Sự kiện trực tuyến: Ngày thứ 6 màu nâu (Brown Friday)

Những năm gần đây, Black Friday (Ngày thứ 6 đen tối) đã dần trở nên quen thuộc hơn với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Black Friday là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (một ngày lễ hằng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada, rơi vào thứ năm cuối cùng của tháng 11), đây được coi là ngày mở đầu cho mùa mua sắm Giáng sinh ở Mỹ. Các doanh nghiệp, các cửa hàng đều giảm giá mạnh để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm. Việc mua sắm này thường được miêu tả là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển và là một hình thức tận hưởng ngày nghỉ lễ.

 

 

Tuy vậy, dồn hết năng lượng và bỏ nhiều thì giờ vào việc mua sắm có thể tưới tẩm những hạt giống thèm khát, giận dữ và cả lo lắng trong chúng ta. Cảnh tượng những bảng giảm giá có mặt khắp nơi hay người người chen chúc, đổ xô vào các cửa hàng trong ngày Black Friday ngày càng phổ biến trên các đường phố. Sự sản xuất và tiêu thụ thiếu chánh niệm của xã hội hiện nay đang làm dấy lên những lo ngại về sinh môi cũng như tương lai của Trái đất. Sức hút của sự tiêu thụ rất lớn, chỉ có năng lượng chánh niệm và ý thức chung của cộng đồng mới đủ khả năng kháng cự lại.

Vào ngày 25/11/2022, lúc 9h00 sáng (giờ ở tu viện Lộc Uyển), tương đương với khoảng 00h00 (giờ Việt Nam) ngày 26/11/2022, quý thầy, quý sư cô tại Tu viện Lộc Uyển, Làng Mai, Mỹ sẽ hiến tặng một buổi gặp gỡ trực tuyến với chủ đề “Brown Friday” (ngày thứ 6 màu nâu). Với việc thắp sáng ngọn đuốc chánh niệm nơi tự thân, mỗi cá nhân sẽ góp phần chuyển đổi nếp sống tiêu thụ của xã hội đi về hướng giản đơn, chừng mực với tượng trưng là màu nâu bình dị-màu áo của những người nông dân cũng như của những vị xuất sĩ Làng Mai.

Trong khung cảnh một buổi tối đầm ầm chúng ta sẽ có mặt, thưởng thức một tách trà nóng, chia sẻ về hành trình tâm linh hay những kinh nghiệm xung quanh việc sở hữu hay buông bỏ một món đồ. Cùng nhau, chúng ta chống lại cám dỗ của nhu yếu tiêu thụ, thiết lập lại chủ quyền cũng như có cơ hội khám phá ra rằng mình đã có đủ những điều kiện hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.

Buổi gặp mặt sẽ chủ yếu bằng tiếng Anh với thông dịch tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp.

Dưới đây là đường dẫn đăng kí:

  25/11BrownFriday(ngaythu6maunau)

 

 

 

 

Đem chánh niệm vào trường học

(Bài viết được chuyển ngữ bởi An Ban Team, Wakeup schools Việt Nam)

Richard Brady (Chân Pháp Kiều) là một giáo viên toán trung học đã nghỉ hưu, và là một giáo thọ cư sĩ của Làng Mai. Richard cũng là người hướng dẫn khóa tu, là nhà văn, nhà tư vấn giáo dục và điều phối viên của Chương trình Wake Up Schools (cấp độ II) ở Bắc Mỹ. Gần đây ông đã viết một cuốn sách có tựa đề “Walking the Teacher’s Path with Mindfulness” (tạm dịch: “Bước đi trên con đường nhà giáo cùng chánh niệm”). Đây là đoạn trích của một cuộc phỏng vấn do Kaira Jewel Lingo thực hiện vào tháng 8 năm 2021, được tổ chức bởi Wake Up Schools, Làng Mai. Các bạn có thể xem toàn bộ cuộc phỏng vấn tại youtu.be/o68kYh2N_U4.

 

 

Đi tìm con đường chánh niệm

Thưa bác, nhân duyên nào đưa bác đến với con đường chánh niệm và sự thực tập chánh niệm đã giúp bác thay đổi ra sao?

Năm 1987, tôi tìm thấy cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức. Khi đọc câu chuyện đầu tiên trong cuốn sách về cách làm sao tìm được thời gian không có giới hạn cho chính bản thân, tôi đã nghĩ, tôi cần mang cuốn sách này vào lớp toán và đọc cho học sinh của mình. Tôi tin các em sẽ nhận được rất nhiều lợi ích từ việc này. Học sinh có quá nhiều bài vở và chịu áp lực học hành khá lớn nên việc chạm vào được thời gian không giới hạn cho bản thân sẽ là món quà tuyệt vời nhất mà tôi có thể dành cho các em.

 

 

Mỗi ngày đến lớp, tôi bắt đầu tiết học với một trích đoạn trong cuốn sách. Khi nghe hết cuốn sách đó, các em nói là thích nghe một cuốn sách khác. Vậy là tôi đọc tiếp cuốn Trái tim mặt trời. Lúc đó, đọc sách của Thầy đối với tôi giống như đọc sách khoa học viễn tưởng vậy, bởi tôi không thấy bất kỳ ai sống theo cách Thầy mô tả, và cũng không biết làm thế nào mà có thể sống theo cách đó.

Vào cuối năm học, các học sinh cuối cấp được phép thực hiện các dự án đặc biệt, sau đó báo cáo kết quả dự án với cả lớp. Tôi rất xúc động khi nghe một em chia sẻ về hai tuần của mình tại một trung tâm thiền ở Washington, DC, nơi em đến mỗi ngày để thực tập và phụ giúp công việc. Quay trở lại trường, em ấy nhìn thật rạng rỡ và tràn đầy năng lượng. Trong phần hỏi đáp, một bạn trong lớp hỏi em: “Chris, mình thấy bạn dường như đã thay đổi sau trải nghiệm này. Bạn đã dành rất nhiều thời gian để ngồi thiền, nhưng điều gì thật sự làm cuộc sống của bạn thay đổi?” Chris suy nghĩ một phút và trả lời: “Chánh niệm đã làm thay đổi cuộc sống của mình theo nhiều cách. Rất khó diễn đạt thành lời! Nhưng mình có thể nói là mình bớt nóng tính hơn”. Khi nghe câu trả lời của Chris, tôi nghĩ: “Đây là người thầy của tôi!” Tôi nói với Chris, “Thầy cần phải làm những gì em đang làm. Thầy cần bắt đầu thực tập thiền”.

Đó là khởi đầu dẫn dắt tôi đến với Thầy – Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Mọi thứ sau đó dường như là định mệnh.

Đem chánh niệm vào trường học

Thưa bác, bác đã bắt đầu đưa sự thực tập chánh niệm vào trường học như thế nào và nó tác động đến các học sinh ra sao?

Khi gặp được Thầy và bắt đầu con đường thiền tập, tôi vẫn chưa sẵn sàng mang pháp môn này vào trường Quaker, nơi tôi giảng dạy. Lúc ấy, tôi chưa thấy cơ hội nào thuận tiện và sự thực tập của tôi còn rất non yếu. Vì vậy, tôi chỉ chuyên tâm thực tập. Một vài năm sau, trường đưa ra một khóa học mới, có tính bắt buộc, dành cho học sinh lớp chín. Khóa học này có một học phần về sức khỏe. Tôi đến gặp giáo viên dạy môn đó và hỏi liệu tôi có thể dạy một buổi về cách giảm căng thẳng không? Cô bạn đồng nghiệp hoan hỷ yểm trợ. Thế là tôi bắt tay soạn giáo án.

Tôi chỉ có 45 phút, vì vậy bất cứ điều gì tôi làm cần phải gây một ấn tượng đáng nhớ trong lòng các em. Tôi tự hỏi, các em thực sự quan tâm đến điều gì? Frank McCourt, tác giả của cuốn “Teacher Man” (Người thầy – Hồi ức của một nhà giáo Mỹ), cho rằng có hai thứ mà học sinh trung học của ông quan tâm: tình dục và thức ăn. Còn đối với tôi, tôi muốn thêm một điều, đó là các em rất muốn tìm hiểu chính mình. Các em là những đứa trẻ mười bốn tuổi đang cố hình dung xem mình là ai. Vậy thì tại sao tôi không thử mời các em khám phá tâm trí của chính các em?

Tâm trí thường là một phần chưa được biết, chưa được khám phá của chính chúng ta. Chúng ta biết cách sử dụng nó nhưng lại không biết điều gì đang diễn ra bên trong. Vì vậy, tôi mời các em học sinh làm một bài thực hành, đó là quan sát điều gì xảy ra trong tâm trí của mình trong vòng năm phút. Tôi so sánh tâm trí như một sân khấu nơi sẽ xuất hiện những vai diễn khác nhau. Nhân vật sẽ ở đó một lúc, rồi sẽ rời đi. Sau đó, tôi mời cả lớp cùng chia sẻ về những gì các em có thể nhìn thấy trên sân khấu của chính mình. Các em nhận ra là mình có ý thức hơn về những cảm xúc, suy tư, những cảm giác đến từ bên trong cũng như từ những tác động của thế giới bên ngoài.

Các em được hướng dẫn là chỉ tập trung chú ý đến những gì đi lên trong tâm trí mà thôi. Tôi hỏi: Các em có nghĩ là trên sân khấu có thể có nhiều diễn viên xuất hiện cùng một lúc không? Hầu như các em đều trả lời rằng điều đó có thể xảy ra, nhưng các em không chắc. Sau đó tôi lại hỏi: liệu sân khấu có thể để trống trong một thời gian hay không? Chỉ có một vài em nghĩ rằng điều này là có thể. Sau khi cả lớp thử nghiệm quan sát tâm trí của mình, tôi chuyển sang câu hỏi: Có bao nhiêu người đã có suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực trong năm phút vừa qua? Hầu như các em đều trả lời có. Những suy nghĩ đều liên quan đến những việc chưa xảy ra, những việc đã xảy ra, hoặc một vấn đề có thể liên quan đến bạn bè hoặc cha mẹ, và đôi khi là một vấn đề đang xảy ra ngay thời điểm hiện tại khi mà các em không thích những gì mình đang làm. Vì vậy, thật dễ dàng để tôi bắt đầu chia sẻ với các em về những gì đang diễn ra trong tâm trí ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của các em.

Khi có nhiều suy nghĩ tiêu cực đi lên trong tâm trí, có thể ta sẽ cảm thấy chán nản nếu ta chú ý quá nhiều đến chúng, trừ khi ta có thể làm gì đó với những suy nghĩ này. Vì vậy, tôi đã nói: “Có một điều các em có thể làm!” Và chúng tôi đã cùng nhau thực hành một bài thiền tập ngắn:

Thở vào, tôi thấy tôi là bông hoa.
Thở ra tôi cảm thấy tươi mát.
Thở vào, tôi thấy tôi là trái núi.
Thở ra, tôi cảm thấy vững vàng.

Qua bài thực hành, các em bắt đầu nhận thấy tâm trí có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến cuộc sống của mình. Và các em biết rằng mình có thể làm một điều gì đó để tâm trí trở nên cởi mở, tích cực hơn.

Nhiều năm sau, một số em khi về thăm tôi còn nhắc lại kỷ niệm cả lớp cùng nghe một đoạn trích trong các tác phẩm của Thầy vào đầu buổi học. Có em thì nhớ những điều tôi đã chia sẻ trong các tiết học về giảm căng thẳng. Tôi nhận thấy rằng giảm căng thẳng không chỉ là vấn đề của trường học mà thôi. Thực ra, cả thế giới đang trong tình trạng căng thẳng. Tôi có thể thấy chánh niệm sẽ trở thành một con đường hết sức quan trọng, giúp ta chủ động đối diện với những khó khăn, thách thức trong thế giới mà tất cả chúng ta đang bước vào.

Trong hai năm cuối trước khi về hưu, tôi đã bước thêm một bước nữa. Tôi được nhà trường cho phép bắt đầu mỗi tiết học của mình với năm phút thực tập chánh niệm. Đôi khi tôi cho các em đọc một bài thơ hoặc một truyện ngắn của Thầy cũng như của nhiều tác giả khác. Mỗi tuần một lần, các em có giờ “tự do sáng tác” (“free writing”). Trong giờ đó, các em được hướng dẫn ghi lại bất cứ cái gì đi lên trong đầu mình trong vòng năm phút. Đây là một trải nghiệm có tính cách mạng đối với nhiều em. Cuối năm học, các em đã viết thư kể cho tôi nghe những đột phá quan trọng, cũng như những điều các em thấy được về chính mình trong quá trình viết hay sáng tác trong chánh niệm.

 

 

Chánh niệm và toán học

Thưa bác, là một giáo viên dạy toán, làm thế nào mà bác có thể kết nối chánh niệm với toán học trong việc giảng dạy của mình?

Ban đầu, việc kết nối chánh niệm với toán học quả là một thách thức đối với tôi. Bởi vì toán học tập trung vào việc phân tích và tìm câu trả lời. Toán học hướng đến điểm cuối cùng, đến kết quả. Trong khi đó, chánh niệm lại là sự có mặt trong từng khoảnh khắc và có mặt cho bất cứ điều gì đang biểu hiện. Điều quan trọng đối với tôi trong việc giảng dạy là giúp các em học được cách ngồi yên và nhìn sâu vào một bài toán, mặc dù chưa có đáp án, hoặc chưa tìm ra phương pháp để giải nó. Em chỉ cần ngồi với bài toán mà không cảm thấy rằng em sẽ bị phạt nếu em không tìm ra đáp án.

Trên thực tế, đôi khi tôi sẽ hỏi: “Câu hỏi nào đi lên trong các em khi nhìn vào bài toán này? Cái gì đi lên trong đầu các em?” Tôi muốn các em học cách suy tư và thấy rằng các em có thể ngồi với một vấn đề nào đó và để cho những câu hỏi tự đi lên trong mình, chỉ cần như vậy thôi. Tôi phải thừa nhận rằng đây không phải là một quá trình dễ dàng đối với những học sinh đã quen với việc tìm ra đáp án và không quen với việc tự đặt ra các câu hỏi.

Tôi thấy mình thành công trong lớp học khi bày cho học sinh cách hiểu bản thân mình hơn, cho dù các em chưa hẳn có nhiều tiến bộ trong việc học toán. Trước khi bắt đầu tiết học, chúng tôi đều thực tập chánh niệm trong năm phút. Sau đó, các em sẽ làm việc theo nhóm bốn người. Sự tập trung mà các em dành cho nhau khi làm việc nhóm, sự chú ý mà các em dành cho bài học đã làm chất lượng của cuộc thảo luận tăng cao hơn. Đó là nhờ các em có cơ hội ngồi yên và viết xuống giấy những gì làm các em vướng bận từ tiết học trước đó hay bất cứ một cái gì trong lòng.

Cả lớp cũng sẽ ngồi thiền năm phút trước khi làm bài kiểm tra. Nửa đầu của bài thiền tập, tôi mời các em chú ý xem mình đang cảm giác như thế nào, đang suy nghĩ gì trước khi bước vào bài kiểm tra. Đối với những học sinh không cảm thấy thoải mái hay tự tin, tôi muốn gửi đến các em một thông điệp rằng: không có gì sai với những cảm xúc đó. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được do khối lượng bài vở và áp lực của bài kiểm tra trước đó đã có ảnh hưởng đến thân tâm của các em. Thông điệp của tôi là “Không sao cả! Những cảm xúc đó không phải là thứ có thể chế ngự các em trong 45 phút tới”.

Sau đó, tôi hướng dẫn các em chú ý đến một điều gì mà các em đã làm liên quan đến toán học khiến các em cảm thấy tự hào và hạnh phúc. Đó có thể là khi các em giải được một bài toán khó, hoặc hiểu được một khái niệm toán học phức tạp. Tôi mời các em nhắm mắt lại, ngồi với cảm xúc đó và ý thức rằng những giây phút hào hứng với toán học vẫn còn đó trong các em, cho dù ngay lúc này đây các em đang cảm thấy lo lắng. Tôi cũng mời các em làm tương tự khi các em cảm thấy đầu óc mình căng lên, không nhớ được điều gì hết trong quá trình làm bài kiểm tra.

Khát vọng chia sẻ sự thực tập chánh niệm với các nhà giáo

Thưa bác, điều gì khiến cho bác có ước muốn chia sẻ chánh niệm với các thầy cô giáo và tạo động lực để bác viết nên cuốn sách ‘Bước đi trên con đường nhà giáo cùng chánh niệm’?

Ở trường trung học nơi tôi từng giảng dạy, tôi là giáo viên duy nhất biết đến sự thực tập chánh niệm và cũng là người tìm đủ cách để khéo léo chia sẻ sự thực tập này với các em học sinh. Giờ đây nhìn lại, tôi thấy sở dĩ điều này đã có thể làm được như vậy là nhờ tôi đã thay đổi cách tiếp cận của mình đối với việc dạy học. Đây là điều khá quan trọng. Tôi cho mình đủ thời gian để thong thả làm những việc cần làm mà không phải là làm cho xong. Và tôi cũng dạy các em thực tập như vậy đối với những gì các em đang làm.

Có khi, tôi bắt đầu buổi học bằng cách cho các em ăn một trái nho khô, trong năm phút. Sau đó, chúng tôi cùng chia sẻ về cách ăn và làm thế nào để ý thức trọn vẹn những gì đang xảy ra trong khi ăn. Tôi gợi ý rằng các em có thể áp dụng sự thực tập đó trong khi làm bài tập: đừng vội vàng làm cho xong mà hãy dành ba mươi hay bốn mươi phút để làm bài tập, cho dù các em chưa hoàn thành cũng không sao. Cách các em làm quan trọng hơn là số lượng bài vở mà các em hoàn thành.

Khi viết cuốn sách Bước đi trên con đường nhà giáo cùng chánh niệm, tôi mong muốn các giáo viên cảm nhận được quyền tự chủ của mình trong việc chọn lựa những gì mình muốn truyền đạt cho học sinh. Tôi đã làm điều đó bằng cách kể lại những câu chuyện của chính tôi, những gì đã nuôi dưỡng và giúp cho tôi lớn lên trong quá trình dạy học. Sau mỗi câu chuyện, tôi đưa ra ba hoặc bốn câu hỏi để người đọc chiêm nghiệm. Hy vọng cuốn sách này giúp các giáo viên bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về cuộc sống của chính họ. Điều quan trọng mà tôi muốn hiến tặng cho các giáo viên qua cuốn sách này không phải là những lời hướng dẫn, chỉ bày những gì họ cần làm khi đến lớp, mà là lời khích lệ các giáo viên nuôi dưỡng sự thực tập chánh niệm cho chính mình. Một khi giáo viên đã nếm được lợi lạc của chánh niệm, bắt đầu cảm thấy thoải mái và sẵn sàng chia sẻ sự thực tập đó, họ sẽ tìm ra những cách phù hợp để trao truyền cho học sinh của mình.

Gần đây, tôi làm ra một bài thực tập có tên “Tự do trong làm việc” (“Free at work”), dành cho bất kỳ ai đi làm và đặc biệt là dành cho các giáo viên. Bài tập này giúp ta nhìn sâu vào cách làm việc của mình để xem ta có đủ tự do hay không. Từ đó, ta bắt đầu nhận thấy hầu hết các rào cản khiến cho ta không có cảm giác tự do trong công việc đều đến từ bên trong. Khi các giáo viên biết thực tập để nhận diện và tháo gỡ những rào cản bên trong chính mình, điều đó sẽ làm thay đổi cách dạy học của họ và những gì họ dạy sẽ có tác động rất lớn đối với học sinh. Đây là những gì tôi mong muốn truyền đạt cho các giáo viên qua cuốn sách của mình.

Mạng lưới chánh niệm trong giáo dục

Năm 2001, Mạng lưới Chánh niệm trong Giáo dục (Mindfulness in Education Network) được thành lập với hơn 1000 thành viên trên khắp thế giới. Là một trong những giáo viên đi tiên phong trong lĩnh vực này, tôi thường nhận được nhiều câu hỏi qua email từ các giáo viên về sự thực tập chánh niệm. Tôi chỉ có thể trả lời một ít câu hỏi trong số đó từ kinh nghiệm của chính mình. Khi không có câu trả lời hữu ích, tôi sẽ mời người đã viết thư cho tôi truy cập trang web của Mạng lưới Chánh niệm trong Giáo dục (mindfuled.org), tham gia vào danh sách email chung của cộng đồng và đăng câu hỏi của mình lên đó. Quý vị sẽ nhận được câu trả lời từ tuệ giác tập thể của mạng lưới các nhà giáo khắp nơi trên thế giới.

 

     Trung tâm thực tập chánh niệm Morning Sun, New Hampshire

Nơi hẹn về là chốn an vui

Em thương của chị,

Ngày chị đến Làng, cách đây 30 năm, em mới lên một tuổi. Em sẽ không tưởng tượng được Làng Mai lúc đó ra sao và cũng không hình dung được chị là một cô gái 22 tuổi, phải không em? Em sẽ hỏi lý do vì sao chị đến Làng trong thời điểm dân chúng Làng Mai rất ít và nhà cửa rất đơn sơ. Cái gì đã khiến chị chọn Làng Mai làm nơi nương tựa và sống đời xuất sĩ. Ba mươi năm thật dài nhưng cũng trôi qua thật nhanh!

Lần đầu chị đến Làng Mai, lúc đó còn gọi là Làng Hồng, vào khoá tu mùa Hè năm 1992. Làng tổ chức ăn mừng 10 tuổi. Ấn tượng đầu tiên của chị là được trở về quê hương Việt Nam. Lớn lên ở Mỹ từ năm 10 tuổi nhưng chị luôn thấy mình không thực sự hòa nhập được vào môi trường và xã hội ở đó. Mình không thể được công nhận là người Mỹ vì mái tóc đen và nước da vàng của mình. Đến Làng năm ấy, chị đã làm quen với những người trẻ Việt Nam lớn lên từ nhiều nước Tây phương. Có thể ai cũng có tâm trạng như chị, vì vậy khi đến với nhau, ai cũng thấy được chấp nhận hoàn toàn con người của mình. Ai cũng mở lòng để yểm trợ, nâng đỡ và thương yêu nhau. Không khí của Làng, cũng như những bài pháp thoại của Sư Ông và sự hiện diện của các thầy, các sư cô đã tạo nên một môi trường thật hiền lành, thật trong sáng, đầy bình an, yên ổn và thương yêu. Trong một tuần thôi, chị và những người trẻ đã trở thành bạn rất thân. Tình thương và tình bạn đó nuôi dưỡng chị rất nhiều suốt 30 năm qua. Đây là quê hương đích thực của chị vì ở đây có tình thương, có tình người, có sự chấp nhận, có niềm vui, có sự an toàn, có giáo pháp giúp chị ôm ấp khó khăn và sống hiền lành.

 

 

Sư Ông thích người trẻ mặc áo dài, dù đó là con gái hay con trai. Mỗi tuần, trong các buổi sinh hoạt, mình có nhiều cơ hội mặc áo dài: khi đi nghe pháp thoại Sư Ông giảng bằng tiếng Việt, hay trong buổi thiền trà và trong những buổi lễ. Lần đầu tiên trong đời chị mặc áo dài thường xuyên như vậy đó em. Sau giờ cơm trưa và chiều, các bạn trẻ xúm lại với nhau để ca hát dưới hai cây sồi ở xóm Hạ, bên cạnh khóm trúc. Mỗi ngày chị được nuôi lớn bằng tiếng ca, bằng những lời nhạc thiền và những tiếng cười giòn tan trong tình thương bè bạn. Sau một tháng chị trở về Mỹ với rất nhiều niềm vui và một trái tim ấm áp khi biết rằng mình đã có con đường đẹp và lành. Lại có thêm những người bạn rất dễ thương, hiền lành từ Âu châu, Mỹ châu cùng đi với mình.

Chị quyết định trở lại Làng sống một năm vì đây là thời gian để chị khám phá cuộc đời sau khi tốt nghiệp đại học và trước khi tiếp tục việc học của mình. Chị về Làng trước khóa tu mùa Đông. Sự khác biệt giữa mùa hè và mùa đông quá rõ ràng. Lần này chỉ có khoảng 15 thầy và sư cô cùng một vài cư sĩ. Chị là người trẻ duy nhất ở xóm Hạ. Không khí lạnh lẽo, mưa ẩm ướt, bùn lầy. Không có những người bạn bao quanh, không tivi, phim ảnh, không internet, không bận rộn để trốn tránh đối diện con người của mình. Chị đã đi qua giai đoạn này rất nhọc nhằn. Những khó khăn trong lòng, những khổ đau xưa đã có đủ điều kiện và không gian để biểu hiện. Không còn cách nào khác, chị phải tìm cách xoa dịu những khó khăn và khổ đau đó. May quá, những lời dạy của Sư Ông, tình thương của quý sư cô cũng như của người anh ruột là thầy Pháp Đăng đã giúp chị có đủ dũng cảm để trở về ôm ấp và nhìn vào tâm mình.

Một yếu tố giúp chị rất nhiều chính là thiên nhiên, là đất Mẹ. Cả ngày, ngoài giờ ngủ nghỉ, ăn, hoặc ngồi thiền, chị đã sống ngoài thiên nhiên với cây cối, trời đất. Thiên nhiên trở thành người bạn giúp chị có đủ niềm vui, đủ sức mạnh để đối diện với những khổ đau trong lòng.

Lúc đó, Làng còn nghèo lắm. Nhà cửa đơn sơ, nghèo nàn. Chị ngủ trong căn nhà mà trước đó là nơi người ta phơi thuốc lá. Căn nhà này có vách tường gạch đỏ và sàn bằng xi măng. Giường ngủ cũng chỉ là một tấm ván kê trên bốn tấm gạch đỏ. Giữa đêm lạnh buốt mà muốn đi vệ sinh thì phải đi ra ngoài trời mới đến được nhà vệ sinh. Không có nước nóng ở những vòi rửa mặt. Có nước nóng để tắm đã là một sự nhiệm mầu và hạnh phúc lắm rồi. Em tưởng tượng đi, một điều chị luôn luôn trân quý và biết ơn là những căn phòng này có máy sưởi trung ương (central heating). Có những căn nhà khác chỉ dùng lò đốt củi thôi. Giữa đêm mà củi đốt hết thì căn phòng lạnh như ngoài trời vậy.

 

Quý sư cô: Định Nghiêm, Tuệ Nghiêm và Giải Nghiêm

 

Tuy chỉ mười mấy thầy và sư cô thôi nhưng không khí như một gia đình ấm cúng. Ngày nào cũng có tiếng hát, tiếng ngâm thơ, tiếng cười. Trước khi thiền hành, đại chúng hát với nhau. Đôi khi sau bữa ăn cũng ngồi lại để uống ly trà thơm, ca hát, ngâm thơ, kể chuyện. Mỗi thời khóa của chúng, ai cũng có mặt. Tuy Làng nghèo và thiếu đủ điều nhưng rất giàu tình thương, tình huynh đệ, tình bạn. Chị được nuôi dưỡng mỗi ngày trong không khí bình an, thương yêu, trong cái đẹp và lành của đời sống tâm linh. Trái tim chị mở ra rất nhiều. Chị trân quý mỗi ngày, trân quý mọi cơ hội trở về nếp sống đơn giản, lành mạnh mà nhờ đó chị có nhiều thì giờ để làm mới tự thân. Nếp sống này đã làm cho chị thấy rất mãn nguyện, giống như đã thực hiện được một ước mơ gì đó trong mình.

Sau một năm ở Làng, chị trở về Mỹ. Trở về nhà như là đi xuống núi để vào cuộc đời nhiều phiền phức và rắc rối. Lần này, rất khác, chị đã đi vào cuộc đời với đôi mắt sáng để thấy những gì trước kia mình không thấy hoặc đã coi đó là chuyện thường. Điều đầu tiên chị thấy là ai cũng lo làm để có nhiều tiền. Hình như đó là cách đi tìm hạnh phúc của mọi người. Sự tiêu thụ tạo ra nhiều rác thải trên đất Mẹ mà ít ai lưu tâm. Điều thứ hai, chị thấy rằng ai cũng có những khó khăn và khổ đau nhưng không biết cách xử lý mà chỉ tìm cách chạy trốn để quên lãng, rồi từ đó làm khổ chính mình và những người mình thương. Chị cũng thấy các anh chị của chị khổ đau rất nhiều trong liên hệ vợ chồng và con cái, trong khi người anh xuất gia của chị lại có nhiều niềm vui và giúp nhiều người khác hạnh phúc. Nếp sống đơn giản và sâu sắc của một xuất sĩ ở Làng Mai trở thành hướng đi, là con đường chị chọn lựa. Đó là những nguyên do mà chị đã quyết định trở về Làng Mai và xin trở thành một người xuất sĩ.

Ba mươi năm trôi qua là một quãng đường dài. Nhìn lại, môi trường ở Làng đã có nhiều thay đổi và chị cũng đã đi qua nhiều giai đoạn trong lòng. Chị nhớ trước khi bước vào đời sống tâm linh, chị cũng có những lo sợ. Liệu chị có hạnh phúc suốt đời và đi trọn con đường này không? Tuy vậy, khi nhìn vào anh của chị và Sư Ông – những người đang bước đi vững chãi, có hạnh phúc và giúp được bao người bớt khổ – chị vững niềm tin để bước vào đời sống của một xuất sĩ trẻ. Có những thăng trầm đến trong cuộc đời tu của chị. Những lúc như vậy giúp chị thấy rằng: mình đi tu cũng vì muốn hiểu được gốc gác của những khó khăn trong mình và chuyển hóa chúng. Có những lúc chị thấy mình hơi yếu trước những liên hệ tình cảm. Chị đã tranh đấu với nội tâm rất nhiều và chị xác định rất rõ rằng chị đi tu là để được tự do khỏi những tình cảm vướng bận, để nuôi lớn tình thương của Bụt trong mình. Dần dần chị thấy được mục đích cao cả của đời sống xuất gia là chuyển hóa khổ đau, đi đến vùng ánh sáng của hạnh phúc và tự do, trở thành pháp khí để giúp nhiều người thấy con đường đẹp và lành. Nhìn lại, chị thấy những khó khăn đó là chất liệu củng cố và nuôi lớn tâm ban đầu, giúp chị tiếp xúc được không gian trong lòng và hiểu sâu hơn về chính mình.

Khó khăn có đó, nhưng đồng thời niềm vui, hạnh phúc và bình an luôn có mặt. Chị đã được nuôi lớn mỗi ngày bằng những chất liệu lành mạnh của những bài thiền ca, những bài thơ, những bài thi kệ, thiên nhiên, tiếng cười và tình huynh đệ. Chị đâu cần gì nữa. Chị đã có những gì mình ước mơ cho cuộc đời mình rồi. Chị đâu phải chạy quanh để tìm hạnh phúc nữa. Hạnh phúc, bình an là chất liệu chị có thể tiếp xúc và nếm được mỗi ngày. Dần dần những khó khăn xưa kia của chị được chuyển hóa khi nào không hay.

 

 

Càng sống lâu trong tăng thân, chị càng thấy mình được lột xác. Càng thực tập, chị càng thấy những nhiệm mầu biểu hiện xung quanh và bên trong mình, cũng như hiểu được những điều mà xưa nay chỉ hiểu trên lý thuyết. Mẹ qua đời là điều đánh động sâu sắc nhất trong cuộc đời chị. Mẹ chị đã bị bệnh sáu năm trước khi qua đời. Thân thể mẹ càng ngày càng yếu và hết khả năng hoạt động bình thường. Khi mẹ qua đời, tuy rằng chị biết đã đến lúc mẹ phải bỏ cái thân già bệnh đó và mẹ đang tiếp nối trong các con, các cháu nhưng chị vẫn cảm thấy trống vắng, mất mát và buồn nhớ vô cùng. Chị sẽ không còn thấy hình dáng của mẹ, nghe tiếng nói của mẹ, ôm mẹ, và chạm đến thân thể mẹ. Khi mới tới Làng, chị được dạy rằng chỉ khi nào ôm ấp được cảm giác buồn nhớ và mất mát này thì mới có thể hiểu, làm lắng dịu và chuyển hóa được. Những bài học đó đã trở thành tiếng chuông chánh niệm cho chị trở về và nhận ra rằng: mẹ đang có mặt trong mình. Chị đã chạm được vào mẹ. Mẹ đang có mặt. Mẹ luôn luôn có mặt. Mình là sự tiếp nối của mẹ qua những đức hạnh và tập khí của mình. Chỉ cần trở về với hơi thở, với thân tâm, với giây phút hiện tại để thấy mẹ trong mình. Đây là một sự thật, sự thật tương tức, mẹ và con là một. Con là sự tiếp nối của mẹ.

Khi chạm được sự thật này, niềm buồn nhớ, cảm giác mất mát đã dần dần chuyển hóa. Mỗi khi bất an, chị trở về với thân thể và hơi thở, thầm gọi “Mẹ ơi mẹ” thì mẹ có mặt ngay để thương yêu và giúp chị đối diện với những tâm hành bất an đó. Chị thấy chị tu cho chị, mà đồng thời cũng tu cho mẹ. Thấy được mẹ con tương tức là cửa ngõ để chị có thể đi tới cái thấy tương tức giữa mình và mọi người, giữa mình và vũ trụ.

Em à, nếu mình nếm được tuệ giác vô ngã và tương tức nơi thân tâm mình thì mình có thể nếm được hạnh phúc và tự do lớn ngay bây giờ và ở đây. Đây chính là con đường của một người xuất sĩ đó em.

(Sư cô Chân Tuệ Nghiêm)

Thời gian là sự sống

Thời gian là dòng suối trong xanh
Thời gian là những chồi non mới nhú
Thời gian là cánh rừng im mát
Ngày ngày thay áo mới tươi xanh

Thời gian là tiếng chim ca lảnh lót
Vang khắp các từng không
Là tiếng cúc cu gọi về
Cho lắng lại những lao xao
Thời gian là cánh đồng hoa cải vàng
Còn đọng sương mai mỗi sớm
Là bình minh,
Là nắng ấm,
Là nụ cười hồn nhiên
Vang mãi trong tim người.

Thời gian là đóa sen đầu mùa mới chớm
Gợi về bao kỷ niệm thân thương
Là cánh đồng hoa hướng dương mênh mông bát ngát
Là con đường thanh thoát đón trăng lên.

Thời gian là những cánh rừng thu đỏ thắm
hay rực rỡ sắc vàng tươi,
Là những chiếc lá chín rơi, rơi vào trang vở
Chở nét chữ trinh nguyên
Mang thông điệp yêu thương đi vào cuộc đời.

Thời gian là những bông tuyết nhẹ nhàng rơi
Là rạo rạc bước chân trên những thảm cỏ trắng thong dong,
Là ngọn nến lung linh, lấp lánh tấm lòng trinh bạch
Là lò sưởi đỏ quần tụ bao người sưởi ấm những ngày đông.

Thời gian là buổi chiều yên ả ngồi ngắm cánh đồng,
Là những ngọn đồi cao cho em thấy mình bao la như vũ trụ
Là trang sách mở ra đưa em về gặp lại những tri âm,
Đón tiếp bao tấm lòng cao thượng.

Thời gian là ngọn gió an lành
Thời gian là bước chân nhẹ nhàng thanh thản
Thời gian là những trang kinh mở ra mỗi sáng
Thời gian là hơi thở bình an.

Thời gian là sự sẻ chia,
Là tâm tình ta gởi đến cho nhau
Thời gian là sự hiến tặng,
Là tình thương cho đi không cần điều kiện.

Thời gian là sự sống
Hãy sống những gì em yêu thích
Và thả trôi tất cả những muộn phiền.

 

Theo Thầy làm báo

Thầy Pháp Hội nhiều năm gắn bó với Lá Thư Làng Mai. Ban biên tập đã có cơ hội nghe thầy kể về khoảng thời gian đáng nhớ ấy. Những chia sẻ dưới đây được trích từ buổi nói chuyện này.

Biên tập báo Lá Thư Làng Mai (LTLM) là tham dự vào công việc tạo ra một món ăn tinh thần quan trọng để hiến tặng cho thế giới. Rất nhiều người tôn kính Sư Ông, muốn học hỏi giáo lý từ Sư Ông, đồng thời cũng quan tâm tới sinh hoạt diễn ra hàng năm của Làng. Mỗi năm, Sư Ông là người biên tập chính của báo Làng Mai. Sư Ông làm báo rất kỹ và là người chỉ dạy cho quý thầy, quý sư cô từng chút một trong việc tạo ra món ăn tinh thần này. Pháp Hội may mắn được tham dự vào việc làm báo từ rất sớm. Xuất gia năm 1997, Pháp Hội đã được theo chân thầy Pháp Ấn, thầy Pháp Khâm và các sư anh, sư chị khác để cùng với Sư Ông làm LTLM từ năm 1998. Pháp Hội cảm nhận Sư Ông dành nhiều tâm huyết cho tờ báo bằng cách chỉnh sửa, chọn lựa từng câu chữ, và giúp cho ban biên tập hiểu tinh thần của món ăn đó phải như thế nào để thể hiện được cốt tủy của truyền thống Làng Mai trên phương diện pháp môn tu học cũng như xây dựng tăng thân.

Sư Ông rất vui khi báo LTLM biết chọn lọc đưa những tin tích cực, có chất lượng và không bị những tin tức kiểu quảng cáo xen vào. Nội dung tờ báo không phải chỉ đến từ những gì Sư Ông giảng dạy mà từ chính những cái thấy trong sự tu học của quý thầy, quý sư cô hay của những vị cư sĩ đến Làng. Chính vì vậy báo đã thể hiện được nhiều góc nhìn khác nhau về hạnh phúc trong sự tu học, về quá trình xây dựng tăng thân và về những gì tăng thân đã đóng góp được cho thế giới. Bên cạnh đó, báo LTLM còn là nguồn tư liệu lịch sử vô cùng quý giá về quá trình hình thành và phát triển truyền thống Làng Mai. Những chuyến hoằng pháp của Sư Ông khắp nơi trên thế giới để tiếp nối sự nghiệp của chư Tổ, hay những câu chuyện kể về những phương thức đầu tiên được áp dụng trong mỗi pháp môn tu học… đều được ghi chép lại. LTLM trở thành một thông lệ được nhiều người mong chờ và cũng được gọi với cái tên vô cùng thân quen là báo Tết. Sư Ông mong muốn LTLM là một món quà tinh thần ý nghĩa cho năm mới, do đó mình thường cố gắng hoàn thành báo trước Tết để kịp in và gửi đi cho mọi người. Và vì thế, BBT cũng có một chút “áp lực” về thời gian.

Sư Ông luôn năng động và cởi mở để chấp nhận những phương pháp làm việc mới mang lại hiệu quả hơn. Các thầy, các sư cô được học hỏi nhiều trong việc biên tập báo. Mặc dù LTLM chỉ ra một năm một lần nhưng rất có chất lượng. Cả nội dung và hình thức đều mang chất liệu thiền vị, chuyên chở được năng lượng của sự tu học, cũng như mô tả chân thực cách thức thực hiện và kết quả các công việc từ thiện của Làng. Sư Ông cũng để nhiều tâm sức cho việc kêu gọi từ thiện. Công việc này được làm theo cách khác so với từ xưa đến nay và mang lại nhiều hiệu quả, đồng thời cho thấy bên cạnh việc chú trọng thực tập, người tu còn trợ giúp và đóng góp một cách cụ thể cho thế giới bên ngoài.

 

 

Khi còn chưa xuất gia, Pháp Hội cũng có một bài ngắn được đăng trên LTLM, nói về hạnh phúc của mình trong đại chúng. Bài viết ngây thơ lắm! Chỉ là liệt kê những niềm vui khi hòa nhập vào đời sống sinh hoạt, tu học tại Làng: tả phòng mình ở như thế nào, mình hạnh phúc với nó ra sao, rồi chuyện có con mèo mùa đông lạnh quá tới phòng mình để sưởi ấm hằng đêm. Thầy Pháp Ấn cũng có sáng kiến đưa vào tờ báo lá thư soi sáng của một vị trong chúng. Đó chính là thư soi sáng của đại chúng dành cho Pháp Hội, nhưng được đổi tên. Những thực tế sống động như vậy của đời sống tu học thường được đưa vào báo.

Trong quá trình làm việc, Pháp Hội cũng như các thầy, các sư cô trong BBT có cơ hội được học hỏi và tiếp xúc với Sư Ông. Sư Ông là một người làm báo tuyệt vời và rất nhà nghề! Có những lúc bị công việc cuốn đi, năng lượng của mình không còn đủ tươi mát nữa. Mình không nhận ra điều đó nhưng Sư Ông nhận ra. Mặc dù đã gấp lắm rồi nhưng Sư Ông vẫn bảo: “Thôi bây giờ nghỉ đi, đừng làm gì cả, để thầy chiên cơm cho ăn”.

Công việc không quan trọng bằng sự thực tập. Sau này, Pháp Hội mới nhận ra tại sao lại như vậy. Làm việc với Sư Ông không phải chỉ là học hỏi những kỹ năng làm báo mà còn học hỏi cách chăm sóc chính mình, cách làm sao để có hạnh phúc trong công việc. Đó mới là chuyện quan trọng. Ta còn có thể sử dụng tinh thần đó để làm những cuốn sách của Sư Ông. Người nào có may mắn được làm sách, làm báo với Sư Ông đều được học hỏi về cách làm sao để làm một cuốn sách thể hiện được rõ nét đời sống tinh thần của mình trong đó.

Khi đến Làng, Pháp Hội mang theo bộ phông chữ tiếng Việt mới. Bộ chữ này đẹp về mặt hình thức và cũng tiện sử dụng hơn cho máy tính. Lúc đó, ở Làng đang dùng loại máy Macintosh của Apple. Máy này đã cũ và bộ chữ trong đó tuy dùng được nhưng còn nhiều hạn chế. Khi ấy, Sư Ông đang thiết kế cuốn Nhật tụng thiền môn và đang sử dụng bộ chữ cũ. Khi có bộ chữ mới, vị cư sĩ phụ trách về máy tính đề nghị chuyển toàn bộ sang hệ thống mới. Sư cô Thoại Nghiêm là người phát nguyện đánh máy lại toàn bộ bộ kinh đó sang phông chữ mới, và phải làm thật nhanh. Vì vậy, tuy còn nhiều lỗi nhưng sư cô phải bỏ qua để phần chữ được chuyển sang kiểu mới trước. Hồi đó, máy tính không có hệ thống chuyển đổi phông chữ như bây giờ, mỗi máy có một bộ chữ khác nhau, và là tiếng Anh thôi. Do đó, mình cần nhiều người để chỉnh sửa ngữ pháp, chính tả. Pháp Hội là người Bắc nên khá vững về điều đó. Công việc này được Sư Ông gọi là “bắt sâu”.

 

                       Thầy cho pháp thoại dưới gốc cây sồi tại xóm Hạ năm 1987

 

Gần như phần lớn thời gian ở Làng, Pháp Hội không chỉ làm báo thôi mà còn làm sách nữa, như cuốn Ngày Xuân bói Kiều, Truyện Kiều… Pháp Hội được Sư Ông trực tiếp chỉ dạy nên làm cuốn đó như thế nào, và cũng mạnh dạn làm trên một phương thức mới, bằng máy móc mới. Đó là những cuốn sách đầu tiên được thiết kế trên máy tính một cách hoàn chỉnh chứ không phải như phương thức cũ, rời rạc. Tuy nhiên, khi gửi sang Mỹ để in thì gặp vấn đề là khổ giấy của Mỹ khác với khổ giấy của Pháp. Chính vì vậy, những cuốn sách sau này được thiết kế để có thể in được ở Pháp và ở cả những nơi khác.

Trong quá trình làm sách báo, Pháp Hội học hỏi được cách sử dụng từ ngữ cho đúng và phù hợp với tông chỉ của Làng Mai. Sư Ông rất chú trọng chuyện này. Mặc dù rất thành thạo về ngôn ngữ, văn chương, hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam nhưng đồng thời Sư Ông cũng luôn chấp nhận, học hỏi từ những đệ tử của mình cách sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ, thế hệ của Sư Ông quen dùng tên các địa danh theo phiên âm Hán Việt, chẳng hạn Canada là Gia Nã Đại. Pháp Hội mạnh dạn thưa lên rằng mình nên dùng tiếng Việt hiện đại, nếu cần phiên âm thì dùng trực tiếp từ ngôn ngữ đó sang tiếng Việt chứ không dùng phiên âm như trước nữa. Sư Ông cởi mở chấp nhận đề nghị của Pháp Hội và từ từ không dùng những tên gọi cũ đó nữa. Mình thấy rõ rằng các đệ tử được thừa hưởng nhiều từ Sư Ông và Sư Ông cũng luôn luôn là người đi đầu trong việc học hỏi với các đệ tử.

Sư Ông không ngại việc tra cứu từ điển. Khi một từ có nhiều nghĩa khác biệt, Sư Ông sẽ đi tìm nguồn gốc của từ đó để đảm bảo nó được dùng đúng ý. Ví dụ như “khuôn viên” với “khuông viên”, Sư Ông cũng phải tra từ điển rất kỹ để hiểu được là người ta đang dùng sai nghĩa mà mình muốn nói hay người ta đang dùng theo ngôn ngữ mới. Cũng có lúc Sư Ông rất kiên trì với việc phải dùng đúng với nghĩa mà Sư Ông muốn, cho dù mọi người chưa hiểu đến mức đó. Ví dụ như từ “tỉnh thức”, đôi khi vì lỗi đánh máy hoặc vì lỗi sao chép mà sau nhiều năm, khi về tới Việt Nam, Sư Ông thấy có nhiều người hiểu là “tính thức”, và suy diễn theo đó, dẫn tới chuyện bị hiểu sai ý.

Khi làm việc, có lúc mình tưởng đã hiểu ý Sư Ông rồi nhưng hóa ra không phải. Năm đó, đại chúng đang vui vẻ chuẩn bị cho Tết sắp đến. Pháp Hội và một nhóm nhỏ quý thầy, quý sư cô theo Sư Ông làm báo. Sư Ông chỉnh sửa các bản thảo rất hết lòng, còn mình, đôi khi vì còn trẻ nên ham chơi và cũng hết hứng thú rồi nên chỉ làm qua loa, không hết lòng. Bình thường trong bản thảo, Sư Ông chỉ ký chữ “nh” thôi. Bữa đó Pháp Hội mới đi chơi về và nhận được bản thảo ký đầy đủ là “Thích Nhất Hạnh”. Pháp Hội giật mình và hiểu ngay rằng đối với cả với bản thảo, Sư Ông cũng làm việc rất nghiêm túc. Pháp Hội là người duy nhất được Sư Ông ký tên đầy đủ trong một bản thảo. Ẩn ý đằng sau việc đó là mình đã không làm việc hết lòng. Đây là lời nhắc nhở của Sư Ông cho Pháp Hội. Với một bản thảo hay một bài viết, Sư Ông có thể chỉnh sửa từ tám đến mười lần. Còn thấy lỗi là còn chỉnh sửa chứ không chịu bỏ qua. Làm việc với Sư Ông mà Pháp Hội còn mải chơi! Chuyện đó trở thành một kỷ niệm thầy trò thật đáng nhớ.

 

 

Pháp Hội luôn luôn thu thập lại những bản thảo có chữ ký của Sư Ông và để vào hồ sơ lưu trữ của Làng. Sau này Pháp Hội rời Làng, mười hai năm sau mới quay lại. Đại chúng có quá nhiều thay đổi, kể cả các nhà kho, nên Pháp Hội đã không thể tìm lại những bản lưu trữ đó nữa.

Lúc trước, Pháp Hội còn thu thập những bản Sư Ông viết nháp cho câu đối của thiền đường các xóm. Sư Ông đã làm thật hết lòng. Nội dung các câu đối thực sự xuất sắc và ai cũng phục. Các vế đối rất chuẩn dù theo từng từ hay theo một nhóm từ. Về mặt hình thức, Sư Ông cũng phải tập luyện để làm sao viết cho đẹp. Sư Ông lấy từng tờ giấy, viết từng chữ xuống để xem khoảng cách đó có vừa với tấm gỗ không, viết đến bao nhiêu thì vừa hết từ mà vẫn có thể chừa lại khoảng không gian vừa đủ cho trên, dưới và hai bên. Sư Ông viết từng từ một lên tờ giấy, đặt tờ giấy theo tấm gỗ và chụp hình cho mỗi tờ. Pháp Hội sưu tập được các bản nháp như thế. Nó có giá trị đôi khi còn hơn cả bản chính, bởi vì bản nháp là duy nhất, còn bản sách thì người ta có thể in lại hàng trăm, hàng nghìn bản. Pháp Hội rất có hứng thú với điều đó, vì mình cảm nhận được tấm lòng, năng lượng và sự coi trọng của Sư Ông trong từng chi tiết. Mặc dù có những chữ cần nhiều không gian hơn so với những chữ khác, nhưng Sư Ông lại có thể cân đối một cách tuyệt vời. Vậy nên, trong khi theo chân Sư Ông làm sách, làm báo, mình học hỏi và lớn lên rất nhiều. Mình cũng biết là mình chưa làm được đúng mức như Sư Ông mong muốn.

Khi không làm sách nữa, Pháp Hội làm những việc khác trong chúng và nhường cơ hội đó cho những vị khác. Có một sư cô sau khi làm cuốn sách xong thì đem lên cho Sư Ông chỉnh sửa. Sau đó, vị ấy thắc mắc với Pháp Hội và thầy Pháp Niệm rằng lần này làm mà không được Sư Ông khen gì cả. Hai anh em cười ha ha và nói rằng vậy là tốt rồi. Đó là cơ hội để Sư Ông đào luyện mình, để mình có được nhiều hạnh phúc trong công việc đó. Nó cũng là một phần của sự tu học. Khi làm lần đầu tiên thì Sư Ông khen rất nhiều để động viên mình, nhưng sau đó mình phải tự biết làm những việc được Sư Ông giao, chứ còn đợi Sư Ông khen mới có hạnh phúc thì không được. Theo sự thực tập mà Sư Ông trao truyền thì mình phải có hạnh phúc ngay trong khi làm việc chứ không phải đợi nó hoàn thành rồi mới có hạnh phúc. Đó mới là tu học đích thực!

(Thầy Chân Pháp Hội)

 

Tập khí hạnh phúc

( Trích trong sách “Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh )

Làm thế nào để thực tập vô ngã? Khi học hỏi điều gì đó lần đầu, chúng ta thường dùng ý thức để hiểu. Sau một thời gian điều đó trở thành tập khí thì ý thức không cần phải làm việc nữa. Tập khí cũng cần một thời gian, một quá trình để hình thành. Khi đã trở thành tập khí, chúng ta chỉ dùng tàng thức của mình và làm một cách tự nhiên. Cho dù không để ý những gì ta đang làm, ta vẫn có thể làm đúng, như đi bộ chẳng hạn. Khi đi, tâm chúng ta có thể hoàn toàn đắm chìm trong những suy nghĩ về chuyện này chuyện nọ, nhưng nhãn thức hợp tác với tàng thức đủ để chúng ta tránh được tai nạn.

 

 

Chúng ta phải cho các thông tin đi vào tàng thức để tạo ra những tập khí mới. Nếu làm việc quá nhiều bằng ý thức, chúng ta sẽ già đi rất nhanh. Những lo lắng, suy nghĩ, quán chiếu, lên kế hoạch tiêu hao rất nhiều năng lượng. Vào thời Trung cổ, ông Ngũ Tử Tư chỉ lo lắng và sợ hãi một đêm mà sáng mai ra tóc đã bạc trắng. Đừng làm như thế! Đừng dùng ý thức nhiều quá. Nó làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của ta. Tốt hơn là chúng ta nên “sống với” mà không nên “nghĩ về”. (It’s better to be than to think.)

Điều đó không có nghĩa là chúng ta đánh mất chánh niệm mà chánh niệm của ta đã trở thành tập khí, nên ta có thể thực tập một cách tự nhiên, không cần phải ép buộc. Ý thức là nơi để tập luyện tập khí chánh niệm và tập khí này sẽ đi vào tàng thức, tạo ra một năng lương chánh niệm mới ở tàng thức. Chánh niệm có khả năng kích thích não và giúp ta có mặt với những gì chúng ta đang tiếp xúc để chúng ta không hành động một cách máy móc. Liệu chúng ta có thể cài đặt lại tàng thức để trong tàng thức luôn có chánh niệm hay không? Liệu chúng ta có khả năng giữ những tập khí hạnh phúc trong tàng thức hay không?

Để làm được điều đó chúng ta phải học bài học chánh niệm về thân thể và tàng thức mà không phải chỉ về ý thức thôi. Chúng ta phải đối xử với thân thể như đối xử với thức. Sự thực tập phải bao gồm cả thân thể trong đó. Chúng ta không thể chỉ chú trọng về tâm ý, bởi vì thân là một phần của thức và thức là một phần của thân.

Khi tàng thức và năm thức đầu (trong đó có thân thức) làm việc hài hòa với nhau, chúng ta sẽ dễ nuôi lớn tập khí hạnh phúc. Lúc mới thực tập, mỗi khi nghe chuông chúng ta phải cố gắng tập trung tâm ý để nghe chuông, chúng ta dùng nhiều năng lượng để thực tập dừng lại, theo dõi hơi thở chánh niệm, làm cho tâm tư lắng đọng… nhưng sau khi thực tập một thời gian, sáu tháng, một năm, hai năm, tiếng chuông qua nhĩ thức đi thẳng vào tàng thức và chúng ta dừng lại một cách tự nhiên mà không cần ý thức xen vào. Chúng ta không cần phải cố gắng hay dùng nhiều năng lượng như ban đầu. Vì vậy, thực tập có thể trở thành một tập khí. Khi sự thực tập đã trở thành tập khí, chúng ta không cần phải cố gắng quá nhiều bằng ý thức. Điều này cho ta thấy rằng thực tập tốt, ta có khả năng chuyển hóa những tập khí cũ và chúng không còn trở lại quấy rầy ta nữa. Thực tập tốt cũng có thể tạo ra những tập khí tốt. Sẽ đến lúc chúng ta không còn dùng ý thức để quyết định mà ta thực tập một cách tự nhiên. Nhiều người trong chúng ta không cần phải làm quyết định là mình phải thực tập hơi thở chánh niệm. Khi nghe chuông, chúng ta theo dõi hơi thở một cách tự nhiên và chúng ta thấy rất được nuôi dưỡng. Vì vậy một khi sự thực tập đã trở thành tập khí thì chúng ta ít hao tốn năng lượng.

 

 

Thực tập chánh niệm là để tận hưởng mà không phải để tạo thêm nhiều lao tác mệt nhọc, và tận hưởng có thể trở thành một tập khí. Một số người trong chúng ta có tập khí khổ đau, một số khác lại nuôi dưỡng tập khí tươi cười và hạnh phúc. Khả năng hạnh phúc là điều quý nhất mà chúng ta có thể vun trồng. Vì vậy, chúng ta hãy đi thiền, ngồi thiền một cách hứng thú. Chúng ta đi thiền, ngồi thiền cho chính chúng ta, cho tổ tiên ta, cho cha mẹ ta, cho bạn bè ta, cho những người ta thương và cho cả những người mà ta gọi là kẻ thù của ta. Hãy đi như Bụt đi, đó là sự thực tập. Chúng ta không cần phải học và hiểu tất cả các kinh điển hay tất cả những điều Bụt dạy mới có thể đi như Bụt. Không, chúng ta không cần thêm gì nữa ngoài đôi chân và ý thức của ta. Chúng ta có thể uống trà trong chánh niệm, đánh răng trong chánh niệm, thở trong chánh niệm hay bước một bước chân trong chánh niệm. Chúng ta có thể làm tất cả những điều đó với sự thích thú mà không cần phải đấu tranh hay cố gắng gì cả. Đó là tận hưởng.

Hạnh phúc chân thực chỉ đến từ chánh niệm. Chánh niệm giúp ta nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại và định lực giúp ta tiếp xúc sâu sắc hơn với những điều kiện ấy. Nếu chúng ta có đủ niệm và định thì tuệ giác sẽ phát sinh. Khi đã có tuệ giác lớn chúng ta sẽ vượt thoát được những tri giác sai lầm và duy trì được tự do lâu dài. Nếu định sâu, chúng ta sẽ không còn giận, không còn thất vọng nữa và chúng ta có thể tận hưởng được từng phút giây của cuộc sống hàng ngày.

Có một số người trong chúng ta cần một liều lượng khổ đau nào đó để có thể nhận diện hạnh phúc. Khi thực sự khổ đau chúng ta mới thấy được không khổ đau là mầu nhiệm. Tuy nhiên, có những người không cần khổ đau mà vẫn có khả năng nhận biết được không khổ đau là một điều kiện hạnh phúc, là một mầu nhiệm của cuộc sống. Nhờ chánh niệm, chúng ta ý thức được những khổ đau đang diễn ra xung quanh chúng ta. Có những người không thể ngồi yên và an toàn như chúng ta được; một trái bom, một tên lửa có thể rơi xuống trúng họ bất cứ lúc nào. Như ở Trung Đông hay ở Iraq, họ mong ước được hòa bình, họ muốn ngưng cảnh giết chóc nhưng họ không làm được. Nhiều người trong chúng ta được sống trong một môi trường an toàn, không có những loại khổ đau như vậy, được có cơ hội ngồi như thế này, bình yên hơn, nhưng dường như chúng ta không biết trân quý.

Chánh niệm giúp chúng ta ý thức được những gì đang diễn ra quanh ta và biết trân quý những điều kiện an lạc, hạnh phúc đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Thực ra chúng ta không cần phải đi đâu khác để hiểu được khổ đau là gì. Chúng ta chỉ cần chánh niệm. Chúng ta có thể ở ngay nơi mình đang ở, chánh niệm sẽ giúp chúng ta tiếp xúc được với những khổ đau của thế giới và nhận diện nhiều điều kiện hạnh phúc mà ta đang có. Chúng ta sẽ thấy an toàn, hạnh phúc, vui tươi và có đủ sức mạnh để thay đổi tình trạng xung quanh ta.

 

 

Thất vọng là điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho con người. Khi thất vọng, chúng ta muốn tự tử hay muốn giết ai đó cho hả giận. Có rất nhiều người đã tự tử để trừng phạt người khác bởi vì họ khổ đau quá nhiều. Làm thế nào để có thể hiến tặng cho họ một giọt nước cam lộ? Làm thế nào để giọt nước cam lộ ấy có thể rơi vào trái tim họ, một trái tim đang chứa đầy hận thù và tuyệt vọng? Thực tập chánh niệm không những giúp chúng ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống để nuôi dưỡng và trị liệu mà còn giúp chúng ta có khả năng tiếp xúc với khổ đau để trái tim của chúng ta tràn đầy thương yêu. Và chúng ta trở thành cánh tay của Bồ Tát Quan Thế Âm – Bồ Tát đại từ đại bi. Chúng ta luôn có khả năng làm được như Bồ Tát Quan thế Âm, mang giọt nước thanh lương đến những nơi còn nhiều khổ đau và tuyệt vọng.

 

 

 

Đạo Bụt đi vào cuộc đời

Pháp thoại trực tuyến của thầy Minh Hy

Tu tập cũng giống như làm vườn. Mình cần vun bón cho những hạt giống đẹp được lớn lên , đơm hoa kết quả. Bên cạnh đó cũng cần nhận ra những cây cỏ dại để nhổ đi thì khu vườn mới có thể trở nên thoáng đãng, tạo thêm không gian cho những bông hoa vươn lên rạng rỡ. Những loại cỏ phiền não trong tâm mình rất nhiều. Tuy vậy, đôi khi lại rất khó nhận ra sự có mặt của chúng vì chúng thường ẩn nấp âm thầm dưới cành lá của những cây hoa…

Kính mời đại chúng cùng trở về thiền đường Trăng Rằm, chùa Từ Nghiêm, xóm Mới, Làng Mai để cùng lắng nghe bài pháp thoại của thầy Minh Hy. Với bài pháp thoại này, thầy sẽ hướng dẫn chúng ta thực tập nhận diện những loại cỏ trong khu vườn tâm của mình. Từ đó, tìm ra con đường thực tập để chuyển hóa cỏ thành phân bón cho những bông hoa trong vườn thêm tươi thắm. Khu vườn tâm của mỗi người có đủ bình an, hạnh phúc và vững chãi thì sức sống của nó sẽ lan tỏa cho đời thêm đẹp.

Qua bài pháp thoại, thầy cũng sẽ chia sẻ thêm về tinh thần dấn thân của đạo Bụt trong thời đại Lý-Trần cũng như mục đích của sự tu học.

Buổi chia sẻ sẽ được phát trên kênh Youtube Làng Mai lúc 9:30 sáng (giờ Châu Âu) vào khoảng 14:30 chiều (giờ Việt Nam) Chủ Nhật ngày 30/10/2022.

Dưới đây là đường dẫn của bài pháp thoại:

 

Có phải con không đủ giỏi?

 

Hỏi: Con luôn cảm thấy con không đủ giỏi. Từ nhỏ cho đến lớn, con thấy mình thường xuyên bị so sánh với những người giỏi hơn. Điều đó làm con tìm kiếm sự xác nhận của người khác cho những quyết định của chính con, dù để quyết định đó là hay hoặc là dở. Con cảm thấy hạnh phúc nếu ai đó nói tốt về con hoặc khen con. Nhưng nếu có ai đó nói những điều không hay về con thì con cảm thấy con không đủ giỏi, con luôn đứng ở vị trí thứ hai, luôn là cái bóng của những thứ mà con không thể đạt được. Vì thế thỉnh thoảng con thấy hoang mang về bản thân mình. Câu hỏi của con là làm thế nào để con trở nên vững vàng hơn mà không cần phải tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài?

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh:  Thực tập chánh niệm có thể giúp con có niềm tin vào bản thân. Khi mình nhìn sâu vào sự vật, mình sẽ có cách để hiểu. Trong cuộc sống hàng ngày, thứ tuệ giác mà ta có được về con người và sự vật xung quanh được xác nhận bởi chính cuộc sống và những kinh nghiệm của ta, và ta tin vào tuệ giác của ta. Nếu con thật sự tin vào sự hiểu biết của mình, con sẽ có niềm tin vào chính bản thân con. Nếu con thực tập hơi thở chánh niệm đủ giỏi, con thấy nó có ích, thấy mình có niềm vui, hạnh phúc và bình an trong khi thực tập, con sẽ tin vào hiệu quả của sự thực tập. Khi ấy, dù cho cả ngàn người nói rằng sự thực tập vô ích thì điều đó cũng không đụng chạm gì được đến con, và con vẫn mỉm cười được. Tại vì con biết rằng kinh nghiệm của chính bản thân con rằng thực tập hơi thở chánh niệm giúp con trở nên tươi mát, bình an và hạnh phúc. Vì thế bất cứ ý kiến nào của người khác cũng không làm con rời bỏ niềm tin của mình.

Con có nhận ra rằng ý niệm về cái đẹp của mỗi người khác nhau không. Cái này là đẹp với người này nhưng lại không đẹp với người khác. Ý niệm về đẹp hay xấu chỉ là những ý niệm thôi, cho nên con không cần phải theo ý người khác. Con là một bông hoa trong vườn hoa nhân loại. Con không phải là cái gì ít hơn thế. Con thuộc về thiên đường của Chúa, như bao nhiệm mầu khác của cuộc sống. Nếu con có tuệ giác, nếu con biết rằng con có hạt giống của tình thương, an vui và hạnh phúc, thì con biết rằng con có giá trị. Nếu con tin vào sự có mặt của những đức tính mà cha mẹ và tổ tiên đã trao truyền cho con, con là sự tiếp nối của họ, thì dù ai có ý kiến gì về con, con đều không bị ảnh hưởng. Con vẫn tiếp tục con đường của mình.

 

 

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Thầy đã kêu gọi hoà bình. Tăng thân của Thầy không muốn đi về phía chiến tranh mà chỉ muốn có sự hoà giải. Chúng tôi không muốn hai miền Nam Bắc bắn giết nhau. Chúng tôi tin rằng con đường thật sự tốt nhất và đẹp nhất là con đường của tình thương. Nhưng những người trong các phe tham chiến đã nhìn chúng tôi với con mắt nghi ngờ. Họ nghĩ rằng chúng tôi ngu ngốc. Nếu con đứng về phía của một phe tham chiến thì ít nhất con được phe đó bảo vệ. Nếu con không đứng về phe nào cả thì con sẽ bị tấn công bởi cả hai phe. Nhưng nếu con tin rằng con đường của con là con đường của tình thương và nhân bản thì con sẽ tiếp tục. Hàng triệu người đã tin rằng chúng tôi là cộng sản. Họ e ngại những người cộng sản và muốn tiêu diệt những người này. Chúng tôi đã đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Và có những người khác nghĩ rằng chúng tôi thân Mỹ. Nhiều người đã hiểu nhầm chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục con đường bởi vì chúng tôi có niềm tin vào những giá trị mà chúng tôi có.

Thầy nghĩ nếu con tiếp tục thực tập như thế, con sẽ trở nên vững vàng như núi. Và con sẽ không bị lung lay bởi bất cứ ý kiến nào.

(Trích từ buổi vấn đáp với Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào tháng 10 năm 2013 tại Tu viện Lộc Uyển, California)

 

Quê mẹ vẫn tỏa ngát hương thơm

 

Hành trình Triển lãm thư pháp và sách của Sư Ông Làng Mai tại Việt Nam

Hơn một thập niên qua, những cuộc triển lãm thư pháp của Sư Ông Làng Mai đã bao lần được tổ chức thành công, thu hút rất nhiều sự quan tâm từ giới trí thức cho đến giới truyền thông quốc tế tại các nước như Pháp, Đức, Canada, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng mãi đến năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử Làng Mai, sau bao năm tháng ấp ủ, cuộc triển lãm thư pháp và sách của Sư Ông đã được chính thức diễn ra tại quê hương Việt Nam. Triển lãm bắt đầu ở thành phố Hồ Chí Minh, do Công ty TNHH Phan Lệ & Friends (Phanbook) đăng cai, đã chính thức mở cửa tại nhà sách Hải An (2B Nguyễn Thị Minh Khai, Đa Kao, Quận 1) từ ngày 27 tháng 3 đến ngày 5 tháng 4 năm 2021. Triển lãm được tiếp tục ở thủ đô Hà Nội, tại không gian triển lãm trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội), do Công ty cổ phần Văn hóa An Lạc tổ chức từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 26 tháng 4. Cũng nhân dịp này, cuốn sách thư pháp đặc biệt Hương thơm quê mẹ được ra mắt (Phanbook & NXB Phụ nữ ấn hành, 2021).

 

 

Sứ mạng Sư Ông giao phó

Vào cuối mùa xuân năm 2014, sau khi dưỡng bệnh ở Sơn Hạ một thời gian, tôi lên Sơn Cốc thăm Sư Ông. Sư Ông dạy: “Này con, vào đây thầy có chuyện này vui nói với con. Thầy đang có ý tưởng tổ chức triển lãm thư pháp của thầy ở Việt Nam qua tính cách văn hóa. Thầy đã viết sẵn cho con một bộ thư pháp để dành triển lãm ở Việt Nam. Bây giờ thầy giao trách nhiệm này cho con. Con bàn lại với Sư cô Chân Không và các sư anh, sư chị để đi lo việc này cho thầy vào mùa xuân năm tới”. Tình thương của Sư Ông lúc nào cũng dành trọn cho quê hương. Bảy năm sau, nhân duyên đầy đủ, cuộc triển lãm lịch sử ấy được tổ chức.

Thông điệp của triển lãm

Ban tổ chức đã chọn chủ đề “Hương thơm quê mẹ – Thể hiện nếp sống tỉnh thức qua nghệ thuật thư pháp” cho cuộc triển lãm tại Việt Nam kỳ này. Hơn 145 đầu sách tiếng Việt và 100 tác phẩm thư pháp với nhiều ngôn ngữ khác nhau của Sư Ông được trưng bày một cách tinh tế, độc đáo, phong phú và đầy thiền vị. Bên cạnh đó, một số pháp khí mà Sư Ông đã dùng để chuyển tải giáo pháp cũng được trưng bày rất tao nhã. Mục đích của triển lãm kỳ này là tạo cơ hội cho người xem thưởng thức và tiếp xúc với gốc rễ di sản văn hóa dân tộc và nếp sống tỉnh thức qua thư pháp và sách của Sư Ông. Trong mỗi người chúng ta ai cũng có một quê hương để hướng về – nơi đó chúng ta được sinh ra, được dạy dỗ và được chở che. Quê hương đó là Việt Nam, là nơi chứa đầy những giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc và truyền thống cao đẹp ngàn đời của ông bà tổ tiên. Quê hương chúng ta cũng là trái đất, là hành tinh xanh xinh đẹp này.

Hơn thế nữa, chúng ta phải thực tập để khám phá và tiếp xúc cho được với quê hương đích thực qua đường hướng tâm linh. Quê hương đó đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta có thể tiếp xúc được với quê hương, trong cuộc sống hàng ngày qua từng hơi thở và bước chân. Chúng ta thực tập như thế nào để mỗi hơi thở, mỗi bước chân đều có thể đưa ta trở về với quê hương đích thực – nơi bình an, nơi chúng ta không còn bôn ba ngược xuôi tìm kiếm.

Hành trình chuẩn bị với nhiều thử thách và cả những mầu nhiệm

Đầu năm 2019, sau khi đi tìm hiểu vài nơi trong nước, sư cô Thoại Nghiêm và tôi nhận thấy Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai nơi có nhiều điều kiện nhất để tổ chức triển lãm. Các anh chị trong tăng thân Vô Sự và Quê Lụa đã hết lòng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể tổ chức sự kiện lịch sử này tại quê nhà, đặc biệt là trên mảnh đất thủ đô.

Tháng Tư năm 2019, sư cô Thoại Nghiêm và tôi bay về Pháp để soạn lại và vận chuyển bộ thư pháp mà Sư Ông đã chuẩn bị chu đáo. Trở lại Việt Nam, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Trước tiên là việc xin giấy phép. Đơn xin giấy phép đã bị khước từ vài lần. Sau nhiều khó khăn và thử thách, cuối cùng Bộ Văn hóa Thông tin cũng hoan hỷ chấp thuận. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát ngay sau đó, cuộc triển lãm buộc phải hoãn lại. Mỗi lần hoãn thì phải xin giấy phép lại từ đầu. Chúng tôi gần như hết hy vọng vì nơi tổ chức triển lãm không còn thời gian trống nào trong năm 2021 sau ba lần hoãn.

Vài ngày sau, chúng tôi báo tin cho nhà sách Phanbook biết để họ cũng hoãn lại việc phát hành cuốn sách thư pháp Hương thơm quê mẹ, vì chúng tôi muốn để dành cuốn sách này chỉ cho cuộc triển lãm. Chị Hà Thảo, người thiết kế và đại diện từ Phanbook hỏi tôi: “Thầy có nghĩ tới việc tổ chức ở Sài Gòn không?” Tôi trả lời: “Có, nhưng không tìm được địa điểm thích hợp và chuyện xin giấy phép khá phức tạp”. Chị cười: “Phần xin giấy phép thì thầy để chúng con lo. Thầy an tâm!” Chỉ trong ba hôm chị Hà Thảo gọi lại và báo cho tôi biết tin vui là đã tìm được chỗ triển lãm như nhu cầu của chúng tôi. Sau đó thầy Pháp Khâm và tôi bay ngay vào Sài Gòn gặp chị Lệ và anh Hải, chủ nhà sách Hải An, để xem xét địa điểm. Lịch trống của phòng triển lãm là tuần cuối của tháng Ba năm 2021. Tôi bảo anh Hải: “Một cuộc triển lãm quy mô như thế này cần nhiều công sức và sự chuẩn bị, nếu tổ chức chỉ có một tuần thì uổng quá. Phải ít nhất ba tuần đến một tháng thì mới đủ thời gian cho nhiều người đến thưởng lãm”. Anh Hải gọi điện thoại cho những người đã đặt phòng triển lãm trong thời gian trước và sau tuần thứ ba của tháng Ba và thuyết phục được họ dành cho chúng tôi trọn vẹn hai tuần từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 6 tháng 4 mà không lấy một đồng xu nào. Biết ơn anh Hải rất hết lòng yểm trợ, nhưng trong bụng tôi vẫn còn đang phân vân về việc có làm kịp hay không? Vì từ đây tới đó chỉ còn hơn ba tuần. Tôi quay qua chị Lệ và hỏi: “Nếu quyết định tổ chức trong thời gian này thì chúng ta cần có giấy phép trong mười ngày tới, chị nghĩ có thể xin được không?” Chị Lệ từ tốn đáp: “Dạ, con sẽ cố gắng”. Chuyện xảy ra ở Sài Gòn xem như có hy vọng. Một điều mầu nhiệm khác nữa xảy ra sau đó. Tôi nhận được tin nhắn của anh Vũ Huy Thông, người đại diện cho việc thuê phòng triển lãm tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết có người đã hủy bỏ cuộc triển lãm, nên bây giờ phòng triển lãm có thời gian trống từ ngày 9 tháng 4 đến ngày 27 tháng 4. Anh Thông bảo tôi: “Quý thầy cân nhắc và thông báo quyết định sớm để nhà trường sắp xếp.” Tôi mừng quá vì thời gian ăn khớp với thời gian triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh. Nếu ở thành phố Hồ Chí Minh không xin giấy phép được thì ít nhất cũng có thể tổ chức được ở Hà Nội vì giấy phép tại Hà Nội đã có rồi. Việc này xảy ra ngoài sự mong đợi của chúng tôi.

Các sự kiện và chương trình diễn ra trong thời gian triển lãm

Lễ khai mạc tại thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều, ngày 26 tháng ba năm 2021 trên sân thượng nhà sách Hải An với hơn 250 khách mời, trong đó có chư vị Tôn túc, lãnh đạo nhà nước, giới truyền thông, văn nghệ sĩ và các đại sứ ngoại giao nước ngoài. Chương trình do hai MC trẻ Lê Quý và Liên Thảo dẫn dắt và được trang nhà Đạo Phật ngày nay phát sóng trực tiếp. Bắt đầu là thiền ca, tiếp đó quý thầy quý sư cô xướng tụng danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn, rồi xem đoạn video ngắn của Sư Ông chia sẻ về nghệ thuật viết thư pháp. Chị Phan Lệ đại diện công ty Phanbook và Sư cô Chân Không giới thiệu ra mắt quyển sách thư pháp Hương thơm quê mẹ, cúng dường âm nhạc và kết thúc với phần chia sẻ về đề tài nghệ thuật thư pháp trong chánh niệm của quý thầy Pháp Ứng, Pháp Niệm và Pháp Khâm.

Phòng triển lãm được chính thức mở cửa sau ngày khai mạc. Mỗi ngày có hơn 1000 người đến thưởng lãm, đa phần là giới trẻ. Trong kỳ đại dịch này mà tại thành phố lại có một sự kiện như vậy cho người trẻ quay về để học hỏi phương pháp thực tập chánh niệm giúp cân bằng cuộc sống, kết nối với chính mình và những người xung quanh, chiêm ngưỡng nét văn hóa dân tộc, và khám phá nếp sống tỉnh thức thật là một điều hiếm hoi. Các nhân viên nhà sách Hải An cũng được thay phiên nhau lên thưởng lãm mỗi ngày và giao lưu với quý thầy, quý sư cô. Họ cho biết từ ngày nhà sách mở cửa đến giờ chưa có một sự kiện nào tại đây có thể thu hút lượng người quan tâm đông đảo đến thế.

 

 

Không gian triển lãm được quý thầy, quý sư cô và các anh chị em cư sĩ trong tăng thân địa phương thiết kế theo phong cách Nam bộ một cách tinh tế, độc đáo. Hương thơm quê mẹ của miền Nam là cánh đồng lúa chín, là lũy tre, là con đê, là cây cầu dừa, là nải chuối buồng cau, là con xuồng ba lá,… Tất cả những thứ ấy đã được quý thầy, quý sư cô trưng bày hòa điệu với hoa lá, cỏ cây, sỏi đá và ánh sáng, làm nổi bật không gian triển lãm đậm chất thiền. Bài viết Ngát hương thơm quê mẹ đăng trên báo Giác Ngộ của tác giả Giải Hạnh đã diễn tả: “… Mọi thứ được xếp đặt không chỉ với mục đích trình diễn hay thiên về việc thưởng lãm. Ở đó, những người tổ chức đã tạo nên một không gian bình yên, thư thả. Khách có thể đến trong yên lặng và về cũng trong yên lặng. Mạch kết nối duy nhất giữa không gian, tác phẩm và con người chính là những rung động trong sâu thẳm tâm hồn”. Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ở Viện nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ: “Đi ngang những bức thư pháp và các cuốn sách ấy, nếu chỉ cưỡi ngựa xem hoa thì thật có lỗi, bởi đây là dụng công rất công phu và tinh tế, đầy sáng tạo của những người tạo ra triển lãm này”.

Trong thời gian mở cửa, quý sư cô và các em tình nguyện viên chia ca ra trực mỗi ngày để giúp giải đáp những điểm mà người thưởng lãm chưa hiểu và để nhắc mọi người thong thả thưởng thức trong yên lặng. Nếu ai cần tham vấn, cần được lắng nghe thì cũng có thể xin gặp riêng quý thầy, quý sư cô. Thỉnh thoảng quý sư cô thỉnh lên một tiếng chuông cho đại chúng dừng lại thở. Điều này cũng được tác giả Giải Hạnh miêu tả thật đúng mức: “Một tiếng chuông ngân lên, những cuộc trò chuyện tạm dừng, những bước chân cũng tạm dừng, những nghĩ suy cũng tạm dừng,… chỉ có hơi thở và sự sống tiếp diễn. Giây phút ấy, phòng triển lãm trở thành một thiền đường đúng nghĩa, điều mà có lẽ chưa một triển lãm nghệ thuật nào tại Việt Nam từng thực hiện và thực hiện được. Giây phút ấy, cái đẹp sâu sắc nhất ẩn chứa trong những bức thư pháp của Thiền sư Nhất Hạnh bất chợt biểu hiện thật rõ ràng và sinh động”.

Nói đến đây, tôi nhớ có một lần tôi cho một em trai tham vấn. Sau khi chia sẻ với em, tôi nói: “Thầy muốn giới thiệu cho em một tấm thư pháp”. Tôi nhẹ nhàng đưa em đến trước tấm thư pháp Ta đã làm chi đời ta? và nói: “Bây giờ em hãy đứng đây cho thật yên, đọc lời chú giải ở dưới, nhìn vào tấm thư pháp này để chiêm nghiệm và quán chiếu về ý nghĩa của nó cũng như về cuộc đời của em”. Em nhìn tấm thư pháp sững sờ trong tâm trạng rất xúc động. Tôi nhẹ chân lùi bước để em có không gian riêng cho chính mình. Mỗi ngày có rất nhiều bạn trẻ đến thưởng lãm. Có bạn một ngày đến hai hoặc ba lần, vì ở đây các bạn tìm được sự bình an và tình huynh đệ.

Ngoài việc mở cửa cho quần chúng đến thưởng lãm, mỗi ngày đều có chương trình chia sẻ theo chuyên đề (workshop) với những đề tài khác nhau do các vị giáo thọ xuất sĩ và cư sĩ của Làng hướng dẫn như Phép lạ của sự tỉnh thức, Thầy cô giáo hạnh phúc – Thế giới hạnh phúc, Giận – Phương pháp điều phục cảm xúc, Quyền lực đích thực, Tuổi trẻ – tình yêu và lý tưởng,… Các buổi sinh hoạt, gồm có thuyết trình; vấn đáp; tương tác giữa người hướng dẫn và thính chúng làm cho cuộc triển lãm có nhiều lợi lạc, giàu có về nội dung, đa dạng, phong phú và mang nhiều ý nghĩa. Mỗi buổi chiều, người đến thưởng lãm có thể tham dự buổi sinh hoạt theo chủ đề trên sân thượng hay ghé qua tận hưởng một cốc trà trong tình huynh đệ nơi quán trà đạo do tăng thân Thong Dong cúng dường. Không khí ở đây như một ngày hội.

 

 

Chương trình và thời khóa của cuộc triển lãm tại Hà Nội cũng tương tự và thu hút đông đảo quần chúng như ở thành phố Hồ Chí Minh. Lễ khai mạc diễn ra tại sân trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào lúc 5 giờ chiều, ngày 13 tháng 4 với hơn 400 khách mời tham dự. Chương trình được MC Phan Anh hướng dẫn gồm có: xem phim viết thư pháp của Sư Ông; cúng dường âm nhạc của các ca sĩ Mỹ Linh, Lô Thuỷ, Ngọc Mai; và kết thúc bằng bài tụng danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn của quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Hôm đó, anh Nguyễn Xuân Diện cũng chia sẻ: “Phần khai mạc không có diễn văn, nhưng cũng đủ giữ chân gần 400 khách mời yên lặng theo dõi, dưới vòm lá xanh ngăn ngắt của khuôn viên Đại học Mỹ thuật, trong một chiều cuối xuân thật đẹp. Sự tĩnh lặng đến nỗi mấy trăm người nghe rõ tiếng hót của con chim tử quy trên cao đúng giờ tan tầm náo nhiệt trên đường Yết Kiêu”.

Phần thiết kế và trang trí tại Hà Nội hoàn toàn khác biệt với thành phố Hồ Chí Minh: rất đặc biệt và tinh tế theo phong cách Bắc bộ. Mỗi ngày có cả ngàn người đến thưởng lãm. Không như thành phố Hồ Chí Minh, tại Hà Nội người đến xem theo nhóm. Có lẽ các công ty, câu lạc bộ, trường học tổ chức cho nhân viên, thành viên, và học sinh đến thưởng lãm cùng một lúc với nhiều độ tuổi khác nhau. Ngày nào phòng triển lãm cũng đông nghịt người, vậy mà không gian vẫn yên lắng. Có những người đến từ những nơi rất xa. Một cụ trong dáng lưng khòm, với nụ cười rất hoan hỉ nói rằng: “Ôi quý quá! Thế là triển lãm của Thiền sư cuối cùng cũng được diễn ra tại quê hương. Tôi trông đợi ngày này lâu lắm rồi ạ”. Một người khác chia sẻ: “Lâu nay tôi có mặc cảm về chữ thư pháp viết bằng quốc ngữ, vì tôi nghĩ rằng thư pháp chỉ viết bằng chữ Hán mới đẹp. Nhưng sau khi đến đây thưởng lãm, nhìn thấy nét chữ thư pháp của Thiền sư và ý nghĩa của từng câu thư pháp, trong tôi trỗi dậy niềm tự hào dân tộc. Thế ra viết thư pháp bằng quốc ngữ của mình cũng đẹp biết bao”.

Có một điều đáng quý tại Hà Nội là buổi bế mạc được diễn ra rất trang nghiêm và tốt đẹp. Đây là điều mà ban tổ chức đã cố gắng sắp xếp nhưng không thực hiện thuận lợi tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã học hỏi và rút được nhiều kinh nghiệm từ cuộc triển lãm đầu tiên nên việc tổ chức tại Hà Nội có phần đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng nội dung vẫn phong phú và giàu có.

 

 

Như một lời tri ân

 

 

Tuy cuộc triển lãm tại quê hương Việt Nam có nhiều thử thách, nhưng đó cũng là những bài học cần thiết để tiếp tục con đường hoằng pháp độ sinh. Nhờ có thử thách mà chúng tôi được rèn luyện ý chí. Cuối cùng rồi cái gì cũng qua và cuộc triển lãm tại hai miền Nam, Bắc cũng được hoàn mãn. Bao nhiêu năm đem chuông đi đánh xứ người, giờ đây mới thực sự có cơ hội đem chuông trở về thỉnh lên giữa lòng dân tộc và làm lợi lạc cho đồng bào quê hương. Không có hạnh phúc nào bằng khi một ước mơ đã trở thành hiện thực và lời hứa năm xưa của tôi với Sư Ông cũng được toại nguyện. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ các nhà hảo tâm, những tấm lòng bác ái vị tha, các tăng thân địa phương từ Nam ra Bắc, quý đạo hữu xa gần đã từ bi giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi từ vật chất cho đến hành chính và tinh thần để chúng tôi có thể hoàn thành sứ mạng mà Sư Ông Làng Mai giao phó. Công việc hoằng pháp độ sinh là lý tưởng, là tinh thần cống hiến, là sứ mạng mà mỗi người Phật tử chúng tôi luôn luôn hướng tới. Để cho một sự kiện được hoàn thành viên mãn cần có nhiều bàn tay chung sức đóng góp. Đó là ý nghĩa của tăng thân, là tinh thần tương thân tương ái, là tánh tương tức tương nhập. Chúng tôi rất hạnh phúc được đóng góp một phần nho nhỏ của mình để quê mẹ vẫn tiếp tục tỏa ngát hương thơm. Chúng tôi biết Sư Ông rất hạnh phúc khi thấy các con đã hoàn thành được tâm nguyện cho Người.

Thầy Chân Pháp Nguyện )