Ngày quán niệm sau chuyến US tour

 

 

Thầy đã về Làng

Sau chuyến du hóa dài ngày tại USA, Thầy đã về Làng vào trưa ngày 11.11.2011. Sáng hôm ấy quý thầy, quý sư cô đã lên phi trường Bordeaux đón Thầy cùng quý thầy quý sư cô tháp tùng chuyến đi với Thầy. Mùa thu vẫn còn sót lại những tán lá đỏ bên đường, lá dâu ở Làng chờ thầy cùng tăng thân hay sao mà chín muộn thế! Nắng ấm lại về sau mấy ngày mưa. Hôm Chủ Nhật, 13.11.2011, tại xóm Mới đã có ngày Quán Niệm đầu tiên chỉ sau hai ngày Thầy về lại Pháp. Buổi pháp thoại bằng tiếng Việt trực tuyến hôm ấy như mang theo niềm vui mà Thầy muốn hiến tặng cho đại chúng.

 

Đừng đánh mất sự sống

Thầy kể cho đại chúng nghe sự sống đã có mặt như thế nào nhờ những khám phá của khoa học. Nhưng có ai biết “Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường đánh mất mình, có khi chúng ta chúi đầu vào trong sách hay chúi đầu vào trong máy tính, mỗi ngày hơn mười giờ, chúng ta bị tâm hành lo lắng, sợ hãi kéo đi. Chúng ta không có mặt. Chúng ta quên rằng chúng ta có một hình hài mẹ ban cho. Chúng ta đánh mất sự sống. Có người họ quên rằng họ có một ngày mai, họ sống trong một thế giới rất là ảo. Thế giới của máy tính là một thế giới ảo, thế giới của lo lắng là thế giới ảo, trong khi đó hình hài của mình là một cái gì rất là thật. Cái tâm của mình bỏ cái thân mà đi cho nên mình lao đao, mình trở thành bệnh hoạn. Cho nên mình thở như thể nào để đem tâm trở về tiếp xúc với thân. Mỗi bước chân cũng vậy, mình tiếp xúc với thân, với tâm, với đất mẹ… và quá trình nuôi dưỡng trị liệu bắt đầu lập tức. Cho nên thiền ngồi, thiền thở, thiền đi là những pháp môn thực tập rất là cần thiết cho tất cả chúng ta.”

 

Niềm vui sống

Thầy còn kể lại những gì Thầy đã chia sẻ tại hảng Google hay tại Thư viện Liên Hiệp Quốc. Bài hát thiền ca: Thở vào Thở ra mở đầu buổi thiền tập là để họ ý thức rằng họ đang có một hình hài, và giúp họ đem tâm trở về với thân. Sau đó mình hướng dẫn thiền hành và mình khuyên họ khi uống trà thì chỉ nên uống trà thôi, khi ăn trưa thì chỉ nên ăn trưa thôi, khi đi thì chỉ nên thở, đi thôi. Mỗi lúc chỉ một việc thôi. Cái hay là mình không cần để thì giờ riêng ra để thực tập thiền, quý vị đi tắm, ăn cơm hay ngồi chờ máy bay thì quý vị sử dụng thời gian đó để thở, để buông thư. Khi tiếp xúc cái mầu nhiệm trong hình hài của mình thì chúng ta có được niềm vui sống, chúng ta được trị liệu rất nhiều. Ở đây chúng ta rất may mắn sống trong một đoàn thể mà người nào cũng biết phương pháp thực tập. Bằng hơi thở, bằng bước chân chúng ta bắt đầu tiếp xúc với đất mẹ và những tình trạng lao đao phóng thể đánh mất mình có thể chấm dứt và chúng ta có thể trị liệu và chuyển hóa.

 

Hành tinh xanh

Lời chia sẻ của Thầy gửi theo niềm tin bằng nụ cười và chất trầm tĩnh. Niềm tin đó hiển hiện trong những lời chia sẻ về những khám phá nét đẹp của đất trời vậy mà con người có khuynh hướng coi mình là cao hơn hết. “Nếu mặt trời là một vị Bồ tát thì hành tinh của chúng ta cũng là một vị Bồ tát. Đất mẹ là một vị bồ tát xinh đẹp. Các nhà khoa học đã công nhận chưa có một hành tinh nào đẹp bằng hành tinh này. Nếu nhìn cho kỹ thì có bao nhiêu điều mầu nhiệm biểu hiện trên mặt đất. Con người tự hào là giỏi về toán học nhưng khi nhìn một cánh hoa anh đào hay khi nhìn về một cành cúc thì con người phải cúi đầu khâm phục. Nếu nói về toán học thì phải giỏi toán lắm mới làm ra một cánh hoa anh đào như vậy… Chúng ta có thể xây một cái cầu hay một cái nhà vững chãi nhưng đất mẹ cũng là một nhà toán học tài tình, đất mẹ có thể tạo ra những cái rất mầu nhiệm. Con người có những người là nhạc sĩ, có thể tạo ra những bản nhạc rất là hào hùng nhưng mà nếu chúng ta lắng nghe tiếng hải triều, tiếng gió, tiếng chim, tiếng thông reo thì chúng ta thấy trái đất là một nhạc sĩ rất tài tình. Không có bản nhạc nào hào hùng bằng bản nhạc của đất trời, mỗi khi có mưa, có gió, có hải triều… Con người có những nhà họa sĩ sáng tạo ra những bức tranh rất là tuyệt vời, nhưng có nhà họa sĩ nào sáng tạo ra những bức tranh tuyệt vời như là đất mẹ. Mỗi sáng khi mặt trời lên, đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, thấy bức tranh của trái đất nó đẹp hơn những bức tranh khác rất nhiều. Con người tự hào là những chiến sĩ dũng cảm, nhưng mà trái đất cũng vậy. Nó trải qua 4 tỷ năm cho đến khi sự sống hào hùng bắt đầu xuất hiện. Và nói về tình thương thì đất mẹ cho ra đời bao nhiêu là chủng loại và đã nuôi dưỡng những chủng loại đó. Cho mình ra đời rồi cho mình không khí để thở, cho mình nước để uống, thức ăn để mình ăn. Đất mẹ đã đưa chúng ta ra đời và khi chúng ta trở về thì đất mẹ đưa hai tay ôm lấy…

 

 

Cho nên đất mẹ dạy cho chúng ta những bài học rất là sâu sắc. Đất mẹ là một vị Bồ tát lớn, một vị Phật rất là xinh đẹp. Đây là Tịnh Độ, chúng ta đừng nghe lời bàn tán thiên hạ, phát tâm nhàm chán cõi này để cầu sang một cõi mơ hồ nào đó trong tương lai. Chỗ này là Tịnh Độ cho nên chúng ta mới cùng tăng thân xin nguyền ở lại giữ gìn đất mẹ và giúp đất mẹ tạo ra những vị Phật và Bồ tát để làm cho thế giới này càng ngày càng xinh đẹp, càng tốt tươi. Hôm nay chúng ta đi thiền hành và tiếp xúc với đất mẹ trong ta và dưới mỗi bước chân ta. Chúng ta có một vị Bồ tát lớn là nền tảng của tất cả sự sống trên trái đất và chúng ta sẽ có bình an, khỏe nhẹ.

Chúng ta đi thiền hành mùa thu, những chiếc lá rất là đẹp. Những chiếc lá xuất hiện vào khoảng tháng ba, tháng tư, những chiếc lá ở trên cành vào khoảng tám tháng, chín tháng, cho đến khi nó tàn, nó rụng nó phân tán thì nó vẫn không sợ hãi. Nó trở về với đất mẹ và đến mùa xuân thì nó biểu hiện trở lại. Đất mẹ luôn có đó và đón chúng ta trở về với hai bàn tay từ mẫu để rồi lại đưa ta ra đời trở lại. Chúng ta có một bà mẹ tuyệt vời như thế mà chúng ta không biết, mà chúng ta cứ đi tìm những bà mẹ khác ở trong đầu óc tưởng tượng của chúng ta.”

 

Vậy thì hôm nay chúng ta đi thiền hành nên nhớ mình đừng cho đất là vật chất. Không phải vật chất đâu. Nó cũng là tâm. Vật và tâm là hai mặt của một thực tại, và cái này nương vào cái kia mà có mặt. Nếu mà đi thiền hành như vậy thì chúng ta có rất nhiều hạnh phúc, chúng ta chế tác năng lượng bình an và niềm vui. Chúng ta đi cho mình và đi cho cả thế giới. Đi như vậy sẽ làm cho trái đất an lành.