Định đề 29
Sinh diệt chỉ là biểu và vô biểu. Biểu là biểu hiện, năng sở đồng thời. Trong khi có biểu này thì có vô biểu kia. Trong khi cái này biểu thì cái kia vô biểu.
Birth and death are only manifestation or non-manifestation. Both manifestor and manifested occur at the same time, the manifestation of A is the non-manifestation of B .
Sinh diệt chỉ là biểu và vô biểu
Biểu là biểu hiện ra để ta có thể nhận thức được, tiếng Anh là manifestation. Chữ biểu được dịch từ tiếng Phạn – vijñapti. Bất cứ danh từ tiếng Phạn nào có tiền từ vi đều có nghĩa là phân biệt, nhận thức, tri giác. Chữ biểu có thể được hiểu như là sinh ra, thật ra chữ biểu hay hơn chữ sinh. Sinh là trước đó không có mà bây giờ trở thành có, nên ý niệm có và không làm cho chúng ta bị kẹt. Biểu chỉ là biểu hiện ra chứ không phải từ không mà trở thành có, nó thoát khỏi cái có và cái không. Làng Mai chúng ta có câu: Em không phải tạo sinh mà chỉ là biểu hiện. Nhìn một bông hoa nở trong cỏ chúng ta mỉm cười nói: Ta biết em không phải tạo sinh mà chỉ là biểu hiện (I know you are not a creation, you are a manifestation.)
Biểu có đối tượng và chủ thể, có năng và sở. Cái đẹp của bốn mùa vô cùng mầu nhiệm: mùa đông có tuyết, mùa thu có lá vàng, mùa xuân có hoa nở và mùa hè xanh mướt. Chúng ta cũng học nhìn bốn mùa của đất trời bằng cái nhìn vô biểu. Khi nhìn thấy tuyết trắng, mây bạc, trăng trong, khi nghe thông reo, khi ngắm hoa nở, ta biết mỗi sự biểu hiện đều có hai mặt, chủ thể và đối tượng, và hai mặt đó đều đang biểu hiện cùng một lúc, gọi là năng sở đồng thời. Đó là ý nghĩa của vijnapti mà quý vị đã nghe giảng nhiều lần: Nhận thức bao giờ cũng là nhận thức một cái gì, ý thức bao giờ cũng là ý thức một cái gì và không bao giờ có đối tượng mà không có chủ thể, không thể nào có chủ thể mà không có đối tượng. Đây là Duy biểu học. Chấp vào một cái gọi là chủ thể và một cái khác gọi là đối tượng là nhị thủ, tức là hai cái kẹt (double grasping).
Biểu là biểu hiện, năng sở đồng thời
Nhìn tấm hình của một vị hòa thượng đang nằm trong kim quan và bên ngoài thì là cảnh trời xanh, mây trắng và những cây tùng mà nói “đối tượng còn đó mà chủ thể đi đâu rồi?” là một sự sai lầm. Ta sai lầm tại vì ta coi hòa thượng như một chủ thể nằm ngoài đối tượng. Vì vậy nhìn trời xanh, mây trắng mình thấy đó cũng là chủ thể, cái xác kia cũng cùng bản chất với trời xanh, mây trắng. Trong chủ thể có đối tượng, trong đối tượng có chủ thể, không có gì đã qua, không có gì mất đi và phải quán chiếu kỹ thì mới thấy được.
Vào đời Lý có một quan thượng thư tên Đoàn Văn Khâm thường tới chùa tu học với một vị thiền sư tên Quảng Trí. Khi thiền sư viên tịch, một số đệ tử than khóc nói thầy mình không còn nữa. Ông quan thượng thư là một người có tài văn học và cũng có tuệ giác của sự tu học, đã làm một bài thơ cho thiền sư mà hai câu cuối là:
Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt
Viện tiền sơn thủy thị chân hình.
Hồi còn là một vị tỳ kheo tôi đã được đọc bài thơ này. Đạo lữ là các bạn tu, các thầy, các sư cô, các Phật tử. Bất tu là không nên. Này các thầy, các sư cô, các Phật tử, ta đừng nên than khóc chuyện biệt ly, vì nhìn ra phía trước thiền viện (viện tiền) ta thấy nước và núi (sơn thủy) và đó là hình hài đích thực của thầy ta (thị chân hình). Thầy ta còn đó, cứ nhìn cảnh vật đẹp thì thấy thầy ta ở đó. Đó là một cái nhìn rất thoáng, rất sâu. Nhìn với chánh niệm, thấy được cái đẹp của trăng trong, mây bạc thì đó là thầy ta cũng đang nhìn. Hễ có đối tượng là có chủ thể và hễ có chủ thể là có đối tượng. Biểu là sự biểu hiện đồng thời của chủ thể và đối tượng (double manifestation of the subject and the object at the same time). Ta khóc thương, sầu khổ là do ta không nắm được sự mầu nhiệm của Duy biểu:
Không có gì mất đi, chỉ có sự biểu hiện và sự dừng lại của biểu hiện để tiếp tục biểu hiện dưới hình thái khác.
Trong khi có biểu này thì có vô biểu kia
Những cái ta không thấy ta cho là không có, nhưng thật ra không phải không có. Ví dụ nhìn bàn tay của tôi, quý vị không thấy khả năng viết thư pháp của bàn tay này. Chỉ khi nào bàn tay cầm bút, nhúng bút vào mực và viết thì quý vị mới thấy khả năng viết bút pháp của nó. Có những cái ta không thấy được như bàn tay này có thể thỉnh chuông, thỉnh mõ, có thể làm thơ. Ta không thấy được vì những cái ấy chưa biểu hiện (vô biểu) chứ không phải là không có. Thấy biểu thì ta cho là có và không thấy biểu thì ta cho là không có, đó là một sự sai lầm.
Trên đại dương miền Bắc cực có những tảng băng sơn rất lớn, có khi lớn bằng một trái núi (iceberg), nhưng bị mặt nước che lấp gần hết và chỉ để lộ ra những cái chóp rất nhỏ. Ngồi trên máy bay nhìn xuống chúng ta chỉ thấy được những cái chóp nhỏ nhưng thật ra phía dưới là những tảng băng sơn. Những gì ta không thấy mà ta cho rằng không có là không đúng. Sinh diệt chỉ là biểu và vô biểu, biểu và vô biểu đi đôi với nhau một lần, trong khi cái này biểu thì cái kia vô biểu. Vô biểu không có nghĩa là không có, mà chỉ chưa biểu hiện mà thôi. Nếu quán chiếu chúng ta sẽ thấy rất rõ là không có sinh và không có diệt mà chỉ có biểu và vô biểu. Khi thấy được vô biểu thì sự chấm dứt của biểu không động được tới ta.
Trong khi làm học trò thì tính học trò của ta biểu hiện ra (biểu) và tính thầy không biểu hiện (vô biểu). Ví dụ sư cô Tuệ Nghiêm đang ngồi đóng vai học trò nghe thầy giảng, con người học trò của sư cô đang biểu hiện ra. Nhưng khi sư cô qua Mỹ hay về Việt Nam giảng dạy thì con người học trò trở thành vô biểu và con người giáo thọ trở thành biểu. Vì vậy khi cái này biểu thì cái kia vô biểu, chúng ta phải học nhìn như vậy.
Hiện bây giờ chúng ta thấy đức Thích Ca, thầy của chúng ta, là vô biểu vì không còn hình hài của Siddhartha nữa. Nhưng ta thấy được pháp thân, ứng thân cũng là những tiếp nối của đức Thích Ca. Đức Thích Ca quả là không sinh không diệt, Ngài biểu và vô biểu một cách rất mầu nhiệm. Nếu tiếp xúc được với cái ấy là tiếp xúc được tính vô sinh bất diệt của đức Thích Ca. Trong khi cái này biểu thì cái kia vô biểu và hai cái luân phiên đóng trò với nhau. Khi có nước thì không có mây, khi có tuyết thì không có nước đá. Chúng ta đừng để bị kẹt vào cái có, cái không, cái sinh, cái diệt. Nhất là khi học về Duy biểu chúng ta thấy có cộng biểu và biệt biểu. Cộng biểu là biểu hiện chung, biệt biểu là biểu hiện riêng.
Tăng thân có khi biểu hiện như một cộng biểu (collective manifestation) và có khi như một biệt biểu (individual manifestation). Nhưng trong cộng có biệt và trong biệt có cộng. Là một thầy hay một sư cô, ta là một cá nhân, nhưng ta đang mang tăng thân trong mình. Đi ra ngoài ta đại diện cho tăng thân, đó là trong biệt có cộng. Tăng thân đứng ra như một cộng đồng và trong cộng đồng đó chứa đựng những biệt biểu. Đi thêm một bước, thấy được tính cách của cộng biểu và biệt biểu thì ta mới thấy được hoàn toàn bản chất của Duy biểu.
Nhìn khóm tre, tháp chuông, đám mây, trời xanh, ta nên nhớ rằng đó là đối tượng của nhận thức ta, chúng là cộng biểu và đồng thời cũng là biệt biểu. Hai người cùng nhìn lên một đám mây và cùng thấy đám mây, đám mây là một cộng biểu, là đối tượng chung của tâm thức hai người. Nhưng một người thấy đám mây giống như một cái áo và người kia thấy đám mây giống hình một con ngựa. Hai người thấy khác nhau vì tâm thức hai người không giống nhau. Trong truyện “Quan Âm Thị Kính” có nói về vấn đề này qua câu:
Phù vân một đóa bay đi
Khi thì áo trắng lúc thì chó đen
Người thì thấy đám mây là áo trắng, người thì thấy là chó đen. Tùy theo tâm người mà chúng ta thấy như thế này hay như thế kia.
Ví dụ nước Pháp, nước Pháp là đối tượng của sự nhận thức của ta. Nước Pháp có núi sông, phong cảnh, có những thành phố; nước Pháp là đối tượng của sự nhận thức chung, là một cộng biểu. Nhưng mỗi người chúng ta nhìn nước Pháp với một tâm trạng khác nhau, vì vậy trong cái cộng có cái biệt. Thành phố Paris có mấy triệu người ở, nó là Paris chung cho mấy triệu người đó. Nhưng mỗi người dân Paris đều có cái Paris riêng của mình. Tâm của ta nhìn thành phố Paris, nhìn nước Pháp, nhìn trời, nhìn bốn mùa khác nhau; ta tưởng nó là biệt nhưng thật ra trong biệt có cộng. Tâm ta là tâm cộng đồng, nó không chỉ là biệt biểu, nó cũng là cộng biểu.
Đồng Euro hay đồng Dollar là một cộng biểu. Đồng Euro là đồng Euro nhưng chính tâm của ta làm cho đồng Euro đi lên hay đi xuống. Giá trị của đồng Euro không phải tự nó có mà do tâm của ta tạo ra. Khi ta sợ hãi, hoang mang thì đồng bạc xuống giá, khi ta có niềm tin thì đồng bạc lên giá. Ta đừng tưởng đồng Euro là một thực tại có ngoài ta, nó có liên hệ rất nhiều tới tâm ta.
Ở Việt Nam, một thời có mốt mặc áo dài rất ngắn, gọi là mini áo dài. Những người rời Việt Nam trước thời đó lấy làm ngạc nhiên tại sao người ta mặc áo dài cụt ngủn như vậy mà lại cho là đẹp. Theo họ, mặc áo dài tha thướt thì mới là đẹp, nên khi thấy các cô mặc áo dài ngắn củn cởn như vậy thì họ thấy rất lạ. Nhưng khi về nước ở vài ba tháng thì ta lại thấy mặc áo dài dài quá thì xấu. Tâm thức của ta đã bị ảnh hưởng bởi tâm thức cộng đồng. Những buổi trình diễn thời trang đều là những hoạt động của tâm thức. Đẹp hay xấu không phải là những thực tại khách quan mà được sáng tạo ra bởi tâm thức chủ quan.
Có những bức tranh trưng bày trong triển lãm, ta thấy không đẹp nhưng ai cũng khen. Nhất là khi người ta để giá rất đắt, ta cứ chắc chắn là bức tranh phải đẹp lắm nên người ta mới để giá đắt như vậy. Nhìn một hồi thì ta cũng thấy bức tranh đẹp, vì ta tin rằng nếu nó không thật sự đẹp thì người ta đã không để giá mấy triệu đồng như vậy. Ta thấy được rằng tâm con người đóng một vai trò rất quan trọng. Không những đám mây có tính cách cộng biểu và biệt biểu mà tâm chúng ta cũng vậy.
Chúng ta đang chuẩn bị cho ba tháng an cư mùa Đông. Chúng ta dọn dẹp sạch sẽ xóm của chúng ta và chúng ta cũng dọn dẹp sạch sẽ tâm của chúng ta. Ta phải dọn cho sạch những cái còn bê bối chung quanh ta và trong tâm ta. Chúng ta có khoảng năm ngày để làm retreat-cleaning. Những người nào có máy tính riêng hay có điện thư riêng thì phải trình lên chúng. Trong cư xá, trong phòng mình không để thức ăn riêng, mì gói riêng, không để những DVD, CD âm nhạc không hợp pháp. Các xóm phải tổ chức một số thùng để các thầy, các sư cô, các cư sĩ vứt vào đó những cuốn sách, những CD nhạc hay phim ảnh không lành mạnh theo chánh pháp. Ta phải làm lễ chôn cất cho đàng hoàng. Đó gọi là buông bỏ và phát lộ. Mỗi xóm đều phải tổ chức như vậy, chúng ta phải dọn cho sạch từ trong tới ngoài, từ trong tâm cho tới ngoài hoàn cảnh. Tôi rất mong Hội đồng giáo thọ cũng như Ban chăm sóc các xóm để ý tới việc này để cho khóa tu mùa Đông của chúng ta được thật thanh tịnh. Mỗi buổi trưa chúng ta phải cúng ngọ, mỗi chiều thứ bảy chúng ta phải cúng thí thực và mỗi ngày đều có tụng kinh bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Những người không biết tiếng Việt phải học kinh tiếng Việt, những người không biết tiếng Anh thì học kinh tiếng Anh, phải học và tụng cho thuộc.
Chúng ta phải thực tập như thế nào để mỗi buổi ngồi thiền và mỗi buổi đi thiền hành đều có tính cách nuôi dưỡng, đừng để rơi vào trong sự thực tập hình thức. Ta phải thật sự có mặt trong các sinh hoạt tu tập của chúng như ngồi thiền, đi thiền hành. Ta phải có mặt khi đại chúng tập họp để đi thiền hành, đừng nên ở lại trong phòng hoặc đi ra trễ. Ta có giám niệm trong mỗi xóm, hễ có chuyện gì cần thì cứ đến hỏi vị đó.
Xin chúc đại chúng một mùa An Cư Kết Đông nhiều hạnh phúc và xây dựng được nhiều tình huynh đệ.