Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

08. Ba được mời làm ông bầu

Tại trung tâm Strasbourg có khoảng hai chục gia đình người tỵ nạn như gia đình Tý. Có nhiều chú thanh niên độc thân. Vào những giờ rảnh rỗi, họ chơi bóng tròn với nhau; và với sự khuyến khích của ban giám đốc, họ tổ chức một đội bóng tròn để thỉnh thoảng đi đấu với các đội khác, kể cả với những đội bóng tròn của người tị nạn bên Ðức. Ba được họ mời làm ông bầu. Lần đầu tiên khi họ ngỏ ý mời, Ba cười và nói rằng Ba không biết chơi bóng tròn. Họ nói làm ông bầu đội bóng tròn không nhất thiết phải biết chơi bóng tròn. Ông bầu chỉ làm công việc tổ chức. Thấy họ năn nỉ quá, Ba nhận lời. Ðội bóng tròn của trung tâm Strasbourg hên lắm, đá ở đâu thì thắng ở đó. Mấy chú nói rằng đó là nhờ đức của Ba. Cũng vì làm ông bầu của đội bóng cho nên thỉnh thoảng Ba được mời đi với đội bóng tới các thành phố khác, nhất là vào những ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng Ba lại được mời ăn cơm Việt Nam. Sau mỗi chuyến đi mà được ăn cơm Việt Nam như thế, Ba đều kể lại cho Mẹ, cho Tý và cho Miêu nghe. Ba tả bữa cơm với đầy đủ chi tiết: nào dưa cải, nào canh chua, nào cá kho. Làm cho cả nhà thèm quá. Mẹ hỏi: “Ở đây mà cũng có cải để làm dưa hả?” Ba trả lời: “Có chứ, ở đây có thể trồng cải và trồng ngò được. Chừng nào có nhà, có vườn, mình sẽ trồng cải để làm dưa và trồng ngò để bỏ lên canh.” Mẹ hỏi: ”Ở đây nấu canh chua bằng cái gì hả anh? Làm gì có me, làm gì có khóm.” Ba cười: “Ở các chợ Tây người ta có bán khóm. Còn me thì phải đi chợ Á Ðông. Thành phố nào cũng có chợ Á Ðông. Bên này cái gì cũng có thể mua được em ạ.” Mắt Mẹ sáng lên, Tý thấy mà thương.

Ở trung tâm tạm cư, người tỵ nạn không có quyền nấu nướng. Có một hôm Ba đề nghị vào rừng chơi, Ba sẽ nấu một nồi cơm cho cả nhà ăn trong rừng. Ba đã tìm được một cái hộp bằng nhôm khá lớn, có cả nắp. Ba mua sẵn một hộp gạo ngoài chợ siêu thị và đem theo một chai nước. Ba quyết nấu cho được một nồi cơm để mấy mẹ con ăn cho đỡ thèm. Những người cùng đi chơi nói rằng người ta cấm đốt lửa trong rừng. Biết vậy nhưng Ba vẫn đi một mình vào một khu mà không có người lui tới. Ba tài lắm. Chừng ba mươi phút sau, Ba xách được “nồi cơm” về. Cả nhà ăn cơm trong cái vỏ lon bia; ăn với muỗng cà phê bằng nhựa, và ăn với nước chấm Maggi. Ngon quá, và vui quá. Có một hôm, vào khoảng một tuần lễ sau ngày nấu cơm trong rừng, gia đình Tý được bác Thành mời đến nhà ăn cơm. Bác Thành là người đã định cư lâu năm tại Strasbourg. Bác đã nhiều lần tới thăm đồng bào tại trung tâm tạm cư, Bác biết rất rõ về thành phố Strasbourg. Ba nói Ba đã học được nhiều điều khi nói chuyện với Bác. Ba gọi bác là thổ công Strasbourg. Thổ công là ông thần đất. Ông thần đất đai thì phải biết hết mọi chuyện trong vùng. Gia đình Tý được mời tới nhà bác ăn cơm vào một tối thứ bảy. Bác Thành chưa có con. Bác và bác gái đều là người miền Nam. Hai bác đón tiếp gia đình Tý rất niềm nở. Hôm ấy trên bàn ăn có dưa cải, có canh chua, có giá xào, có thịt kho. Cơm trắng rất thơm, hơi bốc nghi ngút. Thật là một buổi ăn rất Việt Nam. Thấy Tý và Miêu rụt rè, bác gái luôn luôn gắp thức ăn bỏ vào chén hai đứa. Thằng Miêu hôm đó giỏi lắm. Hai cái chân của nó không múa máy nhiều như mọi hôm. Ðêm ấy bác Thành và Ba uống cà phê nói chuyện tới khuya. Bác gái và Mẹ vừa rửa dọn vừa chuyện trò với nhau trong nhà bếp. Tý và Miêu được phép xem vô tuyến truyền hình trong một gian phòng nhỏ. Ba bảo vặn máy thấp thôi để ngoài kia Ba nói chuyện. Tới nửa đêm, bác Thành lấy xe hơi đưa gia đình Tý về Trung Tâm.