Định đề 37

 

Phép tu căn bản của đạo Bụt Nguyên thỉ là phép tu Niệm Xứ có công năng nhận diện, chuyển hóa tập khí và làm thành tựu viên mãn bảy giác chi và tám chánh đạo. Các pháp thiền quán Đại thừa kể cả thiền tổ sư cần được thỉnh thoảng trở về tắm trong dòng suối Nguyên thỉ ấy để đừng đánh mất cốt tủy của Phật pháp.

The basic practice of original Buddhism is the Four Domains of Mindfulness which has the function to recognize and transform the habit energies and fully realize the Seven Factors of Enlightenment and the Noble Eightfold Path. The Mahāyāna practice of meditation including the Zen of the patriarchs needs from time to time to go back to take a bath in Source Buddhism in order not to lose the essential Teaching of Buddhadharma.

Trong thời của đức Thế Tôn kinh Niệm Xứ cũng như kinh Quán Niệm Hơi Thở được các thầy và các sư cô học thuộc lòng như chúng ta học thuộc lòng chú Lăng Nghiêm hay kinh Di Đà bây giờ. Trong thế kỷ thứ 19, 20 người tu chúng ta thường học thuộc lòng hai kinh này. Có người học thuộc chú Lăng Nghiêm trong một tuần, có người phải học trong sáu tháng, nhưng tất cả đều phải học thuộc lòng. Trong thời của đức Thế Tôn, các thầy và các sư cô, thông minh nhiều hay thông minh ít, đều phải học thuộc lòng kinh Anapanasatisutta vì đó là sách gối đầu giường của người xuất gia.

Niệm Xứ là phép tu căn bản của đạo Bụt Nguyên thỉ

Trong khi nghiên cứu chúng ta thấy trong thời đức Thế Tôn các thầy, các sư cô không thuộc lòng kinh Di Đà hay chú Lăng Nghiêm mà thuộc lòng kinh Niệm Xứ. Khi có người sắp chết, dù người đó là người tại gia hay người xuất gia thì các thầy, các sư cô cũng đọc kinh Niệm Xứ cho người sắp qua đời. Có thể người sắp qua đời đó cũng đã học thuộc lòng và có hành trì rồi nhưng làm chưa trọn vẹn. Nếu có thể nghe kinh lần cuối thì người đó có cơ hội để thực tập và chết một cách thanh thản, giải thoát. Có người đã nắm được cơ hội cuối cùng đó, nghe kinh thì nắm lấy thực tập liền và chỉ nội trong nửa ngày là chứng đạt được. Chúng ta không nên chờ đến giờ ấy mới làm như vậy. Trong khi còn có tháng rộng năm dài thì ta phải lo làm cho xong.

Kinh Niệm Xứ dạy chúng ta quán niệm những gì xảy ra trong bốn lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực của thân tức quán chiếu hình hài của ta. Hơi thở của ta cũng thuộc về hình hài cho nên quán niệm hơi thở cũng thuộc về niệm xứ. Ta bắt đầu bằng hơi thở và đi vào trong lĩnh vực của hình hài vì hình hài có liên hệ đến tâm. Tâm sẽ không biểu hiện được nếu không có hình hài, cũng như hình hài không biểu hiện được nếu không có tâm. Hình hài và tâm là hai cái không thể tách rời ra được, giống như mặt trái và mặt phải của đồng Euro, mặt trái không thể có nếu không có mặt phải.

Trong đạo Bụt không có quan niệm lưỡng nguyên về thân và tâm, thân không phải là cái gì biệt lập với tâm và tâm không phải là cái gì biệt lập với thân. Tâm dựa vào thân mà biểu hiện, thân cũng dựa vào tâm mà biểu hiện. Đó là cái thấy bất nhị, non-dualism. Khi quán niệm về hình hài là ta đã bắt đầu tiếp xúc được với tâm rồi. Ta không đợi quán niệm hình hài xong rồi mới đi ngang qua lĩnh vực của tâm. Ta chia ra lĩnh vực đầu là lĩnh vực của thân (hình hài), lĩnh vực thứ hai là lĩnh vực của cảm thọ mà cảm thọ là thân mà cũng là tâm. Lĩnh vực thứ ba là tâm, tức những tâm hành. Có 51 tâm hành mà tâm hành nào cũng dính tới thân, từ tâm hành giận cho đến tâm hành đam mê, thương yêu. Ta tưởng thương hay ghét là do tâm, gọi là tâm thương ghét, nhưng nếu không có thân thì cũng không thể thương ghét được. Chất adrénaline rất liên hệ tới cái giận và cái lo của ta. Không có thân thì không thể buồn, giận, lo lắng. Vì vậy tâm liên hệ tới thân, hai cái nương nhau mà thành lập. Chúng ta phải học để thấy có thân trong 51 tâm hành. Tâm nhẹ nhàng giúp cho thân nhẹ nhàng và thân nhẹ nhàng giúp cho tâm nhẹ nhàng. Hơi thở thuộc về thân, buồng phổi thuộc về thân, hai chân thuộc về thân. Nhưng nếu chúng ta biết sử dụng hơi thở, buồng phổi và hai chân mà thực tập thì sự nhẹ nhàng an ổn của thân tạo ra sự nhẹ nhàng an ổn của tâm và sự nhẹ nhàng an ổn của tâm giúp cho thân được trị liệu và nuôi dưỡng. Phép tu Niệm Xứ ôm cả thân và tâm gọi là thân tâm nhất như (the non-dualistic nature of body and mind).

Ở Trung Quốc, Đại Hàn, Việt Nam, Nhật Bản, chúng ta đã thực tập thiền tổ sư, thực tập những công án, những thoại đầu và có nhiều thế kỷ chúng ta không chịu trở về tắm lại trong dòng suối Nguyên thỉ. Vì vậy chúng ta có thể đánh mất cái tinh túy của một thứ thiền mà chính đức Thế Tôn và các đệ tử của Ngài, nam cũng như nữ, đã thực tập trong thời đó. Lịch sử cho chúng ta biết trong thời đức Thế Tôn, ai cũng thực tập Niệm Xứ, kể cả đức Thế Tôn. Nếu trong thời đại này chúng ta không thực tập Niệm Xứ thì chúng ta không làm giống như tăng đoàn Nguyên thỉ. Thực tập Niệm Xứ là đem hết cả thân và tâm vào sự thực tập, thực tập bằng hai chân, bằng lỗ tai, bằng hai mắt, bằng trái tim, bằng buồng phổi, bằng hơi thở chứ không chỉ thực tập bằng tâm. Cái gọi là thói quen, tập khí cũng không hẳn chỉ là tâm mà cũng là thân vì tập khí cũng nằm trong thân.

Nhờ có chánh niệm mà chúng ta nhận diện ra tập khí xấu và tập khí tốt. Nhận ra tập khí tốt thì ta vui mừng và thực tập để nó càng ngày càng mạnh. Thói quen mỗi khi nghe chuông dừng lại để thở, thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, là một tập khí tốt. Thói quen mỗi khi bực mình không nói gì hết và trở về với hơi thở là một tập khí tốt. Tu tập là để tạo ra những tập khí tốt và chuyển hóa những tập khí xấu. Những tập khí này không chỉ là của tâm mà còn là của thân. Khoa học có thể chứng minh những tập khí đó được khắc vào trong vỏ não của chúng ta. Tài nghệ chơi dương cầm không phải từ mười ngón tay mà từ nơi vỏ não mà ra. Chơi tennis hay, chơi nhạc hay, múa hay vừa là tập khí của tâm vừa là tập khí của thân. Kinh Tứ Niệm Xứ nói rõ: Tu tập Tứ Niệm Xứ sẽ đi tới trong sự thành tựu được Bảy yếu tố của sự giác ngộ (Thất bồ đề phần) và Bát chánh đạo.

Trong Bát chánh đạo có chánh kiến, tức cái thấy đúng, chính xác, cái thấy cho ta tiếp xúc được tự tính vô thường, vô ngã, tương tức. Chánh kiến làm căn bản cho chánh tư duy, không có chánh kiến thì không có chánh tư duy. Thực tập chánh tư duy là khởi lên những tư tưởng có năng lượng của sự hiểu biết, tha thứ, hòa giải, thương yêu. Khi phát khởi được một tư tưởng đi đôi với chánh kiến, đi đôi với hiểu và thương thì tự nhiên ta thấy khỏe. Tư tưởng đó có công năng trị liệu thân và tâm của ta. Nếu tư tưởng của ta thảnh thơi, nhẹ nhàng, không có lo lắng thì thân ta sẽ nhẹ nhàng và được trị liệu. Nếu ta cứ lo lắng, buồn khổ, giận hờn, bức xúc thì những tư tưởng đó làm hình hài ta càng ngày càng nặng nề thêm.

Nói xong một câu nói có chất liệu chánh ngữ, ta thấy khỏe, ta thấy nói ra được câu đó rất hay, vì nó có khả năng tha thứ, hiểu, chấp nhận và thương được người kia. Đó là chánh ngữ có khả năng trị liệu thân và tâm. Người kia cảm thấy hạnh phúc và ta cũng cảm thấy hạnh phúc.

Nhiều khi ta không cần đi bác sĩ uống thuốc, ta chỉ cần ngồi đó, nói ra những điều lành thì thân tâm ta cũng được nuôi dưỡng bởi những điều lành đó. Những hành động săn sóc, thương yêu, bảo hộ cũng có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Đó là bốn phần đầu của Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp. Tu tập chánh niệm làm thành tựu Bát chánh đạo, vì vậy đạo Bụt Nguyên thỉ nằm ở Tứ niệm xứ, Thất bồ đề phần và Bát chánh đạo. Đó là dòng suối Nguyên thỉ mà các thầy, các sư cô trong thời đức Thế Tôn đã thực tập theo.

Trở về dòng suối nguyên thỉ

Làng Mai cũng muốn thực tập theo đó vì vậy ta đã mang đạo Bụt Đại thừa, Tịnh độ tông, Thiền tông, Chân ngôn tông (Mật tông) về tắm lại trong dòng suối Nguyên thỉ, tức Niệm Xứ. Ta có trì chú, làm đám chay và cúng thí thực. Nghi thức thí thực cô hồn thuộc về trì chú, Tâm Kinh Bát Nhã, chú Đại bi cũng là một thần chú. Đạo Phật Việt Nam có Mật tông (Chân ngôn tông), Tịnh độ tông, Thiền tông và Làng Mai đem tất cả về tắm lại trong dòng suối Nguyên thỉ. Sự thực tập ở Làng Mai không bao giờ đánh mất cái tinh túy của Phật pháp vì chúng ta đã biết trở về dòng suối Nguyên thỉ ấy.

Thiền tổ sư chú trọng về công án, thoại đầu. Chúng ta tham cứu những công án như “Tổ Bồ Đề Đạt Ma đi qua Đông độ có mục đích gì?” hay “Tất cả quay về cái một, vậy cái một quay về cái gì?”(Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?) hoặc “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?” hay “Con chó có Phật tánh hay không?”. Thực tập công án chúng ta có thể đi lạc nếu không biết trở về tắm lại trong dòng thiền Nguyên thỉ.

Làng Mai dù theo Thiền nhưng vẫn thực tập Tịnh độ. Nhờ thực tập Niệm Xứ chúng ta có thể biết Tịnh độ có thể có mặt trong giây phút hiện tại. Tịnh độ cũng như Thiên quốc là một cái gì không cục bộ, nó mang tính phương ngoại, tức là nằm ngoài không gian. Tịnh độ không có vị trí trong không gian, Tịnh độ ở ngay trong tâm của mình (duy tâm Tịnh độ). Tại Làng Mai, khi đi thì mỗi bước chân phải đi vào Tịnh độ. Chúng ta không đợi đến khi hình hài tan rã rồi mới đi về Tịnh độ. Trái lại, trong đời sống hàng ngày chúng ta phải bước được vào trong Tịnh độ, chúng ta duy trì bước chân trong Tịnh độ. Như vậy Đại thừa trong Tịnh độ tông được trở về tắm trong dòng thiền Nguyên thỉ, tức Niệm Xứ. Tại Làng Mai, Thiền và Tịnh độ không chống đối nhau, chúng có thể đi đôi với nhau một cách tuyệt hảo với sự thực tập hiện pháp lạc trú, hiện pháp Niết bàn (DrstadharmaNirvāṇa). Niết bàn cũng như Tịnh độ có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Tịnh độ tông của chúng ta đã được trở về tắm trong dòng thiền Nguyên thỉ.

Làng Mai không ngồi mơ tưởng một Niết bàn, một Tịnh độ, một nước Chúa trong tương lai, chúng ta phải nếm, phải tiếp xúc với cái đó ngay trong giây phút hiện tại. “Thiên quốc là ở đây, nếu không có bây giờ thì sẽ không bao giờ có” (The Kingdom of God is now or never), đó là một sự thách đố rất lớn. Ta có cơ hội để tiếp xúc với Bụt, với Tịnh độ, với Niết bàn ngay trong giây phút hiện tại nếu ta có niệm, có định. Làm được thì ta có hạnh phúc liền, ta không cần trốn chạy cái bây giờ và ở đây. Ta chấp nhận cái bây giờ và ở đây và tìm cái ta muốn tìm ngay bây giờ và ở đây.

Thiền mà chúng ta tiếp nhận từ các vị tổ sư như Vân Môn, Tào Động hay Lâm Tế, ta cũng đưa về tắm ở dòng thiền Nguyên thỉ. Ngay trong Lâm Tế Lục ta cũng đã khám phá ra câu: Bước chân trên mặt đất là thể hiện thần thông (Địa hành thần thông), tức mỗi bước chân đều là phép thần thông, bước trong giây phút hiện tại, tiếp xúc được với Tịnh độ, mỗi bước chân có tự do, thảnh thơi, giải thoát. Đem Thiền trở về với dòng suối Nguyên thỉ thì chắc ăn, chúng ta không bay bổng trên vòm trời lý thuyết siêu hình, hai chân của chúng ta luôn chấm đất. Sự thực tập của chúng ta ở đây không có tính cách siêu hình lý thuyết mà rất thực tế. Sự giải thoát an lạc nằm ngay trong thân và tâm của mình, ngay ở đây trong giây phút hiện tại. Những gì ta muốn tìm đang có ngay trong giây phút hiện tại, trong đó có giải thoát, giác ngộ, niềm vui, hạnh phúc, Tịnh độ hay Niết bàn.

Mật tông là Chân ngôn tông, chân ngôn là những câu linh chú. Tại Làng Mai chúng ta có bốn câu linh chú, bây giờ ta có thêm câu linh chú thứ năm. Nếu ai đến Làng Mai mà chưa biết bốn câu linh chú thì nên tìm học ngay vì chúng có hiệu quả liền lập tức. Một câu chân ngôn là một câu phát xuất từ định. Khi thân, miệng, ý hòa hợp thì chữ nào, câu nào phát ra cũng đều là chân ngôn. Ta phát ra một câu bằng tất cả trái tim, tất cả hình hài của ta và tam nghiệp kết đọng lại thành một khối. Trong trạng thái hùng mạnh đó, bất cứ câu nào nói ra đều trở thành chân ngôn.

Vừa rồi báo Giác Ngộ có viết qua một câu hỏi nhờ tôi trả lời:

  • Tại sao Thiền sư lại tổ chức Trai đàn chẩn tế vốn là một sinh hoạt của Mật tông, hay là Thiền sư đã thay đổi phương pháp tu?

Tôi đã trả lời báo Giác Ngộ như sau:

  • Thiền có công năng trị liệu và chuyển hóa. Thiền phải có niệm, định và tuệ. Nếu không có niệm, định, tuệ thì làm sao có Thiền? Khi có niệm ta biết được những gì đang xảy ra trong lòng ta và chung quanh ta. Cái ta thấy đang xảy ra là nỗi oan khổ của đồng bào đã trải qua một cuộc chiến tranh rất lâu dài. Có hàng trăm ngàn chiến sĩ đã bỏ mình trên nhiều nẻo đường đất nước và có nhiều vị hài cốt chôn vùi không biết ở đâu. Khí oan đó còn ở người chết và ở người sống. Có những gia đình người Hoa Kỳ đã trông ngóng và hy vọng tìm ra được hài cốt của những thân nhân họ đã bị chôn vùi ở Việt Nam. Chính quyền Hoa Kỳ đã bỏ ra rất nhiều tiền để thuê người tìm những hài cốt đó. Ở Việt Nam cũng có hàng trăm ngàn chiến sĩ chết trên rừng núi, trên chiến trường mà hài cốt không tìm ra được. Hàng triệu người đã chết vì bom đạn, 13 triệu tấn bom đã dội xuống đất nước cùng bao nhiêu chất độc hóa học, ba bốn triệu người đã chết vì bom đạn. Khi bỏ đất nước ra đi để tìm một tương lai cho con cháu thì hàng trăm ngàn thuyền nhân đã thiệt mạng trên biển cả và làm mồi cho cá. Những vết thương đó vẫn còn đó trong đất nước, trong dân tộc và những oan khổ đó vẫn còn rất lớn. Nếu chúng ta làm lơ thì những vết thương kia sẽ không bao giờ được chữa trị, chúng sẽ truyền lại cho những thế hệ tương lai và hận thù vẫn tiếp tục. Tổ chức một trai đàn chẩn tế giải oan là để công nhận niềm đau nỗi khổ đó, đưa nỗi oan khổ đó từ chỗ chôn vùi nơi tiềm thức lên trên vùng ánh sáng của ý thức. Đó là Thiền. Những lời cầu nguyện từ trái tim đã được nói lên, hay những câu chân ngôn đã được tụng lên. Một khi những nỗi khổ niềm đau của ta đã được công nhận, thì tự nhiên chúng sẽ được nhẹ đi và được chuyển hóa. Những lời kinh được đọc trong Đại trai đàn chẩn tế là để công nhận và cầu nguyện giải trừ chính những nỗi oan khổ đó. Đó là những chân ngôn có khả năng trị liệu, làm lành những vết thương trong lòng đất nước và dân tộc.

Điều này rất quan trọng! Tất cả các gia đình của những đồng bào tử nạn trong và ngoài nước đã cùng thực tập chung. Những người không hiểu tưởng rằng sự cầu nguyện này là mê tín. Người hiểu được thì thấy rằng đây là một phép tâm lý trị liệu rất sâu sắc: Công nhận những nỗi khổ đó và đưa chúng lên trên vùng ánh sáng chánh niệm, cùng phát ra những lời nguyện cầu đồng tâm đồng ý với nhau gọi là những chân ngôn. Những chân ngôn đó có khả năng chuyển hóa và trị liệu những vết thương trong lòng người, người đã qua đời cũng như người đang còn sống và đang còn gánh chịu.

Trong lá thư viết cho ông Chủ tịch nước tôi nói: Nếu Ngài chủ tịch nước đến tham dự được buổi lễ dâng hương bạch Phật cho Đại trai đàn chẩn tế giải oan thì đó là một sự đóng góp rất lớn cho sự trị liệu và chuyển hóa những vết thương của đất nước và dân tộc. Trong thời đại Lý Trần các vua đã làm như vậy: Sau khi thống nhất lãnh thổ các vua tìm cách để thống nhất lòng người. Lòng người có thống nhất thì mới có đủ sức mạnh để bảo vệ quê hương đất nước. Sự phát triển về kỹ thuật, kinh tế trên đà toàn cầu hóa sẽ tạo ra rất nhiều tệ nạn xã hội. Nếu không có sự đồng tâm đồng ý, nếu còn nhiều vết thương, hận thù, chia rẽ thì ta không có khả năng bảo vệ quê hương đất nước trong giai đoạn rất quan trọng này của lịch sử.

Dưới cái nhìn đó, Trai đàn chẩn tế tuy có thể có hình dáng là Mật tông, nhưng cũng có chất liệu Thiền vì Thiền có khả năng nhận diện, chuyển hóa và trị liệu.

Trong Trai đàn chẩn tế chúng ta đã kêu gọi mọi gia đình ở Việt Nam và ở hải ngoại, trong ba ngày Trai đàn chẩn tế, thiết lập một bàn thờ vong linh trước hiên nhà. Trên trang nhà Làng Mai có sẵn những bài vị bằng chữ Hán, ta có thể tải xuống in lên giấy đỏ để thiết lập bàn thờ. Trên bàn thờ ta cúng dường một văn bản về Tam quy ngũ giới cùng hương hoa, cháo trắng, nước trong và mỗi ngày ta nhớ thay cháo, thay nước. Ta có thể tải xuống văn bản cầu nguyện trên trang Làng Mai. Nếu ở xa ta không thể đến tham dự trực tiếp Trai đàn nhưng ta có thể tải xuống những nghi thức đó để nghe và tụng theo.

Trong suốt ba ngày đó, lòng dân đã hướng về một hướng, cùng cầu nguyện cho tất cả những người không may đã qua đời một cách oan ức trong thời gian của cuộc chiến. Đây là một sự thực tập rất khoa học đứng về phương diện sử học cũng như tâm lý học. Trai đàn chẩn tế giải oan không phải là sự mê tín. Đó là một sự thực tập rất khoa học để chuyển hóa và trị liệu những vết thương âm thầm, lâu ngày của đất nước và của dân tộc mà mỗi người chúng ta đều có mang trong lòng.

Như vậy ngay chính Mật tông cũng đã được đưa về tắm trong dòng thiền Nguyên thỉ. Vào thế kỷ thứ ba, ở Việt Nam thiền sư Tăng Hội đã chú giải kinh An Ban Thủ Ý, và cũng đã phiên dịch và chú giải những kinh thiền Nguyên thỉ trong khi Phật giáo mà Ngài giảng dạy và thực tập là Phật giáo Đại thừa. Như vậy việc đưa Phật giáo Đại thừa về tắm trong dòng suối Nguyên thỉ đã được thiền sư Tăng Hội thực hiện vào đầu thế kỷ thứ ba, cách đây khoảng 1.800 năm. Vì vậy Làng Mai đem Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông về tắm trong dòng suối thiền Niệm Xứ thì cũng là chuyện bình thường và đó cũng chỉ là công việc tiếp nối công trình mà tổ sư Tăng Hội đã thực hiện cách đây 18 thế kỷ.