Phép lạ của sự tỉnh thức: chế tác bình an và trị liệu

Những bài giảng của Thầy tại đại học Sorbonne trong những năm đầu của thập niên 1970 đã được làm thành quyển sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận gồm ba tập, trong đó trình bày rõ ràng nguồn gốc của pháp môn chánh niệm và vai trò đặc biệt của Thiền Việt Nam tại châu Á[i]. Là một giáo sư tại đại học Sorbonne, Thầy có cơ hội khai thác bộ sưu tập những tài liệu Phật giáo phong phú tại thư viện quốc gia Paris. Tại đây, Thầy đã khám phá ra các tài liệu quý hiếm với các chi tiết về cuộc đời của Thiền sư Khương Tăng Hội, một danh tăng kiệt xuất người Việt, có cha là người Trung Á và mẹ là người Việt[ii]. Vào thế kỷ 247 sau công nguyên, Thiền sư Tăng Hội đã từ Giao Châu du hóa lên miền Bắc, đến nước Đông Ngô (bây giờ là miền Nam Trung Quốc), trở thành vị thiền sư đầu tiên hoằng pháp tại Trung Quốc, trước Tổ Bồ Đề Đạt Ma ba thế kỷ. Thiền sư Tăng Hội đã dựng chùa Kiến Sơ tại Luy Lâu, và tổ chức giới đàn truyền giới cho các vị xuất gia đầu tiên của Đông Ngô, thiết lập nền tảng và cấu trúc cho một truyền thống thiền Phật giáo hưng thịnh suốt hơn một ngàn năm tại Trung Hoa[iii]. Thiền sư Tăng Hội đã hành thiền và dạy thiền dựa trên các kinh điển nguyên thỉ về thiền tập, trong đó có kinh Quán niệm hơi thở và kinh Bốn lĩnh vực quán niệm, nhưng tư tưởng thiền của Người là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Nghiên cứu này của Thầy đã được ghi lại trong tác phẩm Nẻo vào thiền học[iv], và sau này trong tác phẩm Thiền sư Khương Tăng Hội: Sơ tổ của thiền tông Việt Nam và Trung Hoa (2001).

Trong các tác phẩm của mình, Thầy nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đem ý thức và sự chú tâm vào từng hành động. “Cuộc đời không phải để mà ngồi dù ngồi chín năm xây mặt vào vách cũng thế. Ngồi chỉ là những bước đầu… Thiền là ăn, là thở, là nấu cơm, là gánh nước, là chùi cầu tiêu vệ sinh. Thiền là dọi ý thức minh mẫn vào mọi động tác thân khẩu ý…”[v]. Chính trong khoảng thời gian này Thầy đã đi sâu hơn vào việc nghiên cứu và học hỏi các kinh điển nguyên thỉ của đạo Bụt, trong đó có kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna)An Ban Thủ Ý (Ānāpānasati). Tuệ giác và những khám phá của Thầy trong thời gian này đã trở thành nền tảng cho những pháp môn mà Thầy cống hiến cho các thiền sinh trong các khóa tu về sau[vi].

Chính tại Sceaux vào năm 1973, Thầy bắt đầu viết quyển Phép lạ của sự tỉnh thức, phát triển xa hơn các pháp môn chánh niệm đã được diễn giải trong quyển Nẻo vào thiền học, chuyển tải kinh nghiệm thực tập chánh niệm của chính Thầy trong hơn một thập niên. Ban đầu nó chỉ là một cẩm nang thực tập cho các tác viên trẻ của trường TNPSXH để họ có thể tiếp tục làm việc trong điều kiện đầy khó khăn và hiểm nguy của chiến tranh. Chủ ý của Thầy là đưa ra một đường hướng tâm linh cũng như những pháp môn thực tập thật cụ thể để có thể dễ dàng áp dụng trong khi phụng sự. Sau này Thầy giải thích: “Bởi vì nếu bạn không tu tập trong khi phụng sự, bạn sẽ đánh mất mình, tinh thần bị kiệt quệ, và đó không phải là đạo Bụt dấn thân”[vii].  Những trang cuối của cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức đã được Thầy viết trên gác của nhà giáo sư Thomas Roëp ở Alkmaar tại Hà Lan. Sau đó, Giáo sư Thomas cũng có giúp Thầy khi Thầy in cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức tại nhà in của Phương Vân Am với máy offset Gestetner. Mobi Warren đã dịch quyển sách sang tiếng Anh với tựa đề The Miracle of Mindfulness [viii].

The Miracle of Mindfulness (Phép lạ của sự tỉnh thức) đã nhanh chóng trở thành một cẩm nang thiền tập hàng đầu ở Tây phương. Jon Kabat-Zinn đã nói: “Đó là quyển sách đầu tiên đánh thức đọc giả Tây phương, làm họ lưu ý tới đề tài chánh niệm”.  Quyển sách là một tác phẩm đột phá trong lĩnh vực thiền tập vào những năm cuối của thập niên 1970 và những năm đầu của thập niên 1980, đưa sự thực tập thiền ra khỏi thiền đường và chỉ cho mọi người biết làm thế nào để có thể đem chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Như lời một học giả trường đại học Oxford đã nói: “Quyển sách đã âm thầm gieo hạt giống cho một cuộc cách mạng”.[ix] Đến nay thì nó đã trở thành một quyển sách cổ điển về thiền tập bán chạy nhất, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng[x].

Phương Vân Am

Sau ngày 30.4.1975, sự liên lạc giữa Thầy và các bạn hữu cùng các cộng tác viên trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam bị cắt đứt một cách đột ngột. Chính phủ mới tịch thu tất cả những nguồn tài trợ cho các chương trình xã hội của Thầy. Cuối năm 1975, Thầy cùng phái đoàn rút hẳn về Phương Vân Am và thành lập một cộng đồng thực tập chánh niệm nơi đây. Cộng đồng ở Phương Vân Am sống rất giản dị. Thầy và các cộng sự làm những gì trong khả năng cho phép để tiếp tục chương trình bảo trợ trẻ em mồ côi, gây quỹ để gởi về Việt Nam những gói thuốc tây có thể bán đổi lấy vài chục kí gạo. Họ tập trung chủ yếu vào việc yểm trợ tinh thần và tài chính cho các văn nghệ sĩ – những tinh hoa của gia tài văn hóa Việt Nam – đang phải đương đầu với những nghịch cảnh lớn lao nhất. Họ gửi những gói quà cứu trợ kèm theo những lá thư ký tên giả; những người nhận không thể biết được ai thực sự đã giúp đỡ cho họ[xi]. Trong thời gian này, Thầy dành nhiều thời gian làm vườn và những công việc ở ngoài trời. Có người hỏi Thầy: “Thưa Thầy, Thầy trồng rau xà lách làm gì cho mất thời gian. Thầy dành thời gian đó để làm thơ có hơn không? Ai mà không trồng được rau xà lách, nhưng ít ai có thể sáng tác những bài thơ sâu sắc như thơ của Thầy”. Thầy mỉm cười đáp: “Bạn ơi, nếu tôi không trồng những cây xà lách thật chánh niệm như vậy thì tôi không làm ra những bài thơ như vậy được”[xii]

Thời kỳ trị liệu

Ôm ấp nỗi đau không được trở lại quê hương, Thầy dành thì giờ để thực tập thiền hành, thiền tọa, làm vườn và viết lách. Không để cho tuyệt vọng xâm chiếm quả là một thử thách. Thầy cùng các cộng sự của mình học cách trân quý sự sống và lấy lại sự quân bình bằng cách tiếp xúc với những cái đẹp vẫn đang có mặt ở xung quanh, trong phút giây hiện tại. Sự thực tập hơi thở ý thức đã giúp Thầy xử lý cơn sốc tâm lý khi hộ chiếu của Thầy bị vô hiệu hóa, khi những chương trình xã hội ở Việt Nam bị ngừng hoạt động, đồng thời sự thực tập này cũng giúp Thầy ôm ấp nỗi đau khi nhận tin báo tử của rất nhiều người thương của Thầy ở Việt Nam. Cùng với sự ra đi của Sư Ông – vị bổn sư của Thầy, ba người học trò gần gũi nhất của Thầy cũng đã bị thiệt mạng từ khi Thầy bắt đầu bị lưu vong: Sư chú Nhất Trí, đệ tử xuất gia đầu tiên của Thầy, bị bắt cóc cùng với bảy tác viên khác của trường TNPSXH vào năm 1967 và biệt tích từ đó. Thầy Thanh Văn, giám đốc trường TNPSXH bị một người lính Mỹ say rượu lái xe tải đụng chết năm 1971. Thầy Châu Toàn, từng là thư ký của tờ Hải Triều Âm và sau này tiếp nối thầy Thanh Văn làm Giám đốc điều hành trường TNPSXH, bị nhồi máu cơ tim vào tháng Sáu năm 1974. Thầy viết: “Tôi đối xử với thầy Châu Toàn như một người em ruột. Có thể nói tôi yêu Châu Toàn còn hơn yêu em trai nữa, có thể bởi vì chúng tôi cùng có một thao thức chung, một lý tưởng chung”[xiii].

Trong những năm sau đó, Thầy viết các quyển Tố, Trái Tim Mặt Trời, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập II và tập III[xiv]. Lúc ở Paris, Thầy đã tham gia một khóa học nghề về in ấn. Và tại Phương Vân Am, Thầy đã tự in và đóng những quyển sách bằng tiếng Việt của mình, tự dàn trang, thiết kế bìa, khắc bản rồi in, cắt và đóng sách bằng tay[xv]. Sách được phân phối cho người Việt tị nạn tại châu Âu. Tại Việt Nam, cách duy nhất để tránh kiểm duyệt là in sách dưới bút hiệu khác rồi gởi về cho các bạn hữu ở Việt Nam qua những lá thư mỏng, mỗi lần chỉ gửi vài trang để không bị tịch thu. Sau đó sách sẽ được in chui[xvi].

Làn sóng thuyền nhân

Tháng 12 năm 1976, Thầy được mời tham dự Hội Nghị Tôn giáo và Hòa bình Thế giới tại Singapore. Tại đây, Thầy được biết về số phận của những người dân Việt tìm cách trốn khỏi miền Nam Việt Nam bằng thuyền. Đã có hàng ngàn người trôi dạt ngoài biển khơi, giao thân mạng mình cho bão tố và hải tặc. Nếu thuyền của họ tới được bờ thì thường bị đẩy trở ra biển. Vào thời điểm đó, khi không thể tiếp tục các chương trình xã hội ở Việt Nam, Thầy đã tìm mọi cách để giúp những thuyền nhân lênh đênh trên biển. “Nói về từ bi thôi chưa đủ, chúng ta cần phải biến từ bi thành hành động”, sau này Thầy đã nói như vậy[xvii]. Từ Singapore, Thầy cùng chị Phượng và những người cộng sự thuê ba chiếc tàu: chiếc Roland là một tàu chở hàng, chiếc Leap Dal là tàu chở dầu và chiếc Sài gòn 200 là một chiếc tàu nhỏ cơ động có thể chuyển người đến các chiếc tàu lớn; ngoài ra, còn mướn một máy bay nhỏ để truy tìm những người trôi dạt trên biển. Trong vòng vài tuần, Thầy và các cộng sự đã vớt được hơn 800 thuyền nhân ngoài biển khơi[xviii].

Nhưng nỗ lực cứu trợ thuyền nhân của Thầy đã làm cho Giám đốc của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn tức giận, cho nên chỉ ba tháng sau chương trình đã bị đóng cửa. Những chiếc tàu cứu hộ trên đó có vài trăm thuyền nhân đã không được phép vào lãnh hải Mã Lai để tránh bão, cũng không được phép vào để mua thực phẩm và nhiên liệu. Chính quyền Singapore ra lệnh cho Thầy phải rời khỏi nước họ trong vòng 24 giờ đồng hồ. Đó là giây phút mà Thầy phải gánh chịu sức ép và nỗi tuyệt vọng khủng khiếp, bởi vì sự sống chết của mấy trăm mạng người đang tùy thuộc vào hành động của Thầy. Sau khi biết tin mình sẽ bị trục xuất, Thầy đã hành thiền để tìm một lối ra, và Thầy đã thiền tập cả đêm hôm đó. Sau này Thầy nói là nhờ chú tâm vào hơi thở và bước chân chánh niệm, Thầy mới có thể thiết lập lại sự bình an và sáng suốt để có một cái thấy sáng tỏ giúp Thầy tìm ra một giải pháp cho vấn đề: làm thế nào xóa được lệnh trục xuất, để ở lại Singapore lâu hơn, để có thời gian sắp xếp công việc, bảo đảm sự an toàn cho tất cả mọi người ở trên tàu[xix]. Trải nghiệm ở Singapore giúp cho Thầy chứng nghiệm được một điều, đó là với hơi thở chánh niệm, ta luôn có thể tìm được sự bình an, sáng suốt và tuệ giác, dù trong những tình huống khó khăn nhất. Hay nói cách khác, đó là “dục an đắc an”. Nếu thực sự muốn an thì có an,  an ngay trong cơn nguy khốn[xx].

Về lại châu Âu, qua những bài giảng và những cuốn sách của mình, Thầy tiếp tục thu hút một số đông những người Việt tị nạn đến tu tập cùng Thầy. Trong những tháng mùa hè, nhiều gia đình tụ tập tại Phương Vân Am để hưởng không khí của miền quê và khôi phục lại tinh thần. Tại đó, họ được Thầy dạy những pháp môn thực tập chánh niệm để ôm ấp và chữa trị những vết thương chiến tranh, đồng thời tiếp xúc được với gốc rễ văn hóa và tâm linh để có thêm sức mạnh và sự vững chãi.  Một số bài thơ đáng nhớ và cảm động nhất của Thầy đã được sáng tác trong giai đoạn cứu trợ thuyền nhân, tiêu biểu là bài Chúng ta hãy trả lời và bài Hãy gọi đúng tên tôi, trong đó Thầy thấy mình là người thuyền nhân mà cũng là người hải tặc, là người trong trại cải tạo mà cũng là người đảng viên cao cấp, là người buôn bán vũ khí mà cũng là em bé nghèo đói trơ xương[xxi].

 

[i] Tập đầu tiên của Việt Nam Phật giáo sử luận được xuất bản vào năm 1974 dưới bút danh Nguyễn Lang – lấy từ tên khai sinh của Thầy (Nguyễn Đình Lang).

[ii] Cha của ngài Tăng Hội là người gốc Khương cư (ngày nay là Uzbekistan) thuộc Trung Á, là một thương nhân đến lập nghiệp tại Việt Nam, và sau đó lập gia đình với một phụ nữ người Việt, mẹ của ngài.

[iii] Trích Cao Tăng Truyện của Huệ Hạo, Nhất Hạnh dịch

[iv] Nẻo vào thiền học được NXB Lá Bối phát hành năm 1971 và được dịch sang nhiều thứ tiếng: tiếng Pháp có tựa là Clés pour le Zen và tiếng Anh có tựa Zen Keys.

[v] Trích từ tác phẩm Nẻo về của ý, NXB Văn hóa Sài Gòn, tr. 183

[vi] Kinh An ban thủ ý (Ānāpānasati sutta)  – được Thầy dịch từ tạng Pali và chú giải – đã được ấn hành vào năm 1975 với tựa đề Kinh Quán niệm hơi thở.

[vii] Pháp thoại 21 tháng 6 năm 2009 tại Làng Mai, Pháp.

[viii] Đầu tiên quyển sách được phát hành tại Việt Nam vào cuối năm 1974 dưới bút danh Thạc Đức và có tựa đề là Ý thức em mặt trời tỏ rạng. Năm sau, quyển sách được in chui với tựa đề Hàm tiếu thiền: Phép lạ của sự tỉnh thức. Bản tiếng Anh đầu tiên được Hội Thân hữu Hoà giải (F.O.R) tại Mỹ và châu Âu xuất bản năm 1975 với tựa đề The Miracle of Being Awake. Hòa thượng người Đức Nyanaponika, từng đến viếng thăm Thầy tại Sceaux, rất thích cuốn sách này và đã sắp xếp để cuốn sách này được xuất bản tại Sri Lanka bởi Hội Theravada Buddhists. 

[ix]  Lời ngỏ do Giáo sư Mark Williams, trường Đại Học Oxford, viết cho bản in đặc biệt kỷ niệm 40 năm quyển The Miracle of Mindfulness ra đời (1975-2015). 

[x] Được Fellowship of Reconciliation, Mỹ xuất bản đầu tiên năm 1975 với tựa đề The Miracle of Being Awake. Chỉ sau khi nhà in Beacon Press đồng ý xuất bản, tên quyển sách được đổi thành The Miracle of Mindfulness. Trong khi đó, quyển sách lại mang tên Be Still and Know: Meditation for Peacemakers khi được nhà in Pax Christi ở London xuất bản. Bản tiếng Pháp đầu tiên có tên là Le Miracle est de Marcher sur Terre (Phép lạ là đi trên mặt đất). Năm 1976, nó được xuất bản ở in Sri Lanka và Thailand như là một “cẩm nang thiền tập cho những nhà hoạt động trẻ tuổi”.

[xi] Tác phẩm Phương hương xuôi vạn lý, Sư cô Chân Không

[xii] Trích lời giới thiệu của Thầy cho cuốn sách Con đường mở rộng của Sư cô Chân Không

[xiii] Trích từ tác phẩm Bây giờ mới thấy – NXB Phương Đông, tr.38.

[xiv] Quyển Tố được xuất bản lần đầu tiên năm 1980 và Trái Tim Mặt Trời xuất bản năm 1982 bởi NXB Lá Bối ở Paris. Việt Nam Phật giáo Sử luận tập I, do NXB Lá Bối ở Sài gòn xuất bản năm 1974; tập II do NXB Lá Bối ở Paris xuất bản năm 1978; tập III hoàn tất năm 1984 và được xuất bản năm 1985. 

[xv] “Có một thời gian tôi đi học nghề in. Hiện bây giờ tôi in sách và đóng sách khá giỏi. In trong chánh niệm, đóng sách trong chánh niệm. Tôi đã in hàng chục cuốn sách, đóng hàng chục ngàn cuốn sách” – Trích Ngày em hai mươi tuổi, LTLM số 25

[xvi] Vì trong giai đoạn này sách của Thầy bị cấm lưu hành tại Việt Nam nên quyển Việt Nam Phật giáo Sử luận (ba tập) đã được in dưới tên tác giả Nguyễn Lang (là tên khai sinh của Thầy) và phát hành không chính thức. Cho đến hôm nay thì bộ sách này vẫn đang được sử dụng làm sách giáo khoa tại trường đại học Vạn Hạnh và những viện Phật học khác tại Việt Nam. Bản tiếng Anh sắp được Parallax xuất bản.

[xvii] Trích từ tác phẩm At Home in the World (2016), chương “At Sea on Solid Ground”, tr.61.

[xviii] Trích tác phẩm Trái Tim Mặt Trời, Thích Nhất Hạnh (1982)

[xix] “Thầy nhận ra rằng nếu Thầy có thể thuyết phục tòa Đại sứ Pháp thay mặt Thầy can thiệp và thuyết phục chính quyền Singapore cho phép Thầy được ở lại thêm một tuần nữa, Thầy sẽ có đủ thời gian để sắp xếp, bảo đảm an toàn cho hàng trăm thuyền nhân tị nạn đang lênh đênh trên biển không nhiên liệu, không thực phẩm.” – At Home in the World , Thích Nhất Hạnh (2016), tr. 61.

[xx] Trích lá thư “Bây giờ rõ mặt đôi ta” viết cho đệ tử ngày 7.3.2010.

[xxi] Bài thơ “Hãy gọi đúng tên tôi” đã nói lên được tinh thần tương tức – một giáo lý cốt tủy của đạo Bụt. Tương tức nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng đều nương vào nhau mà biểu hiện, mọi thứ có mặt trong nhau. Không có cái gì có thể tồn tại một cách biệt lập. Giáo lý tương tức cũng là nền tảng của đạo Bụt dấn thân: với cái thấy tương tức, ta có thể ôm lấy mọi khía cạnh của thực tại, cả khổ đau lẫn hạnh phúc, và từ đó có thể giúp đem lại một sự thay đổi tích cực cho thế giới.