Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

12. Gia đình tý đi định cư

Chó Con ra đời ngày mồng năm tháng mười, sớm hơn lời tiên đoán của bác sĩ một tuần. Nó cân nặng được ba ký tám trăm gờ ram. Mẹ sinh Chó Con ở viện bảo sanh Strasbourg. Chỉ có Ba được túc trực ở nhà thương và được đi thăm. Tý và Miêu phải đi học. Mẹ và Chó Con ở lại nhà thương hai hôm. Chiều hôm thứ ba, khi Tý và Miêu đi học về thì Mẹ và Chó Con đã được chở về nhà bằng xe tắc xi rồi. Tý bỏ cặp sách vở, đi vào thăm Mẹ và Chó Con. Trông thấy Tý, Mẹ cười, nhưng Tý thấy Mẹ có vẻ mệt. Tý đặt tay lên trán Mẹ. Rồi nó nhìn Chó Con. Chó Con đang ngủ. Bàn tay Chó Con nhỏ xíu. Bàn chân Chó Con nhỏ xíu. Cái gì cũng nhỏ xíu. Thật giống như một con búp bê. Miêu đã tới sau lưng Tý. Nó đưa tay nắm nhẹ bàn tay của Chó Con. Hai đứa tha hồ ngắm em bé. Tý có cảm giác là lạ. Gia đình Tý bây giờ có thêm một người. Tý có hai thằng em. Nó cảm thấy mình lớn hẳn lên.

Mẹ không đủ sữa cho Chó Con bú. Bác sĩ cho em bé bú thêm sữa bột Lacmil. Ban ngày ở trường có lúc Tý quên là ở nhà đã có thêm Chó Con. Về tới nhà nó mới nhớ. Lập tức nó leo cầu thang thật nhanh để về nhìn mặt em bé. Em bé mở mắt nhìn. Nhưng cái nhìn của em còn mơ hồ lắm. Chắc em bé chưa thấy gì rõ đâu. Chắc em bé chưa nhìn rõ mặt Tý. Vài ngày sau, Tý đã được phép ẵm em bé. Tý ẵm em bé đi quanh trong phòng, vừa đi vừa hát bài cái cò, cái vạc, cái nông:

Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò?
– Không, không, tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi
Chẳng tin thì ông đi đôi
Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia!
Tý ngừng lại hỏi Mẹ:
Ði đôi là đi đâu hả Mẹ?
–  Ði đôi là đi thưa kiện. Ðôi có nghĩa là đôi chối, nghĩa là nói qua nói lại trước mặt một người làm chứng để cho sáng tỏ sự thật.

Giọng Mẹ có vẻ mệt. Tý hơi lo lắng. Hôm em bé ra đời, Ba đã đánh điện cho cô Chín. Cô Chín đã gởi thuốc bổ về cho Mẹ, và thuốc bổ đã tới rồi. Mẹ đã uống thuốc bổ, nhất là thuốc bổ xương, bắp thịt và gân cốt; nhưng Mẹ vẫn cảm thấy nhức nhối. Mẹ đi đứng chưa được bình thường.

Chó Con thay đổi từng ngày. Ðôi mắt nó càng lúc càng có tinh thần. Tý có cảm tưởng là nó đã thấy được mặt Tý. Tý giúp Mẹ pha sữa cho em bé và thay tã cho nó. Hễ đi học về là Tý quấn quýt bên thằng Chó Con. Ban đêm trong giấc ngủ, thỉnh thoảng nó nghe tiếng em bé khóc. Nó biết những lúc đó Mẹ đang lo pha sữa hay thay tã cho em, nhưng vì buồn ngủ quá nên Tý không thể dậy giúp Mẹ được.

Trời càng lúc càng lạnh. Gần như ngày nào cũng có mưa. Hồi còn ở quê nhà, chưa bao giờ Tý thấy trời lạnh như vậy. Áo của bác Thành đem tới cho, Tý đã mặc vào nhiều lớp nhưng vẫn thấy lạnh khi đi ra ngoài. Trong nhà thì ấm lắm, Mẹ và Chó Con chắc là không bị cảm lạnh đâu. Nhưng Ba thì đã bị sổ mũi. Tại trường, Tý và Miêu phải chạy chơi thật nhiều trong giờ ra chơi thì mới thấy ấm lên được. Một bữa chiều Mẹ nói với Ba: ”Anh ơi, mình nên về nhà của mình ở miền Nam cho rồi.” Ba nói: “Nhưng em còn yếu thì đi làm sao được?” Mẹ trả lời: “Em khá rồi. Hôm qua chị Nga có tới thăm và cho em một thứ thuốc. Em uống vào thì thấy hết nhức. Tuy em chưa bước được vững chãi như ngày xưa, nhưng em nghĩ, em có thể đi được. Mình ngồi cả ngày trên xe lửa chứ có đi bộ đâu mà sợ. Ðến nơi thì đã có cô Chín đi đón bằng xe hơi rồi mà.” Ba suy nghĩ một hồi rồi Ba gật đầu. Ba đi xuống văn phòng của trung tâm, tìm cách điện thoại cho cô Chín. Rồi Ba trở lên, và bắt đầu thu xếp áo quần và hành trang. Ba nói ngày mốt tức là ngày thứ ba, hăm sáu tháng mười, cả gia đình sẽ lên xe lửa đi về miền Nam. Tý và Miêu giúp Ba. Thấy ba cha con làm lăng xăng, Mẹ ngồi yên không nổi. Ba bảo Mẹ nằm nghỉ nhưng Mẹ cứ năn nỉ Ba để cho Mẹ giúp một tay. Ba kiếm những thùng giấy lớn, sắp mọi thứ đồ đạc vào và ràng dây thật kỹ. Nào có đồ đạc gì quý giá đâu. Chỉ có áo quần cũ của người ta cho, nhiều thứ không ai mặc vừa, nhưng Mẹ vẫn nhận. Mẹ nói mình có thể cắt những thứ ấy ra để may lại những thứ mà mình mặc vừa. Những muỗng, nĩa và dao bằng nhựa thu lượm được Mẹ cũng không bỏ. Những viên đường có bọc giấy, những hộp mứt tý hon để dành được trong những buổi ăn sáng, Mẹ cũng đem theo. Rồi còn là những cái lon bằng nhôm, những đôi giép Nhật Bổn đứt quai, những con dao cùn và mẻ đã lượm được, những tờ báo cũ, vân vân… Mẹ cũng đem theo. “Cái gì cũng có thể có ích lợi cho mình sau này”, Mẹ nói. Mẹ là một người phụ nữ Việt Nam đảm đang, tiết kiệm đúng mực. Cho đến nửa đêm hôm đó, cả nhà đã làm ra được bốn kiện hàng to tướng, ràng giây chằng chịt. Ba nói ngày mai Ba sẽ nhờ người chở những thùng này ra ga và gởi trước về ga Sainte Foy ở miền Nam nước Pháp, nơi gia đình sẽ tới, và luôn tiện mua vé xe lửa cho cả nhà. Ba gọi những thùng hàng của Ba là “hành lý không đi theo người”. Chiều hôm sau, vào giờ bãi học, Tý đưa Miêu tới chào cô giáo. Nó đã soạn sẵn câu nói rồi, cho nên khi nó nói, cô giáo hiểu ngay. Cô giáo xoa đầu cả hai đứa và chúc hai đứa “bon voyage”, nghĩa là lên đường bình an. Tý và Miêu học với cô như thế là gần bốn tháng.

Tối hôm đó, gia đình Tý được gia đình bác Nga đãi cơm Việt Nam. Gia đình bác Nga đã định cư tại Strasbourg lâu rồi. Mẹ quen với bác Nga ở trong nhà bảo sanh, bởi bác Nga vừa sinh em bé được hai hôm thì Mẹ được chở tới. Bữa cơm đó ngon lắm. Có một món mà Ba rất thích. Ðó là món canh hẹ có đậu hủ. Ba nói: thấy mặt bát canh cũng như là thấy mặt quê hương. Ngày đó Ba đã đi chào ông giám đốc trung tâm tạm cư và tất cả những người quen. Sáng mai, bác Thành sẽ đem xe hơi tới lúc năm giờ sáng để đưa gia đình Tý lên xe lửa. Cô Chín đã nói với Ba là ngày mai tốt lắm cho sự xuất hành và dọn nhà. Cô cũng nói rằng chú Dũng đã về nhà trước một tuần rồi, và hiện giờ đang chuẩn bị nhà cửa cho khang trang để đón gia đình. Chiều mai chú Dũng sẽ ra ga đón cả nhà. Nghe tin đó, Tý cảm thấy rộn ràng trong lòng. Chưa đi ngủ mà Tý đã mong cho đêm chóng hết.