Định đề 10

 

Những định căn bản là vô thường, vô ngã và Niết bàn.

The basic concentrations (samādhi) are the concentrations on impermanence, no-self and Nirvāṇa.

Phật giáo Nguyên thỉ có nói tới vô thường, vô ngã và Niết bàn như là những cái định. Định nào cũng phải có đối tượng của nó. Trong Phật giáo Đại thừa có những định mới như Lăng Nghiêm tam muội, Hải Ấn tam muội, Hoa Nghiêm tam muội, Sư Tử Phấn Tấn tam muội, v.v… Có hàng trăm thứ định. Chúng ta có thể hiểu về vô thường nhưng ta không sống với ý thức về vô thường. Chúng ta phải nuôi dưỡng định vô thường để trong suốt cả ngày ta có thể thấy được tính vô thường của vạn vật. Thấy được tính vô thường là thấy được tính vô ngã, mà thấy được vô ngã là bắt đầu thấy được Niết bàn. Vô ngã đã là Niết bàn rồi. Quá trình vô thường – vô ngã – Niết bàn là quá trình của sự thâm nhập, của sự chọc thủng màn hiện tượng để đi vào màn bản thể. Nhờ vô thường nên ta khám phá được vô ngã và nhờ vô ngã nên ta khám phá được Niết bàn. Tiếp xúc với vô thường cho sâu sắc thì ta tiếp xúc được vô ngã. Vì vậy vô thường là cửa ngõ đi vào vô ngã. Vô ngã có nghĩa là không có tự tánh riêng biệt, nó là cửa ngõ để đi tới Niết bàn. Đó là quá trình của tam pháp ấn: vô thường tiếp xúc vô ngã và vô ngã tiếp xúc Niết bàn.

Hòa thượng Thiện Siêu có viết: Vô ngã là Niết bàn. Thế hệ của quý vị, của những người hành trì Phật pháp trong thời đại kỹ thuật, phải tìm ra những phương pháp thực tập cụ thể để sử dụng những định vô thường, vô ngã, Niết bàn hoặc những định không, vô tướng, vô tác để giải quyết những vấn đề có thật trong cuộc sống. Phải tìm những biện pháp chính trị và kinh tế cụ thể có công năng giải quyết được những vấn đề như giảm thiểu sự ô nhiễm sinh môi, chuyển hóa sự kỳ thị giữa các chủng tộc và tôn giáo, giải tỏa hận thù, chuyển hóa bạo động. Lối sống của ta phải căn cứ trên tuệ giác vô thường, vô ngã, Niết bàn. Cách sống hàng ngày của ta phải căn cứ trên các định không, vô tướng, vô tác tại vì định đem tới tuệ, có tuệ thì ta không hành động như những người u mê. Chiến tranh Iraq là hành động u mê của con người. Sự chống đối giữa người Do Thái và người Ả Rập là sự u mê. Đi tìm hạnh phúc trong sự tàn hoại sinh môi và trong sự tiêu diệt các chủng loại khác trên trái đất là sự u mê. Ta chỉ có thể đánh tan được những u mê đó khi mỗi người trong chúng ta sống được trong tuệ giác của không, vô tướng, vô tác và vô thường, vô ngã, Niết bàn. Chúng ta làm sao để không, vô tướng, vô tác và vô thường, vô ngã, Niết bàn không còn là những lý thuyết hay những ý niệm mơ hồ trong đầu mà là một cái thấy, một cách nhìn, một cách sống đem lại hạnh phúc, thư thái, đem lại sự tha thứ, thương yêu. Chúng ta phải tập, phải nói ra, phải trình bày, phải lấy thí dụ, phải làm gương mẫu về tuệ giác không – vô tướng – vô tác và vô thường – vô ngã – Niết bàn để ta và những người xung quanh ta có thể thực hiện được. Nếu không thì đó chỉ là triết học, là những gì bay lơ lửng trên mây. Chúng ta phải kéo chúng xuống đất để chúng trở thành sự sống thật sự.