Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

42. Bé Nhung viết thơ cho cô Trí Hải

Sư Cô Trí Hải rời Làng mới có ba hôm mà bé Hoàng Nhung đã thấy nhớ cô lắm rồi. Nó bắt đền chú Thư tại sao để cho cô Trí Hải đi. Chú Thư nói cô Trí Hải có công việc ở Marseille cho nên mới đi, chứ thật ra cô cũng muốn ở lại với bé Nhung lắm. Cô thương tất cả thiếu nhi Làng Hồng và tất cả các thiếu nhi Làng Hồng đều thương cô. Bé Nhung hiểu chú Thư muốn nói gì, nhưng bé vẫn cứ muốn làm nũng với chú. Cuối cùng chú Thư nói:
– Nếu Nhung nhớ cô Trí Hải thì Nhung viết thơ thăm cô Trí Hải đi.
Bé Nhung vẫn còn nhỏng nhẻo:
– Nhưng con không biết viết thư.
– Tại vì con học tiếng Việt chậm quá. Thôi để chú giúp con viết thư cho cô Trí Hải. Con nói gì với cô Trí Hải đi; chú sẽ viết xuống giấy để làm thành một lá thư gửi về cho cô Trí Hải. Con ngồi đó, để chú đi lấy giấy bút và bì thơ.
Tò mò muốn biết bé Nhung sẽ viết cho cô Trí Hải những gì, Tý ngồi nán lại. Chú Thư đã đem ra mấy tờ giấy và mấy cái bì thơ. Chú ngồi xuống bàn, cầm bút rồi nhìn vào mặt bé Nhung. Chú bảo:
– Nào, con nói gì với cô Trí Hải đi. Chú Thư sẽ viết đúng xuống giấy những điều con muốn nói.
Bé Nhung cầm một cái bì thơ lên ngắm nghía. Nó bắt đầu đọc cho chú Thư viết. Hai chú cháu làm việc với nhau một hồi thì lá thư được viết xong. Lá thư viết xong, chú đọc lại như sau:
”Thưa cô Trí Hải, con gửi thơ cho cô Trí Hải trong cái bì thơ. (Tý nghĩ thầm: cố nhiên là viết thơ thì phải bỏ vào bì thơ mới gửi được chứ!) Một lát con viết cái hoa. (Ý nó muốn nói sau khi chú Thư viết xong cái thơ, nó sẽ vẽ cái hoa vào dưới lá thư để tặng cô Trí Hải.) Thưa cô Trí Hải, bên đây nó có một cái quán cốc để bán, có một em bé là đứa con trai mà nó tên là bé Tâm. (Ðiều này, Tý nghĩ, cô Trí Hải dư biết rồi. Ai mà lại không biết ở Làng có quán cốc. Ai mà lại không biết ở Xóm Hạ có thằng Chó Con tên là bé Tâm.) Nó có một cái võng của Sư Ông (chắc là nó muốn nói cái võng treo ở giữa hai cây sồi gần quán cốc do cô Như Liên đan, cái võng này Sư Ông hay ngồi.) Nó có một cái hoa màu vàng. (Ý nó nói ở Xóm Hạ có rất nhiều bông hướng dương. Cái hoa màu vàng chắc là hoa hướng dương rồi, nhưng mà trong khi hướng dương có cả triệu cái, bé Nhung lại nói là ”một cái”.) Nó có Sư Ông. (Tý buồn cười. Câu văn này giống như câu văn viết theo văn phạm Pháp: il y a Sư Ông!) Con sẽ viết hai cái bì thơ cho Cô Trí Hải. (Ý nói là thơ của nó viết dài quá, phải có hai cái bì thơ mới đựng đủ.) Thưa cô Trí Hải, nó có cô Trinh mang áo dài rất đẹp. Nó có chú Thư mang áo dài rất đẹp. (Ý nói là chú Thư mặc cái áo tràng màu khói hương do Ni Sư Như Tuấn tặng, rất đẹp.) Con có một cái áo dài màu tím rất đẹp, thứ cô Trinh. (Ý nói áo của nó không phải áo tràng như chú Thư! Ai ở trong Làng mà lại không biết bé Nhung mặc áo dài màu tím!) Ðây là con, là Nhung viết thơ cho cô Trí Hải. (Phải nhắc như vậy nếu không cô Trí Hải quên không biết là mình đang đọc thơ của ai.) Hết rồi.
Nhung đã viết thơ xong cho cô Trí Hải. Chú Thư gấp lá thơ lại làm tư, bỏ vào một cái bì thơ rồi đề tên và địa chỉ cô Trí Hải. Rồi chú đưa cái bì thơ cho bé Nhung. Chú nói:
– Bây giờ con đem cái thơ này qua cho bác Cả rồi xin bác dán cho một con tem lên góc bì thơ.
Bé Nhung cầm lấy phong thơ. Nó có vẻ ngạc nhiên khi thấy cái thơ nhẹ quá. Một cái thơ dài như vậy mà chỉ tốn có một cái bì thơ. Cầm cái thơ đã bỏ vào trong bì thơ, Nhung thấy cái thơ của nó gởi cho cô Trí Hải nhẹ hều. Bé đứng dậy, cầm cái thơ chạy qua tìm ”bác Cả”.
Chú Thư nói với những thiếu nhi còn ngồi quanh chú:
– Tại Làng Hồng thiếu nhi đã làm quen với nhau. Sau này, khi Làng Hồng đóng cửa, chúng ta nên liên lạc với các bạn bằng thư từ. Các em hãy viết thư cho nhau. Viết thư là một cách trau dồi tiếng Việt rất hay. Nếu các em không thường xuyên viết tiếng Việt thì chỉ trong vài năm là các em sẽ thấy lúng túng khi viết tiếngViệt. Tại nhà, chúng ta phải mua sách và báo tiếng Việt để đọc. Trong khi chúng ta học tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ðức thì chúng ta cũng phải trau dồi tiếngViệt, tiếng mẹ đẻ của chúng ta.
Chú Thư đang nói chuyện về vấn đề trau dồi tiếng Việt thì các lớp học do chú Lễ, chú Vinh, và cô Trinh tuần tự chấm dứt. Thấy chú đang nói chuyện, các thiếu nhi chạy tới bao quanh lấy chú. Chú Thư thường kể nhiều chuyện rất hay và bày cho thiếu nhi chơi nhiều trò rất vui, nên đứa nào cũng ưa tới với chú.
Chú Thư lặp lại những điều chú mới nói về vấn đề trau dồi tiếng Việt cho những thiếu nhi mới tới nghe. Chú lại còn đề nghị tất cả thiếu nhi về tổ chức Ngày Làng Hồng, cố nhiên là với sự đồng ý của ba má. Ngày Làng Hồng có thể được tổ chức từ chiều Thứ Sáu đến chiều Thứ Bảy, hoặc đến chiều Chủ Nhật. Chú nói là mình có thể tạo không khí Làng Hồng trong gia đình mình, ít ra mỗi tuần một ngày. Ba và má nào mà đã có tới Làng Hồng thì cũng sẽ đồng ý cho con cái mình tổ chức Ngày Làng Hồng tại nhà. Ngày Làng Hồng ta có thể đi tắm và thay quần aó sạch và đẹp. Rồi ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, dọn dẹp thong thả, vừa làm vừa hát. Người thì đi cắm hoa, người thì trải khăn bàn đặc biệt trên bàn ăn. Từ lúc khởi sự đi tắm cho đến khi nhà cửa trở nên ngăn nắp đẹp đẽ, không có giây phút nào mà ta quên rằng ta đang tổ chức Làng Hồng ngay trong nhà của ta, và ta làm cho không khí Làng Hồng có mặt. Ta làm việc thong thả và ta giữ sự vui tươi. Tại nhà không có quán cốc nhưng má có thể làm một thứ bánh đặc biệt cho một ngày đặc biệt. Hoặc là bánh bèo, hoặc là bánh cuốn, chè đậu đen hay xôi vò. Má sẽ rất vui mà làm món đó cho ba và các con của má. Trên bàn Phật đã có bình bông. Ta đâu cần phải tốn tiền mua hoa. Ta có thể cắt một cành cây ngoài trời hoặc ngoài hàng rào hoặc ngoài công viên để cắm. Vừa cắm hoa ta vừa thở nhẹ nhàng, hoặc là ta ca hát nho nhỏ.
Chiều hôm đó, má nấu mấy món chay rất ngon, bởi vì má đã chuẩn bị rồi. Ba có thể tham dự vào việc cắm hoa hay dọn lại kệ sách nếu ba muốn. Nếu ba mệt thì cứ để ba đọc báo hay xem sách. Cả gia đình có thể đi thiền hành hoặc bách bộ trong công viên hoặc ngoài bờ sông hay ở một khu rừng gần nhà. Trong Ngày Làng Hồng thiếu nhi không nên mở máy truyền hình. Không khí ngày hôm nay tuy vui nhưng thanh tịnh. Máy truyền hình ít khi cho ta một chương trình thanh tịnh. Nó ồn ào lắm, và nó phá sự thanh tịnh của cả nhà.
Chú Thư bảo là vào buổi chiều Ngày Làng Hồng, trước giờ ăn cơm, thiếu nhi phải quán niệm. Bữa cơm có thể yên lặng mà vẫn vui. Sau bữa cơm, mọi người tham dự vào việc dọn dẹp bàn ghế và chén bát. Tiếp đó là sinh hoạt văn nghệ. Muốn cho buổi văn nghệ thành công, thiếu nhi phải chuẩn bị trước. Nếu cần thì bàn trước với ba và má. Trong buổi văn nghệ, làm sao cho có cả ba và má tham dự. Má hát, còn nếu ba không hát thì ba sẽ kể chuyện. Ai cũng phải đóng góp.
Buổi tối trước khi đi ngủ, cả nhà lạy Phật, và ngồi thiền chừng mười lăm phút. Ngày quán niệm tiếp tục sáng hôm sau. Buổi sáng thiếu nhi đọc sách tiếng Việt, kể chuyện cổ tích và thần thoại Việt Nam, học thêm vài bài dân ca, học thêm vài câu ca dao, viết thơ bằng tiếng Việt cho các bạn đã làm quen được tại Làng Hồng.
Chú Thư nói hay lắm. Thiếu nhi đứa nào cũng có ý định về tổ chức Ngày Làng Hồng tại nhà mình. Chị Thanh Trang nói với Tý nhất định về Thụy Sĩ chị sẽ tổ chức Ngày Làng Hồng.