Cộng đồng thí điểm

Thế là vào khoảng cuối năm 1956, Thầy bắt đầu dành nhiều thời gian hơn ở B’lao, một miền cao nguyên hẻo lánh khoảng 200 km ở phía Đông bắc Sài gòn, trên đường đi Đà lạt. Đất nước bị chia cắt, mất mẹ, và sự phản ứng gay gắt của các nhà lãnh đạo Phật giáo đối với những cố gắng của Thầy trong việc thống nhất Phật giáo cũng như việc cải tổ chương trình học tại chùa Ấn Quang, tất cả những sự kiện đó bắt đầu gây ảnh hưởng đến sức khỏe của Thầy.

Tại làng Công Hinh (một tên gọi khác của B’lao), có một ngôi chùa tên là Phước Huệ, trụ sở chính của hội Phật giáo địa phương. Bao quanh chùa là những vườn chè [i]. Thầy có một cái am nhỏ mái lá vách đất ngay giữa vườn chè. Thầy ở đó một mình, trong am chỉ vẻn vẹn có một cái giường ngủ và một cái bàn viết. Thời tiết ở B’lao ấm hơn ở Đà lạt một chút. Nơi đây, Thầy có điều kiện thuận lợi để nghiên cứu và viết lách, xa rời những náo nhiệt chộn rộn ở Sài gòn và những vấn đề trong bộ máy tổ chức Phật giáo. Nơi đây rất tĩnh mịch, chỉ thỉnh thoảng có tiếng xe hơi vọng lại xa xa từ phía con lộ chính. Trong chùa không có điện, chỉ có một máy phát điện nhỏ chạy khoảng vài tiếng đồng hồ để thắp sáng trên dưới mười bóng điện mỗi tối[ii].

Thầy mong ước xây dựng một cộng đồng xuất sĩ trên miền núi. Và thế là, một số huynh đệ xuất sĩ và học tăng của Thầy từ chùa Ấn Quang đã đến chùa Phước Huệ cùng tu với Thầy không lâu sau đó. Thầy đề ra một chương trình tu học và các vị Phật tử cư sĩ cư ngụ gần đó cũng thường đến tham gia. Mọi người thức dậy lúc 4 giờ sáng để ngồi thiền và tụng kinh; những lớp học cũng diễn ra vào buổi sáng. Chính ở đây Thầy đã viết và biên tập các bài báo cho tờ Phật giáo Việt Nam trong vòng hai năm sau đó trong khi vẫn tiếp tục đứng lớp dạy cho các vị xuất sĩ trẻ. Mỗi buổi chiều, Thầy vẫn thường chơi đánh bóng bàn, hay bóng đá ở khoảng đất rộng phía sau chùa – điều này cũng khá là cấp tiến bởi vì thời đó tu sĩ ở Việt Nam không chơi thể thao[iii]. Một ngày khép lại bằng thời công phu ngồi thiền, tụng kinh mỗi tối.

Thầy muốn cho các học tăng có cơ hội để được huấn luyện trong tinh thần tự đề ra hướng đi cho mình trong nghiên cứu và học hỏi, trong một môi trường gần với thiên nhiên đầy nuôi dưỡng và hứng khởi. Thầy muốn tạo cảm hứng cho những người xuất gia trẻ phát triển trí tò mò để tự tìm ra hướng đi cho mình mà không chỉ học để đỗ đạt và lấy những mảnh bằng. “ Chúng tôi muốn cống hiến một đạo Bụt lột xác có khả năng thả một bè lau, cứu được đất nước ra khỏi tình trạng tranh chấp, qua phân và chiến tranh.“[iv] Thầy muốn mỗi người xuất sĩ biết cách nuôi lớn cái thấy sáng tỏ, tuệ giác và tỉnh thức nơi chính mình mà không chỉ đơn thuần là tin tưởng một cách mù quáng vào học thuyết Phật giáo[v]. Thầy dạy các vị xuất sĩ trẻ cách sử dụng các môn thế học như khoa học, lịch sử và văn chương như là những “công cụ“ để có thể đi xa hơn trong khi nghiên cứu đạo Bụt[vi]. Thầy dạy cho họ về lịch sử các tư tưởng Phật giáo, quá trình hình thành và phát triển của các tông phái, truyền thống Phật giáo các nhau, các kinh điển căn bản của các truyền thống Nam tông và Bắc tông trong giai đoạn mở đầu[vii]. Đôi khi có các giáo sư và học giả từ Sài gòn lên ở lại vài tuần. Họ có những buổi chia sẻ, đi bộ chung với Thầy và các học tăng, tận hưởng sự bình an và niềm vui của nếp sống bình dị nơi đây.

Thỉnh thoảng Thầy cùng mọi người đi thăm Ni Sư Diệu Âm ở Djiring và ở lại đó ăn trưa, hoặc đi bộ trong rừng Đại Lão gần bên, nơi có sông, có thác để khám phá và tham thú các cảnh đẹp thiên nhiên, thưởng thức tiếng chim, tiếng suối[viii]. Các thầy thường mang theo thức ăn để đi picnic, sau khi ăn xong là nằm trên các tảng đá bên bờ suối để nghỉ ngơi. Thầy khuyến khích mọi người hát ca, thưởng thức trời xanh, mây trắng, thực sự làm tinh thần tươi mới lại. Có khi mọi người ngồi giữa rừng để nghe Thầy kể chuyện, đọc thơ hoặc chia sẻ tầm nhìn của Thầy về tương lai Việt Nam. Có những lúc Thầy cho mọi người ngồi thành vòng tròn và ghi chép.

Chính trong thời gian ở chùa Phước Huệ, tại chiếc am lá giữa vườn trà mà Thầy có một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, Thầy thấy mẹ, và lần đầu tiên Thầy chứng thực một cách sâu sắc rằng “còn“, “mất“ chỉ là những ý niệm mà thôi. Trong giấc mơ, “dung nhan mẹ không có gì biến đổi, tôi nói chuyện với mẹ rất tự nhiên, không có một mảy may cảm giác rằng tôi trong bốn năm, chịu đựng ý tưởng mất mẹ… Bữa đó, tôi thức dậy vào lúc một giờ rưỡi khuya và thấy phép mầu hiển hiện. Niềm đau xót không còn nữa và tôi chứng thực rằng ý tưởng mất mẹ trong suốt bốn năm vừa qua chỉ là những ý tưởng. Thấy được mẹ trong giấc mơ ấy rồi tức là thấy mẹ tôi mãi mãi.“ Thầy giải thích, “Đêm đó, tôi thấy một cách rất hiện thực rằng sự sinh diệt của mẹ tôi là một cái gì do tôi tạo ra mà không phải là một thực tại khách quan. Sự hiện thực của mẹ tôi không phụ thuộc vào sinh diệt; không phải nhờ sinh mà mẹ tôi có, không phải vì diệt mà mẹ tôi không có…“[ix]

Năm 1957, Thầy và các bạn tìm mua một miếng đất thích hợp với diện tích khoảng 25 mẫu tây giữa rừng Đại Lão, một nơi yên tĩnh gần ngôi làng B’su Danglu của người Thượng, cách B’lao và chùa Phước Huệ khoảng 10 cây số[x]. Tháng Giêng năm 1958, Thầy cùng các bạn bắt đầu dọn đất và vào mùa hè năm đó bắt đầu dựng lên vài ngôi nhà bằng gỗ đơn sơ. HT. Thanh Từ cũng lên dựng một cái thất trên đồi và ở đó cho đến năm 1961[xi]. Thầy về lại Sài gòn để gây thêm quỹ, đồng thời bán bản thảo một quyển sách mới về tâm lý học Phật giáo[xii]. Hai ngàn bản của quyển sách đã được bán và Thầy nhận được khoảng 12 ngàn đồng. Số tiền đủ để xây một cái thất nhỏ và một ngôi nhà dài mái tôn có 3 phòng: một phòng thư viện, một thiền đường và một phòng ăn.

Mảnh đất mới được bao quanh bởi cây cối xanh tươi, những dòng suối trong cùng với những con đường rất đẹp cho thiền hành. Cộng đồng mới được đặt tên là Phương Bối, gọi theo tên của cái am lá trong vườn chè của chùa Phước Huệ, nơi mà Thầy từng trú ngụ. Thầy nhớ lại: “Ẩn mình trên rừng núi Đại Lão, Phương Bối đã xòe những cánh đồi hoang vu và êm dịu như một chiếc nôi lớn – một chiếc nôi lót bằng bông đá, hoa dại, cỏ rừng – chào đón chúng tôi. Ở đây chúng tôi sẽ xa được trong một thời gian tất cả những xấu xa nhỏ mọn của cuộc đời“[xiii]. Đó là một nơi trú ẩn lý tưởng cho một cộng đồng nhỏ – một nơi để đọc sách, viết lách, hành thiền và chiêm nghiệm – được bao bọc bởi núi rừng hùng vĩ, bình an và tĩnh lặng. Phương Bối đồng thời cũng rất hoang dại và vô cùng linh động. Thầy viết trong nhật ký là “Tôi thấy thức dậy ở trong tôi con người ở thời cổ sơ“[xiv]. Đôi khi Thầy và các bạn gặp cả cọp, trải qua những cơn bão rừng, có khi họ bị đánh thức trong đêm bởi những tiếng động kỳ lạ vọng ra từ rừng sâu. Có những lúc họ chạy và la hét để chứng tỏ là mình có tự do – tự do để sống thật sâu sắc, thật tự nhiên mà không tuân theo bất kỳ một luật lệ nào hết, và tự do để được sống với chí nguyện của mình trong tình huynh đệ[xv]. Với hoài bão mới là xây dựng “một trung tâm thực tập ở làng quê “, Thầy đã thực sự phá vỡ khuôn khổ truyền thống, tạo nên một môi trường dành riêng cho sự tu tập, nghiên cứu, chữa trị, âm nhạc, thơ ca và xây dựng cộng đồng. Thầy và các bạn thưởng thức thiền tọa vào sáng sớm, thiền trà vào buổi chiều, và thiền tọa vào buổi tối. Phương Bối là một mô hình thử nghiệm để làm mới và phục hồi sinh lực cho đạo Bụt. Và như thế, Phương Bối đã trở thành một kiểu mẫu để rồi về sau rất nhiều trung tâm thực tập chánh niệm của Thầy được hình thành và phát triển khắp nơi trên thế giới vào cuối thế kỷ XX.

Tại Phương Bối, Thầy và các bạn tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình. Sau này Thầy ghi lại: “Chúng ta đã làm việc tích cực trong thời gian ở Phương Bối. Tuy rằng chúng ta có những buổi thám hiểm núi rừng những ngày cắm trại, những buổi bình văn, và tuy rằng tất cả những sinh hoạt ấy đều rất thú vị, chúng ta cũng đã để rất nhiều thì giờ vào việc học tập, nghiên cứu, viết lách“[xvi]. Trong thời gian này, Thầy vẫn đi lại giữa Phương Bối và Sài Gòn để dạy học và bỏ rất nhiều tâm lực để biên tập tờ Phật Giáo Việt Nam. Nhưng vào năm 1959, chỉ sau hai năm hoạt động, vì không đủ kinh phí nên tờ báo đã bị đóng cửa. Thầy cảm thấy tờ báo bị đóng cửa không thật sự vì lý do hết tiền, mà còn vì các nhà lãnh đạo Phật giáo không chịu được những loạt bài nói về vấn đề thống nhất Phật giáo của Thầy. Thầy cảm thấy bị thất bại trong việc cố gắng làm mới đạo Bụt và thống nhất các tổ chức Phật giáo[xvii].

Khó khăn này, cộng với nỗi đau mất mẹ và tình cảnh đất nước bị chia cắt khiến cho Thầy ngã bệnh nặng đến nỗi suýt chết[xviii]. Thầy phải vào nằm bệnh viện Grall ở Sài Gòn gần một tháng. Ở bệnh viện, các bác sĩ người Pháp đã chữa trị cho Thầy các chứng bệnh liên quan đến tim, phổi và đường ruột. Thầy Thích Trí Không – một trong những học tăng từng học với Thầy tại chùa Ấn Quang – đã theo Thầy để làm thị giả. Phải mất một thời gian dài Thầy mới dần lấy lại sức. Thầy phải ở lại nhà một vị cư sĩ ở Sài Gòn để nghỉ dưỡng. Nhưng thời gian này, tài chánh eo hẹp nên Thầy không có đủ chi phí cho thuốc men. Số tiền ít ỏi mà anh của Thầy cho, Thầy giữ để xây mộ cho mẹ[xix].

Đây là một giai đoạn cực kỳ khó khăn của Thầy. Cơ thể vẫn còn rất yếu và Thầy bị mất ngủ triền miên. Thậm chí các bác sĩ cũng không biết phải trị cho Thầy như thế nào. Tinh thần của Thầy chưa bao giờ suy sụp trầm trọng như vậy. Sau này khi nhớ lại giai đoạn đó, Thầy nói rằng Thầy đã bị trầm cảm nặng[xx]. Nhưng Thầy có linh tính là nếu có thể làm chủ được hơi thở và bước chân thì Thầy sẽ có thể thực sự được chữa lành. Tại chùa Báo Quốc, Thầy đã được học nguyên tắc sổ tức trong khi theo dõi hơi thở. Từ khi còn là một chú điệu, Thầy đã được học kinh hành, nhưng các Phật học đường tại Việt Nam không dạy cách áp dụng thiền tập vào việc trị liệu, và chỉ dạy lý thuyết mà thôi. Chính lúc đối diện với đau khổ cùng cực đó, Thầy đã tự tìm ra cách thức thở và đi để có thể làm tĩnh lặng thân tâm, đó là cách kết hợp hơi thở và bước chân một cách tự nhiên trong khi đi. Thay vì sử dụng phương pháp sổ tức, Thầy đếm bước chân trong sự hòa điệu với hơi thở. Bằng cách hoàn toàn tập trung vào bước chân và hơi thở – mà không vào bất cứ một cái gì khác – Thầy đã có khả năng thực sự dừng lại (chỉ – śamatha), và ôm ấp nỗi đau mà không bị những cảm xúc mạnh kéo đi. Thầy nói: “Bằng phương pháp thực tập hơi thở chánh niệm, tôi đã ra khỏi tình trạng khó khăn lúc đó”[xxi]. Thầy đã bắt đầu thực hành phương pháp đó hồi còn ở chùa Ấn Quang và tiếp tục thể nghiệm ở B’lao, Phương Bối, và sau đó nữa là ở trường Đại học Princeton, Hoa Kỳ cũng như trong những thập kỷ kế tiếp, khi cái hiểu củaThầy về các kinh quán niệm hơi thở và thiền tập càng sâu hơn[xxii]. Như Thầy viết trong hồi ký: “Tôi thấy rằng cái chân hoặc cái thiện bao giờ cũng phải đi với cái cường nữa thì mới có thể có chỗ đứng trên trái đất này… Chân lý mà không có sức mạnh thì không có chỗ đứng”[xxiii].

Mùa xuân năm 1959, Thầy được mời đi Nhật với tư cách chủ bút tờ Phật giáo Việt Nam để tham dự lễ Phật đản quốc tế kỷ niệm 2500 năm ngày Bụt đản sinh. Thầy được mời cho một bài diễn văn – đó bài nói chuyện công cộng đầu tiên bằng tiếng Anh của Thầy[xxiv]. Trong chuyến đi, sức khỏe của Thầy lại một lần nữa bị suy giảm, phải nhập viện ở Tokyo. Thầy lại tiếp tục thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm trên các hành lang bệnh viện, để hết tâm ý vào hơi thở và buông bỏ những lo lắng. Giữa tháng Năm, khi trở lại Việt Nam, Thầy đã nuôi ý định đi ra thế giới để học hỏi, vì vậy mục tiêu của Thầy là phải nói lưu loát tiếng Anh. Lúc còn bên Nhật, Thầy có nghe nói đến những bộ sưu tập phong phú về sách Phật giáo ở các thư viện ngoại quốc. Và với sự giúp đỡ của một thầy, người vừa từ Mỹ trở về, Thầy đã nộp đơn xin học bổng tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ[xxv].

Tháng 11 năm 1959, Thầy có những buổi giảng hàng tuần tại chùa Xá Lợi, dành cho các sinh viên của các trường đại học ở Sài Gòn. Chính trong khóa học này Thầy đã gặp rất nhiều người trẻ nhiệt tình yểm trợ công việc của Thầy. Một trong số này là cô Cao Ngọc Phượng, một sinh viên trẻ ngành sinh học, người trở thành một trong số “Mười ba cây tùng“ của Thầy. Đó là một nhóm người trẻ đầy nhiệt huyết theo thầy tu học và yểm trợ những dự án của thầy.

Khi ấy cô Phượng đã năng nổ đi đầu trong các chương trình xã hội ở các khu ổ chuột của thành phố Sài Gòn nên cô thúc đẩy Thầy phát triển những thực tập tâm linh nhằm yểm trợ sự hoạt động dấn thân này. Trong những năm hướng dẫn cô Phượng và nhóm “Mười ba cây tùng“ trong hoạt động xã hội, giáo dục và cứu trợ, Thầy đã tìm cách để làm cho giáo lý của Bụt trở nên thực tiễn và đi vào cuộc đời. Sau này nhìn lại, Thầy thấy: “Thật không dễ dàng chút nào, bởi vì tính chất dấn thân chưa được thể hiện một cách cụ thể, trực tiếp trong đạo Bụt truyền thống. Vì vậy chúng tôi phải tự tìm đường đi“[xxvi]. Cô Phượng đã trở thành một cộng sự cốt cán của Thầy trong 60 năm kế tiếp, đó chính là sư cô Chân Không ngày nay.

Trong một lần về Huế, thầy Đức Tâm, bạn học cũ của Thầy hồi ở Phật Học Đường Báo Quốc, khi đó cũng đang là chủ biên tạp chí Liên Hoa ở Huế, đã mời Thầy về thăm chùa.  Chùa của thầy Đức Tâm ở Cồn Hến, một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương. Mỗi sáng Thầy đều được mời một ly trà tường vi và được đãi món bắp luộc – đặc sản ở Cồn Hến. Rồi thầy Đức Tâm ngỏ lời mời Thầy viết một loạt bài về đạo Phật nhập thế, khai triển ý tưởng về “Đạo Phật đi vào cuộc đời” mà Thầy đã nói đến trong loạt bài đăng trên báo Dân chủ năm 1955.  Và Thầy đã viết một loạt 10 bài nữa, nhan đề “Đạo Phật Ngày Nay”. Những bài báo này đã được in thành sách và được NXB Lá Bối phát hành năm 1965, không chỉ bằng tiếng Việt mà còn bằng tiếng Pháp[xxvii]. Quyển sách này trở thành quyển sách đầu tiên của Thầy được xuất bản ở Tây phương.

Từ năm 1959, Mỹ can dự ngày càng sâu vào tình hình Việt Nam và sự hậu thuẫn của họ đối với chính quyền thân Công giáo của Ngô Đình Diệm trở nên rõ rệt hơn. Cuối năm 1961, chiến cuộc giữa lực lượng du kích của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và chính quyền Sài Gòn lan tới Phương Bối. Thầy và các bạn bị buộc phải rời Phương Bối để vào trong ấp chiến lược[xxviii]. Sự mất mát này đã tác động rất lớn đến Thầy. Hai năm sau, khi đã đi xa tận Hoa Kỳ để nghiên cứu, Thầy hồi tưởng lại: “Tội nghiệp cho Thiền Duyệt Thất. Tội nghiệp cho nhà Thượng. Tội nghiệp cho từng lá cây, ngọn cỏ”. Thế nhưng Thầy cũng viết: “Chúng ta không bao giờ mất Phương Bối. Phương Bối đã chiếm chỗ linh thiêng trong lòng chúng ta. Ở bất cứ phương trời nào, nghe đến Phương Bối là ta cảm động.”[xxix]

 

 

[i] Nơi đó nay là thành phố Bảo Lộc và chùa Phước Huệ giờ đây cũng đã trở thành một ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở địa phương

[ii] Hồi ký của HT. Trí Không.         

[iii] Thư gửi các con Bát Nhã của Thầy, ngày 13.10.2009, với tựa đề “Âm thanh huyền diệu của chiếc hồ cầm”; và hồi ký của HT. Trí Không.

[iv] Trích từ tác phẩm Bây giờ mới thấy (NXB Phương Đông – 2014), tr.43.

[v] Có thể chính tại B’lao Thầy đã làm bài thơ Tôi sẽ xin rằng tất cả, trong tuyển tập Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt, NXB Lá Bối, tr.206. Bài thơ này được in lần đầu trong tạp chí Phật Giáo Việt Nam số 13 năm 1956.  

[vi] Trong thời gian giảng dạy ở chùa Ấn Quang, Thầy đã đọc cuốn sách của tác giả Uông Trí Biểu – một nhà khoa học Trung Hoa – có tên là Nhất cá khoa học giả nghiên cứu Phật Kinh đích báo cáo (Bản báo cáo của một nhà khoa học đã từng nghiên cứu Kinh điển Phật giáo), nói về những điểm đồng giữa khoa học và Phật học. Cuốn sách này đã được HT. Thích Tuệ Đăng dịch sang tiếng Việt vào năm 1961 với tên Nhìn Phật Giáo Qua Khoa Học.

[vii] Chẳng hạn như: Dị Bộ Tông Luân Luận (samaya bhedoparacanacakra) của Ngài Thế Hữu (Vasumitra); Tranh Luận Sự (kathāvatthu) trong A-tỳ-Đạt-ma của Thượng tọa bộ; và kinh Tỳ kheo Na Tiên (Nagasena Bhiksu Sutra), ghi lại cuộc đối thoại về giáo pháp giữa Tỳ kheo Na Tiên và Vua Di Lan Đà – một vị vua người gốc Hy Lạp trị vì nước Ðại Hạ vào khoảng năm 150 trước Tây lịch. (Nguồn: Hồi ký của HT. Trí Không)

[viii] Thác Bo Bla, thác Liên Khang, và thác Pongour.

[ix] Trích từ tác phẩm Nẻo về của ý – NXB Văn hóa Sài Gòn, tr. 139

[x] Miếng đất được mua từ hai người Thượng tên là K’Briu and K’Brôi vào ngày 7 tháng 8 năm 1957.

[xi] Tác phẩm Nẻo về của ý – NXB Văn hóa Sài Gòn, tr.57-64. HT. Thanh Từ cũng bị buộc phải rời Phương Bối vào năm 1961. Tuy nhiên, Hòa thượng vẫn một lòng đi tới trên con đường phục hưng Thiền tông Việt Nam, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đời Trần.

[xii] Cuốn Duy Thức Học được Phật Học Đường Nam Việt xuất bản năm 1958 dưới bút danh Giáo sư Thạc Đức

[xiii] Tác phẩm Nẻo về của ý – NXB Văn hóa Sài Gòn, tr.34

[xiv] Như trên, tr.38

[xv] Như trên, tr.47

[xvi] Như trên, tr.76

[xvii] “Chúng ta đã mang tiếng là những người gieo rắc tư tưởng phản giáo lý truyền thống, những người quá khích, những người chỉ biết phá hoại. Chế độ không dung được ta mà truyền thống cũng không dung được ta. Cổ họng chúng ta bé bỏng. Nói chuyện thống nhất Phật giáo, nói chuyện hiện đại hóa lễ nhạc, giáo dục, hoằng pháp, nói chuyện về một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc, những điều ấy chúng ta đã đeo đuổi từ gần tám năm nay. Những hạt giống đã gieo, một cách vô cùng khó khăn. Trong khi chờ đợi, chúng ta gặp toàn những giông tố, những ghen ghét, những thành trì cố chấp hủ bại, tuy nhiên chúng ta không nản chí, không thất vọng.” – Như trên, tr. 75 

[xviii] Như trên, tr. 13

[xix] Hồi ký của HT. Thích Trí Không

[xx] “…Sau khi mẹ tôi mất, đất nước bị chia cắt và chiến tranh vẫn tiếp diễn, tôi rơi vào trầm cảm… Các bác sĩ không giúp gì được. Chính nhờ sự thực tập thiền hành và hơi thở ý thức mà tôi có thể tự chữa trị cho chính mình. […] Khi bạn thực tập thiền tọa hay thiền đi, bạn có thể biết được là hơi thở có đang trị liệu cho bạn không. Bạn có thể thấy được tác dụng trị liệu ngay khi bạn thở vào. Và khi đi, nếu mỗi bước chân đem đến cho bạn niềm an lạc thì mỗi bước chân đó rất nuôi dưỡng và trị liệu. Bạn biết điều đó. Nếu bạn thực tập thở và đi như vậy trong vòng một tuần, tôi tin là bạn có thể chữa trị được chứng bệnh trầm cảm của mình.  Đó là sự thực tập dừng lại để trị liệu – dừng sự rong ruổi, không để cho mình bị kéo đi. Bạn kháng cự lại, bạn không muốn mình bị kéo đi; bạn muốn sống cuộc đời của mình và bạn biết làm thế nào để có được điều đó.” – Pháp thoại ngày 20.6.2014 tại Làng Mai, Pháp

[xxi] Vấn đáp ngày 25.7.2013 tại Làng Mai

[xxii] Những tài liệu cá nhân chưa được công bố của Thầy

[xxiii] Tác phẩm Nẻo về của ý – NXB Văn hóa Sài Gòn, tr.74

[xxiv] Lễ Phật đản (“Buddha Jayanti”) diễn ra tại Tokyo từ ngày 27 – 31.3, và Thầy đã ở lại Nhật từ tháng 3 đến tháng 5.

[xxv] “Thầy nghe nói có hơn 100 thư viện tại Mỹ, với những bộ sách lớn về tôn giáo, trong đó có nhiều kinh điển Phật giáo bằng tiếng Hán, tiếng Phạn và tiếng Pali” – trích từ cuốn sách của Sư cô Chân Không với tựa đề Learning True Love: Practicing Buddhism in a time of War (2007, Rev. Ed).

[xxvi]Phỏng vấn của tạp chí Shambhala Sun, ngày 1.7.2003.

[xxvii] Năm 1965, cuốn Đạo Phật Ngày Nay được NXB Lá Bối phát hành bằng tiếng Pháp với tựa đề Aujourd’hui le Bouddisme do Giáo sư Lê Văn Hảo chuyển ngữ.         

[xxviii] Như trên, tr.78

[xxix] Như trên, tr.87