Định đề 18
Ý chí tự do có được là do Tam học.
Free will is possible thanks to the Three Trainings.
Ý chí tự do, tiếng Pháp là libre arbitre. Đây là một vấn đề cam go của triết học: Thật sự có tự do ý chí hay không? Hay tất cả đều được an bài, được sắp đặt, hoặc bởi một đấng Thượng đế hoặc bởi nghiệp của ta như một định mệnh mà mình không thoát ra được?
Quanh quẩn trong vòng buồn giận
Nếu màn lưới nhân quả mà tuyệt đối thì làm sao ta thoát ra khỏi thân phận được? Vì vậy phải có một nẻo thoát, một kẽ hở nào đó. Khoa học có nói đến xác suất (probabilité), xác suất gợi ý rằng: Vũ trụ thế gian có một đường thoát. Chúng ta thấy chung quanh ta có những người không thoát ra được thân phận của họ. Họ cứ đi vòng vòng, quanh quẩn trong vòng buồn giận mà không thoát ra được. Đó gọi là luân hồi (đi vòng). Có những người bị trầm cảm (dépression), một thời gian thì họ bớt nhưng một thời gian sau lại rơi vào trầm cảm, rồi bớt, rồi sa xuống trở lại mà không ra khỏi được. Tuy họ có sử dụng thuốc trị trầm cảm nhưng cũng không đỡ được nhiều. Họ phải uống nhiều tuần, nhiều tháng, nhưng thuốc không giúp được cho bệnh nhân thoát ra, mà có thể bệnh càng ngày càng nặng hơn. Cái buồn, cái giận, sự tuyệt vọng của ta cũng vậy, có khi ta trở thành nạn nhân của sự tuyệt vọng, của cái giận, cái buồn của ta. Tuy sau một thời gian thì cái giận, cái buồn, sự tuyệt vọng có thể bớt đi, nhưng nguyên do của cái buồn, cái giận, của sự tuyệt vọng đó vẫn còn và ta biết trong tương lai ta lại sa vào hầm hố của sự tuyệt vọng, của cái buồn, cái giận nữa. Ta cứ đi vòng, đi vòng hoài.
Có những người khổ đau trong liên hệ vợ chồng và họ không thoát ra được. Đến một lúc nào đó họ nghĩ là phải ly dị thì mới có cơ hội chấm dứt khổ đau. Có người đã ly dị và cưới một người khác, nhưng những vấn đề và những khổ đau cũ vẫn cứ tiếp tục vì họ có những tập quán, những thói quen, những cách hành xử, những lề lối suy tư đã giam hãm họ trong vòng khổ đau đó. Họ vẫn tiếp tục đối xử với người mới bằng cách thức đã đối xử với người cũ, vì vậy tuy có người mới nhưng họ vẫn rơi vào vòng khó khăn, khổ đau. Có người đã ly dị ba hay bốn lần để cưới người mới, nhưng cuối cùng họ cũng ở trong vòng quanh quẩn không thoát ra được. Làm thế nào để có thể thoát ra?
Ngựa theo lối cũ, trâu quen đường về
Có những nguyên nhân nội tại ở bên trong mình, hoặc trong thân thể hoặc trong tâm thức, và có những nguyên nhân ngoại tại ở hoàn cảnh bên ngoài. Khi đối diện với những sự kiện xảy ra thì cách ta hành xử, cách ta phản ứng trong lần sau cũng giống hệt như cách ta phản ứng trong lần trước. Tiếng Việt ta có câu: Ngựa theo lối cũ. Nếu ngày xưa ai có giữ trâu hay giữ bò thì biết: Ta không cần phải chỉ đường đi cho những con trâu, con bò. Chúng quen đường về, ta chỉ cần ngồi chơi trên lưng trâu và trâu đưa ta về nhà. Chúng ta cũng vậy, cách hành xử của ta, cách phản ứng của ta đã trở thành thói quen. Nhiều khi ta có cảm tưởng là ta quyết định, nhưng thật ra không phải là ta quyết định mà chính là thói quen, cách hành xử lâu đời của ta quyết định.
Khi bước vào một cửa tiệm để mua áo, đứng trước một dãy áo dài năm sáu chục cái. Ta chọn xem áo nào, màu sắc nào, kiểu nào ta thích. Ta có cảm tưởng là ta có tự do chọn lựa, nhưng nhìn kỹ thì tự do đó rất ít, hoặc có thể nói là không có, vì những cái ta thích đã được quyết định trước rồi. Ta đã có sẵn sở thích về màu sắc, hình dáng, kiểu may và khi đi ngang qua thì ta bị nó bắt. Ta bị chọn chứ không phải ta chọn. Ta bị cái đó chọn, đi ngang qua nó là ta phải mua, mà thật ra ta mua nó hay nó mua ta thì chưa biết được. Sở thích của ta đã có sẵn, ta đã quen với màu đó, với hình thái đó rồi.
Cách đây chừng 30 năm, tôi đi vào một cửa tiệm ở Tokyo để mua một vuông khăn về cột mấy cuốn kinh.
Tôi đứng trước những vuông khăn (bên Nhật Bản người ta bán rất nhiều vuông khăn bằng lụa để cột hành lý), cô bán hàng hỏi:
- Thầy chọn cái nào?
Tôi mỉm cười nói:
- Tôi đâu có chọn. Tôi để cho nó chọn tôi.
Cô bán hàng rất ngạc nhiên, nhưng sự thật là như vậy. Ta bị chọn tại vì những sở thích của ta đã được viết sẵn trong tâm của ta do cách ta được huấn luyện, cách ta tiếp nhận kinh nghiệm của cuộc đời. Vì vậy ý chí tự do của ta hầu như là không có.
Thói quen của một con người cũng như vậy. Mỗi khi có sự việc gì xảy ra thì người đó có khuynh hướng nhìn nhận và phản ứng giống như nhau. Lần thứ nhất, người đó phản ứng như vậy; lần thứ hai, nếu sự tình xảy ra như vậy thì người đó cũng phản ứng giống y như lần trước và lần thứ ba cũng thế. Khi nào có sự việc xảy ra tương tợ thì người đó lại phản ứng theo thói quen mà người đó đã được huân tập.
Những con người máy
Trong một buổi họp khi nghe một câu nói không hợp thì ta thường phản ứng lại một cách rất tự nhiên (réflexe). Học về thần kinh não bộ, ta biết trong não bộ của ta có những tế bào thần kinh đóng vai trò truyền tin tức về trung ương và có những tế bào thần kinh có nhiệm vụ đáp ứng lại và ra lệnh cho những cơ bắp của thân mình hành động.
Người ta nói đến “cung phản xạ” (arc de réflexe). Ví dụ như khi ta đạp nhầm cây đinh thì cái đau được tế bào thần kinh hướng tâm chuyển vào trung ương, những tế bào thần kinh ở trung ương nhận được và ra lệnh cho bắp thịt hành động liền lập tức. Vì vậy khi đạp đinh thì ta nhảy nhỏm lên và rút chân lại. Đó gọi là một cung phản xạ.
Đứng về phương diện tâm lý, khi đứng trước một hoàn cảnh bất như ý thì tự nhiên ta hành xử theo một phản xạ rất máy móc. Trong cuộc sống hàng ngày ta hành xử một cách máy móc rất nhiều. Ta phản ứng lại, căn cứ trên những kinh nghiệm và sự học hỏi trước đây chứ ta không đưa tâm của ta vào để thật sự quyết định. Trong khi ăn cơm nếu có chánh niệm, có để ý quán sát thì ta sẽ thấy cách ta nhai như thế nào, lưỡi của ta chuyển thức ăn từ vùng này sang vùng kia trong miệng như thế nào và ta thấy rõ là kỳ thực ta không đang ăn mà là ta đang bị ăn. Ta không ngờ lưỡi của ta, răng của ta, hàm của ta làm việc giỏi như vậy. Răng, hàm và lưỡi làm việc rất hay. Đôi khi ta không cần phải để tâm vào hành động nhai mà do phản xạ nhai tự nhiên, giống như cái máy, nó tự làm. Ta có một hệ thống thần kinh tự động (automatic nervous system) lo hết cho ta.
Quan sát những người xung quanh ta, họ cũng sống như những người máy. Có những chiếc máy bay không cần người lái vẫn bay được, vẫn làm việc được, vẫn đáp xuống được an toàn. Nhiều người trong chúng ta cũng sống như vậy. Chúng ta đang lái xe, nhưng kỳ thực chúng ta không có mặt ở đó, tâm của ta đang hoàn toàn ở một chỗ khác. Ta đang lái xe bằng tập quán mà ta đã học hỏi được trong quá khứ. Ta lái như một cái máy và khi có sự việc gì xảy ra đột ngột thì ta cũng phản ứng như một cái máy, mà không có sự can thiệp của chánh niệm.
Chúng ta ăn cơm một cách máy móc, chúng ta lái xe một cách máy móc, chúng ta bước đi trên đường một cách máy móc, chúng ta rửa chén, đánh răng một cách máy móc. Chúng ta là những con người máy. Chúng ta phản ứng lại những gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta như một cái máy.
Khi hoàn cảnh bất như ý xảy ra, ta phản ứng một cách thô bạo, giận dữ, ta gây ra đổ vỡ giữa ta và người khác. Khi đổ vỡ xảy ra rồi thì ta hối hận: Trời ơi! Tại sao ta nói như vậy, tại sao ta làm như vậy? Ta đã biết nói như vậy và làm như vậy sẽ gây ra đổ vỡ mà tại sao ta cứ nói và cứ làm? Ta giựt tóc, đấm ngực, ta tự trách mình và tự hứa với mình lần sau nếu có sự tình như thế xảy ra thì ta sẽ hành xử theo cách khác. Ta rất thành thật với ta. Nhưng lần sau, khi sự tình xảy ra tương tự thì ta cũng vẫn hành xử như thế. Những thói quen, những cái ta học hỏi trong quá khứ, cách ta phản ứng đã trở thành nếp và ta cứ tiếp tục gây khổ đau cho ta và cho người khác. Nó giống như một định mệnh mà ta không thoát ra được, không thay đổi được.
Tác phẩm “L’étranger” (Người xa lạ) của Albert Camus có kể về người tử tù tên Meursault sắp bị đem ra hành quyết. Anh ta chỉ còn hai mươi bốn giờ đồng hồ để sống. Nằm ngửa trong phòng giam, tự nhiên anh ta thấy được một khung trời trên trần nhà. Khung trời đó chỉ nhỏ chừng một thước vuông thôi, nhưng không biết điều gì đã xảy ra mà lần này nhìn trời anh ta thấy màu trời xanh rất huyền diệu, rất mầu nhiệm. Anh ta đã thấy được màu trời một cách sâu sắc có thể là nhờ ý tưởng mình sẽ bị hành hình trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Đã hơn ba mươi năm để thấy trời xanh, nhưng chưa bao giờ anh tiếp xúc được với trời xanh một cách hiện thực như vậy. Có thể là vì gần chết nên anh có được cơ hội đó. Lúc đó anh có một cái thấy rất mới. Anh quyết định là từ bây giờ cho đến lúc bị đem ra hành quyết anh phải sống trong tỉnh thức. Khi ông cha muốn vào để rửa tội cho anh thì anh ta đã từ chối, anh không muốn mất thì giờ tại vì anh chỉ có hai mươi bốn giờ để sống. Anh muốn trong hai mươi bốn giờ còn lại đó giây phút nào cũng là giây phút tỉnh thức. Anh ta tự hỏi liệu ông cha đó có thể giúp gì được cho anh, trong khi chính ông cha đó có thể cũng đang sống trong sự quên lãng. Sống như vậy thì cũng như một người chết (Il vit comme un mort). Triết lý của cuốn “L’Étranger” là giây phút tỉnh thức (le moment de conscience).
Hầu hết chúng ta sống một cách rất máy móc, không phá tung được xích xiềng của thói quen tư duy và hành xử để thoát ra. Chúng ta đi không có ý thức, ăn không có ý thức, lái xe không có ý thức. Chúng ta để cho cái máy điều khiển cho nên ta chỉ quanh quẩn trong vòng buồn giận, thất vọng, tuyệt vọng và bị giam hãm trong vòng buồn giận đó mà không thoát ra được. Chúng ta chưa bao giờ thật sự có tự do. Chúng ta có thể làm được nhiều việc, nhưng những việc đó cũng chỉ được làm một cách máy móc mà thôi.
Trong đoạn cuối của cuốn “Thả một bè lau” tôi có bàn tới vấn đề ý chí tự do. Tôi đưa ra một ví dụ: Một anh chàng kia vào trong một buổi họp, mỗi khi bị người ta nói một câu làm phật ý thì anh phản ứng rất giận dữ, vì vậy không một buổi họp nào mà anh được thành công. Vì ý thức được điều đó nên anh nói:
- Tôi sẽ không đi họp nữa tại vì mỗi khi đi họp mà nghe người ta nói những câu xóc óc thì tôi lại phản ứng như vậy. Tôi đi họp chỉ vô ích thôi!
Một người bạn nói:
- Thôi kỳ này đi họp tôi sẽ ngồi bên anh, tôi sẽ cầm tay anh trong suốt buổi họp và mỗi khi có ai nói điều gì khó nghe thì tôi sẽ bấm vào tay anh một cái để nhắc nhở anh. Khi thấy tôi bấm vào tay anh thì anh biết rằng anh sẽ giữ im lặng, biết rằng nếu anh phản ứng thì sẽ làm hư buổi họp và gây ra những xáo trộn như những lần trước. Anh chỉ cần im lặng mỗi khi tôi bấm vào tay anh thì có thể có một sự thay đổi.
Nhờ người bạn cầm tay trong suốt buổi họp mà lần đầu tiên anh ngồi yên được mà không phản ứng. Có một cái gì rất mới đã can thiệp vào đời anh, tại vì chuyện đó chưa bao giờ xảy ra cho anh. Lâu nay anh chỉ phản ứng như một cái máy. Cái can thiệp vào là bàn tay của một người bạn.
Trong Truyện Kiều có nhân vật sư cô Giác Duyên. Giác Duyên có nghĩa là một điều kiện để thức tỉnh. Chúng ta sống trong mê, sống như một cái máy, nên chúng ta cứ quanh quẩn trong vòng buồn giận mà không thoát ra được. Nhưng nếu có một Giác Duyên đi vào cuộc đời ta thì việc đó có thể sẽ tạo ra được một hoàn cảnh mới.
Tam học là con đường thoát
Nếu ta đã từng là nạn nhân của những phản ứng do thói quen, nếu ta đã từng bị giam hãm trong vòng buồn giận không thoát ra được, nếu ta cứ đi từ giai đoạn trầm cảm này đến giai đoạn trầm cảm khác thì ta phải biết con đường đưa ta thoát ra là con đường Tam học. Tam học là niệm, định và tuệ. Niệm là nhắc nhở, là ý thức được những gì đang xảy ra.
Người bạn cầm tay ta trong suốt buổi họp và bấm một cái khi thấy ta sắp phản ứng trước tình trạng xảy ra, đó là niệm. Người bạn nhắc nếu anh phản ứng thì anh sẽ gây đổ vỡ. Tôi bấm tay anh để anh đừng phản ứng, anh ngồi yên thôi. Đó là niệm.
Ý chí tự do bắt đầu từ niệm, không có chánh niệm thì không có ý chí tự do. Theo Duy biểu học, tâm của ta biểu hiện thành những tâm sở hay tâm hành. Có tất cả 51 tâm hành, trong đó có tâm hành xúc (contact). Một sự tình xảy ra ở hoàn cảnh bên ngoài đánh động lên tâm hành bên trong, đó là tác ý (attention, advertance), tiếng Phạn là manaskāra. Tâm hành xúc và tác ý phát khởi và giao lưu với những tâm hành khác như tâm hành thọ (sensation, feeling), tâm hành niệm tức nhớ tưởng. Niệm ở đây chưa phải là niệm trong Tam học, mà mới là sự hồi tưởng. Trong ta có những khổ đau, những kinh nghiệm, và khi tiếp cận với một sự kiện nào đó (xúc) thì cái thấy đó có thể đánh động ký ức của ta (tác ý). Ta nhớ lại những chuyện đã xảy ra ngày xưa. Ví dụ ta thấy một người mà nét mặt hao hao giống như nét mặt của người ta thương ngày xưa thì ta nhớ người thương của ta. Xúc tạo ra tác ý, hình ảnh của người thương ngày xưa trở lại và đưa tới cảm thọ (thọ). Cảm thọ đó có thể là khó chịu, có thể là dễ chịu, nhớ nhung hay buồn khổ. Một âm thanh nào đó gợi ta nhớ lại người đã làm cho ta đau khổ và khi nhớ lại những kỷ niệm đau khổ thì cảm giác đó có thể là cảm giác đau khổ. Trong khi đó, một người khác cũng nghe cùng một âm thanh ấy, nhưng họ không có kỷ niệm, không có quá khứ như vậy nên cảm giác của người đó không giống cảm giác của ta.
Xúc đánh động tới tác ý, tác ý đánh động tới niệm, niệm đánh động tới thọ, thọ đánh động tới tưởng (tri giác). Tri giác của ta tùy thuộc rất nhiều ở các tâm hành khác như thọ, tác ý v.v… Đó là chúng ta đơn giản hóa chứ sự thật thì có thể có đến ba hay bốn chục tâm hành cùng hiện hành một lúc để đưa tới thọ hay tưởng, rồi tưởng đưa tới tư. Tư (volition) là ý muốn làm cái gì đó, có thể là để phản ứng lại, phản ứng một cách giận dữ, một cách trìu mến hay một cách buồn rầu. Mỗi khi có một cảm thọ hay một cái tưởng thì tự nhiên có tư, tức là có một ý muốn làm một cái gì đó, hay nói một cái gì đó để phản ứng lại (như một phản xạ). Nghe một câu nói hay thấy một cái gì chướng tai gai mắt, tự nhiên ta muốn đáp lại liền. Tất cả cái đó phát sinh từ nhiều nguyên nhân, những tâm hành trong ta đồng thời tạo tác với nhau.
Trong 51 tâm hành có những tâm hành tích cực và những tâm hành tiêu cực. Trong ta có tâm hành tham (thèm khát), tâm hành sân (giận dữ), tâm hành si (u mê), tâm hành mạn (mặc cảm cho mình là hơn, là thua hay là bằng người). Những tâm hành tiêu cực còn nhiều (như nghi, tà kiến, phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siễm, hại, kiêu v.v…) Nhưng có điều lạ là trong ta cũng có những tâm hành ngược lại, những tâm hành tích cực như vô tham, vô sân, vô si, xả v.v… Chúng ta sở dĩ có tâm hành thất niệm tại vì chúng ta cũng có tâm hành niệm.
Học về nội dung của 51 tâm hành ta thấy: Trong chúng ta có tâm hành hại (violence) tức là ý muốn trừng phạt, muốn đánh, muốn làm cho người kia khổ. Nhưng trong tâm ta cũng có tâm hành gọi là bất hại (non violence). Bất hại là avihiṃsā, là bất bạo động. Trong tâm ta có những tâm hành đối kháng nhau và chúng đang cùng có mặt. Ta có tâm hành si, tức sự u mê, hay tri giác sai lầm. Nhưng tâm hành vô si, tức tuệ giác (Bát nhã) cũng có trong tâm ta. Hễ có một tâm hành tiêu cực thì cũng có một tâm hành tích cực.
Trong khoa học vật lý nguyên tử người ta khám phá ra những lạp tử, tức những đơn vị bé nhỏ của vật chất như điện tử. Điện tử (électron) có tính chất âm. Người ta khám phá ra rằng nếu có điện tử thì có phản điện tử (anti électron, có khi gọi là positron), có giới tử (méson) thì có phản giới tử (antiméson), có vật chất (matière) thì có phản vật chất (antimatière), có chất điểm (particule) thì có phản chất điểm (antiparticule).
Trong đạo Phật có ý niệm về sắc và không. Sắc là matière và không là antimatière. Học về Tâm lý học Phật giáo chúng ta thấy những điều rất kỳ diệu. Trong tâm ta có yếu tố của sự u mê, nhưng đồng thời cũng có yếu tố của sự giác ngộ. Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày, ta không được học hỏi, không được tiếp xúc với Giác Duyên, nghĩa là với những yếu tố có khả năng đưa ta ra khỏi vòng buồn giận, nên ta chỉ đi quanh quẩn trong đó mà thôi. Mỗi khi nghe hay thấy cái gì đó thì ta phản ứng liền để gây ra đau khổ. Ta không chỉ nghe và thấy những gì ở bên ngoài mà ta cũng tiếp xúc được những gì ở bên trong như những kỷ niệm, tư duy và mỗi khi nghĩ nhớ lại thì ta cũng phản ứng. Ta phản ứng để gây đau khổ cho chính mình và cho người khác. Ta bị trầm cảm (dépression) cũng vì vậy. Ta có những tư tưởng, những cái nhìn tiêu cực rồi ta cứ đi quanh đi quẩn, nếu ta cứ nhai đi nhai lại những tư tưởng và nhận thức tiêu cực đó thì lẽ đương nhiên ta sẽ bị rơi vào trong hố trầm cảm. Ta không thoát ra được. Trong nội thân cũng như trong hoàn cảnh của ta có những yếu tố đó và tùy theo cách ta nhận thức chúng mà chúng quyết định đời ta, chúng làm cho ta đi vòng vòng không thoát ra khỏi được. Làm sao để có thể can thiệp vào, để có thể chấm dứt được lề lối phản ứng mà ta đã theo trong bao nhiêu năm trong quá khứ? Câu trả lời của đạo Phật là phải có niệm, định và tuệ, tức là Tam học.
Chuyện đâu còn có đó
Cách thức ta phản ứng đã thành một tập khí, một thói quen. Bây giờ ta tập như thế nào để có được những thói quen mới, những phương pháp đối phó khác, thì mới có thể thoát khỏi tình trạng cũ. Ta tự dặn mình, trong quá khứ ta đã từng có phản ứng gây ra đổ vỡ. Từ bây giờ ta quyết tâm không làm như vậy nữa. Mỗi khi có hoàn cảnh bất như ý xảy ra thì ta không phản ứng liền, ta không để cơn giận làm chủ lấy ta để ta có thể nhìn cho kỹ và nhờ đó ta có thể có một lề lối phản ứng khác. Trong tiếng Việt có câu “Chuyện đâu còn có đó”, tại sao ta phải phản ứng liền? “Chuyện đâu còn có đó, tại sao ta phải hấp tấp?” là tuệ giác của cả một dân tộc.
Tại sao ta phải quyết định liền? Cho phép ta có được ba phút để nhìn lại và ta sẽ biến lối hành xử này thành một thói quen tốt. Tại sao ta phải nói lại một câu, hay phải làm gì đó để phản ứng? Ta có thì giờ, ta phải cho mình một không gian, quý vị hãy thử làm đi!
Nhưng muốn làm được thì ta phải luyện tập. Trước đây ta đã từng sống và phản ứng lại hoàn cảnh một cách máy móc. Từ hôm nay ta không muốn tiếp tục cách sống đó nữa. Ta đặt cho ta những kế hoạch để ta có thể làm hay hơn trong tương lai. Đây là phương pháp thực tập chánh niệm. Chánh niệm là ý thức được những gì đang xảy ra mà không cần phải đi tới một quyết định, không cần phải chối bỏ hay chấp nhận ngay lập tức.
Tư là quyết định muốn làm cái gì đó, muốn phản ứng lại. Thường thường là khi có thọ và tưởng rồi là ta muốn hành động, muốn phản ứng ngay. Nhưng bây giờ ta không muốn đi tới tư liền, ta muốn cho ta một không gian, ví dụ như ta để ra vài ba phút để thở hay để đi thiền hành. Chuyện đâu còn có đó, ta không cần phải gấp gáp. Tuệ giác có thể tới trong những phút đó vì niệm thường đưa tới định và tuệ.
Nếu quý vị đã từng bị sa vào trạng thái trầm cảm và rất sợ phải sa vào lần nữa thì quý vị có thể thực tập phương pháp này. Ta phải biết, phải nhận diện được những gì xảy ra trong tâm của mình. Nếu đó là một tư tưởng có tính cách tiêu cực, bi quan, mặc cảm thì ta biết đó là một tư tưởng tiêu cực, bi quan, mặc cảm. Trước hết ta phải nhận diện và cho nó một không gian, không hẳn là ta phải hành động liền. Khi nhận ra đó là một tư tưởng bi quan, chán nản thì ta nói: “À, đây là một tư tưởng bi quan, chán nản”. Nếu ta cứ quanh quẩn đi theo nó thì ta có thể sa vào trầm cảm. Nếu ta cứ nhai đi nhai lại cái tư tưởng bi quan, buồn giận hay tuyệt vọng đó thì thế nào ta cũng rơi xuống hố trầm cảm. Nhưng nếu trong khi đang nhai đi nhai lại tư tưởng bi quan, buồn nản đó mà ta biết là ta đang nhai thì đã có một cái gì mới xảy ra rồi. Thường thì ta không biết là ta đang nhai đi nhai lại cái tư tưởng bi quan, buồn thảm, sầu khổ đó. Ta bị nó đưa đi. Ma đưa lối quỷ dẫn đường là vậy.
Nhưng khi có niệm là ta biết ta đang nhai lại, mà biết ta đang nhai thì tự nhiên ta hết nhai liền. Ta cho ta một không gian, có thể là ba phút, để ngồi thở hoặc đi thiền hành. Ta cho ta một cơ hội để điều kiện giác ngộ có thể xảy ra. Chìa khóa giúp ta thoát ra khỏi thân phận nô lệ của ta để đạt tới tự do nằm ở chỗ là ta ý thức được cái gì đang xảy ra. Đó là niệm. Đây là một sự luyện tập chứ không phải là một lý thuyết.
Phương pháp thực tập: Có niệm là bắt đầu có tự do
Ta phải luyện tập từ từ. Trước hết ta phải tập thở. Thở vào ta biết ta đang thở vào; thở ra ta biết ta đang thở ra. Trong đời sống hàng ngày, nếu không tu tập, ta cứ thở vào thở ra như một cái máy. Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra, ta vẫn thở nhưng hơi thở này rất khác, hơi thở này chứng tỏ là ta đã đưa được niệm vào trong hơi thở. Trước khi lái xe, tại sao ta không cho mình một hay hai phút để ngồi thở? Đó gọi là ý thức về hơi thở, tức là một cách luyện tập để biết được những gì đang xảy ra, để làm chủ được chúng mà không bị nô lệ vào chúng. Khi bước đi, nếu không ý thức thì ta sẽ không làm chủ được bước chân, ta sẽ bước đi như bị ma đuổi. Nó bước chứ không phải ta bước. Nó là cái gì? Nó là cái máy. Nó bước đi, nó thở chứ không phải ta đi, ta thở.
Lúc mới bắt đầu, mỗi ngày ta nên thực tập ba phút, đi từng bước và ý thức được từng bước chân của mình. Ta không còn là cái máy nữa, ta là con người tự do. Đó là sự bắt đầu của ý chí tự do, nắm được hơi thở, nắm được bước chân.
Mỗi ngày ta có thể uống trà nhiều lần. Nhưng nếu muốn thực tập thì ta tự qui ước là mỗi ngày ta sẽ uống chén trà đầu tiên trong chánh niệm. Trong khi uống trà ta biết là ta đang uống trà, ta đang đưa chén trà lên cao, ta đang uống trà và đang để chén xuống. Ý chí tự do bắt đầu.
Trước hết ta phải nắm được hơi thở, rồi bước chân, rồi một vài hành động của mình. Cố nhiên ta không thể nào làm được tất cả trong chánh niệm, nhưng ta có thể chọn vài phương pháp thực tập và mỗi ngày ta phải làm cho được. Ví dụ như chải răng, sáng nào chúng ta cũng chải răng, nhưng thường thường thì ta chải răng như một cái máy. Bây giờ ta quyết định: Mỗi khi chải răng ta thực tập chánh niệm. Để kem đánh răng lên bàn chải, ta biết ta đang để kem đánh răng lên bàn chải, đưa tay lên chải răng ta ý thức được từng cử động của bàn tay mình. Chúng ta có thể để hai phút để chải răng mà hai phút đó là hai phút chải răng trong chánh niệm. Ta không để cho cái máy làm, ta làm với ý thức và tự do của mình. Chúng ta nên tìm thêm vài phương pháp thực tập và quyết định làm mới mình mỗi ngày. Buổi sáng chúng ta mở cửa nhìn ra ngoài và ngồi yên ba phút, để ý tới những tiếng động đang xảy ra.
Sáng hôm nay vào thiền đường, tôi đã ngồi xuống rồi trong khi một số còn đang đi vào. Tôi đã áp dụng phương pháp này, ngồi rất yên và để ý tới những âm thanh trong thiền đường. Tôi nhắm mắt lại và nhận diện những âm thanh đang xảy ra. Đó cũng là ngồi thiền, chứ không phải đợi có ba tiếng chuông rồi ta mới bắt đầu tập thở. Ta ngồi yên và những âm thanh đó không quấy động được ta, không hẳn là khung cảnh phải thật yên ta mới ngồi thiền được. Có tiếng kéo ghế, có tiếng xì xào, có tiếng đẩy gối, nhưng tất cả những âm thanh đó không làm rộn được ta vì lúc đó chủ đích của ta là ngồi để nhận diện những tiếng động mà ta có thể nghe được.
Quý vị cũng có thể làm như vậy. Trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng thức dậy, ta có thể ngồi ba phút để lắng nghe và nhận diện những âm thanh trong nhà mình. Ta có thể ngồi trước cửa sổ nhìn ra, nhận diện cội cây này, bông hoa kia, mái nhà đó. Nói tóm lại là ta phải tìm cách để thoát ra khỏi thân phận nô lệ của mình. Tự do là nhờ ta có niệm. Khi có niệm thì ta bắt đầu sống đời sống mới của ta. Khi ta có khả năng thực tập như vậy trong một thời gian, hoặc ba hoặc năm hoặc bảy tuần, khi ta có thể nhận diện được bước chân của ta, hơi thở của ta, cử chỉ của ta, khi ta uống trà hay rửa bát thì lúc đó ta có thể bắt đầu nhận diện được tư duy cảm thọ của mình. Tuy rằng những tư duy kia đang còn tiêu cực và những cảm thọ kia có thể là còn những khổ thọ, nhưng nhận diện được chúng là đã có sự khác biệt lớn rồi. Nhận diện được chúng là mình không còn bị nô lệ cho chúng nữa.
Chúng ta khổ đau là vì chúng ta không có tự do, chúng ta chưa thoát ra được thân phận của một cái máy. Niệm giúp cho chúng ta sống không còn như một cái máy nữa. Chúng ta bắt đầu có chủ quyền. Niệm, định và tuệ có thể đưa tới cho ta những vùng năng lượng rất lớn. Có những người sống ở nước Pháp hai ba chục năm hay suốt đời mà không biết nước Pháp có những vùng rất đẹp. Họ chỉ quanh quẩn trong làng, trong tỉnh của họ. Rất tội nghiệp cho họ, họ không có cơ hội khám phá ra những cái đẹp tuyệt vời ở những miền đất khác của nước Pháp.
Chìa khóa mở tung cánh cửa những vùng mầu nhiệm
Cũng vậy, trong thân tâm của ta có những vùng rất mầu nhiệm mà ta chưa bao giờ biết tới, chưa bao giờ thăm viếng. Có thể đó là những vùng của niệm, của định và của tuệ. Ví dụ như quý vị có một máy tính xách tay, một cái PC hay một Macintosh, nhưng quý vị chưa sử dụng được hết tất cả những khả năng của máy, quý vị chỉ sử dụng được mười hoặc hai mươi phần trăm khả năng của nó thôi. Tâm ta cũng vậy, rất mầu nhiệm. Trong đó có tuệ giác, có từ bi, có hạnh phúc lớn nhưng ta chưa với tới được. Ta chỉ biết quanh quẩn trong vòng buồn giận với những tâm hành tiêu cực (tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến) mà thôi. Những tâm hành như đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả mầu nhiệm như vậy mà ta lại không với tới. Hãy sử dụng những vùng mầu nhiệm của tuệ giác để thoát ra khỏi thân phận nhỏ bé của mình. Vì cứ giam mình trong vòng tham, sân, si nên ta mới gánh chịu khổ đau từ năm này sang năm khác và làm cho những người xung quanh ta cũng khổ đau theo.
Đức Thế Tôn đã trao cho chúng ta một chiếc chìa khóa, chìa khóa của Tam học (niệm-định-tuệ). Nếu muốn, chúng ta có thể dùng chìa khóa đó để mở tung ra biết bao nhiêu cánh cửa. Ví dụ chúng ta mới mua một ngôi nhà mới, hay một lâu đài mới. Tuy sở hữu cả một tòa lâu đài nhưng nếu chúng ta chỉ ở trong bếp, ta không có chìa khóa để đi vào các phòng lớn thì uổng biết bao nhiêu. Cũng như ở nước Pháp đẹp như vậy mà chúng ta chỉ quanh quẩn trong làng của mình, không đi tới được những nơi khác. Một lần kia đi chơi tuyết ở Vermont, tôi có nói với một người bạn:
- Theo tôi thì trong bản tuyên ngôn nhân quyền phải thêm câu này: Sinh ra trên trái đất thì mỗi người phải có quyền được thấy biển và thấy núi tuyết, vì có những người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, chưa bao giờ được thấy biển, chưa bao giờ được thấy núi tuyết. Rất uổng cho họ!
Chúng ta cũng vậy, chúng ta chỉ quanh quẩn trong vòng đau khổ của tham, sân, si; chúng ta chưa bao giờ hưởng được cái đẹp của đại từ, đại bi, đại trí tại vì chúng ta không có tự do, chúng ta không thoát ra được. Chúng ta sống đời sống hàng ngày của ta như những cái máy.
Với chìa khóa của Tam học mà đức Thế Tôn đã trao, chúng ta hãy mở tung cánh cửa của những vùng mầu nhiệm trong cuộc đời và trong tâm thức của ta. Ngài đã chỉ dẫn rất rõ: niệm là thế nào, định là thế nào, tuệ là thế nào. Nếu quý vị muốn nếm được những mầu nhiệm của sự sống, muốn thoát ra khỏi thân phận đau buồn, hạn hẹp thì quý vị phải dùng chìa khóa của đức Thế Tôn. Chìa khóa này rất rõ ràng: Đừng vội phản ứng, đừng bằng lòng đi quanh trong cái vòng nhỏ hẹp, hãy thoát ra bằng con đường thoát là niệm. Niệm là nhận diện những gì đang xảy ra.
Tự do phải tranh đấu mới có
Tôi đề nghị quý vị, nhất là những người còn mới trong sự thực tập, nên chọn cho mình vài bài thực tập, ví dụ như bài chải răng: “Tôi quyết định là từ nay mỗi khi chải răng, tôi không suy nghĩ tới chuyện quá khứ, chuyện tương lai. Tôi quyết chải răng như thế nào để ý thức được từng cử động, chải răng như thế nào để có hạnh phúc, có an lạc, có tự do trong khi tôi chải răng”. Tự do bắt đầu từ đó. Hay quý vị có thể quyết định như thế này: “Mỗi khi mở cửa xe hơi bước lên thì tôi không rồ máy liền, tôi cho tôi ba phút để ngồi thở và mỉm cười, tôi biết rằng tôi là ai và đang sắp sửa đi đâu”. Đó là những giây phút đưa lại cho ta tự do. Tự do không tự nhiên tới mà do ta tranh đấu mới có.
Sở dĩ trong lòng chúng ta đầy những u buồn, sầu khổ là vì chúng ta không có tự do, tự do đó ta phải tranh đấu mới có. Không phải là vì ta đi tới một khung trời nào đó thì tự nhiên có tự do, hay chờ đợi một thời gian nào đó trong tương lai thì ta mới có tự do. Tự do phải tranh đấu mới có, tranh đấu bằng sự thực tập chánh niệm. Khi ý thức được những gì đang xảy ra là chúng ta bắt đầu có tự do. Đó là cái bấm tay của người bạn nhắc cho ta đừng để bị kéo theo, ta phải làm chủ được mình.
Trong Tâm lý học Phật giáo, chúng ta học về những tâm hành và mỗi khi một tâm hành biểu hiện thì ta ý thức được nó, ta mỉm cười với nó và ta bắt đầu có tự do. Tại nội viện Phương Khê có một cầu thang mười tám bậc. Ba mươi năm nay, mỗi khi lên cầu thang tôi đều đi có chánh niệm, mỗi khi đi xuống cầu thang tôi đều đi xuống có chánh niệm. Tôi không để cho bước chân nào lọt ra khỏi chánh niệm. Đi trên Vạn Lý Trường Thành, hoặc leo lên Ngũ Đài Sơn thì tôi cũng đi như vậy. Leo lên máy bay, hay leo lên một cầu thang nào đó, tôi cũng đều bước những bước chân chánh niệm. Ta bắt đầu ở chỗ quyết định chọn cho mình một sự thực tập hàng ngày và ta quyết tâm làm cho được. Ví dụ nếu quý vị chọn phương pháp chải răng trong chánh niệm thì sáng nào quý vị cũng phải chải răng trong chánh niệm. Sau khi ăn cơm trưa, trước khi đi ngủ quý vị phải chải răng trong chánh niệm. Làm được như vậy mỗi ngày sẽ đưa tới chủ quyền cho ta trong đời sống hàng ngày. Có chủ quyền rồi thì ta mới nhận diện được những tư tưởng, những tư duy, những cảm thọ và những lề lối phản ứng của mình. Khi nhận diện được chúng thì ta không còn là nạn nhân của chúng nữa, ta bắt đầu có tự do. Nếu quý vị không ý thức được những gì đang xảy ra cho thân mình như là bước chân, hơi thở hay hành động thì quý vị sẽ không nhận diện được những gì xảy ra trong phạm vi cảm thọ, tri giác hay tư duy. Ta để cho tư duy tiêu cực, sầu khổ kéo đi, ta cứ gặm nhấm chúng và cứ tiếp tục khổ đau.
Chánh niệm trước hết là nhận diện, nhận diện đơn thuần mà không xua đuổi, không lên án, không vướng mắc. Có thể mỗi ngày quý vị cho mình thêm nhiều không gian, đừng vội vã phản ứng. Mỗi khi lâm vào tình trạng nào đó, hoặc quá thích thú, hoặc quá bực bội, quý vị hãy để cho mình không gian vài ba phút để thở, để đi thiền hành. Ta không cần phải phản ứng liền, chính tự do đó đưa lại cho ta ánh sáng, cho ta cơ hội có được tuệ giác. Hành động trên tuệ giác sẽ không bao giờ đem lại đau khổ. Với tôi, “án binh bất động” (có nghĩa là không làm, không nói gì hết) rất quen thuộc. Không hẳn là ta phải nói, phải làm gì mới chứng tỏ được là ta có tuệ giác, ta có cái thấy. Nhiều khi có cái thấy rồi thì ta biết là ta không cần nói, không cần làm gì cả. Ta khỏe ru và người kia cũng khỏe ru. Không phải tuệ giác chỉ đưa tới hành động, có khi tuệ giác đưa tới quyết định không hành động và cái quyết định không hành động ấy sẽ đưa tới hòa bình, an lạc và tình huynh đệ.
Xin đại chúng trong ngày hôm nay, ngày mai và ngày mốt bớt nói chuyện lại. Ta phải chiêm nghiệm, phải đặt kế hoạch cho năm mới, không phải kế hoạch làm ăn mà là kế hoạch tu học. Ta phải chọn cho ta phương pháp thực tập mà ta sẽ áp dụng trong năm tới, tôi đề nghị là những phương pháp đó phải rất cụ thể. Tôi ước muốn quý vị phải làm thế nào để khi gặp một trường hợp, một hoàn cảnh bất như ý thì quý vị phải cho mình một không gian. Không gian là một tặng phẩm rất lớn. Đừng vội quyết định! Đừng vội phản ứng! Ta cho ta ba phút để đi thiền hành, để suy nghĩ rồi ta sẽ thấy rằng không phản ứng cũng là một hành động, không phản ứng là một tuệ giác rất lớn. Tôi rất thích câu: Chuyện đâu còn có đó. Ta không cần phải phản ứng liền, để đó đã. Lúc tâm ta an lại, bình tĩnh lại thì ta sẽ thấy phản ứng lại là dại dột, là đưa tới đổ vỡ. Mỗi người trong chúng ta phải chọn sự thực tập mỗi ngày và một khi đã quyết tâm thì phải làm cho được. Những lúc chúng ta sinh hoạt hàng ngày như khi lái xe, nấu cơm, chải răng, tắm rửa hay tưới vườn là những giây phút của tự do. Chúng ta phải làm những việc đó như thế nào để có tự do. Khi ăn cơm chúng ta phải tập ăn như những con người tự do. Chúng ta ngồi ăn và để ý tới cách làm việc của răng, của lưỡi. Cái cằm của mình làm việc như thế nào? Cái hàm của mình làm việc như thế nào? Chúng ta sẽ thấy rằng lâu nay chính cái máy nó ăn chứ không phải ta ăn, cái máy đi chứ không phải ta đi, cái máy phản ứng chứ không phải ta phản ứng. Đây đúng là lúc ta phải bắt đầu nắm lấy chủ quyền của đời ta.