Định đề 2

 

Đứng về phương diện tích môn các pháp đều là hữu vi. Đứng về phương diện bản môn các pháp đều là vô vi.

In the historical dimention, every dharma is a conditioned dharma. In the ultimate dimension, every dharma is an unconditioned dharma.

Vô vi là nền tảng của tất cả các pháp

Nhưng chia các pháp ra làm hai loại hữu vi và vô vi cũng chỉ là tạm thời. Chúng ta không thể để Niết bàn ngang hàng với các pháp hữu vi và gọi nó là một pháp. Thực ra chúng ta không thể gọi Niết bàn là một pháp tại vì Niết bàn là nền tảng của tất cả các pháp. Cũng như chúng ta không thể nói nước là một trong những đợt sóng. Nếu phân biệt nước và sóng, chúng ta thấy có hàng ngàn đợt sóng và gọi những đợt sóng đó là pháp hữu vi có lên có xuống, có sinh có diệt. Nhưng có một pháp không sinh không diệt, không lên không xuống, chúng ta gọi nó là nước. Chúng ta cho nước là một pháp và đặt nước ngang hàng với sóng, đó là một sự sai lầm. Sóng và nước không thể được đặt ngang hàng với nhau, chúng ta không thể coi nước là một trong những đợt sóng.

Niết bàn và các pháp hữu vi cũng vậy. Chúng ta đã học đủ để có thể thấy được rằng: Đứng về phương diện hiện tượng hay phương diện tích môn thì các pháp hữu vi đều có sinh có diệt, có có có không, có còn có mất. Nhưng đứng về phương diện bản môn thì các pháp không sinh không diệt, không lên không xuống, không tới không đi. Một pháp như bông cúc, đứng trên phương diện hiện tượng thì nó là hữu vi tại vì nó tùy thuộc vào điều kiện để phát hiện và tùy thuộc vào điều kiện để tan rã. Nhưng đứng trên phương diện bản môn thì tự tánh của bông cúc là không sinh không diệt, không có không không, không còn không mất. Nhìn cho kỹ thì bông cúc cũng là vô vi. Điều này chúng ta thấy rõ trong giáo lý Đại thừa: Thị chư pháp không tướng. Bản tính của các pháp là không: không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Như vậy thì không có pháp nào là pháp hữu vi, tất cả các pháp đều là vô vi, không sinh không diệt, không lên không xuống, không có không không.

Ban đầu chúng ta nói: Không gian không phải là một pháp vô vi. Bây giờ đây chúng ta nói ngược lại: Không gian cũng là một pháp vô vi. Câu “không gian không phải là một pháp vô vi” là một phương tiện để đi vào chứ không phải là một giáo điều làm chúng ta mắc kẹt. Khi nói: “Hư không không phải là một pháp vô vi” thì cũng giống như ta bị kẹt vào sự phân biệt giữa hữu vi và vô vi. Nhưng nhờ biết quán chiếu và buông bỏ danh từ và ý niệm nên ta có thể thấy được rằng hư không cũng là vô vi.

Trước hết, “hư không” là một ý niệm, cũng như “bông cúc” là một ý niệm. Bị kẹt vào tướng của hư không cũng như tướng của bông cúc thì ta không có an lạc, không có hạnh phúc, không có giải thoát; chúng ta còn sợ hãi, còn luyến tiếc. Nhưng khi tiếp xúc được với tự tánh Niết bàn không sinh không diệt của không gian, của thời gian hay của bông cúc thì lúc đó ta không còn luyến tiếc, không còn sợ hãi nữa.

Định đề thứ nhất đưa tới định đề thứ hai: Đứng về phương diện tích môn tất cả các pháp đều là hữu vi, đứng về phương diện bản môn tất cả các pháp đều là vô vi. Đó là chủ trương của Làng Mai. Vô vi không phải là một pháp, vô vi là nền tảng của các pháp.

Hữu vi chính là vô vi

Nếu tới từ truyền thống Cơ đốc giáo, quý vị có thể có những khó khăn trong khi nghĩ tới Thượng đế. Tại sao? Vì trong Thần học Cơ đốc giáo, Thượng đế là đấng tạo hóa (creator) và tất cả những gì ta cảm nhận, tiếp xúc đều là tạo vật (creatures). Vài nhà thần học Cơ đốc giáo đã từng tuyên bố: Thượng đế là nền tảng của hiện hữu (God is the ground of being). Họ đã đi rất gần tới quan niệm “vô vi Niết bàn”. Nói “Thượng đế là nền tảng của hiện hữu” thì cũng giống như nói “Niết bàn là bản môn của tất cả những cái gọi là sinh diệt”.

Ta không đi tìm Niết bàn ngoài cái sinh diệt. Trong sinh diệt có Niết bàn, sinh diệt chẳng qua chỉ là ảo giác của mình. Bản chất của bông cúc hay của đám mây là Niết bàn, là vô sinh bất diệt. Trong đạo Phật có cái thấy và có sự chấp nhận: Tất cả các pháp hữu vi đều dựa trên một pháp vô vi mà biểu hiện, đó là Niết bàn. Nhưng vô vi không phải là một pháp riêng biệt. Vô vi là chiều sâu của hữu vi. Tiếp xúc được với hữu vi là thấy được tính vô vi của tất cả các pháp. Ta không rời tích môn mà vẫn tiếp xúc được với bản môn, bản môn nằm trong tích môn.

Trong Cơ đốc giáo, một số các nhà thần học vẫn còn gặp những khó khăn vì cho rằng mình là tạo vật và tạo vật không thể nào đứng lẫn lộn với đấng tạo hóa. Cái nhìn đó vẫn còn nặng tính chất lưỡng nguyên (dualistic thinking): Tạo hóa là tạo hóa, còn mình chỉ là tạo vật. Như vậy thì câu “Thượng đế là nền tảng của hiện hữu” được hiểu như thế nào? Theo đạo Phật thì cái không sinh diệt nằm ngay trong cái sinh diệt. Ta không cần phải chối bỏ hay chạy trốn cái sinh diệt mà vẫn tìm ra được cái không sinh diệt, như một đợt sóng không cần phải đi tìm nước, nó chính là nước. Sinh tử chính là Niết bàn. Hữu vi chính là vô vi.

Trong Cơ đốc giáo nhiều người vẫn còn lúng túng trong vấn đề này. Có vài vị thần học Cơ đốc giáo đã bước tới và nói: “Ta chính là Thượng đế, Thượng đế chính là ta. Thượng đế chính là gốc rễ, là bản chất của ta, bản chất của ta là thiêng liêng, là thần thánh”. Nhưng đứng về phương diện bản thể học (ontology) thì họ vẫn đang còn kẹt vì nhận thức lưỡng nguyên vẫn còn đó. Khuynh hướng cho rằng “Thượng đế là nguyên nhân của mọi vật và nguyên nhân là một cái gì tách rời ra khỏi kết quả, cái nhân không phải là cái quả”, khuynh hướng đó không phù hợp với sự quán chiếu của đạo Phật.

Theo đạo Phật thì nhân và quả không phải là hai, mà quả là sự tiếp nối của nhân, nhìn vào trong quả ta thấy được nhân. Trong đạo Phật chúng ta có nói tới chân như duyên khởi. Chân như là điều kiện làm phát sinh ra mọi sự, mọi vật. Chân như giống như là nhân và vạn hữu là quả. Nhưng trong đạo Phật thì chân như rất rỗng rang và thông suốt, tức là chân như không phải là một cái gì có mặt ngoài vạn hữu. Nếu tiếp xúc được vạn hữu một cách sâu sắc thì mình tiếp xúc được với chân như. Tánh và tướng không phải là hai, tướng là hiện tượng và tánh là bản thể. Vì vậy cho nên: Để Niết bàn ngang hàng với các pháp khác là một sai lầm mà chia các pháp ra làm hai loại, vô vi và hữu vi, cũng là một sai lầm.

Định đề thứ hai nói rõ được lập trường của Làng Mai: Đứng về phương diện hiện tượng (tích môn) thì các pháp là hữu vi, có sinh có diệt, có có có không, có còn có mất. Nhưng đứng về phương diện bản thể (bản môn) thì tự thân của các pháp là không sinh không diệt, không có không không, không đi không tới. Đó là điều chúng ta thấy trong Tâm Kinh Bát Nhã.

Phần lớn chúng ta là những con vẹt. “Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh…” chúng ta tụng Tâm Kinh Bát Nhã hoài mà cũng không thấy được sự thật. Sự thực tập ở Làng Mai căn cứ trên những hiện thực về giáo lý. Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá những chủ trương giáo lý của Làng Mai. Đây không phải là triết lý hay siêu hình học.

Giẫm lên được vô sinh

Khi đi thiền hành, nếu niệm và định của ta hùng hậu thì ta tiếp xúc được với tích môn, với những mầu nhiệm của vạn hữu. Những mầu nhiệm này có tính cách vô thường và vô ngã nhưng rất đẹp và rất nuôi dưỡng. Phải có niệm và định thì ta mới tiếp xúc được với cái đẹp, cái mầu nhiệm của cuộc sống, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Nhưng nếu niệm và định hùng hậu hơn nữa ta sẽ tiếp xúc được luôn với bản môn và thấy được rằng những mầu nhiệm đó cũng không sinh không diệt, không có không không. Đó là ý nghĩa của câu chót trong bài hát: Cửa vô sinh mở rồi. Trạm nhiên và bất động (In the ultimate I dwell).

Đã về, đã tới

Bây giờ, ở đây

Tất cả đều là pháp hữu vi.

Vững chãi, thảnh thơi

Quay về, nương tựa

Nay tôi đã về

Nay tôi đã tới

An trú bây giờ

An trú ở đây.

Chúng ta an trú trong tích môn và nhờ an trú nơi đó nên chúng ta có vững chãi và thảnh thơi.

Vững chãi như núi xanh

Thảnh thơi dường mây trắng

Nhưng nếu thực tập cho sâu sắc thì khi tiếp xúc với tích môn ta tiếp xúc luôn được với bản môn, khi ta tiếp xúc được với tướng thì ta tiếp xúc luôn được với tánh. Ta tiếp xúc được với sóng và tiếp xúc luôn được với nước trong đợt sóng. Đó là:

Cửa vô sinh mở rồi

Trạm nhiên và bất động.

Con đang đi trong tích môn, nhưng con giẫm được vào bản môn. Vô sinh là không sinh không diệt, không có không không. Đó là Niết bàn, là pháp vô vi. Pháp vô vi không phải là một pháp riêng biệt nằm ngoài các pháp hữu vi. Pháp vô vi là nền tảng của tất cả các pháp gọi là hữu vi. Các pháp gọi là hữu vi nhưng thực sự không là hữu vi tại vì cái gốc các pháp là vô vi. Kinh Pháp Hoa cũng nói: Bản chất của các pháp từ xưa nay vẫn là tịch diệt.

Chư pháp tùng bản lai

Thường tự tịch diệt tướng

Các pháp từ xưa đến nay vẫn an trú trong tự tính Niết bàn của chúng. Chúng không sinh, không diệt như chúng ta tưởng.

Cái thấy của Làng Mai là cái thấy căn cứ trên Phật giáo Nguyên thỉ, đồng thời cũng thừa hưởng được cái thấy sâu sắc của Phật giáo Đại thừa. Trong khi đi ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của thế giới tích môn, chúng có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Nhưng nếu niệm và định của ta trở nên hùng hậu thì ta tiếp xúc luôn được với bản môn để có thể vượt thoát sinh tử. Đó gọi là “In the ultimate I dwell”. Đang đi trong “historical dimension” (tích môn), tự nhiên ta giẫm được vào trong “ultimate dimension” (bản môn). Đang đi trong thế giới sinh diệt, tự nhiên ta giẫm vào thế giới chân như. Đó là: Cửa vô sinh mở rồi.

Cửa vô sinh chưa bao giờ đóng, nhưng vì niệm và định của ta chưa sâu sắc cho nên ta không giẫm lên được vô sinh. Đi thiền hành cũng có thể đạt được sự giải thoát sinh tử nếu ta giẫm được vào chỗ vô sinh.

Tinh thần biện chứng

Chúng ta cũng được cảnh cáo rằng khi đưa ra một lời khẳng định thì ta phải làm thế nào để tiếp thu được ý của lời khẳng định đó, lời khẳng định ấy có công dụng chuyên chở mà không làm cho chúng ta bị kẹt vào. Cũng như khi ăn mía, ta nhai và thưởng thức được chất ngọt của mía, và nhả bã mía ra. Bất cứ ngôn từ nào đưa ra cũng giống như một lọn mía, ta làm thế nào để lấy được cái tinh túy, cái ngọt của nó mà không phải nuốt vào xác mía. Bất cứ định đề nào đưa ra đều phải được tiếp nhận như vậy.

Không gian không phải là một pháp vô vi. Không gian chỉ biểu hiện chung với thời gian, vật thể và tâm thức. Như vậy chúng ta đưa không gian về đứng ngang hàng với các pháp khác như thời gian, tâm thức, núi, sông, cây cỏ… tại vì chúng ta thấy không gian là một ý niệm. Ý niệm về không gian được cấu tạo bởi những ý niệm về thời gian, về vật thể và về tâm thức. Vì vậy ta có thể thấy không gian như một pháp hữu vi. Nhưng khi ta đi sang định đề thứ hai:

Đứng về tích môn tất cả các pháp đều là hữu vi. Đứng về bản môn tất cả các pháp đều là vô vi.

thì định đề thứ hai phát biểu ngược lại với định đề thứ nhất. Mới nói nó là hữu vi bây giờ ta lại cho nó cũng là một pháp vô vi. Đây là biện chứng pháp của đạo Phật. Chúng ta thấy hai lời phát biểu trên, trong hình thức thì chống đối nhau nhưng trong nội dung thì không chống nhau. Đó là tinh thần biện chứng.

Pháp là một ý niệm

Trong tự điển, định nghĩa về pháp là: nhậm trì tự tính, quỹ sinh vật giải. Bất cứ cái gì mà duy trì được đặc tính của nó và giúp cho ta có một ý niệm về nó thì cái đó gọi là pháp. Có những ý niệm không đi đôi với thực tại, nó chỉ là một cấu tạo của tâm thức (conception mentale).

Ví dụ cái bàn là một pháp, tự thân của cái bàn ra sao ta không biết chắc nhưng ta có một ý niệm về cái bàn. Ý niệm về cái bàn có thể khác rất xa với tự thân của cái bàn.

Cái bàn là một ý niệm, ý niệm đó có đi đôi với sự thật hay không ta chưa biết rõ. Một con mọt ăn gỗ có một ý niệm rất khác về cái bàn. Đó là một kho thực phẩm. Các nhà khoa học vật lý thì thấy đó là một mớ nguyên tử. Vì vậy cho nên ý niệm của chúng ta về cái bàn rất khác nhau và ta không biết chắc rằng ý niệm của ta có phù hợp với thực tại hay không.

Cũng như thành phố Paris là một ý niệm. Ở đây chúng ta có 700 người và mỗi người đều có một ý niệm khác nhau về thành phố Paris. Ý niệm của anh về Paris chưa chắc gần với tự thân của Paris bằng ý niệm về Paris của tôi. Trước hết, các pháp đều là ý niệm.

Chúng ta nghĩ đến ông già Noel, trước hết ông già Noel là một ý niệm. Ông già Noel có hay không, tự thân của ông già Noel là gì, có phù hợp với ý niệm của ta hay không, đó là một chuyện khác. Trong kinh hay nói tới ví dụ lông rùa và sừng thỏ. Rùa thì làm gì có lông? Ấy vậy mà chúng ta vẫn có ý niệm về lông rùa. Lông rùa là một pháp, pháp đó có hay không là một chuyện khác. Thỏ làm gì có sừng? Nhưng ta vẫn có thể có một ý niệm về sừng thỏ.

Mỗi chúng ta đều có ý niệm về Bụt, nhưng ý niệm về Bụt của mỗi chúng ta rất khác nhau. Bụt, trước hết là một ý niệm. Thiên đường cũng là một ý niệm, Tịnh độ cũng là một ý niệm. Ý niệm về Thiên đường, ý niệm về Tịnh độ có thể ngang hàng với ý niệm về lông rùa, sừng thỏ hay ý niệm về ông già Noel. Đó có thể chỉ là ý niệm. Thượng đế cũng có thể chỉ là ý niệm thôi. Bất cứ cái gì giúp tạo ra ý niệm thì gọi là pháp, dù cho nó có hay không có, dù nó vuông hay tròn, thuộc về quá khứ hay thuộc về tương lai. Như vậy, pháp trước hết là một ý niệm (idea, notion).

Không gian là một ý niệm

Không gian (ākāśa) là một ý niệm và ý niệm về không gian được cấu tạo bởi những ý niệm khác như ý niệm thời gian, ý niệm vật thể và ý niệm tâm thức. Ngày xưa, các thầy phân biệt hai thứ không gian: một không gian chúng ta có thể nhận thấy bằng mắt và có thể so sánh với vật thể (tức không gian hữu hạn) và một không gian vô hạn, không có ngằn mé. Không gian vô biên, không có ngằn mé đó được cho là một pháp vô vi gọi là hư không vô vi. Nhưng cho dù là hư không hữu vi hay hư không vô vi thì đó cũng là một pháp, là một ý niệm.

Trong khi ngồi thiền chúng ta có thể tiếp xúc được với tâm thức vô hạn không có ngằn mé, không có biên giới gọi là thức vô biên xứ, ta tiếp xúc được với một nền tảng cơ bản, một chỗ nương tựa gọi là thức vô biên (consciousness without limit, everything is consciousness). Có thể có những thầy nghĩ rằng khi tiếp xúc được với thức vô biên xứ là tiếp xúc được với vô vi. Thức vô biên xứ là vô vi, không sinh không diệt, không có không không. Có lúc ngồi thiền chúng ta cũng có thể tiếp xúc được với cái gọi là không vô biên xứ, tức xứ sở của hư không vô biên (limitless space) và các thầy gọi đó là một pháp vô vi.

Tông phái Theravāda hiện nay, ngày xưa có tên là Đồng Diệp Bộ (Tāmraśaṭīyah), chủ trương chỉ có một pháp vô vi, đó là Niết bàn. Chủ trương này rất gần với quan điểm của Làng Mai. Chỉ có Niết bàn là pháp vô vi, còn tất cả pháp khác đều là pháp hữu vi, dù đó là không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ hay phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hư không hữu hạn hay hư không vô biên đều là pháp hữu vi. Nhưng khi cho các pháp đó lên đứng ngang hàng với các pháp hữu vi thì nhìn lại chúng ta thấy tất cả các pháp hữu vi đều là vô vi. Đó là định đề thứ hai.

Nhưng chúng ta phải coi chừng! Thoát khỏi được cái bã mía đầu rồi, có thể chúng ta sẽ bị mắc cổ vì cái bã mía thứ hai. Vì vậy chúng ta cũng phải nên cẩn thận khi nghe định đề thứ hai.