Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

25. Mẹ chơi dĩa bay ở Xóm Thượng

Ðứng ở sân Tham Vấn Ðường, cô Chín hỏi Tý Ba ở đâu. Tý thưa với cô là Ba đang ở dưới vườn rau. Cô Chín nhờ Tý xuống vườn rau mời Ba về, bởi vì có bác Lacotte tới để gieo hạt hướng dương cho Ba.
Dạ xong, Tý đưa hai tay về phía trước như để rồ máy. Chắc đây là máy xe mô-tô. Tiếng máy nổ rất dòn. Tiếng máy phát ra từ cái miệng của Tý. Máy chạy đều rồi, Tý mở thắng cho xe chạy. Xe chạy bằng hai chân Tý. Xe chạy khá mau. Nửa phút sau, Tý đã xuống tới vườn rau.
Mùa Xuân ấm áp và dễ chịu quá. Cả tuần nay trời ấm, Ba không còn đốt lò sưởi nữa. Buổi sáng, Mẹ mở toang hết các cửa để ánh sáng và không khí tràn vào. Mùa đông ướt và lạnh mà Tý đã nghĩ như là chẳng bao giờ dứt, bây giờ đã qua. Mùa Xuân đem nắng ấm và tiếng chim ca về làm rộn cả lòng Tý. Hoa nở đầy trời. Cây nào cũng có hoa. Cây cối trong mùa Ðông trơ trụi ảm đạm như vậy mà khi mùa Xuân đến thì hoa nở đầy cành. Hoa lê nở trắng như tuyết. Hoa táo màu ửng hồng. Hoa nở đầy cây, che mất hết cả cành. Tý không ngờ vườn nhà có nhiều cây lê và cây táo như vậy. Các cây đào tiên cũng đã nở hoa. Hoa đào màu phơn phớt hồng, làm sáng cả một góc trời. Cảnh tượng mầu nhiệm làm Tý nhớ tới cảnh hoa thủy tiên vàng nở đầy Pháp Thân Tạng. Tý nghĩ vào mùa Xuân ở đâu cũng là Pháp Thân Tạng hết. Chú Dũng cắt một cành lê rất lớn, đem vào cắm trong phòng khách. Có cả hàng ngàn cái bông trắng tinh nở trên cành lê ấy. Hoa lê làm sáng cả nhà. Ba xuýt xoa khen. Mẹ tiếc, bảo rằng mình nên để hoa ngoài cây cho nó ra trái. Tý nghĩ: hoa nhiều quá, nhiều quá, làm sao cây có đủ sức nuôi trái cho được.
Hoa rụng dần, và lá non bắt đầu nhú ra. Lá xanh mơn mởn. Nắng như được lọc qua lá cây. Tháng năm đã tới. Các cây anh đào (cerisier) đã có trái từ bao giờ, Tý không hề biết. Bác Mounet nói trong mười hôm nữa anh đào sẽ chín. Tý và Miêu cứ đi thăm mấy cây anh đào hoài. Thỉnh thoảng đã có trái anh đào màu hồng. Những trái này ăn chưa ngọt lắm, nhưng Tý và Miêu vẫn hái về để biếu Mẹ.
Trời tốt, chú Dũng đã bừa đất cho mịn để gieo hướng dương và bắp. Nông trại còn thiếu thốn nhiều thứ lắm. Ngoài máy cày ra, các nông cụ khác đều phải đi mượn. Rờ mọt thì mượn của bác Lagroye. Lưỡi cày thì mượn của ông Marcos. Máy rải phân và bừa thì mượn của chú Francois. Máy cày chão thì mượn của chú Yves. Mùa này Ba và chú Dũng làm việc rất cực nhọc để kịp gieo hạt. Hạt hướng dương phải thuê bác Lacotte gieo, bởi vì gieo hạt này phải có máy gieo đặc biệt, không thể mượn của ai được.
Hôm đi đón Sư Ông ở phi trường có Ba, cô Chín và chú Dũng. Tý cũng muốn đi đón Sư Ông nhưng mà Tý không được đi. Trong thời gian ở Hoa Kỳ, Sư Ông có viết thơ cho Tý. Sư Ông viết thơ này trên máy bay, trên con đường từ Minneapolis đến Pittsburg. Sư Ông viết: Tý ơi, Sư Ông vừa thấy một đàn chim trắng chừng bốn trăm con bay ngang dưới máy bay. Ðẹp lắm. Chưa bao giờ Sư Ông thấy một đàn chim bay từ trên nhìn xuống. Giống như chim nổi lềnh bềnh trong không gian… Tý đọc thơ Sư Ông mà cũng thấy chim bay rất đẹp. Mùa Xuân đến rồi. Chắc là những con chim di cư trốn tuyết đang lo trở về.
Hôm Sư Ông về, Ba đề nghị dọn cơm ngoài trời đãi Sư Ông. Chú Dũng đề nghị Mẹ và cô Chín làm món xuân quyện. Chú Dũng đã được cô Chín mời ăn xuân quyện một lần ở Xóm Thượng rồi, nên ưa lắm. Mẹ nói xuân quyện tức là gỏi cuốn. Mùa Xuân có nhiều rau thơm: húng và ngò đã lên tươi tốt. Những cây tía tô và kinh giới mà Ba ươm ở trong những chậu nhựa vuông nhỏ xíu cũng đã ra được mỗi cây chừng mười lá. Cô Chín có một thực phổ xuân quyện rất mới lạ. Cô làm một thứ chả bắp vừa dòn vừa xốp để cuốn chung với các loại rau thơm trong bánh tráng nhúng ướt. Ba nói xuân quyện là mùa xuân được cuốn tròn lại trong bánh tráng. Mùa Xuân đây có nghĩa là rau thơm mới mọc khi trời bắt đầu ấm. Cô Chín nói người Pháp dịch chữ xuân quyện là rouleaux de printemps.
Sau bữa ăn, Sư Ông mời mọi người lên Xóm Thượng uống trà. Hôm ấy Tý có dịp đi thăm mấy cây tùng lọng riêng với Sư Ông. Sư Ông hỏi Tý đã suy nghĩ xong về vụ thằng Ngữ chưa. Tý thưa với Sư Ông là Tý đã quyết định để cho Ngữ ở lại Việt Nam. Tý nói phải có những người như Ngữ thì tương lai đất nước mới được bảo đảm. Tý hy vọng là ở Việt Nam còn có nhiều đứa như Ngữ. Tý hứa với Sư Ông là sẽ không quên Ngữ, và cố gắng sống cho xứng đáng với Ngữ.
Sư Ông nói với Tý là muốn xứng đáng với Ngữ, Tý phải mỗi ngày tập mở rộng lòng thương yêu và sự hiểu biết. Sư Ông nói:
-Thiếu lòng thương yêu và sự hiểu biết, người ta có thể trở thành kẻ thù của nhau và có thể cầm súng để bắn nhau.
Tý rất ngạc nhiên. Tý không thể tưởng tượng được hai đứa bạn thân nhau như Tý và Ngữ mà lại có ngày có thể cầm súng bắn vào nhau. Nhưng Sư Ông nói nhiều người trong tuổi Sư Ông và tuổi Ba cũng đã cầm súng bắn vào nhau rồi. Ðó là một sự thật đau lòng đã xẩy ra hàng chục năm trên đất nước mình. Sư Ông bảo nếu không khéo thì ngày mai Tý và Ngữ cũng sẽ lại giết nhau như thế. Ðiều đó Sư Ông không muốn. Ðiều đó Sư Ông muốn tránh cho thế hệ của Tý.
Sư Ông đề nghị cả nhà ra bãi cỏ lớn bên Tàng Kinh Lâu để chơi dĩa bay. Ði dạy học về, Sư Ông có đem quà về cho Tý và Miêu: mỗi đứa có một chiếc dĩa bay (frisbee), cái của Miêu màu xanh và cái của Tý màu ngà. Dĩa bay của Tý có pha chất lân tinh, ban đêm ném lên rất đẹp giống hệt mặt trăng đang bay. Sư Ông dạy cho Tý và Miêu liệng và bắt dĩa bay. Chỉ dăm phút sau, hai đứa có thể liệng và bắt được rồi. Chú Dũng, Ba và cô Chín cũng đã ra tham dự vào cuộc chơi. Mẹ ẵm Chó Con đứng nhìn. Chó Con theo dõi trò chơi rất thích thú. Một lát sau, Sư Ông đến gần Mẹ, đưa tay ẵm lấy Chó Con và bảo Mẹ ra tham dự cuộc chơi. Mẹ ngần ngại nhưng cuối cùng cũng ra nhập cuộc. Tý nhìn Mẹ. Từ hồi còn bé, Tý chưa bao giờ thấy Mẹ dự vào một cuộc chơi. Mẹ làm gì có thì giờ để chơi. Bao nhiêu là công việc. Nào dọn nhà, quét bếp. Nào chăm sóc con cái. Nào giặt giũ, bếp núc, vá may. Liệng và bắt dĩa bay mấy lần, Mẹ đã quen tay. Mẹ liệng rất khéo. Tý ngắm nhìn Mẹ. Mẹ đã thực sự hòa mình vào trò chơi và mắt Mẹ chiếu sáng. Có lúc Mẹ cười vang. Tý ước mong từ đây Mẹ sẽ có nhiều dịp để vui đùa như vậy.
Ít ngày sau, từ sơn cốc Sư Ông đem về bốn mươi bảy trái su le để trồng vào giàn su của Xóm Hạ. Chú Sơn ở Toulouse có gởi biếu Ba thêm tám trái su le nữa; tất cả đếm được năm mươi lăm trái su. Vào một buổi sáng đẹp trời, Sư Ông, Ba, Mẹ, chú Dũng và Tý đem những trái su ra đặt xuống các hố đất đã được chú Dũng đào sẵn. Trong hố đất nào Ba cũng dự trữ một ít phân bò khô và một ít phân 15.15.15. Tới gần trưa hàng su mới được trồng xong. Cô Chín đem nước chanh muối ra đãi mọi người. Cô dọn hàng nước đá chanh muối của cô dưới gốc cây dương hòe (accacia). Cô rao lên: Ai mua chanh muối ra mua. Sau một hồi làm việc ai cũng thấy nóng lên và ai cũng trở thành khách hàng của cô Chín. Chó Con cũng uống nước chanh muối do Mẹ đổ cho một cách ngon lành.
Cô Chín cho biết là cuối tháng sẽ có một buổi trình diễn dân nhạc và dân vũ Việt Nam tại thị trấn Miramont, cách Làng Hồng chừng mười lăm cây số. Người trình diễn là các thanh niên thiếu nữ Việt hiện đang đi học hoặc làm việc tại Bordeaux gần bờ biển Ðại Tây Dương. Giữa buổi trình diễn, cô Chín sẽ chiếu hình về người tỵ nạn vượt biển và sẽ nói chuyện về tình trạng của người tỵ nạn. Ban tổ chức là Hội Cứu Trợ Người Tỵ Nạn của địa phương Miramont, do dì Marie Paule làm tổng thơ ký. Thính giả phần lớn là người Pháp. Ba cũng được mời tới phát biểu ý kiến. Gia đình Tý được mời tới như là những người khách quý của buổi họp mặt này.