Định đề 21

 

Đã là người thì có thể là Bụt, là Bụt nhưng không ngưng làm người, do vậy có hằng hà sa số Bụt.

As a human being you have the capacity to become a Buddha. As a Buddha you continue to be a human being. That is why numerous Buddhas are possible.

Trong văn học Phật giáo Trung Quốc chúng ta thường hay gặp cụm từ “sinh Phật bất nhị”, tức chúng sinh và Phật không phải là hai cái riêng. Giáo lý này có trong “Lâm Tế Lục”. Chúng ta thường nghe nói đi nói lại: Tìm Phật thì tìm ngay trong chúng sinh vì chính từ chúng sinh mà có Phật. Chúng ta cũng nghe nói: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Chữ chúng sinh bao gồm tất cả các loài chứ không phải chỉ loài người. Tại sao trong định đề 21 ta dùng chữ người mà không dùng chữ chúng sinh? Có lẽ ta dùng chữ người cho bớt ngợp. Khi thành Phật là ta thành Phật cho tất cả mọi loài chúng sinh, không phải chỉ cho loài người thôi.

Trong nhà Thiền có công án rất nổi tiếng “Con chó có Phật tánh hay không?”. Nếu có Phật tánh thì tại sao con chó không thành Phật? Chúng ta thấy có con người và con chó, có sự khác nhau, một con thành Phật được và một con không thành Phật được. Đó là cái thấy chưa siêu việt, cái thấy lưỡng nguyên.

Đứng về phương diện bản môn, các loài chúng sinh, trong đó có các loài vô tình và hữu tình, đều có Phật tánh. Một hạt sỏi, một lá cây, một dòng nước đều có Phật tánh, đều an trú trong Niết bàn cho nên chúng không cần phải thành Phật nữa.

Đứng trên phương diện tích môn, ta thấy rõ là làm người, ta có được những điều kiện rất thuận lợi để phát triển tuệ giác, nuôi dưỡng từ bi và đạt tới được cái thấy vô ngã. Vì vậy sinh ra được làm người là một sự may mắn. Đạt được quả vị Bụt là chuyện có thể làm được trong kiếp này.

Khuynh hướng tuyệt đối hóa Bụt

Chúng ta thường bị vướng vào thói quen tuyệt đối hóa, lý tưởng hóa. Khi đức Thế Tôn còn ở với chúng ta như một bậc thầy thì Ngài cũng sinh hoạt giống như chúng ta. Ngài cũng ăn cơm, uống nước, cũng đi tắm, cũng giặt áo, cũng đi tiểu, đi cầu. Ngài cũng bị cảm, bị ho, bị bệnh kiết,… Rõ ràng Ngài cũng là một con người. Nhưng chúng ta hay quên chuyện đó, bây giờ chúng ta không chấp nhận được chuyện đức Thế Tôn cũng bị ho, cũng bị cảm cúm.

Một lần trong ngày quán niệm dành cho xuất sĩ, tôi có nói với các vị hòa thượng, thượng tọa từ Việt Nam mới qua:

  • Quý vị biết lúc đức Thế Tôn thành đạo, Ngài mới có 35 tuổi, còn rất trẻ. Ngài là một con người. Tôi hỏi quý hòa thượng, quý thượng tọa: Vậy đức Thế Tôn có còn năng lượng tình dục không sau khi đã chứng ngộ dưới cội bồ đề?

Rất khó cho các ngài chấp nhận là đức Thế Tôn còn năng lượng tình dục. Đức Thế Tôn lúc đó đang là một thanh niên chỉ mới 35 tuổi. Ta có chấp nhận được sự thực đức Thế Tôn 35 tuổi thành đạo rồi mà còn năng lượng tình dục? Ta cho là sau khi thành Phật rồi thì Siddhartha không còn là con người nữa. Thành Phật rồi thì hoàn toàn không còn là con người, đó là một điều rất sai lầm. Vì vậy định đề 21 là: Hễ là người thì có thể là Bụt, là Bụt nhưng vẫn tiếp tục là người.

Bụt là một con người

Nhưng có điều khác nơi đức Thế Tôn là tuy Ngài có bệnh, có ho nhưng Ngài không đau khổ vì bệnh, vì ho. Tuy Ngài có năng lượng tình dục, nhưng năng lượng đó không làm cho Ngài lao đao, vì Ngài có đủ trí tuệ, có đủ giới hạnh và sức mạnh tâm linh để nó không động được tới Ngài. Vấn đề là ta cần khám phá trở lại đức Thế Tôn. Ta đã đánh mất đức Thế Tôn, bây giờ ta phải khám phá Ngài trở lại. Đức Thế Tôn là một con người, đó là một thông điệp rất lớn cho chúng ta. Với tư cách một con người, đức Thế Tôn đã giác ngộ được thì ta cũng có thể làm được. Nếu Ngài là một vị thần linh thì làm sao ta có thể giác ngộ được như Ngài? Vì đức Thế Tôn là một con người và Ngài đã làm được chuyện đó thì chúng ta cũng là một con người và chúng ta cũng làm được chuyện đó.

Chúng ta không cho đức Thế Tôn quyền được làm người, Ngài phải làm Phật thôi, trong khi đó thì đức Thế Tôn sống cuộc đời con người một cách rất đầy đủ. Sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, người ta bắt đầu thần tượng hóa, thần linh hóa, tuyệt đối hóa Ngài cho đến nỗi nói rằng phân Ngài đi ra, mồ hôi Ngài tiết ra đều rất thơm. Người ta thần tượng hóa đến mức biến Ngài thành một đấng tạo hóa, nguyên ủy của vũ trụ. Trong Phật giáo Tây Tạng, có lúc chúng ta thấy đức Thế Tôn trở thành bản thể của vũ trụ. Đức Đại Nhật Như Lai là cơ bản của vũ trụ.

Khuynh hướng tuyệt đối hóa, thần tượng hóa thầy mình có cái hại là đưa thầy mình ra khỏi lĩnh vực của sự sống. Thầy mình không còn là người, thầy mình là thần linh trên trời hiện xuống một thời gian rồi lại trở về đó. Điều này rất tai hại, chúng ta phải làm thế nào để phục hồi quyền làm người cho đức Thế Tôn. Khi viết “Đường xưa mây trắng” tôi có chủ đích này. Tôi đã trình bày lại đức Thế Tôn như một con người, đó là công đức của tác phẩm “Đường xưa mây trắng”. Khi đọc “Đường xưa mây trắng” chúng ta thấy đức Thế Tôn rất gần gũi với mình. Đức Thế Tôn là một con người, là thầy, là anh của ta, là người hướng đạo của ta, là cha của ta chứ không phải là một vị thần linh từ phương xa tới. Đức Thế Tôn là một đứa con của hành tinh này, chúng ta cũng là những đứa con của hành tinh này.

Ngay trong Cơ Đốc giáo cũng nói: Kitô là con của Thượng đế, nhưng cũng là con của con người (the son of God and the son of man). Chúng ta đã làm ăn như thế nào mà đức Thế Tôn không còn được làm con của con người, không được làm con của trái đất mà đã trở thành một vị thần linh? Đó có phải là sự phá sản, sự lỗ lã hay không? Đạo Bụt là một đạo hết sức nhân bản (un humanisme très accentué), các bậc thầy lớn luôn luôn nhắc chúng ta điều đó, như thiền sư Lâm Tế. Ngài hỏi: “Quý vị có biết Bụt và Bồ tát là ai không? Bụt và Bồ tát chính là quý vị đang ngồi nghe pháp trước mặt tôi đây!”. Đạo Bụt là một nền nhân bản rất hùng hậu. Tại sao ta lại tước tính cách người ra khỏi đức Thế Tôn? Đó là một lỗi lầm rất lớn. Ta nói: Bụt không phải là người, nhưng Ngài giả đò làm con người, Ngài thị hiện làm người. Điều đó cũng rất có hại. Đức Thế Tôn không giả bộ, Ngài là một đứa con của trái đất. Là một con người Ngài đã từng đau khổ, đã từng bị bức xúc, đã từng bị khó khăn và nhờ sự tu tập, nhờ sự hành đạo mà Ngài đã vượt thoát tình trạng đó để thành một vị Bụt. Ngài đã nói rằng tất cả chúng ta, nếu biết tu tập như vậy thì cũng làm được như Ngài. Đó là một thông điệp rất hùng tráng, rất quan trọng! Làm cho thông điệp mất đi là lỗi của chúng ta. Chúng ta phải nhắc nhau: Đức Thế Tôn trước hết là một con người! Tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật và khi thành Phật rồi thì vẫn tiếp tục là một con người.