một cái, một thực thể mà là một quá trình (process), một sự kiện đang xảy ra (event). Chúng ta nương theo lời dạy của Bụt để quán chiếu thì thấy tất cả những gì nằm trong phạm vi đối tượng nhận thức của ta đều có tính cách “như mộng, huyễn, bào, ảnh, lộ, điện”, và trước hết nó không tồn tại độc lập, nó là đối tượng của tâm thức. Tâm thức ta đi nhanh như một tia chớp và đối tượng của tâm thức ta cũng đi nhanh như một tia chớp. Cả hai đều là sự biểu hiện đồng thời của tâm thức. Sự biểu hiện của tâm thức là một sự biểu hiện đôi, sự biểu hiện đồng thời của chủ thể và đối tượng và ta kẹt vào chủ thể và đối tượng đó mà cho là ngã và pháp. Vì vậy ngã và pháp là những giả danh, những phương tiện, những tên gọi ta đồng ý với nhau để dùng cho tiện lợi. Đây là một giáo lý rất sâu sắc của đạo Bụt.
Không có ngã không có nghĩa là không có nhận thức và đối tượng nhận thức. Không có ngã là không có một chủ thể nhận thức riêng biệt và bền vững. Không có pháp không có nghĩa là không có đối tượng nhận thức, không có pháp chỉ có nghĩa là không có những sự vật chắc thật, cố định và tồn tại ngoài chủ thể nhận thức.
Pháp không phải là một sự vật, một cái, một thực thể mà là một quá trình, một sự kiện đang xảy ra: câu này nói về tính vô thường, không chắc thật của vạn pháp. Và là một đối tượng của tâm thức: câu này nói về tính không độc lập của vạn pháp.
Sau này nếu cần giảng giải hoặc quán chiếu, quý vị có thể sử dụng bài tụng thứ nhất và thứ 17 trong “Ba mươi bài tụng Duy biểu”. Hai bài tụng này cho chúng ta đủ các chi tiết để giúp cho người ta thấy được ngã và pháp là hai ý niệm, hai sự biểu hiện đồng thời của tâm thức. Tâm thức không phải là cái độc lập ngoài đối tượng tâm thức.