Định đề 12
Giới cũng là niệm. Giới luật và uy nghi là biểu hiện cụ thể của chánh niệm.
Precepts are mindfulness. Śīla is smŗti. Precepts and mindful manners are concrete expressions of mindfulness.
Đây là một giáo lý rất quan trọng của Làng Mai. Định đề 12 có liên hệ với định đề 11. Tam vô lậu học “niệm-định-tuệ” có khi được gọi là “giới-định- tuệ”. Có khi trong kinh nói: Từ giới mà sinh định, từ định mà có tuệ. Nhưng có khi trong kinh lại nói: từ niệm mà sinh định, từ định mà phát tuệ. Vì vậy chúng ta đi tới kết luận: Giới tức là niệm. Làng Mai chúng ta gọi Năm Giới là “Năm phép thực tập chánh niệm” (the Five Mindfulness Trainings). Nếu giới không phải là niệm thì giới chỉ là những ràng buộc hình thức.
Chúng ta vừa được học là giới luật và uy nghi giúp cho chúng ta phát khởi chánh niệm để ta đừng bị những phi như lý tác ý lôi kéo đi. Có phi như lý tác ý thì không còn niệm. Giới luật và uy nghi giúp ta phát khởi chánh niệm, cho nên giới là niệm. Giới mà không phát xuất từ niệm thì nó chỉ là hình thức. Đồng thời ta biết được tuy giới là niệm, nhưng phạm vi của niệm rộng hơn của giới. Các giáo lý cơ bản như bát chánh đạo và ngũ căn ngũ lực đều sử dụng cặp ba niệm định tuệ thay vì cặp ba giới- định-tuệ. Ta cũng thấy đối với hành giả, giới cụ thể hơn niệm, cũng vì giới nằm trong phạm vi của niệm.
Là người lái xe, chúng ta phải tuân theo luật đi đường. Tại sao ta phải tuân theo luật? Tại sao ta không lái tự do? Tại sao ta phải ngừng khi có đèn đỏ? Tại vì tất cả những luật lệ, những nguyên tắc, những thực tập đó đều nhằm ngăn ngừa không cho tai nạn xảy ra. Tới đèn đỏ ta phải dừng lại, ta không được qua mặt khi đường có gạch thẳng, làm theo như vậy thì ta sẽ tránh được tai nạn xe cộ. Nếu không thấy được mục đích của luật lệ thì ta sẽ bực bội: Tại sao phải ngừng khi đèn đỏ, tại sao không được qua mặt, tại sao không được bật đèn pha trong khi xe đối diện đang đi tới? Luật lệ là để giúp cho mọi người tránh được tai nạn.
Nếu không có chánh niệm, không thấy được rằng giới và uy nghi là để bảo hộ cho ta, giúp ta phát khởi chánh niệm thì ta sẽ bực bội: Tại sao phải giữ giới, tại sao phải giữ uy nghi? Giới là niệm, đó là cái thấy của Làng Mai. Giới phải lấy chánh niệm làm căn bản, giới phải phát xuất từ chánh niệm.
Những giới chúng ta đọc tụng ở Làng Mai như Năm giới hay Mười bốn giới đều chứng tỏ là giới phát xuất từ chánh niệm:
Ý thức được rằng chiến tranh và bạo động đã và đang gây ra quá nhiều đau khổ, con nguyện không sát hại, con nguyện bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài.
Lối diễn bày giới tướng như vậy chứng tỏ rằng giới phát sinh từ niệm. Ý thức được rằng làm cái này thì sẽ có khổ đau này, nói cái kia thì sẽ có khổ đau kia, đó là chánh niệm. Vì có chánh niệm nên con mới quyết định không nói như vậy, không làm như vậy. Giới là niệm, nếu giới không là niệm thì giới không thật sự là giới. Ta giữ giới với niềm vui và hạnh phúc chứ không có cảm tưởng là ta đang bị gò bó, ép buộc và ta rất hãnh diện khi giữ được giới luật và hành trì được uy nghi.
“Giới là niệm” là một khám phá của Làng Mai. Chúng ta tìm được rằng giới-định-tuệ cũng là niệm-định-tuệ vì bản chất của giới là niệm. Ý thức được sự khổ đau do sự sát hại gây ra nên chúng ta giữ giới không sát sinh. Nếu không có ý thức, không có chánh niệm như vậy thì giới không sát sinh bị xem như là một sự ràng buộc và làm bớt đi sự tự do của ta. Sau này tất cả các giới của Làng Mai đều sẽ được trình bày theo tinh thần đó để mọi người nhớ rằng: Bản chất của giới là niệm. Giới luật và uy nghi (Luật nghi) mà chúng ta hành trì với tư cách của người xuất gia hay người tại gia đều phát sinh từ niệm. Tất cả những uy nghi chúng ta thực tập đều có mục đích nuôi dưỡng chánh niệm và cũng phát sinh từ chánh niệm.
Hình thức của giới cũng như của uy nghi có thể được thay đổi để phù hợp với thời đại và nơi chốn chúng ta đang thực tập. Tuy giới luật và uy nghi có thể khác, nhưng bản chất của chúng vẫn là chánh niệm. Giới luật và uy nghi có thể thay đổi tùy theo văn hóa và tập tục địa phương, nhưng dù cho có thay đổi thì chúng vẫn là biểu hiện của niệm và có mục đích duy trì chánh niệm.
Trong những “Đại hội tu chỉnh giới luật và uy nghi” trong tương lai, ta sẽ sắp đặt và điều chỉnh lại ý của các giới tướng và uy nghi cho phù hợp. Uy nghi trong sách “Bước tới thảnh thơi” có khác hơn uy nghi trong cuốn “Sa di luật nghi yếu lược”. Trong sách “Sa di luật nghi yếu lược” không có uy nghi liên hệ tới chuyện đi xe máy, chuyện lái xe hơi hay chuyện sử dụng điện thoại. Trong cuốn “Bước tới thảnh thơi” có những uy nghi mới cho việc sử dụng điện thoại, sử dụng máy vi tính hay sử dụng xe máy. Làm thế nào để giữ được chánh niệm và uy nghi trong khi sử dụng điện thoại, máy vi tính hay sử dụng xe máy? Giới tướng và cách diễn bày các uy nghi sẽ thay đổi, nhưng thay đổi không có nghĩa là không căn cứ trên niệm và không có công dụng duy trì niệm. Nếu chúng ta nhớ điều đó thì những thay đổi và tu chỉnh về giới luật và uy nghi sẽ tiếp tục đi về mục tiêu mà ta đang muốn hướng tới.