Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Dừng lại, nhìn sâu và hành động

Chân Pháp Dung

Những quán chiếu về Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Paris
(Bài được chuyển ngữ từ tiếng Anh)

Một lần nữa chúng ta được kêu gọi dừng lại, quán chiếu và hành động để bảo vệ đất Mẹ, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta. Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP-21) tại Paris năm 2015 là một cơ hội cho đại gia đình nhân loại cùng dừng lại để nhìn sâu vào thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, và xem liệu chúng ta có thể đoàn kết với nhau vì một sự nghiệp chung hay không.

Mục tiêu chính của Hội nghị là đạt được một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu – lần đầu tiên sau hai mươi năm đàm phán – với sự cam kết của 195 nước về cắt giảm khí thải nhằm đảm bảo sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được duy trì ở mức dưới 2 độ C và bảo vệ đất Mẹ khỏi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Để giúp cho ước nguyện này được thành tựu, các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo và các cộng đồng bản địa được khuyến khích đóng góp tiếng nói của mình tại Hội nghị. Tăng thân Làng Mai cũng là một trong số những cộng đồng được mời tham dự vào sự kiện này. Có một số người đã đặt câu hỏi tại sao chúng tôi lại tham gia vào một hội nghị như vậy, một môi trường mang tính chính trị và ngoại giao nhiều hơn là hành động. Một số khác lại nghĩ rằng có thể sự có mặt của chúng tôi chỉ có tính cách tượng trưng, bề mặt, với rất ít sự ảnh hưởng. Cũng có người tự hỏi đối với một vấn đề có tính cách kinh tế, chính trị và ngoại giao như vậy, không biết một truyền thống tâm linh, nhất là truyền thống đạo Bụt, có gì để hiến tặng. Đối với phái đoàn xuất sĩ chúng tôi nói riêng và đại chúng Làng Mai khắp nơi nói chung, sự kiện này là một cơ hội để chúng tôi tìm ra những cách thức dấn thân mạnh mẽ hơn cho vấn đề biến đổi khí hậu và nhìn sâu để thấy chúng tôi – trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện tăng thân – đang thực tập đến đâu trong việc giữ gìn đất Mẹ, từ đó có thể thấy rõ đường hướng để cùng nhau đi tới.

Chiều hướng tâm linh

Ngày đầu tiên lên Paris, phái đoàn chúng tôi tập hợp cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới tại Nhà thờ lớn Saint Denis để hiến tặng năng lượng tâm linh, những lời cầu nguyện cùng những cái thấy sâu sắc về đề tài bảo vệ đất Mẹ. Năng lượng của tình huynh đệ được cảm nhận một cách rõ rệt trong buổi hôm ấy. Có những lời cầu nguyện Ấn độ giáo và những bài tụng Hồi giáo được dâng lên. Một nhóm hành hương trẻ từ Philippines cũng hiến tặng một bài hát. Sư cô Giác Nghiêm, đại diện phái đoàn Làng Mai, hướng dẫn một bài thiền tập rất cảm động, với một chiếc chuông nhỏ mà sư cô mang theo lên khán đài. Sư cô Đào Nghiêm đọc một vài câu được trích dẫn từ một số sách của Thầy do ban tổ chức chọn trước. Một phụ nữ trẻ theo đạo Thiên chúa đến từ một bộ lạc trong sa mạc Sahara kể về cuộc đời của cô và những vấn đề cấp bách mà quê hương cô đang phải đối diện.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết cho “công lý khí hậu” (climate justice – một từ mà các nước đang phát triển sử dụng để yêu cầu các nước phát triển tăng cường nguồn lực tài chính nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Theo các nước này, có một nghịch lý là từ trước đến nay, các nước đang phát triển gây ô nhiễm ít hơn nhưng lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu). Qua lời kêu gọi đầy từ bi đó, chúng tôi hiểu thêm về những người đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất do sự tàn phá sinh môi và sự biến đổi khí hậu bất thường, đó là những nhóm người không có một chút quyền lực nào ngoài tiếng nói và niềm tin của họ.

Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng bà Christiana Figueres – Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCC) và cũng là người điều hành chính cho các vòng đàm phán tại Hội nghị về khí hậu tại Paris – là đệ tử của Thầy Làng Mai. Bà tìm được nguồn an ủi lớn qua những tuệ giác và những lời dạy của Thầy. Từ kinh nghiệm thực tập của chính mình, bà có niềm tin rằng chiều hướng tâm linh có khả năng góp phần tạo nên sự thay đổi cho tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Chính bà đã mời các nhà lãnh đạo và các cộng đồng tôn giáo đóng góp tiếng nói của mình tại Paris và các nơi khác trên thế giới. Trong một buổi phỏng vấn sau hội nghị, bà đã phát biểu rằng: “Tôi không nghĩ là mình có đủ sự bền bỉ, lạc quan cũng như giữ được sự cam kết và niềm cảm hứng của mình một cách sâu sắc nếu bên cạnh tôi không có những lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Bà chia sẻ thêm rằng để giữ cho mình được vững chãi và đủ niềm cảm hứng trong công việc, bà luôn đem theo bên mình quyển sách Tâm tình với đất Mẹ (Love Letters to the Earth) của Thầy. Chúng tôi mong rằng những ai đang hoạt động tích cực vì sinh môi có được một sự thực tập tâm linh, một gốc cây thân quen hoặc một con đường để trở về, để được nuôi dưỡng và làm mới lại cảm hứng của mình, từ đó có thể tiếp tục công việc giúp đời.

Trong buổi sinh hoạt liên tôn giáo trước Hội nghị, bà Christiana có một bài diễn thuyết với nội dung chính xoay quanh đề tài: Đi trên con đường hoạt động cho sinh môi với tình thương và ý thức sáng tỏ. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị và nhà báo, bà chia sẻ cụm từ viết tắt WALK (bước đi) đã chỉ dẫn, định hướng cho bà trong công việc như thế nào. W là Wakening – thức tỉnh, A là Affirmation – sự khẳng định, xác quyết (về khả năng có thể tạo nên sự thay đổi cho tình trạng hiện nay), L là Love – tình thương, K là Knowledge – kiến thức. Bà phát biểu với rất nhiều tình thương, tuệ giác và niềm tin. Bài diễn văn của bà như một bài pháp thoại, với năng lượng của Bồ tát Văn Thù (Manjushri), tác động thẳng vào trái tim của hội nghị. Sau khi kết thúc buổi sinh hoạt, một sư cô trong phái đoàn chúng tôi đã tìm đến khán đài và thiền ôm với bà. Ý thức rằng bà là một huynh đệ trong gia đình tâm linh, chúng tôi muốn bà biết là chúng tôi có mặt đó cho bà và yểm trợ bà. Chúng tôi nói rằng: “Christiana thương quý, chúng tôi muốn tặng bà một cái ôm, thay cho Thầy và tăng thân chúng tôi”. Đó là một cái ôm rất lâu. Bà đã khóc khi cảm nhận được sự yểm trợ tâm linh rất sâu sắc từ Thầy và tăng thân.

Chúng ta đang đứng ở đâu, đang đi về đâu?

Ngày hôm sau, anh chị em chúng tôi cùng nhau bước những bước chân chánh niệm đến quảng trường Cộng hòa (La Place de la République) tại trung tâm Paris. Lẽ ra hôm nay, tại nơi này sẽ diễn ra một ngày hành động vì sinh môi. Hơn 70 ngàn người dự kiến sẽ tham dự vào “Buổi diễu hành cho sinh môi” (People’s Climate March) để kêu gọi các chính phủ có những hành động mạnh mẽ và thiết thực để giữ gìn cho nhân loại một tương lai tươi sáng. Đáng buồn là sau vụ tấn công khủng bố tại Paris, chính phủ Pháp đã ngăn cấm thay vì yểm trợ cho hoạt động này. Đây là một thất vọng lớn đối với hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới.

Dọc theo quảng trường, chúng tôi thấy có 50 chiếc xe quân sự đang đậu nối đuôi nhau cùng với lực lượng cảnh sát có vũ trang. Hàng ngàn người, thay vì tham dự buổi diễu hành như dự kiến, đã được đại diện bởi hàng ngàn đôi giày được xếp ngay ngắn khắp quảng trường, trong số đó có một đôi ngày đen của Đức Giáo hoàng Francis. Đâu đó trên quảng trường có một vài người ngồi yên lặng để quán chiếu về những chiếc giày. Đoàn chúng tôi cũng hiến tặng sự có mặt, tình thương và năng lượng bình an của mình. Chúng tôi yên lặng đi vòng quanh những đôi giày được xếp như một tấm thảm ngay giữa quảng trường, nơi vẫn còn tràn ngập nến và hoa tưởng niệm hơn 130 nạn nhân của vụ khủng bố vừa qua. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc diễu hành cho sinh môi và hành động tưởng niệm các nạn nhân khủng bố lại diễn ra tại cùng một địa điểm. Nếu nhìn cho kỹ, cho sâu, ta có thể thấy được những nhân duyên gắn kết cuộc khủng hoảng khí hậu với nạn khủng bố, đó là lòng tham, lòng thù hận và những cái thấy sai lạc của con người.

Một vài phóng viên dừng chúng tôi lại và hỏi: tại sao quý vị lại đến đây? Tâm linh có liên quan gì đến vấn đề này? Năng lượng tâm linh hay năng lượng của sự cầu nguyện có giúp tạo ra được sự thay đổi nào không? Những câu hỏi này làm cho chúng tôi không thể không nhớ đến lời dạy của Thầy: không có con đường đi đến bình an, bình an chính là con đường (there is no way to peace, peace is the way). Chúng tôi ý thức rằng bình an và trị liệu là năng lượng mà chúng tôi cần phải chế tác trong mỗi hơi thở, mỗi bước chân đặt trên đường phố Paris cũng như trên đất Mẹ. Những hành động và nỗ lực của chúng tôi vì một tương lai bình an và hòa hợp hơn cần phải được dựa trên một nền tảng tâm linh sâu sắc. Có như vậy, chúng tôi mới có thể vượt qua “những thất vọng hữu hạn” (our finite disappointments) và không bao giờ đánh mất “niềm hy vọng vô hạn” (our infinite hope) của mình, như lời Mục sư Martin Luther King đã nói.

Câu hỏi của các phóng viên buộc chúng tôi phải quán chiếu: chúng tôi, với tư cách một tăng thân, đang đứng ở vị trí nào trong bức tranh chung của thế giới? Buổi sáng hôm ấy tại quảng trường Cộng hòa, chúng tôi đã mỉm cười để chào những người qua đường, vẽ những tác phẩm bằng phấn màu trên vỉa hè, cùng uống trà, ăn sô-cô-la và quýt với những người bạn mới quen trên phố. Năng lượng bình an mà chúng tôi chế tác được trong buổi sáng hôm ấy có liên hệ gì tới những bạo động đã xảy ra? Những hành động nhỏ mang lại bình an và thương yêu trong đời sống hàng ngày của chúng tôi có thể nào tác động được đến các cơ chế quyền lực của các chính phủ, các tập đoàn sản xuất vũ khí và giới truyền thông? Hay nói cách khác, những gì đang diễn ra trên thế giới có tác động gì tới mỗi bước chân thiền hành của chúng tôi trong tu viện?

Một cơ hội để quán chiếu

Chúng tôi có cơ hội quán chiếu khi cùng nhau đi tham quan một vòng khuôn viên của trung tâm Hội nghị, nơi mà ngày trước là nhà chứa máy bay (aircraft hangars). Chúng tôi có mặt nơi đây, không chỉ với tư cách đại biểu tham dự hay quan sát viên mà còn với tư cách một hành giả. Chúng tôi nhớ đến lời Thầy dạy rằng sự có mặt của chúng tôi một thông điệp: cách đi đứng và uy nghi có thể biểu lộ chiều sâu thực tập của chúng tôi. Đầu tròn, áo nâu, với những bước chân nhẹ nhàng, chúng tôi trở nên khác biệt giữa những đôi giày cao gót và những bộ âu phục sang trọng. Sự tương phản này làm cho chúng tôi phải suy nghĩ và nhắc chúng tôi về lý do tại sao chúng tôi có mặt tại hội nghị này: chúng tôi đến đây không phải với mục đích để đạt được một kết quả nào đó, không phải để đánh mất mình hay đánh mất sự tiếp xúc với đất Mẹ, mà chính là để thể hiện tình thương đối với đất Mẹ trong mỗi bước chân mình. Chúng tôi đã thực tập có mặt và lắng nghe tiếng khóc của đất Mẹ trong mỗi bước chân và thể hiện lòng biết ơn đối với đất Mẹ khi ngồi ăn trưa cùng nhau.

Mọi người tham dự Hội nghị có vẻ hiếu kỳ với sự có mặt của anh chị em xuất sĩ chúng tôi. Họ mỉm cười và đến chơi với chúng tôi. Nhiều nhà báo cũng muốn đặt câu hỏi với chúng tôi. Quý vị là ai? Quý vị đến đây để đòi hỏi điều gì? Mọi người đến đây để tranh đấu cho những vấn đề chính trị, còn quý vị thì có gì để đóng góp, để hiến tặng?

Chúng tôi cũng tự hỏi chính mình, liệu chúng tôi có thể thực sự giúp ích được gì ở đây? Người ta có cần thêm những ý kiến và những cái thấy của chúng tôi không? Hay họ cần một cái gì khác? Thầy đã dạy chúng tôi rằng cái mà thời đại chúng ta đang đối diện không phải là cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế hay khoa học-kỹ thuật, mà là cuộc khủng hoảng về tâm linh. Nếu vậy thì có loại thuốc tâm linh nào mà chúng tôi có thể hiến tặng, và hiến tặng bằng cách nào? Làm thế nào chúng tôi có thể nói lên tiếng nói của đất Mẹ trong mỗi cuộc phỏng vấn của giới báo chí? Làm thế nào để chúng tôi có thể nhìn đất Mẹ như một thực thể sống, linh động mà không phải là một khối vật chất vô tri? Trong thời đại ngày nay, người tu như chúng tôi cần phải làm gì để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu?

Tìm đường để đi tới, đó không phải là vấn đề của riêng ai

Hội nghị thượng đỉnh tại Paris là mô hình thu nhỏ của cả hành tinh: mỗi quốc gia có một khu vực để trưng bày những hình ảnh giới thiệu về đất nước mình, về những thách thức mà đất nước mình đang đối diện do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Qua đó, chúng tôi thấy được sự đa dạng của gia đình nhân loại và mối liên hệ tương tức, phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc giữa các quốc gia, dân tộc. Sống trong một cộng đồng quốc tế đa dạng như Làng Mai, chúng tôi phần nào hiểu được những nỗ lực to lớn của Liên Hiệp Quốc trong việc tập hợp 195 quốc gia với các nền văn hóa khác nhau cùng ngồi lại dưới một mái nhà để đi đến một thỏa thuận trong sự hòa hợp. Hội nghị thượng đỉnh tại Paris có vẻ giống con thuyền cứu thế Noah – con thuyền đã cứu nhân loại qua trận đại hồng thủy, được nêu trong kinh Thánh (Biblical Noah’s Ark). Chúng tôi không thể không nghĩ đến hình ảnh trái đất như một con thuyền, một phi thuyền duy nhất đang bay trong vũ trụ. Và trên con thuyền chung này, bất cứ giải pháp nào đưa ra cũng phải nghĩ đến mọi loài: con người, toàn bộ khí quyển cũng như sinh quyển của các loài cỏ cây, cầm thú và đất đá.

Thầy đã nói rằng chúng ta không chỉ cần công nghệ mới để bảo vệ trái đất, mà chúng ta cần nhiều hơn thế. Cái mà chúng ta cần là tinh thần cộng đồng và hợp tác thật sự. Trong thiên niên kỷ mới này, chúng ta có khả năng tập hợp lại với nhau như một đại gia đình toàn cầu, để truyền thông và lắng nghe nhau, lắng nghe những giá trị, những nét đẹp của nhau và cả những khó khăn, những mối quan ngại. Chúng ta có đủ kiến thức và trình độ về khoa học để biết rõ tình trạng của trái đất và những gì còn lại cho chúng ta nếu chúng ta không thay đổi hướng đi của mình. Và chúng ta biết rằng đây không phải là một vấn đề mà một quốc gia có thể giải quyết một cách riêng rẽ.

Chúng ta cũng đã có công nghệ. Những gì chúng ta cần bây giờ là khả năng hợp tác, hiểu nhau và lòng bác ái, ở phạm vi quốc tế. Hướng đi tới của chúng ta là như một cộng đồng toàn cầu (global community). Đây là thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta, dù chúng ta đang ở vị trí nào trên con thuyền trái đất.

Mùa thu năm 2015, tăng thân Làng Mai đã có cơ hội hợp tác với các truyền thống Phật giáo khác nhau để đưa ra một Thông điệp Phật giáo về Biến đổi khí hậu (International Buddhist Declaration on Climate Change). Cùng hợp tác chung với nhau, nuôi dưỡng tình thương, niềm tin và tuệ giác tập thể giữa các truyền thống Phật giáo và các truyền thống văn hóa khác nhau là một thách thức đối với chúng tôi. Chúng tôi đã học cách mở lòng để tiếp nhận những giá trị của các truyền thống khác. Chúng tôi nhận ra rằng không ai trong chúng tôi có thể xác định được điều gì là quan trọng nhất cho người khác hoặc cộng đồng khác, rằng không ai có một câu trả lời “hoàn toàn đúng”, rằng không có một cộng đồng nào có một nếp sống hoàn hảo, và điều quan trọng nhất là ai cũng đang cố gắng làm hết sức mình.

Mỗi tối sau các hoạt động tại Hội nghị, chúng tôi trở về lại thiền đường Hơi Thở Nhẹ – một trung tâm tu học của Làng Mai nằm ở ngoại ô Paris. Thật hạnh phúc và biết ơn khi thấy một nồi xúp nóng đang chờ mình. Chúng tôi có thể cảm nhận được sự yểm trợ và tình thương mà các sư cô ở Thiền đường đã dành cho chúng tôi. Lòng chợt nghĩ đến các đại biểu quốc tế và các nhà hoạt động vì sinh môi đang trở về căn phòng ở khách sạn mỗi tối một mình.

Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy một năng lượng tập thể rất hùng hậu khi đến thăm khách sạn Place-to-B, nơi ở của một nhóm gồm hàng trăm nhà báo trẻ và các nhà hoạt động môi trường đang tham dự và đưa tin về Hội nghị. Những người bạn này muốn thuê một nơi mà họ có thể sống, làm việc và thư giãn cùng nhau để nuôi dưỡng và tạo cảm hứng cho nhau trong thời gian diễn ra Hội nghị. Chính tại khách sạn này, chúng tôi đã gặp một nhà hoạt động môi trường người Mỹ. Người bạn trẻ này đã chia sẻ với chúng tôi rằng anh bị kiệt quệ (burn-out) sau những năm tháng hoạt động đầy nhiệt huyết để bảo vệ môi trường. Anh đã rơi vào tình trạng trầm cảm sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch, năm 2009. Từ đó, anh đã tìm đến với thiền tập và tham gia vào các hoạt động tập thể của tăng thân One Earth Sangha để nuôi dưỡng chính mình, chăm sóc và trị liệu cho những vết thương trong lòng mình, nhờ vậy anh mới có thể tiếp tục công việc có ý nghĩa này.

Vai trò của phong trào quần chúng

Cuộc diễu hành của phong trào bảo vệ sinh môi tại Zurich, Thụy Sĩ

Một điều khá đặc biệt của Hội nghị khí hậu tại Paris là vai trò của phong trào quần chúng bảo vệ sinh môi, nổi lên khắp thế giới. Các Hội nghị trước đây không có yếu tố này. Chúng tôi ý thức nhiều hơn về những công việc có tính tiên phong của Bill McKibben – nhà hoạt động khí hậu danh tiếng, cha đẻ của 350.org – phong trào quốc tế về biến đổi khí hậu. 350.org được đặt tên theo chỉ số an toàn của nồng độ carbon dioxide (CO2) trong bầu khí quyển: 350 phần triệu. Cách thức bất bạo động của phong trào quần chúng bảo vệ sinh môi nhấn mạnh đến vai trò của các nhóm hoạt động tại địa phương trong việc tự chịu trách nhiệm và đưa ra sáng kiến hành động cho cộng đồng địa phương của mình, để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu. Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị, phong trào quần chúng bảo vệ sinh môi trên thế giới không chỉ tập trung vào các chính phủ và các nhà chính trị, mà còn hướng vào các tập đoàn và những địa điểm sản xuất, nơi mà các tập đoàn khai thác và tiêu thụ nguồn năng lượng hóa thạch. Bằng cách này, phong trào hoạt động vì sinh môi có thể chuyển hướng sang bất cứ nơi nào trên thế giới, nơi mà các tập đoàn vì mục tiêu lợi nhuận đang làm ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí.

Chúng tôi cảm thấy thật sự gần gũi với phong trào 350.org và các nhóm hoạt động vì sinh môi khác, có lẽ bởi vì cũng giống các bạn, chúng tôi cũng nương tựa vào cộng đồng, vào tăng thân để thực hiện ước nguyện của mình. Điều đáng chú ý là phong trào này kêu gọi mọi người tự lãnh đạo chính mình mà không chờ đợi sự lãnh đạo từ ai khác. Như lời của Bill McKibben, phong trào quần chúng bảo vệ sinh môi không kêu gọi một nhà lãnh đạo với chữ L in hoa, mà kêu gọi tất cả chúng ta tự chủ động, tự lãnh đạo phong trào bảo vệ môi trường ở địa phương mình. Điều này tương tự như những lời mà Thầy đã dạy chúng tôi về cách tổ chức tăng thân. Chúng tôi đến với nhau vì có chung một ước nguyện, và mỗi người chúng tôi đều phải có trách nhiệm xây dựng tăng thân cũng như trách nhiệm hành động để đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu. Mạng lưới tăng thân quốc tế của Làng Mai có tiềm năng đóng góp rất lớn, không chỉ trên khía cạnh chia sẻ giáo pháp mà còn đóng góp vào nỗ lực chung để bảo hộ đất Mẹ.

Phát triển với sự tiết chế

Hiệp định chống biến đổi khí hậu được toàn thể 195 nước tham gia đàm phán chấp thuận ngày 12.12.2015 tại Paris có ý nghĩa gì cho thế giới và cho chúng ta? Hiệp định này giúp chúng ta ý thức rõ hơn, rằng trong những thế kỷ tới, chúng ta cần hợp tác với nhau như một tập thể, một cộng đồng. Đó là chọn lựa duy nhất của chúng ta. Cũng như khi bom nguyên tử rơi xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản cuối chiến tranh thế giới thứ hai đã làm cho cả thế giới kinh hoàng. Giờ đây ai cũng ý thức rằng bất cứ quốc gia nào làm (hoặc không làm) một việc gì cũng đều tác động đến tất cả các quốc gia khác.

Sự phát minh bom nguyên tử đã làm thay đổi vĩnh viễn cục diện chiến tranh thế giới, cũng như vậy, sự khủng hoảng khí hậu đã và đang làm thay đổi hướng phát triển của thế giới. Chúng ta không thể tiếp tục đà phát triển vô hạn trên một hành tinh hữu hạn. Một quốc gia không thể nào phát triển bằng cách hy sinh lợi ích của những quốc gia khác, hay bằng cách tàn hoại đất Mẹ. Hiệp định Paris khẳng định rằng sự tiết chế và chừng mực là hai điều cần thiết mà chúng ta phải thực tập ngay bây giờ; mỗi quốc gia không thể theo đuổi mục đích phát triển và tiến bộ kinh tế của nước mình mà không quan tâm đến các quốc gia còn lại trên thế giới. Đây là một loại giới luật (một bộ quy tắc đạo đức cho sự phát triển) cần thiết để bảo hộ hành tinh của chúng ta.

Sự quân bình và tiết chế sẽ là thử thách tột bậc cho thế hệ chúng ta. Vì vậy trong một bức thư gửi cho cộng đồng thế giới, các nhà khoa học hàng đầu về khí hậu đã viết: “Từ trước đến nay, cái mà người ta muốn nghe là một thỏa thuận về biến đổi khí hậu vừa có khả năng cứu vãn được thế giới vừa không đòi hỏi con người phải thay đổi lối sống và những tham vọng của mình (về phát triển kinh tế,…)”. Nhưng trên thực tế, những lối sống đó và những tham vọng đó sẽ phải thay đổi. Một vấn đề thử thách triền miên cho loài người chúng ta là làm thế nào để quân bình giữa mưu cầu cá nhân với lợi ích tập thể; và hơn bao giờ hết, là sự quân bình giữa mưu cầu cá nhân với sự sống còn của hành tinh chúng ta.

Trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng

May mắn thay trong tăng thân, chúng tôi có những phương pháp thực tập giúp cân bằng được giữa những sở thích, lối sống cá nhân với nhu yếu hành động như một tăng thân để đối phó với các vấn đề toàn cầu. Trước khi tham dự Hội nghị Paris, chúng tôi đã kêu gọi tứ chúng Làng Mai ở khắp nơi thực tập Năm điều cụ thể để yểm trợ cho Hội nghị. Thực tập thứ nhất là không tiêu thụ thịt và sản phẩm từ sữa trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị (30.11 – 11.12.2015), như một lời nguyện cầu cho sinh môi. Thực tập thứ hai là mỗi người cam kết thực hiện ít nhất một hành động nào đó trong danh sách các hành động để bảo vệ sinh môi trong đời sống hàng ngày. Thực tập thứ ba, chúng tôi khuyến khích mọi người trong gia đình, cộng đồng, hoặc tăng thân đến với nhau để cùng nâng đỡ và tìm các phương pháp hữu hiệu giúp làm giảm nguy cơ biến đổi khí hậu bất thường. Thực tập thứ tư là tham gia vào các “cuộc diễu hành của quần chúng bảo vệ sinh môi” (People’s Climate March) trong thành phố mình để yểm trợ cho phong trào bảo vệ sinh môi trên toàn cầu. Thực tập thứ năm, chúng tôi đề nghị mọi người đeo một dải ruy băng nhỏ màu xanh lá cây trên áo để tự nhắc nhở mình và cũng để nâng cao ý thức của mọi người xung quanh.

Có những người nghĩ rằng những thực tập này không quan trọng mà chỉ là sự thể hiện có tính tượng trưng của những quan tâm cá nhân. Những thực tập này khiến họ bị phân tâm, không để họ tham gia vào các cuộc vận động nhằm thách thức và ngăn chặn những cơ chế/hệ thống mà họ nghĩ là nguyên nhân gây ra sự khủng hoảng khí hậu.

Năm sự thực tập này mời tất cả mọi người dừng lại và nhìn sâu vào lối sống của mình và sự ảnh hưởng của lối sống đó đối với khí hậu toàn cầu. Cũng như hình tướng đầu tròn, áo vuông của người xuất sĩ, những thực tập này vừa là biểu tượng vừa là hành động dừng lại và không để bị lôi cuốn bởi xu thế hiện tại, bằng cách lựa chọn một lối sống hài hòa hơn với thực trạng của thế giới và ít ảnh hưởng hơn tới sinh môi. Sự thực tập của chúng tôi không phải là một sự rút lui ra khỏi xã hội và thế giới. Khi chúng tôi thực tập thiền đi, đó không phải là một biểu tượng hay một sự tượng trưng. Chúng tôi thực tập thiền đi không chỉ để thưởng thức những bước chân của chính mình và nuôi lớn năng lượng tâm linh mà thiền đi còn là một hành động dừng lại và không để bị cuốn đi bởi sự tăng tốc của một xã hội tiêu thụ. Và đi về hướng ăn chay, không dùng sản phẩm từ sữa (vegan), chính là một hành động cụ thể nhất mà chúng tôi có thể thực hiện ít nhất ba lần mỗi ngày để nuôi dưỡng cam kết cá nhân và làm giảm sự thiệt hại cho trái đất. Không những chúng tôi chọn không yểm trợ ngành công nghiệp sản xuất thịt và việc chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng loạt, mà chúng tôi còn chọn yểm trợ tôn trọng sự sống.

Tượng đài của tinh thần trách nhiệm

Trong một góc của trung tâm Hội nghị có trưng bày một tác phẩm nghệ thuật mô phỏng tháp Eiffel làm bằng những chiếc ghế màu đỏ thường được sử dụng trên các vỉa hè, dưới mái hiên của các quán ăn hay quán cà phê. Màu đỏ tượng trưng cho sự kiện khủng bố tại Paris, còn những chiếc ghế là biểu tượng của nếp sống thường nhật trên phố xá và những quán cà phê ở Paris, những nơi đã xảy ra các vụ khủng bố. Tác phẩm nghệ thuật này làm chúng tôi liên tưởng tới tượng Nữ thần Tự Do (Statue of Liberty), một món quà mà nước Pháp đã tặng cho nước Mỹ năm 1886, tượng trưng cho sự liên minh cũng như lý tưởng chung về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân hai nước. Chúng tôi nhớ Thầy đã từng gợi ý rằng cái mà nước Mỹ và thế giới cần bây giờ là một bức tượng thần Trách Nhiệm (Statue of Responsibility). Thầy đề nghị nên đặt tượng này ở vịnh San Francisco, bờ biển phía tây của nước Mỹ.

Sau khi về lại Làng Mai, phái đoàn chúng tôi đã thuyết trình cho đại chúng về những gì chúng tôi đã học được từ hội nghị và xem tăng thân có thể đóng góp gì cho phong trào bảo vệ sinh môi hiện nay. Quý thầy, quý sư cô tại các xóm ở Làng Mai đã cùng quán chiếu xem những thay đổi nào cần được áp dụng trong xóm của mình để tiết kiệm nước, điện, sử dụng nhiên liệu với hiệu suất cao hơn và tránh lãng phí.

Một số người đã đặt câu hỏi vì sao trong những năm gần đây, Thầy đã không còn hoạt động nhiều như trong giai đoạn chiến tranh tại Việt Nam. Vì sao Thầy không lên tiếng trước công chúng về những vấn đề cấp bách trong xã hội? Vì sao Người chỉ dạy cách thở và cười, và chỉ hướng dẫn các khóa tu chánh niệm cho quần chúng? Thầy đã dạy chúng ta rằng khi một người có khả năng dừng lại, lắng lòng để thấy rõ gốc rễ của khổ đau và chăm sóc khổ đau của chính mình, người đó sẽ có cơ hội tiếp xúc được với hạnh phúc đích thực. Từ sự chứng nghiệm cá nhân này, họ sẽ được trị liệu và chuyển hóa, từ đó phát khởi mong muốn giúp đỡ và làm lợi ích cho người khác. Chỉ khi nào chúng ta thực tập sống chậm lại để tiếp xúc với niềm an lạc và hạnh phúc trong giây phút hiện tại thì chúng ta mới có thời gian và không gian để nhìn sâu vào thực trạng của thế giới và thấy rõ trách nhiệm của mình.

Chúng tôi đã chứng kiến điều này rất nhiều trong các khóa tu mà tăng thân chúng tôi có cơ hội hướng dẫn. Chỉ sau năm ngày hoặc một tuần thực tập chánh niệm và sống chung trong tăng thân, thiền sinh đã thiết tha tiếp nhận Năm giới. Họ hăng hái và quyết tâm trở về nhà để giải hòa với người thương của mình và thiết lập một nếp sống hạnh phúc, lành mạnh, có tinh thần trách nhiệm hơn. Thầy luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực tập Năm giới và việc chế tác chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Khi sống có chánh niệm, chúng ta có thể thấy rõ rằng nhờ dừng lại được một hành động không lành nào đó, chúng ta sẽ ngăn ngừa được một điều không lành khác có thể xảy ra. Chúng ta đạt tới cái thấy sâu sắc từ sự trải nghiệm của chính mình mà không phải do một quyền lực bên ngoài áp đặt lên. Chúng ta làm mới lại niềm hy vọng cho tương lai và thực hiện được ước nguyện chung của mình.

Thế kỷ XX chứng kiến sự giải phóng của nhiều dân tộc và nhiều quốc gia khỏi chế độ áp bức và bóc lột. Ở Ấn Độ, Thánh Gandhi đã lãnh đạo người dân trong cuộc cách mạng bất bạo động để giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Tại Mỹ, Mục sư Martin Luther King đã lãnh đạo người Mỹ gốc Phi trong phong trào bất bạo động đấu tranh cho dân quyền và chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc. Bà Susan B. Anthony đã dẫn đầu cuộc chiến đòi quyền bầu cử cho giới phụ nữ. Ở Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác, người dân đã đứng lên và tự giải phóng khỏi quyền thống trị thực dân và bóc lột. Ở những quốc gia giàu có, những người nghèo và những người bị kỳ thị cũng đã từng nổi dậy biểu tình cho nhân quyền và bình đẳng.

Trong thế kỷ này, chúng ta cần ý thức rằng quyền tự do nhất thiết phải đi đôi với tinh thần trách nhiệm. Trong quá trình tìm cầu tự do và hạnh phúc, chúng ta không được xâm phạm vào quyền sống của các chủng loại và của trái đất. Hội nghị về Biến đổi khí hậu tại Paris đã giúp thế giới thấy rõ mối liên hệ không thể tách rời giữa mọi người, mọi loài, dù chúng ta có muốn chấp nhận sự thật ấy hay không. Đây không phải là vấn đề của triết học hay niềm tin. Đây là một sự thật có căn cứ khoa học. Giờ đây, sự thực tập của chúng ta là ý thức hơn về mối liên hệ tương tức này và những trách nhiệm cần có cho thế hệ chúng ta và cả cho các thế hệ tương lai.