Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Cây trong chùa

Chân Chuẩn Nghiêm

Tôi thật không ngờ trong chùa lại có nhiều cây đến như vậy. Tôi nghĩ rằng đi tu là chỉ biết có tụng kinh, chỉ biết đến chuông mõ. Ấy vậy mà tôi lại thích chăm cây mới lạ chứ. Tôi không hiểu tại sao lại có sở thích này. Tôi chỉ biết rằng tôi chăm cây vì không muốn cây chết hay bị bệnh.

Sau hơn bảy năm đi tu, tôi phải công nhận một điều rằng ở nơi nào cũng có nhiều cây, dù là Việt Nam hay các nước khác xa hơn. Mà cây cũng giống giống nhau, nhất là lan. Lúc ở Diệu Trạm, có những chậu lan tôi chăm hơn ba năm mà cũng chưa ra bông nên tôi không biết cây lan đó nở bông như thế nào. Rồi đến khi tôi được đổi trung tâm tu học – tôi sang Làng, nhập chúng xóm Mới, cũng loài lan ấy, sau hơn hai năm chăm sóc cây đã cho bông, chỉ một cái thôi. Thế cũng được, vậy là tôi đã được nhìn thấy hoa của loài lan đó rồi. Loài lan đó được sư mẹ Thoại Nghiêm mang về xóm Mới từ một nơi rất xa trong dịp sư mẹ đi về nhà sư em Sinh Nghiêm, để yểm trợ cho sư em cũng như gia đình sư em.

Sau một thời gian chơi với cây, tôi bỗng nhiên trở thành một người chăm cây “thường trực”. Trong xóm, các chị em có cây lan nào hết bông thì bỏ ra,tôi chăm hết. Tôi rất hạnh phúc với công việc này.

Bên Làng khó hơn ở Việt Nam một chút, đó là mùa đông thì phải mang hết cây vào trong nhà, vì ngoài trời có khi nhiệt độ xuống đến âm độ, cây sẽ chết. Vậy là tôi phải sắp xếp sao cho gọn vì không gian cũng có hạn. Mùa đông năm ngoái, khi sư em Hoàn Nghiêm còn ở đây, sư em đã giúp tôi thiết kế chỗ để rồi, bây giờ tôi cứ theo đó mà làm. Năm nay lan nhiều hơn năm ngoái mà chỗ để thì đã hết, thế là tôi mang những chậu lan nhỏ nhỏ ra để ngoài thiền đường lớn, bên cửa sổ. Lan hay bất kỳ loại cây nào cũng đều cần ánh sáng, không thể đặt cây ở nơi thiếu ánh sáng được. Ngoài đó dù lạnh một chút, cây chậm lớn nhưng chỉ cần qua được mùa đông thôi. Dù chậm còn hơn là cây bị chết.

Lan rất dễ bị rệp bông trắng tấn công. Chỉ cần sau mười ngày không để ý tới là lan đã bị rệp tấn công rồi. Trong chùa thì hoàn toàn không dùng thuốc nên tôi phải bắt từng con rệp ra, sau đó dùng bông gòn tẩm cồn để lau chỗ mà rệp bông đã ở, sau đó lau hoặc rửa lại chỗ đó bằng nước lạnh. Phải làm như vậy vì dù nhìn không thấy gì nhưng từ chỗ đó sẽ lại phát sinh rệp rất mau. Đôi khi bận công việc, tôi chưa kịp để ý là một nhành hoa lan phải cắt bỏ, vì rệp quá nhiều, tôi không làm gì được. Nếu có cố gắng làm thì chùm hoa đó cũng bị bầm dập mất rồi. Thôi thì chấp nhận cắt bỏ để rệp không lây lan qua những cây khác.

Ngày hôm qua đi quán niệm ở xóm Thượng, thấy trên bàn Bụt trong thiền đường Tăng xá có một chậu lan, y chang lan ở Huế, tôi tính xin quý thầy sau khi hết bông nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy ngại quá nên thôi. Tôi cũng không hiểu vì sao, dù biết rằng quý thầy sẵn sàng cho nếu tôi hỏi.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bài hát Một đời người một rừng cây. Bài hát có câu: Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây, sống gần nhau thân mới thẳng, có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương…” Tăng thân mà tôi đang được sống giống rừng cây trong bài hát này quá. Nhìn vào từng huynh đệ của mình, tôi như thấy cả một rừng lan. Mỗi một người đều hiến tặng cho tăng thân một vẻ đẹp khác nhau, làm nên một rừng lan muôn màu muôn sắc. Khi sắp xếp các chậu lan tôi cũng để xen kẽ các chậu lớn nhỏ cạnh nhau. Tôi thấy làm như vậy sẽ rất lợi vì nếu hai chậu cây lớn quá mà để cạnh nhau thì thấy không có không gian cho cả hai. Rất có thể cây lan nhỏ khi được đặt cạnh cây lan tươi tốt thì nó sẽ nương vào đó mà lớn nhanh. Nghĩ sao thì tôi làm vậy.

Khi làm việc gì tôi cũng nghĩ tới tăng thân và thấy rất đúng. Chuyển trung tâm tu học là một điều rất bình thường trong chúng. Tôi rất hạnh phúc vớiđiều này. Khi chăm sóc lan cũng vậy, tôi cũng thường “đổi trung tâm” cho các chậu lan. Chậu lan nào vừa hết bông thì tôi đổi chậu và đổi chỗ, làm như vậy để chậu lan nào cũng được ở gần cửa sổ để hưởng ánh sáng. Khi lan ra nụ, nụ hoa chỉ hướng về phía có ánh sáng thôi. Mầu nhiệm thay, cây nào cũng biết hướng về phía có bầu trời tươi sáng.

Bây giờ tôi đã có rất nhiều sư em, các sư em của tôi cũng như những cây lan vậy, cần được chăm sóc cẩn thận. Các sư em cũng được ở cùng phòng với các sư chị lớn để các sư em được học hỏi từ các sư chị. Tuy vậy, các sư chị cũng rất hạnh phúc khi được tận hưởng sự trong sáng, trẻ trung của các sư em. Các sư em của tôi, nhiều người còn rất trẻ, tâm bồ đề rất mạnh, tôi cũng được hưởng nguồn năng lượng dồi dào này. Những cây lan tôi chăm sóc, có cây mới chỉ có ba lá mà cũng cho một nhành hoa rất mập mạp, đầy sức sống. Nhìn cây lan, nhìn các anh chị em huynh đệ tôi thấy rất rõ sự tương tức. Tất cả chúng ta đều là một, chúng ta cần nương vào nhau để cùng chung tay xây dựng một cuộc sống lành mạnh.

Vài dòng gửi đến bạn đọc cho vui, tôi tin rằng tất cả chúng ta, ai cũng là một cây trong rừng cây nhân loại. Chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng. Chúc bạn hiền luôn yêu thương cuộc sống này vì còn rất nhiều điều mầu nhiệm đang chờ đón chúng ta.
Thương quý!