Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

36. Bé Thanh Tuyền bị té võng

Thiếu nhi hai xóm rất đông, nhưng chưa bao giờ Tý thấy có sự xích mích cãi cọ xảy ra trong bọn Tý. Không có đánh lộn cũng không có khóc nhè. Tý nhận thấy người lớn ở Làng Hồng chăm sóc và thương yêu thiếu nhi hết lòng. Trong một buổi nói chuyện gẫu giữa thiếu nhi với nhau dưới Pháp Thân Tạng, Tý nghe nhiều đứa nói không biết tại sao trong thời gian ở Làng Hồng ba má tụi nó dễ thương hết sức. Từ khi về, tụi nó chưa thấy ba má cáu kỉnh và rầy la lần nào. Có một đêm trước giờ thiền tọa, Tý đem chuyện này nói với chị Diễm Thanh. Chị hỏi Tý có biết tại sao thiếu nhi Làng Hồng chơi với nhau suốt ngày mà không hề cãi lộn và khóc la hay không. Tý trả lời rằng là vì trẻ con Làng Hồng toàn là những đứa dễ thương. Chị Thanh nói với Tý đó không phải là tất cả lý do. Theo chị, nếu người lớn an lạc và thoải mái thì thiếu nhi tự khắc an lạc và thoải mái.
Chị Thanh cho Tý biết là những người ngoại quốc cư trú ở Làng Hồng cũng từng nói với chị là thiếu nhi rất dễ thương, không hục hặc với nhau, không cãi lộn với nhau. Họ cũng hỏi chị tại sao. Chị cũng nói với họ là tại vì người lớn an lạc.
Tý nhớ lại hôm bé Thanh Thảo đưa võng quá mạnh khiến cho bé Thanh Tuyền (tức là bé Thơ) té rách cả mặt. Thanh Thảo cùng tuổi với Thanh Tuyền, nhưng gọi Thanh Tuyền là “cô Tư”. Bị té rách mặt, cô Tư khóc. Bé Thơ khóc nhưng không ra tiếng. Bé chỉ chảy nước mắt mà thôi. Cô Chín tới hỏi chuyện thì biết rằng Thanh Tuyền đau thì ít mà vì sợ ba rầy thì nhiều, tuy nhiên Tý biết rằng với những vết thương như thế, Tuyền phải đau lắm. ở nhà hễ bị thương là Tuyền bị ba rầy vì tội không cẩn thận. Ba và mẹ của Tuyền bận đi ra ga để đón một người nào đó chưa về. Tuyền sợ nhất là lúc ba về. Lúc đó có Sư Ông tới. Sư Ông nhờ chú Lễ đưa Tuyền về Xóm Thượng để Sư Ông xức thuốc cho nó. Về tới Xóm Thượng, Sư Ông đưa Tuyền lên lầu, trải một tấm nệm cho Tuyền nằm, trước khi cho thuốc. Thoa thuốc xong, Sư Ông còn kể cho Tuyền nghe một câu chuyện tiền thân nữa. Một mình nó được nghe trọn câu chuyện đời xưa. Sư Ông kể chuyện thế nào mà Tuyền quên cả chuyện sợ ba rầy. Tuyền còn mỉm cười nữa. Sư Ông vừa kể xong câu chuyện thì ba mẹ của Tuyền cũng về tới Xóm Thượng. Sư Ông đưa Tuyền xuống gặp ba Tuyền và kể đầu đuôi câu chuyện cho ba Tuyền nghe. Ba của Tuyền chỉ suýt xoa mà không rầy la gì hết. Ông còn vỗ đầu Tuyền và nói “tội nghiệp” nữa. Tuyền mừng quá. Mẹ của Tuyền cũng mừng không kém.
Tý thấy chị Diễm Thanh nói đúng. Người lớn mà dễ thương thì tự khắc con nít trở thành dễ thương. Giống như khi người ta soi gương. Người ta cười thì hình bóng trong gương cũng cười. Người ta khóc thì hình bóng trong gương cũng khóc. Tý nhận thấy không khí ở Làng Hồng rất thoải mái và Tý biết không khí dễ chịu này là do tất cả mọi người tạo ra. Ở trại tị nạn Tý cũng được bao quanh bởi những người Việt, nhưng không khí ở trại không giống với không khí ở đây. Tý nhận thấy người lớn ở đây nói chuyện ít thôi, tuy rằng họ rất vui và những câu chuyện của họ rất hiền. Họ không nói những chuyện hơn thiệt ở ngoài đời. Họ để nhiều thì giờ để đi thiền hành, ngồi thiền tọa; đọc kinh và chăm sóc thiếu nhi. Có lần Tý nghe cô Chín nói rằng người về Làng nên bớt nói lại chừng hai phần ba để có đủ sự yên lặng mà thấy được chính mình. Tý nhận ra rằng sự yên lặng không phải là sự buồn rầu. Sự yên lặng ở đây rất dễ thương, nó đi đôi với nụ cười, với sự vui vẻ, với sự thương yêu và sự chấp nhận lẫn nhau. Có lẽ vì vậy mà bọn Tý có cảm tưởng là như đang được nô đùa thường trực trong bóng mát dưới những cành lá xanh um che chở phía trên. Tý nhận thấy sau khi về Làng được vài ba ngày thì ai cũng trở nên yên lặng, ít nói hơn và thảnh thơi ra.
Người lớn không khi nào la rầy bọn Tý hoặc muốn khép bọn Tý vào trong những khuôn khổ nghiêm khắc. Tuy vậy bọn Tý thấy được trách nhiệm và bổn phận của mình. Ðứa nào cũng biết giữ im lặng trong giờ pháp thoại hoặc thiền tọa. Ðứa nào cũng biết góp phần trong công việc chấp tác và hành đường. Có hôm bọn Tý bàn nhau ra chăm sóc và vun bón những cây mận đã được trồng cho thiếu nhi đói ở quê nhà. Anh Danh đề nghị không những mình vun bón cho những cây mận của chính mình mà mình còn vun bón cho những cây mận của những thiếu nhi năm nay không được về Làng Hồng nữa. Bọn Tý ai cũng tán thành ý kiến đó. Hôm ấy bọn Tý làm việc ngoài vườn mận rất vui, cho đến tối mịt mới kéo nhau về.
Có khi người lớn lại tham gia vào những cuộc chơi của bọn Tý. Các chị như chị Tri Thủy và chị Ngọc Hương chơi với bọn Tý đã đành mà những người lớn như chú Minh Hải và cô Tâm Trân cũng chơi với bọn Tý nữa. Họ chơi một cách thật tình chứ không phải là họ muốn làm vui lòng bọn Tý đâu. Nếu thua họ, bọn Tý cũng phải cõng họ nữa.
Một hôm chị Hoàng Trang, anh Danh và Tý được sắp vào ban hành đường, dọn bàn và rửa chén với Sư Ông. Hôm đó Sư Ông đề nghị đem chén bát ra rửa dưới những vòi nước ngoài trời gần cây bồ đề. Bát rửa xong, Sư Ông kể cho bọn Tý nghe mấy câu chuyện xảy ra ở một bệnh viện dành cho người mất trí. Sư Ông kể nhiều chuyện hay quá, bọn Tý cười vang. Các thiếu nhi Xóm Thượng nghe tiếng cười đã chạy ra tham dự rất đông. Các câu chuyện vừa tức cười vừa tội nghiệp. Có một câu chuyện mà Tý nhớ mãi, đó là câu chuyện một người mất trí cứ tưởng mình là một trái cây. Anh ta leo lên một cành cây, đu và bám vào cành để làm một trái cây trên cành. Anh ta đeo vào cành như thế một cách yên lặng trong liên tiếp ba hay bốn tiếng đồng hồ. Rồi đột nhiên anh ta reo lên “chín rồi!” và buông mình cho trái rụng. Rồi anh ta bị thương. Các cô y tá chăm sóc và băng bó cho anh xong, bảo anh nên tự nhắc mình rằng mình là người chứ không phải là trái cây. Vậy mà thỉnh thoảng anh lại quên. Anh lại ra leo lên cây để tái diễn màn trái rụng như cũ. Chiều hôm đó đang leo cây chơi ở sân trước Xóm Thượng, thấy Sư Ông đi ngang qua ở dưới, Tý ôm sát cành cây và kêu lên “chín rối!”.  Sư Ông giật mình nhìn lên và thấy Tý đang bám vào một cành cây. Sư Ông vội la lên “đừng! đừng! Tý ơi!” Trong giọng Sư Ông, Tý cảm thấy có sự lo ngại thật tình. Tý buồn cười. Tý tự nhủ Sư Ông thế nào cũng biết chắc là Tý chỉ đang đùa chơi thôi chứ không bao giờ buông tay rơi xuống như cái anh chàng mất trí hồi trưa. Nhưng nếu Sư Ông biết là Tý nói chơi thì tại sao trong giọng Sư Ông Tý lại đọc thấy sự lo ngại thật tình? Có một bữa khác đang leo cây chơi, thấy Sư Ông đi ngang, Tý lại giả bộ kêu lên “chín rồi!” một lần thứ hai, và Sư Ông cũng lại vội kêu lên “đừng, đừng” như trước. Giọng Sư Ông cũng vẫn chứa vẻ lo ngại. Sau lần này, Tý quyết định không chơi cái trò “chín rồi!” với Sư Ông nữa. Có một dạo Tý ưa chơi trò phóng bích kích pháo bằng miệng. Tý bắt đầu cho nổ một cái “bốp”, rồi theo đó Tý rít lên một tiếng “veo” kéo dài như pháo đang xé không gian để đi tới mục tiêu tàn phá. Tiếng rít lên của pháo được Tý kéo dài thật dài. Ðến khi gần hết hơi, Tý mới cho pháo nổ một cái “bùm”. Lần thứ nhất nghe xong trò chơi ấy Sư Ông không nói gì. Lần thứ hai, khi nghe tiếng pháo của Tý rít lên và xé không gian, Sư Ông chặn Tý lại và nói:
– Con biết không, mỗi khi một quả pháo nổ thì chết không biết bao nhiêu người và sập không biết bao nhiêu nhà cửa. Con đừng bắn pháo như vậy nữa.
Tý tiếp tục cho pháo xé không gian, nhưng cuối cùng Tý không cho “bùm”. Tý cho “keng” một cái. Tý mỉm cười, nói với Sư Ông : “Pháo này tịt ngòi”, Sư Ông có vẻ bằng lòng. Từ đó về sau, Tý không chơi trò bắn pháo khi có Sư Ông ngồi gần nữa. Tuy nhiên Tý lại thích trò chơi này. Trò chơi thỏa mãn trí tưởng tuợng của Tý. Nó thỏa mãn lòng yêu tốc độ của Tý. Nó cũng thỏa mãn cái cảm giác ưa thích nghe tiếng nổ bùm của Tý. Trong người Tý, Tý cảm thấy một sức sống như đang trào lên. Sức sống ấy muốn đi mau. Muốn nổ lớn. Muốn bung ra. Vì vậy Tý nghĩ Tý sẽ còn chơi trò chơi này nhiều lần nữa.