Tiếng gọi
Trong ngày tiếp nối của Sư Ông Làng Mai vào tháng 10 năm 2019, thầy Pháp Linh đã có cuộc trò chuyện với sư chú Chân Trời Thiện Ý và sư cô Chân Trăng Hiền Nhân (hai vị xuất gia trẻ thuộc gia đình xuất gia Cây Dẻ Gai, đang sống và thực tập ở Làng Mai, Pháp). Khi cuộc trao đổi này diễn ra thì chỉ còn một tuần nữa là kỷ niệm một năm ngày xuất gia của sư cô và sư chú. Nhân dịp này, thầy Pháp Linh muốn biết điều gì đã tạo cảm hứng và là động lực để sư cô và sư chú gia nhập vào gia đình Áo Nâu- Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Buổi phỏng vấn đã được BBT Làng Mai chuyển ngữ từ tiếng anh.
Thầy Pháp Linh:
Sư chú Chân Trời Thiện Ý là người Ý, hiện đang tu học tại chùa Sơn Hạ. Trước khi xuất gia, sư chú đã sống và làm việc ở London trong lĩnh vực tiếp thị. Sư chú thấy ngành nghề đó rất thú vị vì sư chú phải nghiên cứu môn Tâm lý học để hiểu được tâm lý của mọi người. Tuy nhiên, sư chú cảm thấy cái hiểu ấy đôi khi hơi bị lạm dụng để “dụ” người khác bỏ tiền và mua những thứ không thật sự cần thiết.
Vì ước mơ muốn trở thành một nhạc sĩ nên sư chú đã nghỉ công việc tiếp thị để dành một năm học chơi trống. Sư chú rất có khả năng âm nhạc. Sau một năm đầu tư vào lĩnh vực âm nhạc, sư chú vẫn không tìm thấy sự mãn nguyện, và cũng chính thời điểm ấy thì sư chú khám phá ra Thiền tập. Nhân duyên nào đã đưa sư chú đến với Làng Mai và lựa chọn con đường xuất gia này?
Làm sao sư chú có thể để hết tâm huyết vào sự thực tập?
Sư chú có thể chia sẻ đôi chút về hạnh nguyện và đời sống xuất sĩ của sư chú được không?
Sư chú Trời Thiện Ý:
Con đã làm việc trong ngành tiếp thị, rồi sau đó là âm nhạc. Khi con quan sát và thấy hình ảnh những người sếp của mình- những người có bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, con đã tưởng tượng và thấy được tương lai của mình. Con cảm thấy trong chiều sâu của tâm hồn, họ thật sự không có hạnh phúc. Lúc con nhận ra điều đó, con thật sự bị đánh động. Con không muốn trở thành họ trong tương lai. Có gì đó không ổn trong cuộc sống của họ.
Theo tiếng gọi của trái tim, con đã lên đường tới London để theo đuổi con đường âm nhạc. Cùng năm đó, con đã có cơ duyên tiếp xúc với pháp môn của Thầy (Sư Ông Làng Mai). Con nghe pháp thoại và thực tập theo những lời Thầy dạy. Theo đó, cuộc sống của con có những thay đổi tích cực.
Khi kết thúc chương trình học một năm ở London, con nhận ra đây không phải là con đường của mình. Nghề Tiếp thị cũng không phải là con đường của con. Nếu muốn tìm thấy con đường và câu trả lời cho chính mình, con phải quay về với tự tâm. Sau đó con tìm tới Làng và tham gia vào chương trình “Happy Farm” (Nông Trại Hạnh Phúc), nhân duyên của con với Làng đã bắt đầu như thế đó.
Trong khoảng thời gian một năm ấy, con đã nhắc nhở mình là phải ưu tiên cho sự thực tập. Con dặn lòng là sẽ thực tập an trú 100 phần trăm ở đây, còn sau đó thì tính tiếp. Trước kia, lúc còn ở London, vì nhịp sống và sự bận rộn của công việc mà con chỉ “thực tập Thiền bán thời gian” được thôi. Có lẽ ước nguyện muốn xuất gia cũng đã được hình thành từ lúc ấy, nhưng con cũng chờ thời gian để nó thật sự chín muồi. Nếu thật sự đó là ước nguyện cả đời thì không việc gì mà con phải vội.
Con đã thực tập làm một người nông phu hạnh phúc tại nông trại của Làng, và con thương nếp sống này. Ở đây, con có cảm giác là mình “đang thật sự sống”. Niềm tin vào pháp môn, vào sự thực tập và con đường càng ngày càng lớn. Cuối cùng chương trình một năm ở Nông trại Hạnh phúc cũng kết thúc, con nóng lòng muốn viết thư xin làm tập sự để có thể trở thành một người xuất gia và gia nhập vào dòng chảy của Tăng Thân.
Rất nhiều người muốn mang lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Ai cũng đều muốn đóng góp phần của mình. Nhưng trước hết chúng ta cần phải xây dựng một nền móng vững chắc cho chính mình trước khi giúp người khác. Chính vì vậy nên con ý thức rằng thời gian Sadi là thời gian mà còn cần phải chuyên tâm đầu tư vào sự học hỏi và thực tập để xây dựng cho mình nền tảng ấy.
Con thấy mình có rất nhiều may mắn khi được đầu toàn bộ thời gian để thực tập, được học hỏi và tiếp nhận tuệ giác của Thầy. Hiện tại, con hoàn toàn để tâm vào thực tập bước chân và hơi thở chánh niệm. Nhất là khi Thầy không có mặt ở đây với chúng con, và con cũng không có những kỷ niệm trực tiếp với Thầy. Nhiều lúc con tự hỏi: “Giờ này, Thầy đang ở đâu? Tại sao con lại ở trong Tăng Thân của Thầy”.
Tìm thấy Thầy là điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời của con. Con có thể thấy hình ảnh của Thầy trong các sư anh, sư chị, trong thời khóa hàng ngày, trong những uy nghi mà con đang được thực tập. Đó là động lực cho con thực tập hết lòng, vì con không muốn mình cảm thấy thiếu vắng Thầy.
Thầy Pháp Linh:
Đằng sau quyết định xuất gia, thế nào sư chú cũng phải có một cái thấy về vị trí của người xuất sĩ trong xã hội hiện tại. Tại sao sư chú chọn con đường xuất gia trong khi sư chú có thể tu tập mà không cần phải trở thành một người tu? Làm người tu có ý nghĩa đặc biệt gì?.
Sư chú Trời Thiện Ý:
Con thấy bây giờ ở khắp nơi trên thế giới có nhiều người đang cố gắng làm nhiều việc có ích. Con lớn lên trong một gia đình Thiên chúa giáo và cuộc sống của con luôn gắn liền với chiều hướng tâm linh. Con không bao giờ muốn sống một cuộc sống không có chiều hướng tâm linh. Con yêu nếp sống tâm linh cho đến nỗi con muốn nó hoàn toàn trở thành cuộc sống của mình. Con cũng thấy đó chính là điều mà thế giới đang cần. Con không nghĩ thế giới đang cần người giúp làm cái này hay cái kia, mà cần những người cố gắng sống một cuộc sống như chúng ta đang sống, cố gắng chạm tới một cái gì sâu xa hơn mà con không thể diễn đạt bằng lời. Con tin tưởng rằng đó chính là câu trả lời cho những gì mà thế giới đang phải đối diện. Đối với con thì bao nhiêu đó là đã đủ để cho con đầu tư tất cả năng lượng của mình rồi.
Thầy Pháp Linh:
Sư cô Trăng Hiền Nhân là người Pháp, đang sống và tu tập ở xóm Hạ. Trước khi xuất gia, sư cô theo học ngành Triết ở Paris. Sư cô từng nghĩ rằng triết học sẽ giúp sư cô hiểu sâu sắc hơn và tìm được ý nghĩa của đời sống. Sư cô đã học khá sâu trong ngành học này và dự định sẽ trở thành một nhà văn. Nhưng dần dần, càng học lên cao, sư cô càng thấy cách giảng dạy trong trường thiên nhiều về kiến thức, mà ít chứa đựng tuệ giác. Dường như có một khoảng cách giữa những gì người ta nói và cái người ta có thể làm được. Ước muốn thì tốt đẹp nhưng có vẻ như ít người sống theo được.
Đến Làng Mai, phát hiện ra giáo pháp, giới luật và thiền tập, sư cô nghĩ: sự thực tập này có thể giúp san lấp đi khoảng cách ấy. Chúng ta thực ra có thể làm được những gì mình nói, thực hiện được những nguyện ước sâu xa nhất của mình. Xin sư cô chia sẻ một chút về quyết định xuất gia của mình. Đó là một quyết định khá “cấp tiến”. Chắc phải có điều gì đó hướng sư cô nhận ra đây chính là con đường của mình?
Sư cô Trăng Hiền Nhân:
Con biết con còn rất nhỏ tuổi tu và còn rất nhiều điều cần phải học hỏi trong tăng thân. Sau khi xuất gia, con đã tìm thấy nhiều cái đẹp và chiều sâu của con đường này. Con thật sự rất yêu cuộc sống xuất gia. Nếp sống này rất đẹp. Mình có thể hiến tặng những kinh nghiệm thực tế cho thế giới Tây phương, cho xã hội hiện nay.
Con đã nghe nhiều bài pháp thoại của Thầy. Thầy thường dạy rằng yếu tố căn bản để mang đạo Bụt vào Tây phương là sự có mặt của tăng thân xuất sĩ mà trong đó có những thầy, những sư cô Tây phương ở lại tu học lâu trong chúng. Con thấy mình được nuôi dưỡng và hài lòng với cuộc sống xuất gia. Đây là cái mà con muốn hiến tặng cho xã hội Tây phương.
Có một câu hỏi con luôn tự hỏi mình: Con có thể sống như thế nào để hạt giống xuất sĩ trong con được lớn lên mỗi ngày?
Hàng ngày con thực tập xá chào và nhường quý sư cô đi trước. Con xin được rửa bát cho quý sư cô sau mỗi bữa ăn. Con chủ động quét dọn phòng ở. Hoặc khi con đến phòng của một sư cô lớn, nếu sư cô đang ngồi trên đơn thì con luôn quỳ xuống, chắp tay để thưa chuyện với sư cô. ực tập rất nhiều những hành xử nho nhỏ như vậy nuôi dưỡng niềm vui, sự kính trọng
và đức khiêm cung trong con. Con thấy mình tiếp xúc được với hạt giống xuất gia trong con và giữ gìn, nuôi dưỡng hạt giống đẹp này lớn thêm mỗi ngày.
Thầy Pháp Linh:
Sư cô đang làm tri đậu hũ. Công việc làm đậu hũ liệu có liên quan gì đến việc thiết lập đạo Bụt ở Tây phương không?
Sư cô Trăng Hiền Nhân:
Con không biết nếu Thầy đang ở đây thì Thầy có gọi con lên Sơn Cốc và đặt thẳng vấn đề với con: “Sao con lại ở trong bếp? Con nên tổ chức một khóa tu cho các nhà triết học”.
Con cảm thấy tuệ giác của Thầy không chỉ là mang đạo Bụt vào thế giới phương Tây, ầy còn chia sẻ những châu báu trong văn hóa Việt Nam với người Tây phương. í dụ như khi còn nhỏ, con thấy mình thiếu thốn nhiều thứ như tình thương, sự nhẹ nhàng và sự bao dung. ời thơ ấu con không bao giờ được sống, được hít thở, được thả mình trong không khí yêu thương như ở đây. Tại xóm Hạ, trong cuộc sống hàng ngày, con cảm được trong tâm các sư cô người Việt có nhiều hạt giống của thương yêu, nhẹ nhàng, vui tươi, bao dung và đơn giản. Sự thực tập của con là thả mình vào để được hưởng những cái đẹp ấy của văn hóa Việt Nam.
Ở xóm Hạ, những sư em nhỏ nhất được chọn tri trước. Con đã chọn làm đậu hũ. Con không nói được tiếng Việt và chưa hề biết cách làm đậu hũ. Con chỉ có thể thấy rằng khi làm đậu hũ con rất hạnh phúc. Con được hưởng lợi lạc từ bầu không khí tràn đầy năng lượng nhẹ nhàng, vui tươi của quý sư cô. Năng lượng tập thể ấy giúp con trị liệu rất nhiều.
Con nhớ khi đọc quyển sách Đường xưa mây trắng của Sư Ông, đến chương nói về niềm vui của thầy Cát Tường (Svastika) khi nhìn thầy La Hầu La (Rahula) cưỡi trâu: “Nếu không đi tu mà ở lại hoàng cung để sau này làm vua, chắc hẳn Rahula sẽ không bao giờ có dịp cưỡi lên mình trâu mà đi như hôm nay”. Thầy Cát Tường đã nghĩ như vậy và khi con làm đậu hũ, con cũng có một niềm vui tương tự. Nếu không xuất gia, con sẽ không bao giờ biết đến niềm vui khi cùng được làm đậu hũ với quý sư cô người Việt.
Thầy Pháp Linh:
Sư cô và sư chú đã rất can đảm để xuất gia trong giai đoạn này, khi mà Thầy không trực tiếp có mặt ở đây để dạy dỗ cho chúng ta. Nhưng nếu biết cách, chúng ta vẫn có thể tìm ra Thầy, gặp Thầy trong mỗi giây mỗi phút, trong mỗi bước chân, mỗi hơi thở. Sự quyết tâm, sức mạnh, tâm bồ đề và cách mà sư cô, sư chú đã tìm ra Thầy trong sự thực tập của mình tạo nguồn cảm hứng cho đại chúng rất nhiều. Cảm ơn sư cô và sư chú đã nuôi dưỡng tăng thân bằng sự tươi mát, niềm vui và hạnh nguyện của mình.