Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

16. Hai cây sồi trốc gốc

Cách nhà chừng một trăm thước, sát bên vườn nho, Ba và chú Dũng đã dựng lên một cái nhà lợp bằng ni-lông để trồng rau. Nhà này dài hai mươi thước và rộng bốn thước. Cô Chín gọi cái nhà trồng rau ấy là nhà mặt trời; còn bác Mounet gọi cái nhà ấy là serre. Sư Ông đã đem từ sơn cốc về nhiều bụi hẹ và rất nhiều cây cải bẹ xanh con con để trồng trong ấy. Ba cũng gieo hạt ngò và hạt cải bẹ xanh để trồng thêm. Nhà mặt trời ấm lắm. Vào mùa đông ngò cải và một vài thứ rau khác có thể mọc và lớn lên trong nhà mặt trời. Nhà mặt trời khá cao; đứng giữa nhà Ba phải nhón gót thì mới đưa tay đụng tới nóc nhà được. Ban đêm khi trời lạnh, rau cải khựng lại không mọc. Nhưng ban ngày, nếu có nắng, thì không khí trong nhà mặt trời ấm lên, rau lớn rất nhanh. Bác Mounet gọi những tấm ni-lông là films thermiques. Chú Dũng dịch ra tiếng Việt là phim nhiệt. Sư Ông nói ở sơn cốc nhờ có một cái nhà mặt trời nhỏ mà Sư Ông có đủ rau để ăn suốt mùa đông. Khi có nắng, cả nhà làm việc trong nhà mặt trời vừa ấm vừa vui. Có khi Ba và chú Dũng nóng quá, phải cởi áo ngoài móc lên trần nhà. Nhiều khi ở ngoài trời đang mưa mà ở trong nhà chú Dũng vẫn phải tưới.
Bác Mounet làm nghề chế tạo những đồ đồng như chân đèn, hộp đồng, chảo đồng vân vân… để trang hoàng trong nhà. Ba nói ngày xưa bác đã tốt nghiệp trường canh nông và từng khai thác một nông trại lớn. Về sau, vì bác gái bệnh nên bác phải đổi nghề để có thể làm việc ngay tại trong nhà để đồng thời chăm sóc bác gái. Bác hứa sẽ hướng dẫn cho Ba và chú Dũng trong việc khai thác nông trại. Bác đã đưa Ba và chú Dũng đi chọn mua được một chiếc máy cày cũ hiệu John Deere mạnh sáu mươi lăm mã lực. Ba và chú Dũng đã xử dụng được máy cày nhờ sự hướng dẫn của bác. Ngày xưa ở Trường Xã Hội Ba cũng đã từng thử lái máy cày, nhưng đó chỉ là những chiếc máy cày nhỏ xíu.
Chú Dũng cày được hơn một mẫu thì trời mưa liên tiếp, không cày tiếp được. Còn trên mười mẫu chưa cày. Nghe nói phải cày trong mùa đông thì đến đầu xuân đất mới tốt được. Ba và chú Dũng dự trù trồng mận, trồng bắp và trồng hoa hướng dương. Hướng dương trồng để lấy hột làm dầu ăn. Bác Mounet nói rằng mùa thu vừa qua, rất nhiều nông dân trong vùng đã trúng mùa hoa hướng dương. Cô Chín rất ưa trồng hoa hướng dương. Cô bảo đồng hướng dương với hàng triệu bông hoa xoay về phía mặt trời mọc là một cảnh tượng rất đẹp. Hôm tiếp tân, cô Chín đã hát một bài hát trong đó có
bông hướng dương. Cô hát:
Em đi ngang qua đồng hoa hướng dương
Hàng vạn bông hoa ngoảnh nhìn về
phương đông chói sáng
Ý thức em, mặt trời tỏ rạng
Bàn tay em gieo hạt cho mùa sang năm…
Phải có nắng liên tiếp ba ngày đất mới tạm khô để máy cày có thể đi xuống ruộng. Ðàng này mưa liên miên từ ngày này sang ngày khác không ngớt. Thỉnh thoảng trời tạnh được nửa ngày. Rồi trời lại mưa. Một buổi chiều thứ bảy, gió bắt đầu thổi mạnh. Ba ra lệnh đóng chặt tất cả mọi cánh cửa, cửa kính cũng như cửa song. Gió càng lúc càng dữ dội. Mưa gió bắt đầu gào thét suốt đêm hôm đó và kéo dài suốt cả ngày chủ nhật. Chiều chủ nhật Ba có việc phải mở cửa đi ra ngoài. Ðến khi trở vào, Ba nói suýt tý nữa gió thổi bay cả Ba đi. Nhà có nhiều chỗ dột. Chú Dũng nói gió đã thổi bay mất nhiều miếng ngói trên mái. Gió thổi mạnh khiến cho khói ở ống khói lò sưởi không bay lên được và còn bị thổi ngược vào phòng ngủ. Ba phải đi tắt lò củi và mở lò điện. Ðến khuya, điện bị cắt, lò sưởi điện cũng tắt. Nhà bị lạnh. Ba lại lui cui dậy đốt lò củi. May thay, lúc ấy trời đã gần sáng và gió đã dịu lại.
Sáng thứ hai, Tý và Miêu không đi học bởi vì xe trường không đến rước. Bác Mounet trai qua thăm. Bác cho biết cây cối đổ ngã rất nhiều và cột điện cũng vậy. Giây điện đứt nhiều nơi. Sở điện khí đang nỗ lực gửi người đi sửa chữa những nơi hư hại. Bác nói hy vọng tối đến thì có điện lại. Bác bảo trường học đóng cửa. Rồi bác cho biết là hai cây sồi cổ thụ đã bị bão thổi trốc gốc.
Cả nhà giật mình. Mọi người khoác áo chạy ra nhìn. Hai cây sồi đã trốc gốc thật. Cây này nằm đè lên cây kia, trông rất thảm thương. Tý cảm thấy nằng nặng trước ngực. Nó nghĩ tới Sư Ông. Sư Ông cưng hai cây sồi này lắm. Nếu Sư Ông biết hai cây sồi đã ngã chắc là Sư Ông sẽ khóc. Giờ này Sư Ông ở trên Xóm Thượng. Tý nóng ruột muốn biết Sư Ông còn ở trên ấy bình an không và nhà cửa trên ấy có đứng vững không. Trên Xóm Thượng có một cây đề rất lớn. Tý cầu Bụt cho cây đề ấy còn đứng vững.
Cả nhà trừ Chó Con, theo bác Mounet ra thăm hai cây sồi. Ðứng trước cảnh tượng hai cây cổ thụ trốc gốc, Ba cứ chép miệng hoài. Cảnh tượng hoang tàn quá. Tý cảm thấy như một cái gì linh thiêng vừa sụp đổ. Hai cây sồi cổ thụ thật là những vật linh thiêng. Mọc mầm, lớn lên, sống trên ba trăm năm, hai cây sồi đã từng chứng kiến biết bao nhiêu đổi thay trong vùng này. Khi hai cây sồi lớn lên thì nhiều ngôi nhà ở Xóm Hạ chưa được xây dựng. Có người đã sanh ra và có người đã chết đi. Có người đi về phương xa lập nghiệp. Nhưng hai cây sồi vẫn còn đó, reo hò với gió, tươi cười với nắng, âu sầu với mưa. Chú Dũng tính nhẩm trong óc rồi nói rằng hai cây sồi này đã chứng kiến cảnh mặt trời mọc tới một trăm lẻ chín ngàn năm trăm lần. Bây giờ chúng đã ngã xuống. Những chiếc rễ lớn như những chiếc chân voi chổng ra, ngang ngửa trên mặt đất.
Bác Mounet giải thích: trời mưa lâu quá cho nên đất trở nên mềm nhũn. Lá sồi rụng chậm hơn mọi thứ lá cho nên còn bám đủ trên cành. Khi nước đọng vào, cành lá nặng bằng trăm lần những cây khác. Vì vậy cho nên hai cây sồi đã phải ngã quỵ trước sức gió.