Trại hè Hơi Thở Nhẹ

Mới từ khóa tu mùa hè ở Làng Mai về được một hôm là tới ngày Tụng giới ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Vắng nhau mới có mấy ngày, gặp lại ai cũng mừng vui, anh, chị, em thăm hỏi ríu rít như xa nhau lâu lắm vậy… Sau khi kết thúc giờ thuyết trình và chia sẻ kinh nghiệm thực tập giới thứ ba của 14 giới Tiếp Hiện là một phiên họp bỏ túi cho Trại hè “Hơi Thở Nhẹ”. Có thể nói đây là trại hè đầu tiên của Thiền đường, đúng hơn là một khóa tu 3 ngày dành riêng cho những người trẻ (thanh niên, sinh viên, học sinh) chưa từng nếm trải mùi vị pháp môn Hiện Pháp lạc Trú của Làng Mai.

– Số thiền sinh ghi danh đã vượt mức mong đợi của mình rồi cô, chú ơi. – Con được thông tin là sẽ có quý thầy ở Làng lên tiếp sức với mình… Chương trình ra sao?,… Khóa tu chỉ có 3 ngày, lại là thiền sinh mới liệu có đủ chín để tiếp nhận 5 phép thực tập Chánh niệm không?… tốt hơn hết là tập trung vào các bài thiền tập căn bản, và lễ Bông Hồng Cài Áo, một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam lại trúng ngay ngày lễ Vu Lan nữa, thì đây là dịp… – Có cần gọi Làng gửi hoa hồng lên cho mình không các em? – Em có gần 200 hoa hồng để sẵn ở nhà các sư cô khỏi lo… – Mình chỉ có 8 cái lều liệu có đủ không quý vị? – Lều hả, chị có 2 cái, sáng thứ Bảy chị sẽ mang vô, nhà em cũng có vài cái… – Ai đi chợ, ai lo điểm tâm sáng, thực đơn cho 5 bửa ăn chính như thế nào, ai phụ trách dựng lều cho các cháu…? – Ngày mốt gia đình em phải đi Anh quốc không tham dự được, chúng em muốn góp chút gì đó cho khóa tu, v.v…

Những thông tin, những lo toan, suy tính cho chương trình, những phân chia trách nhiệm, … đại loại như trên đã được giải quyết và thông qua một cách nhanh chóng nhờ vào tình huynh đệ. Kết quả sơ khởi ngoài 8 sư cô của Thiền đường, và 4 thầy đến từ Làng, có thêm 4 anh chị trong chúng Chủ trì tình nguyện ở lại suốt khóa tu. Đặc biệt còn có sự tình nguyện phục vụ liên tục 3 ngày đêm của chị Chân Hỷ Quang đến từ Úc Đại Lợi, và bác Hường của Chị đến từ Việt Nam mà chúng tôi đã có duyên gặp nhau vào những ngày cuối khóa mùa Hè ở Làng. Nói chung, hầu hết các anh chị trong chúng Chủ trì của Tăng thân Hơi Thở Nhẹ đều sẵn sàng có mặt cho khóa tu. Dù thời giờ và hoàn cảnh không cho phép có mặt liên tục 3 ngày, hoặc vắng mặt hoàn toàn nhưng các anh, chị đã bằng cách này hay cách khác đồng tâm yểm trợ cho Hội Trại đầu tiên này.

1.

Đón các cháu đến từ Đức quốc ở gare quốc tế Gallieni về tới Thiền đường là đã hơn 10 giờ sáng. Sân trước không một bóng người, nhà dưới lặng trang, tôi lướt nhanh lên chính điện, lạy Bụt! thiền đường đầy kín người, những ánh mắt sáng ngời, những khuôn mặt rạng rở điểm nhẹ nụ cười hàm tiếu đang để tâm lắng nghe pháp thoại hướng dẫn bởi sư cô Đào Nghiêm (người Pháp) và thầy Chỉnh Long (người Việt). Ngần ấy người mà chính điện vẫn im phăng phắc, im đến mức ta có thể nghe được tiếng ra vào của hơi thở, cố nhiên là ngoại trừ tiếng nói của các vị hướng dẫn.

 

Những phương cách sống như thế nào để có thể duy trì được chánh niệm 24 giờ / 24 giờ trong suốt 3 ngày liên tục. Làm sao có thể sống hài hòa như một cơ thể, một tăng thân trong một nhóm người không cùng màu da, tuổi tác, và chưa từng quen biết nhau, … đã được các thầy và các sư cô giải thích tận tường như các cách: nhiếp hộ thân tâm mỗi khi nghe tiếng chuông gia trì, tiếng đàn của đồng hồ treo hay tiếng chuông điện thoại ; Thế nào là ăn cơm trong chánh niệm, ăn làm sao để vừa có thể nuôi được thân mà còn dưỡng được tâm thanh tịnh, ăn làm sao để có thể bảo vệ được sự sống, và chuyển đổi quá trình hâm nóng trái đất ; Đi, đứng, nằm, ngồi như thế nào cho thân và tâm hợp nhất ; Làm sao ý thức được mọi lời nói, nói sao không sai sự thật, mà vẫn có thể nuôi dưỡng được từ ái với đối tác của mình ; Làm sao cho tâm luôn luôn có mặt với thân trong mọi động tác trong ngày từ việc sử dụng nhà vệ sinh cho chí lúc lễ Bụt, ngồi thiền, hay lau nhà, rửa bát, cũng như lau chùi bàn Phật v.v… nhất nhất đều được các tân thiền sinh ghi nhận với nụ cười và lòng biết ơn.

Trở xuống nhà dưới, vừa đẩy cửa nhà bếp là gặp ngay các chị Chân Hỷ Quang, Chân Giác Ân, bác Hường, cùng sư cô Gia Nghiêm đang băn khoăn chờ chị Chân Bảo Nguyện còn đang lang thang đâu đó trong chợ chưa về tới.

– Anh ơi, thực đơn bị đảo lộn đột ngột sáng thành chiều, chiều thành sáng. Chị Bảo Nguyện bị thành bếp chính cho sáng nay thay vì bửa chiều, vậy mà giờ này chị vẫn còn đâu đó ở ngoài chợ, làm sao bây giờ?

– Allô, chị Bảo Nguyện đó hả…

– Ờ chị đang trên đường đi lấy khuôn đậu trở về, chừng 20 phút nữa mới tới được, em nhắn dùm các chị ở nhà chuẩn bị trước dùm chị mấy việc căn bản rồi chị sẽ tới ngay… À mà em có đón được các cháu bên Đức qua sáng nay không?

Làm xong nhiệm vụ nhắn tin, tôi trở lên chính điện vừa kịp ghi được vài tấm hình cũng là lúc kết thúc pháp thoại hướng dẫn. Liền khi ấy các gia đình thiền làm việc, gia đình pháp đàm, v.v… cũng được thiết lập, phân chia đâu vào đó.

Thiền đường Hơi Thở Nhẹ quá nhỏ để tổ chức những loại khóa tu dài hơn một ngày và đông người tham dự như thế này. Sau phần ghi danh nhập trại vào ban sáng có hai cháu trong số thiền sinh nhỏ tuổi nhứt hỏi các sư cô: Sư cô ơi phòng của con ở đâu?

Câu hỏi rất bình thường nhưng đã làm cho hai sư cô phải ngẩn ngơ lúng túng không biết trả lời sao vì làm gì có cư xá mà có phòng cho các con. Các cháu cứ tưởng như đang ở xóm Trung của Làng Mai vậy, vừa tới nơi là được nhận phòng. Thực ra, vấn đề chỗ nghỉ cho thiền sinh là một trong những vấn đề căn bản cho hội trại và đã được thông qua trước khi lấy quyết định tổ chức.

Hơi Thở Nhẹ là một tu viện nhỏ dành riêng cho các nữ tu. Mọi thời khóa tu học từ trước đến nay đều phải kết thúc trong ngày vì không có chỗ cho thiền sinh nghỉ qua đêm, nhất là nam thiền sinh. Trong hoàn cảnh đó, một giải pháp có vẻ toàn vẹn được đề nghị là: Tận dụng không gian của nhà ăn (tầng dưới), chính điện (thiền đường trên lầu) làm chỗ nghỉ qua đêm cho nữ thiền sinh, và tình nguyện viên phái nữ. Nam thiền sinh và nam tình nguyện viên nghỉ tạm trong lều cắm ngoài sân. Các con ơi, bây giờ các con để tạm hành lý trong vestiaire rồi sư cô sẽ có chỗ ngủ cho các con ngay trước giờ im lặng hùng tráng (giờ chỉ tịnh). Thương quá đi thôi!

Mặt trời đi vắng, nhường chỗ cho mây mù đen đặc. Nhưng ngoại cảnh không làm sờn lòng người lập chí sống trong chánh niệm. Sau đôi lời giảng giải thế nào là đi trong chánh niệm, còn gọi là thiền đi, hay thiền hành. Sư cô Đào Nghiêm thong dong cất bước dẫn đầu đoàn người chập chững bước những bước chân có ý thức đầu tiên trong đời. Cái đuôi vừa qua khỏi thiền đường trăm thước thì mưa bắt đầu rơi. Mưa thì cứ mưa, đoàn người vẫn thong dong bước đều theo nhịp thở và ý thức được từng hạt mưa đang rơi càng lúc càng nặng, càng nhanh, và càng nhiều như muốn trêu ghẹo lòng người. Có lúc đoàn thiền hành phải dừng lại trú mưa dưới những tàn cây, ấy vậy mà tất cả tân thiền sinh đều duy trì được năng lượng chánh niệm, theo dõi hơi thở vào ra, sâu chậm một cách miên mật. Nhưng cuộc “chơi” của đất trời cũng chỉ kéo dài dăm phút, mặt trời e thẹn ẩn hiện trong làn mây trắng cũng là lúc đoàn thiền sinh đặt chân tới bờ sông Marne xanh biếc, ven bờ in bóng liễu rất nên thơ.

Sau đó là tới giờ ăn trưa trong chánh niệm, lần đầu tiên được ngồi trong tư thế hoa sen, vững chải trên tọa cụ, nghe đọc 5 lời quán nguyện, rồi hai tay nâng bát cơm đầy và ý thức sự có mặt của thầy, cô, bạn bè cùng tu đang có mặt, cùng ăn, và cùng ý thức như mình làm dâng tràn niềm hạnh phúc, nhìn quanh mặt ai nấy đều tỏa sáng rạng rỡ. Tiếp theo là thiền buông thư ai cũng thích thú vì những giá trị nuôi dưỡng và trị liệu của nó.

Tuy mới thực tập được có nửa ngày, mà các thầy, cô giáo thọ đã quyết định giới thiệu Năm phép thực tập chánh niệm (5 giới) đến với các tân thiền sinh. Không ngờ buổi thuyết giới và chia sẻ kinh nghiệm thực tập của 5 thành viên trẻ trong chúng Đồng sự (những người đã tiếp nhận và hành trì 5 giới) đã gây được nhiều lý thú cho các thiền sinh. Họ theo dõi rất chăm chú, khám phá được nhiều điều tốt lành mà đời họ chưa từng biết qua, nhất là đối với thiền sinh gốc Tây phương cũng như Nam và Bắc Phi.

Tối đến là phần chia sẻ kinh nghiệm thực tập:

– Tuy có đọc một ít sách của Sư ông Nhất Hạnh, nhưng đây là lần đầu tiên tham gia thực tập sống trong chính niệm. Ngay khi quyết định tham gia khóa tu tôi đã có nhiều băn khoăn không biết có qua nỗi ba ngày hay không, nhất là vấn đề thời khóa phải thức dậy vào lúc 6 giờ sáng là một điều rất đáng ngại. Nhưng đến giờ phút này thì đã trụ được gần trọn ngày mà không cảm thấy khó khăn gì lắm, hy vọng có thể dự trọn được khóa tu. Khó khăn thứ hai là vấn đề tập trung chú ý vào hơi thở. Chỉ có thể theo dõi được tối đa là mấy mươi giây trong hai hơi thở đầu, đến hơi thứ ba là bao nhiêu ý tưởng tạp nham kéo đến không thể nào tập trung được, mặc dù mình rất dễ tập trung vào những việc khác như xem phim, đọc sách, v.v… nhưng việc tập trung hơi thở vào ra lại khó khăn đến thế?

Đó là chia sẻ của một bạn nam thiền sinh người gốc Việt. Tiếp theo là: Thu Trang, một thiền sinh trẻ mới vừa đến Pháp có một tháng mà đã nếm trãi được những bơ vơ, lạc lỏng giữa xứ người, khác nhau từ cách ứng xử, đến màu da, tiếng nói, cho chí cách đi, đứng, sinh hoạt, v.v… cho nên khi vừa đặt chân đến thiền đường cô có cảm giác như vừa trở về tới quê hương Hà Nội của cô cho nên hạnh phúc đang dâng tràn trong cô. Một thiền sinh nữ khác nêu thắc mắc về quan niệm hạnh phúc của các thầy, các sư cô có khác gì với quan niệm hạnh phúc của người đời không, mà tại sao mới chỉ gần được một ngày mà cô đã nghe rất nhiều thầy cô nói nhiều về hạnh phúc?

Những thắc mắc đã được thầy Trung Hải cũng như đại chúng lần lượt giải đáp bằng những nếm trải thực sự của từng cá nhân mà không bằng con đường lý thuyết trừu tượng nên các thiền sinh rất hài lòng.

Đồng hồ điểm giờ Im lặng hùng tráng bắt đầu, mọi người chúc ngủ ngon trước khi sửa soạn chỗ ngủ. Từ nhà trên xuống nhà dưới mọi mặt bằng đều được tận dụng. Đây mới thực đúng là “ăn chay, nằm đất” mà ông bà mình hay dùng trong những khi cầu mưa, cầu tự,… ở quê nhà. Bước xuống tầng hầm là gặp ngay hai hàng dài chờ đến phiên trước mỗi phòng vệ sinh nam cũng như nữ. Bốn bồn rửa mặt, chải răng không một chỗ chen chân, đâu đâu cũng thấy người là người. Nhưng đặc biệt không một ai tỏ vẻ khó chịu, ngược lại tất cả đều trao nhau ánh mắt cảm thông. Một ngày đã qua.

2.
Tranh thủ đọc xong mấy bài “Thiền trong học đường” của giáo sư Nguyễn Văn Kỷ Cương, mặc dù lạ nơi, lạ chỗ nhưng vừa đặt lưng là đã đi sâu vào giấc ngủ, nửa khuya giật mình tưởng sáng, và sợ trể giờ ngồi thiền. Cả hai anh em nhìn đồng hồ thì chỉ mới có 3 giờ rưởi sáng. Ngoài trời mưa rả rích chợt nhớ tới các em, cháu ngủ ngoài lều không biết có ai bị ướt không. Cầm lòng không đặng, tôi bật dậy lần bước ra ngoài xem thử thì tất cả các em đều chìm sâu vào giấc ngủ. Trở vào nhà vừa bật đèn đi vệ sinh tôi giật thót người vì ở dưới chân tường cạnh cầu thang, trước cửa toilettes có một người quấn mền đang trở giấc, có lẽ vì ánh đèn bất chợt của tôi làm cho cô thức giấc. Khi đó tôi mới hiểu ra rằng chẳng những nhà trên nhà dưới, mà cả tầng hầm, bất cứ chỗ nào có một ít không gian là nơi đó được các thiền sinh tận dụng để ngủ nghỉ qua đêm. Ôi thương quá đi thôi! Tôi vội tắt đèn và lần bước trong bóng tối để vào nhà vệ sinh và chỉ dám bật đèn khi đã đóng cửa cẩn thận. Sau đó tôi định lên thiền đường ngồi thiền, chợt nhớ lại là trên ấy giờ này đã đầy người và ai cũng đang chìm sâu trong giấc ngủ. Tôi bị buộc phải trở về phòng, tắt đèn đặt lưng theo dõi hơi thở chờ chuông báo thức.

Hồi chuông báo giờ chuẩn bị thiền tọa vừa dứt, tôi lách mình xuyên qua mấy cầu thang để lên chính điện trong khi còn không ít thiền sinh đang chật vật xếp hàng chờ đợi tới phiên sử dụng các phòng vệ sinh. Đã vậy mà khi lên tới trên chính điện thì thiền đường đã lấp đầy hơn 2 phần ba không gian. Không đợi chuông báo chúng, tất cả mọi người đều tranh thủ điều thân, điều tức và đi ngay vào thiền quán. Sáng nay là thời thiền tọa đầu tiên của khóa tu. Tuy đông người nhưng cả thiền đường đều im phăng phắc, im đến mức người ta có thể nghe được hơi thở vào ra của người bên cạnh. Chỉ có tiếng chuông ngân lan dần vào không khí và lời hướng dẫn thiền quán hùng tráng bằng tiếng Pháp của sư cô Mai Nghiêm (người Pháp nhưng rất thạo tiếng Việt). Sau 30 phút thiền tọa là nghi lễ Sám pháp địa xúc bằng cả hai thứ tiếng Việt-Pháp.

Trời cứ mưa rả rích, nên chương trình thể dục đi bộ nhanh dọc theo bờ sông Marne không thực hiện được, chỉ còn lại môn Tai chi nhưng phải chen chúc tập trong thiền đường thay vì ngoài sân. Mưa mãi rồi cũng có lúc ngưng, một hồi chuông đổ báo hiệu giờ điểm tâm, cũng là lúc Phật tử, thiền sinh khách (Pháp, Việt) lục tục kéo tới. Hôm nay là ngày Chủ nhựt, ngày quán niệm hàng tuần cho thiền sinh nói tiếng Pháp, mặc dù đã có thông báo trước rằng thiền đường sẽ dành riêng ba ngày 13, 14, 15 tháng 8 này cho Trại hè Thanh thiếu niên, nhưng họ vẫn tới như không có chuyện gì xảy ra. Hôm nay cũng là ngày Rằm tháng Bảy, ngày các người con báo hiếu song thân, ngày lễ Vu Lan, hay còn gọi là lễ Bông Hồng Cài Áo, nên Phật tử người Việt, cũng như người Pháp kéo nhau về thật đông. Với ngần ấy tân thiền sinh tham dự khóa tu, Hơi Thở Nhẹ đã không đủ chỗ sinh hoạt rồi, giờ đây cộng thêm thiền sinh Quán niệm ngày Chủ nhựt, rồi thêm Phật tử dự lễ Vu Lan thì còn chỗ đâu chứa cho hết, “ba xôi nhồi một chõ” tôi thầm nguyện trời đừng mưa để còn có thể sử dụng được không gian ngoài trời. Nếu không, …. thì xin Bụt lo cho vậy !

10 giờ, thiền đường đông đặc với những khuôn mặt sáng rỡ của người trẻ, vui tươi, hạnh phúc của người lớn. Trong không khí tĩnh lặng và tươi mát ấy sư cô Mai Nghiêm chia sẻ (bằng tiếng Pháp) cách điều phục cơn giận, làm sao chuyển hóa năng lượng tiêu cực thành chất liệu bình an cho cả thân lẫn tâm… Bằng kinh nghiệm tự thân Sư Cô đã gây được niềm tin nơi thính chúng. Lướt mắt một vòng tôi thấy mặt ai cũng sáng ngời biểu tỏ sự thích thú trước những khám phá mới lạ rất cụ thể vốn có trong ta và chung quanh ta mà xưa nay chưa từng nghe ai đề cập tới bao giờ. Tiếp theo, thầy Trung Hải đề nghị một phương pháp thực tập làm mới thân tâm mỗi giờ một phút, chỉ một phút thôi, và ta có thể thực tập ngay trong nhà vệ sinh: ở nhà, hay nơi làm việc, … đều có thể áp dụng được. Kèm theo tính trào phúng, Thầy đã làm cho không khí buổi chia sẻ thêm thoải mái qua những tràng cười thú vị cũng như tâm đắc của thính chúng về phương pháp thực tập giản dị mà hiệu quả này. Buổi chia sẻ đã giúp mọi người thấy rằng thiền là pháp môn giúp ta có được niềm vui, sự tươi mát, và hạnh phúc ngay tức thì, không cần phải chờ đợi đến kiếp sau.

Cũng như hôm qua. Tiếp theo pháp thoại chia sẻ là thiền hành dọc bờ sông Marne, sau đó là ăn trưa. Kế tiếp là thiền làm việc – chuẩn bị cho lễ Bông Hồng Cài Áo. Đặc biệt, bửa ăn trưa hôm nay vì lượng người quá lớn, nên thiền sinh và Phật tử dự lễ đã dùng tới 3 nơi, từ thiền đường chính, xuống nhà ăn ở tầng dưới, và tràn ra ngoài sân. Nhưng ở đâu cũng áp dụng ăn trong chánh niệm. Mặc dù rất đông nhưng vẫn giữ được sự thanh tịnh nên năng lượng thanh lương của tập thể rất hùng hậu.

15:30 giờ là giờ Pháp đàm, cơ hội để mọi người chia sẻ kinh nghiệm tu tập cũng như hạnh phúc được sống chung nhau như một gia đình trong ngày Hiểu Để hôm nay. Buổi pháp đàm được chia làm hai thế hệ, cho hai gia đình: nói tiếng Pháp và nói tiếng Việt tại bốn nơi khác nhau. Gia đình nói tiếng Việt ở trong thiền đường: tầng trên dành cho người trẻ, tầng dưới dành cho người lớn. Ngoài sân dành cho gia đình nói tiếng Pháp: Sân trước có sàn gỗ dành cho người trẻ, xa một chút, dưới tàn cây phong dành cho người lớn. Không thể phân thân để có mặt đủ 4 nơi, tôi chỉ ghi nhận được ở nhóm pháp đàm thuộc gia đình nói tiếng Việt của người lớn. Tại đây, tôi có dịp tiếp xúc với những thiền sinh mới như 5 anh chị em của gia đình anh Chân Linh Đan mới đưa đến từ Thụy Sĩ, trong đó có anh chị Đông trở lại lần đầu khi thiền đường còn tên Hoa Quỳnh ; Gia đình cô Doanh đến từ Agen (miền Tây-Nam nước Pháp) ; Gia đình anh chị Hiển và hai cháu Ngọc, Khánh lần đầu tiên biết thiền đường nhờ tham dự khóa tu mùa hè năm nay ở Xóm Trung – Làng Mai ; Và nhiều anh, chị khác.

Chúng tôi chia sẻ cho nhau những kỷ niệm từ khi thiền đường có tên đầu tiên là Fleur de cactus, rồi sau đó đổi thành Hoa quỳnh, và bây giờ là Hơi thở nhẹ (tên Việt); Maison de l’Inspir (tên Pháp). Chia nhau những niềm vui trong hơn một ngày qua của Trại hè ; Những hạnh phúc, cũng như nước mắt trong biến cố Pháp nạn ở Bát Nhã mà nay đã hóa thành những hạt bồ đề đã và đang nảy mầm khắp nơi từ Á sang Âu, cho tới Mỹ: Bát Nhã ngày xưa, nay đã thành mưa, rơi xuống mặt đất, nảy hạt bồ đề… (thơ viết cho Thầy của sư cô Đôn Nghiêm). Nhân đó, tôi có dịp thông tin cùng các bạn là sách Bát Nhã Là Một Công Án Thiền, ghi lại biến cố Pháp nạn Bát Nhã từ đầu chí cuối. Sách dày 900 trang sẽ về tới Paris vào ngày 17 tháng 8 tới đây. Tôi nói thêm rằng: Là người theo dõi sự kiện từ đầu chí cuối suốt hơn 2 năm dài, tôi đã có dịp chứng kiến từng diễn tiến một, trực tiếp nghe được tiếng nói của những người trong cuộc, những tiếng kêu, những giọt nước mắt của muôn người trên thế giới khóc cho Bát Nhã, v.v… Ấy vậy mà khi bắt tay kết tập lại những trang tin, bài viết, bài thơ, những hình ảnh, nghe lại những âm thanh, những tiếng nói,… tôi không tài nào cầm được nước mắt. Nghe xong ai cũng muốn đặt cho mình ít nhứt là 1 cuốn. Bây giờ sách đã có tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ, hoặc bạn có thể đặt mua tại số phôn: 0033 (0)148 684 980 hay 0033 (0)130 880 509, hoặc 0049 – 597 153 862.

17 giờ, Lễ Bông Hồng Cài Áo, giờ mà mọi người mong đợi đã tới. Sư cô Giác Nghiêm, và thầy Trung Hải đồng chủ lễ cho cuộc lễ đầy tình thương và nước mắt này.

Không có tụng kinh Vu Lan Bồn, không có đọc sớ cầu an, cầu siêu, hay giải hạn như các chùa theo truyền thống cũ. Cuộc lễ rất đơn sơ về hình thức (ngay cả thiết bị âm thanh cũng không có), nhưng tập hợp đông đủ 4 chúng hợp thành một Tăng bảo, hòa cùng Pháp bảo, và Phật bảo, đầy ắp thanh tịnh, và năng lượng hiểu thương.

Mở đầu là phần an tịnh thân tâm, tất cả thành viên trong 4 chúng đều cùng thiền tọa trong 15 phút. Con cháu ở đâu là ông bà ở đó, nếu con cháu không an tịnh thì ông bà làm sao an tịnh cho được. Cái khác với truyền thống ở đây là không dựa vào tha lực siêu hình mà là chủ động nơi tâm lực của từng cá nhân họp lại thành năng lượng hùng tráng của đại chúng. Năng lượng đó có công năng hóa giải mọi khổ đau, tuyệt vọng thành hiểu biết và thương yêu cho từng cá nhân có mặt tại trú xứ, và cũng có thể tới bất cứ nơi nào trong thế giới này hay thế giới khác nếu được một trong các thành viên thành tâm trao gửi.

Tiếp theo là phần dâng hương lên Tam bảo khắp mười phương, nguyện cầu cho cha mẹ hiện tiền hay đã quá vãng được thanh tịnh an vui ở thế giới này hay thế giới khác. Mong cầu này chắc chắn là được bởi vì hiện thời các người con đang có mặt đều được an tịnh, vui vẻ trong lòng thì mẹ cha, ông bà đang có mặt trong từng tế bào, hơi thở, tư duy, và hành động của các người con cũng sẽ được an vui hạnh phúc như các người con của họ.

Sau đó là khai thị cho ngày Hiếu Hạnh bằng cả hai thứ tiếng Việt – Pháp, tiếp theo là một em gái đọc bài Bông Hồng Cài Áo bằng tiếng Việt, và một em trai đọc bằng tiếng Pháp. Tôi nghe khắp trong đại chúng đâu đâu cũng có tiếng nấc sụt sùi, rồi từng chiếc khăn lau nước mắt được chuyền cho nhau… Rồi tiếng hát: Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, và một bông hồng cho những ai, …. được cất lên mộc mạc, đơn sơ, không đàn, không trống, không máy khuyếch âm, tiếng hát hòa cùng tiếng nhạc trời, lá gió bay lên rồi tan loảng vào hư không mênh mông rồi tỏa chiếu trở lại qua những vạt nắng ấm cuối ngày.

Kế đến là 1 em trai (người Việt) đọc một lá thư viết cho mẹ bằng tiếng Việt, và một em gái (người Pháp) đọc thư viết cho ba bằng tiếng Pháp… lại những dòng nước mắt chảy. Nước mắt yêu thương, nước mắt hạnh phúc, nước mắt ăn năng, nước mắt hối cải, nước mắt tha thứ, ngập tràn cảm xúc hiểu biết và thương yêu. Sau đó là phần cài hoa hồng trong tiếng hát lời ca bài Bông Hồng Cài Áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Bạn sẽ được cài trên ngực áo một bông hồng màu hồng nếu bạn được diễm phúc còn cha, còn mẹ, và bạn sẽ được cài một bông hồng màu trắng nếu cha, mẹ bạn không còn hiện hữu ở thế giới này.

Tối đến là phần lửa trại. Ông bà , bố mẹ, con cháu. Ba thế hệ ấm êm quanh bếp lửa hồng. Cháy bừng lên ngọn lửa hiểu biết, ngọn lửa yêu thương như một đại gia đình cùng có mặt cho nhau, cùng hát vang những bài hát ca ngợi tình mẹ, tình cha, tình yêu quê hương, đất nước trong ngày Vu Lan – Hiếu Để, dù trong họ không cùng màu da, huyết thống, nhưng cùng một gia đình tâm linh có gốc rễ từ Việt Nam, đó là đạo Bụt tỉnh thức, đạo Bụt dân thân, và đạo Bụt ứng dụng. Những ánh mắt khám phá, ánh mắt biết ơn, ánh mắt hạnh phúc, ánh mắt thán phục,… nơi những thiền sinh người Pháp, người Bĩ, người Thụy sĩ, người Bắc Phi, người Nam Phi ngời lên trong ánh lửa đêm Rằm xá tội vong nhân.

3.

 

Một hồi chuông đổ báo giờ Im lặng hùng tráng, dù đang vui cùng ánh lửa nhưng ai cũng ý thức và trở về với thực tại qua hơi thở chánh niệm. Cùng với mọi người, tôi đã chuẩn bị chỗ ngủ sắp đặt lưng bổng nghĩ đến ngôi nhà không có một ai từ đêm qua tới giờ không biết có chuyện gì không, hơn nữa hàng xóm hai bên cũng đã đi nghỉ hè không có ai trông hộ. Tôi lấy xe về ngay tong đêm.

Khi tôi trở lại cũng là lúc mọi người đang chấp tác, thấy hai bé Ngọc và Khánh tuy còn nhỏ nhưng cũng cùng các anh chị và các sư cô nhổ cỏ làm vườn, tôi bấm máy ghi lại hình ảnh đẹp này. Bước vào thiền đường gặp sư cô Phùng Nghiêm, Sư cô hỏi tôi ăn sáng chưa, ai nghe mà không cảm động cho được phải không các bạn ?! Quanh quẩn thăm hỏi một hồi là tới giờ Pháp thoại vấn đáp, với sự chủ tọa của các thầy Trung Hải, Chỉnh Long, Từ Phước, cùng các sư cô Mai Nghiêm, Đào Nghiêm, và Phùng Nghiêm.

Khóa tu chỉ có 3 ngày, mà mất hết 1 buổi chiều cho lễ Bông Hồng Cài Áo, tôi nghĩ chắc không có nhiều câu hỏi về những vấn đề trong việc thực tập thiền quán ; chuyển hóa tập khí, và tâm hành tiêu cực, v.v… vì chưa có nhiều trải nghiệm. Bên cạnh đó những câu hỏi căn bản về các vấn đề như: Niềm tin, đạo Bụt có tin vào số mệnh không? Đạo Bụt có phải là một tôn giáo không? Có thể nào vừa là con Chiên, vừa là con Phật được không? Chỉ có hai câu hỏi liên quan tới vấn đề chuyển hóa tâm hành của một cô thiền sinh người Pháp, và một anh thiền sinh người Việt. Cô người Pháp hỏi: Làm sao có thể chấp nhận và yêu thương được người đã từng gây ra đau khổ cho mình, nhất là khi người đó lại là cha ruột của mình? Anh người Việt hỏi: Thiền quán có thể giúp hoàn thành công việc trước những áp lực về thời gian mà không bị nó rượt đuổi không? Tất cả những câu hỏi đã được các thầy cô chủ tọa giải đáp tường tận. Thiền sinh ai cũng vui vẻ.

Trưa nay các cô, các bác nhà bếp cho ăn bì bún, chả giò thật ngon. Ai cũng xin được ăn thêm tô thứ hai. Có điều rất lạ là cả ba hôm gồm 5 buổi ăn chính, mà nhà bếp đã cho 4 buổi rưởi ăn thức ăn Việt Nam, người Việt thì không nói làm chi, mà Tây lẫn Phi đều thích, lắm khi họ còn thích hơn cả Việt nữa. Lần đầu tiên họ khám phá ăn chay cũng ngon như ăn thức ăn mặn.

Sau bửa ăn là có thiền buông thư, nhưng nhiều người muốn tranh thủ những giờ còn lại để học hỏi, tham vấn thêm theo từng nhóm nhỏ. Đó đây trong sân vườn phía trước những vòng tròn nhỏ được thiết lập. Không có đề tài định sẵn, ai thích gì, hỏi gì cũng được. Nơi thì bàn về cách áp dụng hơi thở chánh niệm khi làm việc. Nhóm thì hỏi về cách học Phật sao cho có hệ thống, v.v… Và sau hết là những thao thức của người trẻ về những vấn đề môi trường, và xã hội cũng đã được nêu ra trong dịp này.

Cái gì đến phải đến, chuông báo giờ thiền trà chia tay vang lên. Thiền đường trang trí rất đẹp, mọi người ngồi thành những vòng tròn đồng tâm, hai tay nâng tách trà trong chánh niệm, cùng có mặt cho nhau, cùng hát những bài thiền ca, cùng nuôi dưỡng bằng những lời biết ơn, những xúc cảm gợi lên thành quả ngoài dự tưởng mà trước khi tham dự không ai có thể nghĩ trước. Và cuối cùng là những giọt nước mắt từ biệt nhưng không quên hẹn ngày gặp lại trong những sinh hoạt thường xuyên của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, cũng như những khóa tu, những trại họp mặt sống chung trong chánh niệm như thế này. Một đôi vợ chồng có hai con tham gia Hội trại nói với chúng tôi rằng: Nhờ khóa tu, nhờ quý thầy cô, và các anh chị mà từ nay gia đình chúng tôi có chỗ để đi về ! Vâng Sư cô Trụ trì đã chẳng nói với chúng ta trong giây phút chia tay rằng: Hơi Thở Nhẹ là nhà của chúng ta, chúng ta có thể đến, đi bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Sự ra đời và tồn tại của nó là vì chúng ta và do chúng ta. Nó không phải là của riêng của Thầy chúng tôi (Sư ông Nhất Hạnh) hay của các sư cô ở đây. Nó thuộc về tất cả chúng ta hôm nay và mai sau.

Lê Nguyên
Paris – 21.8.2011

 

Từng bước