Định đề 16

 

Bốn diệu đế đều là hữu vi, Bốn diệu đế đều là vô vi.

The Four Noble Truths are all conditioned dharmas. The Four Noble Truths are all unconditioned dharmas.

Les Quatres Vérités Saintes sont toutes conditionnées. Les Quatres Vérités Saintes sont toutes non conditionnées.

Có những tông phái chủ trương rằng sự thật thứ nhất, thứ hai và thứ tư là hữu vi, còn sự thật thứ ba là vô vi.

  • Sự thật thứ nhất: Khổ là hữu vi.
  • Sự thật thứ hai: Tập tức cội nguồn của khổ đau, cũng là hữu vi.
  • Sự thật thứ ba: Diệt tức sự vắng mặt của khổ đau là vô vi tại vì diệt là Niết bàn mà Niết bàn là vô vi.
  • Sự thật thứ tư: Đạo tức con đường đi tới diệt khổ cũng còn là hữu vi.

Có những tông phái lại cho sự thật thứ tư là vô vi, vì vậy sự thật thứ ba và thứ tư là vô vi. Đạo đế tức con đường Bát chánh đạo cũng là vô vi tại vì nó đưa tới vô vi.

Làng Mai chúng ta chủ trương: Bốn diệu đế đều là hữu vi, Bốn diệu đế đều là vô vi. Chủ trương này đi song song với chủ trương thứ hai: Đứng về tích môn tất cả các pháp đều là hữu vi. Đứng về bản môn tất cả các pháp đều là vô vi. Bốn diệu đế, đứng về phương diện tích môn là hữu vi, nhưng đứng về phương diện bản môn đều là vô vi, chúng vừa là hữu vi vừa là vô vi. Chủ trương thứ 16 này trung thành với chủ trương thứ hai. Nếu nói hữu vi thì tất cả bốn đế đều là hữu vi, nếu nói vô vi thì tất cả bốn đế đều là vô vi.

Bốn sự thật cao quý có thể được chia ra thành hai cặp nhân quả: nhân tập đưa tới quả khổ và nhân đạo đưa tới quả diệt. Đạo (mārga) là con đường Bát chánh. Thực tập theo con đường Bát chánh thì sẽ đi tới quả diệt tức là Niết bàn, là sự vắng mặt hoàn toàn của khổ đau. Trong khi đó thì tập là nguyên do của khổ đau, ta cũng có thể gọi đó là con đường đưa tới khổ đau. Chúng ta có thể nhìn tập như là một con đường đưa tới khổ, đưa tới sinh tử. Khổ ngược với diệttập ngược với đạo. Đạo là Bát chánh đạo và ta có thể tạm gọi tập là Bát tà đạo. Bát tà đạo là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà định. Bát chánh đạo, tiếng Pháp là Le Sentier Noble, còn Bát tà đạo là Le Sentier Ignoble. Bát tà đạo đưa tới sinh tử (saṃsāra) tức là đưa tới khổ.

Con đường Bát chánh đạo đã được đức Thế Tôn trình bày trong bài pháp thoại đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Trong khi chuyển pháp luân Ngài nói về Bốn sự thật và con đường của tám sự hành trì chân chính. “Chuyển Pháp Luân Kinh” là bài pháp thoại đầu tiên. Nếu suy nghĩ kỹ chúng ta thấy rằng trước khi đi thuyết pháp đức Thế Tôn đã chiêm nghiệm rất lâu. Ngài đã ngồi dưới cây bồ đề nhiều tuần lễ để chiêm nghiệm cách diễn bày những gì Ngài vừa chứng đắc. Cái mà đức Thế Tôn chứng đắc là sự giác ngộ, nó chưa có hình thái để diễn tả. Có nội dung của sự giác ngộ nhưng đức Thế Tôn cần một hình thái để diễn tả sự giác ngộ đó. Chúng ta có thể nghĩ: Trong thời gian ngồi dưới cội bồ đề sau khi thành đạo, một phần Ngài thưởng thức thành quả tu học của mình, một phần Ngài tìm cách diễn bày sự giác ngộ đó để có thể giúp cho những người khác. Đức Thế Tôn đã quán chiếu khá kỹ lưỡng nên bài thuyết pháp đầu tiên được nói ra rất đầy đủ, rất vững chãi. Suốt trong cuộc đời giáo hóa của Ngài, Tứ diệu đế và Bát chánh đạo chính là cột sống, là cốt lõi của giáo lý và sự hành trì.

Nhưng nếu học hỏi không thông minh, chúng ta có thể nghĩ rằng đây là những giáo điều (dogma), vì vậy tuy là giáo lý ấy không khó gì mấy nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu được. Đức Thế Tôn nói: “Khổ là một sự thật”, thì ta nói: “Đời là khổ! Cái gì cũng khổ hết!”. Có người cứ nhắc đi nhắc lại câu “đời là khổ”, biển khổ mênh mông, và cho rằng nói và nghĩ như vậy là ta đang trung thành với giáo lý của đức Thế Tôn. Nhưng mục đích của đức Thế Tôn không phải là để miêu tả cuộc đời, mục đích của Ngài là giúp ta đi tới vượt thắng khổ đau để có hạnh phúc. Ngài không phải là một nhà văn ngồi đó để tả cuộc đời là khổ. Khổ không phải là một giáo điều. Khổ là một sự khai thị. Có những người tự cho mình là trung thành với đức Thế Tôn tìm mọi cách để chứng minh rằng đời chỉ là khổ. Nhưng đức Thế Tôn không muốn chứng minh gì cả. Ngài chỉ muốn giúp ta thực tập cho hết khổ. Ngài không phải là nhà khoa học chỉ muốn chứng minh sự thật mà mình đã tìm ra là đúng. Ngài chỉ muốn trao truyền phương pháp thực tập cho ta. Đây là phương pháp thực tập chứ không phải là sự diễn tả sự thật, không phải là lý luận để chứng minh.

Đức Thế Tôn không muốn chứng minh “khổ đau là một sự thật”. Ngài chỉ muốn chúng ta nhận diện khổ đau để tu học hầu thoát khổ.

Nguyên tắc của đức Thế Tôn là nguyên tắc y khoa. Khi có bệnh, ta biết bệnh là một sự thật và nhìn sâu vào bệnh ta thấy có nguyên do của bệnh. Nếu bệnh có nguyên do thì khi lấy nguyên do đó ra là ta lành bệnh.