Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Ngoại chạy theo nắng

Chân Trăng Vô Ưu

Ngoại thương,

Sáng nay, một buổi sáng làm biếng, con có cơ hội chơi với mình nhiều thêm một chút nữa. Con thích dậy sớm lắm! Dậy sớm là cơ hội cho con được nhìn thấy mọi loài còn đang say giấc, được ngắm những thân cây gầy khúc khuỷu, những cành khô nằm trơ mình trong không trung, để được nghe hơi sương của đông lạnh, để cảm nhận được cái yên của đất trời và đặc biệt là để “chứng tỏ một miếng” với những bạn thiên nhiên ngoài kia là con cũng có thể dậy sớm được.

Khi vũ trụ còn chưa kịp choàng áo mới thì con đã ngồi yên ở góc nhỏ yêu thích của mình. Con có một chỗ học đẹp lắm ngoại ạ! Con thường quay về nơi đây sau những thời khóa của đại chúng hoặc nếu có trống vài phút nào đó được nghỉ ngơi, con cũng tận dụng cơ hội để ngồi yên với mình. Từ đây, con có thể nhìn ra bên ngoài một cách toàn diện và hoàn hảo. Không có gì có thể che khuất bất cứ một phần nào trong bức tranh được dệt bằng chất liệu thiên nhiên trước mặt con. Thênh thang và rộng mở.

Mùa này tuy nắng không xuất hiện nhiều và gay gắt như mùa hè nhưng mỗi lần nắng biểu hiện là nắng đem hết tất cả những cái đẹp của nắng hiến tặng cho đất trời và cho mọi người, trong đó có con. Những ngọn cỏ non còn đọng sương khuya thi nhau nô đùa cùng nắng. Còn nắng thì dễ thương chi lạ! Nắng lúc nào cũng nói với những ngọn cỏ là: để mình trang điểm cho bạn, để mình làm đẹp cho bạn. Thế là con chỉ việc thưởng thức và nhìn ngắm cả cánh đồng long lanh sắc màu kim cương trải dài bất tận. Nhìn và ngắm như thế không lúc nào con quên được cái nắng của quê mình ngoại ạ. Nắng ở đây gắt lắm cũng không bằng nắng ở quê ngoại, nắng ở đây có chút gì dịu hiền, nhẹ nhàng pha chút mỏng manh và có hơi sang trọng kiểu đủ đầy. Nắng quê mình thì thật thà, chất phác và tốt bụng. Nắng ở đây có tu tập nên nắng sẵn sàng cống hiến những năng lượng bình an đó cho con người trị liệu. Nắng quê mình thì nhờ có Thầy mà để cho những hạt giống lành trong kho được biểu hiện. Nắng hết lòng giúp đỡ những ai đang còn trong tình trạng khó khăn và cần nắng để canh tác và lao động. Con nhớ nắng thiệt nhiều!

Ngoại ơi, nắng là ngoại đó, ngoại có biết không? Con nhớ hồi ở nhà, mỗi khi hè về, xoài ra bông rồi cho trái là con có dịp được ăn bánh tráng xoài ngoại làm. Ngoại là người sống cần kiệm và thương người. Vì kính Bụt, thương Thầy nên ngoại thường để dành những trái xoài đẹp nhất, lành lặn nhất mà ngoại hái từ trên cây xuống, đem lên cúng Bụt chùa, cúng Thầy, sau đó mới cúng Bụt nhà rồi tới những người hàng xóm xung quanh – những nhà không có xoài ngon để ăn – mà quê mình hầu hết nhà nào cũng có xoài, rồi mới tới lượt ba mẹ con trong đó có con. Và những trái cuối mùa dành cho ngoại – người cuối cùng. Xoài nhà ngoại nhiều lắm, cả một vườn bao xung quanh. Vì nhiều nên ngoại dùng những quả còn sót lại cùng với những quả chín rụng từ trên cây xuống, đã bị chim ăn hay bị ruồi chích. Ngoại lượm lại, cắt bỏ những phần không xài được, rửa sạch dùng làm bánh tráng xoài. Ngoại thường hay bảo: đồ còn dùng được không nên vứt đi mà tội trời. Thế nên ngoại có nhiều thiệt nhiều rổ xoài để làm bánh.

Bánh xoài ngoại làm ngon, thơm và sạch nữa. Những công đoạn ngoại làm rất công phu và thật kiên nhẫn, kiên nhẫn nhiều lắm. Ngoại lột vỏ xoài trước, cắt nhỏ, lọc xác qua những cái rổ để lấy phần nước, rồi ngoại cho dung dịch ấy vào một cái xoong, thêm vào tí muối, tí ớt, nêm nếm rồi bắc lên bếp nấu, chờ cho đến khi sôi mới nhấc xuống và cho ra từng chiếc khay. Ngoại để dành nhiều bao ni lông to để làm lớp lót. Ngoại dùng hai ba cái thìa mỏng để tráng làm sao cho nó phẳng ra như những cái bánh tráng sữa sầu riêng miền Tây mà không để bị dày, càng mỏng thì càng ngon. Tay ngoại làm chuyên nghiệp lắm, như một người sản xuất làm trong nhà máy thứ thiệt vậy. Sau khi thành phẩm ra đời rồi, công đoạn cuối cùng để bánh có thể dùng được là việc khó nhất. Ngoại, từ ấy, chính thức chạy theo nắng. Nắng trở thành tâm điểm để ngoại chạy theo. Chỗ nào có nắng thì ngoại đem ra phơi, hết nắng thì ngoại lại phải dời đi chỗ khác. Một ngày không biết mấy lần.

Ngoại ơi, đi tu con có cơ hội để biết, để tiếp xúc sâu sắc với thiên nhiên. Hồi trước con không hề biết thiên nhiên là một điều kiện hạnh phúc sẵn có mà mình không cần phải tìm kiếm chi cả. Thiên nhiên cho mình nhiều thứ để trị liệu và cũng là một người bạn mang hạnh lắng nghe của đức Bồ tát Quan Thế Âm, luôn ở đó cho mình mỗi lần mình cần người để trút hết bao nỗi buồn và những khó khăn. Đã nhiều lần con tự hỏi sao mình lại có cảm giác gì đó quen thuộc và thân thương với thiên nhiên đến như vậy? Nhìn sâu, có khi con thấy thiên nhiên gần gũi với mình lắm, có gì đó lạ lạ ở đây. Con chỉ khởi lên suy nghĩ và cảm giác ấy thôi rồi dừng lại ngay sau đó chứ con không cố đi tìm cho ra nguyên nhân. Con để cho nó tự nhiên như nó. Bây giờ con đã hiểu ra rồi ngoại ạ. Thiên nhiên chính là ngoại, ngoại là thiên nhiên. Nắng đích thực là ngoại và ngoại là nắng.

Những ngày nhiều nắng, ngoại sang nhà con ăn cơm. Con nấu những bữa cơm cho ngoại, ngoại có mặt hoàn toàn để thưởng thức từng món ăn của con dù có ngon hay không. Lúc đó, ngoại cũng thong thả mà không cần phải lo lắng cho những cái khay bánh tráng xoài ngoại đang phơi ở nhà. Nhưng cũng có những ngày nắng không đủ khỏe để hiến tặng hết lòng. Những ngày ấy nắng quê mình giống nắng ở đây vậy, chỉ nhẹ nhàng và dịu dàng có mặt với vũ trụ thôi. Thế là bao lo lắng đến với ngoại trong những bữa ăn cơm ở nhà con. Ngoại không dùng trà, không xem tivi, không trò chuyện sau những bữa ăn ấy mà vội vàng trở về nhà để chạy theo nắng. Ngoại đã chạy theo nắng cùng những khay bánh tráng xoài, nắng tới đâu ngoại chạy theo tới đó. Cái ngon của nắng đi vào biểu hiện trong những chiếc bánh tráng xoài. Những khay bánh tráng xoài có bao nhiêu nắng trong đó là có đủ bấy nhiêu tình thương của ngoại hòa vào. Ngoại đem cúng dường lên Thầy, cúng dường cho những tu viện, rồi cho những người ngoại biết ơn, cho những người khách… Dĩ nhiên ngoại là người vừa tỉ mỉ mà cũng là người chuộng hình thức đẹp nữa nên những chiếc bánh ngoại muốn đem cho, ngoại đều cắt thành hình cho vuông vức và gói nó vào những chiếc bao ni lông thật ngay ngắn. Con thì thích ăn những cái rẻo còn lại, nghĩa là những phần dư mà ngoại cắt ra, nên có bao nhiêu ngoại đưa hết cho con, con với ba con là hai thí sinh tham dự hết lòng trong “chương trình tiêu thụ” những cái rẻo ấy. Con nhớ cái cách ngoại nhìn con ăn ngấu nghiến và ngon lành như thế. Ngoại vui lắm, gương mặt ngoại sáng ngời, nụ cười ngoại xinh tươi tỏa nắng và lúc nào ngoại cũng dừng lại ở câu: “Ai mà sướng dữ rứa không biết?”. Ngoại thật biết chọc con lắm!

Ngoại ơi, hình ảnh ngoại chạy theo nắng ấy làm con chẳng thể nào quên được. Con ở đây, được có cơ duyên làm một người tu, được ngắm nắng chạy dài trên những cánh đồng bao la bất tận, được làm một người tự do du hành và được đi trên con đường mà Bụt đã đi qua, là nhờ bao nhiêu phước đức của ngoại và của tổ tiên để lại cho con. Ngoại đã chạy để cho con được đi nhẹ nhàng thảnh thơi. Bây giờ thì ngoại không cần phải chạy nữa vì con đang đi cho ngoại đây rồi. Ngày nào con cũng thấy ngoại cả. Con hạnh phúc lắm. Con biết ngoại rất vui và hạnh phúc khi con “trọc đầu”. Con nói chơi vậy thôi, chứ hồi con xin đi tu ngoại cũng khóc, dù những giọt nước mắt ấy đã từng lăn dài, triền miên, không ngớt nhiều tháng ngày trong quá khứ vì con của ngoại cũng là một người mang hạt Bồ đề lớn trong tâm. Con đã đi theo con của ngoại rồi đó và con đang là sự tiếp nối đi về những điều đẹp lành của ngoại đây rồi.

Con đang học lại từ đầu, làm lại từ đầu, từ những bước chân đi, từ lời nói, hành động đến những thói quen, sinh hoạt hằng ngày. Con thấy mình may mắn lắm vì bên con có những người thầy dạy cho con giới luật và uy nghi, chỉ cho con những điều con làm chưa đúng chưa hay, làm gương cho con về lối sống của Bụt, của Sư Ông, Sư cô. Từ đó con tập cho con lớn lên, tự bước đi những bước chân chánh niệm, tự thở những hơi thở ý thức và học cách sống một mình mà không phải dựa dẫm vào ngoại, vào ba mẹ như hồi còn ở nhà. Con đã quen được ngoại cưng chiều, cái gì ngon ngoại cũng cho, cái gì đúng ngoại bênh vực, mà theo đó con nhõng nhẽo với ngoại, nhưng cũng không thiếu đi sự dạy dỗ ngoại dành cho con. Ấy vậy mà có khi ngoại la rầy con, con lại giận dỗi trách móc và đem so sánh: ngoại dữ hơn nội. Con làm ngoại buồn mà con đâu hề hay biết. Con theo thói con nít mà cư xử. Ngoại ơi, con xin lỗi ngoại vì những vụng về còn lắm hoang sơ ấy của con nhé. Giờ con thấy con đang lớn nhiều ngoại ạ. Con bớt nhõng nhẽo và cũng bớt con nít hơn. Nhiều lúc con cũng yên lặng như đang là ngoại vậy.

Năm nay con chính thức bước ra khỏi cái nôi để bắt đầu đi những bước chân có ý thức. Sự tu tập của con, con xin gói ghém lại để dành tặng ngoại, cho những niềm biết ơn sâu dày của con, cho những điều mà ngôn từ của con không thể diễn đạt hết được. Ngoại ơi, con đang tu cho ngoại, thở cho ngoại và cười nụ cười tỏa nắng của ngoại đây!

Sáng nay con có cơ hội đi bộ với sư chị của con, một thoáng dừng lại, nhìn sang hai bên đường, con thấy nắng đang nhảy múa, hát ca cùng những giọt sương trên đầu ngọn cỏ. Con mỉm miệng cười, nghe lòng rộn tiếng an vui. Rồi con thấy ngoại, bóng hình chạy theo nắng đã và đang đi vào từng tế bào trong con, lưu nhuận và nuôi dưỡng con.