Tay cầm

Chân Bội Nghiêm 

Hãy dành chút thời gian để nhìn kỹ vào bàn tay, để ý từng chi tiết như lần đầu tiên bạn nhìn ngắm một báu vật. Đôi bàn tay đã song hành cùng tôi 35 năm, nhưng trước đây tôi xem thường và thấy không có gì đặc biệt để cần phải chăm sóc hay biết ơn. Chỉ vài năm gần đây tôi mới nhận ra sự nhiệm mầu, bàn tay giúp trị liệu và làm vơi đi những nỗi đau trong lòng. Đôi bàn tay có mặt để bảo vệ và hiến tặng bởi vì “bàn tay cũng là hoa”. Bàn tay nhắc nhở tôi hãy trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những gì đẹp, thiện, lành và bất diệt. 

Đôi khi tôi hình dung hình ảnh lần đầu tiên ba mẹ để ngón tay trỏ vào bàn tay của tôi khi tôi chào đời được vài ngày. Tôi nắm chặt ngón tay đó để cảm nhận được tình thương. Rồi ngày đầu tiên cầm bút để tập viết những chữ cái, thật khó khăn và đầy thử thách. Đến ngày tôi phải tập đi nhiều nơi một mình, không được cầm tay của ba mẹ hay chị, nỗi sợ hãi và lo lắng khởi lên vì không biết phía trước sẽ có những khó khăn gì. 

Một lần trong lúc nghe pháp thoại, hai tay tôi nắm lại với nhau và đột nhiên một nguồn năng lượng chạy từ đỉnh đầu xuống đến gót chân. Tôi rất ngạc nhiên với sự lạ thường này. Bỗng nhiên tôi nhận ra rằng trong đời không phải lúc nào cũng có người bên cạnh để mình nắm tay. Nhưng hai bàn tay của mình vẫn luôn có mặt ở đó thì tại sao mình lại không để hai bàn tay tự nắm lấy nhau để cảm được tình thương, bình an và sự che chở? Tại sao phải đi tìm bàn tay của một đối tượng nào khác ngoài mình? Từ đó tôi thường xuyên làm công việc “tay nắm tay” này. 

Trong một ngày, đôi bàn tay tiếp xúc trực tiếp với biết bao vật dụng nên chúng ta có thật nhiều cơ hội để nếm được hạnh phúc. Xả thọ là một cảm thọ không vui, không buồn, và tần suất có mặt nhiều hơn cảm thọ dễ chịu hay khó chịu. Quá trình của sự tu tập là tìm cách để chuyển hoá xả thọ thành lạc thọ. Thật ra điều này không quá khó để thực hiện. Vào cuối năm 2017, tôi phát lời nguyện: “Trong năm 2018, mỗi khi bàn tay tiếp xúc với vật gì như ly trà, ngòi bút, vô lăng, áo ấm, hay khi cầm tay người khác, trong con sẽ khởi lên lòng biết ơn”. Lời phát nguyện đó đã giúp nuôi dưỡng niềm hạnh phúc mỗi ngày mỗi lớn trong tôi. Những lúc chánh niệm có mặt, cả người tôi nổi “da gà” vì niềm hạnh phúc quá lớn. 

Hãy tưởng tượng khi vào nhà vệ sinh mà không có cửa để đóng, không có chốt để khoá thì nỗi sợ hãi và lo lắng sẽ đi lên nhiều như thế nào. Hay như khi đang có một dĩa thức ăn rất đẹp và ngon nhưng lại không có muỗng, đũa, lúc đó phải làm sao? Vậy nên tôi đang trân quý tất cả những gì tôi cầm được trong tay, cũng không còn xem thường đôi bàn tay mình nữa. Có lần đi bộ và cầm tay mẹ, tôi thầm nghĩ đến những ngày mẹ làm việc vất vả ngoài ruộng đồng, nấu những bữa ăn, giặt áo cho các con, viết những bức thư hay tập cho tôi lái xe, trong tôi tràn đầy lòng biết ơn. 

Những vật đang nằm trong lòng bàn tay nhắc nhở tôi rằng tất cả những gì có mặt trên cuộc đời đều có ý nghĩa và mục đích, không có gì là vô dụng. Kim chỉ giúp khâu vá những chiếc áo rách, trái táo cho thêm dinh dưỡng, ly nước làm vơi đi cơn khát,… Thế thì tại sao đôi khi ta lại hành hạ mình bằng những suy nghĩ cực đoan như: “Sự có mặt của tôi không có ý nghĩa gì, chỉ gây thêm phiền toái! Tôi là người vô ích, vô dụng, vô tích sự”. Mọi vật hiện hữu đều có mục đích, huống gì một con người? Vì vậy, đừng la mắng chính mình, và cũng đừng thu nhận hay chấp nhận những lời la mắng tiêu cực như thế từ bất cứ ai. Bản thân tôi, mỗi khi nhìn hay nghĩ đến những người thân trong gia đình huyết thống và gia đình tâm linh, tôi đều nhận thấy tầm quan trọng của từng người. 

 

 

Có lần tôi nghe câu chuyện của một cô độ tuổi trung niên sống chung với chồng hơn 30 năm. Người chồng thiếu sự tôn trọng nên đã dùng bạo lực với vợ khiến nỗi đau trong cô rất lớn. Điểm đáng buồn ở đây không chỉ là người vợ chấp nhận bị bạo hành, mà người chồng xem chuyện đánh vợ không có gì là nghiêm trọng và không nhận ra rằng mình đang đánh mất hạnh phúc gia đình. Tôi có chia sẻ trong buổi pháp đàm với sự có mặt của cả hai vợ chồng cô rằng: “Khi các em nhỏ đến tu viện tu học, quý thầy và quý sư cô hướng dẫn các em hãy nâng ly nước lên bằng đôi bàn tay để thể hiện sự trân quý và tôn trọng. Ngay từ lúc nhỏ, chúng ta mời các em ý thức việc hiến tặng tình thương, sự tôn trọng và bất bạo động với những đồ vật để sau này các em không dùng hai bàn tay làm đau bất cứ ai”. Nhìn ánh mắt của chú, tôi cảm nhận có lẽ chú đã ngộ ra rằng chú cần thay đổi hành động của mình. 

Ngày tôi xuống tóc xuất gia, ba mẹ ở xa nên không đến tham dự được. Đó là ngày tôi được sinh ra trở lại và tôi rất mong muốn ba mẹ thấy được con gái út dưới hình tướng mới. Tôi tự nghĩ phải làm sao để cảm nhận sự có mặt của ba mẹ trong buổi lễ. Vậy là, trong khi từ chỗ ngồi đi lên để nhận giới, tôi chắp tay và bước từng bước bình an. Tôi nhìn vào hai bàn tay và thầm nói “Tay phải là mẹ, tay trái là ba.” Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự có mặt sâu sắc và vi diệu của ba mẹ khi nhìn vào đôi bàn tay của mình. Giờ đây, dù mẹ đã trở về với đất Mẹ và ba đang ở xa, nhưng điều đó không cản trở sự truyền thông giữa tôi và ba mẹ vì hai bàn tay của tôi vẫn còn nguyên vẹn thì có nghĩa ba mẹ vẫn đang hiện hữu. 

Trước đây tôi không có cảm xúc gì đặc biệt mỗi lần cầm một vật trong tay, nhưng sau này tôi không còn dại dột như thế nữa. Mỗi giây phút, mỗi lần bàn tay cầm hay chạm vào một vật gì thì đó là một cơ hội để tôi cảm nhận, cảm thông, cảm thấu, cảm kích, cảm mến và cảm động chứ không phải để vô cảm hay trầm cảm. 

Mộc Lan ngày 10.11.2019