Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

30. Tý học bảo vệ sự sống

Tại Làng Hồng có tục lệ là gặp nhau thì ai cũng chắp tay thành búp sen để chào nhau một cách cung kính. Tục lệ này Tý đã học được từ gần hai năm nay. Tháng mười năm ngoái, khi gia đình Tý xuống xe lửa ở ga Sainte Foy, Tý và Miêu đã được Sư Ông chắp tay sen búp để chào. Hồi đó Tý thấy có hơi lạ. Thường thường thì người lớn không chắp tay xá con nít một cách trang nghiêm như vậy. Nhưng sau đó Ba có giải thích cho Tý. Ba nói theo đạo Phật thì mỗi người đều có Phật tánh, nghĩa là đều có khả năng thành Phật. Khi Sư Ông chắp tay búp sen để chào Tý là Sư Ông thấy được rằng tuy là một đứa bé Tý cũng là một đức Phật trong tương lai. Nếu Sư Ông chào cung kính, đó không phải là vì tuổi tác của người đối diện, cũng không phải vì học thức, tài năng hay địa vị xã hội của người ấy. Sư  Ông cung kính là vì đó là một người. Ba còn nói tỏ sự cung kính ấy đối với người khác cũng tức là tỏ sự cung kính đối với chính mình. Trọng người  khác tức là tự trọng. Ba nói thêm:
– Nếu con biết tập chắp tay chào cho cung kính và thành thật thì chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều đức tốt sẽ phát triển nơi con.
Tý nhận thấy các thiếu nhi Làng Hồng đã học được tục lệ chắp tay rất mau. Ngày đầu mới về đứa nào cũng hơi bỡ ngỡ và e thẹn khi chắp tay, nhưng đến ngày thứ hai thì đứa nào cũng chắp tay một cách thật tự nhiên rồi. Chắp tay búp sen không phải chỉ để chào nhau mà thôi. Trước khi nhận một đôi đũa, một ly nước hay một chén cơm, mình cũng phải chắp tay nữa. Bọn thiếu nhi ba bốn tuổi như bé Vi và bé Phòng đều làm được như vậy. Có thể có lúc các em ấy quên, nhưng chỉ cần nhắc chừng năm bảy lần là chúng học được thói quen này.
Sáng chủ nhật nào tại thiền đường Xóm Hạ cũng có một buổi pháp thoại vào lúc mười một giờ sáng để nghe Sư Ông giảng dạy về phép tu thiền. Người tới tham dự đông lắm. Hầu hết dân hai xóm đều có mặt trong thiền đường. Lại có nhiều người từ thành phố đến. Họ ngồi chật cả thiền đường. Buổi pháp thoại bắt đầu bằng ba hồi bảng, chậm rãi và trang nghiêm. Chỉ có những thiếu nhi lớn mới được tham dự những buổi pháp thoại. Sau buổi pháp thoại là giờ cơm trưa. Cơm trưa được dọn ở ngoài trời dưới bóng cây sồi. Những người từ thành phố đến đều có đem theo cơm trưa của họ. Từng nhóm ba bốn người dọn cơm và ngồi ăn trên bãi cỏ gần Tham Vấn Dường.
Ăn cơm trưa xong, mọi người nghỉ ngơi và chuyện trò chốc lát thì từ thiền đường đã vọng ra một hồi bảng báo hiệu đến giờ pháp đàm. Hôm nay là ngày chủ nhật đầu tiên, sau khi Làng mở cửa. Ni Sư Linh Phong được mời làm chủ tọa buổi pháp đàm. Ni Sư từ bên Thụy Sĩ qua. Ni Sư nói về việc tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tý được phép ngồi ở thiền đường để tham dự. Ni Sư nói xong, có nhiều người nêu lên những câu hỏi để làm cho vấn đề sáng tỏ. Tý nghe và học được rất nhiều chuyện. Tý biết bảo vệ sự sống không phải là một việc dễ dàng.
Trước hết, Ni Sư mời cô Trinh nói cho mọi người nghe về những phương pháp bảo vệ sự sống. Cô Trinh là cô giáo phụ trách nhiều lớp tại Làng Hồng. Tý cũng là học trò của cô. Ngồi trang nghiêm trên tọa cụ, cô nói: ”Ai cũng muốn sống, vì vậy mọi người phải tôn trọng sự sống của nhau. Không ai muốn bị người khác giết, vì vậy không ai có quyền tước đoạt sự sống của kẻ khác. Tôn trọng sự sống là điều thiết yếu nhất trong đạo Phật. Người ta có thể giết người bằng gươm bằng súng. Người ta lại cũng có thể giết người bằng trăm ngàn cách khác như dùng thuốc độc, bom đạn, nói những lời dèm pha hoặc khiêu khích để cho kẻ khác giết nhau.” Cô Trinh ngừng lại một chút rồi nói tiếp: ”Muốn tôn trọng và bảo vệ sự sống trước hết là phải chọn một nghề nghiệp không có tính cách tàn hại con người và thiên nhiên. Chúng ta không nên tham dự vào những xí nghiệp chuyên làm lợi cho một số người trong khi tước đoạt cơ hội sinh sống của những số người khác.”
Ni Sư hỏi ý kiến của chú Lễ. Chú Lễ là thầy giáo sử địa của Làng. Chú Lễ nói: ”Người làm chính trị nếu thiếu trí tuệ và tình thương thì có thể lôi cuốn dân chúng vào những cuộc chiến tranh khủng khiếp. Ðó là một sự giết người kinh khủng vào bậc nhất. Bao nhiêu cửa nhà tan nát, bao nhiêu thanh niên bỏ thây nơi chiến trường. Bao nhiêu trẻ em thành mồ côi. Bao nhiêu phụ nữ thành góa phụ. Một cuộc chiến tranh như thế có thể tiêu diệt hàng triệu người. Vậy cho nên nhà chính trị trước hết phải có lòng thương, phải có trí tuệ, phải có đức kiên nhẫn và phải có tài ngoại giao mới có thể tránh được tội sát sanh và bảo vệ được sự sống của dân chúng.”
Ni Sư hỏi ý kiến của chú Nghĩa. Chú Nghĩa nói: ”Người ta có thể bảo vệ mạng sống con người bằng cách bớt uống rượu và ăn thịt lại.”
Tý đang ngạc nhiên không hiểu tại sao bớt uống rượu mà lại có thể bảo vệ sự sống thì chú Thơ tiếp lời chú Nghĩa và giải thích: “Anh Nghĩa nói rất đúng. Ở các nước Tây Phương người ta đã xài phí không biết bao nhiêu là lúa gạo để làm nên các loại rượu mạnh. Gạo lúa ấy có thể cứu được hàng triệu người đang chết đói ở các nước chậm phát triển. Ở các nước Tây Phương người ta cũng xài phí rất nhiều lúa và bắp để nuôi bò và gà. Tây phương ăn thịt nhiều quá. Trong khi hàng chục triệu người trên thế giới chết đói mỗi năm vì thiếu gạo thì một số lượng lúa và bắp khổng lồ bên này đã được dùng để nuôi bò và gà.”
Chú Nghĩa lại lên tiếng:
– Ðọc trong Bách Khoa Tự Ðiển, tôi thấy ông F. Perroux nói rằng nếu các nước Tây Phương bớt ăn thịt và uống rượu chừng năm mươi phần trăm thôi thì số lúa gạo dư ra cũng đủ cứu đói cho cả hàng chục triệu người ở các nước chậm phát triển. Ông Perroux là Giám đốc viện Toán học và Kinh tế thực hành tại Paris. Ông có tài liệu thống kê rất đàng hoàng.
Tý nhớ lại lời Ba nói cách đây mấy tháng trong nhà mặt trời. Ba nói một ngày có tới trên bốn mươi ngàn trẻ em dưới năm tuổi chết vì bệnh tật và vì thiếu ăn. Nếu bớt ăn thịt và uống rượu mà có thể cứu sống được các em bé ấy, tại sao người ta không làm? Có lần Tý nghe Sư Ông nói là tại nước Ðan Mạch, Sư Ông đã gặp một nhóm người trẻ tình nguyện bớt ăn thịt và uống rượu để cứu các trẻ em đói. Tý nghĩ là bọn thiếu nhi như Tý ở Làng Hồng cũng có thể làm được như nhóm người trẻ ở Ðan Mạch. Trong một tháng ở Làng Hồng, tất cả mọi người đều sẽ không ăn thịt và uống rượu. Như vậy cũng là để góp phần bảo vệ sự sống.
Trong khi Tý đang suy nghĩ thì ni sư Linh Phong lên tiếng:
Bây giờ đến lượt thiếu nhi góp ý kiến. Ta thử nghe ý kiến của bé Hải Triều Âm.
Tý giật mình đánh thót một cái. Chết rồi. Ni sư gọi ngay tên mình. Tý ấp úng một lát rồi thưa:
– Thưa ni sư, chúng con trồng mỗi đứa một vài cây mận.
Có tiếng cười ồ. Nhiều người trong đó có cả thằng Miêu, em của Tý, nhìn Tý bằng con mắt chế nhạo. Họ nghĩ là Tý ngớ ngẩn.
Giữ nguyên vẻ mặt ngớ ngẩn của mình, Tý nói tiếp:
– Dạ thưa ni sư, chừng nào mận có trái, chúng con sẽ bán mận mua quà gửi về Việt Nam cho thiếu nhi đói. Ðó cũng là bảo vệ sự sống.
Tý nghe có tiếng ” à” của người lớn. Và ni sư nói:
– Ý kiến của thiếu nhi hay lắm.
Sau khi mọi người đã phát biểu ý kiến, ni sư thêm: “Ngồi thiền cũng là một cách bảo vệ sự sống. Khi ngồi thiền, ta trở nên trầm tĩnh và sáng suốt để có thể thấy được những gì đang xảy ra quanh ta. Ta thấy được những giết chóc và khổ đau do chiến tranh gây ra. Nếu ta vô tâm và quên lãng trong sự sống hàng ngày ta làm sao bảo vệ được sự sống? Học thiền là tập sống cho tỉnh thức, đừng bị lôi cuốn trong sự vô tâm và quên lãng.
Cuối cùng, quay sang thiếu nhi, ni sư nói:
– Không những ta phải bảo vệ sự sống của con người mà ta còn phải biết bảo vệ sự sống cho các loài khác nữa. Một con sâu hay một con kiến cũng có đời sống của chúng, ta phải để cho chúng sống. Ta có thương yêu mọi loài và bảo vệ sự sống của mọi loài thì ta mới xứng đáng là học trò của đức Phật.