Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

03. Miêu nói tiếng anh

Tý ở trên tàu Cap Anamur cả tháng, bởi vì tàu còn phải đi lang thang trên biển để vớt thêm người tỵ nạn. Trên tàu còn một ít ghế bố có bao nhiêu đều phải trải chiếu nằm. Bọn Tý đều nằm chiếu. Bọn Tý nằm gác chân nhau mà ngủ. Ban ngày bọn Tý chơi đùa. Có những người lớn say sóng bị ọe mửa và rên hừ hừ. Nhưng trong bọn Tý không có đứa nào say sóng cả. Bọn Tý được ăn cơm khá no. Người lớn mỗi ngày được lãnh bốn trăm gờ ram gạo, còn bọn Tý được hai trăm năm mươi gờ ram. Nước ngọt thì mỗi người được hai lít để uống và nấu cơm. Tắm thì phải tắm nước biển. Bọn Tý hay ngủ trưa nên ít thấy được cảnh mặt trời mọc trên biển. Bọn Tý chỉ thấy cảnh mặt trời lặn. Mẹ nói cảnh mặt trời lặn trên biển vừa đẹp vừa buồn. Tý không thấy buồn, chỉ thấy đẹp. Mặt trời lặn đỏ chói. Mặt biển cũng đỏ chói. Mặt trời lặn xuống nước ướt mèm như chảy mồ hôi. Có một buổi sáng nọ, Ba thức Tý dậy để xem mặt trời mọc. Ba bảo Tý khoác thêm áo trước khi leo lên boong tàu. Trời còn lạnh. Mặt trời chưa mọc nhưng chân trời đã ửng trắng. Biển lặng. Ba và Tý ngồi bên nhau trên một đống giây thừng. Ba nắm tay Tý. Không ai nói chuyện với ai. Chỉ nghe có tiếng sóng va vào thân tàu.

Phía chân trời đột nhiên ánh sáng xòe ra hình những cánh quạt. Hào quang từ dưới chân trời phóng lên càng lúc càng cao, càng lúc càng rộng, càng lúc càng rực rỡ. Tý có cảm tuởng đang nghe một khúc nhạc hùng dũng của một đoàn quân tiên phong đang báo trước sự xuất hiện của một vị tướng quân. Chân trời đỏ hồng. Rồi mặt trời xuất hiện vừa nghiêm trang vừa rực rỡ. Mặt trời mới thức dậy ít đỏ hơn mặt trời lúc đi ngủ và khô ráo hơn mặt trời lúc đi ngủ. Gió nhẹ như thổi ánh sáng buổi ban mai vào lòng Tý.

Người lớn cứ họp nhau lại bàn công chuyện một cách bất tận. Câu chuyện của họ không có gì hay ho cả đối với bọn Tý cho nên bọn Tý không bao giờ tham dự. Bọn Tý chơi riêng với nhau. Hầm tàu không được rộng nên bọn Tý ít chơi ”rượt bắt” và ”đi trốn đi tìm”. Bọn Tý hay chơi trò ”khăn tay”, ngồi chò hỏ lại một vòng, rồi một đứa chạy vòng quanh sau lưng những đứa khác, vừa chạy vừa đọc:

“Cái khẳn cái khăn
tao thả xuống đất
đứa nào sợ quất
sờ lại phía sau
đứa nào sợ đau

mau mau chạy trốn…”

Ít khi Tý bị đứa nào lấy khăn đập bởi vì cứ hễ anh chàng hay là cô nàng bỏ khăn chạy qua một vòng là Tý thò tay ra phía sau đít để rờ xem có khăn hay không. Lần duy nhất mà Tý bị đập là lần thằng Trung bỏ khăn xa quá.

Bọn con gái nhỏ thì ưa chơi cái trò “lý quạ son”. Một đứa cúi xuống đưa lưng cho bốn năm đứa khác để bàn tay phải lên thành một vòng tròn. Một đứa cầm hòn sạn giả làm hột cà na hay hột thèo lèo nhịp vào tay những đứa khác và tất cả đều hát theo nhịp ấy:

“Hột cà na
cà na tý tèo
hột thèo lèo
cái lý quạ son
cái lý quạ son

cái lý quạ son…”

Khi bọn nó đọc tới câu “cái lý quạ son” đầu tiên thì tất cả đều nắm bàn tay lại, rồi tiếp tục đọc “cái lý quạ son” nhiều lần trong khi đứa đưa lưng đứng dậy nhìn vào mặt bọn kia và đoán xem viên sạn đang nằm trong tay đứa nào. Sau vài ba tiếng “cái lý quạ son”, nó chỉ vào một nắm tay. Tất cả dừng hát. Nắm tay mở ra. Nếu có viên sạn nằm trong đó thì nó được “giải thoát” và đứa có viên sạn nằm trong tay phải cúi xuống để các đứa khác đặt bàn tay lên lưng mà chơi lại. Nếu nó đoán sai thì chính nó phải cúi lưng xuống lần nữa.

Sau này, khi tàu đã vớt thêm nhiều người tỵ nạn thì số người trên tàu trở nên đông đảo và bọn Tý không còn chỗ để chơi.

Sau một tháng trời lênh đênh trên biển cả, tàu Cap Anamur đáp vào hải cảng Puerto Princicesa để cho người tỵ nạn được đưa vào trại Palawan. Khi tàu cặp bến, hải quân Phi Luật Tân lên tàu để khám xét và làm giấy cho phép nhập cảnh. Rồi có một chiếc thuyền lớn của trại tỵ nạn ra đón đồng bào. Trên thuyền có sáu người trong ban trật tự của trại, tất cả đều là người Việt. Bọn Tý được phép xuống thuyền trước. Vào tới bờ, dân tỵ nạn được ngồi “xe lam” tức là xe ba bánh để đi về trại. Trại Palawan cách bến tàu chừng vài cây số. Trại rất lớn, hoàn toàn do người tỵ nạn tự trị. Tý nghe nói ở đây có tới hơn bảy ngàn dân tỵ nạn. Bọn con nít như Tý nhiều lắm. Có những dãy nhà dài làm bằng gỗ lợp tranh. Gia đình Tý gồm có Ba, Mẹ, chú Dũng, Tý và Miêu, được ở trong một gian phòng hẹp, bề ngang chừng ba thước, có giường chồng hai lớp. Phía sau nhà có một giải bếp công cọng có lò đất để nấu cơm.

Gia đình Tý ở lại trại suốt một năm trời. Tại trại có trường học, và có đủ lớp từ lớp một tới lớp năm. Tý được vào học lớp ba. Vài tuần sau, nó được đem lên lớp tư. Bốn tháng sau, Tý lại được lên lớp năm. Hồi ở nhà, Tý học mẫu giáo tới hai năm, vì vậy so với các đứa khác, Tý học trễ một năm. Trước khi đi vượt biển, Tý đã học xong lớp ba; vừa mới chuẩn bị lên lớp tư thì Tý ra đi.

Ở đây con nít rất đông nhưng phần lớn không đi học. Chúng ở nhà lo giúp đỡ công việc cho ba má; nào kiếm củi, xách nước, làm đủ thứ. Tý và Miêu cũng giúp đỡ Ba và Mẹ, nhưng Tý lại được đi học. Lớp năm chỉ có cả thảy mười bốn đứa, trong đó có cả thằng Trung vượt biên với Tý cùng trên một chiếc ghe. Miêu còn nhỏ quá. Nó còn nhõng nhẽo và hay đái dầm ban đêm. Tuy vậy nó cũng giúp Tý đi kiếm củi và xách nước. Nó giỏi lắm. Có lần không ai bảo mà nó đi xin được dăm bào về cho Mẹ nhúm lửa. Ông thợ mộc người Phi ở ngoài trại đâu có nói tiếng Việt. Vậy mà nó đã tới nói với ông bằng tiếng Anh để xin dăm bào. Nó nói gì Tý không biết. Và ông ta đã cho nó một ít dăm bào. Qua tới Pháp, nhiều lúc Tý nhớ tới chuyện này và gạn hỏi Miêu để xem Miêu đã nói với ông thợ mộc người Phi câu gì. Miêu không bao giờ trả lời. Ba nói: “Có lẽ nó nói: You give me this? rồi ngước cặp mắt lên nhìn ông thợ mộc.” Ðó là Ba đoán thôi. Ai mà biết nó đã thật sự nói gì. Nó học được câu “You give me this?” ở đâu?