Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Em tôi

Chân Hỷ Nghiêm

Các sư em thương mến!

Khi còn nhỏ, chị có cơ duyên thích học những bài kinh Pháp cú. Thích học, có lẽ vì nó ngắn, chỉ có bốn câu thôi, như:

Như mái nhà vụng lợp

Nước mưa dễ thấm vào

Cũng vậy tâm không tu

Tham dục dễ xâm nhập

(Kinh Pháp cú số 13)

Như mái nhà khéo lợp

Nước mưa khó thấm vào

Cũng vậy tâm khéo tu

Tham dục khó xâm nhập

(Kinh Pháp cú số 14)

Các sư em, những ngày chị ở đây cùng với các sư em tu tập, thỉnh thoảng chị lại nhớ về những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên và trong sáng của các sư em Bát Nhã ngày trước. Thấm thoắt mà đã mười năm rồi, nhanh quá các sư em nhỉ! Những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên năm nao ấy vẫn đang biểu hiện khắp nơi, không những ở đây mà đang được tương tục trong mỗi sư em TrờiTrăng.

Các sư em thương quý, năm nay đối với chị là một năm tròn đầy với bao niềm biết ơn và hạnh phúc. Không biết cái duyên hay là cái số, tất cả các chuyến đi trong năm nay của chị đến nơi nào cũng theo duyên đổi vé ở lại. Nhờ vậy mà chị có cơ duyên được gặp gỡ và tiếp cận với các sư em Bát Nhã thân thương ngày trước đang tu học tại các trung tâm ở Làng Mai Pháp, Đức, Hồng Kông, Việt Nam, Thái Lan. Gặp lại, cùng tu cùng học với các sư em, đặc biệt là các sư em trẻ mang chữ Trăng mà chị chưa bao giờ gặp. Nhìn các sư em, chị vô cùng cảm kích. Các sư em đã có đủ dũng mãnh khước từ đời sống vật chất mà hiện nay thế hệ trẻ chạy theo để bước vào chùa sống đời sống đơn giản, để tìm lại con người thật của chính mình. Tại sao các sư em không chọn những ngôi chùa to lớn mà lại chọn tăng thân? Trong khi đó thì tăng thân lại chưa có một mảnh đất chính thức trên chính quê hương của mình. Có phải chăng, các sư em đến với tăng thân, gởi mình vào tăng thân là các sư em đã chạm được ngôi chùa an trú, nếp sống đơn giản để có thời gian nuôi lớn bồ đề tâm, tâm thương yêu của các sư em.

Bồ đề tâm là tâm thương yêu. Tâm thương yêu đó còn có ba nghĩa: Thứ nhất là trực tâm (chân tâm, tâm ngay thẳng). Thứ hai là thanh tâm và thứ ba là đại bi tâm. Đại bi tâm phải luôn được hun đúc và nuôi dưỡng trong ba yếu tố của tín lực, hạnh lực nguyện lực. Là người xuất sĩ, các sư em đã gởi mình vào chốn già lam rồi thì hãy hết lòng thực tập, trau dồi thân tâm mình ngày một vững chãi, tiến gần đến ước nguyện đẹp đẽ ban đầu của mình. Trên bước đường tu học, có những lúc gặp phải những hoàn cảnh bất như ý, các sư em hãy nhớ đừng đánh mất anh nhi hạnh của mình. Hãy giữ tâm của mình cho nguyên sơ, trong sáng như khi mình mới bước vào chùa sống với đại chúng, nhìn cái gì các sư em cũng thấy đẹp, cũng thấy linh thiêng. Ngày xuống tóc, các sư em được mặc chiếc áo nhật bình, cảm giác sung sướng, nhẹ nhàng tràn đầy trong tâm. Mình thấy chiếc áo nâu tuy giản dị, nhưng thật đẹp và linh thiêng. Được ai chỉ bảo điều gì, các sư em đều chắp tay đón nhận. Đầu ngày gặp ai các sư em cũng thực tập chắp tay sen búp xá chào, những cử chỉ ấy thanh cao và đẹp làm sao! Các sư em học Tỳ ni thi kệ, mỗi bài giúp cho các sư em vun bồi chánh niệm trong mỗi lời nói nhỏ nhẹ, đàng hoàng. Bốn nét oai nghi đi, đứng, nằm và ngồi lúc nào cũng cẩn trọng, cũng giữ gìn, làm gì cũng để ý hết lòng.

Tâm ban đầu của các sư em đẹp và trong sáng vậy đó. Nhưng rồi ở trong chúng một thời gian, cái tâm đó trở nên quen thuộc với mọi thứ, thấy mọi sự sinh hoạt diễn ra hằng ngày trong chúng thật tầm thường, nên các sư em không còn trân quý những điều kiện trong tầm tay như buổi ban sơ. Các sư em ít còn để ý chăm sóc tới anh nhi hạnh ban đầu của mình nữa. Rồi các sư em có thể nghĩ rằng, bởi do công việc nhiều, không đủ thời gian, không gian trong tâm. Từ đó, các sư em va chạm với người này, đụng với người kia, thấy những ý của sư anh này, sư chị nọ, sư em kia không đúng với cái ý của mình. Các sư em buồn khổ, trách móc, đòi hỏi… Cái tâm xem thường, bất mãn cũng theo đó mà trỗi dậy. Các sư em cho phép mình sống theo bản tính ưa thích, mở cửa cho năng lượng tập khí điều khiển mình. Khi đó các sư em không còn dễ dàng tiếp nhận sự giáo dưỡng nữa. Cái tâm thuần thục, kính trên nhường dưới biến đâu mất. Khi đó các sư em sẽ đánh mất trái tim ban sơ, bình dị, mất tâm hồn trong sáng, mất chí nguyện yêu thương ban đầu của mình và mất luôn giá trị thiêng liêng trong đời sống mà các sư em đã tiếp nhận được trong những ngày chập chững bước chân vào chúng.

Các sư em thương, dù ở hoàn cảnh nào, có khó khăn gì trong nội tâm chăng nữa, chị cũng mong ước và gởi gắm đến các sư em của chị, hãy cùng nhau trở về với tâm trong sáng, tâm chân thật của mình. Thể hiện bản tâm trong sáng qua sinh hoạt hằng ngày, trang nghiêm thanh tịnh trong mọi cử chỉ và tư duy. Và nhớ rằng, ngoài vườn cây vẫn xanh, giọt nắng vẫn long lanh, tuyết vẫn trắng và mây trắng vẫn thong dong.

Thương mến,

Sư chị Cây Dừa.