Định đề 3
Niết bàn là sự vắng mặt của vô minh và phiền não mà không phải là sự vắng mặt của uẩn, xứ và giới.
Nirvāṇa is the absence of ignorance (avidyā) and the afflictions (kleśāḥ), but not the absence of the aggregates (skandhāḥ), sense spheres (āyatanāni) and domains of existence (dhātuḥ)
Uẩn là skandha, xứ là āyatana, giới là dhātu. Kinh điển Nam tông cũng như Bắc tông đều đồng ý với nhau rằng: Niết bàn là sự vắng mặt của vô minh và phiền não.
Vô minh là những hiểu lầm về thực tại (ví dụ như vạn vật vô thường mà mình cho là thường, vạn vật vô ngã mà mình cho là ngã) cùng những tri giác sai lầm của mình về chính mình, về người khác và về thế giới.
Phiền não là những khổ đau phát sinh ra từ vô minh. Vô minh là nền tảng phát sinh ra phiền não. Quét sạch đi vô minh thì tự nhiên phiền não chấm dứt. Đó là định nghĩa của Niết bàn. Các tông phái đều đồng ý với nhau về sự kiện: Niết bàn là sự vắng mặt của vô minh và phiền não. Nhưng vì Niết bàn được dịch là tịch diệt nên có người nghĩ rằng Niết bàn có nghĩa là không có gì nữa cả, ở đấy không có uẩn, không có xứ và cũng không có giới.
Uẩn là năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Đức Thế Tôn có năm uẩn nhưng Ngài vẫn an trú trong Niết bàn. Như vậy thì ngày đức Thế Tôn nhập Niết bàn có nghĩa như thế nào? Năm uẩn của Ngài không biểu hiện nữa, vậy trước khi nhập Niết bàn thì Ngài ở ngoài Niết bàn hay sao? Vì vậy Niết bàn không phải là sự vắng mặt của năm uẩn, của mười hai xứ, của ba giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới). Xứ (thập nhị xứ) là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Định đề thứ ba dẫn đến định đề thứ tư.
Thành Duy Thức Luận của thầy Huyền Trang có nói tới bốn thứ Niết bàn: 1 – Niết bàn tự tính thanh tịnh, 2 – Niết bàn hữu dư y, 3 – Niết bàn vô dư y, 4 – Niết bàn không trú xứ.
Niết bàn tự tính thanh tịnh, như ta đã biết, là chân như của vạn pháp, là tính bất sinh bất diệt, phi hữu phi vô của vạn pháp. Niết bàn này trong kinh Như thị ngữ (Itivuttaka), kinh Vô vấn tự thuyết (Udāna) và kinh Pháp cú Hán tạng gọi là cái không sinh, không hữu, không tác, không hành. Nói cho đủ là cái tự tính không sinh diệt, không có không, không tác giả thọ giả, không năng hành sở hành. Chữ hành (saṃskārāḥ) có nghĩa là những pháp hữu vi nương vào nhau mà biểu hiện. Tất cả những cái này kết hợp lại để làm cho cái kia biểu hiện gọi là năng hành. Cái kia được biểu hiện nhờ sự kết hợp của những cái này thì được gọi là sở hành. Năng hành là samskàra, sở hành là samskrta. Đó là một cặp đối nghịch như các cặp đối nghịch sinh diệt, có không, tác giả thọ giả. Niết bàn tự tánh thanh tịnh vượt thoát cả bốn cặp đối nghịch ấy.
Niết bàn Hữu dư y là kinh nghiệm của Niết bàn của những người còn sống, còn duy trì năm uẩn của mình, chưa phải là cứu cánh, chưa phải là tuyệt đối, vì nghĩ rằng còn uẩn là còn khổ.
Niết bàn Vô dư y là Niết bàn cứu cánh, vì không còn hình hài.
Hai quan niệm Niết bàn Hữu dư y và Niết bàn Vô dư y đã là nguyên do đưa đến nhiều thắc mắc. Ví dụ người ta hỏi: Đức Thế Tôn trong khi còn tại thế thì kinh nghiệm thứ Niết bàn nào? Hữu dư y hay Vô dư y? Không có lý đã thành Phật rồi mà chỉ kinh nghiệm được Niết bàn Hữu dư y thôi sao? Có người nói Bụt tuy còn giữ năm uẩn, nhưng vì năm uẩn của Ngài là năm uẩn vô lậu, cho nên Niết bàn của Ngài không phải như Niết bàn của giới Thanh văn là Hữu dư y. Nhưng thế nào là năm uẩn vô lậu? Năm uẩn của Bụt nếu khác với năm uẩn của chúng sinh thì làm thế nào chúng sinh thành Bụt được? Vì vậy cho nên mới phát sinh ra Niết bàn không phải ở bên kia (vô dư y) mà cũng không phải ở bên này (hữu dư y).
Hay nhất là nên chỉ có một Niết bàn: Đó là Niết bàn tự tánh thanh tịnh, Niết bàn này có thể được chứng nghiệm khi mình còn năm uẩn. Điều này được xác nhận trong nhiều kinh Nguyên thỉ: Diệt hết phiền não thì chứng Niết bàn tuyệt đối, khi năm uẩn không còn là năm thủ uẩn nữa. Qua năm uẩn, ta có thể thấy Niết bàn. Nhờ năm uẩn mà ta chứng được Niết bàn.