Định đề 1

 

Không gian không phải là một pháp vô vi. Không gian chỉ biểu hiện chung với thời gian, vật thể và tâm thức.

Space is not an unconditioned dharma. It manifests together with time, matter and consciousness.

Chúng ta bắt đầu bằng ý niệm về không gian (space). Trong “Một trăm pháp”, không gian được liệt kê như một trong những pháp vô vi, hư không vô vi. Tại Làng Mai chúng ta không chủ trương hư không là một pháp vô vi.

Không gian không phải là một pháp vô vi. Không gian chỉ biểu hiện chung với thời gian, vật thể và tâm thức.

Chủ trương này kéo theo rất nhiều chủ trương khác cùng một loại. Ngày xưa, khi nhìn các vật thể như cái bàn, cái nhà, bông hoa hay đám mây v.v… các thầy thấy chúng đều thay đổi, đều vô thường, vô ngã. Các pháp do nhân duyên mà tập hợp, và phát hiện, nên được gọi là hữu vi. Bông hoa hay con người hay đám mây đều bị điều kiện hóa. Khi những điều kiện không còn đầy đủ nữa thì chúng tan rã nên những vật đó được gọi là hữu vi.

Nhưng khi nhìn hư không thì người ta thấy hư không có vẻ như thường hằng, không dính líu tới những vật thể khác. Dù có mây hay không có mây, dù có mưa hay không có mưa, dù có tâm thức hay không có tâm thức, dù có mặt trăng hay không có mặt trăng, dù có mặt trời hay không có mặt trời thì hư không vẫn là hư không. Hư không là một pháp vô vi, không lệ thuộc vào các pháp khác. Đó là cái thấy của một số thầy trong quá khứ. Khi học “Một trăm pháp” chúng ta thấy có nhiều pháp vô vi, ví dụ như chân như. Chân như là một pháp vô vi, không có sinh, không có diệt, không tùy thuộc vào những điều kiện. Quán sát không gian, các thầy thấy không gian cũng không sinh, không diệt và không tùy thuộc vào những điều kiện. Vì vậy không gian được gọi là một pháp vô vi.

Cái một chứa đựng cái tất cả

Tại Làng Mai chúng ta thấy không gian là một ý niệm và ý niệm về không gian được tạo ra bởi ý niệm về thời gian, về vật thể và về tâm thức. Không gian có ba chiều: chiều ngang, chiều dọc và chiều sâu. Nhưng còn có một chiều thứ tư, gọi là thời gian. Nhà Bác học Einstein có nói tới “time space continuum” bốn chiều.

Nếu quan sát kỹ chúng ta thấy không gian được làm bằng thời gian và thời gian được làm bằng không gian, không gian được làm bằng vật thể và vật thể được làm bằng không gian. Trong ánh sáng của khoa học hiện đại, chúng ta có thể thấy rõ: Không gian trước hết là một ý niệm, ý niệm không gian không thể tách rời khỏi ý niệm thời gian, ý niệm không gian không thể tách rời khỏi ý niệm vật thể và nhất là không thể tách rời ra khỏi ý niệm về tâm thức. Do đó không gian không phải là một thực tại khách quan mà chúng là một sáng tạo của tâm thức. Không gian chứa đựng thời gian, chứa đựng vật thể và chứa đựng tâm thức. Nếu lấy thời gian, lấy vật thể, lấy tâm thức ra thì không gian không còn là không gian nữa. Vì vậy cho nên không gian không phải là một pháp vô vi.

Kinh Hoa Nghiêm có nói: Cái một chứa đựng cái tất cả. Đứng về phương diện không gian thì cái một chứa đựng cái tất cả. Một vi trần chứa đựng tam thiên đại thiên thế giới, mà vi trần tức là vật thể nên vật thể có liên hệ tới không gian. Khoa học cho biết rằng nơi nào có vật thể cô đọng nhiều thì ở nơi đó không gian cong lại. Vì vậy, vật thể và không gian tương tức, ảnh hưởng lẫn nhau. Nói rằng không gian không bị ảnh hưởng của vật thể là sai. Không gian là vật thể, vật thể là không gian. Sắc và không rất gần với nhau, nó là nhau, cái một chứa đựng cái tất cả.

Giây phút chứa đựng thiên thu

Đứng về phương diện thời gian cũng vậy. Thời gian được chia làm ba: quá khứ, hiện tại và tương lai. Tại Làng Mai chúng ta hay nói: “Hãy sống trong giây phút hiện tại, đừng để bị quá khứ và tương lai kéo đi!”. Nếu không khéo thì chúng ta sẽ nghĩ rằng quá khứ, hiện tại và tương lai là ba cái tồn tại độc lập và chúng ta rơi vào trong chủ trương của Hữu Bộ: Tất cả (quá khứ, hiện tại và tương lai) đều có. Nhưng theo cái thấy của Làng Mai thì ba thời tương tức: quá khứ, hiện tại và tương lai dung chứa nhau. Trong quá khứ có hiện tại và có tương lai, trong tương lai có quá khứ và có hiện tại, trong hiện tại có quá khứ và tương lai. Tiếp xúc được với hiện tại một cách sâu sắc thì chúng ta có thể tiếp xúc được với quá khứ và tương lai ngay trong giây phút hiện tại. Đó là chủ trương của Làng Mai. Nếu chúng ta chăm sóc giây phút hiện tại với tất cả tấm lòng, với tất cả năng lượng của niệm, định và tuệ thì đó là chúng ta đang chăm sóc quá khứ và đang chăm sóc cả tương lai. Một giây phút chứa đựng tất cả các giây phút khác. Giây phút chứa đựng thiên thu. Đứng về phương diện không gian thì cái một chứa đựng cái tất cả. Đứng về phương diện thời gian thì giây phút chứa đựng thiên thu.

Không thời tương tức

Đi xa hơn nữa, theo kinh Hoa Nghiêm, không những không gian chứa đựng không gian, thời gian chứa đựng thời gian mà thời gian chứa đựng không gian và không gian chứa đựng thời gian. Trong kinh Hoa Nghiêm có một câu nói rất rõ: Không những một hạt bụi chứa đựng cả vũ trụ mà nó còn chứa đựng cả thời gian.

Thời gian chứa đựng không gian và không gian chứa đựng thời gian, vì vậy cho nên không gian và thời gian không phải là các pháp vô vi. Không gian và thời gian tương tức. Chúng ta đã bắt đầu thấy chủ trương về không gian kéo theo cái thấy về thời gian. Cái thấy về không gian là cái thấy tương tức, là cái thấy “cái một trong cái tất cả”, cái thấy về thời gian là “cái giây phút chứa đựng cái thiên thu”. Ta thấy được tính tương tức của không gian và tính tương tức của thời gian, thấy được luôn tính tương tức của không và thời (không gian và thời gian). Ý niệm về không gian có được là nhờ có ý niệm về thời gian và ý niệm về không gian và thời gian có được là nhờ có ý niệm về vật thể. Do đó không gian không phải là một pháp vô vi.

Nếu chia các pháp ra làm hai loại, vô vi và hữu vi, thì chúng ta không thể nói không gian thuộc về pháp vô vi. Nếu nói đến pháp vô vi thì có thể chỉ có một pháp vô vi, đó là Niết bàn, tức chân như, là tự tánh không sinh không diệt, là nền tảng của tất cả các pháp.

Tại Làng Mai, nếu cần phải phân biệt các pháp thì chúng ta có thể nói: Tất cả các pháp đều là hữu vi, chỉ trừ một pháp không phải là hữu vi, đó là Niết bàn. Cũng như tất cả các đợt sóng trên biển đều có lên có xuống, chỉ có một cái không lên không xuống, đó là nước. Niết bàn là nền tảng của tất cả các pháp.