Định đề 26

 

Tăng thân, Phật thân và Pháp thân tương tức. Trong chân Tăng có chân Phật và chân Pháp.

The Sangha body, the Buddha body and the Dharma body inter-are. In a true Sangha you can find the true Buddha and the true Dharma.

Những danh từ Phật thân (Buddha-kāya) và Pháp thân (Dharma-kāya) đã có sẵn trong Tam tạng kinh điển của nền văn học Phật giáo, nhưng danh từ Tăng thân là một cống hiến của Làng Mai. Làng Mai là đoàn thể tu học đầu tiên sử dụng danh từ tăng thân (Sangha- kāya). Mỗi người chúng ta đều có Phật thân, Pháp thân và Tăng thân. Người không có tăng thân là người mồ côi trên bước đường tu học. Không có tăng thân thì dễ gì có được Phật thân và Pháp thân. Chính đức Thế Tôn cũng có tăng thân và sự nghiệp vĩ đại của đức Thế Tôn thành tựu được là nhờ tăng thân của Ngài.

Một nhạc công sẽ không làm gì được nếu không có cây đàn, đức Thế Tôn cũng sẽ không tạo được một sự nghiệp tồn tại trên 2500 năm nếu không có tăng thân. Pháp thân và Tăng thân làm ra Phật thân, trong Phật thân có Pháp thân và Tăng thân. Nói tới chuyện tu học mà không nói tới Tăng thân là một chuyện xa vời. Thiếu tăng thân thì hầu như Phật không có mặt mà Pháp cũng không có mặt. Đánh mất tăng thân là tai nạn lớn nhất của người tu, người tu đừng bao giờ để mất Tăng thân.

Tam bảo trong nhục thân

Trong định đề 26 chúng ta có nói đến Tam thân. Tam bảo là Tam thân. Mỗi người trong chúng ta đều có ba thân: Phật thân, Pháp thân và Tăng thân. Cố nhiên chúng ta có nhục thân (chúng sinh thân), nhưng là người tu thì trong nhục thân cũng có Tam thân (Tam bảo, ba viên ngọc quí). Thường thường trong tôn giáo người ta đi tìm một đối tượng của sự kính ngưỡng, sự tin tưởng và sự thờ phụng ở bên ngoài. Ta đi tìm Thượng đế, tìm nước Chúa, tìm những đối tượng tâm linh ở ngoài mình. Nhưng trong tinh thần của đạo Bụt, ta không đi tìm những đối tượng đó ở ngoài mà tìm ngay trong tự thân của ta. Ngay trong chúng sinh thân của ta, ta có thể tìm ra được Phật thân, Pháp thân và Tăng thân. Phải vượt thoát ý niệm trong và ngoài thì ta mới có thể mới tiếp xúc thật sự với ba thân. Ba thân có mặt trong giây phút hiện tại.

Phật giáo Đại thừa đã có ý niệm về ba thân là Phật thân, Pháp thân và Hóa thân (báo thân). Ba thân này không có gì khác hơn là Tam bảo tại vì Phật có Phật thân, Pháp có Pháp thân và Tăng có Tăng thân. Ba thân này ta không đi tìm cầu bên ngoài mà tìm ngay trong nhục thân của ta. Chính ta có khả năng làm cho ba thân hiển lộ, cũng giống như ta không đi tìm hoa trái ngoài mặt đất mà làm cho hoa trái biểu lộ từ lòng đất. Sự tu tập cũng là một sự trồng trọt. Chữ bhāvanā có nghĩa là tu tập, mà bhāvanā là làm cho biểu hiện ra. Ta không có lúa, gạo, bắp thì ta làm biểu hiện ra lúa, gạo, bắp. Đó là gieo trồng, bhāvanā có nghĩa là gieo trồng và gặt hái.

Ta có Phật, Pháp, Tăng hay không là do ta có gieo trồng, có làm cho ba viên ngọc quí ấy biểu hiện hay không? Nền tảng của sự gieo trồng là đất, đất ở đây là tâm của ta. Trong đất tâm có những hạt giống của Bụt, của Pháp và của Tăng. Nếu ta thực tập đúng pháp, gieo trồng đúng pháp thì hoa trái của sự tu học tức Phật, Pháp, Tăng sẽ biểu hiện ra.

Có sự tu tập là điều kiện căn bản của một chân Tăng

Phật, Pháp và Tăng không phải là ba thực tại có ngoài nhau, mà tương dung (cái này chứa đựng cái kia), và tương tức (cái này là cái kia). Sự tìm cầu bên ngoài không phải là tinh thần của đạo Phật. Ngoài Phật, không tìm được Pháp và Tăng, ngoài Pháp không tìm được Phật và Tăng, ngoài Tăng không tìm được Phật và Pháp. Tiếp xúc được với một trong ba là tiếp xúc được cả ba. Chân Tăng (the true Sangha) là cái ta có thể tiếp xúc được. Khi chân Tăng phát hiện thì chân Phật và chân Pháp cũng phát hiện cùng thời làm chỗ nương tựa cho chúng ta và cho cả mọi loài. Làm cho Tăng thân biểu hiện là công phu tu tập của chúng ta.

Có một Phật tử cư sĩ ở Việt Nam, rất giỏi về Phật pháp, làm hội trưởng một hội Phật giáo khá lớn. Ông làm việc không hợp với mấy thầy tại vì chưa bao giờ ông học cách làm việc với tăng thân, cách làm của ông không theo tinh thần của lục hòa. Vì giận mấy thầy nên ông đã tuyên bố: “Tôi chỉ quy y hai bảo là Phật và Pháp thôi. Tôi không quy y Tăng!”. Có thể do chưa hiểu được tính tương tức của Tam bảo, nên ông mới nghĩ rằng có thể loại trừ Tăng (với những khuyết điểm làm ông bực mình) và chỉ tin vào Phật và Pháp thôi.

Tăng thân là một cái gì có thật, ta có thể nghe, có thể thấy và có thể tiếp xúc được trong giây phút hiện tại. Tăng thân có thể có những khuyết điểm, nhưng chính vì có những khuyết điểm cho nên mới cần sự tu tập. Nếu đã toàn hảo thì đâu cần tu tập nữa. Vấn đề là trong tăng thân có sự tu tập hay không chứ không phải là Tăng thân toàn hảo hay không toàn hảo. Trong tăng thân mà có sự tu tập thì tăng thân đó đã là một chân Tăng rồi. Chân Tăng không cần phải toàn hảo. Điều kiện căn bản của một chân Tăng là có sự tu tập. Trong chân Tăng có tham, sân, si nhưng cũng có sự tu tập để chuyển hóa tham, sân và si.

Bhāvanā là tu tập và gieo trồng. Trong khu vườn thế nào cũng có cỏ, rác, hoa và trái. Không thể có một khu vườn chỉ có hoa trái mà không có cỏ rác. Vì vậy chúng ta cần có người làm vườn để nhổ cỏ, chuyển hóa rác ra thành phân nuôi hoa, nuôi trái. Tăng thân là một khu vườn có hoa, có trái nhưng cũng có rác, có cỏ. Tu tập là làm thế nào để nhận diện được cỏ rác, chuyển hóa chúng thành phân xanh đem nuôi hoa trái. Đó là công việc rất đẹp của người tu. Ta không nói: “Ô, Tăng thân này có rác, có cỏ nên tôi không thích, tôi đi tìm một tăng thân nào toàn hảo không có cỏ, không có rác”. Không bao giờ ta có thể tìm được một Tăng thân như vậy, không bao giờ ta tìm ra được một khu vườn không có cỏ rác.

Hồ sen có hoa sen, lá sen và bùn đất. Không có bùn đất thì làm gì có hoa sen. Chỗ nào có sen thì chỗ đó có bùn, chỗ nào có bùn là chỗ đó ta có thể trồng sen. Cỏ rác là bùn rất cần thiết để nuôi sen, vì vậy phiền não đóng một vai trò rất quan trọng, không có phiền não (kleśa) thì không có bồ đề (bodhi). Nhìn vào phiền não ta thấy bồ đề, nhìn vào bồ đề ta thấy phiền não; cũng như nhìn vào hoa ta thấy có rác và nhìn vào rác ta thấy có hoa đang ẩn tàng trong đó.

Ta tới quy y Tăng không phải vì Tăng toàn hảo mà do Tăng có sự tu tập. Sự tu tập của Tăng làm cho Bụt và Pháp có mặt. Nếu không có sự tu tập thì không phải là chân Tăng, không phải chân Tăng thì trong đó không có Bụt và không có Pháp. Đó chỉ là cái vỏ Tăng trong đó không có nội dung.

Giới là sự bảo hộ tự do

Muốn là chân Tăng thì ta phải thực tập giới (Śīla), vì vậy mỗi tuần ta đều có buổi tụng giới và pháp đàm về giới. Sự hành trì giới luật là nền tảng của một Tăng thân chân chính. Giới luật và uy nghi là bản chất của một tăng thân. Nếu không thực tập Năm giới thì chúng ta không phải là một chân Tăng. Nếu không thực tập 10 giới, 14 giới, 250 giới thì chúng ta không phải là một chân Tăng. Điều kiện đầu tiên để Tăng là một chân Tăng là sự hành trì giới luật. Giới luật được hành trì không như là một sự bó buộc làm ta mất tự do. Trái lại, giới đem lại hạnh phúc và tự do đích thực cho ta. Người nào xem giới là một sự ràng buộc thì người đó chưa hiểu được giới. Ta có thể dịch chữ Śīla là tự do. Định nghĩa truyền thống của giới là tự do (giải thoát).

Thọ 10 giới của Sa di và Sa di ni một thời gian thì ta được thọ Đại giới (Pratimoksa). Pratimoksa được dịch là biệt biệt giải thoát, biệt biệt là từng cái từng cái, giải thoát là tự do. Giữ được giới không uống rượu thì ta có một tự do, giữ được giới không nói dối thì ta có một tự do khác, giữ được giới không tà dâm thì ta có một tự do khác, mỗi giới bảo đảm cho ta một tự do. Vì vậy cho nên giới có nghĩa là bảo đảm tự do. Có nhiều thứ tự do, ví dụ như không nói dối thì ta không cần phải sợ hãi, không tà dâm thì ta không bị mắc kẹt. Mỗi giới cho ta một tự do khác nhau nên gọi là biệt biệt giải thoát. Pratimokșa có thể được dịch ra tiếng Anh là freedom at every step hay freedom wherever you are. Trong lĩnh vực nào ta cũng có tự do vì ta có giới. Giới bảo hộ cho ta, không đi ăn cắp thì ta không bị vô tù. Khi thực tập Pratimokșa ta có rất nhiều tự do. Vì vậy giới không phải là sự hạn chế tự do, ngược lại giới là sự bảo hộ tự do. Vậy thì giới là giải thoát (vimukti) và giới cũng là niệm (smṛti). Giới không phải là những gò bó, những áp đặt lên ta, bắt ta phải làm mà giới là sự thức tỉnh, là sự tình nguyện.

“Vì biết tà dâm đưa tới hậu quả đớn đau cho mình và cho người khác nên tôi nguyện giữ giới không tà dâm”, đó là do ta tự nguyện chứ không phải người ta ép ta giữ giới. Tự nguyện là chánh niệm.

“Sử dụng ma túy đưa tới sự phá sản tâm hồn và thân thể, biết như vậy nên tôi giữ giới không sử dụng ma túy”. Động cơ khiến ta giữ giới là chánh niệm, chứ không phải do sự áp đặt hay bắt buộc của người khác. Giới có nghĩa là tự do, là chánh niệm, như thế mới đúng thật là giới. Nếu thấy giới như sự hạn chế tự do thì ta chưa thấy được giới.

Cái đẹp của người tu

Khi hiểu được giới là niệm thì cái gì trong đời sống hàng ngày của ta cũng là giới. Bước một bước chân có chánh niệm là giới; ăn sáng, biết là đang ăn sáng, không suy nghĩ vẩn vơ cũng là giới; uống trà, biết là đang uống trà, an trú không bị phân tâm trong khi uống trà cũng là giới. Thực tập giới là làm cho mình đẹp và làm cho tăng thân của mình đẹp.

Cái đẹp của người tu là chánh niệm, là giới. Không có yếu tố của giới luật, không có tự do, không có thảnh thơi thì người tu không phải là người tu. Làm đẹp cho mình, danh từ Phật học là trang nghiêm tự thân. Ta làm đẹp cho ta bằng giới, bằng sự thảnh thơi, bằng chánh niệm.

Thảnh thơi là tự do, không bị vướng mắc vào rượu, vào ma túy và sắc dục. Giới, thảnh thơi và chánh niệm, tuy gọi là ba nhưng là một, chúng làm đẹp cho người tu, làm đẹp cho tăng thân của người tu và làm cho tăng thân trở thành chân Tăng. Hễ có chân Tăng là có chân Phật và chân Pháp. Chân Tăng là chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người. Sự nghiệp của người tu là xây dựng một chân Tăng. Muốn Bụt, Pháp có mặt trên đời này thì công việc của chúng ta là xây dựng tăng thân, xây dựng bằng sự thực tập giới.

Có giữ giới là có chất thánh

Sáng nay chúng ta đã tụng bài Bốn phép tùy niệm, tức niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới:

Tăng thân của đức Thế Tôn

Là đoàn thể mà chúng con đang quay về nương tựa

Là đoàn thể đang đi trên đường sáng ngời.

Chân Tăng là đoàn thể đang đi trên con đường sáng ngời. Con đường sáng ngời là con đường của giới, của niệm, của giải thoát.

Là đoàn thể đang đi trên đường chính trực

Là đoàn thể đang đi trên đường ứng hợp chân lý

Biết có con đường chánh thì ta an tâm. Ta không đi vào những nẻo đường xấu ác gọi là tà đạo. Ta đang đi trên chánh đạo.

Là đoàn thể đang đi trên đường thánh thiện

Thánh thiện là holy. Sở dĩ ta biết được đó là con đường thánh thiện là vì con đường đó có giới. Có giới nên con đường trở thành con đường thánh, lệch ra khỏi giới là ta đi vào tà đạo. Vì vậy sự hành trì giới rất quan trọng. Giới đem lại tự do, đem lại chánh niệm.

Là đoàn thể gồm thâu bốn đôi và tám bậc thánh quả

Nếu con đường là con đường thánh thì người đi trên con đường đó cũng có chất thánh. Ta là người phàm, ta gọi tăng thân của ta là phàm Tăng. Nhưng nếu thực tập giới thì ta đưa chất thánh vào trong bản thân của ta, vào trong tăng thân của ta và tăng thân bắt đầu có chất thánh.

Chất thánh là gì? Tại sao ta gọi người kia là bậc thánh (His Holiness)? Tại vì người đó có giữ giới, có sự thảnh thơi và có chánh niệm. Ta thấy người đó có chất thánh và ta gọi người đó là His Holiness. Nếu thấy người đó không giữ giới, không có sự thảnh thơi, không có chánh niệm mà ta gọi người đó là His Holiness tức là ta nói dối, ta chỉ là một nhà ngoại giao chứ không phải là một nhà tu. Ta không muốn làm nhà ngoại giao, người đó không có chất thánh thì ta đừng gọi ông ta là His Holiness.

Một sư em tuy còn rất trẻ nhưng giữ giới nghiêm túc, sống tự do, có chánh niệm thì ta thấy chất thánh trong sư em, ta có thể gọi sư em là “your Holiness”. Ta không có mặc cảm; hễ có giữ giới, có sống thảnh thơi, có chánh niệm là có chất thánh, ta nói Tăng thân của ta có chất thánh và chất thánh đó càng ngày càng đi lên.

Chất thánh được làm bằng chất gì? Chất thánh được làm bằng chất phàm. Không có phàm thì làm sao có thánh, không có rác thì làm sao có hoa? Thấy có một ít rác ta đừng nên sợ, ta để dành rác này để làm thành hoa. Nếu trong Tăng thân còn sót lại những chất phàm thì ta hãy mỉm cười, đừng đau khổ, buồn rầu, tuyệt vọng vì ta biết cách chuyển rác thành hoa, chuyển phàm thành thánh. Tăng thân có những khuyết điểm, những yếu kém nhưng nếu ta đã biết phương pháp chuyển rác thành hoa thì ta có thể chuyển phiền não thành bồ đề và chuyển phàm thành thánh. Ta không đi tìm thánh ở đâu xa, ta không cần phải qua Tây phương, không cần phải đi Ấn Độ. Ngay tại đây, ta nhận diện những chất phàm và chuyển chúng thành chất thánh bằng sự thực tập giới luật.

Hạnh phúc chân thật của một Tăng thân

Nhờ thực tập giới, ta có sự bảo hộ, có tự do, ta sống trong chánh niệm nên hạnh phúc của ta ngày mỗi lớn lên. Vấn đề ở đây là vấn đề hạnh phúc.

Người ta thường đánh giá sự phát triển của một quốc gia theo tiêu chuẩn GNP (Gross National Product), nghĩa là nước nào sản xuất nhiều thì nước đó phát triển cao (sản xuất được hiểu theo nghĩa có được nhiều lúa gạo, nhiều mặt hàng, thu vào được nhiều tiền). Nhưng có thể GNP đi lên mà hạnh phúc lại đi xuống. Ta sản xuất được rất nhiều hàng hóa và ta có cảm tưởng như là càng ngày ta càng giàu có hơn, nhưng sự thực có thể là càng ngày ta lại càng có thêm nhiều khổ đau. Chúng ta có một danh từ mới là GNH (Gross National Happiness). Người dân càng ngày càng có hạnh phúc hay không, đó là vấn đề quan trọng, chứ không phải là người dân càng ngày càng tiêu thụ nhiều để làm ô nhiễm thêm sinh môi. Vấn đề là hạnh phúc có tăng trưởng hay không chứ không phải là vấn đề có đồng ra đồng vào nhiều hay không?

Sự hưng thịnh của một tăng thân không thể được đo lường bằng hình thức, bằng tổ chức, bằng số lượng công việc mà bằng hạnh phúc của tăng thân, cũng như là hạnh phúc của từng người trong Tăng thân. Chúng ta tu tập như thế nào để cho hạnh phúc càng ngày càng lớn. Đây không phải là hạnh phúc của sự tiêu thụ. Hạnh phúc này là có nhiều tự do hơn (more freedom), nhiều từ bi hơn (more compassion), nhiều định tĩnh hơn (more concentration), nhiều tuệ giác hơn (more insight). Hễ có nhiều niệm là có nhiều định, hễ có nhiều định thì có nhiều tuệ, hễ có nhiều tuệ thì có nhiều giải thoát, nhiều từ bi. Đó là hạnh phúc chân thật của một tăng thân.

Sự nghiệp của người tu: xây dựng tăng thân

Hạnh phúc phải được định nghĩa là sự có mặt của sự thảnh thơi, của tình thương, tình huynh đệ và của trí tuệ. Vì vậy chân Tăng là mục tiêu của chúng ta. Ta đem hết năng lực của ta để xây dựng chân Tăng (Sangha building). Đó là sự nghiệp của người tu và đó cũng là sự nghiệp của đức Thế Tôn. Suốt cuộc đời của Ngài, đức Thế Tôn chỉ làm một việc là xây dựng Tăng thân. Đức Thế Tôn là một người dựng Tăng tài ba. Tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Ngài đã thành công. Đức Thế Tôn là một nghệ sĩ và Tăng thân là một tác phẩm nghệ thuật của Ngài.

Là người tu ta phải lấy sự nghiệp xây dựng tăng thân làm sự nghiệp của đời mình. Ta cũng làm như đức Thế Tôn ngày xưa. Có được một chân Tăng, có được một đoàn thể tu học có hạnh phúc là có Bụt và có Pháp. Hễ có chân Tăng là có Bụt và có Pháp và hễ có Bụt, có Pháp và có Tăng là có chỗ cho người ta nương tựa. Đó là mục tiêu, là hạnh phúc, là sự nghiệp của đời mình. Trong chân Tăng có chân Phật và chân Pháp.

Sự chứng ngộ dưới cái nhìn của Làng Mai

Chúng ta nói đến Tăng thân như một đoàn thể, trong đó có người chứng đạt, có các vị đã về đã tới, có các vị đang an trú trong giây phút hiện tại, có các vị đã thấy được tính tương tức.

Là đoàn thể gồm thâu bốn đôi và tám bậc thánh quả (tứ song bát bối):

Trong tăng thân có các bậc đã vào dòng, có các bậc không còn đọa lạc, không còn sanh ra trở lại, có các bậc A la hán. Về sự chứng ngộ, Làng Mai có những cái thấy về những quả vị như sau:

  1. Quả vị đầu tiên: Đã về đã tới (phi cóc tính)

Có những người đã đạt tới quả vị đã về đã tới tức là đã cảm thấy an lạc, thoải mái trong tăng thân, không muốn bỏ đi, thấy đây là nhà của mình và có thể an trú hạnh phúc

trong giây phút hiện tại. Những người đó được coi như đã chứng đạt quả đầu gọi là quả đã về đã tới. Có những người còn có cảm tưởng chắc là mình cần đi đâu đó hay phải làm cái gì khác, những người đó chưa đạt tới quả đã về đã tới. Họ đang ở trong tình trạng “cóc bỏ vào dĩa”. “Cóc bỏ vào dĩa” là một thành ngữ của người Việt Nam có nghĩa là ngồi không yên. Đó là tâm trạng của những người chưa về chưa tới, không cảm thấy thoải mái và an lạc trong Tăng thân ngay trong giây phút hiện tại. Quả đầu tiên ta phải chứng là quả phi cóc tính (froglessness) tức là ở yên, cảm thấy hạnh phúc, an lạc với tăng thân, không muốn đi đâu nữa.

Những người đó là những người có hạnh phúc, có chất thánh. Họ giữ giới, họ cảm thấy thoải mái, an lạc ngay trong tăng thân. Họ thấy họ đang tu tập và có thể giúp đời. Đó là họ đã có chất thánh, ta có thể gọi họ là your Holiness dù họ mới là sa di hay sa di ni. Ta phải nhìn bằng đôi mắt chánh niệm, đừng nghĩ rằng ta chỉ cung kính một vị xuất gia khi vị ấy đã thọ giới lớn rồi mà thôi. Mới thọ Năm giới hay Mười giới mà người đó đã có chất thánh thì ta phải nghiêng mình cung kính dù người đó còn rất trẻ.

  1. Quả vị thứ hai: An trú, lạc trú.

Nếu quả thật ta đã về được, đã tới được thì ta có khả năng an trú và lạc trú. Tuy chưa chứng các quả tương tức và vô sinh, nhưng ta đã bắt đầu có hạnh phúc rồi. Có hạnh phúc rồi thì sự đi tới được đảm bảo. Ta không cần phải gấp gáp làm gì.

  1. Quả vị thứ ba: Tương tức

Với cái thấy tương tức, ta thấy sư em mình cũng là mình, những khổ đau và khó khăn của sư em chính là những khổ đau và khó khăn của chính mình và ta lo cho sư em như lo cho chính mình. Đó là đạt tới quả vị tương tức. Trong tăng thân của ta có những người như vậy. Họ không thấy có biên giới giữa họ và sư anh của họ, giữa họ và sư chị của họ. Có những người đang hướng về quả vị đó và có những người đã đạt được quả vị đó. Những người đó có chất thánh ở trong họ. Ta còn đi tìm thánh ở đâu nữa? Phải tìm thánh ngay trong sự tu tập.

  1. Quả vị cao nhất: Vô sinh

Tu tập và giữ được cái thấy về tính tương tức thì một ngày kia ta sẽ đạt tới quả vị vô sinh, tức thấy được tính không sinh không diệt. Ta không sợ chết nữa vì ta thấy được bản chất của thực tại là không sinh không diệt. Nhìn đám mây, ta thấy đám mây là không sinh không diệt. Nhìn chiếc lá, ta thấy chiếc lá là không sinh không diệt. Nhìn bản thân, ta thấy bản thân ta cũng không sinh không diệt. Ta không còn sợ hãi nữa, đó là quả vị cao nhất. Có những người đang hướng về những quả vị đó và có những người đã đạt tới quả vị đó.

Nhìn vào một chân Tăng chúng ta thấy có những người đứng vào trong hàng tứ song bát bối, có những người đang hướng về những quả vị đó và có những người đã đạt tới quả vị đó. Thấy những người như vậy ta biết là có chất thánh trong Tăng thân của ta và ta rất vui. Chất thánh đó lớn dần mỗi ngày nhờ vào sự thực tập, cho nên ta gọi đó là chân Tăng.

Chúng ta có thể làm gì cho tăng thân?

Giả sử có một người từ bên ngoài tới, chưa tiếp xúc được nhiều với Tăng thân, và thấy toàn chất thánh trong tăng thân. Ở lâu trong Tăng thân một thời gian, họ bắt đầu thấy có cả chất phàm. Nếu người kia chưa thấy được, thì ta phải nói với họ:

  • Anh đừng có ảo tưởng, trong Tăng thân của chúng tôi cũng có chất phàm. Chính nhờ chất phàm đó mà chúng tôi cần phải tu tập. Nếu không có chất phàm thì chúng tôi tu làm gì nữa? Và lấy gì làm nên chất thánh?

Ta nói để người kia đừng bị sốc khi thấy chất phàm hiện ra trong tăng thân. Chính ta cũng vậy. Ta có một khái niệm về Tăng thân, ta nghĩ các sư anh sư chị ở Làng là tuyệt hảo. Ai dè khi tới ta thấy họ cũng có những khuyết điểm, cũng có những cái kẹt và ta vỡ mộng. Tăng thân nào mà không có khuyết điểm, nhưng chính nhờ những khuyết điểm đó nên ta mới tu tập. Vấn đề là có pháp môn và có sự tu tập hay không? Có pháp môn và có sự tu tập rồi thì ta không còn sợ nữa, ta không còn sợ những yếu kém đang còn tồn tại. Dù có những yếu kém thì chân Tăng vẫn có mặt. Sự tu tập của ta để làm gì nếu không phải là để cho hạnh phúc của Tăng thân càng ngày càng lớn!

“Chúng ta có thể tu tập như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để cho Tăng thân có hạnh phúc nhiều hơn ngày hôm qua?”. Đó là những câu hỏi rất hay. Công việc đó nằm trong tầm tay của ta, làm cho Tăng thân có hạnh phúc thêm là việc nằm trong tầm tay của ta chứ không phải là cầu xin ở ngoài mà có được.

Chân Tăng là đối tượng của sự đầu tư của mình

Là đoàn thể xứng đáng để được cúng dường

Là đoàn thể xứng đáng được quy kính

Là đoàn thể xứng đáng được tôn sùng

Là đoàn thể xứng đáng được ngưỡng mộ

Là ruộng phước quí hóa nhất trên đời

Những câu trên có cùng một ý: Chân Tăng là đối tượng của sự đầu tư của ta, ta phải đầu tư nơi Tăng thân. Cuộc đời của ta, tất cả những vốn liếng của ta, từ tài năng cho tới hạnh phúc, lý tưởng, ta phải đầu tư nơi Tăng thân vì Tăng thân là một mảnh đất rất phì nhiêu. Gieo hạt vào trong mảnh đất Tăng thân thì sẽ gặt hái không biết bao nhiêu là hoa trái. Tăng thân là phước điền (ruộng phước). Nếu có vốn liếng và được hỏi nên đầu tư vào hãng nào thì ta trả lời: “Nên đầu tư vào Tăng thân!”. Tăng thân là một mảnh ruộng rất phì nhiêu, những hạt giống ta giao phó cho Tăng thân sẽ đem tới kết quả đẹp nhất vì tăng thân không phải là cái gì kém hơn Bụt và Pháp. Muốn đầu tư vào Bụt và Pháp, muốn làm cho Bụt và Pháp hưng thịnh thì ta phải đầu tư vào Tăng thân. Đầu tư vào Tăng thân là cách hay nhất để làm cho Bụt và Pháp có mặt trên cõi đời. Tăng thân chứa đựng Phật thân và Pháp thân.

Khi ta quay lưng lại với Tăng thân, muốn rời bỏ Tăng thân thì ta nên biết rằng ta đang rút lui sự đầu tư của ta. Ta đầu tư vào chỗ nào nữa? Còn chỗ nào khác đáng cho ta đầu tư? Mỗi chúng ta nên đặt cho mình câu hỏi:

  • Tôi nên đầu tư cuộc đời tôi vào đâu?

Câu hỏi trả lời sẽ rất rõ ràng:

  • Tôi đầu tư vào Tăng thân.

Tăng thân chính là phước điền, chính Tăng thân làm nở ra đóa hoa của Phật thân và Pháp thân. Sự đầu tư đưa tới cho ta hoa trái của tình thương, của giải thoát (thảnh thơi) và hạnh phúc. Thay vì dùng chữ GNH (Gross National Happiness) chúng ta dùng chữ GSH (Gross Sangha Happiness). Là người xuất gia cũng như tại gia, tứ chúng đều hưởng được hạnh phúc của Tăng thân. Tăng thân có thể có rất nhiều hạnh phúc và khi Tăng thân có nhiều hạnh phúc rồi thì ta có thể tha hồ ban phát, chia sẻ hạnh phúc với những người đến với ta.