Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

09. Ba uống cà phê trên vỉa hè ở paris

Ba đi Am Phương Vân về kể chuyện vui lắm. Tại Am Phương Vân Ba đã gặp lại Sư Ông, bác Tuệ và cô Chín. Sau một tuần lễ lưu lại Am Phương Vân, Ba đã được bác Tuệ mời lên Paris chơi. Ba ở Paris chơi một ngày một đêm rồi mới ra ga xe lửa về Strasbourg. Ba tả cảnh Am Phương Vân. Am dựa vào một sườn đồi, và sau ngọn đồi đó có những ngọn đồi khác. Trước mặt Am về phía bên kia quốc lộ 60 là những cánh đồi và cánh rừng thuộc về vùng Othes. Sau lưng Am cũng có đồi và rừng. Trên đỉnh đồi trái phía sau Am là một khóm rừng nơi đó có một cây thông rất lớn và rất xum xuê được gọi là cây thông Thanh Từ. Thanh Từ là tên của một vị thiền sư ở Việt Nam mà Ba có quen. Những người đến Am học thiền thường đi thiền hành mỗi ngày nhiều bận từ Am lên tới cây thông Thanh Từ rồi trở về Am. Ba nói Ba đã đi thiền hành nhiều lần trên con đường đó. Có lần Sư Ông lại đưa Ba và bác Tuệ sang bên kia quốc lộ, đi sâu vào những cánh rừng bên đó. Ba nói Ba có thấy một tòa lâu đài rất đẹp và rất tĩnh mịch nằm khuất trong một cánh rừng.

Ở Am Phương Vân, Ba được ăn cơm Việt Nam suốt cả tuần. Có lần cô Chín nấu một thứ canh chua gì ngon quá mà ở trong đó có cả thứ gì giống như là bạc hà. Cô Chín nói rằng cô đã nấu canh bằng cọng rhubarde. Cô đưa Ba ra vườn, chỉ cho Ba xem khóm rhubarde, bẻ một cọng, tước vỏ để Ba nếm. Cọng rhubarde chua và dòn, xắt ra lát mỏng có thể ăn thay khế chua. Món nào Ba cũng khen là ngon, có lẽ vì món nào cũng là món ăn đất nước.

Ba kể rằng trước sân Am có một cái giếng nước cũ, thành giếng do Sư Ông xây lại. Bên giếng có một cây mận rất ngon. Quanh giếng có treo nhiều võng. Lại có một cây táo (pommier) rất nhiều trái. Trái rất lớn và chua; bọn thiếu nhi, và cả người lớn nữa, thường đâm muối ớt ra để ăn với táo. Họ cắt táo thành nhiều lát mỏng, ăn như ăn xoài chua. Ba ngồi võng gọt táo chấm muối ớt ăn và nói chuyện với bác Tuệ và bác Anh. Ba rất tiếc rằng ba mẹ con Tý không được về thăm Am Phương Vân với Ba. Ba nói Ba đã bàn chuyện nhiều với Sư Ông. Sư Ông mời Ba về miền Nam nước Pháp làm việc với Sư Ông. Sư Ông muốn Tý và Miêu về sống tại miền quê. Sư Ông muốn thấy Tý và Miêu chạy chơi trên những đồng cỏ rộng ở miền quê hơn là ở mãi trong những căn phòng chật hẹp nơi phố phường đông đúc. Ba nói Ba cũng muốn như vậy. Hồi ở trại Palawan, sở dĩ Ba xin đi Úc vì Ba nghe nói có thể tạo lập một nông trại bên đó. Ba ưa thiên nhiên và hoa cỏ. Sư Ông nói với Ba là Sư Ông mừng lắm khi thấy Ba qua tới. Năm ngoái khi nghe tin Ba vượt biên, ngày nào Sư Ông cũng niệm Bụt hộ niệm cho gia đình Tý được tai qua nạn khỏi. Sư Ông nói Sư Ông niệm Bụt trong lúc cuốc đất, giặc áo, lượm củi, trồng rau và cả khi rửa chén bát nữa. Sư Ông nói nếu Ba qua được thì Ba sẽ cùng Sư Ông làm Làng Hồng. Tý hỏi Làng Hồng là gì. Thì Ba nói: “Thong thả rồi con sẽ biết.”

Tại Am Phương Vân, Ba gặp cả bốn năm chục người tới học Thiền, phần lớn là người Việt. Có nhiều người mặc áo dài Việt. Ba nói cô Chín cũng mặc áo dài trắng khi ra ga đón Ba. Ba nói đây là lần thứ hai Ba gặp một người mặc áo dài trắng. Lần đầu tiên là ở Strasbourg. Hôm ấy, Ba đi ra ga để hỏi thăm về giờ giấc xe lửa. Trên đường về, Ba gặp một cô gái Việt Nam mặc áo dài trắng rất đẹp. Từ ngày rời quê hương, đây là lần thứ nhất Ba gặp người đồng hương mặc áo dài. Ba rất cảm động. Ba còn đang đứng ngắm thì cô ấy đã tới gần Ba để hỏi thăm về Strasbourg. Ba đâu có biết nhiều về Strasbourg cho nên không trả lời cô ấy được. Tuy vậy Ba nói: ”Ðể tôi đưa cô tới nhà một người bạn của tôi, anh ấy là thổ công Strasbourg; cô hỏi gì anh ấy cũng sẽ trả lời được hết.” Rồi Ba đưa cô ấy tới nhà bác Thành. Tối hôm đó Ba kể lại câu chuyện đó cho Mẹ, cho Tý và cho Miêu nghe. Mẹ cười, nói: “Anh dễ thương với cô ấy lắm.” Tý nhớ ngày xưa Mẹ cũng ưa mặc áo dài trắng. Tý nói: “Chừng nào mình có nhà cửa xong xuôi, Mẹ may áo dài trắng để mặc nghe Mẹ.” Nghe Tý nói, Ba và Mẹ nhìn nhau cười.

“Như vậy thì gia đình mình sẽ định cư tại miền Nam hả anh?”, Mẹ hỏi. Ba gật đầu. Ba nghe cô Chín nói ở miền Nam trời ít lạnh hơn miền Bắc. Ở miền Nam mình sẽ trồng được nhiều rau cải Việt Nam hơn. Chỉ ở miền Nam mình mới có thể trồng một giàn su le thật lớn. Nội một chuyện này thôi cũng đủ cho Mẹ đồng ý về định cư ở miền Nam rồi.

Tý hỏi thăm Ba về thành phố Paris. Ba kể rằng bác Tuệ đã đưa Ba đi dạo trong vườn Lục Xâm Bảo (Jardin Luxembourg) đẹp lắm. Ba và bác Tuệ ngồi chơi trong ấy rất lâu. Rồi bác Tuệ đưa Ba ra đi bộ bên bờ sông Seine. Ngày xưa Ba thường được nghe nói tới con sông danh tiếng này và đã có nhiều lần Ba ước ao được ngồi bên bờ để hút một điếu thuốc và nhìn dòng sông chảy. Nay Ba đã toại nguyện. Ba nói sông Seine không đẹp gì hơn những con sông ở quê hương mình. Tối hôm đó, Ba và bác Tuệ ngồi uống cà phê trên một vỉa hè ở khu La Tinh. Mỗi người chỉ uống một tách thôi, nhưng hai người đã ngồi rất lâu để chuyện trò và nhìn ngắm những người qua lại. Bác Tuệ nói thành phố Paris tháng này ít người vì thiên hạ đã đi nghỉ hè rất nhiều. Mùa này chỉ có khách du lịch ngoại quốc là đông.

Khi bác Tuệ trả tiền cà phê, Ba nhận thấy giá cà phê quá đắt: mười bốn quan Pháp một ly. Ba giật mình. Hồi ở Am Phương Vân, cô Chín đã từng nói với Ba mười bốn quan Pháp có thể mua được bốn hộp thuốc Optalidon. Gửi về Việt Nam, bốn hộp này có thể đổi được hai mươi lăm lít gạo, đủ nuôi được một đứa trẻ như Tý trong vòng hai tháng. Bác Tuệ nói chính chỗ ngồi uống cà phê đắt chứ không phải là cà phê đắt. Ba nói kỳ sau Ba sẽ không ngồi uống cà phê ở những chỗ như thế nữa. Mẹ nói: ”Anh đừng lo. Chừng nào mình có nhà, em sẽ pha cà phê thật ngon cho anh uống. Em sẽ đặt bàn cho anh và Dũng uống cà phê dưới giàn su.”

Chiều hôm sau, khi đi học về, Tý được Ba gọi lại. Ba đưa cho Tý xem một cuốn sách mà cô Chín đã gửi tới cho Ba trước đây chừng ba tuần lễ. Cuốn sách có nhan đề là Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức. Ba nói cuốn sách do Sư Ông viết từ hồi năm 1972, trong hình thức một lá thư gởi cho Ba. Hồi đó Tý mới có sáu tháng. Ba mở ra và chỉ cho Tý đọc một đoạn ở trang ba mươi tư. Tý đọc:

“Thiều và các bạn nên xúc tiến việc thành lập Làng Hồng. Làng Hồng là hình ảnh tươi mát trong lòng mỗi chúng ta. Làng Hồng cũng là hình ảnh ấm áp. Các anh chị tác viên khi lập gia đình cũng nên về cư trú tại Làng Hồng. Sau này tôi cũng về Làng Hồng. Làng Hồng sẽ có hợp tác xã. Mình sẽ săn sóc cho dân làng, tổ chức sinh hoạt cho trẻ con, và tạo nên nếp sống sinh hoạt tâm linh cho mọi người. Mỗi tác viên, khi về đến Làng Hồng là thấy thoải mái. Trong một tháng cư trú tại Làng Hồng, người tác viên chơi đùa với trẻ con (bọn Lê Hải Triều Âm lúc này đông lắm), đọc sách, nằm võng, trồng rau, ngồi thiền, rủ bỏ những bụi bặm phiền não, luyện thêm ý chí, thêm yêu thương…”

Ðọc ngang đoạn “bọn Lê Hải Triều Âm lúc này đông lắm…” Tý rất ngạc nhiên. Lê Hải Triều Âm là tên của Tý. Tại sao tên của Tý lại có trong sách này được. Ba nói: Sách này đã được nhà xuất bản An Tiêm in ở Sài Gòn tháng tư năm 1975, nhưng vì thời thế lộn xộn nên không phát hành được. Ba nói là hồi Tý mới sinh ra, Ba có viết thư báo tin cho Sư Ông biết, và Sư Ông đã có gởi quà về cho Tý. Sáu tháng sau, Sư Ông viết cuốn sách này.