Tìm một hướng đi mới

Cuối mùa xuân năm 1949, sau hai năm tu học ở Phật học đường Báo Quốc, Thầy – lúc đó 23 tuổi – cùng hai người bạn, những người đã cùng Thầy thành lập tờ Tiếng Sóng, quyết định rời Huế vào Sài gòn tiếp tục con đường tu học[i]. Vì cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất vẫn còn đang tiếp diễn, Thầy và các bạn đã chọn đi đường vòng, có lúc phải đi thuyền để tránh các đoạn đường bị thiết quân luật. Trên đường đi, những người xuất gia trẻ này đã khẳng định hạnh nguyện trở thành những vị bồ tát của hành động bằng cách chọn cho mình một cái tên mới. Cả ba vị đều đồng lòng lấy tên có chữ “Hạnh“, có nghĩa là hành động. Vậy là Thầy (sư chú Phùng Xuân) trở thành “Nhất Hạnh“ (hành động duy nhất), hai vị kia có tên là“Chánh Hạnh“ và “Đường Hạnh“[ii]. Từ ngày đó trở đi, Thầy đã được biết đến dưới pháp hiệu Thích Nhất Hạnh.

Khi đến Sài Gòn, trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp còn đang tiếp diễn, Thầy và các bạn đã trú ngụ và học tập tại chùa Ấn Quang cũng như một số chùa khác. Đôi khi chỉ ở một vài tuần hay một vài tháng trong khi tiếp tục cố gắng theo đuổi con đường học hỏi đã tự đề ra. Sau một thời gian ngắn, vào mùa thu 1949, quyển thơ đầu tay Tiếng Địch Chiều Thu của Thầy đã được xuất bản, gồm khoảng 50 bài thơ, trong đó có cả một kịch thơ. Tiếp theo đó, tập thơ Ánh Xuân Vàng gồm những bài thơ được làm theo thể thơ “tự do“ cũng được xuất bản[iii]. Tập thơ của Thầy chuyên chở những trải nghiệm, những khổ đau, mất mát trong chiến tranh đã được độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt.

Thầy và những người bạn của mình là những vị tu sĩ Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tìm học thêm những môn tân học. Thầy và các bạn đã tận dụng thư viện Quốc gia tại Sài gòn cho việc học của mình. Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, các vị xuất gia không được phép học các môn thế học. Nhưng Thầy và các bạn, song song với việc học Tam tạng kinh điển, lại rất hăng hái học các môn khoa học, văn chương thế giới, ngoại ngữ, triết học và tâm lý học. Sau này Thầy hồi tưởng lại: “chúng tôi tin rằng những môn học này có thể giúp chúng tôi làm cho sự thực tập đạo Bụt gần gũi với đời sống. Ta cần nói ngôn ngữ của thời đại để giảng bày giáo lý của Bụt theo một cách mà mọi người có thể hiểu được“[iv].

Mùa thu năm 1950, Thầy đã cùng thầy Trí Hữu thành lập nên chùa Ấn Quang. Chùa làm bằng mái tranh, vách đất, hồi đó gọi là chùa Ứng Quang. Sau này chùa Ấn Quang trở thành Phật học đường Nam Việt – một viện Phật học với tinh thần đổi mới. Thầy là vị giáo thọ trẻ nhất trong Phật Học Viện[v]. Thầy tiếp tục học hỏi, nghiên cứu và vào mùa xuân năm 1950, cuốn sách đầu tiên của Thầy về Phật học, có tên là Đông phương luận lý học đã được NXB Hương Quê ấn hành. Quyển sách bàn thảo về luận lý học Đông Phương trong ánh sáng của triết học Tây Phương theo Aristotle, Hegel, Marx và Engels.

Cũng trong giai đoạn này, Thầy và những người bạn của mình bắt đầu có những hành động vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống. Họ thuộc về số tu sĩ Phật giáo đầu tiên dám đạp xe đạp trên đường phố[vi]. Thầy đã có một bước đi khá táo bạo là ghi danh tham dự kỳ thi Tú tài ở Sài gòn vào tháng 9 năm 1951, lấy mảnh bằng cần thiết để bước vào đại học[vii].

Vào tháng 10 năm 1951, Thầy được thọ giới Tỳ kheo ở tuổi 25, tại Đại giới đàn được tổ chức tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, do Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Hòa thượng đường đầu[viii]. Sau khi quyển sách Đông phương luận lý học của Thầy được xuất bản, Thầy được mời lên Đà Lạt để biên tập tạp chí Phật giáo Hướng Thiện, đồng thời hướng dẫn các tập sự xuất gia tại một trong những ngôi chùa ở đó. Thầy cũng hướng dẫn tu học cho một nhóm học tăng tại chùa Linh Quang[ix]. Hào hứng khám phá những chân trời mới, Thầy viết những bài báo về triết học Phật giáo và một đạo Bụt mới, phóng tác một vở kịch dựa trên kịch bản Le Tartuffe của Molière, sau này được in với tựa đề Cậu Đồng[x]. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán vào tháng 2 năm 1952, Thầy đã giúp các học tăng dựng vở kịch này. Khi nhìn lại thời gian ấy, Thầy viết: “Năm đó tôi 24 tuổi, đầy năng lượng sáng tạo, là một nghệ sĩ, một nhà thơ. Trên tất cả mọi thứ, tôi muốn giúp làm mới lại đạo Bụt ở Việt Nam để có thể đáp ứng lại nhu cầu của người trẻ.“[xi]

Dù cuộc chiến tranh chống Pháp ở Đông dương vẫn đang tiếp diễn, và những thế lực Thiên chúa giáo đô hộ đang tìm mọi cách có thể để chiếm ưu thế trở lại, những người Pháp trí thức sống tại Đà Lạt lạ thay lại rất hiếu kỳ và tôn trọng Phật giáo. Và hàng tuần Thầy đều có bài giảng cho họ tại chùa Linh Sơn. Lúc ấy, những tờ báo Pháp như Tư tưởng Phật giáo (La Pensée Bouddhique), do bà Marguerite La Fuente ở Paris làm chủ bút, được phát hành ở Sài gòn. Tờ báo cung cấp một nguồn nghiên cứu nghiêm túc, có tính hàn lâm và rất phong phú về đạo Bụt để Thầy tham khảo. Lấy cảm hứng từ tờ tạp chí Phật giáo Pháp là tờ Hoa Sen Xanh (Le Lotus Bleu), Thầy nhanh chóng đổi mới tạp chí Hướng Thiện thành cỡ nhỏ hơn, và đổi tên thành tạp chí Liên Hoa.

Trong khoảng thời gian đầu những năm 1950, Thầy phải chia thời gian của mình ra cho hai nơi là Đà lạt và Sài gòn, nơi Thầy dạy học, viết báo và hoàn tất chương trình Tú tài. Những bài giảng về Chỉ và Quán của Thầy tại giảng đường hội Phật Học Nam Việt (trụ sở tại chùa Phước Hòa, Bàn Cờ, Sài Gòn) đã được làm thành sách Chỉ Quán Yếu Lược[xii]. Thỉnh thoảng Thầy được mời dạy các khóa học ở Đồng Nai Thượng. Thật không dễ dàng chút nào cho Thầy về mặt tài chánh để duy trì cuộc sống độc lập. Thầy và các bạn lại không đi về hướng nhận sự bảo trợ tài chính từ cư sĩ. Tiền nhuận bút từ các bài viết và sách của Thầy giúp duy trì những nhu cầu căn bản nhất, nhưng không phải lúc nào cũng có. Nhiều lúc Thầy không có đủ thuốc men và nghỉ ngơi cũng không đủ, vì vậy sức khỏe của Thầy trong thời gian đó rất kém và khá mong manh.

Cuối năm 1952 tại Đà Lạt, Thầy và anh trai tên là An (ở nhà gọi là Bé Anh) cùng thành lập trường trung học và tiểu học Tuệ Quang. Đây là ngôi trường tư thục đầu tiên của Phật giáo do các vị xuất gia phụ trách điều khiển, đem lại cho các gia đình Phật tử một chương trình giáo dục có hệ thống, mà cho đến thời điểm ấy chỉ có thể tìm được tại các trường Cơ đốc giáo của người Pháp[xiii]. Trong chương trình đào tạo của trường Tuệ Quang có các môn về khoa học và cả tiếng Pháp. Các vị xuất gia trẻ có thể được miễn học phí, nếu điều kiện tài chính khó khăn.

Những bài giảng, bài viết của Thầy được đăng trên báo Hướng Thiện từ năm 1951 bắt đầu được xuất bản thành sách. Hai cuốn sách Là Phật tử (NXB Hương Quê) và Gia đình tin Phật (NXB Đuốc Tuệ) được phát hành vào năm 1953, và được trích đọc hàng tuần trong chương trình về Phật giáo của đài phát thanh lúc bấy giờ. Đây là những bước khởi đầu của Thầy trong việc xây dựng, phát triển những pháp môn thực tập hữu hiệu dành cho người trẻ, cho các gia đình, cũng như những thực tập liên quan đến sự truyền thông trong gia đình, trong môi trường làm việc. Lúc đó Thầy hy vọng là trong tương lai Thầy có thể “thấy các thầy và các sư cô điều hành các trường trung học, mẫu giáo và trung tâm y tế, áp dụng thiền tập vào công việc phụng sự giúp đời, nghĩa là không chỉ nói về lòng từ bi, mà biểu lộ lòng từ bi qua hành động.”[xiv]

 

 

 

[i] Trong tác phẩm Creating True Peace: Ending Conflict in Yourself, Your Community and the World (2001) tr.22, Thầy đã nói: “Tôi rời Phật học đường Báo Quốc vì tôi thấy những bài giảng và phương pháp thực tập ở đó không đáp ứng được những đòi hỏi của thực trạng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng tôi không từ bỏ con đường tu của mình.” Trong tác phẩm Cultivating the Mind of Love (1996) tr.21, “Chúng tôi rời Phật học đường Báo Quốc ở Huế, bởi vì chúng tôi cảm thấy những bài giảng ở trường không đáp ứng được nhu yếu của chúng tôi.”

[ii] Tài liệu cá nhân chưa được công bố của Thầy. Chữ “Hạnh” trong tên của Thầy và hai người bạn đồng tu gợi nhớ đến Thiền sư Vạn Hạnh, một bậc danh tăng kiệt xuất vào thế kỷ X-XI, tinh thông đạo Bụt, đạo Khổng và đạo Lão. Thiền sư đã từng là cố vấn của vua Lê Đại Hành. Vạn Hạnh nghĩa là “một vạn hành động”, còn Nhất Hạnh nghĩa là “một hành động duy nhất”. Sau này khi nói về pháp hiệu của mình, Thầy nói rằng: không giống với bậc tiền bối lỗi lạc của mình, Thầy cần tập trung vào một việc duy nhất mà thôi. Nguồn: Sallie B. King, “Thich Nhat Hanh and the Unified Buddhist Church of Vietnam: Nondualism in Action,” in Christopher S. Queen and Sallie B. King (Eds.) Engaged Buddhism: Buddhist Liberation Movements in Asia (1996), Chương 9.

[iii] Tiếng Địch Chiều Thu được xuất bản với tên Nhất Hạnh vào năm 1949 bởi NXB Long Giang. Tiếp sau đó là tác phẩm Thơ Ngụ ngôn được ra mắt đọc giả với bút danh “Hoàng Hoa”, do NXB Đuốc Tuệ ấn hành vào năm 1950. Không lâu sau đó, cũng trong năm 1950, tập thơ Ánh Xuân Vàng được xuất bản.

[iv]  Tác phẩm Cultivating the Mind of Love (1996), tr.22.

[v]  Pháp thoại ngày 27 tháng 6 năm 1999, tại xóm Thượng, Làng Mai; và pháp thoại ngày 6.5.2008 tại Hà Nội. Chùa Ấn Quang được thành lập năm 1949. Thầy Trí Hữu và Thầy là hai người đầu tiên sáng lập ra chùa Ấn Quang. Ngày nay, chùa Ấn Quang là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Tp. Hồ Chí Minh.

[vi] Pháp thoại ngày 10.5.2014. Thầy và các bạn đạp xe dọc bãi biển ở Nha Trang.

[vii] Tại trường trung học Vương Gia Cần ở Sài Gòn. Vào thời ấy, việc người tu đi học thế học là không phù hợp.

[viii] Tiểu sử HT. Thích Đôn Hậu (Trích: Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX – tập 1, TT. Thích Đồng Bổn chủ biên, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1995)

[ix] Để biết thêm về những hoạt động của Thầy tại Đà Lạt vào năm 1950, có thể đọc tác phẩm

 Cultivating the Mind of Love (1996).

[x] Những bài viết của Thầy được xuất bản thành sách Gia Đình Tin Phật bởi NXB Đuốc Tuệ vào năm 1953. Qua các bài viết này, Thầy đưa ra những phương pháp thực tập mới mẻ và cụ thể để người Phật tử có thể áp dụng những giáo lý của Bụt vào trong đời sống gia đình; ngoài ra còn hướng dẫn những nghi thức tụng niệm rất ý nghĩa mà người Phật tử có thể thực tập tại nhà.

[xi] Trích từ tác phẩm Cultivating the Mind of Love (1996), tr.11

[xii] Chỉ Quán Yếu Lược do Hội Phật Học Nam Việt xuất bản năm 1955, in lại từ tạp chí Từ Quang. 

[xiii] Tác phẩm “Bây giờ mới thấy” – NXB Phương Đông, trang 42. Đến năm 1970, có 72 trường tiểu học và 65 trường trung học tư thục được xây dựng dựa trên mô hình này. Các trường này có tên là trường Bồ Đề, với 58.000 học sinh. Đến năm 1975, tất cả các trường này đều trở thành trường công, dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục.

[xiv] Cultivating the Mind of Love (1996), tr.22.