Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

43. Trời làm văn nghệ

Sáng hôm nay vì Tý thức dậy một lần với Sư Ông nên được Sư Ông mời uống trà. Lần nào đưa trà cho Tý, Sư Ông cũng đưa bằng hai tay và vì vậy chẳng khi nào Tý quên chắp tay trước ngực trước khi nhận lấy chén trà. Tý nhận thấy ở Làng Hồng Tý được nhiều người đối xử như người lớn. Những người này không coi thường bọn Tý là ”đồ trẻ nít”. Họ không lấy tư cách người lớn để đàn áp bọn Tý, hoặc bằng lý luận hoặc bằng uy quyền của bậc phụ huynh. Cái gì họ biết thì họ nói biết, cái gì họ không biết thì họ thú nhận là họ không biết. Họ không bao giờ nói gạt bọn Tý, dù là để vui đùa. Bọn Tý rất ưa những người lớn như thế. Ðể đền đáp lại cái thái độ dễ thương của họ, bọn Tý bằng lòng chấp nhận họ vào hàng ngũ con nít của mình. Ví dụ đối với Sư Ông chẳng hạn. Ðối với Sư Ông Tý không ngần ngại gì mà không nói những cảm nghĩ riêng tư của Tý cho Sư Ông nghe. Ðối với Sư Ông, bọn Tý có thể ”cúc cu” để chào hoặc mời Sư Ông tham dự vào những cuộc vui của bọn Tý.
Uống trà xong, Tý mở cửa đi ra ngoài. Trong khung trời còn mờ sương, Tý thấy bác An đang chỉ dẫn phép thiền hành cho một số các cô chú từ Lyon mới về tuần trước. Bác An là y sĩ; bác thông hiểu vừa y học phương Tây vừa phép trị liệu bằng châm cứu của phương Ðông. Tý đã được nghe bác nói về phép dưỡng sinh. Theo bác, người lớn tuổi không nên ăn muối và ăn đường nhiều. Bác nói muối và đường trong nhiều trường hợp là kẻ thù của con người. Tý không hiểu tại sao muối và đường lại là kẻ thù của con người. Thức ăn hàng ngày mà không có muối và đường thì còn ra gì nữa. Ðiều này có lẽ Tý phải hỏi lại Ba. Tý nghĩ phải có lý do gì đó bác An mới nói một cách quả quyết như vậy. Bác còn nói rằng trong giới bác sĩ Tây Phương mà bác quen biết, nhiều người đã tự động ăn chay, bởi vì họ nhận ra rằng ăn chay thì sức khỏe của họ được tốt đẹp hơn lên. Họ ăn chay là vì lý do dưỡng sinh chứ không phải là vì mục đích bảo vệ sự sống như người Phật tử.
Tý nghe Ba nói bác An và các cô chú ở Lyon đang phụ trách một chương trình truyền thanh hàng tuần bằng tiếng Việt trên một đài phát thanh ở Lyon. Tiếc quá, nếu Lyon ở gần Làng Hồng thì bọn Tý đã có thể bắt nghe được chương trình phát thanh này rồi. Ở đây, mỗi khi vặn máy thu thanh, Tý chỉ nghe được toàn tiếng nước ngoài. Hồi còn ở trại Palawan, Ba cũng đã từng phụ trách một buổi phát thanh hàng tuần bằng tiếng Việt. Ba nói phát thanh là một việc làm văn hóa có thể tạo thêm sự thương yêu và hiểu biết giữa những người đồng hương.
Hồi hôm, chương trình văn nghệ ngoài trời của bọn Tý ở Xóm Thượng đã bị bãi bỏ vì trời cứ dọa nổi một cơn giông. Mây đen ở đâu kéo tới phủ kín cả bầu trời. Có tiếng sấm động ở phương xa. Nhìn về hướng Tây, Tý thấy cảnh tượng tuyệt đẹp. Màu hồng của chân trời chen lẫn với màu mây xám xịt. Trên cái nền trời đó, cứ cách một hai giây lại có những làn chớp sáng lòe.  Những làn chớp vẽ lên chân trời những đường sáng ngoằn ngoèo muôn hình muôn trạng. Bọn Tý đứng nhìn say mê, quên cả nỗi thất vọng không được làm văn nghệ tối nay. Sâm nói: “Ông trời đang làm văn nghệ.” Tý thấy đúng quá. Bọn thiếu nhi đứng nhìn trời làm văn nghệ rất đông. Cô Trinh cũng đứng nhìn với bọn Tý. Cảnh tượng kéo dài có tới mười mấy phút. Sau đó, cô Tâm Trân và chú Thanh lái xe đưa các thiếu nhi Xóm Hạ về. Ðã sắp đến giờ thiền tọa.
Tuy vậy, trời vẫn không mưa. Sáng nay trời có sương, và Tý biết rằng cơn nắng cũng sẽ gay gắt như ngày hôm qua. Hôm nay Tý và Sâm sẽ nhớ đi tưới các cây tùng. Tý và Sâm sẽ tưới các vùng rau dền nữa. Cả tháng nay, dân Làng tha hồ ăn rau dền. Rau dền ở đây mọc hoang rất nhiều. Hạt rau dền hình như có mặt khắp nơi. Ba nói chỉ cày đất lên và tưới nước xuống là rau dền tự động mọc ra. Ở đây ai cũng ưa rau dền. Trong bữa cơm nào, trên Xóm Thượng cũng như dưới Xóm Hạ, cũng có món rau dền hoặc luộc hoặc nấu canh. Bác Mounet nói với Tý là bác đã thấy cây rau dền mọc hoang từ sáu mươi năm nay, nhưng bác không biết là cây ấy có thể ăn được. Bác khen rau dền ngon lắm, ngon chẳng kém rau épinards Tây Phương. Hôm mới về Làng, thấy trên bàn ăn có món rau dền luộc, chị Tri Thủy mừng lắm. Nhưng chị không dám gắp nhiều. Chị đâu có biết là rau dền mọc đầy cả ruộng cả vườn, và muốn hái bao nhiêu cũng có. Rau dền nhiều quá khiến có lần Miêu đã đề nghị đổi tên Làng Hồng thành Làng Dền. Ai cũng cười khi nghe Miêu nói.
Chiều hôm nay khi giờ Sử Ðịa Việt Nam chấm dứt, chú Dũng đến rủ bọn Tý đi xuống vườn Xóm Hạ hái mận hái táo. Có cả Sư Ông đi theo. Bọn Tý đi rất đông. Trên đường xuống vườn, bọn Tý rủ được cả chú Joe, chú Vinh, chú Quanh, cô Paula và cô Trinh đi theo nữa. Các em bé nhất cũng đòi đi theo. Chú Dũng đem theo mấy cái bao tải. Chú lại phát cho mỗi thiếu nhi một cái túi ni lông. Ðứa nào hái mận được đầy túi thì đem đổ vào bao tải. Cây mận đầy cả trái. Mận này màu tím. Chú Dũng bảo nên hái càng nhiều càng tốt bởi vì mận đã chín. Mấy hôm nữa đã có người bắt đầu rời Làng. Chú Dũng bảo bọn Tý có thể gói mận thành nhiều gói để tặng những người ra đi. Chú nói cây mận này cho ít nhất là mươi ký mận. Bé Thảo, bé Vi và bé Nhung vì còn nhỏ quá nên không hái được trái nào trong khi các thiếu nhi khác vin cành mận xuống và hái được rất nhiều. Sư Ông và chú Joe phải ôm các bé đưa lên cao để các bé có thể hái được mận. Bọn Tý hái rất hăng. Thỉnh thoảng Tý lại bỏ một trái mận vào miệng. Mận ngọt ghê.
Hái mãi mà trái mận vẫn còn, nhất là phía trên cao. Mận đã gần đầy hai bao tải. Chú Dũng đề nghị mọi người chuyển sang hái táo. Ði men theo những hàng nho, bọn Tý tìm tới những cây táo. Một cảnh tượng mầu nhiệm hiện ra trước mặt Tý. Trái táo (pommes) chín đỏ đầy cành những cây táo. Trái táo cũng rụng đỏ cả một vùng. Có hàng ngàn trái táo trên cành; có hàng ngàn trái táo dưới đất. Lâu nay Tý không có dịp xuống tới vùng này, nên đây là lần đầu Tý thấy được cảnh tượng. Ai ngờ mùa hè mà các cây táo cũng đẹp như mùa xuân khi hoa táo nở rộ. Tý nhớ lại hồi đầu mùa xuân khi Tý cùng chú Dũng xuống thăm những cây táo. Hoa táo màu trắng điểm hồng. Cây táo rực rỡ như một nàng tiên vừa mới mặc chiếc aó màu đẹp nhất để đi dự hội mùa xuân. Hồi đó Tý có ý định cắt một cành hoa táo về trưng cho đẹp nhà, nhưng Tý do dự mãi không biết nên cắt cành nào. Cành nào cũng đẹp hết và cắt cành nào cũng thấy tiếc và tội nghiệp cho cây táo hết. Bây giờ đây, hoa táo đã thành trái táo. Những cây táo này có trái đỏ như son. Trái nhiều gần như hoa. Tý cúi xuống nhặt lên một trái táo rụng. Trái táo còn tươi quá. Nó không có vẻ gì bầm dập. Tý cắn vào trái táo. Chất nước ngọt của táo chảy vào miệng Tý và tràn ra cả bên mép. Táo khá ngọt.
Tý nghĩ từng này táo cả Làng ăn cũng không hết. Cô Trinh đề nghị hái hết táo vào để tặng dân Làng. Cô nói nếu dân Làng ăn không hết cô sẽ làm compote để dành. Tý chưa biết compote là gì, nhưng Tý đoán đó là một thứ mứt táo bỏ vào trong keo có thể để dành tới mùa đông và muà xuân! Mọi người đã bắt đầu hái táo và lượm táo. Tiếng cười nói vang vang. Những thiếu nhi còn bé thi nhau lượm táo dưới đất. Bé Phòng đòi hái táo trên cành. Sư Ông phải vin một cành táo xuống thật thấp để bé có thể hái một trái. Các bé khác như bé Nhung, bé Liên, bé Vi và bé Thúy Nga cũng chạy tới, tranh nhau hái táo trên chiếc cành hạ thấp ấy. Chú Dũng bảo Tý đi vào kiếm thêm vài ba chiếc bao tải nữa đem ra. Tý vâng lời.