Định đề 28
Giải thoát luân hồi không có nghĩa là chấm dứt một bổ đặc già la (pudgala) vốn không thật có, cũng không phải là chấm dứt giới thân và tuệ mạng của một đời tu.
Liberation from saṃsāra does not mean putting an end to the personal self (pudgala), because that person is not a real entity anyway, nor does it mean putting an end to the precepts’ body and the spiritual life.
Ngã là một ý niệm mà vô ngã cũng là một ý niệm
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng phải có một cái gì đi qua luân hồi sinh tử. Nếu không thì cái gì sinh và cái gì tử? Nói đến giải thoát thì phải có cái gì giải thoát. Vì vậy nên người ta dùng cái ngã để giải thích giải thoát luân hồi.
Nhiều người nghĩ giải thoát luân hồi có nghĩa là từ “có một cái ngã” mình tu để trở thành “không có ngã” và khi không có ngã nữa thì mình được giải thoát khỏi luân hồi. Những câu hỏi như “Khi chết ta đi về đâu?” giả định có một cái ngã, ai đi và đi về đâu. Ý niệm về ngã trong đạo Bụt gọi là pudgala (bổ đặc già la). Đúng theo tinh thần đạo Bụt thì đó là một ý niệm chứ không phải là một sự thật. Ngã là một ý niệm mà không phải là một thực thể, nó có thể tan rã nhờ sự tu tập của ta. Tu tập giải thoát không có nghĩa là để từ có ngã mà trở thành không có ngã. Chính trong giờ phút này ta đã là vô ngã rồi, không phải đợi đến khi có giải thoát thì ta mới trở nên vô ngã. Vấn đề tu tập là vấn đề phá tan ý niệm về ngã mà không phải là phá tan ngã. Ngã làm gì có để phá tan, chỉ có ý niệm về ngã cần phải được phá tan mà thôi. Ý niệm về ngã là ngã chấp (attachment to the idea of a self).
Hiện bây giờ ta đang là vô ngã nên ta không cần đi tìm vô ngã. Đã là vô ngã rồi thì không cần phải diệt ngã mà chỉ cần lấy đi ý niệm về ngã. Chúng ta đã được học nhiều về Trung đạo, nghĩa là tính không sinh, không diệt, không có, không không, không một, không nhiều, không tới, không đi. Những cái gọi là sinh, diệt, tới, đi, một, nhiều đó chỉ là những ý niệm mà không phải là những sự thật. Ngã cũng là một ý niệm và vô ngã cũng là một ý niệm. Vì vậy giải thoát luân hồi không có nghĩa là chấm dứt một thực thể gọi là ngã (pudgala) để đi tới một thực thể khác gọi là vô ngã. Chúng ta sử dụng khái niệm vô ngã để đập phá khái niệm ngã, nếu còn kẹt vào ý niệm vô ngã thì có nghĩa là ta vừa thoát ra khỏi khái niệm này để lại chui vào trong một khái niệm khác.
Giải thoát ra khỏi những khái niệm
Chúng ta cần phân biệt giữa thực thể (entity) và ý niệm (notion). Đây là vấn đề nhận thức, nhận thức có ngã thì ta đau khổ và nhận thức vô ngã thì ta lo sợ, ta cảm thấy lạc lõng. Vì vậy ngã và vô ngã đều là những ý niệm; giải thoát luân hồi là vượt thắng những ý niệm như ngã, vô ngã, có, không, sinh và diệt. Ý chính của định đề 28 là đừng nên giả định có một cái ngã để làm cho ta tù túng, khổ đau và ta tu hành là để phá tan cái giả định đó. Ngã chỉ là một ý niệm, ta bị kẹt vào một ý niệm chứ không phải bị kẹt vào một trạng huống. Ta có những lo lắng, sợ hãi không đâu; những sợ hãi, lo lắng không căn cứ đó trở thành ngục tù giam hãm ta. Ta có sự ganh ghét và sợ hãi do tâm ta tạo ra; sự ganh ghét và sợ hãi đó trở thành một ngục tù giam hãm ta. Nó không phải là sự thật, nó chỉ là những ý niệm. Vấn đề ở đây là phá tan một ý niệm, chứ không phải phá tan một thực thể.
Ví dụ như một người thợ điêu khắc có một khúc gỗ. Ông dùng dụng cụ điêu khắc làm việc một hồi thì khúc gỗ trở thành một ông thần. Tự nhiên ông ta đâm ra sợ ông thần đó và cứ lạy xuống trước ông thần, trước tác phẩm của chính ông ta. Tâm ta tạo ra cái đó rồi ta trở thành nạn nhân của nó. Những quan điểm, những khái niệm ta sáng tạo ra có thể là ngục tù của chính ta. Vì vậy giải thoát có nghĩa là giải thoát ra khỏi những khái niệm.
Giới thân và tuệ mạng tiếp tục luân hồi dưới những hình thức khác
Giải thoát luân hồi cũng không có nghĩa là chấm dứt giới thân, tuệ mạng của một đời tu.
Chúng ta có danh từ giới thân, tuệ mạng. Thân là hình hài (body), mạng là mạng sống. Trong đời của một người tu còn có giới thân. Giữ giới thì người tu có giới thân, giới thân bảo vệ tự do cho ta. Năm giới, mười giới, mười bốn giới,… giữ cho ta được tự do, hạnh phúc. Giới thân lớn lên nhờ sự tu tập của ta và khi chúng ta thực tập nuôi dưỡng giới thân thì ta cũng làm cho trí tuệ lớn lên. Trí tuệ có khả năng giải phóng cho ta. Đời sống của trí tuệ gọi là tuệ mạng. Nếu u mê thì ta bị kẹt vào sinh tử luân hồi, kẹt vào khổ đau, sợ hãi, tuyệt vọng. Tuệ giác đánh phá được những vô minh, sợ hãi, hận thù và làm cho ta trở thành con người có tự do, hạnh phúc. Tuệ giác có mạng sống của nó và chúng ta phải nuôi dưỡng tuệ mạng đó.
Khi hình hài ta tan rã thì giới thân và tuệ mạng không chấm dứt, chúng tiếp tục mãi mãi dưới những hình thức khác. Giới thân, tuệ mạng đi luân hồi, được tiếp tục và làm lợi lạc cho mọi loài hữu tình. Chúng ta được tiếp tục dưới những hình thức khác của sự sống. Đoạn thứ hai của định đề 28 cho biết giải thoát giác ngộ không phải là sự chấm dứt của bất cứ một cái gì. Nó là sự chấm dứt của những tà kiến và là sự tiếp tục của những tuệ giác. Giải thoát giác ngộ có nghĩa là được giải thoát khỏi tà kiến và được tiếp tục bởi tuệ giác. Đức Thế Tôn, thầy của chúng ta, có một giới thân và một tuệ mạng rất lớn. Sau khi hình hài của Ngài tan rã, giới thân và tuệ mạng của Ngài vẫn được nuôi dưỡng và tiếp tục bởi những thế hệ đệ tử. Chúng ta có thể thấy được sự tiếp nối của đức Thế Tôn qua các thế hệ. Nhờ chúng ta tiếp tục hành trì giới luật, khai mở tuệ giác mà giới thân tuệ mạng của đức Như Lai được đưa về những thế hệ tương lai. Chúng ta là những người tham dự vào dòng giới thân và dòng tuệ mạng đó, ta là sự tiếp nối của đức Như Lai. Đức Như Lai được luân hồi dưới dạng giới thân và tuệ mạng chứ không phải dưới dạng ngã chấp và si mê. Cả một đời tu mà không được tiếp nối về tương lai thì rất uổng.
Khi thực tập là ta thực tập cho cả tổ tiên của ta, tổ tiên tâm linh cũng như tổ tiên huyết thống. Ta thực tập cho Bụt để giới thân và tuệ mạng của Bụt được tiếp nối. Ta thực tập để ông bà, cha mẹ trong ta và trong con cháu ta được thừa hưởng giới thân tuệ mạng đó. Nhờ sự thực tập của ta mà giới thân tuệ mạng được truyền về thế hệ tương lai. Ta không muốn cho tà kiến và ngã chấp đi luân hồi, tà kiến và ngã chấp đi luân hồi về tương lai sẽ gây ra nhiều đau khổ. Luân hồi – cái gì luân hồi? Không có ngã vẫn có luân hồi?
Nhìn một đám mây, chúng ta hỏi nó có ngã hay không mà nó vẫn có thể đi luân hồi, nó có thể tiếp tục bằng mưa, bằng sương mù, bằng tuyết, bằng dòng suối, bằng ruộng lúa? Đám mây không bao giờ chấm dứt. Nếu đám mây không bị ô nhiễm thì luân hồi của nó rất đẹp. Làm thế nào để đám mây được luân hồi dưới dạng đẹp nhất của nó? Chúng ta cũng không muốn luân hồi dưới những dạng xấu xí của tà kiến, ngã chấp, tham, sân, si, chia rẽ, hận thù, bạo động. Chúng ta muốn luân hồi dưới những dạng đẹp như từ bi, trí tuệ, giải thoát, niềm vui, tình huynh đệ. Chúng ta tu học là để chấm dứt sự luân hồi của những cái tiêu cực và làm tiếp nối sự luân hồi của những cái đẹp, cái hay. Vì vậy luân hồi có nghĩa là sự tiếp nối, có luân hồi xấu và luân hồi đẹp. Nếu đó là sự luân hồi của trí tuệ và từ bi thì chúng ta có thể ca ngợi luân hồi: Vạn tuế luân hồi! tại vì sự sống rất cần tuệ giác và từ bi.
Nếu có ai hỏi: “Nếu không có ngã thì ai đi luân hồi?” thì các thầy, các sư cô, các vị Phật tử phải trả lời cho được. Nhìn một đám mây chúng ta có thể biết nó đi luân hồi như thế nào. Nó có cần một cái ngã hay không? Tình huynh đệ mà chúng ta chế tác có thể đi luân hồi và sẽ làm đẹp cho cuộc đời.