Lãnh đạo phong trào hòa bình Phật giáo và hoạt động xã hội

Tháng 12 năm 1963, Thầy rời Hoa Kỳ để về lại Việt Nam. Trên đường về nước, Thầy ghé qua Paris và có thuyết pháp cho đồng bào tại đây. Tháng Giêng năm 1964, Thầy về đến Việt Nam và đứng ngay vào vai trò lãnh đạo của phong trào hòa bình Phật giáo và hoạt động xã hội[i].  Chỉ vài ngày sau khi về nước, Thầy đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật giáo và sinh viên để lắng nghe về tình hình của đất nước. Thầy đề nghị hai phương án cụ thể cho các nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi: thứ nhất, mỗi tuần dành hẳn một ngày để cùng nhau đến chùa Trúc Lâm tu tập, tĩnh lặng thân tâm và thảo luận kế hoạch hành động; thứ hai hết lòng xây dựng những làng hoa tiêu (còn gọi là làng tự nguyện hay làng tình thương) nhằm tái thiết và phát triển nông thôn.

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN)[ii], Thầy đã đưa ra 3 điểm kiến nghị rất cụ thể để cộng đồng Phật giáo có thể góp phần vào việc chấm dứt tình trạng chia rẽ và bạo động trên đất nước:

  1. Giáo hội nên đứng lên kêu gọi anh em miền Nam và miền Bắc Việt Nam ngồi lại tìm giải pháp chung để chấm dứt chiến tranh cốt nhục tương tàn.
  2. Giáo hội nên cấp thiết thành lập một Viện Cao đẳng Phật học để xây dựng lớp trí thức mới có tu có học rành mạch những điều Phật dạy hầu hướng dẫn đất nước đi về hướng đại trí đại bi, khoan dung, và biết lắng nghe tiếng nói của toàn dân.
  3. Giáo hội nên xây dựng ngay một trung tâm đào tạo tác viên xã hội để về các vùng nông thôn giúp người nghèo – những người thiếu ăn, thiếu học, chưa biết cách tổ chức làng xã – nhằm thúc đẩy việc thay đổi xã hội một cách bất bạo động, dựa trên giáo lý của Bụt.

Các vị tôn túc trong Giáo hội chỉ đồng ý điểm thứ hai là thành lập Viện Cao đẳng Phật học. Tuy nhiên, vì không có tài chánh và địa điểm để xây dựng học viện nên họ cho Thầy được toàn quyền xúc tiến. Chỉ trong vòng một tuần, Thầy đã gặp các vị lãnh đạo của GHPGVNTN và bắt tay vào xây dựng Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn[iii].

Những năm tiếp theo là thời kỳ dày đặc các hoạt động giảng dạy, in ấn, thuyết giảng công cộng, xây dựng cộng đồng và các hoạt động xã hội. Qua đó, Thầy đã gây được rất nhiều cảm hứng cho thế hệ trẻ. Cuối cùng thì Thầy đã có cơ hội biến ước mơ thành hành động. Chùa Trúc Lâm trở thành một địa điểm nơi những người tu trẻ và cư sĩ cùng gặp gỡ và làm việc chung với nhau như một cộng đồng. Các sinh viên về đây vào cuối tuần[iv]. Thầy hướng dẫn cho sư chú Nhất Trí – người đệ tử đầu tiên được Thầy thế phát xuất gia và là một tác viên xã hội tài năng – phụ trách chương trình xây dựng làng Cầu Kinh[v]. Cộng đồng của Thầy xây dựng hai làng thí điểm: làng Cầu Kinh và sau đó là làng Thảo Điền[vi]. Các tác viên xã hội trẻ, cả xuất sĩ và cư sĩ, giúp dân làng xây trường học và khởi sự dạy chữ cho trẻ con trong làng. Ngay sau đó, họ cũng bắt đầu huấn luyện dân làng các kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng hệ thống tưới tiêu và hướng dẫn về vệ sinh trong cộng đồng. “Chúng tôi không có tiền bạc, nhưng chúng tôi đã có kế hoạch và rất nhiều thiện chí”, Thầy nói[vii].

Tháng Ba năm 1964, với sự hỗ trợ hết lòng của các sinh viên và bạn hữu, Thầy đã thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội. Thầy dời thư viện gồm khoảng 20,000 quyển sách từ Phương Bối về Viện. Thầy bắt đầu một trong những khóa học đầu tiên về Pháp tướng duy thức họcPháp tánh không tuệ học cùng với các kinh nguyên thỉ khác. Khi HT. Thích Minh Châu từ Ấn độ trở về vào tháng Tư, Thầy đã thỉnh Hòa thượng làm giám đốc của Viện. Niên khóa đầu tiên bắt đầu vào mùa thu năm 1964, thời điểm mà Viện Phật học có tên mới là Viện Đại học Vạn Hạnh[viii].

Đồng thời, Thầy cùng với các cộng sự thành lập nhà xuất bản Lá Bối để nói lên tiếng nói của một đạo Bụt mới, khởi xướng một con đường chấm dứt bạo động[ix]. “Chúng tôi sử dụng văn hóa và nghệ thuật như một ‘vũ khí’ để chống lại sự đàn áp,” Thầy giải thích. “Sáng tác của các cây bút phản chiến, các nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ, dù là bất hợp pháp, đều được phát hành rộng rãi. Các bản nhạc phản chiến được hát trên đường phố và trong lớp học, và văn học phản chiến trở thành loại sách được bán nhiều nhất ở Việt Nam, thậm chí còn lọt vào các đơn vị quân đội.”[x] 

Không lâu sau đó, Thầy trở thành chủ bút của tuần san Hải Triều Âm – cơ quan thông tin văn hóa của Viện Hóa Đạo thuộc GHPGVNTN. Tờ báo ngày càng được nhiều người biết đến. 50 ngàn bản đã được in mỗi tuần, được chuyển ra Huế và Đà Nẵng bằng đường hàng không. Đó là tờ báo đầu tiên công khai đăng các bài thơ và nhạc về hòa bình, đồng thời với các bài tham luận Phật giáo quan trọng, các bài tường trình về hành động tuyệt thực để biểu tình của tăng ni và các cuộc phản đối sự áp bức của chính quyền. Các bài thơ về hòa bình của Thầy, được viết theo thể thơ tự do, trở nên rất nổi tiếng và chạm đến trái tim của hàng triệu người dân Việt. Mặc dù Thầy chưa bao giờ gọi thơ của mình là “thơ tự do” nhưng những bài thơ của Thầy được xem là những tác phẩm tiêu biểu của phong trào Thơ Mới[xi].

Tháng Mười một năm 1964, một nạn lụt lớn tại miền Trung đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng và cuốn trôi hết nhà cửa. Nạn nhân trong những vùng có giao tranh chịu thiệt thòi nhất vì không ai dám tới tận nơi để cứu trợ. Thầy, sư chú Nhất Trí và chị Phượng đã tổ chức một đoàn thuyền cứu trợ có treo cờ Phật giáo và biểu ngữ cho biết đây là đoàn thuyền cứu trợ, đi ngược dòng Thu Bồn dưới những làn đạn để phân phát lương thực và các vật dụng cần thiết cho bà con tại huyện Đức Dục, tỉnh Quảng Nam. Đoàn đã gặp những trẻ em trúng đạn mình đầy máu me, những thanh niên xanh xao thiếu ăn, những người cha đang khổ đau vì cả gia đình đã bị lũ cuốn đi. Đêm hôm đó, Thầy đã cắt đầu ngón tay, nhỏ máu xuống dòng sông Thu Bồn và phát nguyện sẽ không bao giờ quên đồng bào khổ cực chết vì thiên tai, vì bom đạn ở những vùng xa xôi như vậy[xii].

Làm công tác phụng sự xã hội trong bầu không khí đầy nghi kỵ, hận thù, sợ hãi và bạo động thật vô cùng khó khăn. Hiểm nguy có thể đến từ bất cứ bên nào, bất cứ lúc nào. Bạn bè của Thầy đã bị bắt bớ, các tác viên xã hội bị đe dọa, và hiểm nguy, bạo động lúc nào cũng có thể xảy ra. “Nếu không có một sự thực tập tâm linh, bạn không thể nào sống nổi,” Thầy giải thích[xiii]. “Đạo Bụt dấn thân đã được sinh ra trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như vậy. Chúng tôi muốn duy trì sự thực tập của mình trong khi đối diện với khổ đau. Chúng tôi thực tập thiền hành ngay tại nơi mà đồng bào vẫn đang chạy dưới bom đạn. Và chúng tôi học cách trở về với hơi thở chánh niệm trong khi giúp chăm sóc cho một em bé bị thương vì trúng bom đạn”[xiv]. Chỉ có hơi thở chánh niệm mới có thể giúp cho các tác viên xã hội không bị những cảm xúc mạnh kéo đi, có đủ bình an để biết cái gì cần làm và cái gì không nên làm trong khi thực hiện công tác cứu trợ.

Khổ đau và khó khăn đã trở thành những người thầy lớn của các tác viên xã hội lúc bấy giờ. “Điều khó khăn nhất là không để mất hy vọng, không đầu hàng tuyệt vọng,” Thầy nói. “Trong hoàn cảnh khổ đau tột cùng như vậy, chúng tôi phải thực tập như thế nào để giữ được hy vọng và lòng từ bi của mình.”[xv] Cũng trong thời gian này, một trong những làng mà họ đang giúp tái thiết gần vùng phi quân sự đã bị ném bom. Họ xây lại làng. Khi làng bị ném bom lần thứ hai, các tác viên xã hội hỏi Thầy là có nên dựng lại làng nữa hay không, và Thầy đã trả lời: “Nên”. Làng lại tiếp tục bị ném bom lần thứ ba. Và khi được hỏi, Thầy suy nghĩ một hồi lâu rồi trả lời : “Nên”.  Sau này Thầy giải thích: “Có vẻ không có một hy vọng nào là chiến tranh sẽ kết thúc, bởi vì chiến tranh đã kéo dài quá lâu. Tôi phải thực tập thở và trở về với chính mình trong giây phút đó, khi các bạn trẻ hỏi tôi. Phải thú thật là lúc ấy tôi chẳng có hy vọng gì nhiều, nhưng nếu tôi không còn hy vọng thì tôi sẽ khiến cho các bạn trẻ đau buồn và tuyệt vọng. Tôi phải thực tập thật sâu sắc và nuôi một chút hy vọng le lói trong lòng để trở thành nơi nương tựa cho các em.”[xvi]

Cho đến thời điểm tháng Sáu năm 1965, ở miền Nam Việt Nam, phe quân sự đã giành chính quyền; bạo động và đàn áp nổi lên khắp nơi. “Quyền tự do dân sự bị hạn chế, những người có quan điểm chính trị đối lập – bị tố cáo là trung lập hoặc thân cộng sản – đều bị bắt bỏ tù; các đảng chính trị được phép hoạt động với điều kiện là họ không được công khai chỉ trích chính sách của nhà cầm quyền”[xvii]. Các trận đánh du kích vẫn tiếp tục diễn ra. Thầy tiếp tục viết những bài thơ kêu gọi hòa bình, nói lên những đau thương cùng cực của người dân trong cảnh bom đạn của chiến tranh. Tập thơ của Thầy, Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện, được xuất bản năm 1965. Hơn 3000 bản đã được bán hết trong vòng hai tuần lễ. Không lâu sau đó, những bài thơ của Thầy bị hai bên lâm chiến công kích trên đài phát thanh, gọi là “thơ phản chiến” làm an ninh của Thầy bị đe dọa[xviii]. Mặc dù vậy, tập thơ này vẫn được in chui và phổ biến rộng rãi. Những bài thơ của Thầy được phổ nhạc và trở thành các bài hát cho hòa bình được nhiều người ưa thích, thường được hát trên đường phố hoặc trong các buổi hội họp của sinh viên học sinh. Phạm Duy, một trong những nhạc sĩ nổi tiếng đã viết 10 bài Tâm ca, lấy cảm hứng từ các bài thơ và thông điệp của Thầy : “Kẻ thù ta không phải là con người”[xix].

Năm 1965, lo ngại quân cộng sản chiếm ưu thế, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B Johnson đã gửi một đội quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đến Việt Nam. Đến mùa hè thì đã có hơn 125 ngàn lính Mỹ trên đất Việt. Thầy và các nhà trí thức hàng đầu ở Việt Nam nhận ra rằng gốc rễ của cuộc chiến thực sự nằm ở Tây phương và sự yểm trợ của các nhà lãnh đạo tâm linh và nhân quyền nổi tiếng ở Tây phương là rất cần thiết để giúp công luận có một cái nhìn khác về cuộc chiến tranh Việt Nam. “Qua hai cuộc chiến tranh, chúng tôi đã chứng kiến những người lính Pháp đến Việt Nam để giết và bị giết, và những người Mỹ trẻ tuổi cũng đến đây để giết và bị giết”, Thầy nói[xx]. “Tôi có thể thấy nguyên nhân gây ra khổ đau ở Việt Nam không phải là từ những người lính Mỹ mà là từ một chính sách không có tuệ giác, một chính sách được làm bởi sợ hãi và cái thấy sai lệch.”[xxi]

Vì lý do đó mà Thầy cùng với các cộng sự nhất trí rằng Thầy nên viết thư cho Mục sư Martin Luther King Jr vào tháng 6 năm 1965, còn những vị khác thì viết thư cho Jean-Paul Sartres, Henry Miller, v.v.[xxii] Trong bức thư gửi Mục sư King, Thầy đã giải thích về lòng từ bi ẩn chứa trong hành động tự thiêu của các tu sĩ Phật giáo cho hòa bình. Và Thầy viết: “Ở đây không ai muốn chiến tranh cả. Vậy thì chiến tranh để làm gì? Và chiến tranh cho ai? […] Tôi biết chắc rằng bởi vì Mục sư đã từng dấn thân vào một cuộc tranh đấu cam go nhất cho bình đẳng và nhân quyền, Ngài là một trong những người có thể hiểu thấu và chia sẻ được những đau khổ không bờ bến của dân tộc Việt. Các nhà nhân bản lớn trên thế giới chẳng thể nào ngồi yên và giữ yên lặng được. Ngài không thể im lặng được”[xxiii]. Một năm sau đó, khi hai vị gặp nhau tại Chicago thì Mục sư King đã tham gia vào Ủy ban Lương tâm Quốc tế về vấn đề Việt Nam (International Committee of Conscience on Vietnam).  

Mùa hè năm 1965, Thầy và các cộng sự chính thức thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH), một mô hình chính quy cho các dự án thí điểm mà Thầy và một nhóm các sinh viên trẻ – còn được gọi là nhóm “13 cây tùng”- khởi xướng trước khi Thầy rời Việt Nam. Giờ đây hướng đi của trường là xây dựng nên một tổ chức hoạt động xã hội chính quy, gắn liền với quần chúng, trung lập về chính trị, một nơi đào luyện cho người trẻ những kỹ năng thực tế và giúp họ có tinh thần vững vàng để có thể đi về những làng mạc nghèo khổ bị bom đạn tàn phá, giúp dân xây trường học, bệnh xá, làm nhà ở cho người vô gia cư và tổ chức những hợp tác xã nông nghiệp[xxiv]. Trường tập trung vào bốn lĩnh vực: giáo dục, sức khỏe & vệ sinh, kinh tế và tổ chức. Các học viên của trường TNPSXH giúp dân làng dựng các trường học bằng tre lợp lá dừa và bắt đầu dạy học. Các tác viên còn dạy dân làng làm hệ thống tưới tiêu ngoài đồng và phương pháp trồng nấm rơm. Họ giúp đào các hố tiêu tự hoại, xây các bệnh xá để chữa tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng[xxv]. Thời gian đó Thầy đã ghi lại: “Chúng tôi thấy rõ điều đó và đã quyết định với nhau rằng một phong trào dựng lại xứ sở cần được đặt trên một căn bản hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi muốn mở một mặt trận chống lại nghèo đói, ngu dốt, bệnh tật và vô tổ chức”[xxvi].

Trường TNPSXH đã thu hút những người trẻ có nhiệt tâm muốn hành động để làm thay đổi tình trạng, những người muốn chọn một con đường bất bạo động, thay vì phải theo phe cộng sản hay phe chống cộng. Cũng như những người làm cách mạng, tham gia TNPSXH đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh. Tương tự như những thành viên của Đoàn thanh niên phụng sự Hòa bình (Peace Corps) của Mỹ, các tác viên xã hội không có lương, chỉ có một ít tiền để ăn trưa, công tác phụng sự của họ được làm bằng tấm lòng. Tuy nhiên, thật chóng vánh, người ta có thể thấy rõ ràng là sự trung lập về chính trị vừa là điểm mạnh nhất nhưng cũng là điểm làm TNPSXH gặp nhiều hiểm nguy nhất. Với một đất nước bị chia cắt nặng nề, thậm chí sự trung lập cũng làm cho cả hai phe lâm chiến cảm thấy bị đe dọa.

Thầy đã làm bài thơ Dặn dò[xxvii] để nhắn nhủ các sinh viên của mình giữ gìn tâm từ bi và không bị rơi vào tuyệt vọng khi phải đối diện với bạo động và bất công trên con đường phụng sự:

Xin hứa với tôi hôm nay
Trên đầu chúng ta có mặt trời
Và buổi trưa đứng bóng
Rằng không bao giờ em thù hận con người
Dù con người
Có đổ chụp trên đầu em
Cả ngọn núi hận thù
Tàn bạo,
Dù con người
Giết em,
Dù con người
Dẫm lên mạng sống em
Như là dẫm lên giun dế,
Dù con người móc mật moi gan em
Đầy ải em vào hang sâu tủi nhục,
Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn:
Kẻ thù chúng ta không phải con người.
Xứng đáng chỉ có tình xót thương
Vì tôi xin em đừng đòi điều kiện

Bởi không bao giờ
Oán hờn lên tiếng
Đối đáp được
Sự tàn bạo con người
.

Thầy đã được một đoàn thể rất mạnh gồm các bạn bè và cộng sự yểm trợ trong việc thực hiện chí nguyện của mình. Thầy Thanh Văn, đệ tử của một trong các huynh đệ của Thầy, là người rất tận tụy và đã trở thành giám đốc đầu tiên của trường TNPSXH. Thầy Châu Toàn, đệ tử duy nhất của HT. Thích Mật Thể – người khởi xướng phong trào đạo Bụt dấn thân đã gây cảm hứng sâu sắc cho Thầy khi Thầy còn là một người tu trẻ, đã trở thành Tổng thư ký của tờ Hải Triều Âm. Sư chú Nhất Trí, người đệ tử xuất gia đầu tiên của Thầy, là một tác viên xã hội mẫu mực, một tấm gương của sự khiêm nhường và lòng từ bi. Chị Phượng, Chủ tịch hội sinh viên Phật tử Viện Đại học Vạn Hạnh, trở thành một lãnh đạo hăng say và tháo vát trong các công tác xã hội của trường[xxviii].

Bất chấp tất cả những hiểm nguy, thử thách mà các tác viên xã hội phải dối diện hàng ngày trong công tác, những năm giữa thập niên 1960 là thời gian của sự đoàn kết, của tình huynh đệ và niềm vui trong công việc xây dựng cộng đồng. Cộng đồng TNPSXH là một tập thể trẻ, năng động đang hướng tới một tương lai đầy hy vọng và hòa giải. Thầy yêu cầu tất cả các tác viên mỗi tuần một lần, dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng phải tập họp ở chùa Trúc Lâm, Gò Vấp để cùng nhau thiền tọa, thiền hành, ăn với nhau một bữa cơm và cùng ngâm thơ, ca hát với nhau để lấy lại tinh thần.

Tháng Hai năm 1966, Thầy tiến thêm một bước nữa trong công việc xây dựng cộng đồng bằng cách thành lập dòng tu Tiếp Hiện, một dòng tu mới dựa trên giới Bồ Tát truyền thống, trình bày được cái thấy mới về một đạo Bụt dấn thân hiện đại. Dòng tu Tiếp Hiện chuyên chở giáo lý của Thầy về việc “không theo phe trong một cuộc tranh chấp”, và nhấn mạnh đến việc không bị vướng mắc vào một quan điểm hoặc một ý thức hệ nào. Đối với Thầy, những giới này chính là “câu trả lời trực tiếp cho vấn đề chiến tranh, là câu trả lời trực tiếp cho chủ nghĩa giáo điều khi mà người ta sẵn sàng giết hoặc chết cho niềm tin của mình”[xxix]. Sau này Thầy nói: “Là những Phật tử thực tập theo con đường hòa bình và hòa giải, chúng ta không thể nào chấp nhận một cuộc chiến mà trong đó anh em một nhà dùng ý thức hệ và vũ khí của bên ngoài để tàn sát lẫn nhau. Dòng tu Tiếp Hiện được lập ra như một phong trào phản kháng tâm linh”[xxx]. Sáu vị Tiếp Hiện đầu tiên (trong đó có chị Phượng) là những tác viên xã hội năng nổ, hết lòng đem lý tưởng của đạo Bụt áp dụng vào đời sống thực tế, họ yểm trợ lẫn nhau trong việc kết hợp đời sống tâm linh vào hoạt động xã hội. Mỗi tuần họ đều đến chùa lá Pháp Vân để cùng tụng giới với nhau[xxxi]. Trong những thập niên kế tiếp, Thầy tiếp tục làm mới Mười bốn giới Tiếp Hiện, và những giới này đã trở thành kim chỉ nam đạo đức giúp định hướng cho hoạt động dấn thân. Đến hôm nay, đã có hơn 3000 thành viên thuộc dòng tu Tiếp Hiện trên toàn thế giới.

Sau này Thầy viết: “Chiến tranh Việt Nam, trước hết và trên hết, là một cuộc tranh đấu về ý thức hệ. Để bảo đảm cho sự sống còn của dân tộc, chúng tôi phải vượt qua thái độ cuồng tín của cả hai phía cộng sản và chống cộng sản và duy trì sự trung lập một cách cực kỳ nghiêm mật. Người Phật tử làm hết sức mình để nói lên tiếng nói của cả dân tộc mà không theo phe phái, nhưng chúng tôi đã bị lên án là ‘thân cộng’. Cả hai bên lâm chiến đều hô hào rằng họ nói lên mong muốn đích thực của dân chúng, nhưng miền Bắc là tiếng nói của khối cộng sản, và miền Nam là tiếng nói của khối tư bản. Người Phật tử chỉ muốn tạo ra một phương tiện để tiếng nói của người dân được lắng nghe – và người dân chỉ muốn hòa bình mà không phải là ‘chiến thắng’ cho bên này hoặc bên kia”[xxxii]. Nhưng, Thầy nói, “tiếng máy bay và tiếng bom quá lớn. Người dân trên thế giới không thể nghe được tiếng nói của dân tộc chúng tôi. Vì vậy tôi đã quyết định sang Hoa Kỳ để vận động chấm dứt chiến tranh”[xxxiii].

 

 

[i] Phong trào tranh đấu bất bạo động này được gọi là “Lực lượng thứ ba” trong bối cảnh chính trị ở Việt Nam vào thời điểm đó.

[ii] Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được chính thức thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 1963, hợp nhất tất cả các tông phái Phật giáo Việt Nam lại thành một giáo hội duy nhất. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam từ 10 năm trước.

[iii] Thầy đã gặp các vị lãnh đạo của GHPGVNTN vào ngày 30.1.1964 và mời quý Hòa thượng Trí Thủ, Thiện Hoa và Thiên Ân cùng tham gia vào công trình này.

[iv] Quý thầy gồm có Đồng Bổn, Thanh Văn, Thanh Tuệ, Thanh Hương, Thanh Hiện, Từ Mẫn, Châu Toàn, Nhất Trí; và các bạn sinh viên gồm có Tâm Quang, Tâm Thái, Thu Hà, Trà Mi, Phùng Thăng.

[v] Sư chú Nhất Trí đã từng theo học và thọ Năm giới với Thầy tại B’lao. Năm 1964, sư chú đã được Thầy thế phát xuất gia.

[vi] Dự án Làng Thảo Điền do chị Phượng khởi xướng. Sư chú Nhất Trí đã sống và làm việc tại chính ngôi làng này. 

[vii] Trích Nẻo về của ý – NXB Văn hóa Sài Gòn,  tr.206.

“Thỉnh thoảng Lý hỏi tôi có ‘nghèo’ lắm không. Tôi nói: nghèo lắm thì cũng chưa phải là nghèo. Nghèo mấy thì cũng còn có ánh trăng bên cửa sổ, khi điện thành phố bị cúp. Đó là lời nói theo kiểu thơ  ‘hài cú’(haiku) của thi sĩ Ba Tiêu (Basho). Lý cười ha hả và móc túi đưa cho tôi năm bảy trăm đồng, nói rằng trả tiền cái truyện ngắn đăng trên báo của Lý. Tôi không nhớ là Lý đã đăng truyện gì của tôi, nhưng mà tôi cứ nhận tiền của Lý như thường. ” – Trích Nẻo về của ý – NXB Văn hóa Sài Gòn,  tr.210.

[viii] Viện Đại học Vạn Hạnh được Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa cấp giấy phép ngày 17.10.1964. Kể từ khi Thầy không được phép trở về quê hương, tên của Thầy đã không còn được ghi trong lịch sử của Viện Đại học Vạn Hạnh, dù Thầy là người sáng lập.

[ix] Những cuốn sách của Thầy như Đạo Phật Hiện Đại Hóa, Nói Với Tuổi Hai Mươi đều được phát hành vào năm 1965. Qua những tác phẩm này, Thầy đã nói lên được những sợ hãi, hoang mang và hy vọng của thế hệ trẻ và chỉ ra cho họ một hướng đi.

[x] Trích từ cuốn sách của Thầy Love in Action: Writings on Nonviolent Social Change (1993), chương.1.

[xi] Nhà thơ Vũ Hoàng Chương – người phụ trách trang thơ của tuần san Hải Triều Âm – đã nói với thầy Châu Toàn rằng “tuy các anh ở nhóm Sáng Tạo ‘lăng xê’ thơ tự do nhiều như thế, nhưng rốt cuộc theo ông thì những bài thơ ‘hoà bình’ của thầy Nhất Hạnh đăng trong Hải Triều Âm lại là những bài thơ tự do thành công nhất, tuy chưa bao giờ thầy nói thơ thầy là thơ tự do” (nguồn: tác phẩm Bây giờ mới thấy, NXB Phương Đông, tr.20-21)

[xii] Thơ Ruột đau chín khúc – Tập thơ Cho bồ câu trắng hiện

[xiii] Trích phần trả lời của Thầy trong buổi vấn đáp tại tu viện Bích Nham, ngày 29.8.2013

[xiv] Pháp thoại của Thầy tại Làng Mai, ngày 21.6.2019

[xv] Trích phần trả lời của Thầy trong buổi vấn đáp tại tu viện Bích Nham, ngày 29.8.2013

[xvi] Trích từ tác phẩm At Home in the World (2016), bài “Not Giving Up,”.

[xvii] Trích từ Bách khoa toàn thư Encyclopaedia Britannica (2020), phần nói về chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1954 – 1965 (“The two Vietnams 1954–65”): https://www.britannica.com/place/Vietnam

[xviii] Thầy chưa bao giờ xem những bài thơ của mình là “thơ phản chiến”. Thầy nói rằng những bài thơ đó chẳng “chống” bất cứ cái gì; nó chỉ đơn thuần là “những bài thơ kêu gọi hòa bình” mà thôi.

[xix]Kẻ thù của chúng ta là cuồng tín, là bạo tàn

Là tham lam, là vu khống

Kẻ thù chúng ta không phải con người

– dù  con người  gọi là Việt cộng –

Giết  con người  đi rồi, chúng ta ở với ai ? ” – Trích từ bài thơ Chiến tranh, trong tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện.

[xx] Trích phần trả lời của Thầy trong buổi vấn đáp tại tu viện Bích Nham, ngày 29.8.2013

[xxi] Trích pháp thoại công cộng của Thầy tại nhà thờ Riverside, thành phố New York, ngày 25.9.2001 (ngay sau sự kiện 11.9)

[xxii] Những lá thư này đã được NXB Lá Bối in trong tác phẩm Dialogue (Đối thoại) bằng tiếng Anh vào năm 1965. Hồ Hữu Tường viết cho Jean Paul Sartres; Tam Ích viết cho André Malraux; Bùi Giáng viết cho René Char; and Phạm Công Thiện viết cho Henry Miller.

[xxiii] Lá thư của Thầy gửi cho Mục sư King

Bản dịch tiếng Việt

[xxiv] Để hiểu thêm về hoạt động của trường TNPSXH, xin xem tại đây. Mô hình trường TNPSXH được Thầy lấy cảm hứng từ Đoàn thanh niên phụng sự Hòa Bình (Peace Corps) của Mỹ, phong trào kibbutz (mô hình kinh tế nông thôn) ở Israel cũng như mô hình ashram và các công tác xã hội của Vinoba Bhave ở Ấn Độ. Vào tháng 11 năm 1966, Thầy còn đi Philippines để quan sát và học hỏi kinh nghiệm từ phong trào tái thiết nông thôn của quốc gia này.

[xxv] Pháp thoại của Thầy tại Làng Mai, ngày 4.12.2011.

[xxvi] Trích Nẻo về của ý, NXB Văn hóa Sài Gòn, tr.203 – 204

[xxvii] Trích từ tập thơ Tiếng đập cánh loài chim lớn

[xxviii] Đọc thêm Con đường mở rộng: 52 năm theo Thầy học đạo và phụng sự để hiểu thêm về Sư cô Chân Không (chị Phượng)

[xxix] Pháp thoại của Thầy tại Hà Nội, ngày 7.4.2008

[xxx] Pháp thoại của Thầy tại Hà Nội, ngày 5.5.2008 với chủ đề: “A History of Engaged Buddhism” (Lịch sử đạo Bụt Dấn thân)

[xxxi] Chùa Pháp Vân còn được gọi là chùa Lá, vì chùa được lợp bằng lá cho giống với chùa của người dân nghèo. Chùa được xây dựng theo thiết kế của Thầy. Chùa Lá là trái tim của trường TNPSXH, là cái nôi của dòng tu Tiếp Hiện. Chính tại nơi đây, Thầy đã truyền giới Tiếp hiện cho 6 thành viên đầu tiên của dòng tu. Năm 1967, năm tác viên của trường bị bắn tại bờ sông, trong đó bốn người chết và một người bị thương. Bốn tác viên bị bắn chết đã được chôn tại khu vườn nằm trong khuôn viên của chùa Lá. Ngày nay, chùa Pháp Vân là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Tp. Hồ Chí Minh. Khi đến thăm chùa, ta vẫn có thể đến viếng khu vườn tưởng niệm các tác viên của trường TNPSXH đã hy sinh.

[xxxii] Trích từ tác phẩm Love in Action, tr.39

[xxxiii] Trích pháp thoại công cộng của Thầy tại nhà thờ Riverside, thành phố New York, ngày 25.9.2001 (ngay sau sự kiện 11.9)