Định đề 15
Chánh niệm về khổ đau giúp ta nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt và ngăn ngừa tạo tác của lầm lỗi và gieo nghiệp nhân xấu.
The awareness of suffering helps us recognize the existing conditions of happiness and also helps prevent the creation of wrong actions and the planting of negative seeds that will bring about suffering.
Câu này cho chúng ta thấy rằng khổ đế trong Tứ diệu đế trước hết có nghĩa là ý thức được sự có mặt của khổ đau. Khổ đế không phải là một giáo điều mà là một ý thức. Ý thức về sự có mặt của khổ đau giúp ta rất nhiều trong sự tu tập, tại vì khổ đau và hạnh phúc tương tức. Cũng như ngày và đêm, nếu không biết đêm thì ta cũng không ý thức được ngày là gì. Nếu đã từng đau khổ thì ta mới biết nhận diện được hạnh phúc. Có những người sống trong những điều kiện hạnh phúc mà không thấy hạnh phúc. Họ giẫm lên trên những điều kiện hạnh phúc mà đi. Ý thức được khổ đau và lấy nó làm bối cảnh thì tự nhiên ta nhận diện được hạnh phúc ta đang có.
Quên khổ đau thì mất hạnh phúc là như vậy! Khi nhớ lại những thời gian khổ đau, những lúc ta bị mắc kẹt và tuyệt vọng, và những lúc ta bị rơi vào trạng thái bế tắc thì tự nhiên ta nhận diện ra sự thật là hiện bây giờ ta đang có điều kiện của thảnh thơi, của hạnh phúc. Ta có thể nói rằng khổ đau là bối cảnh giúp cho điều kiện hạnh phúc hiện rõ ra, cũng như màu trắng của cuốn sách giúp cho ta thấy chữ viết rõ hơn. Trên bối cảnh của khổ đau hạnh phúc hiện ra rõ hơn. Chánh niệm về đệ nhất đế không phải là sự nhồi sọ “đời là khổ”. Chánh niệm về khổ có công năng đem lại hạnh phúc cho ta, căn cứ trên những điều kiện hạnh phúc ta đang có.
Trước khi xuất gia có thể ta đã có những khổ đau, bức xúc và tuyệt vọng. Khi được xuất gia, trong những năm đầu ta có hạnh phúc vì ta thoát ra được khỏi khổ đau và niềm tuyệt vọng đó. Ta sống trong những điều kiện thuận lợi, ta có thầy, có anh, có chị, có em, có thời khóa, có pháp môn. Nhưng sau vài ba năm thì ta lờn. Hạnh phúc nào cũng bị lờn, đó là sự thật. Khi chưa đậu bằng đó thì ta nghĩ nếu đậu được bằng đó ta mới thật sự có hạnh phúc. Khi có được mảnh bằng rồi thì ta chỉ được hạnh phúc trong sáu tháng hay một năm rồi ta thấy cái bằng ấy cũng không đem lại hạnh phúc gì mấy. Đó là thân phận của con người. Đó là lối hành xử của con người: Không biết trân quí những điều kiện của hạnh phúc đang có. Ta bị lờn với hạnh phúc, ta thấy chán. Trong năm thứ nhất và năm thứ hai của đời tu, ta thấy hạnh phúc quá. Nhưng qua năm thứ ba, thứ tư thì ta lờn, ta không thấy hạnh phúc nữa tại vì ta quên đi cái bối cảnh khổ đau đã giúp ta nhận diện được hạnh phúc. Vì vậy cho nên ta phải mang bối cảnh khổ đau đi theo để so sánh và khi nhận diện được điều kiện của hạnh phúc thì ta có hạnh phúc trở lại. “Làm thế nào để nuôi dưỡng hạnh phúc?” là một chủ đề rất lớn cho người xuất gia, ta phải quán chiếu và pháp đàm với nhau. Đạt tới hạnh phúc thì dễ, nuôi dưỡng và duy trì hạnh phúc mới là khó. Lúc đầu khi mới thương nhau thì dễ, làm sao giữ cho tình thương tiếp tục được ngọt ngào, nuôi dưỡng mới là chuyện khó.
Chánh niệm về khổ đau giúp ta nhận diện điều kiện hạnh phúc đang có mặt. Thấy được khổ cũng giúp cho ta hành xử cẩn thận, để ta không nói và không làm những điều gây ra khổ đau. Nếu ta nhận diện được khổ đau có ở trong ta và xung quanh ta thì ta cũng nhận diện được nguyên nhân gây ra khổ đau. Ở đâu có khổ đế thì ở đó có tập đế. Sở dĩ ta khổ là vì ta đã làm, đã nói, đã nghĩ như vậy. Sở dĩ người đó khổ là do người đó đã nói, đã làm, đã nghĩ như vậy. Thấy khổ thì ta biết là ta không nên nghĩ, không nên nói, không nên làm như vậy. Đó là chánh niệm. Gieo gió thì gặt bão, vì thấy bão tàn phá quá nên ta cương quyết không gieo gió. Vì vậy ý thức về khổ đau rất có lợi. Trong Mười bốn giới Tiếp Hiện có một giới nhắc ta đừng đánh mất ý thức về khổ đau. Không đánh mất ý thức về khổ đau thì tự nhiên ta duy trì được hạnh phúc, ta biết những gì ta nên làm và những gì ta không nên làm để cho hạnh phúc được tiếp tục và khổ đau không xảy ra.
Định đề 15 có liên hệ tới cách ta nhìn, cách ta học và cách ta hiểu về Bốn diệu đế. Đạo Phật không mắc kẹt vào giáo điều nên Tứ diệu đế được coi như một cách nhìn mà không phải là một giáo điều ta phải nhồi sọ. Nhiều người bị nhồi sọ quá nên nghĩ: trong kinh đã nói “đời là khổ” rồi thì ta phải tin thôi. Những cái mà người ta gọi là vui thì ta đều phải cho là khổ hết. Như vậy tức là ta bôi đen cuộc đời. Học Phật như thế là để bôi đen cuộc đời, ta thấy không có gì là hạnh phúc cả, trong khi sự thật thứ ba (diệt đế) là: Hạnh phúc có thể có được.
Sự thật thứ nhất là khổ đế và sự thật thứ ba là diệt đế tức là sự chấm dứt khổ đau. Chấm dứt khổ đau tức là có mặt hạnh phúc. Tứ diệu đế nói tới đau khổ nhưng cũng nói tới hạnh phúc. Cặp nhân quả đầu, khổ đế – tập đế, nói về đau khổ và cặp nhân quả thứ hai, diệt đế – đạo đế nói về hạnh phúc. Nhưng vì quá giáo điều nên khi học đế thứ nhất là khổ đế người ta nói “thôi đủ rồi” và không học tiếp nữa. Cách nhìn đó rất trái ngược với tinh thần của đạo Bụt. Chúng ta phải nhìn giáo lý Tứ diệu đế dưới ánh sáng của sự thực tập chánh niệm.