Về lại Việt Nam
Năm 2005, sau một năm thương thuyết – đúng dịp Việt Nam nộp đơn xin gia nhập Tổ chức thương Mại Thế giới (WTO), Chính phủ Việt Nam cuối cùng đã cho phép Thầy trở về quê hương, cùng một phái đoàn với hơn 200 đệ tử sau 39 năm bị lưu vong.
Thầy đã cho pháp thoại công cộng và hướng dẫn các khóa tu, và một số sách của Thầy cuối cùng cũng được phép chính thức xuất bản tại Việt Nam[i]. Dù chương trình sinh hoạt của tăng đoàn không được phép quảng bá trên các phương tiện truyền thông và nằm dưới sự kiểm soát rất chặt chẽ của chính quyền, những ngày quán niệm và các khóa tu do Thầy hướng dẫn vẫn có hàng ngàn người tham dự. Hàng trăm người trẻ muốn xuất gia với Thầy được chào đón tại Bát Nhã, một tu viện mới được thành lập tại cao nguyên Lâm Đồng, không xa Phương Bối[ii]. Năm 2007, Thầy trở lại Việt Nam để chủ trì ba Đại trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan, cầu nguyện cho hàng triệu người đã thiệt mạng trong chiến tranh. Năm 2008, Thầy trở về nước một lần nữa để cho một bài phát biểu quan trọng nhân dịp đại lễ Phật Đản quốc tế (Vesak) do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Hà Nội[iii]. Trong ba lần về thăm quê hương, Thầy đều có các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam[iv]. Trong những cuộc gặp này, cũng như trong những lần Thầy gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Quốc hội Hoa Kỳ, Quốc hội Ấn Độ, Quốc hội Anh hay Quốc hội Bắc Ireland, Thầy đều đưa ra những lời khuyến nghị để giúp đem lại một nền đạo đức, thịnh vượng và tiến bộ trên các lĩnh vực như xã hội dân sự, giáo dục và quan hệ quốc tế.
Thế nhưng những điều kiện thuận lợi đó không kéo dài được bao lâu. Sự phát triển quá nhanh chóng của tu viện Bát Nhã, với 400 xuất sĩ và có đến hàng trăm người trẻ đến tu học hàng tháng đã khiến chính quyền Việt Nam lo ngại và coi đây là một mối đe doạ. Vào ngày 27 tháng 9 năm 2009, sau nhiều tháng bị quấy nhiễu, tất cả vị xuất gia đã bị buộc phải rời khỏi Bát Nhã theo từng nhóm nhỏ để xin tá túc tại một số tự viện hiếm hoi dám mạo hiểm mở cửa che chở họ. Ngày nay, các thầy và các sư cô Bát Nhã ấy đã trở thành những giáo thọ trẻ phụng sự trong các tu viện của Làng Mai đang phát triển bên ngoài Việt Nam, tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Một loạt các tu viện mới được thành lập ở khắp nơi sau sự kiện Bát Nhã năm 2007, bao gồm tu viện Bích Nham ở phía bắc ngoại ô New York, Thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Paris, Trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan tại Khaoyai, tu viện Mộc Lan tại Mississipi (Hoa Kỳ), Viện Phật học Ứng dụng Á Châu tại đảo Lantau Hongkong, Tu viện Nhập Lưu ở bang Victoria, Úc[v].
[i] Trước chuyến về Việt Nam của Thầy, 4 quyển sách đã được phép xuất bản, đến mùa thu thì có tất cả là 12 quyển được phép xuất bản. Tham khảo Vấn đáp tại Lộc Uyển ngày 17 tháng 9 năm 2005.
[ii] Xin xem báo cáo chi tiết về chuyến đi này trong Lá thư Làng Mai số 29 – năm 2006 trên Trang nhà Làng Mai.
[iii] Xin xem Lá thư Làng Mai (LTLM) số 31 – năm 2008 về ba Đại trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan và LTLM 32 – năm 2009 về Đại lễ Phật đản (Vesak) tại Hà Nội.
[iv] Năm 2008, Thầy đã có cuộc gặp gỡ chính thức với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
[v] Đại chúng thuộc tu viện Rừng Phong và tu viện Thanh Sơn ở Vermont đã kết hợp lại để thành lập nên tu viện Bích Nham; Thiền đường Hơi Thở Nhẹ là tên mới của thiền đường Hoa Quỳnh (được thành lập từ năm 1985) ở Paris sau khi cơ sở được xây dựng lại và có chúng xuất sĩ thường trú vào năm 2008.